HỘI ĐỒNG
NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
05/2019/NQ-HĐND
|
Bắc Kạn, ngày
17 tháng 4 năm 2019
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH DOANH NGHIỆP ĐẦU TƯ VÀO NÔNG NGHIỆP
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ 11
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng
6 năm 2015;
Căn cứ Luật Đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
ngày 12 tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số: 57/2018/NĐ-CP ngày 17
tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp
đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;
Căn cứ Thông tư số: 04/2018/TT-BKHĐT ngày 06
tháng 12 năm 2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định
số: 57/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách
khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;
Xét Tờ trình số: 29/TTr-UBND ngày 20 tháng 3
năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu
tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; Báo cáo thẩm tra của
Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của Đại biểu
Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị quyết
này quy định về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp
trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Các doanh nghiệp nhận ưu đãi và
hỗ trợ là doanh nghiệp được thành lập, đăng ký, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp
và có dự án đầu tư quy định tại Khoản 3 Điều 3 Nghị định số :
57/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến
khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
2. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân
có liên quan trong việc thực hiện chính sách ưu đãi và hỗ trợ theo quy định của
Nghị quyết này.
Điều 3. Nguyên tắc hỗ trợ
1. Ưu tiên hỗ trợ đầu
tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo quy định tại Khoản 2 Điều 3
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu có
hợp đồng liên kết với nông dân.
2. Trong cùng một thời gian, nếu dự án đầu tư được
hưởng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư có các mức ưu đãi, hỗ trợ khác nhau thì doanh nghiệp
được lựa chọn áp dụng mức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư có lợi nhất. Những nội dung
không quy định tại Nghị quyết này thực hiện theo Nghị định số: 57/2018/NĐ-CP
ngày 17 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh
nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
3. Doanh nghiệp tự bỏ
vốn, huy động vốn để thực hiện dự án đầu tư vào ngành, nghề ưu đãi đầu tư trong
nông nghiệp. Nhà nước hỗ trợ sau đầu tư theo định mức hỗ trợ đối với từng
loại hạng mục, công trình do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành.
Điều 4. Các chính sách hỗ trợ
1. Chính sách tiếp cận, hỗ trợ tín
dụng:
Doanh nghiệp có dự án đầu tư vào
nông nghiệp theo quy định tại Nghị định số: 57/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm
2018 của Chính phủ được ngân sách tỉnh hỗ trợ lãi suất vay thương mại sau khi dự
án hoàn thành (được nghiệm thu và đưa vào hoạt động) như sau:
a) Mức hỗ trợ: Bằng chênh lệch lãi
suất cho vay thương mại của các ngân hàng thương mại so với lãi suất tín dụng đầu
tư của nhà nước tính trên số dư nợ thực tế tại thời điểm xem xét hồ sơ hỗ trợ.
b) Hạn mức vay vốn được hỗ trợ lãi
suất: Tối đa không quá 70% kinh phí đầu tư của dự án.
c) Thời gian hỗ trợ lãi suất đối với
từng khoản vay (phát sinh sau khi dự án hoàn thành, đưa vào hoạt động)
tính từ ngày bắt đầu giải ngân theo hợp đồng tín dụng với ngân hàng thương mại
tối đa là 08 năm.
Dự án mà doanh nghiệp tham gia
liên kết chuỗi giá trị thì được áp dụng hỗ trợ lãi suất theo chu kỳ sản xuất của
sản phẩm.
d) Căn cứ để xác định chênh lệch
lãi suất hỗ trợ:
Mức lãi suất cho vay của các ngân
hàng thương mại làm cơ sở để ngân sách nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất là mức
lãi suất cho vay thấp nhất của các ngân hàng thương mại do nhà nước sở hữu trên
50% vốn điều lệ, có hoạt động cho vay các khoản vay vốn phục vụ lĩnh vực nông
nghiệp, nông thôn cùng kỳ hạn và cùng thời kỳ được ngân hàng thương mại niêm yết
công khai tại các điểm giao dịch.
Mức lãi suất tín dụng đầu tư phát
triển của nhà nước làm căn cứ cấp bù chênh lệch lãi suất là mức lãi suất tín dụng
đầu tư phát triển của nhà nước công bố áp dụng cho từng thời kỳ theo quy định của
Chính phủ về tín dụng đầu tư của nhà nước.
2. Hỗ trợ đầu tư trồng rau, củ, quả,
chè:
a) Doanh nghiệp có dự án đầu tư trồng
rau, củ, quả, chè theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch được hỗ
trợ 60% kinh phí đầu tư nhưng không quá 02 tỷ đồng/dự án để đầu tư xây dựng
giao thông, điện, xử lý chất thải, hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống nhà lưới,
nhà kính và các trang thiết bị đi kèm như tưới nước tiết kiệm, điều chỉnh nhiệt
độ… trong hàng rào dự án.
b) Điều kiện hỗ trợ:
Dự án có quy mô diện tích tập
trung từ 10ha đất canh tác trở lên hoặc 3.000m2 trở lên đối với diện
tích nhà trồng cây (nhà kính, nhà lưới) xây kiên cố.
3. Hỗ trợ đầu tư cơ sở bảo quản nông sản:
a) Các doanh nghiệp có dự án đầu
tư cơ sở bảo quản nông sản (gồm sấy, chiếu xạ, khử trùng, đông lạnh, bảo quản
sinh học) được ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% chi phí đầu tư nhưng không quá
02 tỷ đồng/dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông, điện, nước, xử lý chất
thải, nhà xưởng và mua thiết bị trong hàng rào dự án.
b) Điều kiện hỗ trợ:
Công suất sấy nông sản, lâm sản phải
đạt tối thiểu 20 tấn sản phẩm/ngày. Bảo quản rau, hoa quả tươi, chè và các nông
sản khác đạt 500 tấn kho.
4. Hỗ trợ đầu tư cơ sở chế biến nông, lâm sản:
a) Các doanh nghiệp có dự án đầu
tư cơ sở chế biến nông, lâm sản (sản phẩm từ ngành nông nghiệp, lâm nghiệp,
thủy sản) được ngân sách nhà nước hỗ trợ 60% kinh phí đầu tư nhưng không
quá 03 tỷ đồng/dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải, giao thông,
điện, nước, nhà xưởng và mua thiết bị trong hàng rào dự án.
b) Điều kiện hỗ trợ: Các dự án đầu
tư chế biến nông, lâm sản phải bảo đảm các điều kiện giá trị sản phẩm sau chế
biến tăng ít nhất 1,5 lần so với giá trị nguyên liệu thô ban đầu.
5. Hỗ trợ
đầu tư cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung:
a) Doanh nghiệp có dự án đầu tư cơ
sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung được nhà nước hỗ trợ 60% kinh phí đầu
tư nhưng không quá 03 tỷ đồng/dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông, điện,
cấp thoát nước, nhà xưởng, xử lý chất thải trong hàng rào dự án.
b) Điều kiện hỗ trợ: Dự án có quy
mô chăn nuôi tập trung đạt một trong các quy mô sau:
- Đối với trâu, bò trên 100 con
nuôi sinh sản hoặc trên 200 con nuôi lấy thịt.
- Đối với lợn trên 300 con nái
sinh sản hoặc trên 500 con gồm lợn nái và lợn nuôi lấy thịt (trong đó lợn
nái chiếm tối thiểu 1/3 tổng đàn) hoặc trên 1.000 con nuôi lấy thịt.
- Đối với dê trên 400 con sinh sản
hoặc trên 600 con nuôi lấy thịt.
- Đối với gà trên 3.000 con mái
sinh sản hoặc trên 5.000 con nuôi lấy thịt.
- Đối với ngan, vịt trên 2.500 con
mái sinh sản hoặc trên 4.000 con nuôi lấy thịt.
6. Hỗ trợ đầu tư cơ sở giết mổ
gia súc, gia cầm tập trung:
a) Các doanh nghiệp có dự án đầu
tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung có hệ thống quản lý chất thải rắn
và lỏng theo đúng quy định được hỗ trợ 60% kinh phí đầu tư nhưng không quá 02 tỷ
đồng/dự án để đầu tư cơ sở hạ tầng về giao thông, điện, nước, nhà xưởng, xử lý
chất thải và mua thiết bị trong hàng rào dự án.
b) Điều kiện hỗ trợ:
- Đối với cơ sở giết mổ gia súc tập trung có quy
mô tối thiểu 50 con/ngày.
- Đối với cơ sở giết mổ gia cầm tập trung có quy
mô tối thiểu 500 con/ngày.
Điều 5. Nguồn vốn;
trình tự, thủ tục đầu tư
1. Chi hỗ trợ doanh nghiệp theo
Khoản 1 Điều 4 Nghị quyết này được sử dụng từ nguồn chi thường xuyên. Hằng
tháng ngân sách tỉnh cấp trực tiếp cho ngân hàng thương mại chênh lệch lãi suất
vay mà doanh nghiệp được hỗ trợ, theo hồ sơ thanh toán thực tế giữa doanh nghiệp
với ngân hàng thương mại trên cơ sở hợp đồng đã ký. Không thực hiện cấp bù
chênh lệch lãi suất đối với các khoản vay (gốc và lãi) quá hạn tính từ
thời điểm quá hạn.
2. Chi hỗ trợ doanh nghiệp theo quy
định tại các Khoản 2, 3, 4, 5, 6 Điều 4 Nghị quyết này được sử dụng từ nguồn vốn
đầu tư phát triển của tỉnh.
3. Ngân sách tỉnh thực hiện hỗ trợ
sau đầu tư: Khi dự án (hoặc hạng mục của dự án) hoàn thành, nghiệm thu
thì được giải ngân 70% mức vốn hỗ trợ; sau khi dự án đưa vào sản xuất, kinh
doanh thì được giải ngân 30% mức vốn hỗ trợ còn lại.
4. Phần vốn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh
không tính vào thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp.
5. Trình tự, thủ tục đầu tư: Thực hiện theo quy định tại chương IV, Nghị định số: 57/2018/NĐ-CP
ngày 17 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh
nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Điều 6. Điều khoản chuyển tiếp
1. Nghị quyết này thay thế Nghị
quyết số : 11/2015/NQ-HĐND ngày 03 tháng 4 năm 2015 của Hội đồng nhân dân
tỉnh về việc quy định một số chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào
nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
2. Các doanh nghiệp có dự án đang
thực hiện trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực và đáp ứng quy định ưu đãi, hỗ
trợ thì được hưởng ưu đãi, hỗ trợ theo quy định tại Nghị quyết này.
Điều 7. Tổ chức thực hiện
1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết.
2. Giao Thường trực
Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và
Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này được Hội đồng nhân
dân tỉnh Bắc Kạn khóa IX, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 17 tháng 4 năm 2019 và
có hiệu lực từ ngày 27 tháng 4 năm 2019./.