Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Kế hoạch 7502/KH-UBND phát triển kinh tế tập thể Đà Nẵng 2017 2016

Số hiệu: 7502/KH-UBND Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Thành phố Đà Nẵng Người ký: Hồ Kỳ Minh
Ngày ban hành: 09/09/2016 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 7502/KH-UBND

Đà Nẵng, ngày 9 tháng 9 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG NĂM 2017

Thực hiện Công văn số 5281/BKHĐT-HTX ngày 07 tháng 7 năm 2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế tập thể năm 2017, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế tập thể thành phố Đà Nẵng năm 2017 như sau:

Phần thứ nhất

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG NĂM 2016

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1.Về số lượng, doanh thu và thu nhập của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác

1.1. Số lượng

- Số lượng hợp tác xã (viết tắt HTX): hiện nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 1011 hợp tác xã, trong đó:

+ HTX nông - lâm - ngư nghiệp: 42 HTX;

+ HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp: 28 HTX;

+ HTX xây dựng: 02 HTX;

+ HTX thương mại dịch vụ: 09 HTX;

+ HTX vận tải: 20 HTX.

- Số lượng tổ hợp tác (viết tắt là THT): hiện nay, trên địa bàn thành phố có 218 THT, trong đó:

+ THT nông - lâm - ngư nghiệp: 89 THT;

+ THT công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp: 33 THT;

+ THT thương mại dịch vụ: 5 THT

+ THT khác (tương hỗ trên biển): 91 THT

- Số lượng liên hiệp hợp tác xã: thành phố có 01 liên hiệp hợp tác xã thương mại nhưng hiện nay đã ngưng hoạt động. Thành phố đang làm thủ tục bắt buộc giải thể trong năm 2016.

1.2. Về doanh thu

- Doanh thu bình quân của một HTX năm 2016 ước đạt 3.554 triệu đồng; tăng 23,5% so với năm 2015. Lãi bình quân mỗi HTX năm 2016 ước đạt 147 triệu đồng, tăng 54,7% so với năm 2015.

- Đối với THT, lãi bình quân năm 2016 ước đạt 57 triệu đồng, tăng 5,6% so với năm 2015.

2.Về thành viên, lao động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã

- Tổng số thành viên HTX ước đến cuối năm 2016 là 8.937 người. Tổng số lao động trong HTX ước đến năm 2016 là 11.956 người, trong đó, số lao động thường xuyên trong HTX là 2.725 người (tăng 20,4% so với năm 2015). Thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX là 40 triệu đồng/năm (tăng 60% so với năm 2015).

- Tổng số thành viên THT ước cho năm 2016 là 1.893 người, đạt trung bình khoảng 9 thành viên/THT.

3. Về trình độ cán bộ quản lý HTX

Tổng số cán bộ quản lý HTX ước đến năm 2016 là 278 người (giảm 5,8% so với năm 2015), trong đó:

- Tổng số cán bộ quản lý trình độ trung cấp, sơ cấp: 149 người;

- Tổng số cán bộ quản lý trình độ cao đẳng, đại học: 57 người.

II. ĐÁNH GIÁ THEO LĨNH VỰC

1. Lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp

Hiện nay, thành phố Đà Nẵng có 42 HTX nông - lâm - ngư nghiệp, với tổng vốn điều lệ khoảng 32,3 tỷ đồng (trong đó có 32 HTX đang hoạt động và 10 HTX đang hoàn thành thủ tục giải thể) và 1802 THT hoạt động trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp. Nhiều HTX đã ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất như: áp dụng công nghệ sản xuất rau sạch, an toàn; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ngắn ngày, cho năng suất cao; tổ chức cung ứng nhiều khâu dịch vụ cho sản xuất nông nghiệp của các hộ thành viên…góp phần tích cực vào phát triển kinh tế hộ nông dân và xây dựng nông thôn mới. Doanh thu bình quân khoảng 824 triệu đồng/HTX, lợi nhuận bình quân khoảng 57,44 triệu đồng/HTX.

Số lao động làm việc thường xuyên tại các HTX nông - lâm - ngư nghiệp là 590 người. Tổng số thành viên tổ hợp tác là 1.400 người. Tổng số cán bộ quản lý HTX là 210 người trong đó, đại học 33 người (chiếm 16%), cao đẳng 21 người (chiếm10%), trung cấp 61 người (chiếm 29%), sơ cấp 49 người (chiếm 23%), chưa qua đào tạo 46 người (chiếm 22%).

2. Lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp

Trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp hiện nay có 28 HTX (trong đó có 17 HTX đang hoạt động và 11 HTX đang thực hiện thủ tục giải thể) với quy mô vốn sản xuất kinh doanh bình quân khoảng 4,2 tỷ đồng/HTX, giải quyết việc làm cho hơn 1.300 lao động với thu nhập bình quân ước khoảng 3 triệu đồng/tháng. So với năm 2015, nhiều HTX lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp sau khi chuyển đổi quy mô vốn giảm do các xã viên còn ngại trong việc tham gia vốn vào HTX kiểu mới nên số lượng xã viên tham gia ít hơn và cho vốn điều lệ của HTX giảm xuống.

Hoạt động của HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn có sự cải thiện đáng kể, hầu hết các HTX hoạt động đều có sự tăng trưởng tốt, mức tăng trung bình đạt 10-12% so với cùng kỳ năm ngoái như: HTX CB-KD hàng XK Bảo Trung (tăng 36%), HTX Mây tre An Khê (tăng 27%), HTX sắt thép Hòa Hiệp (tăng 21%)...; Các HTX tích cực tìm kiếm khách hàng, hợp đồng, chú trọng đầu tư tư liệu sản xuất nên duy trì tốt hoạt động sản xuất, ổn định việc làm, thu nhập cho thành viên và người lao động của HTX

3. Lĩnh vực thương mại - dịch vụ

Trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, hiện nay thành phố Đà Nẵng có 09 HTX thương mại dịch vụ (trong đó có 06 HTX đang hoạt động và 3 HTX đang thực hiện thủ tục giải thể) với tổng vốn điều lệ ước tính khoảng 1.9 tỷ đồng/HTX.

Một số HTX mới phát triển theo hướng nâng cao hiệu quả, đa dạng hơn. Các HTX thương mại đã tập trung khai thác nguồn hàng để cung ứng thị trường; liên kết với các HTX nông nghiệp để sản xuất và tiêu thụ các mặt hàng tiêu dùng. Liên kết giữa các HTX sản xuất, HTX nông nghiệp với HTX thương mại, liên kết giữa các HTX sản xuất với tổ hợp tác bước đầu được tăng cường, phát huy hiệu quả nhất là giữa các HTX và các tổ hợp tác cùng ngành nghề để gia công sản phẩm, tạo việc làm cho người lao động và tăng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh (HTX Mây tre An Khê và THT sản xuất mây tre thôn Tà Lang- Giàn Bí xã Hòa Bắc).

4. Lĩnh vực vận tải

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 20 HTX vận tải (trong đó 16 HTX đang hoạt động và 04 HTX đang thực hiện thủ tục giải thể) với 492 xe ô tô được cấp phép hoạt động kinh doanh vận tải. Đến nay, các HTX đã cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi hoạt động theo mô hình của Luật Hợp tác xã 2012. Đa số các HTX hoạt động tương đối ổn định theo mô hình dịch vụ, vận chuyển hàng hóa, hành khách, hợp đồng du lịch góp phần phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, vận chuyển hàng hóa phục vụ cho các ngành kinh tế và đời sống dân sinh trong và ngoài thành phố. Ước năm 2016, tổng doanh thu của các HTX vận tải đạt 115 tỷ đồng (doanh thu bình quân 6,76 tỷ đồng/HTX).

Nét mới trong hoạt động của các HTX vận tải là thay đổi cách thức tổ chức quản lý, vận động thành viên góp vốn bằng phương tiện (ô tô) để HTX đứng tên, gắn thiết bị theo dõi hành trình của xe. Nhờ vậy, HTX quản lý tốt phương tiện và đội ngũ lái xe, hoạt động vận tải có nề nếp hơn.

III. KẾT QUẢ THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VÀ CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ

1. Kết quả triển khai Luật và các văn bản hướng dẫn

Để triển khai Luật HTX, Thành ủy, UBND thành phố đã ban hành các văn bản chỉ đạo:

- Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 30/10/2007 về phương hướng củng cố, phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp trên địa bàn thành phố và Quyết định số 7303/QĐ-UBND ngày 09/9/2008 của UBND thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 02.

- Kết luận số 06-KL/TU ngày 17/7/2014 của Thành ủy Đà Nẵng về một số chủ trương, giải pháp thực hiện Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị khóa IX. Kết luận đã đưa ra nhiều chủ trương, giải pháp nhằm đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, trong đó có công tác tuyên truyền và ban hành các văn bản triển khai Luật HTX năm 2012.

- Công văn số 5652/UBND-KTN ngày 20/6/2014 UBND thành phố về việc tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

- Quyết định số 5092/QĐ-UBND ngày 30/7/2014 của UBND thành phố về việc thành lập Ban chỉ đạo Phát triển kinh tế tập thể thành phố Đà Nẵng.

- Thông báo số 270/TB-VP ngày 22/8/2014 của Văn phòng UBND thành phố về Kết luận Chủ tịch UBND thành phố tại cuộc họp BCĐ Phát triển kinh tế tập thể thành phố, trong đó có nội dung phân công trách nhiệm cho các sở, ngành triển khai các nội dung chuyển đổi mô hình hoạt động của HTX theo Luật, xây dựng kế hoạch đổi mới, phát triển HTX.

- Công văn số 7286/UBND-KTN ngày 16/9/2015 về việc triển khai Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Hợp tác xã

- Quyết định số 2095/QĐ-UBND ngày 06/4/2016 của UBND thành phố về việc phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tập thể thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2016 - 2020.

Ngoài ta, khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố năm 2017 đã lồng ghép các nội dung xây dựng các chỉ tiêu phát triển kinh tế tập thể.

2. Công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể

Công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể được các Sở, ngành, UBND các quận, huyện quan tâm thực hiện: hầu hết các đơn vị đã bố trí cán bộ kiêm nhiệm hoặc chuyên trách tham mưu theo dõi về phát triển kinh tế tập thể; chỉ đạo thực hiện tốt công tác thông tin, báo cáo, giám sát thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012.

UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có công văn gửi UBND các quận, huyện về công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, rà soát tình hình hoạt động của các hợp tác xã trên địa bàn, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc vượt quá thẩm quyền của UBND quận huyện để báo cáo UBND thành phố, đồng thời đôn đốc nhắc nhở UBND các quận, huyện khẩn trương hướng dẫn các HTX chuyển đổi theo đúng tiến độ của Luật HTX năm 2012.

Trong lĩnh vực thực hiện pháp luật về cấp Giấy chứng nhận đăng ký HTX, UBND các quận, huyện cũng đã triển khai thực hiện theo đúng các thủ tục và biểu mẫu quy định tại Nghị định 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định một số điều của Luật Hợp tác xã và Thông tư 03/2014/TT-BKHĐT ngày 26/5/2014 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn đăng ký HTX và tình hình hoạt động của HTX, từ đó xây dựng theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2008 trong việc thực hiện thủ tục cấp, đổi Giấy chứng nhận đăng ký HTX nhằm xác định rõ trách nhiệm của từng bộ phận trong việc cấp, đổi Giấy chứng nhận đăng ký HTX; rút ngắn thời gian cấp, đổi tạo điều diện thuận lợi hơn cho các tổ chức, cá nhân.

Đa số các quận, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo phát triển KTTT, trong đó tập trung chỉ đạo rà soát, củng cố, tổ chức lại HTX, xây dựng đề án phát triển KTTT trên từng địa bàn.

3. Kết quả triển khai chính sách hỗ trợ, ưu đãi hợp tác xã

3.1. Chính sách hỗ trợ, khuyến khích thành lập mới, bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực

Năm 2016, thành phố đã bố trí 3.729 triệu đồng cho Liên minh HTX thành phố để thực hiện một số nội dung:

- Hỗ trợ xúc tiến thương mại, tham gia các Hội chợ, tham quan học tập xây dựng mô hình HTX mới; phát triển HTX theo tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 30/10/2007 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng.

- Tuyên truyền pháp luật về HTX: Tổ chức 10 lớp phổ biến, tuyên truyền về Luật HTX; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; vận hành Website Liên minh HTX; thực hiện bản tin kinh tế tập thể...

- Tổ chức Đại hội Liên minh HTX lần thứ V 2016-2020.

- Tổ chức cuộc thi tìm hiểu Luật HTX 2012…

Ngoài ta, thành phố đã bố trí 853,5 triệu đồng cho công tác hỗ trợ thành lập mới và chuyển đổi mô hình HTX, cụ thể:

- Hỗ trợ 175 triệu đồng để thành lập mới 07 HTX - tương ứng 25 triệu đồng/HTX;

- Hỗ trợ 687,5 triệu đồng cho 55 HTX tổ chức lại hoạt động hoặc chuyển đổi sang hình thức khác - tương ứng số tiền hỗ trợ 12,5 triệu đồng/HTX;

3.2. Chính sách hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường

Năm 2016, ngành Công thương tạo điều kiện hỗ trợ 50% chi phí 05 gian hàng cho Liên minh HTX Đà Nẵng, 03 gian hàng cho HTX Nấm Kim Thanh tham gia Hội chợ Xuân 2016; miễn phí 01 gian hàng cho HTX Nấm Kim Thanh tham gia Hội chợ Quốc tế Thương mại, du lịch và Đầu tư Hành lang kinh tế Đông - Tây 2016 do Sở Công Thương tổ chức tại Đà Nẵng; Hỗ trợ chi phí gian hàng cho Liên minh HTX Đà Nẵng và HTX nấm Kim Thanh tham gia Hội chợ Thương mại Quốc tế Festival Huế với tổng kinh phí hơn 50 triệu đồng. Trong thời gian tới thành phố sẽ tiếp tục hỗ trợ chi phí gian hàng cho các HTX tham gia Hội chợ hàng Việt - Đà Nẵng 2016.

Thành phố cũng tổ chức nhiều hoạt động nhằm kết nối giữa các nhà sản xuất, các cơ sở sản xuất hàng nông sản trên địa bàn với các doanh nghiệp, trung tâm thương mại siêu thị nhằm giới thiệu, hỗ trợ, giúp các cơ sở sản xuất tiêu thụ sản phẩm:

- UBND thành phố chỉ đạo ngành Công Thương triển khai các thủ tục để hỗ trợ xây dựng website miễn phí cho HTX nấm Kim Thanh; hoàn thành thủ tục đăng ký nhãn hiệu cho 02 cơ sở sản xuất nấm ăn, sản xuất rau trên địa bàn huyện Hòa Vang.

- Hỗ trợ một số HTX, cơ sở sản xuất nông nghiệp tham gia 02 Phiên chợ Hàng Việt tại Huyện Hòa Vang nhằm hỗ trợ các đơn vị tìm kiếm đối tác tiêu thụ và khng định thương hiệu hàng hóa tại địa phương.

- Tổ chức buổi làm việc tiếp xúc giữa HTX Rau an toàn Túy Loan và DNTN kinh doanh thực phẩm tươi sống Hoa Đất với các tiểu thương kinh doanh rau củ quả ở các chợ trực nhằm tạo điều kiện kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp nông thôn. Kết quả, đã bố trí mặt bằng (02 điểm) tại chợ Cồn, chợ Hàn cho DNTN Hoa Đất để giới thiệu sản phẩm và liên kết 13 tiểu thương tại chợ Hàn, chợ Cồn, chợ Đống Đa tiêu thụ sản phẩm cho HTX Rau an toàn Túy Loan.

- Chỉ đạo ngành Công Thương xây dựng Kế hoạch tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2016. Hiện nay, đang triển khai công tác mời gọi doanh nghiệp, HTX các tỉnh, thành phố (Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hải Phòng; và các tỉnh thành khu vực Miền Trung - Tây Nguyên) tham gia hội nghị và lựa chọn các nội dung có thể ký kết hợp tác tại hội nghị (dự kiến trong tháng 10/2016).

3.3. Chính sách hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ mới, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm

Ngành Khoa học và Công nghệ đã tăng cường hỗ trợ các HTX xây dựng nhãn hiệu tập thể và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, cụ thể:

- Thực hiện kế hoạch xây dựng nhãn hiệu tập thể "Giá đỗ Nghi An” cho sản phẩm giá đỗ của HTX Giá đỗ Nghi An, quận Cẩm Lệ”. Hiện nay, HTX đang chờ Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ.

- Triển khai kế hoạch xây dựng và đăng ký bảo hộ nhãn hiu tập thể cho sản phẩm nấm của HTX Nấm Nhơn Phước, huyện Hòa Vang: đã hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể "HTX nấm Nhơn Phước” cho sản phẩm nấm của HTX gửi Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định.

 - Triển khai thí điểm xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008: đang hỗ trợ 03 HTX xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001-2008 là HTX Sản xuất vật liệu xây dựng Thanh Châu; HTX Chế biến và Kinh doanh hàng xuất khẩu Bảo Trung; HTX Dịch vụ, Sản xuất và Kinh doanh tổng hợp Hòa Cường. Các hoạt động chính đã thực hiện: Khảo sát việc quản lý chất lượng sản phẩm/dịch vụ; đào tạo nhận thức; đào tạo xây dựng tài liệu ISO; xây dựng hệ thống tài liệu.

3.4. Chính sách tín dụng, tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển HTX

Căn cứ Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, mức cho vay đối với một dự án tối đa bằng 70% tổng mức đầu tư của dự án và không quá 300 triệu đồng/ 01 dự án. Lãi suất cho vay đối với thời hạn vay từ 01 năm trở xuống bằng 60% lãi suất tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước theo quy định hiện hành và lãi suất cho vay đối với thời hạn vay trên 01 năm đến 03 năm bằng 60% lãi suất tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước theo quy định hiện hành cộng thêm 1%/năm. Thời hạn cho vay tối đa là 36 tháng.

Từ khi thành lập “Quỹ hỗ trợ phát triển HTX”3 đến nay, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX đã được thành phố bố trí đủ vốn điều lệ là 05 tỷ đồng. Quỹ đã cho 05 HTX vay với tổng dư nợ vay là 1,75 tỷ đồng.

3.5. Chính sách hỗ trợ chế biến sản phẩm

Ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã hỗ trợ 100 triệu đồng để HTX Hòa Nhơn và HTX Hòa Phong 2 xây dựng hệ thống lò sấy lúa giống. Trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ cơ giới hóa nông nghiệp, ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã hỗ trợ máy làm đất cho HTX Hòa Phú; máy GĐLH cho HTX Hòa Phong 2; giàn phun sương cho HTX nấm Tây An; hệ thống tưới nước tự động để làm hoa, giàn treo hoa cho Hội Nông dân quận Liên Chiểu; máy sấy nấm cho HTX Song Phước, lò hấp nấm cho HTX An Hải Đông; tổng kinh phí hỗ trợ là 250 triệu đồng. Thông qua việc lồng ghép các chương trình hỗ trợ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND thành phố đã bố trí kinh phí thực hiện các nội dung hỗ trợ kinh tế tập thể như hỗ trợ lúa giống; hỗ trợ các HTX nấm chứng nhận sản xuất và sơ chế nấm theo tiêu chuẩn VietGAP…

Ngành Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ bằng nhiều phương thức khác nhau cho các HTX trên địa bàn thành phố, cụ thể:

- Hỗ trợ giống nấm sò cấp 3 các loại (xám, tím, trắng) đạt tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ sản xuất thương phẩm cho các HTX vệ tinh thuộc Dự án và các HTX khác trên địa bàn thành phố như HTX Kim Thanh, HTX Song Phước, các HTX, tổ hợp tác thuộc quận Liên Chiểu, các HTX sản xuất nấm thuộc địa bàn huyện Hòa Vang phục vụ sản xuất thương phẩm4. Hỗ trợ bịch phôi nấm Sò và Linh chi cho HTX Kim Thanh, HTX Nấm Nhơn Phước5.

- Tập huấn kỹ thuật phòng trừ bệnh hại trên nấm Linh chi cho Tổ hợp tác Sản xuất nấm Khuê Mỹ, HTX Nông nghiệp 1 Hòa Quý, Tổ hợp tác Sản xuất nấm Bình Kỳ với 60 lượt người tham gia. Lớp tập huấn đã giúp các hội viên HTX nắm vững quy trình kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hại, quản lý mô hình đạt hiệu quả kinh tế. Tập huấn kỹ thuật trồng nấm Sò và Linh chi cho HTX Hòa Tiến, HTX Nhơn Phước, Tổ hợp tác Sản xuất nấm Hòa Liên với 35 lượt người tham gia. Qua tập huấn, các đối tượng tham gia đã nắm vững kỹ thuật nuôi trồng nấm Sò và Linh chi, công tác chuẩn bị và phương pháp thực hiện.

- Tổ chức các lớp tập huấn: Ứng dụng kỹ thuật trồng giá đỗ sạch không dùng cát cho nông dân quận Sơn Trà; kỹ thuật nuôi cá nước ngọt, gồm cá trê lai và cá diêu hồng cho nông dân xã Hòa Sơn; kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ổi không hạt cho nông dân xã Hòa Sơn cũng có sự tham gia của một số hội viên các HTX tại địa phương.

4. Kết quả đăng ký lại, chuyển đổi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã

Thành phố đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cục Thuế thành phố và Liên minh Hợp tác xã thành phố thực hiện các thủ tục cưỡng chế giải thể bắt buộc đối với 01 Liên hiệp hợp tác xã ở thành phố Đà Nẵng do đơn vị này không đủ điều kiện để tiếp tục tồn tại theo quy định (lý do: đơn vị không treo biển hiệu, không hoạt động tại trụ sở đăng ký, chỉ có 01 HTX thành viên...).

Về công tác rà soát, hướng dẫn các hợp tác xã chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012, qua rà soát của UBND các quận, huyện, hiện nay trên địa bàn thành phố có 101 HTX, trong đó: có 68 HTX đang hoạt theo đúng luật HTX 2012, 29 HTX đang thực hiện các thủ tục giải thể nhưng chưa hoàn thành do còn nhiều vướng mắc khách quan, hầu hết liên quan đến công nợ và xử lý các tài sản khi giải thể... và 04 HTX đang thực hiện tổ chức lại, cụ thể:

· Quận Hải Châu có 21 HTX, trong đó:

+ 09 HTX đang hoạt động theo Luật HTX năm 2012,

+ 10 HTX đang thực hiện thủ tục giải thể theo quy định,

+ 02 HTX6 chưa thực hiện việc chuyển đổi mô hình hoạt động theo đúng Luật hợp tác xã 2012, UBND quận đang phối hợp với các đơn vị để đôn đốc 02 HTX này thực hiện các thủ tục theo quy định.

· Quận Ngũ Hành Sơn 09 HTX, trong đó:

+ 04 HTX đang hoạt động theo Luật HTX năm 2012,

+ 05 HTX đang thực hiện thủ tục giải thể theo quy định.

· Quận Cẩm Lệ 06 HTX đang hoạt động theo Luật HTX năm 2012.

· Quận Liên Chiểu có 15 HTX, trong đó:

+ 07 HTX đang hoạt động theo Luật HTX năm 2012,

+ 07 HTX đang thực hiện thủ tục giải thể theo quy định,

+ 01 HTX7 không chấp hành chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 (mặc dù đang hoạt động bình thường). UBND quận và Liên minh HTX thành phố đang phối hợp để yêu cầu HTX này khẩn trương chuyển đổi theo quy định.

· Quận Thanh Khê 15 HTX, trong đó:

+ 13 HTX đang hoạt động theo Luật HTX năm 2012,

+ 01 HTX8 đang làm thủ tục đối chiếu chứng từ thanh toán kinh phí chi trả cho cổ đông để thực hiện việc giải thể tự nguyện,

+ 01 HTX9 đang bị khởi kiện bởi Quỹ đầu tư phát triển thành phố Đà Nẵng, UBND quận đã có Công văn nhờ Liên minh Hợp tác xã thành phố tư vấn về trường hợp liên quan đến tình hình hoạt động của HTX này để giải quyết.

· Quận Sơn Trà 14 HTX, trong đó:

+ 10 HTX đang hoạt động theo Luật HTX năm 2012,

+ 04 HTX đang thực hiện thủ tục giải thể theo quy định.

· Huyện Hòa Vang có 21 HTX, trong đó:

+ 19 HTX đang hoạt động theo Luật HTX năm 2012,

+ 01 HTX đang thực hiện thủ tục giải thể theo quy định,

+ 01 HTX10 đang được hoàn thiện thủ tục chuyển đổi theo quy định.

IV. THUẬN LỢI - KHÓ KHĂN - NGUYÊN NHÂN

1. Thuận lợi

Hiện nay trong bối cảnh phát triển kinh tế hợp tác, HTX chưa phải thật sự thuận lợi, vị thế còn khiêm tốn, nhưng khu vực kinh tế tập thể cũng đã có những đóng góp nhất định vào phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Trong những năm qua, kinh tế tập thể tiếp tục phát triển theo hướng tích cực. HTX thành lập mới tuy không nhiều, nhưng các HTX thành lập mới đều xuất phát từ nhu cầu của thành viên, hoạt động của HTX từng bước thể hiện tính đặc thù, nguyên tắc của Luật HTX. Một số HTX, tổ hợp tác nỗ lực vươn lên như: đầu tư thêm trang thiết bị phục vụ sản xuất, tìm đầu ra vừa giảm chi phí vừa giúp cho các thành viên yên tâm sản xuất, tăng thu nhập, qua đó thể hiện được mô hình HTX đem lại lợi ích cho các thành viên tham gia.

Hoạt động của HTX là cầu nối giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các thành viên, nông dân trên địa bàn trong việc đào tạo nghề, tạo việc làm, nguồn vốn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, giống,… góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình.

Các văn bản, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế tập thể ngày càng hoàn thiện và đi vào cuộc sống, tạo tiền đề quan trọng cho thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ trên địa bàn thành phố.

Thành ủy, HĐND, UBND thành phố và các cấp ngành địa phương có sự quan tâm sâu sát trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của địa phương, đơn vị; trong đó đặc biệt chú trọng các giải pháp cụ thể nhằm hạn chế những yếu kém trong công tác tổ chức, điều hành; tiếp tục nâng cao năng lực, đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động, không ngừng nâng cao vai trò vị trí của loại hình kinh tế tập thể trong nền kinh tế quốc dân...

2. Khó khăn, hạn chế

 Mặc dù nhận được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, hỗ trợ từ các Sở, ban, ngành, tình hình phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều hạn chế so với các khu vực kinh tế khác do các khó khăn khách quan, cụ thể:

- Khó khăn về đội ngũ cán bộ quản lý HTX: Cán bộ HTX hiện nay đa số tuổi cao, làm việc chủ yếu dựa trên kinh nghiệm, muốn nghỉ nhưng tìm người thay thế khó, cán bộ trẻ ở địa phương có trình độ không muốn tham gia, do HTX trả lương quá thấp và không thực hiện các chế độ BHXH, bảo hiểm y tế…

- Khó khăn về vốn kinh doanh: Nhiều HTX nông nghiệp chuyển từ mô hình cũ đến nay chưa được xử lý dứt điểm về mặt tài chính, nhất là công nợ, nợ phải thu của HTX khá lớn (do xã viên hoặc các chủ nợ khác chiếm dụng), nhưng không thu được, nên không còn vốn để hoạt động. Đối với các HTX mới thành lập đa số có quy mô nhỏ về số lượng thành viên (từ 10-20 người) và vốn góp của các thành viên ít, bình quân vốn của 1 HTX không quá 100 triệu đồng. Nhiều HTX còn tâm lý trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa mạnh dạn đầu tư vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển.

- Khó khăn trong việc thu hút thành viên xây dựng phát triển HTX: Do điều kiện ở Đà Nẵng, nông dân trẻ tuổi có nhiều cơ hội việc làm ở các ngành phi nông nghiệp có mức thu nhập cao hơn gấp nhiều lần làm nông nghiệp nên phần lớn hộ nông dân coi nông nghiệp là nghề phụ, từ đó cũng ít quan tâm đến HTX. Bên cạnh đó, hoạt động của các HTX nông nghiệp trong thực tế chưa được đổi mới, chưa thhiện vai trò kết nối giữa các thành viên sản xuất nông nghiệp với thị trường nên sự gắn kết lợi ích giữa xã viên và HTX dần dần mờ nhạt, không thu hút sự tham gia của người dân để phát triển thêm thành viên.

- Khó khăn trong quá trình tổ chức lại hoạt động theo Luật: Đối với các HTX chuyển đổi từ mô hình HTX cũ, mặc dù đã thực hiện việc chuyển đổi theo Luật HTX năm 1996 và năm 2003, tuy nhiên, việc chuyển đổi cũng chưa được hoàn thiện, bởi tình hình tài sản, công nợ của các HTX vẫn còn nhiều bất cập, chưa được giải quyết triệt để.

- Khó khăn về chiến lược kinh doanh: Nhiều HTX thiếu chiến lược kinh doanh, chậm đổi mới, chưa phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh, thu hút nguồn lực để phát triển, khả năng thích ứng, hội nhập còn nhiều hạn chế; việc liên doanh, liên kết trong hoạt động sản xuất kinh doanh và tham gia phát triển cộng đồng nhiều nơi chưa thực hiện tốt. Hiệu quả kinh tế, thu nhập của thành viên không cao.

- Khó khăn về cơ sở vật chất: Cơ sở vật chất của HTX trên sổ sách là khá lớn, tuy nhiên chủ yếu nằm ở nhà xưởng đã xuống cấp. Đa số các HTX đều có cơ sở vật chất nghèo nàn, nhiều HTX chưa có trụ sở làm việc riêng, phải nhờ trụ sở UBND xã, phường hoặc nhà dân để làm trụ sở.

3. Nguyên nhân

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên trước hết xuất phát từ nhận thức chưa thật đúng đắn về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của kinh tế hợp tác và hợp tác xã trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tự thân các đơn vị kinh tế hợp tác và hợp tác xã chưa thật chủ động thúc đẩy chuyển đổi sang mô hình mới, một mặt do ảnh hưởng của lối tư duy cũ thời bao cấp, mặt khác do những khó khăn khách quan về cơ chế và nguồn lực.

3.1. Từ phía Cơ quan quản lý Nhà nước

- Các ngành, cấp ủy đảng, chính quyền một số địa phương chưa đặt vấn đề quan tâm đúng mức trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra định hướng, cơ chế chính sách và tập trung chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình hợp tác xã.

- Nhiều HTX chưa làm thủ tục giải thể hoặc phá sản khi không còn hoạt động, việc kiểm tra hoạt động của các HTX chưa sâu sát nên không nắm bắt được khó khăn của các HTX để kiến nghị với cơ quan cấp trên, các báo cáo về HTX còn chậm trễ so với thời gian quy định.

- Nguồn kinh phí để hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể còn hạn chế. Công tác quy hoạch các cụm điểm công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, làng nghề tiểu thủ công nghiệp chưa được quan tâm đúng mức.

- Các chính sách tuy có nhiều nhưng chưa tác động mạnh đến các HTX, các HTX chưa được hưởng lợi từ các chính sách đó, một số chính sách đã ban hành nhưng việc triển khai, áp dụng còn nhiều bất cập, do đó sự tác động từ các chính sách hỗ trợ chậm đi vào thực tế; chưa thể làm đòn bẩy thúc đẩy thành phần kinh tế này phát triển.

3.2. Từ phía các HTX

- Nhiều HTX chưa quan tâm đến việc cử cán bộ đi đào tạo, tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng cũng như một bộ phận cán bộ còn thờ ơ với việc nâng cao trình độ.

- Các HTX còn tâm lý trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa mạnh dạn đầu tư vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh.

- Nhiều HTX chưa thực hiện công tác báo cáo định kỳ cho các cơ quan quản lý nhà nước theo quy định. Do đó, việc theo dõi, nắm thông tin về tình hình hoạt động, khó khăn, vướng mắc để có biện pháp hỗ trợ giải quyết, tháo gỡ chưa kịp thời, chưa đầy đủ.

- Tình hình tài sản, công nợ của các HTX vẫn còn nhiều bất cập, nhất là tình hình tài chính, công nợ của HTX chưa được giải quyết triệt để mà chỉ khoanh nợ. Phần lớn các HTX cũ bị xã viên nợ với số lượng lớn, không còn nguồn kinh phí để hoạt động. Nợ khó đòi của các HTX thấp nhất 200 triệu, cao nhất có HTX gần 1 tỷ đồng, chiếm 60 - 70% nguồn vốn của HTX. Nhiều HTX đã đưa ra nghị quyết về khoanh nợ, xóa nợ để làm lành mạnh bảng cân đối tài chính của HTX nhưng không nhận được sự đồng tình của xã viên, do tâm lý so bì, sợ thua thiệt giữa xã viên tự giác trả nợ và xã viên không trả nợ.

Phần thứ hai:

KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ NĂM 2017

I. NỘI DUNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ NĂM 2017

1. Định hướng chung về phát triển kinh tế tập thể

- Phát triển kinh tế tập thể là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, cũng vừa mang tính cấp bách; phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể để kinh tế tập thể cùng với các thành phần kinh tế khác trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.

- Tập trung củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động các thành phần kinh tế tập thể trên địa bàn thành phố trên tất cả các lĩnh vực, phấn đấu đưa kinh tế tập thể thoát khỏi những yếu kém như hiện nay, góp phần thúc đẩy kinh tế tập thể tăng trưởng bền vững.

- Đẩy mạnh công tác triển khai, tuyên truyền, vận động các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về kinh tế tập thể sâu rộng trong nội bộ và nhân dân; tập trung vận động, khuyến khích thành lập mới các THT, HTX hoạt động theo quy định của pháp luật; đi đôi với việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các THT, HTX hiện có.

- Đẩy mạnh sự liên kết, hợp tác giữa các thành phần kinh tế tập thể với nhau; giữa các thành phần kinh tế tập thể với các thành phần kinh tế khác để ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ, tiêu thụ sản phẩm, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn thành phố.

1.1 Đối với THT

 Phát triển các THT trên các lĩnh vực, ngành nghề phù hợp với khả năng quản lý và điều kiện kinh tế của các thành viên, tập trung vận động thành lập mới các THT hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (chăn nuôi, trồng trọt, khai thác thủy, hải sản, ngành nghề nông thôn); lĩnh vực dịch vụ (thu gom rác thải, vệ sinh môi trường, thủy lợi, cung cấp cây, con giống…) ở khu vực nông thôn, miền núi, các khu vực tái định cư của thành phố.

2.2. Đối với HTX

- Đối với các HTX nông nghiệp, cần phát triển dịch vụ hợp tác xã chuyển dần từ dịch vụ đầu vào là chủ yếu sang xây dựng mô hình liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Tiếp tục xây dựng, phát triển HTX nông nghiệp gắn với xây dựng mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản (nhất là lĩnh vực sản xuất rau an toàn, hoa, nấm, chăn nuôi…).

 - Củng cố các HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp có quy mô lớn, trở thành những đơn vị mạnh, làm hạt nhân cho phong trào phát triển kinh tế tập thể trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

- Vận động thành lập mới các HTX ở những nơi có thế mạnh về nguồn nhân lực và nguyên liệu tại chỗ, chú ý các lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản, công nghiệp hàng tiêu dùng và xuất khẩu…

- Phát triển các HTX thương mại dịch vụ kinh doanh theo mô hình văn minh hiện đại, từng bước thay đổi phương thức hoạt động của HTX truyền thống sang mô hình HTX tổng hợp, tập trung đa ngành nghề; thành lập mới một số loại HTX thương mại phát triển các dịch vụ mới gắn với phát triển kinh tế thị trường, phù hợp với yêu cầu thực tế.

- Tiếp tục phát triển mô hình HTX quản lý chợ, siêu thị, kho hàng, cửa hàng tự chọn... đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và góp phần bình ổn thị trường thành phố.

- Tiếp tục củng cố nâng cao năng lực hiệu quả kinh doanh của các HTX vận tải hiện có, trong đó tăng quy mô các HTX vận tải hiện nay: tập trung đầu tư phương tiện từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải; đẩy mạnh công tác quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải và an toàn giao thông.

3. Một số mục tiêu cụ thể cho năm 2017

- Hoàn thiện thủ tục giải thể các HTX đã ngưng hoạt động kéo dài, bỏ địa điểm kinh doanh.

- Thành lập mới 7-15 HTX mới (trung bình 1-2 HTX ở mỗi quận, huyện).

- Thu nhập bình quân của cán bộ quản lý HTX, thành viên và người lao động đạt 40 triệu đồng/năm.

- Trên 20% cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn nghiệp vụ HTX có trình độ Đại học, Cao đẳng; trên 50% có trình độ sơ, trung cấp; 100% cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn nghiệp vụ HTX được đào tạo bồi dưỡng kiến thức về quản lý kinh tế HTX;

- Doanh thu bình quân của 1 HTX đạt 3,5 tỷ đồng/năm; lợi nhuận bình quân đạt 150 triệu đồng/HTX.

II. CÁC GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ

1. Tiếp tục thực hiện và hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012

- Tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về KTTT theo hướng dẫn của Trung ương, triển khai đầy đủ nội dung quản lý Nhà nước về HTX theo Nghị định 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 về quy định chi tiết một số điều luật HTX. Xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu KTTT phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành.

- Tiếp tục triển khai Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Hợp tác xã.

2. Tuyên truyền, tập huấn Luật Hợp tác xã năm 2012 và nâng cao năng lực nguồn nhân lực

- Các cấp, các ngành tiếp tục tuyên truyền về Nghị quyết TW5, Kết luận số 56-KL/TW (khóa XI) của Bộ Chính trị, Luật HTX năm 2012, Nghị định số 193/2013/NĐ- CP ngày 21/11/2013 của Chính Phủ quy định chi tiết một số điều của Luật HTX, Thông tư số 03/2014/TT- BKHĐT ngày 26/5/2014 của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, hướng dẫn về đăng ký HTX và chế độ báo cáo tình hình hoạt động của HTX... nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và người dân đối với lĩnh vực kinh tế tập thể.

- Các Sở, ban ngành, cơ quan đoàn thể, UBND các quận huyện và các cơ quan truyền thông trên địa bàn thành phố tiếp tục tích cực tuyên truyền có hiệu quả về kinh tế tập thể, đẩy mạnh công tác phổ biến pháp luật về hợp tác xã, giới thiệu, biểu dương những mô hình điển hình, tiên tiến trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

- Chỉ đạo các đơn vị xây dựng chương trình,kế hoạch tuyên truyền phát triển kinh tế tập thể trong năm 2017.

- Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức quản lý, kỹ năng tiếp cận và nghiên cứu phát triển thị trường cho cán bộ nhất là cán bộ trẻ; đề xuất chính sách hỗ trợ đào tạo cán bộ cho HTX.

3. Tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển hợp tác xã theo Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt

- Ưu tiên phân bổ kinh phí đào tạo hằng năm cho các đơn vị có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng theo kế hoạch.

- Tạo điều kiện về mặt bằng sản xuất cho các HTX, THT thông qua việc quy hoạch hình thành một số điểm, cụm công nghiệp.

 - Kế hoạch hoạt động tuyên truyền, đào tạo, hỗ trợ thành lập mới HTX, THT trong năm 2017 theo phụ lục 3 kèm theo.

4. Nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã

- Tiếp tục phát huy vai trò của Ban chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể thành phố và quận huyện.

- Chỉ đạo Liên minh HTX thành phố phối hợp với các Sở, ngành và UBND các quận huyện tổ chức hướng dẫn xây dựng mô hình HTX kiểu mới cũng như tuyên truyền để nắm các nguyên tắc cơ bản của HTX theo luật HTX năm 2012 để nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của HTX, qua đó làm cơ sở để nhân rộng cho các HTX khác trên địa bàn thành phố.

- Xây dựng và phát triển các mô hình liên kết gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản thông qua các hợp đồng kinh tế, trong đó HTX đóng vai trò nòng cốt trong việc tổ chức nông dân sản xuất, tổ chức sơ chế, chế biến và liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ hàng hóa cho nông dân.

5. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể

- Các Sở, ban ngành, địa phương cần phối hợp nghiên cứu đề xuất với thành phố ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích kinh tế tập thể phát triển.

- Tiếp tục cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cấp, đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh HTX và giải quyết các thủ tục hồ sơ liên quan đến hoạt động SXKD của HTX.

- Củng cố và tăng cường vai trò, trách nhiệm của Liên minh HTX trong phát triển kinh tế tập thể. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên minh HTX trên cơ sở đổi mới phương thức hoạt động và nâng cao số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ cả về năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, am hiểu sát cơ sở và nhiệt tình với phong trào kinh tế tập thể, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.

6. Huy động các lực lượng xã hội, các tổ chức đoàn thể trong nước và quốc tế tham gia thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể

- Tiếp tục hỗ trợ HTX tham gia giới thiệu sản phẩm tại các Hội chợ trong và ngoài nước; tham gia các cơ hội giao thương, phiên chợ hàng Việt, chương trình kết nối cung cầu giữa các nhà sản xuất, các cơ sở sản xuất hàng nông sản trên địa bàn với các doanh nghiệp, trung tâm thương mại siêu thị nhằm giới thiệu, hỗ trợ, giúp các cơ sở sản xuất tiêu thụ sản phẩm.

- Hỗ trợ các HTX xây dựng và phát triển thương hiệu (theo Chương trình phát triển thương hiệu cho một số sản phẩm ưu tiên của thành phố Đà Nẵng và Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; Đề án phát triển thương hiệu cho một số sản phẩm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ưu tiên của thành phố).

- Hỗ trợ các HTX trên địa bàn tham gia các Sàn thương mại điện tử để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm cơ hội tiêu thụ sản phẩm và mở rộng thị trường, cũng như tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng về ứng dụng thương mại điện tử.

- Hỗ trợ về công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu về sản phẩm của các HTX trên các chuyên mục Công Thương hàng tháng trên Đài DRT, trên website Sở Công Thương, website Trung tâm Xúc tiến Thương mại Đà Nẵng và website của các sở chuyên ngành.

 Trên đây là báo cáo đánh giá tình hình phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn thành phố Đà Nẵng năm 2016 và Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể năm 2017, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng kính báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư (để b/c);
- Vụ Hợp tác xã - Bộ KH&ĐT;
- TT TU, TT HĐND thành phố (để b/c);
- CT, các PCT UBND Tp;
- UBMTTQ VN TP và các đoàn thể;
- Các Sở, ban, ngành; UBND quận, huyện;
- VP UBND VP: CPVP, các Phòng: TH, QLĐTư, QLĐThị, KG-VX, NC, KT1 và KT2;
- Công báo thành phố;
- Lưu: VT, KT2.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hồ Kỳ Minh

 

 

 



1 Trong đó 29 hợp tác xã đã ngưng hoạt động, bỏ địa điểm kinh doanh nhưng chưa hoàn thành thủ tục giải thể.

2 Trong đó: 89 tổ hợp tác trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản và ngành nghề nông thôn và 91số tổ, đội khai thác hải sản xa bờ, dịch vụ hậu cần nghề cá.

3 Tại Quyết định số 2676/QĐ-UBND ngày 10/4/2012 thành lập “Quỹ hỗ trợ phát triển HTX” với vốn điều lệ 5 tỷ đồng và giao cho Liên minh HTX thành phố quản lý.

4 Trong khuôn khổ Dự án Sản xuất hàng hóa nấm ăn và nấm dược liệu tại Đà Nẵng

5 Trong khuôn khổ Đề tài Nghiên cứu tuyển chọn một số giống nấm ăn và nấm dược liệu thích nghi với điều kiện khí hậu tại Đà Nẵng

6 HTX Dịch vụ Hổ trợ vận tải Minh Hải và HTX Bình An

7 HTX giấy Thanh Hùng

8 HTX Giấy Đà Nẵng

9 HTX KDSX Chế biến Nấm Như Mai

10 HTX trầm hương Hòa Bắc

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Kế hoạch 7502/KH-UBND ngày 09/09/2016 phát triển kinh tế tập thể thành phố Đà Nẵng năm 2017 do UBND Thành phố Đà Nẵng ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


1.733

DMCA.com Protection Status
IP: 18.118.166.45
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!