HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN
TỈNH CAO BẰNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
30/2014/NQ-HĐND
|
Cao Bằng, ngày 11
tháng 12 năm 2014
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐẦU TƯ ĐỔI MỚI CÔNG NGHỆ, NÂNG CAO NĂNG SUẤT,
CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM VÀ XÁC LẬP QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP CHO CÁC DOANH NGHIỆP
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
KHÓA XV, KỲ HỌP THỨ 10
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân
ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy
phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm
2004;
Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ
số 29/2013/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2013;
Căn cứ Luật đầu tư ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ số
50/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005 và
Luật số 36/2009/QH12 ngày 19 tháng 6 năm
2009 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ;
Căn cứ Luật Chuyển giao công nghệ
ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước
ngày 16 tháng 12 năm 2002:
Căn cứ Nghị định số 08/2014/NĐ-CP
ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ
Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công
nghệ;
Căn cứ Nghị định số 95/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ Quy
định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ;
Căn cứ Nghị định số 119/1999/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 1999 của Chính phủ về một
số chính sách và cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động
khoa học và công nghệ;
Căn cứ Nghị định số 56/2009/NĐ-CP
ngày 30 tháng 6 năm 2009 của Chính phủ về
trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa;
Xét Tờ trình số 3392/TTr-UBND ngày
18 tháng 11 năm
2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng về
việc thông qua Nghị quyết về cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư đổi mới công nghệ,
nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm và xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho
các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng;
Sau khi nghe báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách và ý kiến thảo luận
của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ
họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Nhất trí thông qua cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu
tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm và xác lập quyền sở
hữu công nghiệp cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng với những nội
dung sau:
1. Phạm vi điều chỉnh
và đối tượng áp dụng
a) Phạm vi điều chỉnh
Nghị quyết này quy định về cơ chế tài
chính hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước đối với các hoạt động về đầu tư đổi mới công
nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và xác lập quyền sở hữu công nghiệp.
b) Đối tượng áp dụng
- Chính sách này áp dụng cho các tổ chức,
cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia thực hiện các hoạt động về đầu tư
đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và xác lập quyền sở
hữu công nghiệp:
- Chính sách này không áp dụng đối với
các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các dự án đang được thực hiện bằng
nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
2. Điều kiện được
xem xét hỗ trợ và ưu tiên hỗ trợ
a) Điều kiện được xem xét hỗ trợ đối
với các tổ chức
Các tổ
chức, doanh nghiệp được xem xét hỗ trợ
khi đáp ứng các điều kiện sau:
- Tổ chức, doanh nghiệp thực hiện ít nhất một trong các hoạt động thuộc lĩnh vực
nêu tại khoản 3, Điều 1 của Nghị quyết này;
- Là tổ chức, doanh nghiệp có tư cách
pháp nhân, hoạt động, đúng ngành nghề đã đăng ký
kinh doanh và có trụ sở chính đóng trên địa
bàn tỉnh Cao Bằng;
- Có đăng
ký nộp thuế và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, các
chính sách đối với người lao động và thực hiện chế độ hạch toán kế toán theo quy định hiện hành;
- Không bị cơ quan có thẩm quyền kết
luận tình hình tài chính không lành mạnh;
đang lâm vào tình trạng phá sản hoặc nợ đọng không có khả năng chi trả hoặc
đang trong quá trình giải thể.
b) Điều kiện được xem xét hỗ trợ đối với cá nhân
Các cá nhân được xem xét hỗ trợ khi
đáp ứng các điều kiện sau:
- Là chủ sở hữu của ít nhất một trong
các đối tượng, hoạt động thuộc các lĩnh vực nêu tại khoản 3, Điều 1 của Nghị
quyết này;
- Có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Cao
Bằng; có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Pháp luật và không
trong tình trạng đang bị truy cứu tránh nhiệm hình sự.
c) Các điều kiện được xem xét ưu tiên
hỗ trợ
Chính sách này được áp dụng ưu tiên đối
với các tổ chức, cá nhân sau:
- Doanh nghiệp khoa học và công nghệ;
- Tổ chức, cá nhân thực hiện tốt các
hoạt động vì cộng đồng, an sinh xã hội;
- Tổ chức, doanh nghiệp chấp hành tốt
chế độ báo cáo thống kê về khoa học và công nghệ theo quy định hiện hành của Nhà nước;
- Tổ chức, doanh nghiệp có trích lập
Quỹ Phát triển khoa học công nghệ tại cơ sở.
3. Các lĩnh vực hoạt
động được khuyến khích, hỗ trợ
a) Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, tiếp nhận triển khai các thành tựu khoa học
và công nghệ tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh thông qua hợp đồng chuyển giao
công nghệ; đầu tư đổi mới công nghệ, cải tiến áp dụng giải pháp hợp lý hóa sản xuất, hoàn thiện công nghệ (gọi chung
là hoạt động đầu tư đổi mới công nghệ) đối với các lĩnh vực ưu tiên như:
- Công nghệ tạo giống mới; cải tạo
nâng cao năng suất, chất lượng giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh;
- Công nghệ sau thu hoạch, bảo quản,
chế biến nông - lâm sản, thực phẩm;
- Công nghệ sinh học phục vụ nông
nghiệp, nông thôn và y - dược;
- Các công nghệ sản xuất sản phẩm
sạch, thân thiện với môi trường; tiết kiệm năng lượng, tài nguyên và bảo vệ môi
trường;
- Công nghệ sản xuất vật liệu mới, vật liệu composit, vật liệu xây không
nung, vật liệu nhẹ.
b) Hoạt động nâng cao năng suất, chất
lượng sản phẩm bao gồm:
- Áp dụng các hệ thống quản lý chất
lượng, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng tiên tiến;
- Sản phẩm của doanh nghiệp được chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật địa
phương, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;
- Sản phẩm của doanh nghiệp được chứng
nhận phù hợp tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế;
- Xây dựng, áp dụng và công bố tiêu
chuẩn cơ sở (đối với những sản phẩm chưa có tiêu chuẩn quốc gia).
c) Hoạt động xác lập quyền sở hữu công nghiệp
Xác lập quyền bảo hộ đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp ở trong và
ngoài nước, bao gồm: đăng ký bảo hộ sáng chế; giải pháp hữu ích; kiểu dáng công
nghiệp; nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ (dưới dạng nhãn hiệu thông thường, nhãn hiệu
tập thể, nhãn hiệu chứng nhận) và chỉ dẫn địa lý.
4. Các mức hỗ trợ tài chính
a) Hỗ trợ đối với hợp đồng chuyển giao
công nghệ
- Hợp đồng chuyển giao công nghệ có
giá trị trên 1.000.000.000 (một tỷ) đồng được hỗ trợ đến 20% giá trị hợp đồng,
nhưng tối đa không quá 400.000.000 (bốn trăm triệu) đồng;
- Hợp đồng chuyển giao công nghệ có
giá trị từ 500.000.000 (năm trăm triệu) đồng đến 1.000.000.000 (một tỷ) đồng được
hỗ trợ đến 25% giá trị hợp đồng, nhưng không quá 200.000.000 (hai trăm triệu) đồng;
- Hợp đồng chuyển giao công nghệ có
giá trị dưới 500.000.000 (năm trăm triệu) đồng được hỗ trợ đến 30% giá trị hợp
đồng, nhưng không quá 125.000.000 (một trăm hai mươi năm triệu) đồng;
- Hỗ trợ hoạt động tư vấn xây dựng,
thiết lập và đăng ký Hợp đồng chuyển giao công nghệ tại cơ quan nhà nước có thẩm
quyền với mức 50% giá trị hợp đồng tư vấn, nhưng tối đa không quá 10.000.000
(mười triệu) đồng/hồ sơ đăng ký chứng nhận Hợp đồng chuyển giao công nghệ.
b) Hỗ trợ đối với dự án đổi mới công
nghệ, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, hoàn thiện công nghệ
- Dự án đổi mới công nghệ, cải tiến
công nghệ hoặc hoàn thiện công nghệ có giá trị trên 1.000.000.000 (một tỷ) đồng
được hỗ trợ đến 15% giá trị phần công nghệ được đổi mới, cải tiến, áp dụng giải
pháp hợp lý hóa sản xuất, hoàn thiện theo dự toán đã được thẩm định, phê duyệt
nhưng tối đa không quá 300.000.000 (ba trăm triệu) đồng;
- Dự án đổi mới công nghệ, cải tiến
công nghệ hoặc hoàn thiện công nghệ có giá trị từ 500.000.000 (năm trăm triệu)
đồng đến 1.000.000.000 (một tỷ) đồng được hỗ trợ đến 20% giá trị phần công nghệ
được đổi mới, cải tiến, áp dụng giải pháp hợp lý hóa
sản xuất, hoàn thiện theo dự toán đã được thẩm định, phê duyệt nhưng tối đa
không quá 150.000.000 (một trăm năm mươi triệu) đồng;
- Dự án đổi mới công nghệ, cải tiến
công nghệ hoặc hoàn thiện công nghệ có giá trị dưới 500.000.000 (năm trăm triệu)
đồng được hỗ trợ đến 25% giá trị phần
công nghệ được đổi mới, cải tiến, áp dụng giải pháp hợp lý hóa sản xuất, hoàn thiện theo dự toán đã được
thẩm định phê duyệt, nhưng tối đa không quá 100.000.000 (một trăm triệu) đồng.
c) Mức hỗ trợ tài chính đối với hoạt động
nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm
- Hỗ trợ 40.000.000 (bốn mươi triệu) đồng/01 doanh nghiệp được chứng nhận áp dụng
hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng tiên tiến;
- Hỗ trợ 30.000.000 (ba mươi triệu) đồng/01 doanh nghiệp/01 sản phẩm được chứng
nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật địa
phương, hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;
- Hỗ trợ 15.000.000 (mười năm triệu) đồng/01 doanh nghiệp/01 sản phẩm được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn quốc
gia, hoặc tiêu chuẩn quốc tế và hỗ trợ không quá 02 sản phẩm/năm cho một doanh
nghiệp;
- Hỗ trợ 10.000.000 (mười triệu) đồng/01
doanh nghiệp xây dựng, áp dụng và công bố tiêu chuẩn cơ sở đối với những sản phẩm
chưa có tiêu chuẩn quốc gia và hỗ trợ tối đa không quá 02 sản phẩm/năm cho một
doanh nghiệp.
d) Mức hỗ trợ tài chính đối với hoạt động xác lập quyền sở hữu công nghiệp
Đối với xác lập quyền sở hữu công
nghiệp ở trong nước:
- Hỗ trợ 30.000.000 (ba mươi triệu) đồng/01
sáng chế được cấp Bằng độc quyền sáng chế;
- Hỗ trợ 20.000.000 (hai mươi triệu)
đồng/01 giải pháp hữu ích được cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích;
- Hỗ trợ 6.000.000 (sáu triệu) đồng/01
kiểu dáng công nghiệp được cấp Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, và hỗ trợ
tối đa không quá 2 (hai) kiểu dáng công nghiệp/năm cho một tổ chức, cá nhân;
- Hỗ trợ 4.000.000 (bốn triệu) đồng/01 nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu dưới dạng
nhãn hiệu thông thường và hỗ trợ tối đa không quá 2 (hai) nhãn hiệu/năm cho một
tổ chức, cá nhân;
- Hỗ trợ 20.000.000 (hai mươi triệu)
đồng/01 nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ được
cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu dưới
dạng nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận;
- Hỗ trợ 200.000.000 (hai trăm triệu) đồng/01 chỉ dẫn địa lý được cấp Giấy chứng
nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.
Đối với xác lập quyền sở hữu công
nghiệp ở nước ngoài: Hỗ trợ 100% lệ phí quốc gia (lệ phí đăng ký và lệ phí cấp
văn bằng bảo hộ) của nước chỉ định đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ
hoặc kiểu dáng công nghiệp. Mỗi tổ chức, cá nhân được hỗ trợ tối đa không quá
02 đối tượng sở hữu công nghiệp (nhãn hiệu hàng hóa hoặc kiểu dáng công nghiệp)
ở một quốc gia nơi doanh nghiệp phân phối, cung cấp sản phẩm, hàng hóa.
5. Nguồn kinh phí thực
hiện chính sách
Kinh phí thực hiện chính sách được
trích trong tổng kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ hàng năm của tỉnh (tối
đa không quá 10% tổng kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ hàng năm của tỉnh
Cao Bằng) và được huy động từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ tỉnh hoặc từ
các nguồn tài chính hợp pháp khác.
6. Thu hồi kinh phí
hỗ trợ
Các trường hợp sử dụng nguồn kinh phí
hỗ trợ theo Nghị quyết này cho các hoạt động sai mục đích (không đúng đối tượng
đã được phê duyệt hỗ trợ) thì sẽ bị thu hồi một lần toàn bộ số kinh phí đã hỗ
trợ theo quy định.
Điều 2. Xử lý
chuyển tiếp
Đối với những hoạt động, dự án của
doanh nghiệp đã được phê duyệt hỗ trợ kinh phí trước thời điểm Nghị quyết này
có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được triển khai hỗ trợ theo Nghị quyết này có
hiệu lực thi hành thì tiếp tục được triển khai hỗ trợ theo Nghị quyết số
09/2009/NQ-HĐND ngày 17 tháng 7 năm 2009 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành
chính sách hỗ trợ đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng sản
phẩm và xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh
Cao Bằng.
Điều 3. Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho Ủy ban nhân dân
tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết và báo cáo kết quả thực hiện với Hội
đồng nhân dân tỉnh theo quy định.
Điều 4. Thường trực Hội đồng
nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân
dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Điều 5. Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ
ngày thông qua và thay thế Nghị quyết 09/2009/NQ-HĐND ngày 17 tháng 7 năm 2009
của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư đổi mới công nghệ,
nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm và xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho
các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Nghị quyết đã được Hội đồng nhân dân
tỉnh Cao Bằng khóa XV, kỳ họp thứ 10 thông qua./.
Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Bộ Tài chính;
- Bộ Khoa học và Công nghệ;
- Cục Kiểm tra VBQPPL - Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- UBND tỉnh;
- UB MTTQ tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể tỉnh;
- Huyện ủy, Thành ủy, HĐND, UBND các huyện, thành phố;
- Trung tâm Thông tin (VP UBND tỉnh);
- Lưu: VT.
|
CHỦ TỊCH
Hà Ngọc Chiến
|