HỘI ĐỒNG
NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 03/2021/NQ-HĐND
|
Thừa Thiên Huế,
ngày 26 tháng 02 năm 2021
|
NGHỊ QUYẾT
QUY ĐỊNH MỘT SỐ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP NHỎ
VÀ VỪA TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
KHÓA VII, KỲ HỌP CHUYÊN ĐỀ LẦN THỨ 14
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11
năm 2019;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà
nước ngày 25 tháng 6 năm 2016;
Căn cứ Luật Hỗ trợ doanh
nghiệp nhỏ và vừa ngày 12 tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số
39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật
Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;
Xét Tờ trình số
1505/TTr-UBND ngày 24 tháng 02 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị
ban hành Nghị quyết quy định một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh
Thừa Thiên Huế; Báo cáo thẩm tra của Ban kinh tế - ngân sách và ý kiến thảo luận
của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Nghị quyết này Quy định một số
chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thừa Thiên Huế.
Điều 2.
Quy định chuyển tiếp
Kể từ ngày Nghị quyết này có
hiệu lực thi hành, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được phê
duyệt theo quy định của Nghị quyết số 04/2018/NQ-HĐND ngày 30 tháng 3 năm 2018 của
Hội đồng nhân dân tỉnh thì tiếp tục thực hiện theo chương trình, kế hoạch đã
phê duyệt; trường hợp doanh nghiệp nhỏ và vừa đáp ứng điều kiện được hỗ trợ
theo quy định tại Nghị quyết này thì được áp dụng Nghị quyết này.
Điều 3.
Tổ chức thực hiện
1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh
triển khai thực hiện Nghị quyết.
Trong quá trình triển khai
thực hiện Nghị quyết nếu gặp vướng mắc phát sinh, Ủy ban nhân dân tỉnh tổng hợp,
thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung và
điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, báo cáo Hội đồng
nhân dân tỉnh tại kỳ họp gần nhất.
2. Giao Thường trực Hội đồng
nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu và các đại biểu Hội đồng
nhân dân tỉnh phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh
giám sát việc thực hiện Nghị quyết theo nhiệm vụ, quyền hạn đã được pháp luật
quy định.
Nghị quyết này đã được Hội đồng
nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VII, Kỳ họp chuyên đề thứ 14 thông qua ngày
26 tháng 02 năm 2021, có hiệu lực kể từ ngày 08 tháng 3 năm 2021 và thay thế
Nghị quyết số 04/2018/NQ-HĐND ngày 30 tháng 3 năm 2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh
Thừa Thiên Huế về Quy định một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh
Thừa Thiên Huế./.
QUY ĐỊNH
MỘT SỐ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TỈNH
THỪA THIÊN HUẾ
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 26 tháng 02 năm 2021 của
Hội đồng nhân dân tỉnh)
Chương
I
NHỮNG QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều
1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh:
Quy định một số chính sách về
hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thừa Thiên Huế.
2. Đối tượng áp dụng:
a) Doanh nghiệp đăng ký
thành lập trên địa bàn tỉnh, tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật về
doanh nghiệp, đáp ứng các tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định
của pháp luật.
b) Cơ quan, tổ chức và cá
nhân liên quan đến hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ
và vừa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Điều
2. Giải thích từ ngữ
Trong Quy định này, các từ
ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Giá thuê mặt bằng là chi
phí mà doanh nghiệp nhỏ và vừa (doanh nghiệp đi thuê) phải trả cho đơn vị kinh
doanh hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp (doanh nghiệp cho thuê), bao
gồm tiền thuê lại đất và phí hạ tầng.
2. Số ngày giải quyết hồ sơ
được quy định tại Quy định này được hiểu là số ngày làm việc.
Điều
3. Nguyên tắc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
1. Trường hợp doanh nghiệp
nhỏ và vừa đồng thời đáp ứng điều kiện của các mức hỗ trợ khác nhau trong cùng
một nội dung hỗ trợ theo quy định của Quy định này và quy định khác của pháp luật
có liên quan thì doanh nghiệp được lựa chọn mức hỗ trợ có lợi nhất.
2. Tỉnh Thừa Thiên Huế hỗ trợ
doanh nghiệp nhỏ và vừa có trọng tâm, có thời hạn, phù hợp với mục tiêu hỗ trợ
và khả năng cân đối nguồn lực của địa phương.
3. Doanh nghiệp nhỏ và vừa
được nhận hỗ trợ khi đã thực hiện đầy đủ quy định của Quy định này và quy định
khác của pháp luật có liên quan. Căn cứ vào nguồn lực hỗ trợ, việc hỗ trợ được
thực hiện theo nguyên tắc:
a) Doanh nghiệp nhỏ và vừa
do nữ làm chủ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ hơn nộp hồ sơ đáp ứng đủ
điều kiện được hỗ trợ trước.
b) Doanh nghiệp nhỏ và vừa nộp
hồ sơ đáp ứng đủ điều kiện trước được hỗ trợ trước.
Chương
II
NỘI DUNG HỖ TRỢ
DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA
Mục 1. HỖ
TRỢ CHUNG
Điều 4.
Hỗ trợ mặt bằng sản xuất, kinh doanhtại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã
có đơn vị kinh doanh hạ tầng
1. Nội dung hỗ trợ:
Doanh nghiệp nhỏ và vừa (trừ
doanh nghiệp nhỏ và vừa có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nhỏ và vừa có vốn
nhà nước) được tỉnh hỗ trợ giá thuê mặt bằng để thực hiện hoạt động đầu tư sản
xuất, kinh doanh tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp sau:
+ Khu công nghiệp: Phong Điền
(huyện Phong Điền), Quảng Vinh (huyện Quảng Điền), Tứ Hạ (thị xã Hương Trà),
Phú Đa (huyện Phú Vang), Phú Bài (thị xã Hương Thủy), La Sơn (huyện Phú Lộc).
+ Cụm công nghiệp: Điền Lộc
(huyện Phong Điền); Bắc An Gia (huyện Quảng Điền); Bình Điền, Tứ Hạ (thị xã
Hương Trà); Thuận An (huyện Phú Vang); Thủy Phương (thị xã Hương Thủy); Vinh
Hưng (huyện Phú Lộc); Hương Hòa (huyện Nam Đông); A Co (huyện A Lưới).
- Thời gian hỗ trợ: Tối đa
05 năm kể từ ngày doanh nghiệp nhỏ và vừa ký hợp đồng thuê mặt bằng lần đầu với
đơn vị kinh doanh hạ tầng.
2. Điều kiện, định mức, hình
thức và thời hạn giải ngân kinh phí hỗ trợ:
a) Điều kiện hỗ trợ:Việc hỗ
trợ mặt bằng quy định tại Điều này không áp dụng đối với DNNVV đã ký hợp đồng
thuê mặt bằng lần đầu với đơn vị kinh doanh hạ tầng trước ngày 08 tháng 3 năm
2021.
b) Định mức hỗ trợ:
Hỗ trợ 30% giá thuê mặt bằng
(bao gồm tiền thuê lại đất và phí hạ tầng) nhưng tối đa không quá 150 triệu đồng/doanh
nghiệp trong suốt quá trình hoạt động. Mức giá hỗ trợ được tính theo giá tại hợp
đồng thuê đã ký kết giữa các bên và không vượt quá mức giá đã được đơn vị kinh
doanh hạ tầng công bố hàng năm theo quy định.
Riêng khu công nghiệp Phú
Bài, Tứ Hạ được hỗ trợ bằng 50% mức hỗ trợ so với các khu công nghiệp còn lại
quy định tại Khoản 1 Điều này; các cụm công nghiệp Thủy Phương, Tứ Hạ được hỗ
trợ bằng 50% mức hỗ trợ so với các cụm công nghiệp còn lại quy định tại Khoản 1
Điều này.
c) Hình thức hỗ trợ:
Chuyển trực tiếp cho đơn vị
kinh doanh hạ tầng mà doanh nghiệp nhỏ và vừa ký hợp đồng thuê mặt bằng.
Trường hợp doanh nghiệp nhỏ
và vừa thuê mặt bằng theo hình thức trả tiền một lần cho cả thời gian thuê
thìcác điều kiện, định mức và thời hạn giải ngân kinh phí hỗ trợ được thực hiện
như quy định tại Điều này.
d) Thời hạn giải ngân kinh
phí hỗ trợ:Doanh nghiệp nhỏ và vừa đã hoàn thành việc xây dựng và đưa công
trình vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
3. Trình tự, thủ tục thực hiện:
a) Hồ sơ đề nghị hỗ trợ:
- Đơn đề nghị hỗ trợ.
- Giấy chứng nhận đăng ký
doanh nghiệp của doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ (bản sao).
- Giấy chứng nhận đăng ký
doanh nghiệp của đơn vị kinh doanh hạ tầng (bản sao).
- Hợp đồng thuê mặt bằng (bản
sao).
- Các hồ sơ có liên quan (bản
sao, nếu có).
b) Trình tự, thủ tục thực hiện
hỗ trợ:
Doanh nghiệp nhỏ và vừa gửi
hồ sơ theo quy định tại điểm a Khoản này đến cơ quan có thẩm quyền để đề nghị hỗ
trợ.
Trong thời hạn 20 ngày kể từ
ngày nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền xem xét, tiến hành xác minh, kiểm
tra, thẩm định hồ sơ đề nghị hỗ trợ.
Trong vòng 03 ngày kể từ
ngày hoàn thành việc thẩm định hồ sơ đề nghị hỗ trợ, cơ quan có thẩm quyền ban
hành Quyết định hỗ trợ. Trường hợp hồ sơ không đảm bảo điều kiện hỗ trợ thì ban
hành Văn bản từ chối và nêu rõ lý do.
4. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh
quy định cụ thể trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan phối
hợp trong việc tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, phê duyệt, tổ chức thực hiện, giám
sát kết quả thực hiện nội dung hỗ trợ theo quy định tại Điều này.
Điều 5.
Hỗ trợ nguồn nhân lực
1. Nội dung hỗ trợ:
Lao động làm việc tại các
doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ hoàn toàn kinh phí tham gia các khóa tập huấn,
bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân do các cơ quan,
đơn vị trực thuộc tỉnh tổ chức.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa tuyển
dụng lao động là người có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Thừa Thiên Huế được hỗ trợ
chi phí tham gia các khóa đào tạo nâng cao năng lực kinh doanh, quản trị doanh
nghiệp. Nội dung và thời lượng đào tạo đáp ứng theo quy định của Thông tư
05/2019/TT-BKHĐT ngày 29 tháng 3 năm 2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn
hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
2. Định mức và hình thức hỗ
trợ:
a) Mức hỗ trợ:
Hỗ trợ theo 03 chuyên đề
sau:
+ Khởi sự kinh doanh: Hỗ trợ
100% chi phí khóa học.
+ Quản trị doanh nghiệp: Hỗ
trợ 70% chi phí khóa học.
+ Quản trị doanh nghiệp
chuyên sâu: Hỗ trợ 50% chi phí khóa học.
Mỗi lao động được hỗ trợ đào
tạo tối đa 01 lần cho mỗi chuyên đề trong suốt thời gian làm việc tại doanh
nghiệp.
b) Hình thức hỗ trợ: Sở Kế
hoạch và Đầu tư tổng hợp nhu cầu trên cơ sở đề nghị của doanh nghiệp để tổ chức
các khóa đào tạo theo quy định.
3. Trình tự, thủ tục thực hiện:
a) Hồ sơ đề nghị hỗ trợ:
- Đơn đề nghịhỗ trợ.
- Giấy chứng nhận đăng ký
doanh nghiệp (bản sao).
- Danh sách học viên đăng ký
tham dự khóa đào tạo và Hợp đồng lao động của từng học viên (bản sao).
b) Trình tự, thủ tục thực hiện
hỗ trợ:
Doanh nghiệp nhỏ và vừa gửi
hồ sơ theo quy định tại điểm a Khoản này đến cơ quan có thẩm quyền để đề nghị hỗ
trợ.
Trong thời hạn 20 ngày kể từ
ngày nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền xem xét, tiến hành xác minh, kiểm
tra, thẩm định hồ sơ đề nghị hỗ trợ.
Trong vòng 03 ngày kể từ
ngày hoàn thành việc thẩm định hồ sơ đề nghị hỗ trợ, cơ quan có thẩm quyền ban
hành Quyết định hỗ trợ. Trường hợp hồ sơ không đảm bảo điều kiện hỗ trợ thì ban
hành Văn bản từ chối và nêu rõ lý do.
4. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh
quy định cụ thể trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan có thẩm quyền trong việc tiếp
nhận hồ sơ, thẩm định, phê duyệt, tổ chức thực hiện, giám sát kết quả thực hiện
nội dung hỗ trợ theo quy định tại Điều này.
Điều 6.
Hỗ trợ tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử
1. Nội dung hỗ trợ:
Doanh nghiệp nhỏ và vừa được
hỗ trợ chi phí tư vấn để đăng ký thành công tài khoản bán hàng trên các Sàn
giao dịch thương mại điện tử lớn và uy tín hàng đầu của Thế giới.
2. Điều kiện, định mức, hình
thức và thời hạn giải ngân kinh phí hỗ trợ:
a) Điều kiện hỗ trợ: Các Sàn
giao dịch thương mại điện tử mà doanh nghiệp nhỏ và vừa đăng ký để được hỗ trợ
phải nằm trong Top 10 tại bảng xếp hạng Sàn giao dịch thương mại điện tử Thế giới.
b) Định mức hỗ trợ: Hỗ trợ
50% giá trị hợp đồng tư vấn đăng ký tài khoản nhưng tối đa không quá 10 triệu đồng/sàn.
Mỗi doanh nghiệp được hỗ trợ tối đa 02 sàn giao dịch và mỗi sàn chỉ được hỗ trợ
01 lần/doanh nghiệp.
c) Hình thức hỗ trợ: Chuyển
trực tiếp cho đơn vị tư vấn.
d) Thời hạn giải ngân kinh
phí hỗ trợ: Doanh nghiệp nhỏ và vừa đã đăng ký thành công tài khoản.
3. Trình tự, thủ tục thực hiện:
a) Hồ sơ đề nghị hỗ trợ:
- Đơn đề nghị hỗ trợ.
- Giấy chứng nhận đăng ký
doanh nghiệp (bản sao).
- Xác nhận của Cơ quan thuế
về việc doanh nghiệp nhỏ và vừa không nợ thuế (bản sao).
- Giấy tờ liên quan đến chất
lượng và quyền sở hữu sản phẩm hàng hóa (nếu có, bản sao).
b) Trình tự, thủ tục thực hiện
hỗ trợ:
Doanh nghiệp nhỏ và vừa gửi
hồ sơ theo quy định tại điểm a Khoản này đến cơ quan có thẩm quyền để đề nghị hỗ
trợ.
Trong thời hạn 20 ngày kể từ
ngày nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền xem xét, tiến hành xác minh, kiểm
tra, thẩm định hồ sơ đề nghị hỗ trợ.
Trong vòng 03 ngày kể từ
ngày hoàn thành việc thẩm định hồ sơ đề nghị hỗ trợ, cơ quan có thẩm quyền ban
hành Quyết định hỗ trợ. Trường hợp hồ sơ không đảm bảo điều kiện hỗ trợ thì ban
hành Văn bản từ chối và nêu rõ lý do.
4. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh
quy định cụ thể trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan có thẩm quyền trong việc tiếp
nhận hồ sơ, thẩm định, phê duyệt, tổ chức thực hiện, giám sát kết quả thực hiện
nội dung hỗ trợ theo quy định tại Điều này.
Mục 2. HỖ
TRỢ DNNVV CHUYỂN ĐỔI TỪ HỘ KINH DOANH
Điều 7.
Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh
1. Nội dung hỗ trợ:
Gồm các nội dung quy định tại
Khoản 2 Điều 16 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14 ngày 12
tháng 6 năm 2017.
2. Điều kiện hỗ trợ:
Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển
đổi từ hộ kinh doanh được hỗ trợ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Trước khi thành lập doanh
nghiệp, hộ kinh doanh đã đăng ký và hoạt động theo quy định của pháp luật.
b) Hộ kinh doanh có hoạt động
sản xuất, kinh doanh liên tục ít nhất là 01 năm tính đến ngày được cấp Giấy chứng
nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.
3. Trình tự, thủ tục thực hiện:
a) Hồ sơ đề nghị hỗ trợ:
- Đơn đề nghị hỗ trợ.
- Giấy chứng nhận đăng ký hộ
kinh doanh (bản chính).
- Giấy chứng nhận đăng ký
thuế (bản sao).
- Chứng từ nộp lệ phí môn
bài, các loại thuế và khoản nộp ngân sách nhà nước khác (bản sao, nếu có);
- Tờ khai thuế trong thời hạn
01 năm trước khi chuyển đổi (bản chính).
b) Trình tự, thủ tục thực hiện
hỗ trợ:
Doanh nghiệp nhỏ và vừa gửi
hồ sơ theo quy định tại điểm a Khoản này đến cơ quan có thẩm quyền để đề nghị hỗ
trợ.
Trong thời hạn 02 ngày kể từ
ngày nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan Đăng ký kinh doanh xem xét, hỗ trợ hoàn thiện hồ
sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh.
Trong vòng 02 ngày kể từ ngày
cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh, cơ quan
Đăng ký kinh doanh gửi hồ sơ cho cơ quan Thuế, bao gồm:
- Bản sao Giấy chứng nhận
đăng ký doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh;
- Bản phô tô hợp lệ Giấy chứng
nhận đăng ký thuế;
- Bản phô tô chứng từ nộp lệ
phí môn bài, các loại thuế và khoản nộp ngân sách nhà nước khác (nếu có).
Trong vòng 03 ngày kể từ
ngày nhận được hồ sơ của cơ quan Đăng ký kinh doanh, cơ quan Thuế gửi Văn bản
cho doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh để hướng dẫn kê khai các loại thuế,
phí được miễn, giảm theo quy định.
Chương
III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 8.
Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước
1. Ủy ban nhân dân tỉnh thống
nhất quản lý nhà nước về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chỉ đạo các cơ quan, đơn
vị, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ tăng cường tuyên truyền, phổ
biến Nghị quyết này đến các đối tượng thụ hưởng. Định kỳ 06 tháng báo cáo Thường
trực Hội đồng nhân dân tỉnh kết quả thực hiện Quy định này.
2. Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ
đạo các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện trong phạm vi nhiệm vụ, quyền
hạn được phân công tổ chức triển khai thực hiện Quy định.
3. Các sở, ban, ngành và Ủy
ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực
hiện nhiệm vụ được phân công thực hiện tại Quy định này.
Điều 9.
Trách nhiệm của doanh nghiệp nhỏ và vừa
1. Cung cấp thông tin, tài
liệu về doanh nghiệp kịp thời, đầy đủ, chính xác theo yêu cầu của cơ quan, tổ
chức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và chịu trách nhiệm trước pháp luật về
thông tin, tài liệu đã cung cấp.
2. Tuân thủ quy định của
pháp luật; thực hiện các nghĩa vụ đối với Nhà nước.
3. Thực hiện đúng cam kết với
cơ quan, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
4. Doanh nghiệp chỉ được hưởng
chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh theo Quy định này nếu không
vi phạm các trách nhiệm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều này.
Điều
10. Sửa đổi, bổ sung và điều chỉnh Quy định
Trong quá trình triển khai
thực hiện Quy định này nếu gặp vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh
nghiệp có ý kiến bằng văn bản gửi về Ủy ban nhân dân tỉnh để thống nhất với Thường
trực Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung và điều chỉnh cho phù hợp
với tình hình thực tế tại địa phương, báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp
gần nhất./.