HỘI ĐỒNG
NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 28/NQ-HĐND
|
Bắc Giang,
ngày 11 tháng 12 năm 2015
|
NGHỊ QUYẾT
THÔNG QUA ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP
TỈNH BẮC GIANG ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG
KHÓA XVII, KỲ HỌP THỨ 14
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND
và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số
55/2008/QĐ-BCT ngày 30 tháng 12 năm 2008 của Bộ Công thương ban hành Quy định nội
dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phát triển lĩnh vực
công nghiệp;
Xét đề nghị của UBND tỉnh
tại Tờ trình số 234/TTr-UBND ngày 30 tháng 11 năm 2015; Báo cáo thẩm tra của
Ban Kinh tế và Ngân sách; ý kiến thảo luận của đại biểu HĐND tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1:
Thông qua Điều chỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp
tỉnh Bắc Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với các nội dung chủ yếu
sau:
1.
Quan điểm, định hướng phát triển
- Phát triển công nghiệp Bắc
Giang phù hợp với quan điểm, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến
năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, các quy hoạch phát triển vùng, ngành của cả nước.
Phát triển công nghiệp nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tạo công ăn việc làm,
tăng thu nhập cho người lao động, xây dựng nông thôn mới.
- Phát triển công nghiệp hiệu
quả, bền vững và làm nền tảng phát triển các ngành dịch vụ và sản xuất khác; phát
huy được lợi thế của tỉnh; sử dụng hợp lý tài nguyên, lao động và đảm bảo các
yêu cầu về môi trường; đảm bảo tính liên kết trên cơ sở phân bố hợp lý về không
gian vùng động lực gắn liền với các trục giao thông chính của tỉnh và cơ cấu
ngành công nghiệp.
- Phát triển công nghiệp có
chọn lọc, ưu tiên phát triển những sản phẩm sử dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật
tiên tiến, có hàm lượng chất xám cao, có giá trị gia tăng cao; ưu tiên phát triển
các ngành công nghiệp cơ khí, chế biến nông lâm sản, điện tử, may mặc và công
nghiệp phụ trợ. Chú trọng phát triển các ngành nghề truyền thống và các ngành
nghề tạo ra sản phẩm phục vụ du lịch; rút ngắn dần khoảng cách về kinh tế - xã
hội giữa nông thôn và thành thị, đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hoá nông nghiệp
và nông thôn.
- Phát triển công nghiệp
trên cơ sở phát triển của khoa học công nghệ và nguồn nhân lực có trình độ cao.
Tăng cường đầu tư chiều sâu, hợp tác đầu tư nước ngoài,
đổi mới thiết bị công nghệ để
tăng năng suất, hạ giá thành. Phát huy tối đa nội lực, tranh thủ các nguồn lực
bên ngoài, nâng cao hiệu quả của hợp tác quốc tế, hợp tác liên tỉnh, liên vùng
và liên ngành.
- Tiếp tục hoàn thiện kết cấu
hạ tầng và khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của các khu, cụm công nghiệp hiện
có, gắn sự phát triển của các khu, cụm công nghiệp với sự phát triển của hệ thống
đô thị, dịch vụ. Ưu tiên thu hút đầu tư công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp
gia công chính xác để hình thành và tham gia cụm tương hỗ sản xuất sản phẩm chủ
lực.
- Phát triển công nghiệp gắn
liền với yêu cầu bảo vệ môi trường, tiến tới công nghệ xanh trong giai đoạn tới
và bảo vệ an ninh quốc phòng.
- Điều chỉnh mô hình tăng
trưởng công nghiệp từ số lượng sang năng suất, chất lượng và hiệu quả; phát triển
các ngành và sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn,
sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đến năm 2030, Bắc Giang cơ bản trở
thành tỉnh có nền công nghiệp phát triển.
2. Mục
tiêu phát triển
Đến năm 2020, giá trị sản xuất
công nghiệp đạt 131.740 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), tăng trưởng bình quân
giai đoạn 2016-2020 là 24,2%/năm; đến năm 2030 giá trị sản xuất công nghiệp đạt
977.100 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 22,2%/năm.
Tốc độ tăng trưởng giá trị
tăng thêm ngành công nghiệp bình quân giai đoạn 2016-2020 là 14,4%/năm, giai đoạn
2021-2030 đạt 14,9%/năm; đóng góp trong cơ cấu GRDP của tỉnh từ 29,9% năm 2015
lên 37,4% năm 2020 và đạt 43,6% vào năm 2030.
3. Quy
hoạch phát triển các ngành công nghiệp
3.1. Quy hoạch phát
triển các phân ngành công nghiệp
3.1.1. Quy hoạch phát triển
ngành công nghiệp cơ khí: Ưu tiên thu hút mạnh ngành cơ khí chính xác, sản
xuất những sản phẩm công nghệ cao, giá trị gia tăng cao. Đến năm 2020, giá trị
sản xuất ngành cơ khí đạt 10.105 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), chiếm 7,7%
trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh, tăng trưởng bình quân giai đoạn
2016-2020 đạt 18,5%; đến năm 2030 đạt 52.000 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân
giai đoạn 2021-2030 đạt 17,8%, chiếm 5,3% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp
của tỉnh.
3.1.2. Quy hoạch phát triển
ngành công nghiệp hóa chất: Phát triển công nghiệp hóa chất một cách bền vững,
phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và quy hoạch phát
triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam. Đến năm 2020, giá trị sản xuất ngành
công nghiệp hóa chất đạt 9.950 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), chiếm 7,5% trong
tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh, tăng trưởng bình quân giai đoạn
2016-2020 đạt 24,7%; đến năm 2030 đạt 67.700 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân
giai đoạn 2021-2030 đạt 21,1%, chiếm 6,9% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp
của tỉnh.
3.1.3. Quy hoạch phát triển
ngành công nghiệp điện tử: Đến năm 2020, giá trị sản xuất ngành điện tử đạt
68.275 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), chiếm 51,83% trong tổng giá trị sản xuất
công nghiệp của tỉnh, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 25,8%; đến
năm 2030 đạt 570.000 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt
23,6%, chiếm 58,34% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.
3.1.4. Quy hoạch phát triển
ngành công nghiệp dệt may, da giầy: Phát triển theo hướng chuyên môn hóa,
hiện đại, hiệu quả và bền vững, lấy xuất khẩu làm mục tiêu cho phát triển của
ngành. Phát triển mạnh các sản phẩm công nghiệp phụ trợ, sản xuất nguyên phụ liệu
dệt may, da giầy, giảm nhập siêu; đến năm 2020, giá trị sản xuất ngành dệt may,
da giầy đạt 16.000 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), chiếm 12,15% trong tổng giá
trị sản xuất công nghiệp của tỉnh, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt
25,1%; đến năm 2030 đạt 125.000 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân giai đoạn
2021-2030 đạt 22,8%, chiếm 12,8% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.
3.1.5. Quy hoạch phát triển
ngành công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm: Phát triển gắn với chuyển dịch
cơ cấu cây trồng, vật nuôi, theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm,
khai thác lợi thế so sánh của địa phương và nâng cao khả năng cạnh tranh trên
thị trường. Đến năm 2020, giá trị sản xuất ngành chế biến nông, lâm sản - thực
phẩm đạt 5.400 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), chiếm 4,1% trong tổng giá trị sản
xuất công nghiệp của tỉnh, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 27,8%;
đến năm 2030 đạt 50.000 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt
24,9%, chiếm 5,12% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.
3.1.6. Quy hoạch phát triển
ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng:
Phấn đấu giá trị sản xuất
công nghiệp ngành vật liệu xây dựng đến năm 2020 đạt 2.300 tỷ đồng, tăng bình
quân 16,1%/năm, chiếm tỷ trọng 1,75% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh; đến
năm 2030 đạt 9.300 tỷ đồng, tăng bình quân 15,0%/năm, chiếm tỷ trọng 0,95% giá
trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.
3.1.7. Quy hoạch phát triển
ngành công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản: Gắn phát triển với bảo
vệ môi trường. Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh
năm 2010) ngành khai thác và chế biến khoáng sản đến năm 2020 đạt 800 tỷ đồng,
chiếm tỷ trọng 0,6% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh; tăng trưởng bình
quân 3,6%/năm; đến năm 2030 đạt 1.600 tỷ đồng, tăng bình quân 7,2%/năm, chiếm tỷ
trọng 0,16% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.
3.1.8. Quy hoạch phát triển
ngành công nghiệp phụ trợ: Tập trung phát triển một số ngành như: Linh kiện,
phụ tùng; công nghiệp phụ trợ ngành dệt may - da giày; công nghiệp phụ trợ cho
công nghiệp công nghệ cao, đảm bảo đến năm 2020 tỉnh Bắc Giang có công nghiệp
tương đối phát triển với sản phẩm công nghiệp phụ trợ có khả năng cạnh tranh,
đáp ứng yêu cầu sản xuất, xuất khẩu của tỉnh. Đến năm 2030, công nghiệp phụ trợ
tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực phục vụ các ngành công nghiệp có công nghệ
cao và sản xuất được các linh kiện, thiết bị hiện đại.
3.1.9. Quy hoạch phát triển
ngành công nghiệp sản xuất điện nước: Đảm bảo việc cung cấp điện được an
toàn, ổn định phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt dân cư. Đồng thời phát triển
các dạng năng lượng mới như biôga, năng lượng gió, năng lượng mặt trời. Giá trị
sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) sản xuất và phân phối điện nước
đến năm 2020 đạt 5.410 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 4,11% giá trị sản xuất công nghiệp
toàn tỉnh; tăng trưởng bình quân 24,4%/năm; đến năm 2030 đạt 41.500 tỷ đồng,
tăng bình quân 22,6%/năm, chiếm tỷ trọng 4,25% giá trị sản xuất công nghiệp
toàn tỉnh.
3.1.10. Quy hoạch phát
triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề: Phấn đấu đến năm 2020 có 65 làng nghề
đạt tiêu chí theo quy định, có trên 60% số hộ và trên 50% nhân khẩu tham gia
làm nghề; các làng nghề tạo việc làm cho khoảng 32.000-35.000 nhân khẩu; mỗi
làng nghề có ít nhất 01 tổ chức kinh tế thuộc loại hình doanh nghiệp hoặc hợp
tác xã.
3.1.11. Quy hoạch phát
triển khu, cụm công nghiệp:
- Khu công nghiệp: Đến
năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 6 khu công nghiệp với tổng diện tích 1.322 ha; định
hướng đến năm 2030 bổ sung thành lập thêm 5 khu công nghiệp nâng tổng số khu công
nghiệp của tỉnh lên thành 11 khu, tổng diện tích 2.522 ha, đáp ứng nhu cầu phát
triển kinh tế - xã hội.
- Cụm công nghiệp: Đến
năm 2020, mở rộng diện tích 2 cụm công nghiệp với diện tích tăng thêm là 53 ha,
thành lập mới 10 cụm công nghiệp với diện tích 297,7 ha nâng tổng số cụm công
nghiệp thành 36 cụm với tổng diện tích là 882,5 ha. Định hướng đến năm 2030, tiếp
tục thành lập mới 9 cụm công nghiệp tại các huyện với diện tích 305 ha, nâng số
cụm công nghiệp đến năm 2030 là 45 cụm với tổng diện tích 1.187,5 ha.
3.2. Nhu cầu vốn đầu
tư
Nhu cầu vốn đầu tư: 73.633
tỷ đồng, trong đó: Giai đoạn 2016-2020: 31.351 tỷ đồng; giai đoạn
2021-2030: 42.282 tỷ đồng. Vốn nhà nước: 344,15 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp: 73.289 tỷ đồng.
3.3. Nhu cầu sử dụng đất
- Tổng
diện tích đất đến 2020 cho các khu, cụm công nghiệp: 2.205 ha, trong đó: Khu
công nghiệp: 1.322,5 ha; Cụm công nghiệp: 882,5 ha.
-
Tổng diện tích đất đến 2030 cho các khu, cụm công nghiệp: 3.709,5 ha, trong đó:
Khu công nghiệp: 2.522 ha; Cụm công nghiệp: 1.187,5 ha.
4. Giải pháp thực hiện
Bao
gồm 10 nhóm giải pháp để thực hiện quy hoạch, cụ thể: (1) Giải pháp về vốn; (2)
Giải pháp về công nghệ; (3) Giải pháp về đất đai; (4) Giải pháp về nguồn nhân lực;
(5) Giải pháp vận động xúc tiến đầu tư, phát triển thị trường và khuyến khích
phát triển doanh nghiệp; (6) Giải pháp về tổ chức quản lý; (7) Giải pháp tập
trung phát triển các nhóm sản phẩm, các ngành sản xuất có lợi thế cạnh tranh;
(8)
Giải
pháp hợp tác liên kết liên vùng và hợp tác phát triển; (9) Giải pháp về bảo vệ
môi trường; (10) Nhóm giải pháp mang tính đột phá.
Điều 2. Giao UBND tỉnh hoàn chỉnh các thủ
tục phê duyệt và tổ chức thực hiện Quy hoạch.
Nghị
quyết được HĐND tỉnh khóa XVII, kỳ họp thứ 14 thông qua./.