BAN CHẤP HÀNH
TRUNG ƯƠNG
********
|
ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT
NAM
***********
|
SỐ 29/CT-TW
|
Hà Nội, ngày 26
tháng 12 năm 1977
|
CHỈ THỊ
VỀ CHÍNH SÁCH ĐƯỢC ÁP DỤNG Ở CÁC HỢP TÁC XÃ THÍ ĐIỂM Ở MIỀN
NAM
Trong khi chờ đợi có sự điều tra
nghiên cứu chu đáo thêm và rút kinh nghiệm thực tế để xây dựng chính sách hoàn
chỉnh trình Bộ Chính trị quyết định, cần thực hiện tốt một số chính sách sau
đây ở các hợp tác xã thí điểm:
1. Kết nạp xã
viên
- Tất cả nam nữ nông dân lao động
và lao động khác ở nông thôn, từ 16 tuổi trở lên, không phân biệt dân tộc, tôn
giáo, trước đây thuộc thành phần giai cấp nào, người địa phương hoặc người nơi
khác đến, nếu công nhận điều lệ hợp tác xã và tự nguyện gia nhập hợp tác xã, đều
được kết nạp làm xã viên. Hợp tác xã không vì quá khứ mà phân biệt đối xử với mọi
người lao động ở nông thôn đã có đủ quyền công dân.
- Chú ý kết nạp ngay từ đầu những
người neo đơn, những người buôn bán nhỏ, thợ thủ công, những người lao động từ
thành phố trở về lao động sản xuất nông nghiệp.
- Phú nông, tư sản ở nông thôn
và địa chủ, sau khi đã bỏ bóc lột và trực tiếp lao động nông nghiệp thì có thể
được xét để kết nạp làm xã viên ở hợp tác xã thí điểm nếu họ là người công dân
tốt, lao động tốt; song không đưa họ vào các chức vụ lãnh đạo, quản lý hợp tác
xã.
- Những người chưa được trả quyền
công dân thì không được kết nạp làm xã viên nhưng được lao động sản xuất trong
hợp tác xã và được trả công như các xã viên; vợ con họ nếu đủ điều kiện nói
trên vẫn được kết nạp làm xã viên hợp tác xã.
2. Kết nạp xã
viên phải rộng rãi, song bố trí cốt cán, cán bộ phải chặt chẽ.
Phải lựa chọn để đưa vào bộ máy
chỉ đạo và quản lý hợp tác xã những nông dân lao động ưu tú, gồm những người đã
tham gia kháng chiến hoặc tích cực hoạt động trong phong trào cách mạng từ khi
giải phóng đến nay, được quần chúng yêu mến tin cậy và chấp hành đúng chủ
trương chính sách của Đảng và Chính phủ, chăm lo đến lợi ích quần chúng, có
kinh nghiệm sản xuất và khả năng quản lý kinh tế.
3. Tập thể hoá
tư liệu sản xuất.
a) Tập thể hoá toàn bộ ruộng đất
của xã viên, trừ vườn cây, ao cá lẻ tẻ và đất để lại cho gia đình. Xã viên
không được tự tiện khai phá ruộng đất, thuê mượn ruộng đất, thuê mượn nhân công
để sản xuất riêng.
Đất để lại cho gia đình xã viên bao
gồm đất ở và đất vườn của từng hộ. Ở những vùng dân cư cũ, có những hộ có vườn
cây, ao cá tương đối rộng, hợp tác xã vẫn để cho họ chăm sóc hưởng lợi, nhưng họ
phải đóng thuế và bán đại bộ phận sản phẩm hàng hoá cho Nhà nước. Ở những nơi
thành lập vùng dân cư mới, từ nay trở đi, cấp tỉnh và huyện cần quy định mức đất
tối đa để lại cho từng hộ, ở đồng bằng có thể vào khoảng 500 m2, ở vùng đồi núi
có thể vào khoảng 1.000 m2. Nếu để rộng quá sẽ làm ảnh hưởng không tốt đến việc
tập trung sức lao động và phân bón cho sản xuất tập thể; nếu để hẹp quá sẽ hạn
chế việc phát triển chăn nuôi và sử dụng lao động nhàn rỗi của gia đình.
Tuỳ tình hình cụ thể từng nơi và
dựa vào sự bàn bạc thoả thuận của xã viên mà hợp tác xã có thể không trả hoa lợi
ruộng đất hoặc còn trả một phần hoa lợi ruộng đất. Ở những nơi ruộng đất vốn là
của công, ruộng đất chia cho tập thể hoặc do tập thể phục hoá, khai hoang và ở
những nơi bình quân diện tích giữa các hộ không chênh lệch nhau nhiều, hợp tác
xã có thể không trả hoa lợi ruộng đất mà thực hiện ngay việc phân phối theo lao
động, song phải được xã viên đồng tình và phải chú ý bảo đảm đời sống bình thường
cho các hộ neo đơn, thiếu sức lao động. Ở những nơi có sự chênh lệch nhau nhiều
về ruộng đất giữa các nông hộ, nên duy trì việc trả hoa lợi ruộng đất trong một
số năm nhằm bảo đảm một phần thu nhập, đời sống cho các hộ neo đơn, thiếu sức
lao động, và bảo đảm cho các hộ trung nông khá có thu nhập bình thường trong
khi sản xuất của hợp tác xã chưa phát triển mạnh. Mức trả hoa lợi ruộng đất nên
vào khoảng 10 đến 15%, nơi cao nhất cũng không quá 20% sản lượng tính thuế nông
nghiệp lúc tổ chức hợp tác xã.
- Đối với những diện tích của xã
viên chuyện trồng cây ăn trái, cây lâu năm có quy mô lớn hoặc liền khoảnh, liền
vùng trên phạm vi rộng, nếu hợp tác xã đã có đủ sức quản lý kinh doanh tốt và
xã viên thực sự tự giác tự nguyện, thì hợp tác xã có thể tập thể hoá bằng cách
mua lại hoặc trả hoa lợi cho xã viên để kinh doanh chung. Giá mua hoặc mức trả
hoa lợi cần được quy định thoả đáng và được người chủ vườn cây thoả thuận, vừa
có lợi cho hợp tác xã, vừa khuyến khích được xã viên tiếp tục chăm sóc tốt vườn
cây.
- Đối với ruộng đất dùng vào việc
thờ cúng để lại cho nhà chung, nhà chùa, thánh thất, họ tộc, nếu người sử dụng
tự nguyện đưa vào hợp tác xã quản lý, thì hợp tác xã trả hoa lợi ruộng đất một
cách thoả đáng tuỳ theo sự thoả thuận của đôi bên.
- Đối với ruộng đất xâm canh của
nông dân lao động thì tuỳ tình hình cụ thể mà giải quyết bằng nhiều cách như: kết
nạp chủ ruộng vào hợp tác xã, hợp tác xã trả hoa lợi ruộng đất, đổi ruộng khác,
hoặc mua lại v.v...
b) Đối với các loại máy:
Tuỳ tình hình cụ thể mà hợp tác
xã, xã hoặc huyện trực tiếp thống nhất quản lý sử dụng các loại máy lớn như máy
kéo, máy bơm, máy xát, máy chế biến, phương tiện vận chuyển lớn và tương đối lớn...
Hợp tác xã nông nghiệp có thể tập thể hoá nhưng may còn có khả năng sử dụng tốt
để thành lập đội máy chuyên của hợp tác xã. Chính quyền xã và hợp tác xã có thể
hướng dẫn các chủ máy tổ chức thành tổ máy tập thể hoạt động theo sự quản lý của
chính quyền cơ sở và của hợp tác xã nông nghiệp. Huyện có thể vận động các chủ
máy thành lập đội máy tập thể chịu sự quản lý thống nhất của huyện; cũng có thể
mua lại những máy còn tốt và tương đối tốt của các chủ tự giác tự nguyện bán
cho Nhà nước để bổ sung cho các trạm máy quốc doanh. Các hợp tác xã nông nghiệp
có thể mua lại máy của cá nhân và trả tiền dần trong một số năm, hoặc có thể
quy máy thành cổ phần góp vào tập thể và hàng năm phân phối thu nhập một phần
theo cổ phần, một phần theo lao động; mặt khác cần thu hút các chủ máy vào tổ
chức và phát huy được tay nghề của họ nhằm sử dụng và bảo quản tốt máy móc.
Hợp tác xã có thể tập thể hoá những
máy nhỏ như máy xới, máy bơm, máy chế biến, máy tuốt, xe vận chuyển cỡ nhỏ còn
có chất lượng tốt, song phải được chủ máy thực sự tự nguyện. Không tập thể hoá
những máy nhỏ sử dụng trong sinh hoạt như các loại phương tiện đi lại nhỏ; nếu
xã viên thực sự tự nguyện, hợp tác xã cũng có thể thống nhất quản lý sử dụng để
vừa có lợi cho sản xuất, và bảo đảm sinh hoạt của gia đình xã viên.
Trong việc định giá máy, cần nắm
vững và vận dụng linh hoạt giá nguyên thuỷ, giá chỉ đạo của Nhà nước và giá thị
trường để tính toán giá trị còn lại của máy và thông qua thực sự bàn bạc dân chủ
với người có máy mà định giá mua máy, tập thể hoá máy cho chính xác, thoả đáng.
Sau khi tập thể hoá máy, hợp tác xã có thể khoán cho cá nhân vốn có máy chăm
sóc, bảo quản và sử dụng máy cho đến lúc phải sửa chữa lớn; ai giữ được máy tốt
vượt tiêu chuẩn cần được thưởng thoả đáng, ai giữ không tốt, để mất mát, hư hỏng
phải bị xử phạt theo chế độ.
c) Đối với trâu bò:
Lúc đầu hợp tác xã tập thể hoá
trâu bò cày kéo. Ở nơi có nhiều trâu bò cày kéo, chỉ tập thể hoá đủ mức sử dụng
trong hợp tác xã. Hợp tác xã căn cứ vào giá thị trường trung bình ở địa phương
đồng thời bàn bạc dân chủ với người chủ trâu, bò mà định giá trâu bò cho thoả
đáng và định rõ thời gian trả đủ tiền mua trâu bò cho chủ hộ. Trâu bò cày kéo tập
thể hoá có thể khoán cho gia đình vốn có trâu bò chăm sóc, sử dụng. Người chăm
sóc bê nghé do trâu bò của hợp tác xã đẻ ra được hưởng 80-100% tiền định giá bê
nghé sau một năm tuổi.
Ở những nơi có điều kiện phát
triển chăn nuôi trâu bò đàn, hợp tác xã cần tiến tới tập thể hoá trâu bò để
phát triển chăn nuôi tập thể về trâu bò sinh sản, trâu bò thịt và trâu bò sữa;
song cần để lại cho mỗi hộ xã viên nuôi riêng một vài con.
4. Về cổ phần.
Xã viên cần đóng cho hợp tác xã
hai loại cổ phần: cổ phần sản xuất và cổ phần tập thể hoá tư liệu sản xuất.
Cổ phần sản xuất tính theo một vụ
sản xuất và có thể đóng bằng tiền hoặc bằng hiện vật. Ở những hợp tác xã còn trả
hoa lợi ruộng đất, cổ phần đóng theo đầu mẫu. Ở những hợp tác xã không còn trả
hoa lợi ruộng đất, cổ phần đóng theo đầu lao động.
Cổ phần tập thể hoá tư liệu sản
xuất đóng theo đầu lao động. Hợp tác xã lấy tổng số tiền phải trả cho xã viên để
mua lại máy, trâu bò chia đều cho tổng số xã viên để định mức cổ phần tập thể
hoá tư liệu sản xuất.
Để trả tiền mua tư liệu sản xuất
cho xã viên được thoả đáng, đồng thời bảo đảm mức cổ phần phù hợp với khả năng
đóng góp của số đông xã viên, ở những nơi giá trị tư liệu sản xuất tập thể hoá
quá lớn và khả năng đóng góp của xã viên có hạn, hợp tác xã có thể vay vốn ngân
hàng, coi như vay mua sắm tư liệu sản xuất. Đối với đồng bào còn du canh du cư ở
miền núi, có thể gắn với chính sách định canh, định cư và chính sách khai hoang
của Nhà nước để giải quyết vốn ban đầu cho hợp tác xã và đề nghị cổ phần cho xã
viên được sát hợp.
5. Về phân phối
trong hợp tác xã
Thực hiện thống nhất kinh doanh,
thống nhất phân phối trong toàn hợp tác xã.
Sau khi làm tròn nghĩa vụ đóng
thuế cho Nhà nước, bù đắp đủ chi phí sản xuất, bảo đảm tích lũy tái sản xuất mở
rộng và phúc lợi tập thể thoả đáng, hợp tác xã phân phối thu nhập cho xã viên
chủ yếu theo nguyên tắc phân phối theo lao động, một phần theo ruộng đất (nếu
còn trả hoa lợi ruộng đất) đồng thời tăng cường đoàn kết tương trợ bảo đảm đời
sống của những gia đình neo đơn, những người già cả, mất sức lao động.
Cần dựa trên cơ sở tăng nhanh sản
xuất và phân phối công bằng, hợp lý, đồng thời kết hợp chặt chẽ việc phân phối
trong hợp tác xã với việc đưa việc tiêu thụ nông sản phẩm vào thị trường có tổ
chức, để bảo đảm cho đại bộ phận xã viên, kể cả xã viên vốn là lao động làm
thuê và trung nông, sớm có mức thu nhập và đời sống vật chất văn hoá cao hơn
khi còn làm ăn cá thể, mặt khác bảo đảm không ngừng tăng tích lũy của hợp tác
xã và tăng phần đóng góp cho Nhà nước.
Đối với các xã viên nghèo, nhất
là xã viên vốn là lao động làm thuê, đời sống trước mắt có nhiều khó khăn, cần
vận động các xã viên khác cho mượn lương thực và hợp tác xã có thể tạm ứng tiền
công để họ có đủ điều kiện sinh sống hàng ngày mà tích cực tham gia lao động sản
xuất trong hợp tác xã. Để có tiền tạm ứng tiền công cho xã viên, hợp tác xã cần
phát triển những ngành nghề đưa lại thu nhập nhanh và có thể tạm mượn quỹ cổ phần,
nhận tiền ứng trước của các cơ quan thu mua nông sản, vay ngân hàng v.v...
Sản phẩm lương thực do hợp tác
xã làm ra, sau khi để đủ giống cho tái sản xuất mở rộng và thức ăn cho chăn nuôi
tập thể, đóng đủ thuế nông nghiệp và trả tiền mua thiết bị, phụ tùng, vật tư sản
xuất cho Nhà nước bằng hiện vật theo hợp đồng hai chiều, trả hoa lợi ruộng đất
cho xã viên, và dành một phần làm phần thưởng cho những người lao động giỏi, được
phân phối cho xã viên theo số ngày công lao động. Trong phần lương thực chia về
cho xã viên, dưới mọi hình thức (hoa lợi, ngày công, điều hoà v.v...), phải bảo
đảm đại bộ phận (từ 60% trở lên) phân phối theo số ngày công lao động. Cơ quan
thu mua của Nhà nước phối hợp chặt chẽ với hợp tác xã trong việc vận động, thuyết
phục xã viên và trong việc áp dụng hợp đồng mua bán hai chiều để thu mua lương
thực thừa của gia đình xã viên. Đối với một số sản phẩm khác của hợp tác xã, cần
bán cho Nhà nước theo hợp đồng hai chiều.
Hợp tác xã cần để hai thứ quỹ:
quỹ tích luỹ và quỹ công ích. Tuỳ theo kết quả sản xuất và thu nhập ở từng nơi
mà định mức độ để quỹ cho thoả đáng để bảo đảm thu nhập cho xã viên. Nói chung
lúc đầu cả hai thứ quỹ nên để vào khoảng 10%, sau này sẽ nâng dần lên; nơi nào
thu nhập khá, có thể để cao hơn. Ngoài ra, cần vận động xã viên góp công, góp của
để xây dựng các công trình phúc lợi công cộng; chú ý động viên đóng góp vừa với
sức dân từng nơi và tránh phân bổ theo lối bình quân.
6. Kinh tế gia
đình xã viên
Cần khuyến khích kinh tế gia
đình phát triển đúng hướng, thiết thực giúp đỡ, hướng dẫn xã viên sử dụng tốt
diện tích đất dành cho kinh tế gia đình, nhất là phát triển chăn nuôi, trồng
cây ăn trái, phát triển nghề thủ công gia đình, làm cho kinh tế gia đình hỗ trợ
tốt cho kinh tế tập thể. Cần quy định ngày công lao động cho tập thể, ngành
công đóng góp vào việc xây dựng những sự nghiệp ích lợi chung trong huyện, ngày
công đóng góp cho Nhà nước và dành thời gian cần thiết để xã viên làm kinh tế
gia đình. Tổ chức mua sản phẩn chăn nuôi, trái cây và sản phẩm khác từ kinh tế
gia đình theo giá Nhà nước và giá thoả thuận nội bộ hợp tác xã tuỳ theo từng loại
để giúp xã viên tiêu thụ sản phẩm và hợp tác xã kinh doanh có lãi.
7. Đối với phú
nông và tư sản kinh doanh nông nghiệp.
Vận động họ bán cho hợp tác xã
hoặc cho Nhà nước số ruộng đất ngoài phần ruộng đất để lại theo mức bình quân
chung của xã, vườn cây ăn trái có quy mô tương đối lớn, máy, trâu, bò, chuồng
trại chăn nuôi. Định giá thoả đáng và bàn bạc thoả thuận với họ về giá cả, về
thời gian trả tiền v.v... và khi đã đưa vào hợp tác xã thì phải tổ chức quản lý
tốt, bảo đảm cho những cơ sở ấy phục vụ tốt nhất cho sản xuất của hợp tác xã.
8. Về một số
chính sách khác
Cần hướng dẫn, giúp đỡ hợp tác xã
xác định và thực hiện đúng phương hướng sản xuất theo quy hoạch và kế hoạch của
huyện.
Sớm ban hành các chế độ quản lý,
các định mức kinh tế kỹ thuật, các quy trình sản xuất và chế độ canh tác, giúp
cho các hợp tác xã đi vào làm ăn có tổ chức theo quy chế chặt chẽ ngay từ đầu.
Có chính sách đầu tư, cho vay
xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu tổ chức lại sản xuất, yêu cầu
phát triển sản xuất của hợp tác xã mới xây dựng.
Sớm ban hành chính sách nghĩa vụ
bán lương thực và nông sản cho Nhà nước và ban hành chính sách mới về giá. Có
quy định bảo đảm việc thực hiện hợp đồng hai chiều giữa Nhà nước và hợp tác xã.
Đối với cán bộ quản lý hợp tác
xã, phải có chế độ thù lao thoả đáng làm cho cán bộ có thu nhập tương xứng với
trách nhiệm được giao, với kết quả hoàn thành nhiệm vụ, bảo đảm cho cán bộ hợp
tác xã có thu nhập cao hơn mức thu nhập bình quân của xã viên. Riêng chủ nhiệm,
trưởng kế toán, trưởng bộ môn kế hoạch, kỹ thuật, có thể thu nhập bằng một lần
rưỡi mức bình quân thu nhập của xã viên hoặc cao hơn một ít.
Những chính sách trên đây áp dụng
cho cả hợp tác xã nông nghiệp và hợp tác xã nông - lâm nghiệp. Ban Cải tạo nông
nghiệp Trung ương cần nghiên cứu để sớm đưa ra Ban Bí thư và Thường vụ Hội đồng
Chính phủ bàn thêm về những chính sách áp dụng riêng cho các hợp tác xã nông -
lâm nghiệp thí điểm.