ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 114/KH-UBND
|
Tiền Giang,
ngày 03 tháng 5 năm 2017
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM HOÀN THIỆN, NHÂN RỘNG MÔ HÌNH HỢP TÁC XÃ KIỂU
MỚI HOẠT ĐỘNG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH TIỀN GIANG GIAI
ĐOẠN 2017 - 2020
Căn cứ Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 21/3/2016 của
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp
tác xã kiểu mới tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 - 2020”; Quyết
định số 3951/QĐ-BNN-KTHT ngày 26/9/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày
21/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ;
Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang xây dựng Kế hoạch
“Thực hiện thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu mới tỉnh
Tiền Giang giai đoạn 2017 - 2020” như sau:
Phần 1
ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG HOẠT
ĐỘNG CỦA CÁC HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2011 - 2016
I. THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG
Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết Trung
ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập
thể, Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh
triển khai thi hành Luật Hợp tác xã, khu vực kinh tế hợp tác trên địa bàn tỉnh
có những chuyển biến tích cực và có bước phát triển về chất, nhiều hợp tác xã
có sự đổi mới về phương thức hoạt động, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất
có hiệu quả, hình thành các mô hình hợp tác xã liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp,
đáp ứng được yêu cầu phát triển nông nghiệp trong giai đoạn mới. Kết quả trong giai đoạn 2011 - 2016, đã tuyên truyền, vận động thành lập mới
được 09 HTX với 134 thành viên, đồng thời tiến hành củng cố, giải thể 14 HTX với
1.456 thành viên. Đến nay, toàn tỉnh có 43 HTX nông nghiệp với 20.103 thành viên hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực: Cung cấp nước sinh hoạt nông
thôn: 11 HTX chiếm 25,6%; kinh doanh tổng hợp: 03 HTX chiếm 7%; chăn nuôi gia
súc, gia cầm: 02 HTX chiếm 4,7%; sản xuất và tiêu thụ rau: 08 HTX chiếm 18,6 %;
sản xuất tiêu thụ lúa: 05 HTX chiếm 11,6 %; trái cây: 13 HTX chiếm 30,2%; thủy
sản: 01 HTX chiếm 2,3 %.
Tổng nguồn vốn hoạt động của
các HTX nông nghiệp là 86.777 triệu đồng, doanh thu bình quân của một
HTX là 3.199 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong
HTX: 2,5 triệu đồng/tháng; lợi nhuận bình quân của HTX là 133,4 triệu đồng/năm;
trình độ quản lý phần lớn là trình độ sơ cấp chưa qua đào tạo chuyên môn hoặc
chỉ qua các lớp ngắn hạn, chỉ có 21% cán bộ quản lý HTX có trình độ từ trung cấp
trở lên; kết quả phân loại: 02 HTX xếp loại tốt (chiếm 4,7%), 15 HTX xếp loại khá
(chiếm 34,9%), 09 HTX xếp loại trung bình (chiếm 20,9%), 10 HTX xếp loại yếu kém (chiếm
23,3%) và 07 HTX thành lập mới
trong năm 2016 và năm 2017 (chiếm 16,3%),
có 40/43 HTX nông nghiệp cơ bản chuyển đổi theo Luật Hợp tác
xã năm 2012, 03 HTX chưa chuyển đổi, hiện đang ngưng hoạt động.
Thực trạng hoạt động các hợp
tác xã lúa gạo, trái cây và thủy sản: có 05 HTX sản xuất và tiêu thụ lúa gạo với
3.849 thành viên và 01 HTX kinh doanh tổng hợp Bình Tây (trong đó có sản xuất
lúa) với 1.103 thành viên, 11 hợp tác xã trái cây với 839 thành viên và 01 HTX
thủy sản hoạt động chủ yếu là nuôi nghêu và sò huyết với 1.044 thành viên. Đánh
giá thực trạng so với tiêu chí lựa chọn hợp tác xã tham gia thí điểm: Về mức vốn
góp tối thiểu thành viên bình quân 1,3 - 1,8 triệu đồng, chưa đạt theo yêu cầu
tiêu chí trên 02 triệu đồng/ thành viên; về vốn chủ sở hữu của các HTX bình
quân 2,3 tỷ đồng, đạt theo yêu cầu tiêu chí trên
300 triệu đồng; về tín dụng nội bộ chỉ có 01 HTX kinh doanh tổng hợp Bình Tây
có thực hiện; về liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp: các Hợp tác xã lúa gạo có
liên kết tiêu thụ theo cánh đồng lớn với các doanh nghiệp như Công ty Lương thực
Tiền Giang, Việt Hưng, Tân Thành, các Hợp tác xã trái cây như Hòa Lộc, Thanh
long Mỹ Tịnh An có ký hợp đồng xuất khẩu vào thị trường Úc, Mỹ; HTX sầu riêng
Ngũ Hiệp, Nông nghiệp Quyết Thắng liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp trong và
ngoài tỉnh; ngoài ra các HTX còn thực hiện các dịch vụ khác cho thành viên như
cung ứng vật tư đầu vào, dịch vụ gặt đập, sấy, trữ.
II. ĐÁNH GIÁ
CHUNG
1. Mặt đạt được
Được sự quan tâm, chỉ đạo của Ủy
ban nhân dân tỉnh, các ngành, các cấp trong chỉ đạo thực hiện chuyển đổi HTX
theo Luật HTX năm 2012, các HTX đã từng bước khắc phục được những yếu kém và củng
cố một bước trong tổ chức, quản lý và hoạt động như: Củng cố bộ máy tổ chức, kết
nạp thêm thành viên, huy động thêm vốn góp, đẩy mạnh liên doanh, liên kết, từng
bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu các mặt của thành viên, tạo tiền đề cho quá trình
củng cố, đổi mới, phát triển hợp tác xã những năm tiếp theo;
Thông qua các chính sách hỗ trợ
phát triển hợp tác xã, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông
thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các hợp tác xã được hỗ trợ để áp dụng
tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất, tham gia mô hình cánh đồng
lớn, tổ chức sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGAP giúp tăng thu nhập, cải thiện
đời sống thành viên.
2. Hạn chế
Năng lực tổ chức hoạt động của các
Hợp tác xã nông nghiệp không đồng đều, quy mô nhỏ lẻ, thiếu vốn, cơ sở, trang
thiết bị vật chất phục vụ sản xuất còn hạn chế, trình độ quản lý, chuyên môn nghiệp
vụ của cán bộ Hợp tác xã chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, tính liên doanh
- liên kết, quản lý sản xuất, dịch vụ, kinh doanh còn yếu;
Về tổ chức lại hoạt động theo đúng
nguyên tắc và các quy định hướng dẫn Luật HTX năm 2012 còn chậm và mang tính
hình thức; phần lớn các hợp tác xã nông nghiệp còn lúng túng trong xây dựng
phương án sản xuất kinh doanh, mở rộng các dịch vụ để định hướng hoạt động theo
mô hình hợp tác xã kiểu mới; thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa hợp tác xã với
thành viên;
Việc phối hợp trong quản lý và hướng
dẫn các hợp tác xã trong lĩnh vực
nông nghiệp giữa Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện và Phòng Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn huyện chưa thống nhất rõ ràng, còn chồng chéo trong chỉ đạo và
hướng dẫn.
Để khắc phục những tồn tại trong nền
kinh tế hàng hóa và bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Phát triển kinh tế hợp
tác mà nòng cốt là HTX là một nhu cầu tất yếu khách quan, việc xây dựng các mô
hình hợp tác xã kiểu mới làm điểm tổ chức nhân rộng, liên hiệp hợp tác xã tỉnh,
liên vùng để liên kết, hợp tác phát triển bền vững là hết sức cần thiết.
Phần 2
KẾ HOẠCH THỰC HIỆN
THÍ ĐIỂM HOÀN THIỆN, NHÂN RỘNG MÔ HÌNH HTX KIỂU MỚI NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN
NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN 2017 - 2020
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Cụ thể hóa nội dung Đề án “Thí điểm
hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng Đồng bằng sông Cửu
Long giai đoạn 2016 - 2020” phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh nhằm
đạt mục tiêu xây dựng được các mô hình Hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã kiểu mới
gắn sản xuất với tiêu thụ trong các chuỗi giá trị nông sản giúp sản xuất, kinh
doanh của hợp tác xã được bền vững và có khả năng nhân rộng trong các lĩnh vực
lúa gạo, trái cây.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Giai đoạn 2017 - 2018:
Tập trung thí điểm hoàn thiện 10
mô hình hợp tác xã trong lĩnh vực lúa gạo và trái cây đã lựa chọn để nâng cao
năng lực bộ máy, đội ngũ cán bộ, hoạt động sản xuất, kinh doanh hình thành được
mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn sản xuất với tiêu thụ trong các chuỗi giá trị
nông sản;
Tuyên truyền thành lập mới 20 HTX
nông nghiệp hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực lúa gạo, trái cây, thủy sản, tập
trung tại các xã nằm trong lộ trình ra mắt nông thôn mới giai đoạn 2017 - 2020;
Tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm
và tổ chức triển khai, nhân rộng các mô hình.
b) Giai đoạn 2019 - 2020:
Tiếp tục củng cố nâng cao chất lượng
các mô hình HTX đã chọn, mở rộng quy mô, tăng số lượng thành viên và thí điểm
hình thành mô hình liên hiệp hợp tác xã lúa gạo quy mô tỉnh;
Tiếp tục vận động tuyên truyền thành
lập mới 20 HTX lúa gạo và trái cây, vận động tham gia mô hình thí điểm HTX kiểu
mới để mở rộng số lượng thành viên tham gia Liên hiệp hợp tác xã quy mô tỉnh.
II. DANH SÁCH
HỢP TÁC XÃ THAM GIA XÂY DỰNG MÔ HÌNH HỢP TÁC XÃ KIỂU MỚI
Căn cứ tiêu chí lựa chọn quy định
tại Quyết định số 3951/QĐ-BNN-KTHT ngày 26/9/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn, chọn 10 hợp tác xã tham gia thí điểm:
Lĩnh vực lúa gạo gồm 05 hợp tác xã
tham gia: Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Trinh, Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất
nông nghiệp Mỹ Quới, Hợp tác xã Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Bình Tây, Hợp
tác xã Nông nghiệp dịch vụ nông thôn Bình Nhì và Hợp tác xã Nông nghiệp Mỹ
Thành.
Lĩnh vực trái cây, gồm 05 hợp tác
xã tham gia: Hợp tác xã Hòa Lộc, Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Mỹ
Lương, Hợp tác xã Sầu riêng Ngũ Hiệp, Hợp tác xã Thanh long Mỹ Tịnh An, Hợp tác
xã Nông nghiệp Quyết Thắng
III. NỘI DUNG
1. Hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực
quản lý điều hành, sản xuất, kinh doanh cho cán bộ quản lý
Tổ chức 44 lớp với 1.320 người
tham dự; năm 2017 tổ chức 04 lớp, giai đoạn 2018 - 2020: 40 lớp. Cụ thể như
sau:
Tập huấn nâng cao năng lực quản trị
cho cán bộ quản lý hợp tác xã (Chủ tịch Hội đồng quản trị, giám đốc HTX), kiểm
soát, kế toán, thuế. Số lớp: 16 lớp.
Đào tạo, tập huấn cho cán bộ chủ
chốt cấp xã kiến thức về hợp tác xã. Số lớp: 22 lớp.
Bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên
môn cho cán bộ quản lý nhà nước về hợp tác xã (cán bộ cấp huyện, tỉnh): số lớp:
06 lớp.
2. Tăng cường các giải pháp huy động
vốn cho sản xuất kinh doanh của các hợp tác xã nông nghiệp
Củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động
tín dụng nội bộ trong hợp tác xã: 01/10 HTX được chọn có thực hiện tín dụng nội
bộ. Tùy theo điều kiện cụ thể, hướng dẫn các hợp tác xã thực hiện tín dụng nội
bộ; phấn đấu đến cuối năm 2020 tất cả các hợp tác xã tham gia thí điểm có thực
hiện tín dụng nội bộ.
Hỗ trợ các hợp tác xã lập phương
án sản xuất kinh doanh để vay vốn từ các nguồn: Quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển hợp
tác xã của tỉnh, vay mua máy móc thiết bị theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg
ngày 14/11/2013, vay thực hiện liên kết chuỗi giá trị theo Nghị định
55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp,
nông thôn;
Giải pháp khác để huy động vốn sản
xuất kinh doanh cho HTX: Thu hút các doanh nghiệp có tiềm năng về vốn, kỹ thuật
và thị trường tham gia liên kết kinh doanh với các hợp tác xã thí điểm; bổ sung
thành viên là doanh nghiệp vào HTX...
Giải pháp huy động các nguồn vốn hỗ
trợ từ các tổ chức quốc tế và các nguồn vốn hợp pháp khác: Dự án Chuyển đổi
nông nghiệp bền vững (VnSAT), Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
3. Hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực
cán bộ khoa học kỹ thuật của hợp tác xã
Mời gọi các chuyên gia ngành nông
nghiệp và các ngành khác liên quan thực hiện tư vấn cho hợp tác xã: Mời 10
chuyên gia tư vấn cho 10 HTX lựa chọn. Năm 2018 tổ chức 05 cuộc tư vấn và năm
2019 tổ chức 05 cuộc tư vấn.
Gắn kết các chương trình khuyến
nông, đào tạo nghề, các dự án của ngành có liên quan như dự án VnSAT, dự án hỗ
trợ sản xuất để đào tạo cán bộ kỹ thuật và thành viên hợp tác xã trở thành những
nông dân sản xuất nòng cốt;
4. Hỗ trợ thí
điểm mô hình cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở
Hợp tác xã
Dự kiến mỗi hợp tác xã 02 lao động (01 cán bộ quản lý và 01
cán bộ kỹ thuật) để hỗ trợ quản trị, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cho HTX,
thời gian hỗ trợ 36 tháng . Năm 2018 hỗ trợ 05 HTX, năm
2019 hỗ trợ 05 HTX;
5. Hỗ trợ nâng cao chất lượng sản
phẩm, phát triển mở rộng liên kết sản xuất và đẩy mạnh mở rộng thị trường tiêu
thụ nông sản
Hỗ trợ, tư vấn cho các hợp tác xã
xây dựng phương án sản xuất kinh doanh dài hạn một cách hiệu quả và khả thi nhằm
tăng khả năng tiếp cận các nguồn lực (đặc biệt là các vốn kinh doanh) và thúc đẩy
liên kết tiêu thụ sản phẩm. Hình thức thực hiện: Thuê Trường Cán bộ Quản lý
Nông nghiệp và PTNT II tư vấn trực tiếp đến từng Hợp tác xã các nội dung như:
Xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, quản lý tài chính. Số lượng: 10 cuộc
(năm 2017 tổ chức 05 cuộc, năm 2018 tổ chức 05 cuộc).
Thực hiện các dự án hỗ trợ sản xuất
liên kết tiêu thụ gắn với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm
chủ lực quy mô liên xã, trong đó có sự tham gia của hợp tác xã được chọn (dự án
hỗ trợ sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM). Giai đoạn 2018 -
2020 xây dựng 05 dự án.
Quảng bá, giới thiệu hình ảnh, sản
phẩm hợp tác xã: thực hiện công tác truyền thông, thông tin quảng bá mô hình hợp
tác xã kiểu mới thông qua phóng sự, bản tin trên kênh truyền hình. Giai đoạn
2018 - 2020: 10 cuộc.
Hỗ trợ các hợp tác xã tham gia mô
hình thí điểm các hoạt động về xúc tiến thương mại như: quảng bá giới thiệu sản
phẩm nông nghiệp sạch, an toàn (bao gồm hỗ trợ trưng bày sản phẩm tại các cuộc
hội chợ, triển lãm thương mại); thông tin nhu cầu thị trường.
Tổ chức các hội nghị kết nối cung
cầu thị trường cho hợp tác xã: Tạo không gian cho các hợp tác xã tiếp cận, trao
đổi để tìm kiến thị trường tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp kinh doanh
trong lĩnh vực lúa gạo, trái cây trong và ngoài tỉnh. Giai
đoạn 2018 - 2020: Thực hiện 04 cuộc
Hỗ trợ HTX lập Phương án cánh đồng
lớn liên kết tiêu thụ bền vững với doanh nghiệp theo Quyết định số
24/2016/QĐ-UBND ngày 24/5/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định mức hỗ trợ
phát triển cánh đồng lớn gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh
Tiền Giang.
6. Hỗ trợ kết cấu hạ tầng phục vụ
phát triển sản xuất nông nghiệp cho các hợp tác xã
Hàng năm, căn cứ vào nội dung
chính sách hỗ trợ của Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014
của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã
giai đoạn 2015 - 2020 và Thông tư 15/2016/TT-BNNPTNT ngày
10/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn điều kiện và
tiêu chí thụ hưởng hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đối với HTX nông
nghiệp, các Hợp tác xã đăng ký nội dung hỗ trợ cụ thể và thiết thực để tổng hợp
xây dựng kế hoạch cụ thể cho năm để trình Kế hoạch vốn thực hiện.
Trên cơ sở nội dung đăng ký hỗ trợ
của hợp tác xã, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị
liên quan rà soát, lựa chọn danh mục hạ tầng phù hợp và cần thiết theo thứ tự
ưu tiên để hỗ trợ cho hợp tác xã. Dự kiến 01 HTX hỗ trợ từ 01 - 02 công trình.
7. Thực hiện
tuyên truyền thành lập mới các hợp tác xã: giai đoạn 2017 - 2020 thực hiện 120
cuộc (mỗi năm tổ chức 30 cuộc). Phấn
đấu đến năm 2020 thành lập được 40 Hợp tác xã trong lĩnh vực lúa gạo, trái cây.
IV. TIẾN ĐỘ THỰC
HIỆN
1. Năm 2017 - 2018
Xây dựng, củng cố và phát triển
các hợp tác xã chọn tham gia mô hình thí điểm, tuyên truyền hướng dẫn thành lập
mới các hợp tác xã nông nghiệp, cụ thể:
Triển khai thực hiện Kế hoạch thí
điểm xây dựng hợp tác xã nông nghiệp và cụ thể hóa các cơ chế, chính sách theo
điều kiện của địa phương để hỗ trợ các hợp tác xã thí điểm.
Tập trung thực hiện công tác đào tạo,
bồi dưỡng cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật; hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng, hỗ
trợ lao động kỹ thuật về làm việc cho HTX.
Hỗ trợ các doanh nghiệp gắn kết với
các hợp tác xã trong xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi giá trị.
Kiểm tra, giám sát đối với các Hợp
tác xã tham gia xây dựng mô hình thí điểm.
Tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm
trong triển khai thực hiện Kế hoạch thí điểm.
2. Năm 2019 - 2020
Hoàn thiện mô hình thí điểm hợp
tác xã nông nghiệp trong từng lĩnh vực, mở rộng và phát triển quy mô hợp tác
xã:
Tiếp tục công tác hỗ trợ hoàn thiện
Hợp tác xã tham gia xây dựng mô hình thí điểm; mở rộng và phát triển quy mô phù
hợp nhu cầu sản xuất, điều kiện và nguyện vọng của thành viên hợp tác xã.
Phấn đấu xây dựng 01 mô hình thí
điểm liên hiệp hợp tác xã lúa gạo quy mô tỉnh; tổ chức và hoạt động phù hợp với
quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012, có ít nhất 04 hợp tác xã thành viên (mỗi
hợp tác xã có ít nhất 100 thành viên), vốn điều lệ ít nhất 01 tỷ đồng, tăng
dần qua các năm.
Tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm
việc thí điểm xây dựng hoàn thiện mô hình; xây dựng kế hoạch nhân rộng mô hình
ra toàn tỉnh.
V. KINH PHÍ THỰC
HIỆN
1. Tổng nguồn vốn thực hiện là: 30.604,8 triệu đồng; trong đó:
- Vốn ngân sách Trung ương là:
23.012,8 triệu đồng;
- Vốn ngân sách tỉnh: 2.030 triệu
đồng.
- Vốn Hợp tác xã đối ứng: 5.562
triệu đồng;
2. Nguồn kinh phí
a) Nguồn ngân sách trung ương:
Hỗ trợ hợp tác xã theo Quyết định
số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ trong Chương trình mục
tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê
duyệt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 -
2020. Hỗ trợ theo Chương trình Tái cơ cấu ngành nông nghiệp;
Các nguồn vốn lồng ghép: Dự án
chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT), Chương trình mục tiêu quốc gia về xây
dựng nông thôn mới.
Vốn tín dụng từ các ngân hàng
thương mại theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ.
Các nguồn vốn hỗ trợ và cho vay hợp
pháp khác: Vốn tài trợ từ doanh nghiệp, các tổ chức trong và ngoài nước...
Vốn đối ứng của các hợp tác xã
theo quy định để thực hiện theo Kế hoạch, Chương trình hỗ trợ được duyệt.
b) Ngân sách địa phương, lồng ghép
hỗ trợ theo cơ chế, chính sách hiện hành có liên quan đến hợp tác xã: chính
sách xúc tiến thương mại, hỗ trợ sản xuất theo tiêu chuẩn GAP...
VI. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Là cơ quan đầu mối, phối hợp với
các các đơn vị liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch “Thực hiện thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã
kiểu mới tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2017 - 2020”. Xây dựng kế hoạch và dự toán thực hiện hàng
năm đảm bảo các mục tiêu, nội
dung thực hiện kế hoạch.
Phối hợp các sở, ngành, địa phương
xây dựng các hợp tác xã tham gia thí điểm theo chức năng, nhiệm vụ phân công
như: Tuyên truyền hướng dẫn thành lập mới, củng cố, nâng
chất, hướng dẫn chuyển đổi hoạt động của các HTX theo đúng Luật HTX năm 2012; tập
huấn, đào tạo, tổ chức hội chợ, hội
thi, thông tin, quảng bá giới thiệu sản
phẩm cho các HTX, triển khai thực hiện mô hình cánh đồng lớn trên địa bàn, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa nông sản
chứng nhận an toàn.
Phối hợp với các sở, ngành, địa
phương tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ, lồng ghép thực hiện hiệu
quả nội dung kế hoạch phê duyệt với các chương trình, đề án, dự án phát triển
nông nghiệp khác của ngành theo đúng quy hoạch sản xuất và kế hoạch tái cơ cấu
ngành nông nghiệp; đồng thời hướng dẫn và theo dõi tình hình thực hiện tại địa
phương.
Theo dõi, tổng hợp, đánh giá tiến
độ, kết quả triển khai thực hiện kế hoạch, tổ chức sơ kết, tổng kết mô hình thí
điểm. Định kỳ hàng năm báo cáo kết quả triển khai và tham mưu đề xuất các giải
pháp hỗ trợ có hiệu quả và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực
hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính
căn cứ các cơ chế chính sách, chế độ quy định hiện hành, khả năng cân đối của ngân sách địa
phương; trên cơ sở dự toán Kế hoạch triển khai thực hiện
hàng năm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng hợp Kế hoạch vốn
trình Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí thực hiện từ
nguồn ngân sách địa phương;
Đăng ký kế hoạch vốn với Trung
ương từ nguồn kinh phí Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2016 - 2020 tại Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày
15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ, nguồn kinh phí chương
trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết
định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
3. Sở Công Thương, Trung tâm Xúc
tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch tỉnh phối hợp với Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, thực hiện các chính sách hỗ trợ
các Hợp tác xã nông nghiệp về xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, gắn kết
doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho Hợp tác xã tham gia đề án thí điểm. Tổng hợp,
xử lý, dự báo thông tin thị trường giúp các Hợp tác xã định hướng sản xuất và
thị trường tiêu thụ.
4. Sở Khoa học và Công nghệ hàng năm đề xuất các chương trình, dự án nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng
khoa học kỹ thuật, hỗ trợ các Hợp tác xã thí điểm đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu
hàng hóa.
5. Liên minh Hợp tác xã Tiền Giang
phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng
dẫn, vận động thành lập mới các Hợp tác xã. Thực hiện tốt công tác hỗ trợ, đào
tạo bồi dưỡng cho các cán bộ quản lý Hợp tác xã trên địa bàn, lồng ghép các
chương trình, dự án của đơn vị hỗ trợ các hợp tác xã xây dựng hoàn thiện mô
hình thí điểm.
Tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh
củng cố hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh; hướng dẫn, hỗ trợ
các Hợp tác xã tiếp cận nguồn vay từ Quỹ này, hướng dẫn các hợp tác xã thực hiện
tín dụng nội bộ.
6. Các Sở, ngành liên quan: phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
triển khai thực hiện Kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ của
mình. Giải quyết các vướng mắc cho các Hợp tác xã tham gia thí điểm theo thẩm
quyền của ngành.
7. Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh: tăng cường công tác tuyên
truyền, thông tin về mô hình hợp tác xã kiểu mới, lồng ghép các chương trình dự án của đơn vị hỗ trợ các mô hình thí điểm hợp tác xã được lựa chọn;
8. Các tổ chức tín dụng trên địa
bàn: tích cực giới thiệu, vận động các hợp tác xã có nhu cầu tham gia vay vốn
và tạo mọi điều kiện để các hợp tác xã có thể dễ dàng tiếp
cận được nguồn vốn của các tổ chức.
9. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh,
Báo Ấp Bắc: phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng các
chuyên mục giới thiệu các mô hình HTX kiểu mới để tuyên truyền, quảng bá hình ảnh.
10. Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công, thị xã Cai Lậy.
Căn cứ vào Kế hoạch Ủy ban nhân
dân tỉnh phê duyệt, hàng năm chỉ đạo các phòng chuyên môn
xây dựng Kế hoạch “Thực hiện thí điểm
hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới” tại địa
phương gởi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp
và phối hợp triển khai, thực hiện.
Hỗ trợ các hợp tác xã chọn tham
gia mô hình thí điểm các nội dung theo kế hoạch được phê duyệt. Hướng dẫn các các
hợp tác xã tham gia mô hình thí điểm xây dựng, kế hoạch phương án cụ thể, chuẩn
bị nguồn lực, nhân lực chủ động và phối hợp triển khai thực hiện nội dung Kế hoạch.
Trong quá trình triển khai thực hiện,
nếu có khó khăn, vướng mắc và cần sửa đổi, bổ sung kế hoạch này, các đơn vị kịp
thời phản ánh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, đề xuất trình
Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Phạm Anh Tuấn
|