THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ
********
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số: 183-TTg
|
Hà Nội, ngày 05
tháng 6 năm 1980
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC THI HÀNH ĐIỀU LỆ ĐĂNG KÝ KINH DOANH CÔNG THƯƠNG NGHIỆP
VÀ PHỤC VỤ TRONG KHU VỰC KINH TẾ TẬP THỂ VÀ CÁ THỂ
Hội đồng Chính phủ đã ra Nghị định
số 119-CP ngày 9 tháng 4 năm 1980 ban hành Điều lệ đăng ký kinh doanh công
thương nghiệp và phục vụ áp dụng cho khu vực kinh tế tập thể và cá thể. Để chỉ
đạo và tổ chức thực hiện tốt Nghị định quan trọng nói trên, Thủ tướng Chính phủ
yêu cầu các ngành, các cấp làm tốt các công việc sau đây:
1. Phải tổ chức
chu đáo việc kê khai đăng ký.
Tổ chức kê khai đăng ký kinh
doanh công thương nghiệp thực chất là tổ chức một cuộc điều tra cơ bản các hoạt
động công thương nghiệp và phục vụ của khu vực kinh tế tập thể, cá thể nhằm nắm
được đầy đủ, đúng sự thật tình hình hoạt động và năng lực sản xuất - kinh doanh
công thương nghiệp trong khu vực kinh tế tập thể và cá thể để trên cơ sở đó tiến
hành việc xét, cấp giấy phép kinh doanh và thực hiện sự quản lý và chỉ đạo theo
đúng luật pháp, chính sách, kế hoạch.
Trong việc kê khai đăng ký cần
chú ý:
Tuyên truyền, giải thích rộng rãi
mục đích, ý nghĩa của việc kê khai đăng ký trong cán bộ và nhân dân, làm cho mọi
người hoạt động công thương nghiệp thấy rõ quyền lợi và nghĩa vụ phải đăng ký
kinh doanh; động viên mọi người kê khai đầy đủ, đúng sự thật các hoạt động và
năng lực sản xuất kinh doanh của mình với Nhà nước, đồng thời đấu tranh với những
người trốn tránh không kê khai hoặc kê khai không đúng sự thật.
Cần hướng dẫn cho các đơn vị sản
xuất, kinh doanh kê khai xin đăng ký theo nội dung đã nói rõ trong điều lệ và
theo mẫu biểu thống nhất. Đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ thì việc kê
khai nên làm đơn giản; đối với các cơ sở kinh doanh phức tạp, quy mô lớn thì cần
kê khai đầy đủ những chi tiết cần thiết tuỳ theo loại ngành nghề và quy mô sản
xuất, kinh doanh. Kết hợp chặt chẽ việc động viên người sản xuất, kinh doanh tự
giác kê khai, với việc dựa vào quần chúng cốt cán ở cơ sở để phát hiện thêm
tình hình, xác nhận nội dung các tờ khai và với công tác điều tra nghiên cứu của
các cơ quan quản lý kinh tế, quản lý hộ khẩu ở các cấp, nhằm bảo đảm nắm tình
hình đầy đủ, đúng sự thật.
Khi kết thúc bước kê khai, Uỷ
ban nhân dân xã (hoặc cấp tương đương) phải tổng hợp tình hình hoạt động và
năng lực sản xuất, kinh doanh ở từng xã phường, tiểu khu và ghi chứng nhận (và
nhận xét nếu cần) vào từng tờ khai trước khi chuyển lên cấp quận, huyện, khu phố
xét việc cấp giấy phép kinh doanh khi chuyển lên cấp quận, huyện khu phố xét việc
cấp giấy phép kinh doanh.
2. Chỉ đạo tốt
việc xét và cấp giấy phép kinh doanh.
Việc cấp giấy phép đăng ký kinh
doanh là nhằm bảo đảm các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong khu vực tập thể
và cá thể đi theo đúng đường lối, chủ trương cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng
chủ nghĩa xã hội của Đảng và Nhà nước, phù hợp với phương hướng phát triển của
từng ngành, phù hợp với quy hoạch và kế hoạch Nhà nước.
Các cơ quan Trung ương quản lý
ngành như các Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Hải sản, Nội thương, Lương thực và thực
phẩm, Giao thông vận tải, Xây dựng, Công nghiệp, Văn hoá và thông tin, Y tế,
... cần ra Thông tư hướng dẫn cụ thể cho các Uỷ ban nhân dân và các cơ quan quản
lý ngành ở địa phương về chủ trương, phương hướng xét cấp giấy phép đăng ký
kinh doanh, nói rõ đối với loại cơ sở nào thì cấp giấy phép kinh doanh, loại cơ
sở nào thì không cấp giấy phép kinh doanh. Để có sự nhất trí về chủ trương từ
trên Trung ương, trong tháng 6 năm 1980, các Bộ quản lý các ngành hoạt động
công thương nghiệp cần gửi dự thảo thông tư hướng dẫn của ngành mình tới Bộ Tài
chính để tổng hợp trình thường vụ Hội đồng Chính phủ thông qua trước khi gửi về
các tỉnh, thành phố thi hành.
Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành
phố và đặc khu trực thuộc Trung ương theo sự hướng dẫn của các Bộ, Tổng cục và
căn cứ vào tình hình cụ thể ở địa phương cần có kế hoạch chỉ đạo cụ thể Uỷ ban
nhân dân và các hội đồng xét duyệt đăng ký kinh doanh ở cấp huyện trong việc
xét cấp giấy phép kinh doanh. Đối với các cơ sở không được cấp giấy phép kinh
doanh cần giúp họ chuyển sang sản xuất kinh doanh những ngành, nghề khác phù hợp
với chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ.
Để các cơ sở yên tâm phát triển
sản xuất, kinh doanh, sau khi họ đã nộp tờ kê khai xin đăng ký, trong thời gian
lâu nhất là 3 tháng, Uỷ ban nhân dân huyện, quận, khu phố phải trả lời từng cơ
sở về việc có được phép đăng ký kinh doanh hay không.
3. Trong suốt
thời gian kê khai và xét cấp giấy phép kinh doanh, cần tăng cường công tác quản
lý và kiểm soát của Nhà nước đối với hoạt động công thương nghiệp và phục vụ của
khu vực tập thể và cá thể.
Tất cả các cơ sở sản xuất kinh
doanh nào không thuộc loại Nhà nước đã có chính sách cấm hoặc hạn chế kinh
doanh đều được tiếp tục hoạt động theo ngành nghề và nội dung đã kê khai xin
đăng ký. Đối với những cá nhân và đơn vị nào vi phạm chế độ và kỷ luật đăng ký,
thì cần xử lý thích đáng theo đúng điều lệ kê khai đăng ký.
Dưới sự chỉ đạo tập trung, thống
nhất của Uỷ ban nhân dân cùng cấp, các cơ quan quản lý ngành kinh tế tỉnh,
thành phố và quận, huyện cần dựa trên tài liệu đã nắm được về tình hình hoạt động
của các cơ sở phát triển sản xuất và kinh doanh đúng hướng, đồng thời phải hạn
chế hoặc cấm các hoạt động sản xuất kinh doanh không có lợi cho nền kinh tế
theo đúng quyết định của Hội đồng Chính phủ.
Ngành tài chính phải đẩy mạnh
công tác thu thuế công thương nghiệp, bảo đảm thu đủ thuế và thu đúng chính
sách, góp phần tích cực vào việc cải tạo, tổ chức lại sản xuất và tăng cường quản
lý thị trường, đấu tranh chống những hoạt động kinh doanh phi pháp, đầu cơ,
buôn lậu, làm hàng giả. ..
4. Về mặt chỉ đạo
và tổ chức thực hiện.
Công tác đăng ký kinh doanh là một
công tác rất phức tạp, đụng chạm tới toàn bộ khu vực kinh tế tập thể và cá thể
là nơi mà công tác quản lý Nhà nước đang bị buông lỏng. Các ngành, các cấp phải
triển khai thực hiện công tác này từ cơ sở xã, phường, tiểu khu trở lên trong một
thời gian nhất định trong khi bận nhiều công việc lớn, dồn dập. Cho nên việc
lãnh đạo, chỉ đạo phải tập trung và thống nhất. Các ngành, các cấp phải phối hợp
chặt chẽ làm xong các việc chuẩn bị trong tháng 6 năm 1980 để hoàn thành toàn bộ
công tác đăng ký kinh doanh trong quý IV năm 1980 theo hai bước như sau:
- Bước kê khai khoảng 1 tháng,
tính từ ngày 1 tháng 7 năm 1980;
- Bước xét cấp giấy phép kinh
doanh khoảng 3 tháng tính từ tháng 8 năm 1980;
Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Tổng cục
thống kê và các Bộ, Tổng cục quản lý các ngành kinh tế - kỹ thuật phải có bộ phận
chuyên trách công tác đăng ký kinh doanh và có kế hoạch huy động một lực lượng
cán bộ cần thiết giúp các địa phương trước hết nhằm một số địa phương trọng điểm
để chỉ đạo rút kinh nghiệm chung.
Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành
phố và đặc khu trực thuộc Trung ương cần lập ngay bộ phận thường trực để giúp Uỷ
ban chỉ đạo công tác đăng ký kinh doanh đồng thời cần lập ngay hội đồng xét duyệt
đăng ký kinh doanh ở các quận, huyện, khu phố. Các cấp cần huy động bộ máy của
các ngành thuế công thương nghiệp công an, thống kê, tập trung lực lượng cán bộ
các ngành có liên quan khác và có thể huy động thêm học sinh, sinh viên và giáo
viên các trường trong dịp nghỉ hè đưa xuống giúp huyện và xã, ấp trong các công
việc:
- Tổ chức kê khai đăng ký,
- Tổng hợp tình hình kê khai
đăng ký trong xã, phường, tiểu khu và trong quận, huyện khu phố,
- Xét và cấp giấy phép kinh
doanh.
Tất cả các cán bộ, nhân viên được
huy động làm công tác đăng ký kinh doanh, nhất là ở huyện và xã, phải được lựa
chọn kỹ và được bồi dưỡng về chính sách nghiệp vụ và phương pháp công tác. Phải
đặc biệt chú ý giáo dục cán bộ, nhân viên làm công tác đăng ký kinh doanh về
tinh thần liêm khiết, trung thực trong khi tổ chức kê khai đăng ký, hết sức cảnh
giác trước những thủ đoạn man trá, mua chuộc của những hộ làm ăn gian dối, đồng
thời phải phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các trường hợp hối lộ và
ăn hối lộ.
Nhận được Chỉ thị này, Bộ Tài
chính, các Bộ, Tổng cục, các cơ quan Trung ương quản lý các ngành kinh tế có
liên quan và Uỷ ban nhân dân các cấp cần nghiên cứu kỹ và có kế hoạch thi hành
khẩn trương, bảo đảm đạt yêu cầu cả về nội dung công tác về thời gian quy định.