ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 16/CT-UBND
|
Lào Cai, ngày 24 tháng 12 năm 2015
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ LAO ĐỘNG VÀ
CHÍNH SÁCH TIỀN LƯƠNG TRONG CÁC LOẠI HÌNH DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO
CAI
Trong những
năm qua, cùng với sự thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế, văn hóa, xã hội,.. công tác quản
lý lao động và thực hiện chính sách tiền lương trong các loại hình doanh nghiệp
trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển
biến tích cực. Hàng năm có hàng nghìn lao động được các doanh nghiệp tuyển chọn,
đào tạo và bố trí việc làm; chế độ, quyền lợi, tiền lương,
thu nhập của người lao động từng bước được nâng cao, góp phần bảo đảm an sinh
xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động và phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng trên địa bàn tỉnh.
Trong quá trình hoạt động, hầu hết các doanh nghiệp đã chấp hành tốt các quy định về quản lý, tuyển dụng, sử dụng lao động theo quy định của
pháp luật lao động; đã xây dựng và đăng
ký thang lương, bảng lương với cơ quan nhà nước có thẩm
quyền. Nhiều doanh nghiệp không ngừng đổi mới nâng cao hiệu
quả quản lý, sử dụng nhân lực, bảo đảm
việc làm, tăng năng suất lao động, nhờ đó tiền lương, thu nhập bình quân của
người lao động tăng cao, đời sống của người lao động được
bảo đảm, tạo động lực cho người lao động tích cực học tập, nâng cao chuyên môn,
nghiệp vụ, góp phần xây dựng doanh nghiệp ngày càng phát triển, đáp ứng yêu cầu của công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế.
Bên cạnh những
kết quả đạt được như trên, cũng còn một số doanh nghiệp
chưa thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng lao động; chưa xây dựng và đăng ký thang lương, bảng
lương với cơ quan quản lý nhà nước về lao động; trả lương cho người lao động
còn thấp, việc làm thiếu ổn định, hoạt động kinh doanh chưa hiệu quả, dẫn đến tình trạng còn nợ đọng chế độ,
quyền lợi của người lao động, số lao động thất nghiệp còn cao,...
Để khắc phục những hạn chế trên, Chủ tịch Ủy ban
nhân dân tỉnh Lào Cai Chỉ thị:
1. Người đứng đầu các doanh nghiệp chịu trách nhiệm
về triển khai thực hiện đúng, kịp thời các quy định của pháp luật liên quan đến
quản lý, sử dụng lao động, chế độ tiền
lương cho người lao động:
a) Tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện đầy đủ hệ
thống văn bản pháp luật về quản lý, sử dụng lao động, hợp đồng lao động, chế độ
tiền lương, tiền thưởng, việc làm cho người lao động phù hợp với loại hình
doanh nghiệp đã đăng ký thành lập, hoạt động;
b) Chủ động tổ chức các hoạt động kiểm tra, rà soát
đánh giá số lượng, chất lượng lao động của đơn vị, kết quả
công tác tuyển dụng, sử dụng, ký kết hợp đồng lao động với người lao động, việc
xây dựng và đăng ký thang lương, bảng lương với cơ quan quản lý nhà nước về lao động; tình hình thực hiện trả lương cho người lao động thuộc doanh nghiệp quản lý. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, rà
soát tại doanh nghiệp và các đơn vị trực thuộc, kịp thời đề ra và tổ chức thực
hiện các biện pháp giải pháp chấn chỉnh nội bộ, khắc phục
những tồn tại, hạn chế của đơn vị. Việc sử dụng lao động phải phù hợp theo yêu
cầu của sản xuất, kinh doanh, bảo đảm về số lượng, chất lượng
cho từng vị trí, chức danh công việc, trình độ, chuyên môn, tay nghề, tránh
lãng phí về nhân lực hoặc sử dụng lao động giản đơn không phù hợp với tiêu chuẩn
nghề nghiệp,...
c) Hằng
năm, doanh nghiệp xây dựng định mức lao động, nhu cầu bổ sung lao động gửi cơ
quan quản lý lao động địa phương để phối hợp trong công
tác đào tạo, tuyển dụng lao động, cần ưu tiên tuyển chọn
lao động tại địa phương, lao động trong vùng dự án của
doanh nghiệp, đặc biệt lao động là người dân tộc thiểu số, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, thân nhân người có công với
cách mạng, lao động bị thu hồi đất nông nghiệp; đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ
sung thang lương, bảng lương gửi cơ quan quản lý nhà nước
có thẩm quyền.
2. Đối với doanh nghiệp do nhà nước làm chủ sở hữu:
Ngoài việc thực hiện tốt các quy định nêu tại mục 1 Chỉ thị này, cần tập trung
thực hiện:
a) Chấp hành đúng quy định về quản lý lao động, chế
độ tiền lương theo quy định của Chính phủ và Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội về quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với
người lao động, thành viên Hội đồng
thành viên hoặc Chủ tịch Công ty, Kiểm soát viên, Tổng
Giám đốc hoặc Giám đốc, Phó tổng Giám
đốc hoặc Phó Giám đốc, Kế toán trưởng trong công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu;
b) Rà soát lại quỹ liền lương thực hiện hằng năm của viên chức quản lý đảm bảo đúng theo quy định
của pháp luật về tiền lương, đồng thời đảm bảo tính hợp lý và hài hòa giữa tiền lương của viên chức quản
lý với tiền lương của người lao động.
Trường hợp tiền lương của viên chức quản lý quá cao, có sự chênh lệch lớn về tiền lương giữa viên chức quản lý với người
lao động thì phải điều chỉnh lại cho phù hợp; không được sử dụng quỹ tiền lương
của người lao động để trả cho thành viên Hội đồng thành
viên hoặc Chủ tịch Công ty, Kiểm soát viên, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc, Phó Tổng
giám đốc hoặc Phó Giám đốc, Kế toán trưởng Công ty;
c) Đánh giá tình hình thực hiện
sử dụng lao động hằng năm theo kế hoạch đã được phê duyệt.
Nội dung đánh giá thực hiện đúng quy định tại Điều 3 và Điều 4 của Thông tư số 18/2013/TT-BLĐTBXH ngày
09/9/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn
thực hiện quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối
với người lao động trong công ty
trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở
hữu.
3. Doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư
nước ngoài có hoạt động tại Lào Cai: Ngoài việc thực hiện tốt các quy định nêu tại mục 1 Chỉ thị này, cần tập trung thực hiện:
a) Chấp hành chế độ báo cáo tình hình sử dụng lao động
theo quy định tại Thông tư số 23/2014/TT-BLĐTBXH ngày
29/8/2014 của Bộ Lao động - Thương binh
và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 03/2014/NĐ-CP ngày 16/01/2014 của Chính phủ quy định
chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật lao động về việc làm; thực hiện chế độ tiền lương theo Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của
Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật
lao động về tiền lương và các Thông tư hướng dẫn khác của
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
b) Việc tuyển dụng lao động của doanh nghiệp phải thực
hiện công khai theo nội dung Thông tư số
23/2014/TT-BLĐTBXH ngày 29/8/2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Đối
với việc tuyển dụng lao động nước ngoài vào làm việc tại
doanh nghiệp thực hiện theo Nghị định số 102/2013/NĐ-CP ngày 05/9/2013 của Chính phủ; doanh nghiệp phải lập, quản lý và sử dụng sổ quản lý lao động theo Nghị định số 03/2014/NĐ-CP ngày 06/01/2014 của
Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã
hội; thực hiện ký kết hợp đồng lao động với người lao động theo quy định của
pháp luật lao động, bảo đảm các chế độ, quyền lợi của người
lao động.
4. Các doanh nghiệp khi lập dự án đầu tư, mở rộng hoạt
động sản xuất, kinh doanh tại Lào Cai cần đồng thời lập luôn Phương án sử dụng
lao động và cam kết ưu tiên sử dụng lao động là người có hộ khẩu thường trú, tạm trú tại các địa phương thuộc tỉnh Lào Cai để làm cơ sở đề
nghị các cơ quan chức năng thuộc tỉnh Lào Cai đầu tư, hỗ
trợ kinh phí đào tạo nghề cho người
lao động sau khi được tuyển dụng hoặc ký hợp đồng làm việc tại doanh nghiệp theo dự án được duyệt.
5. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về
lao động, việc làm, tiền lương.
a) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
- Nâng cao hiệu quả công tác
tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản
lý Nhà nước về lao động, tiền Iương trong các doanh nghiệp
trên địa bàn tỉnh;
- Chủ trì, phối hợp với các
ngành có liên quan tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính
sách, pháp luật về tuyển dụng, sử dụng lao động, chế độ tiền
lương trong các loại hình doanh nghiệp;
tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, người sử dụng lao động thuộc các thành
phần kinh tế để nắm bắt và triển khai thực hiện;
- Hướng dẫn các doanh nghiệp do nhà nước làm chủ sở
hữu xây dựng quỹ tiền lương của người lao động và viên chức quản lý theo quy định;
thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh
phê duyệt quỹ tiền lương của viên chức quản lý và phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh về quỹ tiền lương của người lao động trong doanh nghiệp do Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai làm chủ sở hữu;
- Chỉ đạo các Trung tâm dịch vụ việc làm, các cơ sở
dạy nghề làm tốt công tác tư vấn, giới thiệu việc làm,
cung ứng lao động, tổ chức dạy nghề cho người lao động
theo nhu cầu của doanh nghiệp, bảo đảm số lượng và chất lượng.
- Chủ trì và phối hợp với các
ngành có liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chính sách,
pháp luật về lao động, việc làm, tiền lương trong các doanh nghiệp; hướng dẫn,
tổng hợp báo cáo định kỳ 6 tháng và hàng năm về tình hình thực hiện chính sách Lao động, tiền lương trong doanh nghiệp theo quy định.
b) Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh:
Triển khai
hướng dẫn, thực hiện quản lý lao động, chế độ tiền lương trong các doanh nghiệp
trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu thương mại theo ủy
quyền của Ủy ban
nhân dân tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Ủy
ban nhân dân các huyện, thành phố có khu công nghiệp trên
địa bàn.
c) Sở Kế hoạch và Đầu tư:
Hướng dẫn
các chủ đầu tư, chủ dự án, các doanh nghiệp khi tiến hành xin cấp phép Giấy chứng
nhận đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh phải có Phương án
sử dụng lao động (nêu rõ về số lượng, chất lượng lao động, tiến độ sử dụng và
phương án ưu tiên lao động của tỉnh Lào Cai vào làm việc),
đồng thời cam kết cùng tỉnh tổ chức đào tạo nghề cho người
lao động; phối hợp với Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội thẩm định nội dung trên trước khi
trình duyệt dự án đầu tư.
d) Sở Tài chính:
- Hướng dẫn chế độ tài chính trong doanh nghiệp,
trong đó có chế độ về tiền lương của người lao động và viên chức quản lý theo quy định của Bộ Tài chính; phối
hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định,
trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt
Quỹ tiền lương, tiền thưởng của viên chức quản lý và người
lao động trong doanh nghiệp do Ủy ban nhân dân tỉnh làm chủ
sở hữu;
- Hằng năm
thực hiện thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ tiền lương của người lao động và viên chức quản lý đối với
doanh nghiệp nhà nước theo quy định; thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh trích quỹ đầu tư phát triển và quỹ thưởng ban
quản lý điều hành theo quy định.
đ) Cục Thuế
tỉnh:
Trên cơ sở
hồ sơ quyết toán thuế, báo cáo tài chính mà doanh nghiệp đã nộp cho cơ quan thuế hoặc số liệu kiểm tra, thanh
tra của cơ quan thuế, có trách nhiệm
cung cấp cho các ngành liên quan về số lao động, tiền
lương, tiền thưởng và các khoản phí trả cho người lao động
khi có yêu cầu.
e) Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
- Thực hiện chức năng quản lý lao động trong các
doanh nghiệp trên địa bàn, hướng dẫn và tiếp nhận đăng ký thang lương, bảng lương của các
doanh nghiệp, xem xét và có ý kiến kiến
nghị kịp thời những đơn vị thực hiện chưa đúng quy định;
- Tổ chức tuyên truyền chính sách, pháp luật về lao động, tiền lương; tăng cường công tác kiểm tra tình hình thực
hiện pháp luật lao động, tiền lương của các doanh nghiệp, đặc biệt về công tác
quản lý, sử dụng lao động, ký kết hợp đồng lao động, xây dựng và đăng ký thang
lương, bảng lương,... bảo đảm chế độ, quyền lợi của người
lao động; đồng thời hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện chế độ báo cáo về quản
lý, sử dụng lao động, tiền lương, thu nhập của người lao động
định kỳ 6 tháng và hằng năm, tổng hợp báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
theo quy định.
6. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên
quan:
a) Đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh:
- Chỉ đạo Công đoàn các cấp
làm tốt công tác tuyên truyền chính sách pháp luật về lao động, chế độ tiền
lương để người lao động, đoàn viên công đoàn biết và tự giác chấp hành;
- Chỉ đạo tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp
chủ động phối hợp với người sử dụng lao động trong xây dựng
định mức, quản lý lao động, thực hiện chế độ tiền lương, tiền thưởng và các chế
độ, quyền lợi khác của người lao động;
- Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra tình hình
thực hiện pháp luật lao động, chế độ tiền lương, bảo vệ quyền và lợi ích chính
đáng của người lao động trong mỗi doanh nghiệp;
- Tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong triển
khai, thực hiện chính sách, pháp luật về lao động, tiền
lương của người lao động để kịp thời
đề xuất, kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
b) Sở Tư pháp:
Tiếp nhận đề
nghị và phối hợp với các ngành chức
năng cấp và cung cấp thông tin về Lý lịch tư pháp cho người lao động theo quy định
của pháp luật. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện tư
vấn pháp luật cho doanh nghiệp, trợ giúp pháp lý cho người
lao động thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý miễn phí;
tăng cường công tác hướng dẫn của cơ quan Thường trực Hội đồng giáo dục phổ biến pháp luật tỉnh đối với các doanh nghiệp đóng trụ sở hoặc hoạt động sản
xuất kinh doanh tại Lào Cai.
c) Các cơ quan thông tin, truyền thông:
- Phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến
chính sách, pháp luật lao động, tiền lương trên các phương tiện thông tin đại
chúng để doanh nghiệp, người lao động biết và chủ động thực
hiện;
- Thường xuyên đưa tin về nội dung Chỉ thị, tình
hình triển khai thực hiện Chỉ thị và các quy định của pháp
luật hiện hành về quản lý lao động và chính sách tiền lương trên các phương tiện
thông tin đại chúng để doanh nghiệp, người lao động biết và thực hiện.
d) Bảo hiểm xã hội tỉnh:
Hướng dẫn
các doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật;
đồng thời thanh tra, kiểm tra, xử lý những đơn vị vi phạm
trong việc đăng ký số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm
xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất
nghiệp và mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội chưa đúng quy định.
đ) Các sở,
ngành khác có liên quan đến công tác quản lý nhà nước đối
với các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất,
kinh doanh:
- Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được
giao, chủ động phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội, Sở Tư pháp tổ chức tuyên truyền
chính sách, pháp luật về lao động, việc làm, tiền lương đối
với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý; nắm bắt nhu cầu về nhân lực, đề xuất định hướng đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu lao động của doanh nghiệp;
- Kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện pháp luật
lao động, chế độ tiền lương trong các doanh nghiệp thuộc
lĩnh vực quản lý; tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh có hiệu
quả, đồng thời không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động.
e) Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh:
Khi thẩm định
hồ sơ đề nghị khen thưởng đối với tập thể, cá nhân thuộc Khối doanh nghiệp có
trách nhiệm phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
tỉnh đánh giá việc chấp hành chính sách, pháp luật về lao động, việc làm, tiền lương của doanh nghiệp, người đại diện, người đứng đầu doanh nghiệp đề nghị được
cơ quan nhà nước cấp có thẩm quyền khen thưởng, đảm bảo khen thưởng đúng đối tượng
theo quy định của pháp luật.
g) Các Trung tâm dịch vụ việc làm:
Làm tốt
công tác tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động theo nhu
cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp, bảo đảm cung ứng đúng số lượng, chất
lượng lao động theo yêu cầu của doanh
nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp trong thực hiện chính
sách, pháp luật lao động, chế độ tiền lương; là cầu nối giữa
doanh nghiệp với người lao động, chủ động nắm bắt tình
hình sử dụng lao động trong các doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
h) Các cơ sở dạy nghề:
Tổ chức dạy
nghề đảm bảo chất lượng, theo nhu cầu của doanh nghiệp; phối
hợp với doanh nghiệp trong công tác tổ chức đào tạo, đào tạo
lại lực lượng lao động, góp phần nâng cao tay nghề của người lao động trong doanh nghiệp.
i) Hiệp hội Doanh nghiệp, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Lào Cai:
- Chỉ đạo các doanh nghiệp là
thành viên Hiệp hội nâng cao trách nhiệm trong thực hiện chính sách, pháp luật
lao động, chế độ tiền lương theo quy định của pháp luật;
- Phối hợp với các cơ quan quản
lý nhà nước về lao động của tỉnh, địa phương thực hiện hỗ
trợ, tư vấn cho các doanh nghiệp trong triển khai thực hiện chính sách, pháp luật
lao động, tiền lương; xây dựng và đưa vào Điều lệ của Hội về việc chấp hành
chính sách lao động, việc làm, tiền lương cho người lao động trong doanh nghiệp
là thành viên của Hội, coi đó tiêu chí bình xét hoạt động của Hội, Hiệp hội và
các Chi hội.
Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội có trách nhiệm đôn đốc, theo dõi việc triển khai thực
hiện Chỉ thị, đồng thời định kỳ theo quy định tổng hợp báo
cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện nội dung Chỉ thị này trên địa bàn toàn tỉnh.
Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành,
các doanh nghiệp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan nghiêm túc
triển khai thực hiện Chỉ thị này.
Nơi nhận:
- TT: TU, HĐND,
UBND tỉnh,
- Các sở,
ban, ngành tỉnh;
- Liên
đoàn Lao động tỉnh;
- UBND
các huyện, thành phố;
- Hiệp hội
Doanh nghiệp tỉnh;
- Hội
Doanh nhân trẻ tỉnh;
- Các Trường,
Trung tâm dạy nghề, Trung tâm dịch vụ việc làm trên địa bàn tỉnh;
- Báo Lào
Cai, Đài PT-TH tỉnh;
- Cổng
Thông tin ĐT tỉnh;
- Lãnh đạo
văn phòng;
- Lưu: VT, VX, TH (Bình, Thúy).
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Đặng Xuân Phong
|