Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 12/VBHN-BTC Loại văn bản: Văn bản hợp nhất
Nơi ban hành: Bộ Tài chính Người ký: Nguyễn Đức Chi
Ngày ban hành: 30/06/2023 Ngày hợp nhất: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/VBHN-BTC

Hà Nội, ngày 30 tháng 06 năm 2023

NGHỊ ĐỊNH1

VỀ VIỆC THÀNH LẬP, TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỸ HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ

Nghị định số 45/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 03 năm 2021 của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã; có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 05 năm 2021; được sửa đổi, bổ sung bởi:

Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công; có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2023.

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng ngày 20 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Hợp tác xã ngày 20 tháng 11 năm 2012;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

Chính phủ ban hành Nghị định về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã.2

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh của Nghị định bao gồm:

a) Việc tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã được thành lập theo Quyết định số 246/2006/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã và Quyết định số 23/2017/QĐ-TTg ngày 22 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 246/2006/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã và ban hành Quy chế hoạt động bảo lãnh tín dụng và hỗ trợ lãi suất sau đầu tư của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã (sau đây gọi tắt là Quỹ hợp tác xã trung ương);

b) Việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Quỹ hợp tác xã địa phương).

2. Đối tượng áp dụng:

a) Quỹ hợp tác xã trung ương và Quỹ hợp tác xã địa phương;

b) Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; thành viên của tổ hợp tác và hợp tác xã được Quỹ hợp tác xã cho vay theo quy định tại Nghị định này;

c) Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Liên minh hợp tác xã các cấp; các tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình thực hiện Nghị định này.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. “Quỹ hợp tác xã hoặc Quỹ” quy định tại Nghị định này được hiểu là Quỹ hợp tác xã trung ương và Quỹ hợp tác xã địa phương.

2. “Khách hàng” là hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và thành viên của tổ hợp tác, hợp tác xã được cho vay của Quỹ hợp tác xã.

3. “Vốn điều lệ thực có” được xác định bằng mức vốn điều lệ ghi trên sổ sách kế toán cộng hoặc trừ lợi nhuận lũy kế chưa phân phối (lỗ lũy kế chưa xử lý) được phản ánh trên sổ sách kế toán tại cùng một thời điểm.

4. “Nợ xấu” là nợ thuộc các nhóm 3, nhóm 4 và nhóm 5 theo quy chế về phân loại nợ của Quỹ hợp tác xã.

5. “Người có liên quan” là tổ chức, cá nhân theo quy định tại khoản 28 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

6. “Người quản lý Quỹ” là Chủ tịch Quỹ, Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị Quỹ, Tổng giám đốc/Giám đốc, Phó Tổng giám đốc/Phó Giám đốc, Kế toán trưởng của Quỹ và người giữ chức danh khác theo quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ hợp tác xã.

7. “Sáng lập viên” là thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác; hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tự nguyện cam kết sáng lập, tham gia thành lập Quỹ hợp tác xã địa phương hoạt động theo mô hình hợp tác xã.

8. “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh” được hiểu là Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Điều 3. Địa vị pháp lý, tư cách pháp nhân

1. Quỹ hợp tác xã là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc là tổ chức tài chính hoạt động theo mô hình hợp tác xã, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn, tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong huy động vốn và sử dụng vốn nhằm thực hiện chức năng cho vay cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, thành viên của tổ hợp tác và hợp tác xã theo quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan.

2. Quỹ hợp tác xã có tư cách pháp nhân, có vốn điều lệ, có con dấu, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng thương mại hoạt động hợp pháp tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.

3. Quỹ hợp tác xã được thành lập, tổ chức, hoạt động, phá sản và giải thể theo quy định tại Nghị định này và pháp luật liên quan tương ứng với mô hình hoạt động khi không quy định tại Nghị định này.

Điều 4. Chức năng, nhiệm vụ của Quỹ hợp tác xã

1. Tiếp nhận, quản lý và sử dụng các nguồn vốn trong nước và ngoài nước, các nguồn tài trợ, viện trợ, đóng góp, ủy thác của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

2. Huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân trong nước theo quy định tại Nghị định này.

3. Cho vay cho khách hàng theo quy định tại Nghị định này.

4. Thực hiện các hoạt động tư vấn tài chính và đầu tư; đào tạo cho các khách hàng vay vốn của Quỹ theo quy định của pháp luật.

5. Ủy thác, nhận ủy thác theo quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan.

Điều 5. Nguyên tắc hoạt động của Quỹ hợp tác xã

1. Quỹ hợp tác xã hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính, công khai, minh bạch, bảo toàn và phát triển vốn.

2. Quỹ hợp tác xã thực hiện cho vay theo đúng đối tượng và có đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định này.

Điều 6. Trách nhiệm và quyền hạn của Quỹ hợp tác xã

Quỹ hợp tác xã có trách nhiệm và quyền hạn cơ bản như sau:

1. Trách nhiệm của Quỹ hợp tác xã:

a) Thực hiện cho vay cho khách hàng đúng đối tượng, đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định;

b) Sử dụng vốn đúng mục đích theo quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan;

c) Thực hiện chế độ kế toán, thống kê và báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật về kế toán, thống kê;

d) Chịu sự thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và kiểm tra, giám sát của Liên minh hợp tác cùng cấp;

đ) Cung cấp số liệu, công bố công khai về tình hình tài chính và tình hình hoạt động theo quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan;

e) Mua bảo hiểm tài sản và các loại bảo hiểm khác theo quy định của pháp luật để đảm bảo an toàn cho hoạt động của Quỹ hợp tác xã;

g) Ban hành, sửa đổi, bổ sung các quy trình, quy chế nội bộ về tổ chức, quản trị và hoạt động của Quỹ hợp tác xã theo thẩm quyền quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ hợp tác xã.

2. Quyền hạn của Quỹ hợp tác xã:

a) Tổ chức và hoạt động phù hợp với mục tiêu, phạm vi hoạt động của Quỹ hợp tác xã;

b) Được lựa chọn các dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh khả thi, có hiệu quả, đủ điều kiện, phù hợp với kế hoạch hỗ trợ khách hàng của Quỹ hợp tác xã để thực hiện cho vay theo quy định tại Nghị định này;

c) Được tuyển chọn, bố trí, sử dụng, đào tạo và sử dụng lao động theo quy định tại Nghị định này và các quy định của pháp luật có liên quan;

d) Được từ chối mọi yêu cầu của cá nhân hay tổ chức về việc cung cấp thông tin và các nguồn lực của Quỹ hợp tác xã nếu yêu cầu đó trái với quy định của pháp luật và trái với Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ hợp tác xã.

Chương II

THÀNH LẬP, MÔ HÌNH HOẠT ĐỘNG VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA QUỸ HỢP TÁC XÃ

Mục 1. QUỸ HỢP TÁC XÃ TRUNG ƯƠNG

Điều 7. Mô hình hoạt động của Quỹ hợp tác xã trung ương

Quỹ hợp tác xã trung ương là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định tại Nghị định này.

Điều 8. Quyền hạn, trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Chủ tịch Quỹ hợp tác xã trung ương đối với Quỹ hợp tác xã trung ương

1. Quyền hạn, trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ:

a) Phê duyệt chiến lược; kế hoạch hoạt động và kế hoạch đầu tư phát triển 05 năm theo đề nghị của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam;

b) Quyết định việc cơ cấu, tổ chức lại (chia, tách, hợp nhất, sáp nhập), chuyển đổi mô hình Quỹ, giải thể, phá sản Quỹ hợp tác xã trung ương theo đề nghị của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

c) Quyết định mức vốn điều lệ và thay đổi mức vốn điều lệ của Quỹ hợp tác xã trung ương trong quá trình hoạt động theo đề nghị của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

d) Giao Liên minh Hợp tác xã Việt Nam thực hiện chức năng cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với Quỹ hợp tác xã trung ương theo quy định tại Nghị định này.

2. Quyền hạn, trách nhiệm của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam:

a) Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược; kế hoạch hoạt động và kế hoạch đầu tư phát triển 05 năm;

b) Phê duyệt kế hoạch hoạt động, kế hoạch tài chính hàng năm của Quỹ hợp tác xã trung ương theo đề nghị của Chủ tịch Quỹ hợp tác xã trung ương;

c) Quyết định về quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, chấp thuận từ chức, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu của Chủ tịch, Kiểm soát viên, Tổng Giám đốc Quỹ;

d) Ban hành, sửa đổi, bổ sung Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ hợp tác xã trung ương theo quy định tại Nghị định này;

đ) Phê duyệt Báo cáo tài chính, phân phối lợi nhuận, trích lập các quỹ hàng năm của Quỹ hợp tác xã trung ương sau khi có ý kiến thẩm định của Kiểm soát viên của Quỹ hợp tác xã trung ương;

e) Các quyền hạn, trách nhiệm khác của cơ quan đại diện chủ sở hữu theo quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ hợp tác xã trung ương.

3. Chủ tịch Quỹ hợp tác xã trung ương thực hiện các quyền và nhiệm vụ như sau:

a) Xây dựng và trình Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phê duyệt: kế hoạch hoạt động, kế hoạch tài chính hàng năm của Quỹ hợp tác xã trung ương;

b) Đề nghị Liên minh Hợp tác xã Việt Nam quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, chấp thuận từ chức, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu của Chủ tịch, Tổng giám đốc và Kiểm soát viên Quỹ hợp tác xã trung ương;

c) Quyết định quy hoạch, bổ nhiệm, đánh giá, bổ nhiệm lại; chấp thuận từ chức, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu của Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng Quỹ hợp tác xã trung ương sau khi được Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phê duyệt chủ trương;

d) Đề nghị Liên minh Hợp tác xã Việt Nam sửa đổi, bổ sung Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ hợp tác xã trung ương; trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh tăng, giảm vốn điều lệ, cơ cấu, tổ chức lại, chuyển đổi mô hình, giải thể, phá sản Quỹ hợp tác xã trung ương;

đ) Trình Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phê duyệt báo cáo tài chính, phân phối lợi nhuận, trích lập các quỹ hàng năm của Quỹ hợp tác xã trung ương sau khi có ý kiến thẩm định của Kiểm soát viên Quỹ hợp tác xã trung ương;

e) Quyết định ban hành, sửa đổi, bổ sung các quy trình, quy chế nội bộ về tổ chức, quản trị và hoạt động của Quỹ hợp tác xã trung ương sau khi có ý kiến chấp thuận của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam;

g) Thực hiện các quyền hạn và trách nhiệm khác quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ hợp tác xã trung ương.

Điều 9. Cơ cấu tổ chức, bộ máy của Quỹ hợp tác xã trung ương

Cơ cấu tổ chức, bộ máy của Quỹ hợp tác xã trung ương gồm:

1. Chủ tịch Quỹ.

2. Kiểm soát viên.

3. Ban điều hành gồm: Tổng Giám đốc, các Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng và bộ máy giúp việc.

Điều 10. Chủ tịch Quỹ hợp tác xã trung ương

1. Chủ tịch Quỹ hợp tác xã trung ương được Liên minh Hợp tác xã Việt Nam bổ nhiệm, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam về hoạt động của Quỹ.

2. Chủ tịch Quỹ hợp tác xã trung ương có nhiệm kỳ không quá 05 năm và có thể được bổ nhiệm lại nhưng không quá 02 nhiệm kỳ. Chủ tịch Quỹ hợp tác xã có thể hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm hoặc chuyên trách do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam quyết định căn cứ vào quy mô hoạt động của Quỹ.

3. Tiêu chuẩn, điều kiện để được bổ nhiệm Chủ tịch Quỹ hợp tác xã trung ương:

a) Là công dân Việt Nam theo quy định của pháp luật;

b) Có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, có đủ sức khỏe để đảm đương nhiệm vụ;

c) Có trình độ đại học trở lên trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng, luật, kế toán, kiểm toán;

d) Có kinh nghiệm ít nhất 03 năm là người quản lý, điều hành một trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng, luật, kế toán, kiểm toán;

đ) Không phải là vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; Kiểm soát viên, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc và Kế toán trưởng của Quỹ;

e) Các tiêu chuẩn và điều kiện khác theo yêu cầu quản lý của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ hợp tác xã.

4. Quyền hạn, trách nhiệm của Chủ tịch Quỹ hợp tác xã trung ương thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định này và Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ hợp tác xã trung ương.

Điều 11. Kiểm soát viên Quỹ hợp tác xã trung ương

1. Kiểm soát viên Quỹ hợp tác xã trung ương do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam bổ nhiệm, hoạt động theo chế độ chuyên trách để giúp kiểm soát việc tổ chức thực hiện các hoạt động quản lý, điều hành của Chủ tịch Quỹ, Tổng Giám đốc Quỹ theo quy định của pháp luật và Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ hợp tác xã.

2. Kiểm soát viên có nhiệm kỳ không quá 05 năm và có thể được bổ nhiệm lại nhưng không quá 02 nhiệm kỳ.

3. Tiêu chuẩn, điều kiện để được bổ nhiệm Kiểm soát viên Quỹ hợp tác xã trung ương:

a) Đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện tại các điểm a, b, c, d và e khoản 3 Điều 10 Nghị định này;

b) Không phải là vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc và Kế toán trưởng của Quỹ.

4. Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam ban hành Quy chế hoạt động của Kiểm soát viên Quỹ hợp tác xã trung ương theo quy định về quy chế hoạt động của Kiểm soát viên công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, phù hợp với quy định tại Nghị định này.

Điều 12. Tổng giám đốc Quỹ hợp tác xã trung ương

1. Tổng Giám đốc Quỹ hợp tác xã trung ương do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam bổ nhiệm, miễn nhiệm để trực tiếp điều hành hoạt động hàng ngày của Quỹ.

2. Tổng Giám đốc Quỹ được bổ nhiệm với nhiệm kỳ không quá 05 năm và có thể được bổ nhiệm lại hoặc thay thế.

3. Tiêu chuẩn, điều kiện để được bổ nhiệm Tổng Giám đốc Quỹ hợp tác xã trung ương:

a) Đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện tại các điểm a, b, c, d và e khoản 3 Điều 10 Nghị định này;

b) Không phải là vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; Kiểm soát viên, Phó Tổng Giám đốc và Kế toán trưởng của Quỹ.

4. Quyền hạn và trách nhiệm của Tổng Giám đốc Quỹ hợp tác xã trung ương thực hiện theo quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ hợp tác xã trung ương.

Điều 13. Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng và bộ máy giúp việc của Quỹ hợp tác xã trung ương

1. Phó Tổng giám đốc Quỹ hợp tác xã trung ương do Chủ tịch Quỹ bổ nhiệm trên cơ sở đề nghị của Tổng Giám đốc để giúp Tổng Giám đốc điều hành hoạt động của Quỹ theo phân công và ủy quyền của Tổng Giám đốc; chịu trách nhiệm trước Tổng Giám đốc Quỹ và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công và ủy quyền. Số lượng Phó Tổng giám đốc Quỹ do Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam quyết định, tối đa không quá 03 người.

2. Kế toán trưởng Quỹ hợp tác xã trung ương do Chủ tịch Quỹ bổ nhiệm trên cơ sở đề nghị của Tổng Giám đốc, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác kế toán, thống kê của Quỹ theo phân công và ủy quyền của Tổng Giám đốc Quỹ, phù hợp với quy định của pháp luật về kế toán và pháp luật có liên quan; chịu trách nhiệm trước Tổng Giám đốc, trước Chủ tịch Quỹ hợp tác xã trung ương và trước pháp luật về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân công hoặc ủy quyền.

3. Bộ máy giúp việc của Quỹ hợp tác xã trung ương:

a) Bộ máy giúp việc gồm các phòng, ban chuyên môn, nghiệp vụ có chức năng tham mưu, giúp việc Chủ tịch và Tổng Giám đốc Quỹ điều hành, quản lý Quỹ. Tổng Giám đốc Quỹ quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh lãnh đạo của bộ máy giúp việc sau khi được Chủ tịch Quỹ chấp thuận về chủ trương;

b) Cơ cấu tổ chức và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy giúp việc đo Tổng Giám đốc Quỹ quyết định.

4. Tiêu chuẩn, điều kiện để được bổ nhiệm Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng của Quỹ hợp tác xã trung ương thực hiện theo quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ hợp tác xã trung ương.

5. Quyền hạn và trách nhiệm của Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng và bộ máy giúp việc của Quỹ hợp tác xã trung ương thực hiện theo Điều lệ tổ chức và hoạt động.

Điều 14. Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ hợp tác xã trung ương

1. Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ hợp tác xã trung ương do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam ban hành.

2. Nội dung cơ bản Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ hợp tác xã trung ương bao gồm:

a) Tên và nơi đặt trụ sở chính;

b) Địa vị pháp lý và mô hình hoạt động, tư cách pháp nhân;

c) Nội dung và phạm vi hoạt động;

d) Vốn điều lệ;

đ) Cơ cấu tổ chức quản lý, người đại diện theo pháp luật của Quỹ;

e) Chức năng, nhiệm vụ của Quỹ;

g) Chức năng, nhiệm vụ của Chủ tịch, Kiểm soát viên và ban điều hành Quỹ;

h) Tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm và quyền hạn, trách nhiệm của người quản lý và các chức danh lãnh đạo khác của Quỹ;

i) Việc tuyển dụng lao động, quy hoạch và bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo;

k) Nguyên tắc quản lý tài chính đối với Quỹ;

l) Thủ tục sửa đổi, bổ sung Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ;

m) Quan hệ giữa Quỹ với các cơ quan quản lý nhà nước và các bên liên quan theo quy định tại Nghị định này;

n) Quan hệ giữa Quỹ hợp tác xã trung ương và Quỹ hợp tác xã địa phương theo quy định tại Nghị định này;

o) Xử lý tranh chấp, cơ cấu lại, phá sản, giải thể đối với Quỹ theo quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan;

p) Các nội dung khác theo yêu cầu quản lý.

Mục 2. QUỸ HỢP TÁC XÃ ĐỊA PHƯƠNG

Điều 15. Thành lập mới Quỹ hợp tác xã địa phương

1. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét thành lập Quỹ hợp tác xã địa phương trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn, đảm bảo việc thành lập là cần thiết, khả thi và đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều này. Trường hợp cần thiết phải thành lập, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ được thành lập 01 Quỹ hợp tác xã địa phương theo quy định tại Nghị định này.

2. Điều kiện thành lập mới Quỹ hợp tác xã địa phương, bao gồm:

a) Có Đề án thành lập Quỹ hợp tác xã địa phương được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy định tại Nghị định này. Đề án phải bao gồm các nội dung cơ bản quy định tại khoản 3 Điều này;

b) Có vốn điều lệ tối thiểu tại thời điểm thành lập Quỹ hợp tác xã là 20 tỷ đồng;

c) Có Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ hợp tác xã địa phương đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy định tại Nghị định này, phù hợp với quy định tại Điều 19 Nghị định này.

3. Nội dung cơ bản của Đề án thành lập Quỹ hợp tác xã địa phương gồm:

a) Sự cần thiết của việc thành lập Quỹ hợp tác xã địa phương; tác động của việc thành lập Quỹ hợp tác xã địa phương đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tính khả thi của việc thành lập và hoạt động;

b) Tên Quỹ hợp tác xã địa phương, địa bàn hoạt động, địa điểm dự kiến đặt trụ sở chính, vốn điều lệ khi thành lập, nguồn hình thành vốn điều lệ, nội dung hoạt động phù hợp với quy định tại Nghị định này;

c) Mô hình hoạt động của Quỹ hợp tác xã địa phương theo quy định tại Điều 16 Nghị định này và thuyết minh cụ thể lý do lựa chọn mô hình hoạt động của Quỹ, đảm bảo hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương;

d) Thuyết minh cụ thể về dự kiến cơ cấu tổ chức và quy trình hoạt động của Quỹ hợp tác xã địa phương theo quy định tại Nghị định này, bao gồm: Cơ cấu tổ chức; quy trình các hoạt động nghiệp vụ của Quỹ hợp tác xã địa phương; quy định về quản lý rủi ro, trong đó nêu rõ các loại rủi ro có thể xảy ra trong quá trình hoạt động, phương thức và biện pháp phòng ngừa, kiểm soát các loại rủi ro này; dự kiến hệ thống công nghệ thông tin để quản lý hoạt động của Quỹ;

đ) Phương án tài chính và hoạt động của Quỹ hợp tác xã địa phương dự kiến trong vòng 05 năm sau khi thành lập, gồm: Phương án về nguồn vốn hoạt động của Quỹ, thuyết minh cụ thể về cơ cấu nguồn vốn hoạt động (bao gồm: vốn điều lệ, nguồn hình thành vốn điều lệ, vốn huy động và vốn khác; hiệu quả hoạt động dự kiến của Quỹ hợp tác xã địa phương để chứng minh tính khả thi của việc thành lập;

e) Danh sách các thành viên dự kiến là người quản lý Quỹ hợp tác xã địa phương và tài liệu chứng minh năng lực đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện của người quản lý quy định tại Nghị định này;

g) Trường hợp Quỹ hợp tác xã địa phương hoạt động theo mô hình hợp tác xã phải bổ sung thêm:

- Danh sách các thành viên dự kiến tham gia góp vốn thành lập Quỹ, có chữ ký xác nhận của các thành viên, bao gồm các nội dung sau: Họ và tên (đối với thành viên là cá nhân, người đại diện hộ gia đình), tên và địa chỉ đặt trụ sở chính (đối với thành viên là pháp nhân), số chứng minh nhân dân hoặc số thẻ căn cước công dân hoặc số hộ chiếu (đối với thành viên là cá nhân), 3 và số Giấy đăng ký kinh doanh (đối với thành viên là pháp nhân), số tiền tham gia góp vốn và tỷ lệ vốn góp của từng thành viên;

- Bản sao có chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã của các giấy tờ sau: giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu (đối với thành viên là cá nhân, người đại diện của pháp nhân, hộ gia đình) còn hiệu lực, 4, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (đối với thành viên là pháp nhân);

- Văn bản ủy quyền của pháp nhân cho người đại diện của pháp nhân tham gia góp vốn; văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho người đại diện hộ gia đình tham gia góp vốn.

4. Quy trình thành lập mới Quỹ hợp tác xã địa phương hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ:

a) Liên minh hợp tác xã cấp tỉnh xây dựng Đề án thành lập Quỹ hợp tác xã địa phương, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, thẩm định;

b) Trong vòng 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Đề án thành lập Quỹ hợp tác xã địa phương theo quy định tại điểm a khoản này, trường hợp việc thành lập Quỹ là không khả thi và không đủ điều kiện, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thông báo bằng văn bản cho Liên minh hợp tác xã cấp tỉnh và nêu rõ lý do không phê duyệt;

c) Trường hợp việc thành lập Quỹ là khả thi và đủ điều kiện, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, phê duyệt về chủ trương thành lập Quỹ với các nội dung cơ bản sau: Vốn điều lệ và nguồn hình thành vốn điều lệ, nguồn vốn huy động, mô hình hoạt động và cơ cấu tổ chức, bộ máy của Quỹ hợp tác xã địa phương và các nội dung khác theo yêu cầu quản lý của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh;

d) Sau khi Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận về chủ trương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành Quyết định thành lập Quỹ hợp tác xã;

đ) Trong thời gian 30 ngày làm việc kể từ ngày Quỹ hợp tác xã được thành lập, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi thông báo cho Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam kèm theo Quyết định thành lập Quỹ hợp tác xã địa phương; Quỹ hợp tác xã địa phương có trách nhiệm thông báo công khai việc thành lập Quỹ trên các phương tiện thông tin đại chúng;

e) Trong thời hạn 180 ngày kể từ ngày Quyết định thành lập Quỹ hợp tác xã địa phương được ban hành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí ngân sách địa phương cấp đủ vốn điều lệ theo Quyết định đã ban hành.

5. Quy trình thành lập mới Quỹ hợp tác xã địa phương hoạt động theo mô hình hợp tác xã:

a) Các sáng lập viên và đại diện Liên minh hợp tác xã cấp tỉnh tổ chức Hội nghị thành lập Quỹ hợp tác xã địa phương thông qua các nội dung để xin chủ trương thành lập Quỹ bao gồm: Đề án thành lập Quỹ theo quy định tại khoản 3 Điều này; dự kiến Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ theo quy định tại Điều 19 Nghị định này và các nội dung khác liên quan đến việc thành lập, tổ chức hoạt động của Quỹ. Nghị quyết của Hội nghị thành lập Quỹ hợp tác xã địa phương phải được biểu quyết thông qua theo nguyên tắc đa số;

b) Sau khi Nghị quyết của Hội nghị thành lập Quỹ hợp tác xã địa phương được thông qua, Liên minh hợp tác xã cấp tỉnh báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, thẩm định Đề án thành lập Quỹ hợp tác xã địa phương;

c) Trong vòng 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Đề án thành lập Quỹ hợp tác xã địa phương theo quy định tại điểm b khoản này, trường hợp việc thành lập Quỹ là không khả thi và không đủ điều kiện, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thông báo bằng văn bản cho Liên minh hợp tác xã cấp tỉnh và nêu rõ lý do không phê duyệt;

d) Trường hợp việc thành lập Quỹ là khả thi và đủ điều kiện, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, phê duyệt chủ trương thành lập Quỹ;

đ) Sau khi Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận về chủ trương, Đại hội thành viên Quỹ hợp tác xã địa phương họp và ra Nghị quyết thành lập Quỹ hợp tác xã địa phương;

e) Sau khi Nghị quyết thành lập Quỹ hợp tác xã được Đại hội thành viên thông qua, Quỹ hợp tác xã địa phương có văn bản đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký Quỹ hợp tác xã địa phương để hoạt động theo quy định của pháp luật;

g) Trong thời gian 30 ngày làm việc kể từ ngày Quỹ hợp tác xã địa phương được cấp giấy chứng nhận đăng ký, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi thông báo cho Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam kèm theo Giấy chứng nhận đăng ký thành lập Quỹ hợp tác xã địa phương. Quỹ hợp tác xã địa phương có trách nhiệm thông báo công khai việc thành lập Quỹ trên các phương tiện thông tin đại chúng;

h) Trong thời hạn 180 ngày kể từ ngày Giấy chứng nhận đăng ký thành lập Quỹ hợp tác xã địa phương được cấp, thành viên góp vốn có trách nhiệm thực hiện góp đủ vốn điều lệ đã cam kết.

Điều 16. Mô hình hoạt động và phương thức tổ chức điều hành hoạt động của Quỹ hợp tác xã địa phương

1. Quỹ hợp tác xã địa phương hoạt động theo một trong hai mô hình sau:

a) Mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;

b) Mô hình hợp tác xã.

2. Quỹ hợp tác xã địa phương được tổ chức điều hành theo một trong hai phương thức sau:

a) Thành lập bộ máy tổ chức, quản lý điều hành độc lập Quỹ hợp tác xã địa phương và triển khai các hoạt động nghiệp vụ theo quy định tại Nghị định này;

b) Ủy thác cho các tổ chức tài chính tại địa phương để quản lý. Việc ủy thác được thực hiện thông qua văn bản ủy thác ký giữa hai bên, trong đó phải bao gồm các nội dung cơ bản sau: Phạm vi, nội dung ủy thác, quy trình ủy thác; trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn giữa bên ủy thác và bên nhận ủy thác; rủi ro phát sinh và các nội dung khác có liên quan.

Điều 17. Quyền hạn, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Liên minh hợp tác xã cấp tỉnh; cơ cấu tổ chức, bộ máy của Quỹ hợp tác xã địa phương hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ

1. Quyền hạn, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:

a) Phê duyệt chiến lược, kế hoạch hoạt động, kế hoạch tài chính và kế hoạch đầu tư phát triển 05 năm theo đề nghị của Liên minh hợp tác xã cấp tỉnh;

b) Quyết định việc thành lập, cơ cấu, tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu, phá sản, giải thể Quỹ hợp tác xã địa phương theo đề nghị của Liên minh hợp tác xã cấp tỉnh, trên cơ sở ý kiến tham gia của Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tư pháp sau khi có ý kiến chấp thuận của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh;

c) Quyết định mức vốn điều lệ và phê duyệt điều chỉnh tăng, giảm mức vốn điều lệ của Quỹ hợp tác xã địa phương trong quá trình hoạt động theo đề nghị của Liên minh hợp tác xã cấp tỉnh, ý kiến tham gia của Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư sau khi có ý kiến chấp thuận của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh;

d) Ban hành, sửa đổi, bổ sung Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ hợp tác xã địa phương theo quy định tại Nghị định này;

đ) Bổ nhiệm hoặc ủy quyền cho Liên minh hợp tác xã cấp tỉnh bổ nhiệm đối với các chức danh Chủ tịch Quỹ, Kiểm soát viên, Giám đốc Quỹ theo quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ hợp tác xã địa phương;

e) Quyền hạn, trách nhiệm khác theo quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật có liên quan.

2. Quyền hạn, trách nhiệm của Liên minh hợp tác xã cấp tỉnh:

a) Phê duyệt kế hoạch hoạt động, kế hoạch tài chính hàng năm của Quỹ hợp tác xã địa phương sau khi có ý kiến chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

b) Quyết định về quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, chấp thuận từ chức, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu đối với các chức danh được phân cấp theo quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ hợp tác xã;

c) Phê duyệt Báo cáo tài chính, phân phối lợi nhuận, trích lập các quỹ hàng năm của Quỹ hợp tác xã địa phương sau khi có ý kiến thẩm định của Kiểm soát viên của Quỹ hợp tác xã địa phương;

d) Thực hiện một số quyền hạn, trách nhiệm khác do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ hợp tác xã địa phương.

3. Cơ cấu tổ chức, bộ máy của Quỹ hợp tác xã địa phương gồm:

a) Chủ tịch Quỹ;

b) Kiểm soát viên;

c) Ban điều hành gồm: Giám đốc, các Phó Giám đốc, Kế toán trưởng và bộ máy giúp việc.

4. Chủ tịch Quỹ hợp tác xã địa phương:

a) Chủ tịch Quỹ hợp tác xã địa phương là người đại diện chủ sở hữu thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước tại Quỹ;

b) Nhiệm kỳ của Chủ tịch Quỹ hợp tác xã địa phương không quá 5 năm và có thể được bổ nhiệm lại nhưng không quá 02 nhiệm kỳ. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch Quỹ hợp tác xã địa phương theo quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ hợp tác xã địa phương;

c) Tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm Chủ tịch Quỹ hợp tác xã địa phương: Đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 3 Điều 10 Nghị định này; không phải là vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Liên minh hợp tác xã cấp tỉnh; Kiểm soát viên, Giám đốc, Phó Giám đốc và Kế toán trưởng của Quỹ và các tiêu chuẩn và điều kiện khác theo yêu cầu quản lý của Liên minh hợp tác xã cấp tỉnh quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ hợp tác xã địa phương;

d) Trách nhiệm và quyền hạn của Chủ tịch Quỹ hợp tác xã địa phương: Xây dựng và trình Liên minh hợp tác xã cấp tỉnh để trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt chiến lược, kế hoạch hoạt động, kế hoạch tài chính và kế hoạch đầu tư phát triển 05 năm; xây dựng và trình Liên minh hợp tác xã cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch hoạt động, kế hoạch tài chính hàng năm của Quỹ hợp tác xã địa phương. Đề nghị Liên minh hợp tác xã cấp tỉnh quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, chấp thuận từ chức, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu đối với các chức danh được phân cấp theo quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ hợp tác xã địa phương. Báo cáo Liên minh hợp tác xã cấp tỉnh đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sửa đổi, bổ sung Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ hợp tác xã địa phương; điều chỉnh tăng, giảm vốn điều lệ, tổ chức lại, chuyển đổi mô hình, giải thể, phá sản Quỹ hợp tác xã địa phương. Trình Liên minh hợp tác xã cấp tỉnh phê duyệt báo cáo tài chính, phân phối lợi nhuận, trích lập các quỹ hàng năm của Quỹ hợp tác xã địa phương sau khi có ý kiến thẩm định của Kiểm soát viên Quỹ hợp tác xã địa phương. Quyết định ban hành, sửa đổi, bổ sung các quy trình, quy chế nội bộ về tổ chức, quản trị và hoạt động của Quỹ hợp tác xã địa phương sau khi có ý kiến chấp thuận của Liên minh hợp tác xã cấp tỉnh. Thực hiện các quyền hạn và trách nhiệm khác quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ hợp tác xã địa phương.

5. Kiểm soát viên Quỹ hợp tác xã địa phương:

a) Kiểm soát viên Quỹ hợp tác xã địa phương giúp Liên minh hợp tác xã cấp tỉnh kiểm soát việc tổ chức thực hiện các hoạt động quản lý, điều hành của Chủ tịch và Giám đốc Quỹ hợp tác xã địa phương và các nội dung khác có liên quan;

b) Kiểm soát viên của Quỹ hợp tác xã địa phương có nhiệm kỳ không quá 05 năm và có thể được bổ nhiệm lại nhưng không quá 02 nhiệm kỳ; việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Kiểm soát viên Quỹ hợp tác xã địa phương theo quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ hợp tác xã địa phương;

c) Tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm Kiểm soát viên Quỹ hợp tác xã địa phương: Đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 3 Điều 10 Nghị định này; không phải là vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Liên minh hợp tác xã cấp tỉnh; Chủ tịch Quỹ, Giám đốc, Phó Giám đốc và Kế toán trưởng của Quỹ và các tiêu chuẩn và điều kiện khác theo yêu cầu quản lý của Liên minh hợp tác xã cấp tỉnh quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ hợp tác xã;

d) Chủ tịch Liên minh hợp tác xã cấp tỉnh ban hành Quy chế hoạt động của Kiểm soát viên Quỹ hợp tác xã địa phương theo quy định về quy chế hoạt động của Kiểm soát viên công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, phù hợp với quy định tại Nghị định này.

6. Giám đốc Quỹ hợp tác xã địa phương:

a) Giám đốc Quỹ hợp tác xã địa phương trực tiếp điều hành hoạt động của Quỹ;

b) Giám đốc Quỹ được bổ nhiệm với nhiệm kỳ không quá 05 năm và được bổ nhiệm lại hoặc thay thế. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Giám đốc Quỹ hợp tác xã địa phương theo quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ hợp tác xã địa phương;

c) Tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm Giám đốc Quỹ hợp tác xã địa phương: Đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 3 Điều 10 Nghị định này; không phải là vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Liên minh hợp tác xã cấp tỉnh; Chủ tịch Quỹ, Kiểm soát viên, Phó Giám đốc và Kế toán trưởng của Quỹ và các tiêu chuẩn và điều kiện khác theo yêu cầu quản lý của Liên minh hợp tác xã cấp tỉnh quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ hợp tác xã địa phương;

d) Quyền hạn và trách nhiệm của Giám đốc Quỹ hợp tác xã địa phương thực hiện theo quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ.

7. Phó Giám đốc, Kế toán trưởng và bộ máy giúp việc Quỹ:

a) Phó Giám đốc Quỹ hợp tác xã địa phương do Chủ tịch Quỹ hợp tác xã địa phương bổ nhiệm, miễn nhiệm trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Quỹ. Phó Giám đốc Quỹ giúp Giám đốc Quỹ điều hành Quỹ hợp tác xã địa phương theo phân công và ủy quyền của Giám đốc Quỹ; chịu trách nhiệm trước Giám đốc và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công và ủy quyền;

b) Kế toán trưởng Quỹ hợp tác xã địa phương do Chủ tịch Quỹ hợp tác xã địa phương bổ nhiệm, miễn nhiệm trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Quỹ. Kế toán trưởng chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác kế toán, thống kê tài chính của Quỹ hợp tác xã địa phương theo phân công của Giám đốc và phù hợp với quy định của pháp luật về kế toán và Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ hợp tác xã;

c) Bộ máy giúp việc của Quỹ hợp tác xã địa phương gồm các phòng, ban chuyên môn, nghiệp vụ có chức năng tham mưu, giúp việc Chủ tịch và Giám đốc Quỹ điều hành, quản lý Quỹ. Giám đốc Quỹ quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh lãnh đạo của bộ máy giúp việc sau khi được Chủ tịch Quỹ phê duyệt. Cơ cấu tổ chức và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy giúp việc quy định cụ thể tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ;

d) Tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm Phó Giám đốc, Kế toán trưởng Quỹ thực hiện theo quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ hợp tác xã địa phương;

đ) Quyền hạn và trách nhiệm của Phó Giám đốc, Kế toán trưởng và bộ máy giúp việc của Quỹ hợp tác xã địa phương thực hiện theo quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ hợp tác xã địa phương.

Điều 18. Cơ cấu tổ chức, bộ máy của Quỹ hợp tác xã địa phương hoạt động theo mô hình hợp tác xã

1. Cơ cấu tổ chức, bộ máy của Quỹ gồm:

a) Đại hội thành viên;

b) Hội đồng quản trị;

c) Kiểm soát viên;

d) Ban điều hành gồm: Giám đốc, các Phó Giám đốc Quỹ, Kế toán trưởng và bộ máy giúp việc.

2. Đại hội thành viên:

a) Đại hội thành viên có quyền quyết định cao nhất của Quỹ hợp tác xã địa phương hoạt động theo mô hình hợp tác xã. Đại hội thành viên gồm có Đại hội thường niên và Đại hội bất thường. Đại hội thành viên được tổ chức dưới hình thức đại hội toàn thể hoặc đại hội đại biểu thành viên theo quy định của Luật Hợp tác xã;

b) Đại hội thành viên có quyền hạn và nhiệm vụ theo quy định tại Luật Hợp tác xã.

3. Hội đồng quản trị:

a) Hội đồng quản trị Quỹ hợp tác xã địa phương do Đại hội thành viên bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm theo thể thức bỏ phiếu kín. Hội đồng quản trị tối thiểu là 03 người gồm: Chủ tịch và các thành viên. Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ hợp tác xã địa phương hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm hoặc chuyên trách, có nhiệm kỳ không quá 05 năm và có thể được bổ nhiệm lại nhưng không quá 02 nhiệm kỳ;

b) Tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ hợp tác xã địa phương theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 17 Nghị định này và Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ hợp tác xã địa phương;

c) Trách nhiệm và quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ hợp tác xã địa phương thực hiện theo quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ hợp tác xã địa phương.

4. Kiểm soát viên Quỹ hợp tác xã địa phương:

a) Kiểm soát viên Quỹ hợp tác xã địa phương do Đại hội thành viên bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm theo thể thức bỏ phiếu kín;

b) Kiểm soát viên hoạt động theo chế độ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm, có nhiệm kỳ không quá 05 năm và có thể được bầu, bổ nhiệm lại nhưng không quá 02 nhiệm kỳ để giúp kiểm soát việc tổ chức thực hiện các hoạt động quản lý, điều hành của Hội đồng quản trị, Giám đốc Quỹ và các nội dung khác có liên quan;

c) Tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm Kiểm soát viên Quỹ hợp tác xã địa phương thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Nghị định này và Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ hợp tác xã địa phương;

d) Đại hội thành viên thông qua Nghị quyết ban hành Quy chế hoạt động của Kiểm soát viên Quỹ hợp tác xã địa phương, phù hợp với quy định tại Luật Hợp tác xã và Nghị định này.

5. Giám đốc Quỹ hợp tác xã địa phương:

a) Giám đốc Quỹ hợp tác xã địa phương do Đại hội thành viên bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm theo thể thức bỏ phiếu kín; là người trực tiếp điều hành hoạt động của Quỹ. Giám đốc Quỹ được bổ nhiệm với nhiệm kỳ không quá 05 năm và có thể được bổ nhiệm lại hoặc thay thế;

b) Tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm Giám đốc Quỹ hợp tác xã địa phương thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 6 Điều 17 Nghị định này và Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ hợp tác xã địa phương;

c) Quyền hạn và trách nhiệm của Giám đốc Quỹ hợp tác xã địa phương thực hiện theo quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ hợp tác xã địa phương.

6. Phó Giám đốc, Kế toán trưởng và bộ máy giúp việc:

a) Phó Giám đốc Quỹ do Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ bổ nhiệm, miễn nhiệm trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Quỹ. Phó Giám đốc Quỹ giúp Giám đốc Quỹ điều hành Quỹ hợp tác xã địa phương theo phân công và ủy quyền của Giám đốc Quỹ; chịu trách nhiệm trước Giám đốc và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công và ủy quyền. Chủ tịch Hội đồng quản trị quyết định cơ cấu, số lượng Phó Giám đốc theo quy mô, điều kiện hoạt động của Quỹ trong từng thời kỳ;

b) Kế toán trưởng Quỹ do Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ bổ nhiệm, miễn nhiệm trên Cơ sở đề nghị của Giám đốc Quỹ. Kế toán trưởng chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác kế toán, thống kê tài chính của Quỹ hợp tác xã theo phân công của Giám đốc và phù hợp với quy định của pháp luật về kế toán và pháp luật có liên quan;

c) Bộ máy giúp việc của Quỹ gồm các phòng, ban chuyên môn, nghiệp vụ có chức năng tham mưu, giúp việc Hội đồng quản trị và Giám đốc Quỹ điều hành, quản lý Quỹ. Giám đốc Quỹ quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh lãnh đạo của bộ máy giúp việc sau khi được Hội đồng quản trị Quỹ phê duyệt về chủ trương. Cơ cấu tổ chức và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy giúp việc quy định cụ thể tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ;

d) Tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm Phó Giám đốc, Kế toán trưởng Quỹ hợp tác xã địa phương thực hiện theo quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ hợp tác xã địa phương;

đ) Quyền hạn và trách nhiệm của Phó Giám đốc, Kế toán trưởng và bộ máy giúp việc của Quỹ hợp tác xã địa phương thực hiện theo quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ hợp tác xã địa phương.

Điều 19. Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ hợp tác xã địa phương

1. Nội dung của Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ hợp tác xã địa phương phù hợp với mô hình tổ chức và hoạt động của Quỹ hợp tác xã địa phương và phải đảm bảo các nội dung cơ bản được quy định tại Điều 14 Nghị định này.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ hợp tác xã địa phương hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Đại hội thành viên Quỹ hợp tác xã địa phương ban hành Nghị quyết phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ hợp tác xã hoạt động theo mô hình hợp tác xã.

Chương III

HOẠT ĐỘNG CỦA QUỸ HỢP TÁC XÃ

Mục 1. HOẠT ĐỘNG CHO VAY

Điều 20. Đối tượng và phạm vi cho vay

1. Đối tượng cho vay:

a) Đối tượng cho vay của Quỹ hợp tác xã là hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; thành viên của tổ hợp tác, hợp tác xã (trừ đối tượng thành viên hợp tác xã là doanh nghiệp);

b) Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định đối tượng được ưu tiên cho vay từ Quỹ hợp tác xã căn cứ vào chiến lược phát triển của Quỹ.

2. Phạm vi cho vay:

a) Quỹ hợp tác xã trung ương cho vay đối với các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này trên phạm vi toàn quốc;

b) Quỹ hợp tác xã địa phương cho vay đối với các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Quỹ hợp tác xã thành lập.

Điều 21. Nguyên tắc cho vay

1. Hoạt động cho vay của Quỹ hợp tác xã đối với khách hàng được thực hiện theo thỏa thuận giữa Quỹ hợp tác xã và khách hàng, phù hợp với quy định tại Nghị định này.

2. Khách hàng vay vốn Quỹ hợp tác xã phải đảm bảo sử dụng vốn vay đúng mục đích, hoàn trả nợ gốc và lãi tiền vay đúng thời hạn đã thỏa thuận với Quỹ hợp tác xã.

Điều 22. Điều kiện cho vay

1. Khách hàng thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 20 Nghị định này.

2. Khách hàng vay vốn là pháp nhân được thành lập theo quy định của pháp luật. Khách hàng vay vốn là cá nhân phải đủ 18 tuổi trở lên và có đầy đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật.

3. Khách hàng có dự án đầu tư hoặc phương án sản xuất, kinh doanh được Quỹ hợp tác xã thẩm định, đánh giá là khả thi và có khả năng hoàn trả nợ vay.

4. Khách hàng thực hiện quy định về bảo đảm tiền vay theo quy định tại Điều 26 Nghị định này.

5. Khách hàng có vốn chủ sở hữu tham gia dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh tối thiểu là 20% tổng vốn đầu tư dự án, phương án sản xuất kinh doanh.

6. Tại thời điểm giải ngân lần đầu tiên của Quỹ hợp tác xã sau khi ký kết hợp đồng tín dụng, khách hàng không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng.

Điều 23. Mức vốn cho vay và giới hạn cho vay

1. Mức vốn vay: Căn cứ vào phương án sử dụng vốn vay, khả năng tài chính, khả năng hoàn trả vốn vay, bảo đảm tiền vay của khách hàng và giới hạn cho vay quy định tại Nghị định này, Quỹ hợp tác xã xem xét, quyết định mức vốn cho vay cụ thể cho từng khách hàng, phù hợp với khả năng nguồn vốn và năng lực tài chính của Quỹ hợp tác xã.

2. Giới hạn cho vay:

a) Tổng mức dư nợ cho vay đối với một khách hàng không vượt quá 15% vốn điều lệ thực có của Quỹ hợp tác xã tại thời điểm quyết định cho vay;

b) Tổng mức dư nợ cho vay đối với một khách hàng và người có liên quan không vượt quá 25% vốn điều lệ thực có của Quỹ hợp tác xã tại thời điểm quyết định cho vay.

3. Các Quỹ hợp tác xã cho vay hợp vốn thực hiện theo hợp đồng thỏa thuận giữa các Quỹ hợp tác xã và khách hàng, phù hợp với quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan.

Điều 24. Thời hạn cho vay

1. Thời hạn cho vay của Quỹ hợp tác xã đối với khách hàng được xác định trên cơ sở khả năng thu hồi vốn, phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh, phương án đầu tư và khả năng trả nợ của khách hàng.

2. Thời hạn cho vay cụ thể đối với từng dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh của khách hàng do Quỹ hợp tác xã xem xét, quyết định.

Điều 25. Lãi suất cho vay và đồng tiền cho vay, thu nợ

1. Nguyên tắc xác định lãi suất và đồng tiền cho vay, thu nợ

a) Lãi suất cho vay của Quỹ hợp tác xã phải phù hợp với chính sách ưu đãi, kế hoạch phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã của Chính phủ và từng địa phương, đồng thời, đảm bảo nguyên tắc trang trải đủ chi phí hoạt động của Quỹ hợp tác xã và phù hợp với quy định của pháp luật về lãi suất cho vay;

b) Lãi suất quá hạn đối với từng trường hợp cụ thể do Quỹ hợp tác xã quyết định, tối đa bằng 150% lãi suất cho vay trong hạn;

c) Đồng tiền cho vay và thu nợ là đồng Việt Nam.

2. Thẩm quyền quy định lãi suất cho vay, lãi suất quá hạn, miễn, giảm lãi suất cho vay thực hiện theo quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ hợp tác xã, quy định nội bộ về cho vay, quản lý tiền vay.

Điều 26. Bảo đảm tiền vay

1. Việc áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay hoặc không có bảo đảm bằng tài sản do Quỹ hợp tác xã và khách hàng thỏa thuận, phù hợp với quy định của pháp luật về biện pháp bảo đảm.

2. Quỹ hợp tác xã được xử lý tài sản bảo đảm của khách hàng để thu hồi nợ theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm.

Điều 27. Cơ cấu lại thời hạn trả nợ

Quỹ hợp tác xã xem xét quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ (bao gồm biện pháp điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ) trên cơ sở đề nghị của khách hàng, khả năng tài chính của Quỹ hợp tác xã và kết quả đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng, như sau:

1. Khách hàng không có khả năng trả nợ đúng kỳ hạn nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay và được Quỹ hợp tác xã đánh giá là có khả năng trả đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo kỳ hạn trả nợ được điều chỉnh, thì Quỹ hợp tác xã xem xét điều chỉnh kỳ hạn trả nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay đó phù hợp với nguồn trả nợ của khách hàng; thời hạn cho vay không thay đổi.

2. Khách hàng không có khả năng trả đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay đúng thời hạn cho vay đã thỏa thuận và được Quỹ hợp tác xã đánh giá là có khả năng trả đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay trong một khoảng thời gian nhất định sau thời hạn cho vay, thì Quỹ hợp tác xã xem xét cho gia hạn nợ với thời hạn phù hợp với nguồn trả nợ của khách hàng.

3. Thẩm quyền quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ hợp tác xã và quy định nội bộ về cho vay, quản lý tiền vay của Quỹ.

Điều 28. Phân loại nợ, trích lập, sử dụng dự phòng rủi ro cho vay

1. Quỹ hợp tác xã thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro đối với các khoản cho vay chịu rủi ro và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro cho vay theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với tổ chức tài chính vi mô.

2. Đối với những khoản cho vay ủy thác hoặc nhận ủy thác mà Quỹ hợp tác xã không chịu rủi ro thì không trích lập dự phòng rủi ro.

3. Sau 05 năm kể từ ngày sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro cho vay và đã sử dụng mọi biện pháp mà không thu hồi được nợ, căn cứ đề nghị của Hội đồng xử lý rủi ro của Quỹ hợp tác xã:

a) Đối với Quỹ hợp tác xã trung ương: Chủ tịch Quỹ hợp tác xã Việt Nam quyết định xuất toán khoản nợ đã chuyển theo dõi ngoại bảng trên cơ sở phê duyệt của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam sau khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ;

b) Đối với Quỹ hợp tác xã địa phương hoạt động theo mô hình Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ: Chủ tịch Quỹ hợp tác xã địa phương quyết định xuất toán khoản nợ đã chuyển theo dõi ngoại bảng trên cơ sở phê duyệt của Liên minh hợp tác xã cấp tỉnh sau khi báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

4. Đối với Quỹ hợp tác xã địa phương hoạt động theo mô hình hợp tác xã: Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ hợp tác xã địa phương quyết định xuất toán khoản nợ đã chuyển theo dõi ngoại bảng sau khi được Đại hội thành viên của Quỹ hợp tác xã thông qua.

5. Căn cứ quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này, Quỹ hợp tác xã ban hành quy định nội bộ về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro cho vay theo quy định tại Nghị định này.

Điều 29. Hội đồng xử lý rủi ro

1. Quỹ hợp tác xã phải thành lập Hội đồng xử lý rủi ro do Chủ tịch/Chủ tịch Hội đồng quản trị của Quỹ làm Chủ tịch và các thành viên gồm Kiểm soát viên, Giám đốc Quỹ, Kế toán trưởng, Trưởng phòng cho vay và các thành viên khác do Chủ tịch/Chủ tịch Hội đồng quản trị của Quỹ quyết định.

2. Nhiệm vụ của Hội đồng xử lý rủi ro:

a) Định kỳ hàng quý xem xét việc đánh giá phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro và sử dụng dự phòng rủi ro do Giám đốc Quỹ báo cáo;

b) Quyết định về việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro;

c) Quyết định phương án thu hồi nợ đối với các khoản nợ đã được sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro cho vay, trong đó phải xác định rõ thời gian và biện pháp để thu hồi nợ;

d) Theo dõi tình hình thực hiện thu hồi nợ đối với các khoản nợ đã được sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro;

đ) Chuẩn bị thủ tục, trình tự, hồ sơ để xuất toán các khoản nợ đã chuyển theo dõi ngoại bảng để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định tại khoản 3 Điều 28 Nghị định này;

e) Xây dựng quy chế hoạt động nội bộ của Hội đồng xử lý rủi ro trình Chủ tịch/Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ hợp tác xã ký ban hành.

Điều 30. Hoạt động ủy thác cho vay của Quỹ hợp tác xã trung ương

1. Quỹ hợp tác xã trung ương được ủy thác vốn cho Quỹ hợp tác xã địa phương và các tổ chức tài chính, tín dụng khác để thực hiện hoạt động cho vay.

2. Quỹ hợp tác xã trung ương và tổ chức nhận ủy thác phải ký hợp đồng ủy thác để làm căn cứ triển khai thực hiện. Hợp đồng ủy thác phải quy định rõ các nội dung, gồm: Nội dung và phạm vi ủy thác, số tiền ủy thác, quy trình ủy thác, rủi ro phát sinh, trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn của các bên và các nội dung khác có liên quan.

Điều 31. Ban hành quy định nội bộ về cho vay, quản lý tiền vay

1. Quỹ hợp tác xã ban hành quy định nội bộ về cho vay, quản lý tiền vay theo thẩm quyền quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ hợp tác xã.

2. Quy định nội bộ về cho vay, quản lý tiền vay phải phù hợp với quy định tại Nghị định này và đặc điểm hoạt động của Quỹ và đảm bảo các nội dung tối thiểu như sau: Đối tượng cho vay, điều kiện cho vay, phương thức cho vay, thời hạn cho vay, lãi suất cho vay, lãi suất quá hạn, hồ sơ cho vay, thu nợ, quy trình và thủ tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ, chuyển nợ quá hạn; quy trình thẩm định, phê duyệt và quyết định cho vay; quy trình kiểm tra, giám sát quá trình vay vốn, sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng; áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay, các trường hợp được miễn tài sản bảo đảm căn cứ vào kết quả đánh giá mức độ rủi ro và khả năng trả nợ của khách hàng; thẩm quyền quyết định đối với từng biện pháp bảo đảm; xử lý rủi ro.

Mục 2. HUY ĐỘNG VỐN VÀ HOẠT ĐỘNG KHÁC

Điều 32. Hoạt động huy động vốn của Quỹ hợp tác xã

Quỹ hợp tác xã được huy động vốn phù hợp với loại hình tổ chức của Quỹ hợp tác xã, cụ thể như sau:

1. Đối với Quỹ hợp tác xã trung ương:

Quỹ hợp tác xã trung ương hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện huy động vốn theo quy định tại Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

2. Đối với Quỹ hợp tác xã địa phương:

a) Quỹ hợp tác xã địa phương hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện huy động vốn trên địa bàn theo quy định tại Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn có liên quan;

b) Quỹ hợp tác xã địa phương hoạt động theo mô hình hợp tác xã thực hiện huy động vốn trên địa bàn theo quy định của Luật Hợp tác xã và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

Điều 33. Hoạt động khác của Quỹ hợp tác xã

Quỹ hợp tác xã được thực hiện các hoạt động dịch vụ tư vấn đầu tư, tài chính và thực hiện các hoạt động dịch vụ hỗ trợ, đào tạo cho các khách hàng vay vốn của Quỹ theo quy định của pháp luật hiện hành.

Chương IV

CHẾ ĐỘ TÀI CHÍNH, KẾ TOÁN, KIỂM TOÁN, CHẾ ĐỘ BÁO CÁO VÀ ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỸ HỢP TÁC XÃ

Điều 34. Chế độ tài chính, kế toán và kiểm toán

1. Quỹ hợp tác xã thực hiện chế độ tài chính, kế toán, chế độ báo cáo theo quy định tại Nghị định này và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

2. Năm tài chính của Quỹ hợp tác xã từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 hàng năm.

3. Báo cáo tài chính năm của Quỹ hợp tác xã phải được một tổ chức kiểm toán độc lập kiểm toán hoặc kiểm toán nhà nước theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 35. Nguyên tắc quản lý tài chính

1. Quỹ hợp tác xã tự chủ về tài chính, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao, thực hiện các nghĩa vụ và các cam kết của mình theo quy định của pháp luật.

2. Quỹ hợp tác xã thực hiện công khai tài chính theo quy định của pháp luật hiện hành. Chủ tịch/Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ hợp tác xã chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của các báo cáo tài chính, thống kê và việc thực hiện công khai tài chính.

3. Quỹ hợp tác xã thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật về thuế.

Điều 36. Nguồn vốn hoạt động của Quỹ hợp tác xã

Nguồn vốn hoạt động của Quỹ hợp tác xã được hình thành từ các nguồn sau:

1. Vốn chủ sở hữu:

a) Vốn điều lệ;

b) Các Quỹ: Quỹ đầu tư phát triển, Quỹ dự phòng tài chính;

c) Vốn hình thành từ các khoản tài trợ, viện trợ, đóng góp không phải hoàn trả của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước;

d) Các khoản chênh lệch do đánh giá lại tài sản;

đ) Chênh lệch thu chi chưa phân phối, lỗ lũy kế chưa xử lý;

e) Vốn khác thuộc sở hữu của Quỹ hợp tác xã.

2. Vốn huy động từ các tổ chức, cá nhân trong nước theo quy định tại Điều 32 Nghị định này.

3. Các khoản hỗ trợ có hoàn lại của Nhà nước (nếu có) cho Quỹ hợp tác xã hoạt động theo mô hình hợp tác xã thực hiện theo quy định tại Luật Hợp tác xã.

4. Các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật (nếu có).

Điều 37. Vốn điều lệ của Quỹ hợp tác xã

1. Đối với Quỹ hợp tác xã hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, vốn điều lệ của Quỹ do ngân sách nhà nước cấp và các nguồn vốn hợp pháp khác, cụ thể như sau:

a) Vốn điều lệ của Quỹ hợp tác xã trung ương là 1.000 (một nghìn) tỷ đồng được bố trí từ nguồn chi đầu tư phát triển của ngân sách trung ương. Việc thay đổi mức vốn điều lệ của Quỹ hợp tác xã trung ương do Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở đề nghị của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam sau khi có ý kiến thống nhất với Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

b) Vốn điều lệ của Quỹ hợp tác xã địa phương tối thiểu là 20 (hai mươi) tỷ đồng được bố trí từ nguồn chi đầu tư phát triển của ngân sách địa phương. Việc thay đổi mức vốn điều lệ của Quỹ hợp tác xã địa phương do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định sau khi được Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua trên cơ sở đề nghị của Liên minh hợp tác xã cấp tỉnh sau khi có ý kiến thống nhất với Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư.

2. Đối với Quỹ hợp tác xã địa phương hoạt động theo mô hình hợp tác xã:

a) Vốn điều lệ của Quỹ hợp tác xã tối thiểu là 20 tỷ đồng do các thành viên góp;

b) Việc thay đổi mức vốn điều lệ của Quỹ hợp tác xã do Đại hội thành viên của Quỹ hợp tác xã quyết định.

Điều 38. Nguyên tắc quản lý, sử dụng vốn và tài sản của Quỹ hợp tác xã

1. Việc quản lý, sử dụng vốn của Quỹ hợp tác xã phải đảm bảo an toàn, đúng mục đích và có hiệu quả để thực hiện các nhiệm vụ của Quỹ hợp tác xã theo quy định tại Nghị định này.

2. Đối với quản lý và sử dụng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi:

a) Quỹ hợp tác xã được gửi tại các ngân hàng thương mại thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam theo nguyên tắc đảm bảo an toàn và phát triển vốn;

b) Vốn nhàn rỗi của Quỹ hợp tác xã địa phương có thể gửi tại Quỹ hợp tác xã trung ương và ngược lại theo thỏa thuận giữa các bên;

c) Quỹ hợp tác xã xây dựng quy chế nội bộ về quản lý và sử dụng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi, trong đó tối thiểu phải có các nội dung sau: Tiêu chí lựa chọn ngân hàng thương mại để gửi tiền đảm bảo nguyên tắc an toàn và phát triển vốn; thẩm quyền quyết định lựa chọn ngân hàng.

3. Việc mua sắm, quản lý sử dụng tài sản của Quỹ hợp tác xã:

a) Đối với Quỹ hợp tác xã hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ: Quỹ hợp tác xã được mua sắm, đầu tư vào tài sản cố định phục vụ trực tiếp cho hoạt động theo nguyên tắc giá trị còn lại của tài sản cố định không vượt quá 10% vốn điều lệ thực có tại thời điểm quyết định đầu tư, mua sắm; chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về quản lý đầu tư, xây dựng đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ;

b) Đối với Quỹ hợp tác xã hoạt động theo mô hình hợp tác xã: Việc đầu tư, mua sắm tài sản cố định phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Quỹ hợp tác xã thực hiện theo quy định tại Luật Hợp tác xã và quy chế nội bộ của Quỹ do Hội đồng quản trị ban hành sau khi có ý kiến chấp thuận của đại hội thành viên Quỹ hợp tác xã.

Điều 39. Bảo đảm an toàn vốn

Quỹ hợp tác xã có trách nhiệm thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn vốn hoạt động như sau:

1. Quản lý, sử dụng vốn, tài sản, phân phối kết quả tài chính, thực hiện chế độ quản lý tài chính và chế độ kế toán theo đúng quy định tại Nghị định này và các quy định của pháp luật có liên quan.

2. Thực hiện các quy định về giới hạn cho vay theo quy định tại Nghị định này.

3. Mua bảo hiểm tài sản đối với tài sản pháp luật quy định phải mua bảo hiểm theo quy định của pháp luật.

4. Hạch toán vào chi phí hoạt động khoản dự phòng rủi ro cho vay theo quy định tại Nghị định này.

5. Các biện pháp khác về bảo toàn vốn theo quy định của pháp luật.

Điều 40. Lương, phụ cấp lương của Quỹ hợp tác xã

1. Đối với Quỹ hợp tác xã hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ: Quỹ hợp tác xã áp dụng quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người lao động, người quản lý Quỹ theo quy định đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phù hợp với tính chất và mô hình hoạt động của Quỹ theo quy định tại Nghị định này.

2. Đối với Quỹ hợp tác xã hoạt động theo mô hình hợp tác xã: Quỹ hợp tác xã áp dụng quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người lao động, người quản lý Quỹ quy định đối với hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã.

Điều 41. Thu nhập của Quỹ hợp tác xã

1. Các khoản thu của Quỹ hợp tác xã phải được xác định phù hợp với các chuẩn mực kế toán Việt Nam và các quy định của pháp luật có liên quan, có hóa đơn hoặc chứng từ hợp lệ và phải được hạch toán đầy đủ vào doanh thu.

2. Thu nhập của Quỹ hợp tác xã bao gồm:

a) Thu từ lãi và các khoản thu nhập tương tự;

b) Thu nhập từ hoạt động dịch vụ;

c) Thu từ hoạt động khác;

d) Thu nhập khác theo quy định của pháp luật.

3. Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể các khoản thu của Quỹ hợp tác xã quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 42. Chi phí của Quỹ hợp tác xã

1. Chi phí Quỹ hợp tác xã là các khoản chi phí thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động Quỹ; tuân thủ nguyên tắc phù hợp giữa thu nhập và chi phí; có đủ hóa đơn, chứng từ hợp lệ theo quy định của pháp luật. Quỹ hợp tác xã không được hạch toán vào chi phí các khoản chi do các nguồn kinh phí khác đài thọ. Việc xác định và hạch toán chi phí được thực hiện phù hợp với các chuẩn mực kế toán Việt Nam và các quy định của pháp luật có liên quan. Chi phí được trừ khi xác định nghĩa vụ thuế được thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế.

2. Chi phí của Quỹ hợp tác xã, bao gồm:

a) Chi phí lãi và các chi phí tương tự;

b) Chi phí hoạt động dịch vụ;

c) Chi hoạt động khác;

d) Chi nộp thuế và các khoản phí, lệ phí;

đ) Chi cho cán bộ, nhân viên Quỹ hợp tác xã;

e) Chi cho hoạt động quản lý và công vụ;

g) Chi về tài sản;

h) Chi trích lập dự phòng rủi ro cho vay;

i) Chi tham gia các hoạt động do Liên minh hợp tác xã các cấp tổ chức liên quan đến hoạt động của Quỹ hợp tác xã;

k) Các khoản chi phí khác.

3. Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể các khoản chi phí của Quỹ hợp tác xã quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 43. Kết quả tài chính và phân phối kết quả tài chính

1. Kết quả tài chính là số chênh lệch giữa tổng số thu nhập và tổng số chi phí phát sinh trong năm tài chính:

a) Kết quả tài chính của Quỹ hợp tác xã trong năm thặng dư khi chênh lệch giữa thu nhập và chi phí phát sinh trong năm tài chính của Quỹ hợp tác xã có kết quả dương;

b) Kết quả tài chính của Quỹ hợp tác xã trong năm bị thâm hụt khi chênh lệch giữa thu nhập và chi phí phát sinh trong năm tài chính của Quỹ hợp tác xã có kết quả âm.

2. Đối với Quỹ hợp tác xã hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, khi kết quả tài chính trong năm đạt thặng dư, sau khi trả tiền phạt do vi phạm các quy định của pháp luật và bù đắp khoản thâm hụt từ những năm trước (nếu có), được phân phối như sau:

a) Trích tối đa 30% vào quỹ đầu tư phát triển.

b) Trích 10% vào quỹ dự phòng tài chính.

c) Trích quỹ khen thưởng, phúc lợi cho người lao động của Quỹ hợp tác xã:

Quỹ hợp tác xã xếp loại A được trích 3 tháng lương thực hiện cho hai quỹ khen thưởng và phúc lợi;

Quỹ hợp tác xã xếp loại B được trích 1,5 tháng lương thực hiện cho hai quỹ khen thưởng và phúc lợi;

Quỹ hợp tác xã xếp loại C được trích 1 tháng lương thực hiện cho hai quỹ khen thưởng và phúc lợi.

d) Trích quỹ thưởng người quản lý và kiểm soát viên:

Quỹ hợp tác xã xếp loại A được trích 1,5 tháng lương thực hiện của người quản lý và kiểm soát viên;

Quỹ hợp tác xã xếp loại B được trích 01 tháng lương thực hiện của người quản lý và kiểm soát viên;

Quỹ hợp tác xã xếp loại C thì không được trích lập quỹ thưởng người quản lý và kiểm soát viên.

đ) Trường hợp chênh lệch thu chi còn lại sau khi trích lập các quỹ quy định tại điểm a và b khoản này mà không đủ nguồn để trích các quỹ khen thưởng, phúc lợi cho người lao động, quỹ thưởng người quản lý và kiểm soát viên theo mức quy định thì Quỹ hợp tác xã được giảm mức trích lập quỹ đầu tư phát triển để bổ sung nguồn trích lập đủ quỹ khen thưởng, phúc lợi cho người lao động, quỹ thưởng người quản lý và kiểm soát viên theo mức quy định nhưng mức giảm tối đa không quá mức trích vào quỹ đầu tư phát triển trong năm tài chính;

e) Số còn lại (nếu có) sau khi trích lập các quỹ trên được bổ sung vào quỹ đầu tư phát triển của Quỹ hợp tác xã.

3. Đối với Quỹ hợp tác xã hoạt động theo mô hình hợp tác xã:

a) Việc phân phối chênh lệch giữa thu nhập và chi phí được thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 46 Luật Hợp tác xã;

b) Phần còn lại (nếu có) sau khi trích lập các quỹ quy định tại điểm a khoản này được bổ sung vào quỹ đầu tư phát triển của Quỹ hợp tác xã.

4. Mục đích sử dụng của các Quỹ:

a) Quỹ đầu tư phát triển được dùng để đầu tư mở rộng quy mô hoạt động, đổi mới công nghệ trang thiết bị, điều kiện làm việc của Quỹ hợp tác xã và bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ hợp tác xã. Chủ tịch Quỹ quyết định hình thức và biện pháp đầu tư phù hợp với quy định áp dụng đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ quyết định hình thức và biện pháp đầu tư phù hợp với quy định Luật Hợp tác xã;

b) Quỹ dự phòng tài chính dùng để bù đắp phần còn lại của những tổn thất, thiệt hại về tài sản, công nợ không đòi được xảy ra trong quá trình hoạt động sau khi đã được bù đắp bằng tiền bồi thường của các tổ chức, cá nhân gây ra tổn thất, của tổ chức, bảo hiểm và sử dụng dự phòng trích lập trong chi phí;

c) Quỹ thưởng người quản lý và kiểm soát viên: Được dùng để thưởng cho người quản lý và kiểm soát viên của Quỹ hợp tác xã. Mức thưởng do Chủ tịch Liên minh hợp tác xã cùng cấp (đối với Quỹ hợp tác xã hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ) hoặc Đại hội thành viên (đối với Quỹ hợp tác xã hoạt động theo mô hình Hợp tác xã) quyết định theo mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao và hiệu quả hoạt động của Quỹ hợp tác xã trên cơ sở đề nghị của Chủ tịch/Chủ tịch Hội đồng quản trị của Quỹ;

đ) Quỹ khen thưởng được dùng để thưởng định kỳ hoặc đột xuất cho cá nhân, tập thể của Quỹ hợp tác xã trên cơ sở năng suất lao động hoặc thành tích công tác;

đ) Quỹ phúc lợi được sử dụng để chi cho các hoạt động thể thao, văn hóa, công trình phúc lợi công cộng của tập thể cán bộ của Quỹ hợp tác xã; chi trợ cấp khó khăn thường xuyên, đột xuất cho cán bộ Quỹ hợp tác xã; Chi cho hoạt động phúc lợi khác của Quỹ hợp tác xã.

Giám đốc Quỹ hợp tác xã phối hợp với Công đoàn của Quỹ hợp tác xã quản lý, sử dụng quỹ này công khai, minh bạch.

5. Khi kết quả tài chính trong năm bị thâm hụt, Quỹ hợp tác xã được chuyển số chênh lệch thu nhập nhỏ hơn chi phí sang năm sau, thời gian chuyển không quá 05 năm nếu Quỹ hợp tác xã không chuyển hết số chênh lệch thu nhập nhỏ hơn chi phí, Quỹ hợp tác xã báo cáo Thủ tướng Chính phủ (đối với Quỹ hợp tác xã trung ương), Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với Quỹ hợp tác xã địa phương hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ) và Đại hội thành viên (đối với Quỹ hợp tác xã hoạt động theo mô hình hợp tác xã) xem xét, quyết định việc giảm vốn hoặc bổ sung vốn, cơ cấu, tổ chức lại hoặc giải thể, phá sản Quỹ hợp tác xã.

Điều 44. Chế độ báo cáo

1. Đối với Quỹ hợp tác xã trung ương:

a) Lập và gửi các báo cáo định kỳ 6 tháng và hàng năm về Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Kế hoạch và Đầu tư để theo dõi, giám sát;

b) Tổng hợp báo cáo định kỳ 6 tháng và hàng năm của các Quỹ hợp tác xã địa phương. Báo cáo tổng hợp được gửi về Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để theo dõi, giám sát.

2. Đối với các Quỹ hợp tác xã địa phương:

Lập và gửi các báo cáo định kỳ 6 tháng và hàng năm về Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Liên minh hợp tác xã cấp tỉnh, Sở Tài chính, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước cấp tỉnh nơi Quỹ hợp tác xã thành lập và gửi về Quỹ hợp tác xã trung ương để tổng hợp theo quy định tại điểm b, khoản 1 Điều này.

3. Các loại báo cáo 6 tháng và hàng năm của Quỹ hợp tác xã tại khoản 1 Điều này gồm:

a) Báo cáo tài chính, gồm: Bảng cân đối kế toán; báo cáo kết quả hoạt động; báo cáo lưu chuyển tiền tệ; báo cáo tình hình biến động vốn chủ sở hữu; bản thuyết minh báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật; báo cáo tình hình thu chi tài chính; báo cáo tình hình phân phối chênh lệch thu, chi và sử dụng các quỹ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính;

b) Báo cáo tổng hợp tình hình hoạt động nghiệp vụ của Quỹ;

c) Báo cáo tình hình hoạt động cho vay của Quỹ;

d) Báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính năm.

4. Thời hạn gửi báo cáo:

a) Báo cáo 06 tháng gửi chậm nhất trước ngày 31 tháng 7 hàng năm;

b) Báo cáo năm được gửi chậm nhất là sau 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính; riêng báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính năm của Quỹ hợp tác xã do tổ chức kiểm toán độc lập thực hiện được gửi chậm nhất là sau 120 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

5. Phương thức gửi báo cáo: Quỹ hợp tác xã thực hiện gửi báo cáo theo phương thức gửi trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính.

6. Trường hợp đột xuất, Quỹ hợp tác xã có trách nhiệm, nghĩa vụ cung cấp thông tin, báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu.

7. Định kỳ hàng năm, Liên minh hợp tác xã các cấp thực hiện chế độ báo cáo theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

8. Quỹ hợp tác xã thực hiện chế độ báo cáo theo quy định của pháp luật thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

Điều 45. Đánh giá hiệu quả hoạt động của Quỹ hợp tác xã

1. Các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động hàng năm của Quỹ hợp tác xã, bao gồm:

a) Chỉ tiêu 1: Tăng trưởng dư nợ cho vay;

b) Chỉ tiêu 2: Tỷ lệ nợ xấu (bao gồm dư nợ các nhóm 3, nhóm 4 và nhóm 5 theo kết quả phân loại nợ của Quỹ);

c) Chỉ tiêu 3: Kết quả tài chính hàng năm;

d) Chỉ tiêu 4: Tình hình chấp hành pháp luật về đầu tư, quản lý và sử dụng vốn của Quỹ, nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, chế độ báo cáo tài chính.

2. Khi tính toán các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động của Quỹ hợp tác xã tại khoản 1 Điều này, Quỹ hợp tác xã được loại trừ các yếu tố khách quan về:

a) Thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, chiến tranh và các nguyên nhân bất khả kháng khác;

b) Thay đổi về chính sách của Nhà nước ảnh hưởng đến hoạt động của Quỹ hợp tác xã.

3. Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể phương thức xác định các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại Quỹ hợp tác xã, phù hợp với đặc thù hoạt động của Quỹ hợp tác xã.

4. Liên minh hợp tác xã cùng cấp thực hiện giao chỉ tiêu và thực hiện đánh giá hiệu quả hoạt động hàng năm cho Quỹ hợp tác xã hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định tại Điều này. Đại hội thành viên giao chỉ tiêu và thực hiện đánh giá hiệu quả hoạt động hàng năm cho Quỹ hợp tác xã hoạt động theo mô hình hợp tác xã.

Chương V

GIẢI THỂ, PHÁ SẢN VÀ CHUYỂN ĐỔI MÔ HÌNH QUỸ HỢP TÁC XÃ

Điều 46. Các trường hợp giải thể Quỹ hợp tác xã

Quỹ hợp tác xã giải thể khi thuộc một trong các trường hợp sau:

1. Quỹ hợp tác xã địa phương không có đủ vốn điều lệ tối thiểu theo quy định tại Điều 37điểm c khoản 4 Điều 58 Nghị định này.

2. Quỹ hợp tác xã bị các cơ quan có thẩm quyền quy định tại Nghị định này đánh giá xếp loại C trong 05 năm liên tiếp theo quy định tại Nghị định này và tỷ lệ giá trị dư nợ cho vay (không bao gồm các khoản nhận ủy thác cho vay) trên vốn chủ sở hữu thấp hơn 20% trong 05 năm liên tiếp.

3. Tỷ lệ nợ xấu của Quỹ hợp tác xã trên tổng dư nợ cho vay cao hơn 50% vốn điều lệ thực có của Quỹ trong 05 năm liên tiếp.

4. Lũy kế chênh lệch thu chi âm lớn hơn hoặc bằng 75% số vốn điều lệ thực có của Quỹ hợp tác xã trong 05 năm liên tiếp.

5. Các trường hợp giải thể khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ đối với Quỹ hợp tác xã trung ương; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với Quỹ hợp tác xã hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; đại hội thành viên đối với Quỹ hợp tác xã hoạt động theo mô hình hợp tác xã.

Điều 47. Thẩm quyền quyết định giải thể Quỹ hợp tác xã

1. Đối với Quỹ hợp tác xã hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ:

a) Đối với Quỹ hợp tác xã trung ương: Trên cơ sở đề xuất của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, ý kiến tham gia của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc giải thể Quỹ hợp tác xã trung ương theo quy định tại Nghị định này và quy định pháp luật liên quan;

b) Đối với Quỹ hợp tác xã địa phương: Trên cơ sở đề xuất của Liên minh hợp tác xã cấp tỉnh, ý kiến tham gia của Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua, phê duyệt chủ trương giải thể trước khi ban hành Quyết định giải thể Quỹ hợp tác xã địa phương theo quy định tại Nghị định này và quy định pháp luật liên quan.

2. Đối với Quỹ hợp tác xã địa phương hoạt động theo mô hình hợp tác xã: Việc quyết định giải thể Quỹ hợp tác xã thực hiện theo quy định tại Luật Hợp tác xã và quy định pháp luật có liên quan.

Điều 48. Hồ sơ, trình tự, thủ tục giải thể Quỹ hợp tác xã

1. Đối với Quỹ hợp tác xã hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ: Hồ sơ, trình tự, thủ tục giải thể Quỹ hợp tác xã thực hiện theo quy định như đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

2. Đối với Quỹ hợp tác xã hoạt động theo mô hình hợp tác xã: Hồ sơ, trình tự, thủ tục giải thể Quỹ hợp tác xã thực hiện theo quy định như đối với hợp tác xã.

Điều 49. Phá sản Quỹ hợp tác xã

Việc phá sản Quỹ hợp tác xã được thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản và Điều 55 Luật Hợp tác xã (đối với Quỹ hợp tác xã hoạt động theo mô hình hợp tác xã).

Điều 50. Chuyển đổi mô hình hoạt động

1. Trường hợp Quỹ hợp tác xã chuyển đổi mô hình hoạt động từ mô hình Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ sang mô hình hợp tác xã hoặc ngược lại, Quỹ hợp tác xã phải thực hiện xây dựng phương án chuyển đổi, xác định rõ nghĩa vụ xử lý của Quỹ hợp tác xã hiện hành, phương án chuyển sang Quỹ hợp tác xã hoạt động theo mô hình mới (phương án tài chính, quản lý điều hành, dư nợ cho vay).

2. Thẩm quyền quyết định chuyển đổi mô hình:

a) Đối với Quỹ hợp tác xã trung ương thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Nghị định này;

b) Đối với Quỹ hợp tác xã địa phương chuyển đổi mô hình hoạt động từ mô hình Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ sang mô hình hợp tác xã: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chuyển đổi mô hình theo đề nghị của Liên minh hợp tác xã cấp tỉnh, trên cơ sở ý kiến của Sở Tài chính, Sở Tư pháp, Sở Kế hoạch và Đầu tư và chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

c) Đối với Quỹ hợp tác xã địa phương chuyển đổi mô hình hoạt động từ mô hình hợp tác xã sang mô hình Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chuyển đổi mô hình theo đề nghị của Đại hội thành viên Quỹ hợp tác xã địa phương, trên cơ sở ý kiến của Liên minh hợp tác xã cấp tỉnh, Sở Tài chính, Sở Tư pháp, Sở Kế hoạch và Đầu tư và chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và chấp thuận của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Chương VI

TỔ CHỨC THỰC HIỆN5

Điều 51. Trách nhiệm của Bộ Tài chính

1. Hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động của các Quỹ hợp tác xã; hướng dẫn xử lý các vấn đề về tài chính khi tổ chức lại, chuyển đổi mô hình hoạt động các Quỹ hợp tác xã; hướng dẫn chế độ kế toán đối với Quỹ hợp tác xã theo quy định tại Nghị định này.

2. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các đơn vị có liên quan hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung văn bản pháp lý về tổ chức và hoạt động của Quỹ hợp tác xã trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền.

Điều 52. Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

1. Phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Liên minh hợp tác xã cấp tỉnh trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động cho vay của Quỹ hợp tác xã theo quy định tại Nghị định này.

2. Phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan trong việc xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tổ chức và hoạt động của Quỹ hợp tác xã và tổ chức, triển khai thực hiện Nghị định này theo quy định của pháp luật.

Điều 53. Trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

1. Cân đối, bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn ngân sách nhà nước để bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ hợp tác xã trung ương theo quy định tại Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn Luật Đầu tư công.

2. Theo dõi, kiểm tra, giám sát tình hình sử dụng vốn ngân sách nhà nước cấp cho Quỹ hợp tác xã trung ương theo quy định của Luật Đầu tư công và pháp luật có liên quan.

3. Phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan trong việc xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tổ chức và hoạt động của Quỹ hợp tác xã và tổ chức, triển khai thực hiện Nghị định này theo quy định của pháp luật.

Điều 54. Trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người lao động, người quản lý và xếp hạng Quỹ hợp tác xã hoạt động theo mô hình Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;

Điều 55. Trách nhiệm của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

1. Trách nhiệm của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh:

a) Phê duyệt Đề án thành lập Quỹ hợp tác xã địa phương theo quy định tại Nghị định này;

b) Giám sát việc tổ chức thực hiện và quản lý Quỹ hợp tác xã địa phương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan.

2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:

a) Quyết định thành lập, giải thể và phá sản các Quỹ hợp tác xã địa phương theo quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan;

b) Căn cứ vào dự toán ngân sách nhà nước được Hội đồng nhân dân cùng cấp chấp thuận, quyết định cấp vốn điều lệ cho Quỹ hợp tác xã địa phương theo quy định tại Nghị định này và quyết định điều chỉnh vốn điều lệ trong quá trình hoạt động của Quỹ hợp tác xã theo quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan;

c) Thanh tra, kiểm tra, giám sát toàn diện đối với hoạt động của Quỹ hợp tác xã địa phương;

d) Báo cáo định kỳ hàng năm và đột xuất với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về kết quả và tình hình hoạt động Quỹ hợp tác xã theo quy định tại Nghị định này;

đ) Kiến nghị những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động Quỹ hợp tác xã; kiến nghị bổ sung, sửa đổi cơ chế chính sách cho hoạt động Quỹ hợp tác xã;

e) Hàng năm báo cáo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh về kết quả hoạt động của Quỹ hợp tác xã, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ theo thẩm quyền;

g) Các nội dung khác thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại Nghị định này và pháp luật liên quan.

Điều 56. Trách nhiệm của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Liên minh hợp tác xã Việt Nam cấp tỉnh

1. Liên minh hợp tác xã cùng cấp thực hiện quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của Quỹ hợp tác xã theo quy định tại Nghị định và các văn bản hướng dẫn liên quan.

2. Liên minh hợp tác xã cùng cấp thực hiện đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại Quỹ hợp tác xã hàng năm theo quy định tại Nghị định và các văn bản hướng dẫn liên quan.

3. Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức theo dõi, tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động của hệ thống Quỹ hợp tác xã để đề xuất, báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về định hướng phát triển hệ thống Quỹ hợp tác xã theo quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật có liên quan.

4. Thực hiện một số quyền hạn và trách nhiệm do cơ quan có thẩm quyền giao đối với Quỹ hợp tác xã theo quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan.

Điều 57. Điều khoản thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15 tháng 5 năm 2021.

2. Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, bãi bỏ các nội dung quy định tại:

a) Điều 2; khoản 1, khoản 3, khoản 4 Điều 3; khoản 2 Điều 5; Điều 6; Điều 7; Điều 8; Điều 9; khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 11 Quyết định số 246/2006/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã;

b) Khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6 Điều 1, Điều 2, Điều 3, Điều 4 Quyết định số 23/2017/QĐ-TTg ngày 23 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 246/2006/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã;

c) Điểm a và b khoản 4 Điều 24 Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã.

Điều 58. Điều khoản chuyển tiếp

1. Đối với việc thực hiện các hợp đồng tín dụng, chứng thư bảo lãnh và các cam kết đã ký giữa Quỹ hợp tác xã và các bên liên quan trước khi Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện theo đúng các thỏa thuận đã ký kết tại hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo lãnh, chứng thư bảo lãnh và các thỏa thuận khác. Trường hợp sửa đổi, bổ sung các thỏa thuận đã ký giữa Quỹ hợp tác xã và các bên liên quan được thực hiện theo quy định tại Nghị định này.

2. Tại thời điểm Nghị định này có hiệu lực, căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 28 Nghị định này, trường hợp số dư dự phòng rủi ro của Quỹ hợp tác xã thừa so với số phải trích thì phần chênh lệch thừa được hoàn nhập vào thu nhập; trường hợp số dư dự phòng rủi ro của Quỹ hợp tác xã thiếu so với số phải trích, trong vòng 12 tháng, Quỹ hợp tác xã thực hiện bổ sung dự phòng rủi ro theo quy định.

3. Đối với số dư quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã theo quy định tại Thông tư số 81/2007/TT-BTC ngày 11 tháng 7 năm 2007 của Bộ Tài chính về hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã được bổ sung tăng vốn điều lệ cho Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã nhưng không quá số vốn quy định tại điểm a khoản 1 Điều 37 Nghị định này.

4. Trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, Quỹ hợp tác xã phải trình cấp có thẩm quyền quy định lãi suất cho vay, lãi suất quá hạn của Quỹ theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Nghị định này. Trong thời gian chưa ban hành lãi suất, Quỹ hợp tác xã được áp dụng lãi suất hiện hành để thực hiện cho vay.

5. Đối với các Quỹ hợp tác xã đã thành lập và đang hoạt động trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực: Tối đa trong thời hạn 03 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, các Quỹ hợp tác xã phải rà soát, tổ chức sắp xếp lại:

a) Mô hình hoạt động của Quỹ hợp tác xã;

b) Cơ cấu tổ chức, bộ máy của Quỹ hợp tác xã;

c) Bổ sung vốn điều lệ tối thiểu của Quỹ hợp tác xã địa phương theo đúng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 37điểm a khoản 2 Điều 37 Nghị định này;

d) Đăng ký lại Giấy chứng nhận đăng ký thành lập Quỹ hợp tác xã địa phương tại Sở Kế hoạch và Đầu tư đối với Quỹ hợp tác xã hoạt động theo mô hình hợp tác xã; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh điều chỉnh quyết định thành lập đối với Quỹ hợp tác xã hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

6. Chức danh Giám đốc, Phó Giám đốc của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã được bổ nhiệm theo Quyết định số 246/2006/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã và Quyết định số 23/2017/QĐ-TTg ngày 22 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 246/2006/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã và ban hành Quy chế hoạt động bảo lãnh tín dụng và hỗ trợ lãi suất sau đầu tư của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã được bổ nhiệm thành Tổng giám đốc, Phó Giám đốc theo quy định tại Nghị định này.

7. Đổi tên Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo Quyết định số 246/2006/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã và Quyết định số 23/2017/QĐ-TTg ngày 22 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 246/2006/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã và bàn hành Quy chế hoạt động bảo lãnh tín dụng và hỗ trợ lãi suất sau đầu tư của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã thành Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã Việt Nam. Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã Việt Nam kế thừa các quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã.

Điều 59. Tổ chức thực hiện Nghị định

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã cấp tỉnh, Chủ tịch và Giám đốc các Quỹ hợp tác xã, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (để đăng Công báo);
- Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;
- Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, PC (05b).

XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Đức Chi



1 Văn bản này được hợp nhất từ 02 Nghị định sau:

- Nghị định số 45/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 03 năm 2021 của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã; có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 05 năm 2021;

- Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công; có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2023 (sau đây gọi là Nghị định số 104/2022/NĐ-CP).

Văn bản này không thay thế 02 Nghị định trên.

2 Nghị định số 104/2022/NĐ-CP có căn cứ ban hành như sau:

“Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Cư trú ngày 13 tháng 11 năm 2020;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an;

Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.”

3 Cụm từ “số sổ hộ khẩu (đối với thành viên là hộ gia đình)” được bãi bỏ theo quy định tại khoản 3 Điều 13 Nghị định số 104/2022/NĐ-CP , có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2023.

4 Cụm từ “sổ hộ khẩu (đối với thành viên là hộ gia đình)” được bãi bỏ theo quy định tại khoản 3 Điều 13 Nghị định số 104/2022/NĐ-CP , có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2023.

5 Điều 15 Nghị định số 104/2022/NĐ-CP , có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2023 quy định như sau:

“Điều 15. Trách nhiệm thực hiện và điều khoản thi hành

1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này và thực hiện công bố thủ tục hành chính theo quy định thuộc phạm vi chức năng quản lý của mình.

2. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2023.

3. Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, các thủ tục hành chính, dịch vụ công có yêu cầu nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy được thay thế bằng việc khai thác, sử dụng thông tin về cư trú theo quy định tại Điều 14 Nghị định này./.”

MINISTRY OF FINANCE OF VIETNAM
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom – Happiness
---------------

No. 12/VBHN-BTC

Hanoi, June 30, 2023

 

DECREE [1]

ON ESTABLISHMENT, ORGANIZATION AND OPERATION OF COOPERATIVE DEVELOPMENT ASSISTANCE FUNDS

Decree No. 45/2021/ND-CP dated March 31, 2021 of the Government of Vietnam on establishment, organization and operation of cooperative development assistance funds, which comes into force from May 15, 2021 is amended by:

Decree No. 104/2022/ND-CP dated December 21, 2022 of the Government of Vietnam on amendments to Decrees on submission and presentation of household register booklets, temporary residence register booklets upon carrying out administrative procedures or providing public services, which comes into force from January 01, 2023.

Pursuant to the Law on Government Organization dated June 19, 2015 and the Law on Amendments to the Law on Government Organization and the Law on Local Government Organization dated November 22, 2019;

Pursuant to the Law on State Budget dated June 25, 2015;

Pursuant to the Law on Credit Institutions dated June 16, 2010 and the Law on amendments to the Law on Credit Institutions dated November 20, 2017;

Pursuant to the Law on Public Investment dated June 13, 2019;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Pursuant to the Law on cooperatives dated November 20, 2012;

At the request of the Minister of Finance;

The Government promulgates a Decree on establishment, organization and operation of cooperative development assistance funds.2

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope and regulated entities

1. This Decree provides for:

a) The organization and operation of the cooperative development assistance fund that is established under the Prime Minister’s Decision No. 246/2006/QD-TTg dated October 27, 2006 and the Prime Minister’s Decision No. 23/2017/QD-TTg dated June 22, 2017 (hereinafter referred to as “central cooperative fund”);

b) The establishment, organization and operation of cooperative development assistance funds of provinces and central-affiliated cities (hereinafter referred to as “provincial cooperative funds”).

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) The central cooperative fund and provincial cooperative funds;

b) Cooperatives and cooperative unions; members of artels and cooperatives getting loans from cooperative funds in accordance with regulations hereof;

c) Vietnam Cooperative Alliance and cooperative alliances at all levels; organizations and individuals involved in the implementation of this Decree.

Article 2. Definitions

For the purposes of this Decree, the terms below are construed as follows:

1. “cooperative fund” or “fund” means the central cooperative fund or a provincial cooperative fund.

2. “client” means a cooperative, cooperative union or member of an artel or cooperative that gets loans from a cooperative fund.

3. “existing charter capital” means the charter capital specified in accounting books plus or minus undistributed profits (or unrealized accumulated losses) which are recognized on accounting books at the same time.

4. “bad debt” means a debt classified in either group 3, 4 or 5 according to debt classification regulations adopted by the cooperative fund.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6. “fund’s manager” means a fund’s chairperson, chairperson or member of the fund's Board of Directors, General Director/Director, Deputy General Director/ Deputy Director, chief accountant or holder of another title prescribed in the charter on organization and operation of a cooperative fund.

7. “founding member” means a member of a cooperative or artel, cooperative or cooperative union that voluntarily makes a commitment to found or participate in the establishment of a provincial cooperative fund that operates adopting the cooperative business model.

8. “provincial People’s Committee” means the People's Committee of a province or central-affiliated city.

Article 3. Legal status and legal personality

1. A cooperative fund is an out-of-budget state financial fund that operates adopting the business model of a single-member limited liability company 100% of charter capital of which is held by the State or a financial organization that operates adopting the cooperative business model, capital preservation and growth principles, for not-for-profit purposes, and has autonomy in raising and using capital for granting loans to cooperatives, cooperative unions, and members of artels and cooperatives in accordance with regulations herein and relevant laws.

2. A cooperative fund shall have legal personality, charter capital and seal, and may open accounts at the State Treasury and commercial banks lawfully operating in Vietnam in accordance with regulations of law.

3. Establishment, organization, operation, bankruptcy and dissolution of cooperative funds shall comply with regulations herein and relevant laws corresponding to the fund's business model.

Article 4. Functions and duties of cooperative funds

1. Receive, manage and use capital from domestic and foreign sources, financial supports, aids, contributions and entrusted capital of domestic and foreign entities.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Provide loans to clients in accordance with regulations herein.

4. Provide financial and investment consultancy; provide training for clients getting loans from the fund in accordance with regulations of law.

5. Offer and receive trusteeship in accordance with regulations herein and relevant laws.

Article 5. Operational principles of cooperative funds

1. The cooperative fund operates according to the financial autonomy and the principles of public disclosure, transparency, capital preservation and growth.

2. The cooperative fund provides loan to right entities that meet requirements specified in this Decree.

Article 6. Responsibilities and rights of cooperative funds

The cooperative fund shall have primary responsibilities and rights as follows:

1. Responsibilities of the cooperative fund:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Use capital for defined purposes as prescribed herein and relevant laws;

c) Implement policies on accounting, statistical reports and financial statements as prescribed in the laws on accounting and statistics;

d) Bear the inspection of competent authorities in accordance with regulations of law and the inspection of the cooperative alliance of the same level;

dd) Provide data and publicly disclose financial status and operational status as prescribed herein and in relevant laws;

e) Purchase property insurance and other insurance as prescribed by law to ensure safety for its operation;

g) Promulgate and revise procedures and internal regulations on organization, administration and operation of the cooperative fund under its jurisdiction prescribed in its charter on organization and operation.

2. Rights of the cooperative fund:

a) Ensure its organization and operation adhere to its defined objectives and scope of operation;

b) Select feasible and efficient investment projects and business plans that meet requirements and are suitable for the client assistance plan of the cooperative fund for giving loans according to regulations herein;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Refuse requests for provision of information and resources of the cooperative fund if such requests are contrary to regulations of law and the charter on organization and operation of the cooperative fund.

Chapter II

ESTABLISHMENT, BUSINESS MODEL AND ORGANIZATIONAL STRUCTURE OF COOPERATIVE FUNDS

Section 1. CENTRAL COOPERATIVE FUND

Article 7. Business model of cooperative fund

The central cooperative fund is an out-of-budget state financial fund that operates adopting the business model of a single-member limited liability company 100% of charter capital of which is held by the State as prescribed herein.

Article 8. Rights and responsibilities of Prime Minister, Vietnam Cooperative Alliance, and Chairperson of central cooperative fund over and towards the central cooperative fund

1. Rights and responsibilities of the Prime Minister:

a) Consider giving approval for strategies, 05-year development investment plans and operational plans at the request of Vietnam Cooperative Alliance;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Make decisions on the charter capital and changes in the charter capital of the central cooperative fund during its operation at the request of Vietnam Cooperative Alliance and according to opinions given by the Ministry of Finance and Ministry of Planning and Investment;

d) Assign Vietnam Cooperative Alliance to act as the owner’s representative agency of the central cooperative fund in accordance with regulations herein.

2. Rights and responsibilities of Vietnam Cooperative Alliance:

a) Submit strategies, 05-year development investment plans and operational plans to the Prime Minister for approval;

b) Consider giving approval for annual operational and financial plans of the central cooperative fund at the request of its Chairperson;

c) Make decisions to plan, appoint, re-appoint, dismiss, transfer, reward, discipline, and approve resignations or retirement of Chairperson, Controller and General Director of the fund;

d) Promulgate and revise the charter on organization and operation of the central cooperative fund in accordance with regulations herein;

dd) Approve financial statements, profit distribution, and establishment of annual funds of the central cooperative fund after obtaining assessment opinions from the Controller of the central cooperative fund;

e) Perform other rights and responsibilities of the owner’s representative agency as defined in the charter on organization and operation of the central cooperative fund.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Develop and submit annual operational and financial plans of the central cooperative fund to Vietnam Cooperative Alliance for approval;

b) Request Vietnam Cooperative Alliance to make decisions to plan, appoint, re-appoint, dismiss, transfer, reward, discipline, and approve resignations or retirement of Chairperson, Controller and General Director of the central cooperative fund;

c) Make decisions to plan, appoint, assess, re-appoint, reward, discipline and approve resignations, dismissal and retirement of Deputy General Director(s) and Chief Accountant of the central cooperative fund after obtaining approval from Vietnam Cooperative Alliance;

d) Request Vietnam Cooperative Alliance to revise the charter on organization and operation of the central cooperative fund; request competent authorities to approve increase or decrease of charter capital, restructuring, conversion of business model, dissolution or bankruptcy of the central cooperative fund;

dd) Submit financial statements, and plans for distributing profits and setting up annual funds of the central cooperative fund to Vietnam Cooperative Alliance for approval after obtaining assessment opinions from the Controller of the central cooperative fund;

e) Make decisions to promulgate and revise procedures and internal regulations on organization, administration and operation of the cooperative fund after obtaining approval from Vietnam Cooperative Alliance;

g) Perform other rights and responsibilities defined in the charter on organization and operation of the central cooperative fund.

Article 9. Organizational structure of central cooperative fund

Organizational structure of the central cooperative fund consists of:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Controller.

3. Executive board includes General Director, Deputy General Director(s), Chief Accountant and assistant apparatus.

Article 10. Chairperson of central cooperative fund

1. Chairperson of the central cooperative fund is appointed by Vietnam Cooperative Alliance and bears responsibility for the fund’s operation before Chairperson of Vietnam Cooperative Alliance.

2. Chairperson of the central cooperative fund shall hold the term of office not exceeding 05 years, and may be re-appointed for up to 02 terms. Chairperson of the central cooperative fund may work under full-time or part-time working regime according to a decision issued by Vietnam Cooperative Alliance according to the fund’s operational scale.

3. Chairperson of the central cooperative fund must satisfy the following standards and requirements:

a) Be a Vietnamese citizen as prescribed by law;

b) Have full legal capacity and attain fitness to perform tasks;

c) Possess a bachelor’s degree or higher in economics, finance, banking, law, accounting or auditing;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) Be not a spouse, natural or adoptive parent, blood child, adopted child, natural sibling, brother-in-law, or sister-in-law of Chairperson or Deputy Chairperson of Vietnam Cooperative Alliance, Controller, General Director, Deputy General Director or Chief Accountant of the fund;

e) Meet other standards and requirements for holders of managerial positions set out by Vietnam Cooperative Alliance and specified in the charter on organization and operation of the central cooperative fund.

4. Chairperson of the central cooperative fund shall have rights and responsibilities specified in Clause 3 Article 8 hereof and in the charter on organization and operation of the central cooperative fund.

Article 11. Controller of central cooperative fund

1. Controller of the central cooperative fund shall be appointed by Vietnam Cooperative Alliance, and work under the full-time working regime to control the performance of management and administration duties of Chairperson or General Director of the fund as prescribed by law and the charter on organization and operation of the cooperative fund.

2. Controller of the central cooperative fund shall hold the term of office not exceeding 05 years, and may be re-appointed for up to 02 terms.

3. Controller of the central cooperative fund must satisfy the following standards and requirements:

a) Meet the standards and requirements in Points a, b, c, d and e Clause 3 Article 10 hereof;

b) Be not a spouse, natural or adoptive parent, blood child, adopted child, natural sibling, brother-in-law, or sister-in-law of Chairperson or Deputy Chairperson of Vietnam Cooperative Alliance, General Director, Deputy General Director or Chief Accountant of the fund.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 12. General Director of central cooperative fund

1. General Director of the central cooperative fund is appointed and dismissed by Vietnam Cooperative Alliance to manage daily operations of the fund.

2. General Director of the fund shall hold the term of office not exceeding 05 years and may be re-appointed or replaced.

3. General Director of the central cooperative fund must satisfy the following standards and requirements:

a) Meet the standards and requirements in Points a, b, c, d and e Clause 3 Article 10 hereof;

b) Be not a spouse, natural or adoptive parent, blood child, adopted child, natural sibling, brother-in-law, or sister-in-law of Chairperson or Deputy Chairperson of Vietnam Cooperative Alliance, Controller, Deputy General Director or Chief Accountant of the fund.

4. General Director of the central cooperative fund shall have rights and responsibilities prescribed in the charter on organization and operation of the central cooperative fund.

Article 13. Deputy General Director(s), Chief Accountant and assistant apparatus of central cooperative fund

1. Deputy General Director(s) of the central cooperative fund shall be appointed by the fund’s Chairperson at the request of General Director to assist General Director in managing the fund’s operation upon his/her assignment and authorization; bear responsibility before the fund’s General Director and before the law for his/her performance of assigned and authorized tasks. The number of Deputy General Directors shall be decided by Chairperson of Vietnam Cooperative Alliance and shall not exceed 03 persons.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Assistant apparatus of the central cooperative fund:

a) The assistant apparatus consists of professional and specialized departments or divisions in charge of advising and assisting Chairperson and General Director of the fund in managing the fund. The fund’s General Director shall decide to appoint or dismiss holders of leadership positions of the assistant apparatus after obtaining approval from the fund’s Chairperson;

b) The fund's General Director shall decide organizational structure, functions, duties and rights of the assistant apparatus.

4. Standards and requirements for being appointed as Deputy General Director and Chief Accountant of the central cooperative fund are specified in its charter on organization and operation.

5. Rights and responsibilities of Deputy General Director(s), Chief Accountant and assistant apparatus of the central cooperative fund are specified in its charter on organization and operation.

Article 14. Charter on organization and operation of central cooperative fund

1. The charter on organization and operation of the central cooperative fund shall be issued by Vietnam Cooperative Alliance.

2. The charter on organization and operation of the central cooperative fund shall include the following primary contents:

a) Name and head office;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Contents and scope of operation;

d) Charter capital;

dd) Organizational structure and legal representative of the fund;

e) Functions and duties of the fund;

g) Functions and tasks of Chairperson, Controller and executive board of the fund;

h) Standards and eligibility requirements, rights and responsibilities of managers and holders of other leadership positions of the fund;

i) Recruitment, planning for and appointment of holders of leadership positions;

k) Financial management principles of the fund;

l) Procedures for revising the fund's charter on organization and operation;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



n) Relationship between the central cooperative fund and provincial cooperative funds as prescribed herein;

o) Dispute settlement, restructuring, bankruptcy and dissolution of the fund as prescribed herein and in relevant laws;

p) Other contents to serve management requirements.

Section 2. PROVINCIAL COOPERATIVE FUNDS

Article 15. Establishment of provincial cooperative funds

1. The establishment of provincial cooperative funds shall be considered on the basis of local collective economic development orientations in order to ensure that the establishment of provincial collective funds is necessary, feasible and meets the requirements in Clause 2 of this Article. If the establishment of provincial collective funds is considered necessary, only one provincial cooperative fund will be established in each province or central-affiliated city in accordance with regulations herein.

2. Requirements for establishment of a new provincial cooperative fund:

a) The scheme for establishment of provincial cooperative fund has been approved by a competent authority as prescribed herein. This scheme must include the primary contents specified in Clause 3 of this Article;

b) The charter capital available at the time of establishment of the cooperative fund is at least VND 20 billion;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. The scheme for establishment of provincial cooperative fund shall include the following primary contents:

a) The necessity of the establishment of provincial cooperative fund; impacts of the establishment of provincial cooperative fund on provincial economic and social development; the feasibility of the establishment and operation of the fund;

b) Name of the provincial cooperative fund, operation areas, head office’s address, charter capital at the establishment date, sources of charter capital, and scope of operation which must be conformable with regulations herein;

c) Business model of the provincial cooperative fund as prescribed in Article 16 hereof and description of the selected business model of the fund which must ensure efficiency and conformity with actual conditions of the province or central-affiliated city;

d) Description of the planned organizational structure and operational process of the provincial cooperative fund in accordance with regulations herein, including: Organizational structure; operations of the provincial cooperative fund; risk management procedures which must specify potential risks incurred during operation, methods and measures for preventing risks; control of these risks; information technology system developed for managing the fund’s operations;

dd) Financial and operational plans of the provincial cooperative fund for 05 years after establishment, including: The plan for operating capital of the fund, description of capital sources (including charter capital, sources of charter capital, mobilized capital and other capital; expected performance of the provincial cooperative fund to prove the feasibility of the fund establishment;

e) List of persons to be elected as managers of the provincial cooperative fund and documents proving their fulfillment of corresponding standards and requirements for managers specified herein;

g) In case a provincial cooperative fund operates adopting the cooperative business model, the followings must be provided:

- List of persons who will contribute capital to the fund which bears signatures of such capital contributors, and the following contents: Full name (of individual or family representative), name and head office (of juridical person), number of ID card or citizen’s identity card or passport number (of individual), [3] and number of business registration certificate (of juridical person), contributed amounts and contribution percentage of each contributor;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- The power of attorney issued by the juridical person to its representative to make capital contribution; the power of attorney issued by the household to its representative to make capital contribution.

4. Procedures for establishment of a new provincial cooperative fund that operates under the business model of a single-member limited liability company 100% of charter capital of which is held by the State:

a) The provincial cooperative alliance shall formulate the scheme for establishment of provincial cooperative fund, and submit it to the provincial People’s Committee for consideration and assessment;

b) Within 30 business days from the receipt of the scheme for establishment of provincial cooperative fund as prescribed in Point a of this Clause, if the scheme is considered unfeasible and unsatisfactory, the provincial People’s Committee shall give a written notice, in which reasons for refusal to approve must be specified, to the provincial cooperative alliance;

c) If the scheme is feasible and satisfactory, the provincial People’s Committee shall submit a report to the provincial People’s Council for considering and approving the guidelines for fund establishment with the following contents: Charter capital and sources of charter capital, mobilized capital, business model and organizational structure of the provincial cooperative fund, and other contents to serve management requirements of the provincial People’s Council;

d) After obtaining approval for the establishment of fund, Chairperson of provincial People’s Committee shall issue a decision to establish the cooperative fund;

dd) Within 30 business days from the date of establishment of the cooperative fund, the provincial People’s Committee shall give notification, enclosed with the decision to establish the cooperative fund, to the Ministry of Finance, the State Bank of Vietnam, Ministry of Planning and Investment, Vietnam Cooperative Alliance; the provincial cooperative fund shall publicly disclose its establishment on mass media;

e) Within 180 days from the date of issue of the decision to establish the provincial cooperative fund, the provincial People’s Committee shall use funding derived from provincial government budget for allocating charter capital according to the issued decision.

5. Procedures for establishment of new provincial cooperative fund that operates under the cooperative business model:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) After the resolution of the meeting on establishment of the provincial cooperative fund has been approved, the provincial cooperative alliance shall request the provincial People’s Committee to consider and appraise the scheme on establishment of provincial cooperative fund;

c) Within 30 business days from the receipt of the scheme for establishment of provincial cooperative fund as prescribed in Point b of this Clause, if the scheme is considered unfeasible and unsatisfactory, the provincial People’s Committee shall give a written notice, in which reasons for refusal to approve must be specified, to the provincial cooperative alliance;

d) If the scheme is feasible and satisfactory, the provincial People’s Committee shall request the provincial People’s Council to consider and approve the guidelines for fund establishment;

dd) After obtaining approval for the establishment of fund from the provincial People’s Council, the General Meeting of Members of the provincial cooperative fund shall convene meeting and issues a resolution to establish the provincial cooperative fund;

e) After the resolution to establish the provincial cooperative fund has been approved by the General Meeting of Members, the provincial cooperative fund shall request the provincial Department of Planning and Investment in writing to issue the certificate of registration of provincial cooperative fund in accordance with regulations of law;

g) Within 30 business days from the date of issue of the certificate of registration of provincial cooperative fund, the provincial People's Committee shall send notification, enclosed with the certificate of registration of provincial cooperative fund, to the Ministry of Finance, the State Bank of Vietnam, Ministry of Planning and Investment, and Vietnam Cooperative Alliance. The provincial cooperative fund shall publicly disclose its establishment on mass media;

h) Within 180 days from the date of issue of certificate of registration of provincial cooperative fund, capital contributors must make full contribution of capital as committed.

Article 16. Business model and administration of operations of provincial cooperative funds

1. Provincial cooperative funds shall operate under one of the following models;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) The model of cooperative.

2. Provincial cooperative funds are organized by adopting one of the following methods:

a) Establish an independent apparatus to organize and manage the provincial cooperative fund and perform operations as prescribed herein;

b) Authorize local financial organizations to manage the fund. A trust agreement must be signed by and between two parties and shall, inter alia, indicate the following contents: Entrustment or authorization scope, contents and process; responsibilities, duties and rights of contracting parties; potential risks and other relevant contents.

Article 17. Rights and responsibilities of provincial People's Committees and provincial cooperative alliances; organizational structure of provincial cooperative funds that operate under the business model of a single-member limited liability company 100% of charter capital of which is held by State

1. Rights and responsibilities of each provincial People’s Committee:

a) Consider giving approval for 05-year operational plans or strategies, financial plans and development investment plans at the request of provincial cooperative alliance;

b) Issue a decision on establishment, restructuring, transfer of ownership, bankruptcy or dissolution of the provincial cooperative fund at the request of the provincial cooperative alliance and on the basis of opinions given by the provincial Department of Finance, provincial Department of Planning and Investment, and provincial Department of Justice after obtaining approval from the provincial People’s Council;

c) Decide the charter capital and approve increase or decrease in the charter capital of the provincial cooperative fund during its operation at the request of the provincial cooperative alliance and according to opinions given by the provincial Department of Finance, and provincial Department of Planning and Investment after obtaining approval from the provincial People’s Council;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) Appoint or authorize the provincial cooperative alliance to appoint the fund's Chairperson, Controller and Director according to the charter on organization and operation of the provincial cooperative alliance;

e) Perform other rights and responsibilities as prescribed herein and in relevant laws.

2. Rights and responsibilities of each provincial cooperative alliance:

a) Approve annual operational and financial plans of the provincial cooperative fund after obtaining approval from the provincial People’s Committee;

b) Make decisions to plan, appoint, re-appoint, dismiss, transfer, reward, discipline, and approve resignations or retirement of title holders as prescribed in the charter on organization and operation of the cooperative fund;

c) Approve financial statements, profit distribution, and establishment of annual funds of the provincial cooperative fund after obtaining assessment opinions from the Controller of the provincial cooperative fund;

d) Perform other rights and responsibilities assigned by the provincial People’s Committee as prescribed in the charter on organization and operation of the provincial cooperative fund.

3. Organizational structure of the provincial cooperative fund consists of:

a) Fund’s Chairperson;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Executive board includes General Director, Deputy General Director(s), Chief Accountant and assistant apparatus.

4. Chairperson of the provincial cooperative fund:

a) Chairperson of the provincial cooperative fund is a representative in charge of performing rights and responsibilities of the state owner’s representative at the fund;

b) Chairperson of the provincial cooperative fund shall hold the term of office not exceeding 5 years, and may be re-appointed for up to 02 terms. Chairperson of the provincial cooperative fund shall be appointed and dismissed according to the charter on organization and operation of the provincial cooperative fund;

c) Chairperson of the provincial cooperative fund must satisfy the following standards and requirements: Meet the standards and requirements laid down in Points a, b, c and d Clause 3 Article 10 hereof; be not a spouse, natural or adoptive parent, blood child, adopted child, natural sibling, brother-in-law, or sister-in-law of Chairperson or Deputy Chairperson of the provincial cooperative alliance, Controller, Director, Deputy Director or Chief Accountant of the fund; and meet other standards and requirements to serve management requirements of the provincial cooperative alliance as prescribed in the charter on organization and operation of the provincial cooperative fund;

d) Chairperson of the provincial cooperative fund shall have the following rights and responsibilities: Formulate and submit 05-year operational plans or strategies, financial plans and development investment plans to the provincial cooperative alliance for submission to the provincial People's Committee; formulate and submit annual operational and financial plans of the provincial cooperative fund to the provincial cooperative alliance; Request the provincial cooperative alliance to decide the planning, appointment, re-appointment, dismissal, transfer, reward, discipline, and approval for resignations and retirement of title holders as prescribed in the charter on organization and operation of the provincial cooperative fund; Submit reports to the provincial cooperative alliance for requesting the provincial People’s Committee to approve revisions to the charter on organization and operation of the provincial cooperative fund; approve increase or decrease in the charter capital, restructuring, conversion of business model, dissolution or bankruptcy of the provincial cooperative fund; Request the provincial cooperative alliance to consider giving approval for financial statements, profit distribution, and establishment of annual funds of the provincial cooperative fund after obtaining assessment opinions from the Controller of the provincial cooperative fund; Make decisions to promulgate and revise procedures and internal regulations on organization, administration and operation of the provincial cooperative fund after obtaining approval from the provincial cooperative alliance; Perform other rights and responsibilities defined in the charter on organization and operation of the provincial cooperative fund.

5. Controller of the provincial cooperative fund:

a) Controller of the provincial cooperative fund shall assist the provincial cooperative alliance in controlling the performance of management and administration duties of Chairperson and Director of the provincial cooperative fund and other relevant contents;

b) Controller of the provincial cooperative fund shall hold the term of office not exceeding 05 years, and may be re-appointed for up to 02 terms; appointment and dismissal of Controller of the provincial cooperative fund shall be carried out according to the charter on organization and operation of the provincial cooperative fund;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Chairperson of provincial cooperative alliance shall issue practice rules of Controller of the provincial cooperative fund according to regulations on promulgation of practice rules of controllers of single-member limited liability companies 100% of charter capital of which is held by the State and in conformity with regulations herein.

6. Director of the provincial cooperative fund:

a) Director of the provincial cooperative fund shall directly manage operations of the fund;

b) The fund’s Director shall hold the term of office not exceeding 05 years and may be re-appointed or replaced. Director of the provincial cooperative fund shall be appointed and dismissed according to the charter on organization and operation of the provincial cooperative fund;

c) Director of the provincial cooperative fund must satisfy the following standards and requirements: Chairperson of the provincial cooperative fund must satisfy the following standards and requirements: Meet the standards and requirements laid down in Points a, b, c and d Clause 3 Article 10 hereof; be not a spouse, natural or adoptive parent, blood child, adopted child, natural sibling, brother-in-law, or sister-in-law of Chairperson or Deputy Chairperson of the provincial cooperative alliance, Controller, Director, Deputy Director or Chief Accountant of the fund; and meet other standards and requirements to serve management requirements of the provincial cooperative alliance as prescribed in the charter on organization and operation of the provincial cooperative fund;

d) Director of the provincial cooperative fund shall have rights and responsibilities prescribed in the fund’s charter on organization and operation.

7. Deputy Director(s), Chief Accountant and assistant apparatus of the fund:

a) Deputy Director(s) of the provincial cooperative fund shall be appointed and dismissed by the fund’s Chairperson at the request of the fund’s Director. Deputy Director(s) of the provincial cooperative fund shall assist the fund’s Director in managing the fund’s operations as assigned and authorized by the fund’s Director; assume responsibility before the fund’s Director and before the law for their performance of assigned and authorized tasks;

b) Chief Accountant of the provincial cooperative fund shall be appointed and dismissed by the fund’s Chairperson at the request of the fund’s Director. Chief Accountant shall take charge of accounting, financial and statistical works of the provincial cooperative fund as assigned by the fund’s Director and in conformity with regulations of the Law on accounting and the fund’s charter on organization and operation;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Standards and requirements for being appointed as Deputy Director(s) and Chief Accountant of the provincial cooperative fund are prescribed in its charter on organization and operation;

dd) Rights and responsibilities of Deputy Director(s), Chief Accountant and assistant apparatus of the provincial cooperative fund are specified in its charter on organization and operation.

Article 18. Organizational structure of provincial cooperative funds that operate under cooperative business model

1. Organization structure of the fund consists of:

a) General meeting of members;

b) Board of Directors;

c) Controller;

d) Executive board, composed of: Director, Deputy Director(s), Chief Accountant and assistant apparatus.

2. General meeting of members:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Rights and duties of the general meeting of members shall comply with the Law on cooperatives.

3. Board of Directors:

a) The Board of Directors of the provincial cooperative fund shall be elected and dismissed by the general meeting of members in the form of a secret ballot. The Board of Directors is composed of at least 03 members, including: Chairperson and other members. Chairperson of the Board of Directors of the provincial cooperative fund may work under full-time or part-time working regime, has the term of office not exceeding 05 years, and may be re-appointed for up to 02 terms;

b) Chairperson of the Board of Directors of the provincial cooperative fund must satisfy the standards and requirements in Point c Cause 4 Article 17 hereof and the charter on organization and operation of the provincial cooperative fund;

c) Chairperson of the Board of Directors of the provincial cooperative fund shall have rights and responsibilities prescribed in the fund’s charter on organization and operation.

4. Controller of the provincial cooperative fund:

a) Controller of the provincial cooperative fund shall be elected and dismissed by the general meeting of members in the form of a secret ballot;

b) Controller of the provincial cooperative fund may work under full-time or part-time working regime, has the term of office not exceeding 05 years, and may be re-appointed for up to 02 terms to take charge of controlling the performance of management and administration tasks of the Board of Directors and Director of the fund, and other relevant contents;

c) Controller of the provincial cooperative fund must satisfy the standards and requirements in Cause 3 Article 11 hereof and the charter on organization and operation of the provincial cooperative fund;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. Director of the provincial cooperative fund:

a) Director of the provincial cooperative fund shall be appointed and dismissed by the general meeting of members in the form of secret ballot; directly take charge of managing operations of the fund. Director of the fund shall hold the term of office not exceeding 05 years and may be re-appointed or replaced;

b) Director of the provincial cooperative fund must satisfy the standards and requirements in Point c Cause 6 Article 17 hereof and the charter on organization and operation of the provincial cooperative fund;

c) Director of the provincial cooperative fund shall have rights and responsibilities prescribed in the fund’s charter on organization and operation.

6. Deputy Director(s), Chief Accountant and assistant apparatus:

a) Deputy Director(s) of the provincial cooperative fund shall be appointed and dismissed by Chairperson of the Board of Directors of the fund at the request of the fund’s Director. Deputy Director(s) of the provincial cooperative fund shall assist the fund’s Director in managing the fund’s operations as assigned and authorized by the fund’s Director; assume responsibility before the fund’s Director and before the law for their performance of assigned and authorized tasks. Chairperson of the Board of Directors shall decide the structure and number of Deputy Directors according to the fund’s operational scale and conditions in each period;

b) Chief Accountant of the provincial cooperative fund shall be appointed and dismissed by Chairperson of the Board of Directors of the fund at the request of the fund’s Director. Chief Accountant shall take charge of accounting, financial and statistical works of the provincial cooperative fund as assigned by the fund’s Director and in conformity with regulations of the Law on accounting and relevant laws;

c) The assistant apparatus of the fund consists of professional and specialized departments or divisions in charge of advising and assisting Board of Directors and Director of the fund in managing the fund. The fund’s Director shall decide to appoint or dismiss holders of leadership positions of the assistant apparatus after obtaining approval from the fund’s Board of Directors. Organizational structure, functions, duties and powers of the assistant apparatus are specified in the fund’s charter on organization and operation;

d) Standards and requirements for being appointed as Deputy Director(s) and Chief Accountant of the provincial cooperative fund are prescribed in its charter on organization and operation;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 19. Charter on organization and operation of provincial cooperative fund

1. Charter on organization and operation of a provincial cooperative fund must be conformable with its organizational and business model and include the primary contents specified in Article 14 hereof.

2. Provincial People's Committees shall promulgate charters on organization and operation of provincial cooperative funds that operate under the business model of a single-member limited liability company 100% of charter capital of which is held by State. General meetings of members of provincial cooperative funds that operate under the cooperative business model shall issue resolutions to approve their charters on organization and operation.

Chapter III

OPERATIONS OF COOPERATIVE FUNDS

Section 1. LENDING

Article 20. Eligible borrowers and lending scope

1. Eligible borrowers:

a) Cooperative funds shall provide loans for cooperatives, cooperative unions, members of artels and cooperatives (except members of cooperatives that are enterprises);

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Lending scope:

a) The central cooperative fund shall provide loans to the entities specified in Clause 1 of this Article nationwide;

b) Each provincial cooperative fund shall provide loans for the entities specified in Clause 1 of this Article within the province or central-affiliated city where the fund is established.

Article 21. Lending principles

1. Cooperative funds shall provide loans to their clients under agreements made between the funds and clients in conformity with regulations herein.

2. Clients getting loans from a cooperative fund must ensure the correct use of borrowed funds and repay principal and interests according to the schedule agreed upon with the fund.

Article 22. Eligibility requirements for a loan

1. The client is an entity defined in Clause 1 Article 20 hereof.

2. The client is a juridical person established in accordance with regulations of law. If the client is an individual, he/she must be aged 18 or older and has full legal capacity as prescribed by law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. The client complies with regulations on loan security laid down in Article 26 hereof.

5. The client’s equity used for implementing the investment project or business plan is accounted for at least 20% of total investment capital of that project or plan.

6. At the time of first disbursement made by the cooperative fund after the credit contract is signed, the client has not incurred any bad debts at credit institutions.

Article 23. Loan amount and loan limit

1. Loan amount: Based on the plan for use of borrowed money, financial capability, capacity to repay debts, and loan security of each client, and the loan limit prescribed herein, the cooperative fund shall consider and decide the specific loan amount given to that client in conformity with its available capital sources and financial capability.

2. Loan limit:

a) Total loan outstanding balance of a client shall not exceed 15% of the existing charter capital of the cooperative fund at the time it decides to grant loans;

b) Total loan outstanding balance of a client and related persons shall not exceed 25% of the existing charter capital of the cooperative fund at the time it decides to grant loans;

3. Cooperative funds provide syndicated loans according to specific agreements between such cooperative funds and clients, and in conformity with regulations herein and relevant laws.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. The loan term shall be determined according to capital recovery capacity and in conformity with the client’s business cycle, investment plan and solvency.

2. The cooperative fund shall consider and decide specific term of loan given to each investment project or business plan of the client.

Article 25. Lending interest rate and currency units used for extending loans and repaying debts

1. Principles for determining interest rate and currency units used for extending loans and repaying debts

a) The lending interest rates adopted by cooperative funds must be conformable with incentive policies and plans for development of collaborative economy and cooperatives of the Government and of each provincial government, ensure funding for covering operating expenses of the cooperative fund, and adhere to relevant regulations on lending interest rates;

b) The interest rate charged on overdue debts in each specific case shall be determined by the relevant cooperative fund, and shall not exceed 150% of the interest rate charged on due repayment;

c) Currency unit used for extending loans and repaying debts is VND.

2. The power to decide lending interest rates, interest rates charged on overdue debts, reduction or exemption of interests shall comply with the charter on organization and operation of each cooperative fund and its internal regulations on lending and borrowed fund management.

Article 26. Loan security

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. The cooperative fund is allowed to dispose of collateral provided by the client to recover debts in accordance with regulations of law on secured transactions.

Article 27. Debt rescheduling

The cooperative fund shall consider deciding whether the debt rescheduling (including adjustment to a repayment period and extension of a loan term) is necessary at the client’s request and depending on the financial capability of that cooperative fund and results of assessment of the client’s capability to repay debts. To be specific:

1. If the client is incapable of making due repayment of loan principal and/or interest, and is assessed by the cooperative fund as having capacity for fully repaying the loan principal and/or interest within the adjusted repayment period, the cooperative fund shall consider adjusting the period of repayment of that loan principal and/or interest as appropriate to the client’s source of financing for debt repayment without prejudice to the loan term.

2. If the client is incapable of paying off loan principal and/or interest in full within the agreed loan term, and is assessed by the cooperative fund as having capacity for fully repaying loan principal and/or interest within a specified period of time following the said loan term, the cooperative fund shall consider extending the period of debt repayment as appropriate to the client’s source of financing for such debt repayment.

3. The power to decide the debt rescheduling is specified in the charter on organization and operation of the cooperative fund and its internal regulations on lending and borrowed fund management.

Article 28. Debt classification, establishment and use of loan loss provisions

1. Cooperative funds shall classify debts, set aside loan loss provisions and use such provisions for settling losses incurred during the provision of loans in accordance with SBV’s regulations applicable to microfinance institutions.

2. The cooperative fund is not required to set aside loan loss provisions for the loans granted by the cooperative fund under authorization by a third party or granted by a third party under the cooperative fund’s authorization.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) For the central cooperative fund: Chairperson of Vietnam Cooperative shall decide to remove the debts monitored in its off-balance sheet on the basis of the approval given by Vietnam Cooperative Alliance after reporting the Prime Minister;

b) For a provincial cooperative fund that operates under the business model of a single-member limited liability company 100% of charter capital of which is held by the State: Chairperson of the provincial cooperative fund shall decide to remove the debts monitored in its off-balance sheet on the basis of the approval given by the provincial cooperative alliance after reporting the provincial People’s Committee.

4. For a provincial cooperative fund that operates under the cooperative business model: Chairperson of the Board of Directors of the provincial cooperative fund shall decide to remove the debts monitored in its off-balance sheet after obtaining the approval from the fund’s general meeting of members.

5. Pursuant to Clause 1, Clause 2 and Clause 3 of this Article, the cooperative fund shall promulgate internal regulations on debt classification, establishment and use of loan loss provisions in accordance with regulations herein.

Article 29. Risk control council

1. The cooperative fund shall establish a risk control council that is composed of a Chairperson who is the fund’s Chairperson or Chairperson of the fund’s Board of Directors and members who are Controller, the fund’s Director, Chief Accountant, head of lending department and other members decided by the fund’s Chairperson or Chairperson of the fund’s Board of Directors.

2. The risk control council shall perform the following tasks:

a) Quarterly assess reports on debt classification, establishment and use of loan loss provisions provided by the fund’s Director;

b) Make decisions to use loan loss provisions;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Monitor the collection of debts for which loan loss provisions have been used;

dd) Follow procedures and prepare documents for removing the debts monitored in the off-balance sheet for submitting to competent authorities for consideration as prescribed in Clause 3 Article 28 hereof;

e) Formulate internal regulations on operations of the risk control council for submission to the fund’s Chairperson or Chairperson of the fund’s Board of Directors for promulgation.

Article 30. Authorization to grant loans by the central cooperative fund

1. The central cooperative fund may authorize provincial cooperative funds and other financial organizations or credit institutions to use its capital to grant loans.

2. A trust agreement must be entered into between the central cooperative fund and the trustee as the basis for performing fiduciary activities.  The trust agreement must include, inter alia, the followings: Entrustment scope and contents, entrusted capital, entrustment process, potential risks, responsibilities, duties and rights of contracting parties, and other relevant contents.

Article 31. Promulgation of internal regulations on lending and borrowed fund management

1. The cooperative fund shall promulgate its internal regulations on lending and borrowed fund management according to the power specified in its charter on organization and operation.

2. Internal regulations on lending and borrowed fund management of the cooperative fund must be conformable with regulations herein and suitable for the fund’s operations, and must, inter alia, include the following contents: Eligible borrowers, lending requirements, lending methods, loan term, lending interest rate, interest rate charged on overdue debts, application for loan, debt collection, process and procedures for debt rescheduling, delinquency procedures; procedures for appraising, approving and deciding to grant loan; procedures for inspection of borrowing, use of borrowed funds and debt repayment by clients; application of loan security measures, cases where the collateral is not required based on results of assessment of risk levels and capacity to repay debts by clients; power to decide to each loan security measure; risk control.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 32. Capital mobilization by cooperative funds

Each cooperative fund is allowed to mobilize capital in conformity with its business model. To be specific:

1. The central cooperative fund shall:

The central cooperative fund that operates under the business model of a single-member limited liability company 100% of charter capital of which is held by the State may mobilize capital in accordance with the Law on enterprises, the Law on management and use of state capital invested in manufacturing and business operations of enterprises, and relevant guiding documents.

2. Provincial cooperative funds:

a) A provincial cooperative fund that operates under the business model of a single-member limited liability company 100% of charter capital of which is held by the State may mobilize capital within the province/city in accordance with the Law on enterprises, the Law on management and use of state capital invested in manufacturing and business operations of enterprises, and relevant guiding documents;

b) A provincial cooperative fund that operates under the cooperative business model may mobilize capital within the province/city in accordance with the Law on Cooperatives and relevant guiding documents.

Article 33. Other activities of cooperative funds

Cooperative funds are allowed to provide investment and financial consulting services, and provide assistance and training for their clients in accordance with regulations of law in force.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



FINANCIAL POLICIES, ACCOUNTING, AUDITING, REPORTING AND ASSESSMENT OF PERFORMANCE OF COOPERATIVE FUNDS

Article 34. Financial, accounting and auditing policies

1. Cooperative funds shall comply with financial, accounting and reporting policies laid down herein and guidelines of the Ministry of Finance.

2. The financial year of the cooperative fund commences from January 01 to December 31 of every year.

3. Annual financial statements of the cooperative fund must be audited by an independent audit organization or the State Audit Office of Vietnam in accordance with regulations of law in force.

Article 35. Financial management principles

1. Cooperative funds shall exercise financial autonomy and be self-responsible for their performance of assigned tasks, obligations and commitments as prescribed by law.

2. Cooperative funds shall make financial disclosure in accordance with regulations of law in force. The fund’s Chairperson or Chairperson of the fund’s Board of Directors shall assume responsibility for the accuracy and truthfulness of the fund's financial statements, statistical reports and financial disclosure.

3. Cooperative funds shall fulfil tax obligations in accordance with regulations of the Law on taxation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



The working capital of a cooperative fund is derived from the following sources:

1. Owner’s equity:

a) Charter capital;

b) Development investment fund and financial reserve funds;

c) Funds derived from non-refundable financing, aids and contributions of domestic and foreign entities;

d) Differences from revaluation of assets;

dd) Differences in undistributed expenses and revenues, and unrealized accumulated losses;

e) Other capital owned by the cooperative fund.

2. Capital raised from domestic entities in accordance with Article 32 hereof.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Other lawful sources of capital as regulated by law (if any).

Article 37. Charter capital of cooperative funds

1. The charter capital of a cooperative fund that operates under the business model of a single-member limited liability company 100% of charter capital of which is held by the State shall include funding from state budget and other lawful funding sources. To be specific:

a) The charter capital of the central cooperative fund is VND 1.000 (one thousand) billion which is derived from the central-government budget for development investment expenditures.  The change in the charter capital of the central cooperative fund shall be decided by the Prime Minister at the request of Vietnam Cooperative Alliance after obtaining the consent from Ministry of Finance and Ministry of Planning and Investment;

b) The minimum charter capital of a provincial cooperative fund is VND 20 (twenty) billion which is derived from the provincial-government budget for development investment expenditures. The change in the charter capital of the provincial cooperative fund shall be decided by the Chairperson of the provincial People’s Committee after obtaining approval from the same-level People’s Council and at the request of the provincial cooperative alliance after obtaining the consent from provincial Department of Finance and provincial Department of Planning and Investment.

2. For provincial cooperatives fund that operate under the cooperative business model:

a) The minimum charter capital of the cooperative fund is VND 20 billion which is contributed by the fund's members;

b) The change in the charter capital of the cooperative fund shall be decided by the fund’s general meeting of members.

Article 38. Principles for management and use of capital and assets of cooperative funds

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Management and use of idle capital:

a) Cooperative funds may deposit money at commercial banks that are duly established and operating under the law of Vietnam according to the capital preservation and growth principle;

b) Provincial cooperative funds may deposit their idle capital at the central cooperative fund and vice versa under agreements between the parties;

c) Cooperative funds shall formulate their own internal regulations on management and use of idle capital, which shall, inter alia, include the following contents: Criteria for selection of commercial banks receiving deposits to ensure capital preservation and growth principle; power to decide the selection of banks.

3. Acquisition, management and use of assets of cooperative funds:

a) For a cooperative fund that operates under the business model of a single-member limited liability company 100% of charter capital of which is held by the State: The cooperative fund is allowed to acquire and invest in fixed assets to directly serve its operations on the condition that the residual value of fixed assets does not exceed 10% of its existing charter capital at the time of issuance of investment or acquisition decision, and the cooperative fund must fully comply with law regulations on construction and investment management by single-member limited liability companies 100% of charter capital of which is held by the State;

b) For a cooperative fund that operates under the cooperative business model: The cooperative fund may acquire and invest in fixed assets to directly serve its operations in accordance with regulations of the Law on Cooperatives and the fund’s internal regulations which are promulgated by the fund’s Board of Directors after obtaining approval from its general meeting of members.

Article 39. Capital adequacy

Every cooperative fund is required to comply with the following regulations on capital adequacy:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Comply with regulations on loan limits as prescribed herein.

3. Buy mandatory property insurance as prescribed by law.

4. Record loan loss provisions set aside as prescribed herein as operating expenses.

5. Adopt other measures for ensuring capital adequacy as prescribed by law.

Article 40. Salaries and allowances of cooperative funds

1. The cooperative fund shall manage its employees, salaries, remunerations and bonuses of its employees and managers in the same manner as a single-member limited liability company 100% of charter capital of which is held by the State, and as appropriate to the fund’s characteristics and business model as prescribed herein.

2. For a cooperative fund that operates under the cooperative business model: The cooperative fund shall manage its employees, salaries, remunerations and bonuses of its employees and managers in the same manner as a cooperative as prescribed in the Law on Cooperatives.

Article 41. Incomes of cooperative funds

1. Incomes of a cooperative fund are determined in conformity with accounting standards of Vietnam and relevant laws and supported by lawful invoices or receipts, and must be fully recorded as its revenues.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Interest income and similar incomes;

b) Income earned from service provision;

c) Income from other activities;

d) Other incomes as prescribed by law.

3. The Ministry of Finance shall provide specific guidance on incomes of cooperative funds as prescribed in Clause 2 of this Article.

Article 42. Expenses of cooperative funds

1. Expenses of a cooperative fund are expenses actually incurred during the fund’s operation; comply with the matching principle between incomes and expenses; and must be proved by lawful invoices and receipts in accordance with regulations of law. The cooperative fund shall not record expenses which are covered by other funding sources as its expenses.  Expenses shall be determined and recorded in accordance with Vietnam’s accounting standards and relevant laws. Deductible expenses upon determination of tax liabilities shall comply with regulations of the Law on taxation.

2. Expenses of a cooperative fund include:

a) Interest payments and other similar expenses;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Costs of other activities;

d) Payments of taxes and other fees and charges;

dd) Payments made to employees of the cooperative fund;

e) Management and administration costs;

g) Asset-related costs;

h) Contributions to loan loss provisions;

i) Costs for participation in activities organized by cooperative alliances at all levels and related to operation of the cooperative fund;

k) Other expenses.

3. The Ministry of Finance shall provide specific guidance on expenses of cooperative funds as prescribed in Clause 2 of this Article.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Financial outcomes mean the difference between total incomes and total expenses incurred in a financial year:

a) The cooperative fund has surplus financial outcomes if the difference between total incomes and total expenses in the financial year is a positive number;

b) The cooperative fund has financial deficit if the difference between total incomes and total expenses in the financial year is a negative number.

2. After paying fines for violations against law and offsetting its deficits in previous years (if any), the financial surplus of a cooperative fund that operates under the business model of a single-member limited liability company 100% of charter capital of which is held by the State shall be distributed as follows:

a) Contribute not more than 30% of the surplus to the development investment fund.

b) Contribute 10% of the surplus to the financial reserve fund.

c) Make contributions to reward and welfare funds for employees as follows:

A cooperative fund rated A may set aside an amount equivalent to 3 months’ earned income of employees for two reward and welfare funds;

A cooperative fund rated B may set aside an amount equivalent to 1,5 months’ earned income of employees for two reward and welfare funds;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Make contributions to the reward fund for managers and controllers:

A cooperative fund rated A may set aside an amount equivalent to 1,5 months’ earned income of managers and controllers for this fund;

A cooperative fund rated B may set aside an amount equivalent to 01 months’ earned income of managers and controllers for this fund;

A cooperative fund rated C is not allowed to set aside the reward fund for managers and controllers.

d) Id the difference between revenues and expenses that remains after setting aside the funds specified in Points a and b of this Clause is not enough for setting aside reward and welfare funds for employees, and the reward fund for managers and controllers as regulated, the cooperative fund may reduce the amount used to set aside the development investment fund but must ensure the minimum amount contributed to the development investment fund in the financial year as prescribed;

e) The remaining amount (if any) after setting aside the abovementioned funds shall be contributed to the development investment fund of the cooperative fund.

3. For a cooperative fund that operates under the cooperative business model:

a) The difference between incomes and expenses shall be distributed according to Clause 1, Clause 2 Article 46 of the Law on Cooperatives;

b) The remaining amount (if any) after setting aside the funds specified in Point a of this Clause shall be contributed to the development investment fund of the cooperative fund.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) The development investment fund is used for investing in expansion of the business scale and renovation of technologies, equipment and working conditions of the cooperative fund and for supplementation of the charter capital of the cooperative fund.  The fund’s Chairperson shall decide investment form and method in conformity with regulations applicable to single-member limited liability companies 100% of charter capital of which is held by the State. Chairperson of the fund’s Board of Directors shall decide investment form and method in conformity with regulations of the Law on Cooperatives;

b) The financial reserve fund is used for covering the remaining losses, asset damage, and uncollectible debts during the fund’s operation after they are offset by compensation paid by the entities at fault, insurers and provisions recorded in the fund’s expenses;

c) The reward fund for managers and controllers shall be used for managers and controller(s) of the cooperative fund. The reward rates shall be determined by the Chairperson of the cooperative alliance of the same level (for a cooperative fund that operates under the business model of a single-member limited liability company 100% of charter capital of which is held by the State) or general meeting of members (for a cooperative fund that operates under the cooperative business model), depending on the performance of assigned tasks and business results of the cooperative fund at the request of its Chairperson or Chairperson of the Board of Directors.

d) The reward fund is used for periodically or spontaneously rewarding individuals or teams of the cooperative fund, depending on their productivity or working achievements;

dd) The welfare fund is used for spending on sports, cultural activities and social welfare works for officials of the cooperative fund; spending on subsidies for regular or sudden hardships for officials of the cooperative fund; spending on other welfare activities of the cooperative fund.

Director of the cooperative fund shall cooperate with its trade union to manage and use this fund in a public and transparent manner.

5. In case of financial deficit, the cooperative fund may carry the negative difference between incomes and expenses forward to the following years. If this negative difference is still not yet fully carried forward within a maximum period of 05 years, the cooperative fund shall request the Prime Minister (if it is the central cooperative fund) or Chairperson of the provincial People’s Committee (if it is a provincial cooperative fund that operates under the business model of a limited liability company 100% of charter capital of which is held by the State) or general meeting of members (if it is a cooperative fund that operates under the cooperative business model) to consider deciding to reduce or supplement capital, re-structure, dissolve or declare the cooperative fund bankrupt.

Article 44. Reporting

1. The central cooperative fund shall:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Consolidate biannual and annual reports submitted by provincial cooperative funds.  Consolidated reports shall be sent to Vietnam Cooperative Alliance, Ministry of Finance, State Bank of Vietnam and Ministry of Planning and Investment for monitoring and inspection.

2. Each provincial cooperative fund shall:

Prepare and submit biannual and annual reports to the provincial People’s Committee, provincial cooperative alliance, provincial Department of Finance, and branch of State Bank of Vietnam in the province where the cooperative fund is established, and sent to the central cooperative fund for consolidating as prescribed in Point b Clause 1 of this Article.

3. Biannual and annual reports specified in Clause 1 of this Article include:

a) Financial statements, including: balance sheet; income statement; cash flow statement; statement of changes in equity; financial statements as prescribed by law; statement of financial revenues and expenses; reports on distribution of difference between revenues and expenses, and use of funds according to guidelines given by the Ministry of Finance;

b) Consolidated reports on the fund's operations;

c) Reports on the fund’s lending activities;

d) Auditor’s report on annual financial statements.

4. Deadline for submission of reports:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Annual report shall be submitted within 90 days from the end of the financial year. The auditor’s report on annual financial statements of the cooperative fund prepared by an independent audit organization shall be submitted within 120 days from the end of the financial year.

5. Methods for submitting reports: The cooperative fund shall submit reports directly or by post.

6. Cooperative funds must also provide information and/or ad hoc reports to competent authorities at their request.

7. Cooperative alliances at all levels shall submit annual reports as prescribed in Article 12 of the Government’s Decree No. 163/2016/ND-CP dated December 21, 2016 and its amending documents (if any).

8. Cooperative funds shall implement reporting regime in accordance with law regulations on inspection and auditing.

Article 45. Evaluation of performance of cooperative funds

1. The annual performance of a cooperative fund shall be evaluated according to the following criteria:

a) Criterion 1: Growth of loan outstanding balance;

b) Criterion 2: Bad debt ratio (including group-3, group-4 and group-5 outstanding debts according to the fund’s debt classification results);

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Criterion 4: Compliance with regulations on investment, management and use of capital of the fund, fulfillment of obligations to state budget, and compliance with regulations on financial statements.

2. When calculating the criteria for evaluation of performance of the cooperative fund specified in Clause 1 of this Article, the cooperative fund may exclude the objective reasons in terms of:

a) Disasters, fire, epidemics, wars and other force majeure events;

b) Changes in State’s policies that affect operations of the cooperative fund.

3. The Ministry of Finance shall provide guidance on methods of calculation of performance evaluation criteria and rating of cooperative funds in conformity with specific operations of cooperative funds.

4. The cooperative alliance of the same level shall set evaluation criteria and carry out evaluation of annual performance of the cooperative funds that operate under the business model of a single-member limited liability company 100% of charter capital of which is held by the State in accordance with regulations of this Article.  General meeting of members shall set evaluation criteria and carry out evaluation of annual performance of the cooperative fund that operates under the cooperative business model.

Chapter V

DISSOLUTION, BANKRUPTCY AND CONVERSION OF BUSINESS MODEL OF COOPERATIVE FUNDS

Article 46. Dissolution cases

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. A provincial cooperative fund fails to maintain adequate minimum charter capital as prescribed in Article 37 and Point c Clause 4 Article 58 hereof.

2. A cooperative fund is rated C by a competent authority as prescribed herein within 05 consecutive years in accordance with regulations herein and has maintained the ratio of loan outstanding balance (excluding loans granted under authorization of third parties) to equity less than 20% in 05 consecutive years.

3. The ratio of bad debts of the cooperative fund to its total loan outstanding balance is higher than 50% of its existing charter capital in 05 consecutive years.

4. The accumulated negative difference between revenues and expenses is higher than or equal to 75% of the existing charter capital of the cooperative fund in 05 consecutive years.

5. A cooperative fund is dissolved in other cases according to a decision issued by the Prime Minister (if it is the central cooperative fund), or the provincial People’s Committee (if it is a provincial cooperative fund that operates under the business model of a single-member limited liability company 100% of charter capital of which is held by the State), or general meeting of members (if it is a provincial cooperative fund that operates under the cooperative business model).

Article 47. Power to decide dissolution of cooperative funds

1. For cooperative funds that operate under the business model of a single-member limited liability company 100% of charter capital of which is held by the State:

a) For the central cooperative fund: At the request of Vietnam Cooperative Alliance and after consulting the Ministry of Finance, Ministry of Planning and Investment, and State Bank of Vietnam, the Prime Minister shall consider deciding to dissolve the central cooperative fund in accordance with regulations herein and relevant laws;

b) For a provincial cooperative fund: At the request of the provincial cooperative alliance and after consulting the provincial Department of Finance, provincial Department of Planning and Investment, and provincial branch of the State Bank of Vietnam, the provincial People’s Committee shall send the dissolution policies to the provincial People’s Council for approval before issuing a decision to dissolve the provincial cooperative fund in accordance with regulations herein and relevant laws.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 48. Procedures of dissolution of cooperative funds

1. For a cooperative fund that operates under the business model of a single-member limited liability company 100% of charter capital of which is held by the State: Procedures for dissolution of the cooperative fund shall be same as those for dissolution of a single-member limited liability company 100% of charter capital of which is held by the State.

2. For a cooperative fund that operates under the cooperative business model: Procedures for dissolution of the cooperative fund shall be same as those for dissolution of a cooperative.

Article 49. Bankruptcy of cooperative funds

The bankruptcy of cooperative funds shall comply with regulations of the Law on bankruptcy and Article 55 of the Law on Cooperatives (for cooperative funds that operate under the cooperative business model).

Article 50. Business model conversion

1. If a cooperative fund wants to convert its business model from a single-member limited liability company 100% of charter capital of which is held by the State into a cooperative, or vice versa, it is required to develop a conversion plan in which obligations of the current cooperative fund, and operational plans adopted by the cooperative fund operating under the new business model (including financial plan, plans for management and administration, and loan outstanding balance) must be specified.

2. Power to make decision on conversion of business model:

a) The power to decide the conversion of business model of the central cooperative fund shall comply with Point b Clause 1 Article 8 hereof;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) The conversion of business model of a provincial cooperative fund from a cooperative into a single-member limited liability company 100% of charter capital of which is held by the State shall be carried out according to a decision issued by the provincial People’s Committee at the request of its general meeting of members and after consulting the provincial cooperative alliance, provincial Department of Finance, provincial Department of Justice, provincial Department of Planning and Investment, and provincial branch of the State Bank of Vietnam, and obtaining approval from the provincial People’s Council.

Chapter VI

ORGANIZATION OF IMPLEMENTATION [5]

Article 51. Responsibilities of Ministry of Finance

1. Provide guidance on mechanisms for financial management and evaluation of performance of cooperative funds; guidance for settling financial issues concerning restructuring or conversion of business model of cooperative funds; guidance on accounting policies for cooperative funds as prescribed herein.

2. Play the leading role and cooperate with relevant authorities, Vietnam Cooperative Alliance, provincial People’s Committees and relevant entities in reviewing and amending legislative documents prescribing organization and operation of cooperative funds, and submitting them to competent authorities for promulgation, or promulgate them within its competence.

Article 52. Responsibilities of State Bank of Vietnam

1. Cooperate with Vietnam Cooperative Alliance, provincial People's Committees, and provincial cooperative alliances in inspecting lending activities of cooperative funds as prescribed herein.

2. Cooperate with Ministry of Finance and relevant authorities in establishing and completing legal framework for organization and operation of cooperative funds, and organizing the implementation of this Decree in accordance with regulations of law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Balance and include funding from state budget used for supplementing the charter capital of the central cooperative fund in the medium-term public investment plan in accordance with regulations of the Law on Public Investment and legal documents elaborating the Law on Public Investment.

2. Monitor and inspect the use of funding derived from state budget allocated to the central cooperative fund in accordance with regulations of the Law on Public Investment and relevant laws.

3. Cooperate with Ministry of Finance and relevant authorities in establishing and completing legal framework for organization and operation of cooperative funds, and organizing the implementation of this Decree in accordance with regulations of law.

Article 54. Responsibilities of Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs

Play the leading role and cooperate with relevant authorities and provincial People's Committees in providing guidance on management of employees, salaries, remunerations and bonuses of employees and managers, and ranking of the cooperative funds that operate under the business model of a single-member limited liability company 100% of charter capital of which is held by the State.

Article 55. Responsibilities of provincial People’s Councils and provincial People’s Committees

1. Responsibilities of provincial People’s Councils:

a) Consider giving approval for schemes for establishment of provincial cooperative funds in accordance with regulations herein;

b) Supervise the organization and management of provincial cooperative funds in accordance with regulations of the Law on State Budget as prescribed herein and relevant laws.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Issue decisions on establishment, dissolution or bankruptcy of provincial cooperative funds in accordance with regulations herein and relevant laws;

b) Based on the state budget estimates approved by the People's Council of the same level, make decisions to allocate charter capital of provincial cooperative funds in accordance with regulations herein, and make decisions to adjust charter capital of provincial cooperative funds during their operation in accordance with regulations herein and relevant laws;

c) Carry out comprehensive inspections of provincial cooperative funds;

d) Submit annual reports and ad hoc reports on operation and performance of cooperative funds to the Ministry of Finance, Ministry of Planning and Investment and State Bank of Vietnam in accordance with regulations herein;

dd) Propose solutions for dealing with difficulties faced by cooperative funds during their operation; propose amendments to mechanisms and policies for operation of cooperative funds;

e) Submit annual reports on business performance of cooperative funds to provincial People’s Councils, and propose solutions for dealing with difficulties and improving business performance of cooperative funds within their competence;

g) Perform other responsibilities of provincial People's Committees as prescribed herein and relevant laws.

Article 56. Responsibilities of Vietnam Cooperative Alliance and provincial cooperative alliances

1. Cooperative alliances of same level shall manage and inspect operation of cooperative funds in accordance with regulations herein and relevant laws.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Vietnam Cooperative Alliance shall cooperate with provincial People's Committees in monitoring and evaluating performance of cooperative funds for formulating and proposing orientations for development of cooperative funds to the Prime Minister in accordance with regulations herein and relevant laws.

4. Perform other powers and responsibilities to cooperative funds as assigned by competent authorities in accordance with regulations herein and relevant laws.

Article 57. Implementation clause

1. This Decree comes into force from May 15, 2021.

2. The following regulations shall be abrogated from the effective date of this Decree:

a) Article 2; Clause 1, Clause 3, Clause 4 Article 3; Clause 2 Article 5; Article 6; Article 7; Article 8; Article 9; Clause 1, Clause 2, Clause 3 Article 11 of Decision No. 246/2006/QD-TTg dated October 27, 2006 of the Prime Minister;

b) Clause 2, Clause 3, Clause 4, Clause 5 and Clause 6 Article 1, Article 2, Article 3 and Article 4 of Decision No. 23/2017/QD-TTg dated June 23, 2017 of the Prime Minister;

c) Point a and Point b Clause 4 Article 24 of the Government’s Decree No. 193/2013/ND-CP dated November 21, 2013.

Article 58. Transition

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. At the effective time of this Decree, pursuant to Clause 1 Article 28 hereof, if the balance of loan loss provisions of a cooperative fund is higher than the required amount, the surplus shall be recorded as its income; if the balance of loan loss provisions of a cooperative fund is less than the required amount, the cooperative fund is required to make additional contributions to its loan loss provisions within 12 months as prescribed by law.

3. The balance of the additional reserve fund of charter capital of the cooperative development assistance fund as prescribed in the Circular No. 81/2007/TT-BTC dated July 11, 2007 of the Ministry of Finance may be used for increasing the fund’s charter capital provided that the fund’s charter capital shall not exceed the one prescribed in Point a Clause 1 Article 37 hereof.

4. Within 6 months from the effective date of this Decree, cooperative funds must request  competent authorities to decide lending interest rates and interest rates charged on overdue debts to be applied by the funds as prescribed in Clause 2 Article 25 hereof. Before these interest rates are set, cooperative funds may apply their own current interest rates.

5. With regard to cooperative funds established and operating before this Decree comes into force: Within 03 years from the effective date of this Decree, they must review and re-arrange:

a) Their business models;

b) Their organizational structure;

c) Ensure the minimum charter capital of a provincial cooperative fund as prescribed in Point b Clause 1 Article 37 and Point a Clause 2 Article 37 hereof;

d) Apply for certificate of registration of provincial cooperative fund at the provincial Department of Planning and Investment if the cooperative fund operates under the cooperative business model; request the provincial People's Committee to revise the establishment decision if the cooperative fund operates under the business model of a single-member limited liability company 100% of charter capital of which is held by the State.

6. Director and Deputy Director titles of the cooperative development assistance fund that are appointed under the Prime Minister’s Decision No. 246/2006/QD-TTg dated October 27, 2006 and the Prime Minister’s Decision No. 23/2017/QD-TTg dated June 22, 2017 are changed into General Director and Deputy Director titles as prescribed herein.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 59. Organizing implementation of this Decree

Ministers, heads of ministerial agencies, heads of Governmental agencies, Chairperson of Vietnam Cooperative Alliance, Chairperson of provincial People’s Committees, Chairpersons of provincial cooperative alliances, Chairpersons and Directors of cooperative funds, and relevant organizations and individuals are responsible for the implementation of this Decree./.

 

 

CERTIFIED BY

PP. MINISTER
DEPUTY MINISTER




Nguyen Duc Chi

 

1 This Circular is consolidated from the 02 following Decrees:

- Decree No. 45/2021/ND-CP dated March 31, 2021 of the Government of Vietnam on establishment, organization and operation of cooperative development assistance funds, which comes into force from May 15, 2021;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



This consolidated document does not replace 02 above-mentioned Decrees.

2 Decree No. 104/2022/ND-CP is promulgated pursuant to:

“The Law on Governmental Organization dated June 19, 2015; Law on amendments to the Law on Governmental Organization and the Law on Local Government Organization dated November 22, 2019;

Law on Residence dated November 13, 2020;

At the request of the Minister of Public Security;

The Government promulgates a Decree on amendments to Decrees on submission and presentation of household register booklets, temporary residence register booklets upon carrying out administrative procedures or providing public services.”

3 The phrase “number of family register (of household)” shall be annulled according to the regulations in Clause 3 Article 13 of Decree No. 104/2022/ND-CP, which comes into force from January 01, 2023.

4 The phrase “family register (of household)” shall be annulled according to the regulations in Clause 3 Article 13 of Decree No. 104/2022/ND-CP, which comes into force from January 01, 2023.

5 Article 15 of Decree No.104/2022/ND-CP, which comes into force from January 01, 2023, provides for:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Ministers, Heads of ministerial agencies, Heads of Governmental agencies, Presidents of the People's Committees of provinces and central-affiliated cities are responsible for implementation of this Decree and announce administrative procedures within their scope of authority.

2. This Decree takes effect from January 01, 2023.

3. From the effective date of this Decree, administrative procedures and public services requiring the submission and presentation of household register booklets and temporary residence register booklets shall be replaced by the use of information on residence as prescribed in Article 14 of this Decree./.”

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Integrated document No. 12/VBHN-BTC dated June 30, 2023 Decree on Establishment, organization and operation of cooperative development assistance funds

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


199

DMCA.com Protection Status
IP: 18.117.103.185
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!