ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 8098/KH-UBND
|
Lâm
Đồng, ngày 11 tháng 12 năm 2019
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN MÔ HÌNH CHỢ KIỂU MẪU BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG
Căn cứ Kế hoạch số 20-KH/TU ngày
07/3/2017 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về việc thực hiện Kết luận số 11-KL/TW ngày
19/01/2017 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 08-CT/TW của Ban
Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực
phẩm trong tình hình mới;
Căn cứ Kế hoạch
số 7565/KH-UBND ngày 05/12/2016 của UBND tỉnh về việc triển khai công tác bảo đảm
an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công
thương tại Tờ trình số 4269/TTr-SCT ngày 05 tháng 11 năm 2019, Ủy ban nhân dân
tỉnh Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện mô hình chợ kiểu mẫu bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh
Lâm Đồng, cụ thể như sau:
I. THỰC TRẠNG AN
TOÀN THỰC PHẨM TẠI CHỢ
1. Hoạt động kinh doanh
hàng thực phẩm tại chợ
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
có 82 chợ, trong đó phân theo hạng chợ có 06 chợ hạng 1, 05 chợ hạng 2 và 71 chợ
hạng 3; phân theo khu vực, có 32 chợ thành thị và 50 chợ nông thôn; phân theo
tính chất, có 80 chợ tổng hợp và 02 chợ đầu mối nông sản.
Các chợ trên địa bàn tỉnh đều có hoạt
động kinh doanh ngành hàng thực phẩm, phục vụ nhu cầu tiêu dùng và tiêu thụ
nông sản của người dân.
Các mặt hàng thực phẩm chủ yếu được
kinh doanh tại chợ, gồm: Thực phẩm động vật như thịt heo, thịt bò, thịt trâu,
thịt gà, vịt,...; thủy hải sản như tôm, cá, mực, cua, ghẹ, ốc, nghêu,...; rau,
củ, quả các loại; thực phẩm chế biến như đồ hộp, sản phẩm bao gói sẵn, sản phẩm
đóng chai, đóng gói, sản phẩm đông lạnh, hải sản khô,...; thực phẩm chín; và dịch
vụ ăn uống. Trong đó, nhóm ngành hàng thực phẩm gồm rau củ quả trái cây, thực
phẩm động vật, thực phẩm chế biến, chiếm 60% tổng số hộ kinh doanh. Trong đó,
nhóm hàng rau củ quả trái cây có số hộ kinh doanh lớn nhất, tiếp đến là nhóm
hàng thực phẩm động vật, thực phẩm chế biến, thủy hải sản, dịch vụ ăn uống, thực
phẩm chín.
Theo số liệu khảo sát năm 2018, tổng
số hộ kinh doanh tại các chợ trên địa bàn tỉnh khoảng 7.873 hộ, trong đó có khoảng
6.588 hộ kinh doanh thường xuyên và 1.285 hộ kinh doanh không thường xuyên; có
khoảng 4.718 hộ kinh doanh thực phẩm, chiếm 60% tổng số hộ kinh doanh tại chợ;
trong đó 1.545 hộ kinh doanh rau, củ, quả, trái cây, chiếm 32,75%; 1.029 hộ
kinh doanh thực phẩm động vật, chiếm 21,81%; 959 hộ kinh doanh thực phẩm chế biến,
chiếm 20,33%; 450 hộ kinh doanh thủy hải sản, chiếm 9,54%; 271 hộ kinh doanh thực
phẩm chín, chiếm 5,74%; 464 hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống, chiếm 9,83%. Lực lượng
tham gia kinh doanh tại chợ chủ yếu là hộ kinh doanh nhỏ lẻ và người sản xuất
nhỏ trực tiếp bán sản phẩm tự sản xuất. Đối với các chợ ở khu vực nông thôn, mặt
hàng rau, củ, quả được cung cấp bởi một số ít hộ kinh doanh cố định, còn chủ yếu
do người sản xuất trực tiếp mang hàng ra chợ bán.
2. Cơ sở vật chất của chợ
phục vụ quá trình kinh doanh hàng thực phẩm
Trong những năm gần đây, từ các nguồn
vốn của nhà đầu tư, tiểu thương, nguồn vốn của Dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi
và an toàn thực phẩm (Lifsap), nguồn ngân sách địa phương, hệ thống chợ trên địa
bàn tỉnh đã được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp về cơ sở vật chất, hạ tầng
kỹ thuật, trang thiết bị phòng cháy chữa cháy, hệ thống cấp thoát nước,... có
phần khang trang, sạch đẹp hơn, cơ bản đáp ứng các yêu cầu của ngành hàng kinh
doanh thực phẩm và nhu cầu mua bán của nhân dân chiếm 64,63% tổng số chợ trên địa
bàn tỉnh, tương ứng là 53 chợ, trong đó 19 chợ được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội
hóa và 34 chợ được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn dự án Lifsap. Thông qua đợt khảo
sát năm 2018, có 73 chợ có hệ thống thoát nước thải, chiếm 89,02%; 58 chợ có tổ
chức khử trùng và tiêu diệt côn trùng, động vật gây hại, chiếm 70,73%; 66 chợ
có nhà vệ sinh, chiếm 80,49%; có 49 chợ có phương án phòng cháy chữa cháy, chiếm
59,76%; 44 chợ thành lập đội chữa cháy tại chỗ và có bồn nước chữa cháy, chiếm
53,66%; 06 chợ (hạng 1) lắp hệ thống báo, chữa cháy tự động, chiếm 7,32%; 70 chợ
được trang bị thiết bị, phương tiện phòng cháy chữa cháy theo quy định, chiếm
85,37%; các chợ đều dọn vệ sinh, thu gom rác thải hàng ngày, thời gian thu gom
trung bình từ 1 - 3 lần.
Trang thiết bị của thương nhân kinh
doanh hàng thực phẩm tại chợ: Khu vực kinh doanh thực phẩm tươi sống, quầy
trưng bày thực phẩm được trang bị mặt bàn ốp gạch men hoặc inox, tiểu thương
trang bị dao, găng tay và đeo tạp dề tương đối đầy đủ; khu vực kinh doanh rau,
củ, quả, hàng khô, trang thiết bị trưng bày hàng hóa thường là kệ bằng gỗ hoặc
bằng sắt; khu vực kinh doanh hàng thủy hải sản, hàng hóa được trưng bày trong
thau nhựa, nhôm, bày bán trệt dưới nền chợ, có một số hộ kê trên kệ gỗ cách mặt
đất, sử dụng thiết bị sục oxi nhằm đảm bảo cho thực phẩm luôn tươi; khu vực
kinh doanh thực phẩm chín như giò, chả, bún, bánh tại một số chợ trung tâm đã
có tủ kính để bảo quản, che đậy, bảo đảm vệ sinh thực phẩm; khu kinh doanh ăn uống,
các quầy hàng được trang bị bàn ăn bằng gỗ hoặc lát gạch men, tủ kính trưng bày
thức ăn, trang bị dụng cụ cá nhân đầy đủ; mặt hàng thực phẩm đóng gói, hộp, các
mặt hàng khô, mắm, gạo, trứng, các hộ kinh doanh sử dụng bàn, kệ bằng sắt, gỗ
thường xuyên khô ráo.
3. Nguồn hàng thực phẩm
cung ứng cho các chợ
Nguồn hàng cung ứng cho các chợ khá
phong phú và đa dạng; đối với các mặt hàng thực phẩm động vật nguồn hàng chủ yếu
được lấy từ các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các lò mổ tập trung chủ
yếu tại địa phương; đối với rau củ quả hàng được lấy từ các cơ sở sản xuất,
kinh doanh rau củ quả, của người sản xuất nhỏ, lẻ tại địa phương trực tiếp mang
nông sản ra chợ bán, từ thương lái mua hàng từ người sản xuất hoặc từ các chợ
trong và ngoài tỉnh đem ra chợ bán trực tiếp cho người tiêu dùng hoặc giao buôn
cho các hộ bán lẻ; đối với mặt hàng thực phẩm công nghệ, thủy hải sản,... nguồn
cung chủ yếu từ người bán thuộc các nhà phân phối tại các tỉnh lân cận giao
hàng trực tiếp cho tiểu thương tại chợ như: Tp. HCM, Đồng Nai, Khánh Hòa, Ninh
Thuận, Bình Thuận,...
Các hộ kinh doanh thường đặt hàng bán
trong ngày (đối với hàng thực phẩm tươi sống), hoặc đảm bảo lượng hàng phù hợp
với nguồn vốn kinh doanh; bên cạnh đó, các nhà sản xuất thường có lực lượng
giao hàng tận nơi nên nhu cầu dịch vụ về kho chứa, kho bảo quản sản phẩm tại chợ
ít, mà tại chợ chủ yếu tập trung các dịch vụ như bốc vác hàng hóa, vận chuyển,
trông giữ xe, vệ sinh thu gom rác thải...
Nguồn hàng thực phẩm lưu thông trong
chợ ngoài các sản phẩm có bao bì, nhãn hiệu xác định được nguồn gốc, xuất xứ, hạn
sử dụng, còn hàng thực phẩm không có bao bì, nhãn mác thì khó xác định nguồn gốc,
xuất xứ.
Công tác kiểm tra về an toàn thực phẩm
được các cơ quan liên ngành cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã thường xuyên thực hiện
bằng các phương pháp test nhanh, bình quân một chợ được kiểm tra 02 - 03 lần/năm.
Phương thức mua bán hàng thực phẩm tại
các chợ chủ yếu giao dịch trực tiếp giữa người mua và người bán. Hình thức bán
lẻ là đa số, có hai chợ đầu mối bán buôn nông sản (chợ đầu mối nông sản Đức Trọng
và chợ nông sản Đà Lạt), một số chợ có bán buôn hàng rau củ quả với khối lượng
lớn để phân phối đi các chợ nhỏ trong tỉnh và các vùng lân cận thông qua thương
lái như chợ Đà Lạt, trung tâm thị trấn Di Linh, chợ trung tâm thành phố Bảo Lộc.
4. Nhận thức của tiểu
thương, người tiêu dùng và đơn vị quản lý chợ về an toàn thực phẩm tại chợ
Nhận thức của tiểu thương về an toàn
thực phẩm (ATTP) ngày càng được nâng cao và có trách nhiệm. Thông qua công tác
kiểm tra, hướng dẫn, tập huấn của các ngành chức năng về kiến thức và nghiệp vụ
ATTP; qua công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, băng
rôn, tờ rơi, internet và tuyên truyền trực tiếp đã có tác dụng tích cực về nhận
thức của người kinh doanh; tiểu thương đã quan tâm và tích cực tham gia các lớp
tập huấn, xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm, cam kết bảo đảm an toàn thực
phẩm, khám sức khỏe định kỳ và đầu tư cơ sở vật chất phục vụ kinh doanh. Điều
tra, thống kê tại các chợ trên địa bàn tỉnh năm 2018, có khoảng 1.138 người có
Giấy xác nhận kiến thức về ATTP trong kinh doanh và khoảng 997 người có Giấy
khám sức khỏe định kỳ.
Người tiêu dùng nhất là người tiêu
dùng ở thành thị ngày càng quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và lựa
chọn những thực phẩm an toàn.
Đơn vị quản lý chợ quan tâm, phối hợp với các ngành chức năng và địa phương tuyên truyền, phổ biến các quy định
của pháp luật về an toàn thực phẩm tới tiểu thương kinh doanh thực phẩm bằng
loa phát thanh của chợ, phát tờ rơi, treo băng rôn,..., vận động tiểu thương
tham gia các lớp tuyên truyền, phổ biến về an toàn thực phẩm, xác nhận kiến thức
về an toàn thực phẩm. Có trách nhiệm trong công tác quản lý chợ, từ đó đã đôn đốc,
nhắc nhở tiểu thương thực hiện tốt công tác an toàn thực phẩm.
II. ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ VẤN ĐỀ AN TOÀN THỰC
PHẨM TẠI CHỢ
1. Ưu điểm
- Hạ tầng chợ và cơ sở vật chất của
nhiều chợ được đầu tư khang trang, sạch sẽ, đã cơ bản đáp ứng yêu cầu vệ sinh
an toàn thực phẩm.
- Công tác quản lý nhà nước về VSATTP
có hiệu ứng tích cực, các cấp các ngành quan tâm và chỉ đạo sâu sát, có sự phối
hợp đồng bộ, hiệu quả. Thực hiện hoạt động truyền thông tuyên truyền, phổ biến,
cảnh báo nguy cơ về VSATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng, tác động đến
nhận thức của người dân và thương nhân kinh doanh thực phẩm. Tăng cường công
tác kiểm tra về vấn đề an toàn thực phẩm tại chợ. Thường xuyên tổ chức tập huấn
và xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm cho nhân viên quản lý chợ và các hộ
kinh doanh thực phẩm tại các chợ.
- Công tác phòng chống ngộ độc thực
phẩm luôn được duy trì và thực hiện tốt, giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm, đặc
biệt là giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn
uống trong chợ. Tại các chợ trung tâm đều có kế hoạch giám sát và có các biện
pháp xử lý, khắc phục khi xảy ra ngộ độc thực phẩm tại chợ.
2. Tồn tại và hạn chế
- Một số chợ nhỏ, ở vùng sâu, vùng xa
hạ tầng thương mại chưa được đầu tư đồng bộ như chưa có nhà vệ sinh, sân chợ đọng
nước; cơ sở vật chất phục vụ hoạt động bán hàng còn tạm bợ, không có bàn hợp vệ
sinh, trưng bày hàng hóa thực phẩm trên bao ni lông hoặc trải tấm bìa caton bày
bán ngay dưới nền chợ không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, còn để hàng hóa ở
nơi ẩm thấp, một số quầy không dọn rác thải và rau củ quả hỏng bốc mùi hôi gây ảnh
hưởng đến chất lượng các mặt hàng đang bày bán trên quầy; vẫn còn số đông các hộ
kinh doanh thực phẩm chín chưa có tủ kính, dụng cụ để bảo quản, che đậy; hiện
tượng kinh doanh thực phẩm chín chung với thực phẩm sống (giò chả với thịt sống)
còn diễn ra ở nhiều chợ vùng nông thôn, sẽ dễ lây nhiễm chéo và không bảo đảm
an toàn vệ sinh thực phẩm. Một số thiết bị xuống cấp cũng là nơi trú ẩn của vi
khuẩn.
- Việc vệ sinh xung quanh khu vực
kinh doanh chưa sạch sẽ; các bàn, kệ chưa được lau chùi vệ sinh thường xuyên; tại
các quầy kinh doanh, việc trang bị thùng rác rất ít.
- Tiểu thương chưa quan tâm đến việc
ghi chép nguồn gốc hàng hóa, nên việc truy xuất nguồn gốc hàng thực phẩm gặp
khó khăn, nhất là mặt hàng rau củ quả.
- Công tác kiểm nghiệm thực phẩm tại
chợ chưa được chú trọng; vẫn còn một số lượng sản phẩm thịt được lấy từ các hộ
gia đình thì chưa được kiểm dịch.
- Các vi phạm thường gặp qua kiểm tra
như không có giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm, không có giấy khám sức
khỏe, hàng quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, không có dấu kiểm dịch thú y;
việc xử lý chủ yếu là nhắc nhở.
- Tình trạng thương nhân dùng các chất
bảo quản thực phẩm, chất phụ gia không được phép sử dụng; bán hàng quá hạn sử dụng,
hàng nhái, hàng kém chất lượng không bảo đảm ATTP vẫn còn xảy ra ở một số chợ.
- Các chợ chưa quan tâm thực hiện
công bố số điện thoại đường dây nóng kiến nghị về an toàn thực phẩm; khu vệ
sinh chưa có bảng hướng dẫn quy trình rửa tay và bảng chỉ dẫn “Rửa tay sau khi
đi vệ sinh” ở nơi dễ nhìn; chưa có biển hiệu thông báo tại các khu vực kinh
doanh, một số quầy kinh doanh thực phẩm chưa có bảng hiệu và chưa ghi thông tin
đầy đủ họ tên, mặt hàng, số điện thoại; còn hiện tượng một số hộ kinh doanh
chưa đúng với khu vực bố trí kinh doanh của chợ như gia cầm sống chưa đúng vị
trí, kinh doanh thủy hải sản lẫn với khu kinh doanh thịt, giò chả bày bán chung
với thịt sống.
- Qua nắm bắt thông tin, nguồn thịt
heo đưa vào chợ cơ bản được đóng dấu kiểm dịch thú y, tuy nhiên hiện tượng giữa
việc đóng dấu kiểm dịch thú y với kiểm soát an toàn thực phẩm còn hạn chế.
III. SỰ CẦN THIẾT
VÀ CÁC CĂN CỨ PHÁP LÝ
1. Sự cần
thiết
Sử dụng thực phẩm an toàn là nhu cầu
cơ bản của người dân, hiện nay, tiêu dùng thực phẩm hàng ngày của người dân chủ
yếu vẫn thông qua kênh truyền thống là chợ, vấn đề an toàn thực phẩm tại chợ vẫn
còn những tồn tại hạn chế. Để người tiêu dùng an tâm sử dụng
thực phẩm tại chợ bảo đảm an toàn, việc xây dựng Chợ kiểu mẫu bảo đảm an toàn
thực phẩm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là cần thiết. Qua đó, Chợ bảo đảm thực hiện
đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm, thực phẩm tại chợ luôn bảo đảm chất
lượng, an toàn khi sử dụng, biết được nguồn gốc thực phẩm khi tiêu dùng.
2. Các
căn cứ pháp lý
- Luật An toàn thực phẩm số
55/2010/QH12 ngày 17 tháng 6 năm 2010;
- Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày
02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm;
- Thông tư liên
tịch số 13/2014/TTLT-BYT-BNN&PTNT&BCT ngày 09/4/2014 hướng dẫn việc
phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm;
- Quyết định số 2166/QĐ-BKHCN ngày
15/8/2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Tiêu chuẩn quốc gia TCVN
11856:2017 về chợ kinh doanh thực phẩm;
- Kế hoạch số 20-KH/TU ngày 07/3/2017
của Tỉnh ủy Lâm Đồng về việc thực hiện Kết luận số 11 -KL/TW ngày 19/01/2017 của
Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 08-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về
tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình
hình mới;
- Kế hoạch số 7565/KH-UBND
ngày 05/12/2016 của UBND tỉnh về việc triển khai công tác bảo đảm an toàn thực
phẩm giai đoạn 2016-2020.
IV. MỤC ĐÍCH, YÊU
CẦU
1. Mục
đích
- Tại mỗi địa phương hình thành chợ kiểu mẫu bảo đảm an toàn thực phẩm. Tại chợ, tiểu thương
và đơn vị quản lý chợ thực hiện tốt các quy định về an toàn thực phẩm, bảo đảm
đạt các tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11856:2017 về chợ kinh doanh thực phẩm. Hạ tầng
chợ và cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu kinh doanh thực phẩm. Có thể truy xuất được
nguồn gốc thực phẩm tại chợ.
- Sản phẩm thực phẩm tại chợ được lấy
mẫu kiểm nghiệm để đánh giá về an toàn thực phẩm; được kiểm tra, thanh tra về
công tác quản lý chợ, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự và
phòng cháy chữa cháy.
- Sau đó, các địa phương sẽ tổ chức
triển khai đến toàn bộ các chợ trên địa bàn.
2. Yêu cầu
- Có sự tham gia của các ngành (Công
thương, Nông nghiệp &PTNT, Y tế, Tài nguyên Môi trường, Công an, Quản lý thị
trường); và sự tham gia của các tổ chức chính trị xã hội ở địa phương (Ủy ban Mặt
trận tổ quốc, Hội Liên hiệp phụ nữ) để tổ chức thực hiện.
- 100% tiểu thương kinh doanh thực phẩm
tươi sống, thực phẩm chín, ăn uống và thực phẩm chưa bao gói tại chợ tham gia.
V. CÁC HOẠT ĐỘNG
TRIỂN KHAI
1. Tổ chức làm việc với
đơn vị quản lý chợ, tiểu thương kinh doanh thực phẩm để triển khai thực hiện mô
hình chợ kiểu mẫu bảo đảm an toàn thực phẩm.
- Tuyên truyền, phổ biến quy định, tập
huấn, bồi dưỡng kiến thức về an toàn thực phẩm cho tiểu thương kinh doanh thực
phẩm và nhân viên quản lý chợ; hướng dẫn và hỗ trợ tiểu thương thực hiện đầy đủ
các hồ sơ về bảo đảm an toàn thực phẩm: Giấy khám sức khỏe, giấy xác nhận kiến
thức về an toàn thực phẩm, bản cam kết về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc
thực phẩm.
- Triển khai chợ bảo đảm an toàn thực
phẩm, phổ biến, yêu cầu tiểu thương kinh doanh thực phẩm thực hiện đầu tư cơ sở
vật chất bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh; thực hiện đầy đủ các yêu cầu,
tiêu chuẩn quốc gia chợ kinh doanh thực phẩm.
- Triển khai tới toàn bộ tiểu thương
kinh doanh thực phẩm tươi sống, thực phẩm chín, ăn uống và thực phẩm chưa bao
gói đăng ký tham gia.
2. Hướng dẫn đơn vị quản
lý chợ, tiểu thương thực hiện đầy đủ các quy định
- Đơn vị quản lý chợ: Xây dựng Nội
quy chợ và Phương án bố trí ngành hàng kinh doanh tại chợ được cấp có thẩm quyền
phê duyệt; thực hiện đúng các quy định về vệ sinh môi trường, an ninh trật tự,
và phòng cháy chữa cháy.
- Tiểu thương đầu tư cơ sở vật chất kỹ
thuật bảo đảm phục vụ kinh doanh thực phẩm an toàn.
- Thực hiện những yêu cầu, tiêu chuẩn
quốc gia TCVN 11856:2017-chợ kinh doanh thực phẩm được ban hành tại Quyết định
số 2166/QĐ-BKHCN ngày 15/8/2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ:
+ Đối với đơn vị quản lý chợ thực hiện
các yêu cầu: Về vị trí, địa điểm; bố trí, sắp xếp các khu vực kinh doanh; thiết
kế chợ; hệ thống chiếu sáng; hệ thống cấp, thoát nước; về kinh doanh và giết mổ
gia cầm; an toàn phòng cháy và chữa cháy; vệ sinh môi trường; nhà vệ sinh.
+ Đối với tiểu thương kinh doanh thực
phẩm: Có biển hiệu tại quầy kinh doanh; thực hiện vệ sinh sạch sẽ khu vực kinh
doanh thực phẩm và lối đi; trang bị thiết bị, dụng cụ bảo đảm an toàn và vệ
sinh; thực phẩm bảo đảm tránh gây lây nhiễm chéo; bảo đảm sử dụng, kinh doanh
chất phụ gia thực phẩm an toàn; thực phẩm kinh doanh tại chợ bảo đảm chất lượng,
an toàn thực phẩm. Bảo đảm phù hợp với từng nhóm kinh doanh thực phẩm như sản
phẩm động vật, thủy hải sản tươi sống, rau, củ, quả, dịch vụ ăn uống, thực phẩm
khô và các loại thực phẩm khác. Tham gia tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm;
có đủ sức khỏe theo quy định; ký bản cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm; sử dụng
bảo hộ lao động (găng tay, khẩu trang) khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm đã
qua chế biến và không bao gói. Thực hiện ghi chép sổ sách, lưu giữ hợp đồng,
hóa đơn, chứng từ, thông tin liên quan đến việc mua bán sản phẩm để có thể truy
xuất được nguồn gốc thực phẩm.
(Chi tiết về yêu cầu, tiêu chuẩn
quốc gia TCVN 11856:2017 kèm theo).
3. Thực hiện kiểm nghiệm
mẫu thực phẩm tại chợ với các chỉ tiêu: Enterobacteriaceae, L.monocytogens,
Staphylococci dương tính với Coagulase, nội độc tố của Staphylococcus,
Salmonella, tổng số vi sinh vật hiếu khí, E.coli, gốc kháng sinh, chất tăng trọng,
chất tạo nạc - clenbuterol, ure, hàn the, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Trên
cơ sở kết quả kiểm nghiệm, tiến hành đánh giá vấn đề an toàn thực phẩm tại chợ
nhằm khuyến cáo đối với chủ thể liên quan đến sản xuất, cung ứng, kinh doanh thực
phẩm.
Trong đó:
- Lấy mẫu kiểm nghiệm về ô nhiễm vi
sinh vật theo Quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam: QCVN 8-3:2012/BYT:
+ Thịt và sản phẩm thịt: Tổng số vi
sinh vật hiếu khí, E.coli, Salmonella.
+ Thủy sản và sản phẩm thủy sản:
E.coli, Salmonella, Staphylococci dương tính với Coagulase.
+ Rau củ quả: E.coli, Salmonella.
- Kiểm nghiệm chỉ tiêu dư lượng thuốc
bảo vệ thực vật đối với sản phẩm rau, củ quả, trái cây đối với gốc lân hoặc cúc
hoặc carbamat.
- Kiểm nghiệm chỉ tiêu chất tăng trọng,
chất tạo nạc - clenbuterol, ractopamine đối với sản phẩm thịt.
- Kiểm nghiệm chỉ tiêu
Chloramphenicol - Gốc kháng sinh đối với sản phẩm thủy sản.
- Kiểm nghiệm foocmon và Brax (Hèn
the) đối với thực phẩm chín (bún, bánh phở, giò, chả).
4. Truyền thông, quảng
bá Chợ kiểu mẫu bảo đảm an toàn thực phẩm
- Treo bảng hiệu Chợ kiểu mẫu về bảo
đảm an toàn thực phẩm tại cổng chính của chợ; bảng hiệu từng khu vực kinh doanh thực phẩm (khu kinh doanh thực phẩm động vật, khu kinh doanh
thủy hải sản, khu kinh doanh rau củ quả, khu kinh doanh dịch vụ ăn uống, khu
kinh doanh thực phẩm chín, khu kinh doanh thực phẩm khác). Thực hiện dán số điện
thoại đường dây nóng trên các bảng hiệu để tiếp nhận những phản ánh kiến nghị
và thông báo các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm (Có market kèm
theo).
- Truyền thông về Chợ kiểu mẫu bảo đảm
an toàn thực phẩm tại chợ trên Đài Phát thanh và Truyền hình Lâm Đồng, Báo Lâm
Đồng và truyền hình địa phương tới người dân.
5. Hỗ trợ mỗi quầy 1 cuốn
sổ ghi chép nguồn gốc thực phẩm (sổ có mẫu ghi chép) để tiểu thương thuận tiện
trong sử dụng.
6. Đánh giá việc thực hiện
Chợ kiểu mẫu bảo đảm an toàn thực phẩm. Tổ chức hội nghị công bố Chợ kiểu mẫu bảo
đảm an toàn thực phẩm và truyền thông rộng rãi trên phương tiện thông tin đại
chúng.
7. Xây dựng kế hoạch triển
khai tới toàn bộ các chợ trên địa bàn nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm.
VI. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG THAM GIA
1. Cơ quan tổ chức thực hiện: Sở Công
thương Lâm Đồng và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.
2. Cơ quan phối hợp: Sở Nông nghiệp
và PTNT, Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thông tin và Truyền thông,
Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh.
3. Phạm vi áp dụng: 11 chợ tại 11 huyện,
thành phố trong tỉnh. Riêng địa bàn thành phố Bảo Lộc thực hiện duy trì, phát
triển chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ trung tâm thành phố Bảo Lộc
đã thực hiện trong năm 2018, là cơ sở nhân rộng tới các chợ trên địa bàn thành
phố Bảo Lộc.
- Chợ Mới Đà Lạt Center;
- Chợ Liên Nghĩa - huyện Đức Trọng;
- Chợ trung tâm thị trấn Di Linh;
- Chợ thị trấn Thạnh Mỹ (khu A) - huyện
Đơn Dương;
- Chợ thị trấn Đinh Văn - huyện Lâm
Hà;
- Chợ xã Đạ Rsal
- huyện Đam Rông;
- Chợ thị trấn Lạc Dương - huyện Lạc
Dương;
- Chợ thị trấn Lộc Thắng - huyện Bảo
Lâm;
- Chợ thị trấn Madaguoi - huyện Đạ Huoai;
- Chợ thị trấn Đạ
Tẻh - huyện Đạ Tẻh;
- Chợ thị trấn Cát Tiên - huyện Cát
Tiên.
4. Đối tượng tham gia: Đơn vị quản lý
chợ, tiểu thương kinh doanh thực phẩm tươi sống, thực phẩm chín, ăn uống và thực
phẩm chưa bao gói tại chợ.
5. Quyền lợi và nghĩa vụ của các đối
tượng tham gia
5.1. Đối với đơn vị quản lý, kinh doanh, khai thác chợ
a) Quyền lợi
- Được hướng dẫn, phổ biến, tuyên
truyền các quy định về công tác quản lý chợ, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường,
phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự.
- Được hỗ trợ gắn bảng hiệu chợ kiểu
mẫu bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ nhằm tuyên truyền tới nhân dân biết và
tham gia tiêu dùng tại chợ. Và được tuyên truyền về chợ bảo đảm an toàn thực phẩm
theo tiêu chuẩn quốc gia, tạo thuận lợi thu hút khách hàng đến mua sắm.
b) Nghĩa vụ
- Thực hiện đầy đủ các quy định về quản
lý chợ, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự và các yêu cầu
về an toàn thực phẩm tại chợ theo tiêu chuẩn quốc gia - chợ kinh doanh thực phẩm.
- Đầu tư hạ tầng và trang bị cơ sở vật
chất của chợ còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động kinh doanh thực phẩm.
Khuyến khích đơn vị quản lý chợ đầu tư thiết bị dụng cụ thực hiện test nhanh thực
phẩm tại chợ và thường xuyên đánh giá chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm
trong chợ.
- Thực hiện dán số điện thoại đường
dây nóng 0981 116 748 trên các bảng hiệu và tại nhiều vị trí dễ thấy khu vực
kinh doanh thực phẩm và khu vực chợ để giám sát việc thực hiện vệ sinh an toàn
thực phẩm và báo thông tin về hàng giả, hàng lậu lưu hành tại chợ.
- Theo dõi, giám sát tiểu thương kinh
doanh thực phẩm việc ghi chép và lưu trữ sổ ghi chép nguồn gốc thực phẩm và việc
nhập thực phẩm về chợ; các quy định của tiểu thương thực hiện về ATTP như giấy
xác nhận kiến thức về ATTP, ký cam kết của tiểu thương về ATTP, giấy khám sức
khỏe định kỳ; đôn đốc, nhắc nhở tiểu thương thực hiện tốt công tác vệ sinh môi
trường xung quanh khu vực kinh doanh, thực hiện bỏ rác đúng nơi quy định; hướng
dẫn thương nhân trong việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, thực hiện văn
minh lịch sự khi giao dịch với khách hàng.
5.2. Đối với tiểu thương kinh doanh thực phẩm tại
chợ
a) Quyền lợi
- Được hướng dẫn thực hiện đúng quy định
về kinh doanh thực phẩm tại chợ; được tập huấn kiến thức, hỗ trợ xác nhận kiến
thức về an toàn thực phẩm, hướng dẫn ký cam kết về an toàn thực phẩm, truy xuất
nguồn gốc thực phẩm.
- Được tuyên truyền trên các phương
tiện thông tin đại chúng như loa truyền thanh địa phương, Đài Phát thanh và
Truyền hình tỉnh, huyện, thành phố,
Báo của tỉnh về kinh doanh thực phẩm an toàn đến với công chúng, từ đó thu hút
người dân tin tưởng đến chợ mua sắm.
- Được hỗ trợ sổ sách và hướng dẫn
ghi chép nguồn gốc hàng hóa thực phẩm.
b) Nghĩa vụ
- Thực hiện đúng quy định về kinh
doanh thực phẩm bảo đảm an toàn và các yêu cầu, tiêu chuẩn quốc gia về chợ kinh
doanh thực phẩm.
- Ghi chép và lưu trữ sổ sách theo
dõi nguồn gốc hàng hóa thực phẩm để thực hiện công tác truy xuất nguồn gốc thực
phẩm; tham gia kiểm tra sát hạch kiến thức để được cấp giấy xác nhận kiến thức
về ATTP; thực hiện khám sức khỏe định kỳ 01 năm một lần; thực hiện ký Bản cam kết
bảo đảm an toàn thực phẩm, niêm yết công khai bản cam kết tại quầy kinh doanh
và thực hiện theo các nội dung đã cam kết.
- Tham gia đầy đủ các buổi tập huấn
kiến thức về ATTP, tuyên truyền về chủ trương, chính sách pháp luật trong kinh
doanh; và có bản đăng ký tham gia đề án.
- Thực hiện nghiêm túc theo khuyến
cáo, khuyến nghị khi được các cơ quan thông báo trên cơ sở kết quả kiểm nghiệm.
- Có ý thức và thực hiện tốt vệ sinh
môi trường xung quanh khu vực kinh doanh và công tác vệ sinh chung của chợ; thực
hiện niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết; giao tiếp với khách hàng vui vẻ,
văn minh.
- Trang bị và sử dụng các dụng cụ phục
vụ kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và vệ sinh sạch sẽ; trang
bị thùng rác tại quầy kinh doanh để thực hiện tốt vệ sinh môi trường xung quanh
quầy hàng.
- Không bán thực phẩm chín cùng với
thực phẩm sống khi không có dụng cụ ngăn cách (như giò chả bán cùng với thịt sống,
...); thực hiện đúng quy định và hướng dẫn của đơn vị quản lý chợ đối với khu
kinh doanh gia cầm sống và khu giết mổ gia cầm.
- Kinh doanh hàng hóa thực phẩm theo
đúng quy định của pháp luật. Không được bày bán các thực phẩm đã quá hạn sử dụng,
không bảo đảm ATTP, hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn
gốc.
- Treo bảng hiệu ghi đầy đủ họ và
tên, quầy hàng, mặt hàng, số điện thoại tại quầy kinh doanh.
VII. LỘ TRÌNH THỰC
HIỆN
- Năm 2019: Xây dựng trình UBND tỉnh
ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện mô hình chợ kiểu mẫu bảo đảm an toàn thực
phẩm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
- Năm 2020:
+ Tổ chức tuyên truyền, phổ biến Kế
hoạch, tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm đến đơn vị quản lý chợ và tiểu
thương kinh doanh thực phẩm; triển khai cho tiểu thương đăng ký tham gia.
+ Hướng dẫn đơn vị quản lý chợ, tiểu
thương kinh doanh thực phẩm thực hiện đầy đủ các yêu cầu, tiêu chuẩn quốc
gia-chợ kinh doanh thực phẩm; đầu tư cơ sở hạ tầng và trang bị cơ sở vật chất
phục vụ kinh doanh bảo đảm an toàn thực phẩm.
Cụ thể: Quý I triển khai 02 chợ (chợ
Mới Đà Lạt Center, chợ Lạc Dương); Quý II triển khai 06 chợ (chợ Thạnh Mỹ, chợ
Liên Nghĩa, chợ Đinh Văn, chợ Đạ Rsal, chợ thị trấn Di Linh, chợ Lộc Thắng);
Quý III triển khai 03 chợ (chợ Madaguoi, chợ Đạ Tẻh, chợ Cát Tiên).
- Năm 2021:
+ Quý I-II:
Tổ chức lấy mẫu kiểm nghiệm thực phẩm,
đánh giá kết quả kiểm nghiệm, thông báo kết quả kiểm nghiệm, khuyến cáo (nếu
có) về các nội dung cho tiểu thương, đơn vị quản lý chợ cần thực hiện để bảo đảm
an toàn thực phẩm; tổ chức giám sát tiểu thương, đơn vị quản lý chợ việc thực
hiện những khuyến cáo.
Thực hiện hỗ trợ và hướng dẫn ghi
chép sổ sách theo dõi nguồn gốc thực phẩm (theo mẫu) tới tiểu thương; giám sát
việc thực hiện ghi chép nguồn gốc thực phẩm và việc nhập thực phẩm vào chợ;
Thực hiện hỗ trợ và treo bảng hiệu Chợ
kiểu mẫu bảo đảm an toàn thực phẩm tại cổng chính của chợ; các bảng hiệu từng
khu vực kinh doanh thực phẩm (khu kinh doanh thực phẩm động vật, khu kinh doanh
thủy hải sản, khu kinh doanh rau củ quả, khu kinh doanh dịch vụ ăn uống, khu
kinh doanh thực phẩm chín, khu kinh doanh thực phẩm khác) có market chung. Trên
các bảng hiệu, thực hiện dán số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận những phản
ánh kiến nghị về vi phạm an toàn thực phẩm.
+ Quý III:
Tổ chức đánh giá việc thực hiện Chợ
kiểu mẫu bảo đảm an toàn thực phẩm theo phương pháp đánh giá và 6 bảng tiêu chí
đánh giá quy định tại TCVN 11856:2017;
Tổ chức hội nghị công bố Chợ kiểu mẫu
bảo đảm an toàn thực phẩm.
+ Quý IV:
Tổ chức truyền thông trên phương tiện
thông tin đại chúng gồm: Đài Phát thanh và Truyền hình Tỉnh, huyện, thành phố;
Báo Lâm Đồng; và các phương tiện truyền thông khác tại địa phương và đơn vị quản
lý chợ;
Báo cáo tình hình triển khai và kết
quả thực hiện Chợ kiểu mẫu bảo đảm an toàn thực phẩm.
- Năm 2022, các địa phương xây dựng kế
hoạch, triển khai thực hiện cho tất cả các chợ trên địa bàn.
VIII. KHÁI TOÁN
KINH PHÍ THỰC HIỆN:
1. Tổng kinh phí dự kiến: 1.457.010.000 đồng (Một tỷ bốn
trăm lăm mươi bảy triệu không trăm mười ngàn đồng). Chi tiết:
- Chi phí cho tuyên truyền, phổ biến,
tập huấn kiến thức, đăng ký tham gia đề án, sát hạch kiến thức an toàn thực phẩm:
145.310.000 đồng.
- Chi phí kiểm nghiệm mẫu thực phẩm:
1.036.200.000 đồng.
- Chi phí hỗ trợ bảng hiệu chợ kiểu mẫu
bảo đảm ATTP: 88.000.000 đồng.
- Chi phí hỗ trợ sổ ghi chép nguồn gốc
thực phẩm: 77.500.000 đồng.
- Chi phí tổ chức hội nghị và công bố
chợ kiểu mẫu bảo đảm an toàn thực phẩm: 55.000.000 đồng
- Văn phòng phẩm và dự phòng:
55.000.000 đồng.
2. Nguồn vốn thực hiện: Từ nguồn ngân sách tỉnh bố trí trong 2 năm 2020 và 2021. Cụ thể: năm
2020 bố trí 145.310.000 đồng cho Sở Công thương thực hiện công tác tuyên truyền,
phổ biến, tập huấn; năm 2021 bố trí cho UBND các huyện: Đức Trọng, Di Linh, Đơn
Dương, Lâm Hà, Đam Rông, Lạc Dương, Bảo Lâm, Dạ Huoai, Đạ
Tẻh, Cát Tiên và Tp. Đà Lạt thực hiện kiểm nghiệm mẫu thực phẩm, hỗ trợ bảng hiệu,
sổ ghi chép, hội nghị và công bố chợ kiểu mẫu bảo đảm an toàn thực phẩm.
(Đính kèm bảng dự toán chi tiết kinh phí chợ kiểu mẫu bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh
giai đoạn 2019-2021)
IX. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Sở Công thương
- Đầu mối, theo dõi, tổng hợp báo cáo
UBND tỉnh về tình hình và kết quả triển khai thực hiện Đề
án.
- Tổ chức các lớp
phổ biến, tuyên truyền Đề án; tập huấn kiến thức về an
toàn thực phẩm; hướng dẫn thực hiện các yêu cầu, tiêu chuẩn quốc gia chợ - kinh
doanh thực phẩm cho tiểu thương, đơn vị quản lý chợ đối với các chợ kiểu mẫu bảo
đảm an toàn thực phẩm.
- Hướng dẫn các địa phương xây dựng
và treo bảng hiệu Chợ kiểu mẫu bảo đảm an toàn thực phẩm, các bảng hiệu khu vực
kinh doanh thực phẩm trong chợ (theo market chung).
- Tiến hành rà soát, đánh giá và tổ
chức công bố chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ trung tâm thành phố
Bảo Lộc.
- Chủ trì xây dựng kế hoạch kiểm tra,
thanh tra hoạt động quản lý chợ, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm tại chợ
theo quy định.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn
- Chỉ đạo và giám sát chặt chẽ việc
kiểm dịch an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thịt trên địa bàn, đồng thời kiểm
soát chặt chẽ đối với hoạt động đóng dấu kiểm dịch thú y sản phẩm thịt trước
khi đưa ra thị trường.
- Phối hợp Sở Công thương hướng dẫn,
hỗ trợ địa phương trong công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn kiến thức về
an toàn thực phẩm tại các chợ triển khai an toàn thực phẩm.
- Phối hợp các địa phương trong việc
đánh giá kết quả kiểm nghiệm mẫu thực phẩm thuộc lĩnh vực nông nghiệp, từ đó
khuyến cáo, nhắc nhở tiểu thương kinh doanh thực phẩm thực hiện tốt vấn đề về
an toàn thực phẩm.
3. Sở Y tế
- Phối hợp Sở Công thương, các ngành
có liên quan tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các quy định của pháp luật về an
toàn thực phẩm, cảnh báo các sự cố ngộ độc thực phẩm cho các hộ tiểu thương,
cán bộ Ban quản lý chợ, các doanh nghiệp, Hợp tác xã kinh
doanh và khai thức chợ.
- Phối hợp với Sở Công thương, Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh và UBND các huyện, thành phố
thường xuyên thanh tra, kiểm tra chặt chẽ các quy định của pháp luật về an toàn
vệ sinh thực phẩm tại các chợ trên địa bàn tỉnh.
- Thực hiện công tác giám sát mối
nguy ô nhiễm thực phẩm tại các chợ.
4. Sở Tài chính
Tham mưu bố trí kinh phí từ nguồn
ngân sách tỉnh thực hiện Đề án. Phân bổ kinh phí cho Sở Công
thương vào năm 2020 để thực hiện hoạt động tuyên truyền, tập huấn kiến thức về
an toàn thực phẩm; phân bổ kinh phí cho UBND các huyện, thành phố vào năm 2021
để thực hiện các hoạt động kiểm nghiệm mẫu thực phẩm, hỗ trợ bảng hiệu, sổ ghi
chép, hội nghị công bố chợ kiểu mẫu bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các chợ
triển khai chợ an toàn thực phẩm theo Đề án.
6. Sở Tài nguyên và Môi trường
Hướng dẫn đơn vị quản lý chợ thực hiện
tốt công tác vệ sinh môi trường tại chợ.
7. Công an tỉnh
Hướng dẫn đơn vị quản lý chợ thực hiện
tốt công tác phòng cháy chữa cháy tại chợ và tổ chức kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy tại chợ.
8. Sở Thông tin và Truyền thông
Chỉ đạo các cơ quan truyền thông,
báo, đài tăng cường công tác thông tin, truyền thông, quảng
bá đến người dân về Đề án “Chợ kiểu mẫu bảo đảm an toàn thực
phẩm” để mọi người dân biết.
9. Đài Phát thanh và Truyền hình
Lâm Đồng, Báo Lâm Đồng
Thực hiện đưa tin về nội dung Đề
án và Chợ bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh đến với người dân.
10. Cục Quản lý thị trường
Xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra
kiểm soát hoạt động kinh doanh tại chợ, bảo đảm kinh doanh lành mạnh, vệ sinh
an toàn thực phẩm, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.
11. Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc
- Tổ chức triển khai Chợ kiểu mẫu bảo
đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn theo Đề án: Ngay sau khi Đề án được phê duyệt,
tiến hành xây dựng Kế hoạch chi tiết và đề xuất bố trí kinh phí gửi Sở Tài
chính để triển khai thực hiện Chợ kiểu mẫu bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa
bàn.
- Đối với địa bàn thành phố Bảo Lộc,
trên cơ sở kết quả thực hiện Chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm tại Chợ
trung tâm thành phố Bảo Lộc đã được Sở Công thương chủ trì, phối hợp với UBND
thành phố Bảo Lộc và các đơn vị liên quan thực hiện trong năm 2018, tiến hành
xây dựng Kế hoạch triển khai chợ bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các chợ trên
địa bàn.
- Tổ chức đánh giá việc thực hiện Chợ
kiểu mẫu bảo đảm an toàn thực phẩm theo phương pháp đánh giá và 6 bảng tiêu chí
đánh giá quy định tại TCVN 11856:2017 trước khi tổ chức hội nghị và công bố Chợ
kiểu mẫu bảo đảm an toàn thực phẩm.
- Hàng năm thực hiện báo cáo tình
hình và kết quả xây dựng chợ bảo đảm an toàn thực phẩm về Sở Công thương trước
ngày 15 tháng 12.
12. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh
Phối hợp thực hiện công tác giám sát
vấn đề an toàn thực phẩm tại chợ; tổ chức tuyên truyền tới người dân, hội viên
về chợ kiểu mẫu bảo đảm an toàn thực phẩm để người dân biết, tham gia và mua sắm
sản phẩm thực phẩm tại chợ; chỉ đạo hệ thống trực thuộc tại các huyện, thành phố
phối hợp UBND các huyện, thành phố tuyên truyền, vận động nhân dân, hội viên
tham gia Đề án./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Phạm S
|