BAN CHẤP HÀNH
TRUNG ƯƠNG
--------
|
ĐẢNG CỘNG SẢN
VIỆT NAM
---------------
|
Số: 50-KL/TW
|
Hà Nội, ngày 29
tháng 10 năm 2012
|
KẾT LUẬN
VỀ ĐỀ ÁN
“TIẾP TỤC SẮP XẾP, ĐỔI MỚI VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC”
Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận
Đề án “Tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước” và
kết luận như sau:
I - ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH VÀ NGUYÊN
NHÂN
Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết
Trung ương 3 khóa IX và các nghị quyết của Đảng về doanh nghiệp nhà nước, chúng
ta đã đạt nhiều kết quả tích cực. Doanh nghiệp nhà nước được sắp xếp lại một bước
quan trọng, cơ bản tập trung vào những ngành, lĩnh vực, địa bàn then chốt, quan
trọng mà Nhà nước cần nắm giữ, góp phần để kinh tế nhà nước thực hiện vai trò
chủ đạo, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và nhu
cầu của quốc phòng, an ninh.
Tuy nhiên, việc sắp xếp và cổ phần
hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm, chưa chặt chẽ; trình độ công nghệ lạc hậu,
quản trị doanh nghiệp còn nhiều yếu kém, hiệu quả thấp. Việc phân định chức
năng quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu nhà nước còn chưa đủ rõ; thể chế,
cơ chế quản lý, giám sát của chủ sở hữu nhà nước có nhiều sơ hở, yếu kém. Cơ cấu
ngành, lĩnh vực chưa hợp lý, dàn trải, đầu tư ra ngoài ngành kém hiệu quả. Một
số doanh nghiệp vi phạm pháp luật nghiêm trọng, gây thất thoát, lãng phí lớn vốn
và tài sản nhà nước. Mô hình tổ chức đảng trong doanh nghiệp nhà nước chưa hợp
lý, vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng còn hạn chế.
Nguyên nhân chủ yếu của những yếu
kém nêu trên là do chưa có sự thống nhất cao về nhận thức đối với doanh nghiệp
nhà nước; việc thể chế hóa và tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng còn chậm và
có nhiều thiếu sót. Nhiều cán bộ quản lý doanh nghiệp năng lực yếu, chưa đáp ứng
yêu cầu; một bộ phận suy thoái về đạo đức, lối sống, thậm chí vi phạm pháp luật.
Tổ chức và phương thức hoạt động của Đảng trong doanh nghiệp nhà nước chậm đổi
mới, kém hiệu quả.
II – QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO VÀ ĐỊNH HƯỚNG
TIẾP TỤC SẮP XẾP, ĐỔI MỚI VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC
1- Quan điểm chỉ đạo
- Doanh nghiệp nhà nước là lực lượng
nòng cốt của kinh tế nhà nước, là lực lượng vật chất quan trọng, là công cụ hỗ
trợ để Nhà nước điều tiết nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần thúc đẩy
phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tổ
chức và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước phải tuân theo những quy luật khách
quan của kinh tế thị trường có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước và chịu sự
chi phối, giám sát toàn diện của chủ sở hữu là Nhà nước.
- Doanh nghiệp nhà nước phải tiếp tục
sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả để có cơ cấu hợp lý, tập trung vào những
ngành, lĩnh vực then chốt và địa bàn quan trọng. Những doanh nghiệp nhà nước có
lợi thế do Nhà nước giao, có ưu thế độc quyền tự nhiên phải được quản lý theo
cơ chế phù hợp để đảm bảo điều kiện kinh doanh công bằng với các doanh nghiệp
khác.
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối
với việc sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước;
đổi mới và nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng trong doanh nghiệp nhà nước.
2- Định hướng tiếp tục sắp xếp, đổi
mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước
- Tiếp tục quán triệt, thực hiện
nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 3, Nghị quyết Trung ương 9 khóa IX, Nghị quyết
Đại hội XI và các nghị quyết, kết luận của Trung ương về sắp xếp, đổi mới và
nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước phù hợp với bối cảnh nền kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế của nước ta ngày càng đi
vào chiều sâu.
- Kiên quyết điều chỉnh để doanh
nghiệp nhà nước có cơ cấu hợp lý, đi đầu trong đổi mới, ứng dụng khoa học –
công nghệ, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế, tập trung vào
những khâu, công đoạn then chốt của các lĩnh vực: An ninh, quốc phòng; độc quyền
tự nhiên; cung cấp hàng hóa dịch vụ công thiết yếu; và một số ngành công nghiệp
nền tảng, công nghệ cao có sức lan tỏa lớn. Sớm chấm dứt tình trạng đầu tư dàn
trải ngoài ngành và hoàn thành việc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có
dưới 50% vốn nhà nước.
- Khẩn trương bổ sung, hoàn thiện thể
chế quản lý doanh nghiệp nhà nước đồng thời với việc mở rộng quyền tự chủ, tự
chịu trách nhiệm của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp nhà nước phải được tổ chức
lại theo mô hình công ty cổ phẩn, công ty trách nhiệm hữu hạn phù hợp với quy định
của pháp luật; áp dụng chế độ quản trị tiên tiến phù hợp với kinh tế thị trường
và thực hiện chế độ kiểm toán, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, công khai, minh bạch
trên cơ sở mở rộng diện niêm yết trên thị trường chứng khoán.
- Chức năng hỗ trợ điều tiết vĩ mô
và bảo đảm an sinh xã hội của doanh nghiệp phải được đổi mới và thay thế bằng
cơ chế đặt hàng của Nhà nước, được hạch toán theo cơ chế thị trường.
- Kết thúc việc thực hiện chủ trương
thí điểm tập đoàn kinh tế nhà nước; xem xét chuyển một số tập đoàn kinh tế nhà
nước thành tổng công ty. Các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước lớn phải
được cơ cấu lại; được kiểm toán hằng năm; tăng cường vai trò và sự giám sát, kiểm
tra của đại diện chủ sở hữu nhà nước, nhất là trong việc phê duyệt điều lệ, quyết
định chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh, quản lý vốn và tài sản nhà nước
tại doanh nghiệp.
- Nêu cao vai trò và trách nhiệm của
hội đồng quản trị, hội đồng thành viên và ban thường vụ đảng ủy; thực hiện việc
chủ tịch hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng thành viên kiêm bí thư đảng ủy
doanh nghiệp. Mở rộng diện để tiến tới áp dụng bắt buộc chế độ thi tuyển, hợp đồng
có thời hạn tùy thuộc vào kết quả sản xuất, kinh doanh đối với giám đốc, tổng
giám đốc.
- Nghiên cứu hình thành tổ chức thực
hiện thống nhất chức năng đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước.
Trước mắt, tập trung soát xét, điều chỉnh sự phân cấp, phân công giữa Chính phủ
và các bộ, ngành, chính quyền các địa phương trong việc thực hiện chức năng của
cơ quan đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước cấp trên của hội đồng quản trị,
hội đồng thành viên mà không trực tiếp chỉ đọa hoạt động kinh doanh của doanh
nghiệp.
- Tăng cường công tác xây dựng Đảng,
nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực quản lý của đội ngũ lãnh đạo, đặc
biệt là lãnh đạo chủ chốt của doanh nghiệp. Đổi mới quy trình, xác định rõ quyền
và trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc xem xét, quyết
định nhân sự lãnh đạo chủ chốt của doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là nhân sự
chủ tịch và tổng giám đốc.
III – TỔ CHỨC THỰC HIỆN
- Giao Ban cán sự đảng Chính phủ, Đảng
đoàn Quốc hội và các cơ quan liên quan thể chế hóa những nội dung Ban Chấp hành
Trung ương đã thống nhất; tổng kết thực hiện Luật Doanh nghiệp năm 2005, đề xuất
phương án quy định pháp luật phù hợp đối với doanh nghiệp nhà nước.
Ban cán sự đảng Chính phủ khẩn
trương nghiên cứu, làm rõ một số vấn đề còn ý kiến khác nhau, như: mô hình tổ
chức thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước… Ban
Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất
phương án đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của tổ chức đảng và công tác cán
bộ trong doanh nghiệp nhà nước. Trên cơ sở đó, hoàn thiện đề án về sắp xếp, đổi
mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước báo cáo Bộ Chính trị để trình
Ban Chấp hành Trung ương xem xét, ban hành nghị quyết.
- Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì,
phối hợp với Ban cán sự đảng Chính phủ, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng
đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo việc thông
tin, tuyên truyền về vai trò, đóng góp, hạn chế, yếu kém của doanh nghiệp nhà
nước một cách khách quan, rõ định hướng.
- Các tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng,
ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức
quán triệt và thực hiện Kết luận này.
|
T/M BAN CHẤP HÀNH
TRUNG ƯƠNG
TỔNG BÍ THƯ
Nguyễn Phú Trọng
|