BỘ VĂN
HOÁ, THỂ THAO
VÀ DU LỊCH
-------
|
CỘNG HÒA
XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------
|
Số:
04/2009/TT-BVHTTDL
|
Hà Nội,
ngày 16 tháng 12 năm 2009
|
THÔNG
TƯ
QUY
ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ QUY ĐỊNH TẠI QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG VĂN HOÁ VÀ KINH
DOANH DỊCH VỤ VĂN HOÁ CÔNG CỘNG BAN HÀNH KÈM THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 103/2009/NĐ-CP
NGÀY 06 THÁNG 11 NĂM 2009 CỦA CHÍNH PHỦ
Căn cứ Nghị định số 185/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của
Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn
hoá, Thể thao và Du lịch;
Căn cứ Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06
tháng 11 năm 2009 của Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động văn hoá và kinh
doanh dịch vụ văn hoá công cộng;
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết thi hành một số quy định tại
Quy chế hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng ban hành kèm
theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06
tháng 11 năm 2009 của Chính phủ.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Phạm vi điều chỉnh
1. Thông tư này quy
định chi tiết thi hành những nội dung sau đây của Quy chế hoạt động văn hoá và
kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP:
a) Quy định chung;
b) Quy định về lưu
hành, kinh doanh băng, đĩa ca nhạc sân khấu;
c) Quy định về tổ chức
lễ hội;
d) Quy định về hoạt
động vũ trường;
đ) Quy định về hoạt
động karaoke;
e) Quy định về hoạt
động trò chơi điện tử;
g) Quy định về biểu
diễn nghệ thuật quần chúng.
2. Các hoạt động sau
đây thực hiện theo văn bản của Bộ Văn hóa - Thông tin (cũ) và Bộ Văn hóa, Thể
thao và Du lịch quy định chi tiết riêng đối với từng lĩnh vực:
a) Biểu diễn nghệ
thuật chuyên nghiệp;
b) Thi hoa hậu, hoa
khôi, người đẹp;
c) Trình diễn thời
trang, người mẫu;
d) Triển lãm văn hóa
nghệ thuật;
đ) Xây dựng tượng
đài, tranh hoành tráng;
e) Sáng tác và triển
lãm tranh cổ động;
g) Sáng tác điêu
khắc;
h) Nhiếp ảnh;
i) Dạy nhạc, dạy
khiêu vũ ngoài các cơ sở đào tạo công lập;
k) Một số hoạt động
văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa khác.
Điều 2.
Giải thích từ ngữ
Một số từ ngữ quy
định tại Quy chế hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng ban
hành kèm theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP
(sau đây gọi là Quy chế) được hiểu như sau:
1. Các hoạt động
văn hoá, dịch vụ văn hoá và các hình thức vui chơi giải trí khác quy định
tại điểm a khoản 1 Điều 2 Quy chế
a) Các dịch vụ văn
hoá khác gồm: Thu âm (phòng thu nhạc và lời); ghi hình (quay camera); vẽ truyền
thần, vẽ tranh, sao chép tranh; làm tượng; sản xuất hàng mã; dạy khiêu vũ, dạy
nhạc.
b) Các hình thức vui
chơi giải trí khác gồm: Các trò chơi dân gian; biểu diễn nghệ thuật quần chúng
và các hình thức vui chơi giải trí có nội dung văn hoá.
c) Các hoạt động văn
hoá, dịch vụ văn hoá và các hình thức vui chơi giải trí khác chưa được qui định
tại các điểm a và b khoản này.
2. Các lễ hội
quy định tại khoản 1 Điều 17 Quy chế
a) Lễ hội dân gian là
lễ hội được tổ chức nhằm tôn vinh người có công với nước, với cộng đồng; thờ
cúng thần thánh, biểu tượng có tính truyền thống và các hoạt động tín ngưỡng
dân gian khác tiêu biểu cho những giá trị tốt đẹp về truyền thống lịch sử, văn
hoá, đạo đức xã hội.
b) Lễ hội lịch sử,
cách mạng là lễ hội được tổ chức nhằm tôn vinh những danh nhân, sự kiện lịch sử,
cách mạng.
c) Lễ hội văn hoá,
thể thao, du lịch là lễ hội được tổ chức để quảng bá về văn hoá, thể thao, du
lịch bao gồm các Festival, liên hoan văn hoá, thể thao, du lịch, tuần văn hoá,
thể thao, du lịch, tuần văn hoá - du lịch, tháng văn hoá - du lịch, năm văn hoá
- du lịch.
d) Lễ hội có nguồn
gốc từ nước ngoài tổ chức tại Việt Nam là lễ hội do tổ chức của Việt Nam hoặc
tổ chức nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam tổ chức nhằm giới thiệu
giá trị văn hoá tốt đẹp của nước ngoài với công chúng Việt Nam.
3. Khiêu vũ
quy định tại các Điều 24 và 27 Quy chế là môn nghệ thuật
được thể hiện bằng những điệu nhảy, có sự phối hợp các động tác của tay, chân
và cơ thể theo nhịp điệu âm nhạc được thực hiện bởi những đôi nam, nữ hoặc tập
thể nam, nữ nhằm mục đích giải trí, giao lưu tình cảm, thẩm mỹ.
4. Cơ quan hành
chính nhà nước quy định tại khoản 1 Điều 24 và khoản 4 Điều
30 Quy chế bao gồm cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức
chính trị - xã hội các cấp, doanh trại Công an, Quân đội; các tổ chức quốc tế,
Đại sứ quán, Lãnh sự quán các nước.
5. Trường học
quy định tại khoản 1 Điều 24 và khoản 4 Điều 30 Quy chế bao
gồm các trường mẫu giáo, trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ
sở, trường trung học phổ thông trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Điều 3.
Quy định cấm trong hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng
1. Các hoạt động văn
hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá có nội dung kích động bạo lực, truyền bá các
hành vi tội ác quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 Quy chế là
những hoạt động trong đó có hình ảnh, ngôn ngữ, âm thanh, hành động miêu tả
cảnh đánh đập, tra tấn, giết người dã man, tàn bạo và những hành vi khác xúc
phạm đến nhân phẩm con người, trái với truyền thống yêu hoà bình và nhân ái của
dân tộc Việt Nam, không nhằm tố cáo tội ác, không nhằm đề cao chính nghĩa, bao
gồm:
a) Mô tả cảnh đầu
rơi, máu chảy, cắt, chặt bộ phận cơ thể con người;
b) Mô tả cảnh đâm
chém, đấm đá, đánh đập tàn bạo;
c) Mô tả cảnh rùng
rợn, kinh dị, quằn quại, đau đớn của con người;
d) Mô tả cảnh thoả
mãn, khoái trá của kẻ gây tội ác;
đ) Mô tả các hành
động tội ác khác.
2. Các hoạt động văn
hoá và dịch vụ văn hoá có nội dung thể hiện lối sống dâm ô đồi truỵ quy định tại
điểm b khoản 1 Điều 3 Quy chế là những hoạt động có hình
ảnh, ngôn ngữ, âm thanh, hành động khêu gợi, kích thích dâm ô, truỵ lạc, vô
luân, loạn luân trái với truyền thống đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc
Việt Nam, bao gồm:
a) Mô tả bộ phận sinh
dục, hành động tình dục giữa người với người, giữa người với súc vật, hành động
thủ dâm dưới mọi hình thức;
b) Mô tả khoả thân, hoặc
không khoả thân nhưng kích thích tình dục;
c) Mô tả nhu cầu tình
dục.
3. Trường hợp trên
các sản phẩm văn hoá, trong các hoạt động văn hoá có những nội dung quy định
tại khoản 2 Điều này để làm rõ tính cách nhân vật phải phù hợp với chủ đề của
tác phẩm hoặc hoạt động cụ thể.
4. Hoạt động văn hoá
và dịch vụ văn hoá có nội dung mê tín dị đoan quy định tại điểm
b khoản 1 Điều 3 Quy chế là những hoạt động có nội dung làm mê hoặc người
khác, trái với tự nhiên, gây tác động xấu về nhận thức, bao gồm: Cúng khấn trừ
tà ma, chữa bệnh bằng phù phép, lên đồng phán truyền, xem bói, xin xăm, xóc
thẻ, truyền bá sấm trạng, phù chú, cầu lợi cho mình gây hại cho người khác bằng
cách yểm bùa, đốt đồ mã ở nơi công cộng và các hình thức mê tín dị đoan khác.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Thẩm
quyền, thủ tục cấp giấy phép lưu hành và cấp nhãn kiểm soát băng, đĩa ca nhạc,
sân khấu
1. Băng, đĩa ca nhạc,
sân khấu lưu hành rộng rãi quy định tại khoản 1 Điều 5 Quy chế là
băng, đĩa lưu hành với số lượng từ 50 bản trở lên.
2. Tổ chức, cá nhân
được cấp giấy phép lưu hành băng, đĩa ca nhạc, sân khấu quy định tại điểm c khoản 2 Điều 5 Quy chế phải nộp lưu chiểu 02 bản băng,
đĩa có nội dung được cấp giấy phép lưu hành ngay khi nhận giấy phép.
3. Cục
trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) cấp giấy phép
lưu hành, cấp nhãn kiểm soát băng, đĩa ca nhạc, sân khấu quy định tại điểm
a khoản 2, khoản 4 Điều 5 Quy chế và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
4. Nguồn gốc băng,
đĩa ca nhạc, sân khấu quy định tại điểm a khoản 3 Điều 5 Quy
chế cần ghi rõ là đầu tư sản xuất, mua lại của chủ sở hữu trong nước hoặc
nhập khẩu từ nước ngoài.
5. Sau khi hết thời
hạn lưu chiểu băng, đĩa quy định tại điểm c khoản 2 Điều 5 Quy
chế, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức thanh lý và báo cáo Bộ
trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du
lịch tổ chức thanh lý và báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương.
Điều 5.
Biểu diễn nghệ thuật quần chúng
1. Cơ quan, tổ chức,
cá nhân tổ chức biểu diễn nghệ thuật quần chúng (sau đây gọi là người tổ chức
biểu diễn nghệ thuật quần chúng) không phải xin cấp giấy phép biểu diễn nhưng
phải tuân theo các quy định tại các khoản 2 và 3 Điều 9, các điểm
a, c và e khoản 2 Điều 10 Quy chế và các quy định cụ thể sau:
a) Biểu diễn nghệ
thuật quần chúng trong khu dân cư, trong nội bộ cơ quan, tổ chức nhằm mục đích
phục vụ nhiệm vụ chính trị hoặc đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá, văn nghệ ở
cơ sở do người tổ chức biểu diễn chịu trách nhiệm;
b) Khi tổ chức biểu
diễn nghệ thuật quần chúng ngoài phạm vi nội bộ cơ quan, tổ chức thì người tổ
chức biểu diễn phải có văn bản thông báo với Phòng Văn hoá và Thông tin nơi
biểu diễn ít nhất 07 ngày trước ngày biểu diễn. Nội dung thông báo ghi rõ: Mục
đích, phạm vi, nội dung chương trình, thời gian, địa điểm biểu diễn;
c) Cơ quan, tổ chức
Việt Nam khi phối hợp với cơ quan, tổ chức nước ngoài hoạt động tại Việt Nam tổ
chức biểu diễn nghệ thuật quần chúng phải có văn bản thông báo với Sở Văn hoá,
Thể thao và Du lịch nơi biểu diễn ít nhất 10 ngày trước ngày biểu diễn. Nội
dung thông báo như quy định tại điểm b khoản này;
d) Cơ quan, tổ chức
nước ngoài hoạt động tại Việt Nam khi tổ chức biểu diễn nghệ thuật quần chúng
ngoài phạm vi nội bộ phải phối hợp với cơ quan, tổ chức có chức năng hoạt động
văn hoá - nghệ thuật của Việt Nam và cơ quan, tổ chức Việt Nam phối hợp tổ chức
phải có văn bản thông báo với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch nơi biểu diễn như
quy định tại điểm c khoản này.
2. Liên hoan nghệ
thuật quần chúng
a) Liên hoan nghệ
thuật quần chúng có sự tham gia của các ngành, giới theo các cấp hành chính ở
địa phương do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp quyết định và thành lập Ban tổ
chức;
b) Liên hoan nghệ
thuật quần chúng khu vực (có sự tham gia của nhiều tỉnh) do Chủ tịch Uỷ ban
nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đăng cai quyết định và thành
lập Ban tổ chức;
c) Liên hoan nghệ
thuật quần chúng toàn quốc do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức, Bộ
trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quyết định thành lập Ban tổ chức;
d) Liên hoan nghệ
thuật quần chúng trong các ngành, đoàn thể theo các cấp hành chính do người
đứng đầu ngành, đoàn thể cấp hành chính đó quyết định và thành lập Ban tổ chức.
Quyết định thành lập Ban tổ chức và kế hoạch tổ chức phải gửi đến cơ quan quản
lý nhà nước về văn hoá, thể thao và du lịch cùng cấp ít nhất là 15 ngày trước
khi diễn ra cuộc liên hoan.
đ) Liên hoan nghệ
thuật quần chúng có mời đoàn nghệ thuật quần chúng nước ngoài tham gia, đơn vị
chủ trì tổ chức phải có văn bản thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước về văn
hoá, thể thao và du lịch cùng cấp. Nội dung thông báo ghi rõ: Đối tác mời, mục
đích, phạm vi, chương trình, thời gian, địa điểm biểu diễn. Trường hợp không
xác định rõ cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch cùng cấp
thì gửi văn bản thông báo đến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nơi tổ chức liên
hoan.
3. Tổ chức, hoạt động
của đoàn nghệ thuật quần chúng
a) Đoàn nghệ thuật
quần chúng thành lập theo các quy định của pháp luật;
b) Đoàn nghệ thuật
quần chúng đi biểu diễn ở địa phương khác phải có văn bản thông báo cho Phòng
Văn hoá và Thông tin nơi đoàn đến biểu diễn ít nhất 10 ngày trước ngày biểu
diễn. Nội dung thông báo ghi rõ: Nội dung chương trình, thời gian, địa điểm
biểu diễn; biểu diễn giao lưu hay bán vé; người chịu trách nhiệm tổ chức và kèm
theo bản sao giấy phép công diễn đối với trường hợp bán vé quy định tại điểm c khoản
này;
c) Đoàn nghệ thuật
quần chúng biểu diễn có bán vé thu tiền xem biểu diễn phải được Sở Văn hoá, Thể
thao và Du lịch nơi biểu diễn duyệt nội dung và cấp giấy phép như quy định đối
với biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp.
Điều 6.
Thủ tục đăng ký tổ chức biểu diễn nghệ thuật tại các cơ sở lưu trú du lịch, nhà
hàng ăn uống, giải khát
Cơ sở lưu trú du
lịch, nhà hàng ăn uống, giải khát tổ chức cho đoàn nghệ thuật, nghệ sĩ nước
ngoài biểu diễn tại cơ sở của mình, không bán vé thu tiền xem biểu diễn quy
định tại khoản 2 Điều 8 Quy chế thực hiện thủ tục đăng ký
với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch sở tại như sau:
1. Ít nhất 10 ngày
trước ngày tổ chức biểu diễn, người tổ chức biểu diễn phải gửi văn bản đăng ký
đến Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
2. Văn bản đăng ký
phải ghi rõ: Tên chương trình, vở diễn; nội dung chương trình, vở diễn; danh
sách tác giả, đạo diễn, biên đạo, nhạc sĩ, hoạ sĩ, diễn viên; thời gian, địa điểm
biểu diễn (mẫu số 1 ban hành kèm theo Thông tư này).
3. Sở Văn hoá, Thể
thao và Du lịch tiếp nhận bản đăng ký biểu diễn phải ghi vào sổ và cấp cho
người đăng ký Giấy tiếp nhận đăng ký biểu diễn (mẫu số 2 ban hành kèm theo Thông tư này).
Điều 7.
Quy định về báo cáo bằng văn bản khi tổ chức lễ hội
Việc báo cáo bằng văn
bản với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các lễ hội khi tổ chức không
phải xin phép quy định tại Điều 19 Quy chế được thực hiện
như sau:
1. Trước ngày tổ chức
lễ hội ít nhất 30 ngày, cơ quan tổ chức lễ hội gửi văn bản báo cáo đến cơ quan
có thẩm quyền:
a) Gửi đến Phòng Văn
hoá và Thông tin đối với lễ hội do cấp xã tổ chức;
b) Gửi đến Sở Văn
hoá, Thể thao và Du lịch đối với lễ hội do cấp huyện tổ chức;
2. Nội dung báo báo
ghi rõ: Thời gian, địa điểm, nội dung, chương trình, kịch bản lễ hội (nếu có); quyết
định thành lập và danh sách Ban Tổ chức lễ hội.
3. Cơ quan có thẩm
quyền về văn hoá, thể thao và du lịch sau khi nhận được văn bản báo cáo có
trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn kiểm tra việc thực hiện.
Điều 8. Nếp
sống văn minh trong lễ hội
Người đến dự lễ hội
phải thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội quy định tại Điều
21 Quy chế như sau:
1. Thực hiện đúng các
quy định của Ban tổ chức đối với người đến dự lễ hội;
2. Ăn mặc đảm bảo
thuần phong mỹ tục dân tộc;
3. Không thực hiện
các hoạt động mê tín dị đoan; không tổ chức hoặc tham gia đánh bạc dưới mọi
hình thức;
4. Không gây mất trật
tự, an ninh; không làm cản trở giao thông và các hoạt động công cộng;
5. Giữ gìn vệ sinh
môi trường lễ hội và thực hiện đúng những quy định của Ban Tổ chức lễ hội và
Ban Quản lý di tích đối với những nơi có di tích.
Điều 9.
Viết, đặt biển hiệu
Tên cơ quan chủ quản
trực tiếp viết trên biển hiệu quy định tại điểm a khoản 3 Điều
23 Quy chế là cơ quan cấp trên trực tiếp quyết định về tổ chức, nhân sự,
ngân sách hoặc giải quyết các chế độ, chính sách cho cơ quan, tổ chức viết, đặt
biển hiệu, như Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch là cơ quan chủ quản trực tiếp
của Báo Văn hoá; Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội là cơ quan chủ quản trực tiếp
của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội; Đại học Quốc gia Hà Nội là cơ quan chủ quản
trực tiếp của Đại học Khoa học xã hội và nhân văn; Tổng công ty X là cơ quan
chủ quản trực tiếp của Công ty Y.
Cơ quan quản lý nhà
nước không phải là cơ quan chủ quản trực tiếp của văn phòng luật sư, của doanh
nghiệp tư nhân hoặc một số loại hình công ty khác.
Điều 10. Điều
kiện kinh doanh và hoạt động kinh doanh vũ trường
1. Nhà văn hoá, trung
tâm văn hoá đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vũ trường phải là pháp nhân theo
quy định tại Điều 84 Bộ luật Dân sự năm 2005.
2. Khoảng cách từ 200
m trở lên quy định tại khoản 1 Điều 24 Quy chế đo theo đường
giao thông từ cửa phòng khiêu vũ đến cổng trường học, bệnh viện, cơ sở tôn
giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử - văn hóa, cơ quan hành chính nhà nước. Khoảng
cách đó chỉ áp dụng trong các trường hợp trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo,
tín ngưỡng, di tích lịch sử - văn hóa, cơ quan hành chính nhà nước có trước,
chủ địa điểm kinh doanh đăng ký kinh doanh hoặc đề nghị cấp Giấy phép kinh
doanh sau.
3. Người điều
hành trực tiếp tại phòng khiêu vũ phải có trình độ trung cấp chuyên ngành văn
hóa - nghệ thuật trở lên quy định tại khoản 2 Điều
24 Quy chế bao gồm các ngành nghệ
thuật biểu diễn, mỹ thuật, điện ảnh, văn hóa quần chúng, quản lý văn hóa.
4. Âm thanh vang ra
ngoài phòng khiêu vũ không vượt quá quy định của Nhà nước về tiêu chuẩn mức ồn
tối đa cho phép quy định tại khoản 3 Điều 27 Quy chế được
đo tại phía ngoài cửa sổ và cửa ra vào phòng khiêu vũ.
Điều 11.
Phạm vi kinh doanh vũ trường
Phạm vi kinh doanh vũ
trường quy định tại Điều 26 Quy chế được hiểu là chỉ được
kinh doanh tại các cơ sở có đủ điều kiện quy định tại Điều 24
và khoản 1 Điều 25 Quy chế. Tổ chức, cá nhân tổ chức cho khách khiêu vũ
hoặc để cho khách khiêu vũ nhằm mục đích kinh doanh ngoài các cơ sở đó đều bị
coi là vi phạm quy định tại Điều 26 Quy chế.
Điều 12. Điều
kiện kinh doanh và hoạt động kinh doanh karaoke
1. Cơ sở lưu trú du
lịch đã được xếp hạng sao hoặc hạng cao cấp khi kinh doanh karaoke không phải
xin giấy phép kinh doanh theo quy định tại khoản 3 Điều 66 của Luật
Du lịch ngày 14 tháng 6 năm 2005 nhưng phải có đủ điều kiện quy định tại
các khoản 1, 2, 3, 4 và 6 Điều 30 Quy chế;
2. Cửa phòng karaoke
quy định tại khoản 2 Điều 30 Quy chế phải là cửa kính không
màu; nếu có khung thì không được quá hai khung dọc và ba khung ngang; diện tích
khung không quá 15% diện tích cửa.
3. Khoảng cách từ 200
m trở lên quy định tại khoản 4 Điều 30 Quy chế áp dụng như
quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư này;
4. Địa điểm
kinh doanh karaoke trong khu dân cư phải được sự đồng ý bằng văn bản của các hộ
liền kề quy định tại khoản 5 Điều 30 Quy
chế được thực hiện như sau:
a) Hộ liền kề là hộ
có tường nhà ở liền kề với tường phòng hát karaoke hoặc đất liền kề mà tường
nhà ở cách tường phòng hát karaoke dưới 5m;
b) Hộ liền kề có
quyền đồng ý cho người kinh doanh karaoke trong trường hợp hộ liền kề đã ở từ
trước, người kinh doanh xin Giấy phép kinh doanh sau.
Trường hợp người kinh
doanh đã được cấp Giấy phép kinh doanh trước, hộ liền kề xây dựng nhà ở sau
hoặc được quyền đến ở sau khi người kinh doanh đã được cấp Giấy phép kinh doanh
thì hộ liền kề không có quyền quy định tại khoản 5 Điều 30 Quy
chế;
c) Văn bản đồng ý của
hộ liền kề phải có xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn sở tại, do
người xin Giấy phép kinh doanh nộp trong hồ sơ xin cấp giấy phép và có giá trị
trong suốt thời hạn người kinh doanh được quyền kinh doanh quy định trong giấy
phép;
d) Trường hợp hộ liền
kề không có văn bản đồng ý nhưng cũng không phản đối thì được coi là không có ý
kiến và phải có văn bản xác định hộ liền kề không có ý kiến. Văn bản xác định
hộ liền kề không có ý kiến được hiểu là hộ liền kề không sử dụng quyền quy định
tại khoản 5 Điều 30 Quy chế.
5. Âm thanh vang ra
ngoài phòng karaoke không vượt quá quy định của Nhà nước về tiêu chuẩn mức ồn
tối đa cho phép quy định tại khoản 2 Điều 32 Quy chế được
đo tại phía ngoài cửa sổ và cửa ra vào phòng karaoke.
6. Nhà hàng karaoke
có nhiều phòng thì phải đánh số thứ tự hoặc đặt tên cho từng phòng.
7. Cơ sở kinh doanh
dịch vụ tổ chức hoạt động karaoke tại nơi kinh doanh để đáp ứng nhu cầu của
nhân viên thuộc cơ sở mình quy định tại khoản 2 Điều 33 Quy chế,
phải riêng biệt với khu vực kinh doanh và không được để cho khách vào hát
karaoke tại nơi dành cho nhân viên thuộc cơ sở mình.
Cơ sở kinh doanh dịch
vụ tổ chức hoạt động karaoke tại nơi kinh doanh để đáp ứng nhu cầu của khách dù
không thu riêng tiền dịch vụ karaoke mà chỉ thu tiền ăn, uống hoặc dịch vụ khác
tại phòng hát karaoke cũng phải có đủ điều kiện kinh doanh karaoke quy định tại
Điều 30 và phải được cấp giấy phép theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Quy chế.
Điều 13.
Hồ sơ và thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh vũ trường, karaoke
Hồ sơ và thủ tục xin
cấp giáy phép kinh doanh vũ trường, karaoke quy định tại khoản
2 Điều 25 và khoản 2 Điều 31 Quy chế thực hiện như sau:
1. Người
xin cấp giấy phép kinh doanh vũ trường nộp hồ sơ xin cấp giấy phép tại Sở Văn
hoá, Thể thao và Du lịch; xin cấp giấy phép kinh doanh karaoke nộp hồ sơ xin cấp
giấy phép tại Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch hoặc cơ quan cấp giấy phép kinh
doanh cấp huyện theo phân cấp của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương.
2. Hồ sơ
xin phép gồm:
a) Đơn đề nghị cấp
giấy phép kinh doanh (mẫu số 3 và mẫu số 5 ban hành kèm theo Thông tư này);
b) Bản sao giấy chứng
nhận đăng ký kinh doanh có giá trị pháp lý;
c) Hợp đồng giữa
người xin giấy phép kinh doanh với người điều hành hoạt động trực tiếp tại
phòng khiêu vũ, kèm theo bản sao có giá trị pháp lý văn bằng của người điều
hành (đối với kinh doanh vũ trường);
d) Văn bản đồng ý của
các hộ liền kề hoặc văn bản xác định hộ liền kề không có ý kiến (đối với kinh
doanh karaoke).
3. Cơ quan
cấp giấy phép kinh doanh có trách nhiệm kiểm tra điều kiện thực tế của người
xin giấy phép kinh doanh và đối chiếu với quy hoạch để cấp giấy phép (mẫu số 4
và mẫu số 6 ban hành kèm theo Thông tư này).
Điều 14. Điều
kiện kinh doanh và hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử
1. Hoạt động trò chơi
điện tử quy định tại Quy chế bao gồm cả trò chơi trực tuyến (online games) và
trò chơi sử dụng các máy không kết nối với mạng Internet; không bao gồm trò
chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài.
2. Khoảng cách từ
200m trở lên quy định tại điểm a khoản 1 Điều 35 Quy chế tính từ cửa hàng trò
chơi điện tử đến cổng các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ
thông.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 15.
Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có
hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2010.
2. Bãi bỏ các văn bản
sau đây:
a) Quyết định số
165/VH-QĐ ngày 18 tháng 8 năm 1987 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá ban hành Quy chế
Hội diễn nghệ thuật quần chúng;
b) Thông tư số 05/TT-PC ngày 08 tháng 01 năm 1996 hướng dẫn
thực hiện Quy chế “Lưu hành, kinh doanh phim, băng đĩa hình, băng đĩa nhạc;
bán, cho thuê xuất bản phẩm; hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá nơi công
cộng; quảng cáo, viết, đặt biển hiệu” ban hành kèm theo Nghị định số 87/CP ngày 12 tháng 12 năm 1995 của Chính phủ;
c) Thông tư số 35/2002/TT-BVHTT ngày 20 tháng 12 năm 2002 của
Bộ Văn hoá - Thông tin hướng dẫn bổ sung một số quy định về hoạt động văn hoá
và dịch vụ văn hoá nơi công cộng tại Quy chế ban hành kèm theo Nghị định 87/CP ngày 12 tháng 12 năm 1995 của Chính phủ;
d) Thông tư số 69/2006/TT-BVHTT ngày 28 tháng 8 năm 2006 của Bộ
Văn hoá - Thông tin hướng dẫn thực hiện một số quy định về kinh doanh vũ
trường, karaoke, trò chơi điện tử quy định tại Quy chế hoạt động văn hoá và
kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng ban hành kèm theo Nghị định 11/2006/NĐ-CP ngày 18 tháng 01 năm 2006 của
Chính phủ.
3. Các quy định do Bộ
Văn hoá - Thông tin, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ban hành trước đây
không thuộc các văn bản quy định tại khoản 2 Điều này có nội dung trái với các
quy định tại Thông tư này đều bị bãi bỏ.
4. Trong quá trình
thực hiện nếu có vấn đề phát sinh, vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân cần
phản ánh kịp thời về Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch để xem xét, bổ sung, sửa
đổi./.
Nơi nhận:
-
Thủ tướng Chính phủ;
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng TW Đảng và các Ban của Đảng;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Toà án nhân dân tối cao;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Các Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch;
- Công báo, Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ;
- Lưu: VT, PC, AT (200).
|
BỘ
TRƯỞNG
Hoàng Tuấn Anh
|