BỘ
CÔNG THƯƠNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------
|
Số:
20/BC-BCT
|
Hà
Nội, ngày 01 tháng 3 năm 2010
|
BÁO CÁO TÓM TẮT
TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG NGÀNH CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI THÁNG 2
VÀ 2 THÁNG NĂM 2010
I. HOẠT ĐỘNG
SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP
1. Giá trị sản
xuất công nghiệp
Giá trị sản xuất công nghiệp
tháng 2 ước đạt 50,9 nghìn tỷ đồng, chỉ bằng 98,7% so với tháng 2/2009 do số
ngày làm việc ít hơn. Nhìn chung, sản xuất công nghiệp 2 tháng đầu năm 2010 có
dấu hiệu phục hồi, đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp gần bằng
các năm trước khủng hoảng kinh tế năm 2009. Tính chung 2 tháng, giá trị sản xuất
công nghiệp ước đạt 114,1 nghìn tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ, trong đó:
khu vực kinh tế Nhà nước tăng 8,1% (khu vực kinh tế Trung ương tăng 11,2%; khu
vực kinh tế địa phương giảm 3,0%); khu vực kinh tế ngoài nhà nước có tốc độ
tăng 15,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng cao nhất 15,4%. Các sản phẩm
công nghiệp như: điện tăng 19%, than sạch tăng 8,7%, khí đốt tăng 12,3%, điều
hoà nhiệt độ tăng 85,7%, tủ lạnh tủ đá tăng 49,6%, thuốc lá tăng 13,3%, bia
tăng 18,8%, ... đã góp phần rất lớn vào việc ổn định sản xuất, đảm bảo cung ứng
hàng hóa thiết yếu, góp phần bình ổn thị trường và phục vụ Tết Nguyên đán Canh
Dần 2010 theo chỉ đạo của Chính phủ.
Hai tháng đầu năm, các doanh
nghiệp thuộc Bộ Công Thương có mức tăng trưởng cao 22,5% so với cùng kỳ năm trước,
trong đó, tốc độ tăng của một số doanh nghiệp cao hơn tốc độ tăng của toàn
ngành như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam tăng 21,1%; Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất
Việt Nam tăng 39,5%; Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp tăng 88,3%; Tổng
công ty Máy và Thiết bị công nghiệp tăng 27,5%; Tổng công ty Thiết bị điện tăng
75,4%; Tổng công ty Xây dựng Công nghiệp Việt Nam tăng 20,4%; Tổng Công ty cổ
phần Điện tử và Tin học Việt Nam tăng gấp hơn 2 lần; Tổng Công ty Giấy Việt nam
tăng 65,8%, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam tăng 20,8%; Tổng công ty cổ phần Bia
- Rượu - Nước giải khát Hà Nội tăng 34,4%; Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước
giải khát Sài Gòn tăng 18,7%;... (Phụ lục 1).
Tốc độ tăng trưởng giá trị sản
xuất công nghiệp của một số tỉnh, thành phố công nghiệp trọng điểm 2 tháng tăng
so với cùng kỳ như: Hà Nội tăng 5,1%, Hải Phòng tăng 14,8%; Vĩnh phúc tăng
53,2%; Hải Dương 26,4%; Phú Thọ 61,0%; Quảng Ninh tăng 15,6%; Thanh Hoá tăng
14,9%; thành phố Đà Nẵng tăng 44,1%; Khánh Hòa tăng 6,0%; thành phố Hồ Chí Minh
tăng 17,9%; Bình Dương tăng 35,1%; Đồng Nai tăng 19,3%; Cần Thơ tăng 5,4% (Phụ
lục 2).
2. Sản phẩm
chủ yếu
Hai tháng đầu năm, các sản phẩm
phục vụ sản xuất có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ như: điện tăng 19,0%;
than tăng 8,7%; khí đốt tăng 12,3%; quặng apatít tăng 9,4%; vải dệt từ sợi bông
tăng 31,8%;... Riêng khai thác dầu thô giảm gần 20,0% so với cùng kỳ. Các sản
phẩm phục vụ tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng cao so với cùng kỳ, nhất là điều
hoà nhiệt độ tăng 85,7%; tủ lạnh, tủ đá tăng 49,6%; máy giặt tăng 18,4%; ti vi
tăng 19,4%; xe máy tăng 35,9%; xe ô tô tăng 35,3%; giấy bìa tăng 57,1%; thuốc
lá bao tăng 8,1%; bia tăng 18,8%; sữa bột tăng 13,2%;… Các sản phẩm phục vụ xây
dựng có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ: xi măng tăng 35,9%, thép tròn tăng
12,5%… Các sản phẩm phục vụ ngành nông nghiệp giảm so với cùng kỳ: phân urê giảm
20,0% do sản lượng của Nhà máy Phân đạm Hoá chất Hà Bắc giảm 61,4%; phân NPK giảm
12,1%;... (Phụ lục 3).
3. Một số
tình hình nổi bật của các ngành
3.1. Ngành Năng lượng
- Sản xuất và cung ứng điện trong
tháng ổn định. Lượng nước về các hồ chứa thấp trong khi phụ tải vẫn duy trì
trung bình 177 triệu kWh/ngày so với 230 triệu kWh/ngày của tháng trước. Sản lượng
điện tháng 2 ước đạt 5,81 tỷ kWh, tăng 5,8% so với tháng 2/2009; tính chung 2
tháng ước đạt 12,87 tỷ kWh, tăng 19,0% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, thời tiết năm
nay có thể mang đến một mùa khô dài với lượng mưa thấp và nhiệt độ cao hơn bình
thường nên cần tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền, hướng dẫn các hộ sử dụng
điện thực hiện tiết kiệm điện và sử dụng điện có hiệu quả.
Tình hình cung cấp điện tháng Tết
ổn định. Điện thương phẩm tháng 2 ước đạt 5,98 tỷ kWh, tăng 19,2% so với cùng kỳ,
trong đó: điện dùng cho công nghiệp và xây dựng tăng 24,3% và chiếm tỷ trọng
48,5%; điện dùng cho khu vực thương nghiệp, khách sạn nhà hàng tăng 13,8%; điện
dùng cho quản lý và tiêu dùng dân cư tăng 11,4% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng
40,9%.
- Khai thác dầu khí tháng 2 ước
đạt 1,14 triệu tấn, tính chung 2 tháng ước đạt 2,36 triệu tấn, giảm 20% so với
cùng kỳ; khai thác khí tháng 2 ước đạt 0,6 tỷ m3, tính chung 2 tháng ước đạt
1,4 tỷ m3, tăng 12,3% so với cùng kỳ.
Trong tháng, việc tìm kiếm thăm
dò dầu khí được triển khai tích cực kể cả trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán,
đã thử vỉa thành công giếng HR-2X thuộc bồn trũng sông Hồng - Bắc thềm lục địa
Việt Nam; các mỏ dầu khí khai thác an toàn, hiệu quả; hệ thống các đường ống dẫn
khí hoạt động ổn định, không có bất kỳ sự cố nào xảy ra trong dịp tết. Việc vận
hành thử Nhà máy Lọc dầu Dung Quất được tiến hành ngay cả trong những ngày tết,
các lỗi kỹ thuật về cơ bản đã được khắc phục và kể từ ngày 13/2, Nhà máy đã hoạt
động 100% công suất. Ngoài ra, trong lĩnh vực hợp tác đầu tư, tính đến hết
tháng 2 đã ký 03 hợp đồng dầu khí mới, trong đó có 02 hợp đồng ở trong nước.
3.2. Ngành Công nghiệp nặng
- Khai thác Than - Khoáng sản: 2
tháng, sản lượng than sạch ước đạt 6,3 triệu tấn, tăng 8,7% so với cùng kỳ.
Trong công tác thăm dò gia tăng trữ lượng than, khối lượng bóc đất đá ước đạt
31,2 triệu m3, tăng 8,9% so với cùng kỳ; mét đào lò mới 43,5 nghìn mét, tăng
30,0% so với cùng kỳ.
Tiêu thụ than trong nước cho các
hộ lớn trên 3,2 triệu tấn, tăng 16,6% so với cùng kỳ, trong đó: cung cấp cho hộ
điện ước đạt gần 1,4 triệu tấn, tăng 26,1%; hộ xi măng ước đạt 0,7 triệu tấn,
tăng 25,7%; tuy nhiên, với hộ đạm lại giảm 72,9% do sản xuất phân đạm cầm chừng.
Xuất khẩu than ước đạt 2,6 triệu tấn, giảm 16,5% so với cùng kỳ. Lượng tồn kho
than thành phẩm tăng, trên 5,0 triệu tấn, trong đó: than cám tồn kho gần 2,0
triệu tấn, than tiêu chuẩn cơ sở tồn gần 2,8 triệu tấn.
- Sản xuất thép các loại của các
nhà máy ổn định, 2 tháng đầu năm sản lượng thép ước đạt 749,2 nghìn tấn, tăng
4,6% so với cùng kỳ, trong đó, thép tròn ước đạt 630 nghìn tấn, tăng 12,5% so với
cùng kỳ. Sản lượng thép các loại của Tổng công ty Thép Việt Nam ước đạt 204,2
nghìn tấn, tăng 14,5% so với cùng kỳ; lượng thép tồn kho khoảng 270 nghìn tấn;
lượng phôi thép chuẩn bị cho tháng sau tương đương tháng trước, gần 120 nghìn tấn.
Mặc dù nhu cầu thép phục hồi chậm
nhưng giá phôi thép vẫn tăng, giá thép phế liệu tăng từ 320 USD/tấn lên 353
USD/tấn; giá thép cuộn dây cán của Châu Âu cũng có xu hướng tăng nhẹ. Thị trường
thép trong nước ổn định vào nửa đầu tháng 2 sau đó giá bán thép tăng dần do tác
động của việc giá xăng và giá đồng đôla Mỹ tăng. Giá bán thép của Tổng công ty
Thép Việt Nam từ ngày 11/2 tăng thêm 250 nghìn đồng/tấn thép cuộn và tăng 150
nghìn đồng/tấn thép cây; giá bán thép tròn đốt tại miền Bắc 11,7-11,8 triệu đồng/tấn,
miền Nam 11,9-12,27 triệu đồng/tấn (chưa có thuế giá trị gia tăng).
Sắp tới, theo lộ trình cam kết với
WTO, một số sản phẩm thép sẽ không được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi nữa. Vì vậy,
các doanh nghiệp sản xuất thép cần áp dụng các biện pháp ổn định sản xuất, củng
cố hệ thống phân phối, mở rộng thị trường tiêu thụ, điều chỉnh giá bán linh hoạt,…
để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm ngay trên thị trường trong nước.
- Sản xuất phân bón 2 tháng đầu
năm vẫn tiếp tục giảm so với cùng kỳ: sản lượng phân urê ước đạt 132,5 nghìn tấn,
giảm 20,0% do sản lượng của Nhà máy Phân đạm Hoá chất Hà Bắc giảm 61,4% vì sự cố
phải dừng máy để sửa chữa từ giữa tháng 2; phân NPK ước đạt 166,0 nghìn tấn, giảm
12,1%; phân lân ước đạt 213,0 nghìn tấn, giảm 0,4%.
Giá phân bón và nguyên liệu sản
xuất phân bón trên thế giới tăng nhẹ, nhất là phân DAP và phân SA; giá Kali bắt
đầu tăng trở lại ở mức 410 USD/tấn. Trong nước, do lượng phân bón cung ứng cho
vụ đông xuân dồi dào nên giá chỉ tăng nhẹ. Các doanh nghiệp nhập hàng ở mức hạn
chế để theo dõi biến động của thị trường. Hiện nay, giá phân urê Hà Bắc khoảng
6.650-6.750 đồng/kg, urê Phú Mỹ 6.900 đồng/kg; phân NPK 3.050 đồng/kg; supe lân
Lâm Thao 2.060 đồng/kg.
Các sản phẩm hoá chất hiện nay
đang gặp khó khăn do nguyên liệu sản xuất hạn chế, phải thu mua cả từ bên ngoài
với chất lượng thấp.
- Sản xuất cơ khí 2 tháng đầu
năm tăng trưởng mạnh. Sản phẩm điện tử, điện lạnh tăng mạnh so với cùng kỳ: điều
hoà nhiệt độ tăng 85,7%; tủ lạnh, tủ đá tăng 49,6%; máy giặt tăng 18,4%; ti vi
tăng 19,4%. Lắp ráp xe máy tăng 35,9%; xe ô tô tăng 35,3%. Sản phẩm động cơ điện,
máy công cụ giảm nhiều so với cùng kỳ.
Mặc dù nhu cầu hàng điện tử, điện
máy tăng mạnh trong tháng Tết nhưng giá bán ổn định. Tiêu thụ ô tô khó khăn hơn
vì giá tăng do không còn các ưu đãi về thuế. Chưa vào mùa vụ nên các sản phẩm
máy nông nghiệp tiêu thụ chậm.
3.3. Ngành công nghiệp nhẹ
- Ngành Dệt may hai tháng đầu
năm sản xuất ổn định và có tốc độ tăng trưởng khá so với cùng kỳ, đặc biệt là mặt
hàng vải dệt từ sợi bông ước đạt 33,1 triệu m2, tăng 31,8% so với cùng kỳ. Xuất
khẩu hàng dệt may ước đạt 1,51 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ. Tỷ lệ nội địa
hoá của các sản phẩm may xuất khẩu ngày càng cao.
Để đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu
trong năm 2010 cao thì một trong những việc cần phải giải quyết vấn đề thiếu
lao động trong ngành đang xảy ra tại các khu công nghiệp và chế xuất. Khắc phục
tình trạng trên, Hiệp hội Dệt may cũng khuyến nghị các doanh nghiệp tiếp tục thực
hiện chiến lược di dời cơ sở sản xuất dệt may về các thị tứ và vùng nông thôn
nhằm giải bài toán thiếu hụt lao động và giảm chi phí. Công tác phát triển diện
tích trồng cây bông lên đến 10.000ha được Tập đoàn Dệt may Việt Nam triển khai
rất tốt.
- Ngành Giấy sản xuất 2 tháng đầu
năm ổn định. Sản lượng giấy các loại ước đạt 273,9 nghìn tấn, tăng 57% so với
cùng kỳ. Hiện nay ngành giấy đang đẩy nhanh tốc độ xây dựng, lắp đặt thiết bị tại
các nhà máy sản xuất bột giấy để sớm đưa vào sử dụng (Bột giấy An Hoà, Bột giấy
Phương Nam,…).
- Ngành Thuốc lá sản xuất tiếp tục
có mức tăng trưởng cao so với 2 năm gần đây. Các doanh nghiệp trong ngành đã sản
xuất và cung ứng đủ cho người tiêu dùng trong dịp tết Nguyên đán vừa qua. Tuy
nhiên, tình trạng tiêu thụ thuốc lá giả vẫn diễn ra tại một số tỉnh, thành phố.
Vì vậy, 2 tháng đầu năm, sản lượng thuốc lá bao các loại ước đạt 461,9 triệu
bao, tăng 8,1% so với cùng kỳ.
Để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu
cầu của người tiêu dùng đối với sản phẩm trung, cao cấp, ngành thuốc lá hiện
đang tiếp tục khảo sát một số loại nguyên liệu, hương liệu nội địa và nhập khẩu
có chất lượng phù hợp cho mục tiêu nghiên cứu sản phẩm mới.
- Ngành bia, rượu, nước giải
khát hai tháng đầu năm đã đẩy mạnh sản xuất để phục vụ dịp Tết Nguyên đán. Mặc
dù giá một số loại bia có tăng song nguồn cung bia các loại hết sức dồi dào nên
việc đẩy giá “ảo” trên thị trường đã không diễn ra. Những ngày cuối tháng 2, sức
mua của người dân tăng đột biến. Vì vậy, sản lượng bia 2 tháng ước đạt 305,2
triệu lít, tăng 18,8% so với cùng kỳ, trong đó: Tổng công ty Bia - Rượu - Nước
giải khát Hà Nội ước đạt 53,2 triệu lít, tăng 29,6%; Tổng công ty Bia - Rượu -
Nước giải khát Sài Gòn ước đạt 178,7 triệu lít, tăng 24,3%. Sản lượng bia của
khu vực kinh tế địa phương giảm mạnh. Sản xuất và tiêu thụ rượu tăng mạnh trong
dịp Tết nên các doanh nghiệp phải hoạt động hết công suất, đồng thời, tăng thời
gian làm việc mới đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong và sau tết.
- Ngành sữa trong những tháng đầu
năm, chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao nhưng giá sữa nguyên liệu trong nước lại
diễn biến theo chiều ngược lại. Thị trường sữa biến động mạnh trong thời gian
qua đã gây tình trạng mất ổn định cho sự phát triển của ngành sữa. Nhiều chủ
trang trại đã phải bán bớt đàn bò nên đời sống của người chăn nuôi bị ảnh hưởng.
Vì vậy, trong những ngày nghỉ Tết, Công ty Sữa Việt Nam vẫn tổ chức thu mua hết
lượng sữa bò tươi của nông dân, lượng sữa thu mua trong dịp tết tăng 5-10% so với
ngày thường. Sản lượng sữa bột 2 tháng đầu năm ước đạt 7,2 nghìn tấn, tăng
13,2% so với cùng kỳ.
- Các ngành khác tháng 2 sản xuất
chưa có sự chuyển biến tích cực so với cùng kỳ.
II. HOẠT ĐỘNG
THƯƠNG MẠI
1. Xuất khẩu.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá
tháng 2 ước đạt 3,9 tỷ USD, giảm 23,2% so với tháng 2/2009, trong đó: xuất khẩu
của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt 1,85 tỷ
USD, tăng 16,5%; doanh nghiệp trong nước ước đạt 1,74 tỷ USD, giảm 42,2%. Tính
chung 2 tháng ước đạt 8,91 tỷ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ; trong đó: xuất khẩu
của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 4,24 tỷ
USD, tăng 49,3%; doanh nghiệp trong nước ước đạt 3,88 tỷ USD, giảm 24,3%.
Xét theo nhóm hàng: tháng 2,
nhóm hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt 0,79 tỷ USD, giảm 23,5%; nhóm hàng nhiên
liệu và khoáng sản ước đạt 0,45 tỷ USD, giảm 29,9%; nhóm hàng công nghiệp chế
biến ước đạt 2,01 tỷ USD, giảm 33,4% so với tháng 2/2009. Tính chung 2 tháng,
nhóm hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt 1,84 tỷ USD, tăng 2,2%; nhóm hàng nhiên
liệu và khoáng sản ước đạt 1,12 tỷ USD, giảm 11,7%; nhóm hàng công nghiệp chế
biến ước đạt 4,62 tỷ USD, giảm 9,5% so với cùng kỳ (Phụ lục 4).
Xuất khẩu 2 tháng của một số mặt
hàng chủ yếu như: dầu thô ước đạt 1,36 triệu tấn, giảm 51,3% về lượng và giảm
15,4% về kim ngạch; dệt may 0,15 tỷ USD, tăng 16,8%; da giày 0,68 tỷ USD, tăng
4,0%; sản phẩm gỗ 0,47 triệu USD, tăng 29,2%; linh kiện điện tử 0,41 tỷ USD,
tăng 30,6%; thuỷ sản 0,23 tỷ USD, tăng 19,2%; gạo 781 nghìn tấn, giảm 24,9% về
lượng và giảm 6,8% về kim ngạch.
Tuy nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài
nhưng kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm có sự tăng trưởng nhẹ do giá cả nhiều
mặt hàng xuất khẩu được cải thiện như: giá hạt điều tăng 20,6%, chè các loại
tăng 2,4%, hạt tiêu tăng 12,6%, gạo tăng 24,1%, sắn và sản phẩm từ sắn tăng
91,9%, than đá tăng 44,7%, dầu thô tăng 74,0%, cao su tăng 84,5%... Như vậy,
riêng yếu tố tăng giá của các mặt hàng này làm cho kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng
604 triệu USD.
Sự phục hồi của nền kinh tế một
số nước trong khối EU chậm nên xuất khẩu tháng 2 vào một số thị trường chính giảm
nhẹ 2,2% so với tháng 2/2009. Tuy nhiên, với thị trường Châu Á tăng 4,6%; Hoa Kỳ
tăng 23,8%; Trung Quốc tăng 26,3%. Tính chung 2 tháng , xuất khẩu vào một số thị
trường chính so với cùng kỳ như sau: Châu Á tăng 31,9%; EU tăng 0,5%; Hoa Kỳ
tăng 25,8%; Trung Quốc tăng 54,4%. Thị phần kim ngạch xuất khẩu 2 tháng của các
khu vực như sau: Châu Á chiếm 48,7%; Châu Âu chiếm 19,0%; Châu Mỹ chiếm 23,5%;
Châu Phi chiếm 1,3%; Châu Đại Dương chiếm 4,5%; thị trường khác chiếm 2,9% (Phụ
lục 5).
2. Nhập khẩu
Kim ngạch nhập khẩu hàng hoá
tháng 2 ước đạt 4,7 tỷ USD, giảm 21,1% so với tháng 1, trong đó, kim ngạch của
các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 1,9 tỷ USD, giảm 20,7%, chiếm
tỷ trọng 40,4% trong tổng kim ngạch nhập khẩu; doanh nghiệp 100% vốn trong nước
đạt 2,8 tỷ USD, tăng 74,8%, chiếm tỷ trọng 59,6% trong tổng kim ngạch nhập khẩu.
Tính chung 2 tháng ước đạt 10,66 tỷ USD, tăng 39,6% so với cùng kỳ chủ yếu do
nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt gần 4,3 tỷ USD,
tăng 51,2% (Phụ lục 6).
Nhóm hàng cần thiết nhập khẩu 2
tháng ước đạt 8,56 tỷ USD, tăng 35,1% so với cùng kỳ; nhóm hàng cần phải kiểm
soát nhập khẩu ước đạt 0,72 tỷ USD, tăng 46,8%; nhóm hàng hạn chế nhập khẩu ước
đạt 1,38 tỷ USD, tăng 70,5%.
So với cùng kỳ, tình hình nhập
khẩu một số mặt hàng chủ yếu 2 tháng như sau: xăng dầu giảm 19% về lượng và
tăng 20% về kim ngạch; thép các loại tăng 39,8% về lượng và tăng 34,3% về kim
ngạch; phân bón tăng 20,3% về lượng và 16,8% về kim ngạch; giấy các loại tăng
5,6% về lượng và tăng 23,7% về kim ngạch; chất dẻo nguyên liệu tăng nhẹ về lượng
nhưng tăng tới 45,9% về kim ngạch, kim ngạch nhập khẩu máy móc thiết bị tăng
14,5%; kim ngạch nhập khẩu máy tính và linh kiện tăng 59,7%;...
Cũng như xuất khẩu, giá cả nhiều
mặt hàng trên thị trường tăng mạnh so với cùng kỳ là một trong những nguyên
nhân khiến kim ngạch nhập khẩu tăng cao: giá xăng dầu các loại tăng 48,2%; khí
đốt tăng 44,8%; chất dẻo nguyên liệu tăng 43,2%; sợi các loại tăng 34,6%; phôi
thép tăng 18,9%; kim loại thường tăng 53,0%;... Như vậy, riêng yếu tố tăng giá
của các mặt hàng này khiến kim ngạch nhập khẩu tăng 602 triệu USD.
Tháng 2, tốc độ tăng trưởng kim
ngạch nhập khẩu hàng hóa các thị trường chính so với cùng kỳ: Châu Á tăng
10,4%; Châu Âu tăng 1,6%; Châu Mỹ tăng 29,7%; Châu Đại Dương tăng 11,2%. Tính
chung 2 tháng: Châu Á tăng 41%; Châu Âu tăng 29,3%; Châu Mỹ tăng 66,2%; Châu Đại
Dương tăng 35,4%;... Thị phần kim ngạch nhập khẩu 2 tháng của một số thị trường
so với cùng kỳ: Châu Á chiếm 78,8%; Châu Âu chiếm 10,7%; Châu Mỹ chiếm 6,0%;
Châu Đại Dương chiếm 1,6%;... (Phụ lục 7).
3. Cán cân
thương mại
Tháng 2, Việt Nam nhập siêu 0,8
tỷ USD; tính chung 2 tháng ước đạt 1,75 tỷ USD, chiếm khoảng 20,0% kim ngạch xuất
khẩu.
Tóm lại, 2 tháng đầu năm 2010
kim ngạch xuất, nhập khẩu đều tăng so với cùng kỳ. Căn cứ tình hình hiện nay,
kim ngạch xuất khẩu quý I ước đạt 14,2 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 16,8
tỷ USD; giá trị nhập siêu khoảng 2,6 tỷ USD, tỷ lệ nhập siêu trên kim ngạch xuất
khẩu khoảng 18,3%.
Nền kinh tế thế giới còn nhiều
biến động bất thường do sự phục hồi kinh tế không đồng đều giữa các khu vực và
các nước, sự bất ổn về tài chính của một số quốc gia, diễn biến phức tạp của thị
trường hàng hóa như vàng, dầu mỏ và ngoại hối cùng với những khó khăn nội tại của
nền kinh tế trong nước đòi hỏi cần thiết phải có sự phối kết hợp chặt chẽ của các
cấp, các ngành và các doanh nghiệp thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng
Chính phủ tại văn bản số 2600/TTg-KTTH ngày 30 tháng 12 năm 2009 nhằm đẩy mạnh
xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu năm 2010.
4. Thị trường
trong nước
Trong dịp Tết Nguyên đán, thị
trường sôi động nhưng giá cả nhìn chung ổn định cho thấy sự chỉ đạo sát sao của
Chính phủ, của các Bộ, ngành đã phát huy hiệu quả trong việc bình ổn thị trường,
không để xảy ra tình trạng sốt hàng, sốt giá. Nguồn cung hàng hoá được chuẩn bị
tốt nên thị trường hàng hoá dịp Tết phong phú, đa dạng, đặc biệt là hàng hoá sản
xuất trong nước đã đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng kể cả ở các thành
phố lớn. Sức mua tại các hệ thống siêu thị bán lẻ tăng mạnh. Các điểm bán hàng
được mở đến tận vùng sâu vùng xa, địa bàn nông thôn hẻo lánh và các khu chế xuất,
khu công nghiệp.
Công tác kiểm tra kiểm soát thị
trường được đẩy mạnh. Các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường bán đúng giá
đăng ký. Ngăn chặn kịp thời các hành vi tăng giá bất hợp lý, buôn bán, vận chuyển
hàng cấm, hàng nhập lậu, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy, tổng mức
bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội tháng 2 đạt 124,6 nghìn tỷ đồng, tăng 1,6% so
với tháng 1, trong đó: ngành du lịch tăng 5,4%; dịch vụ tăng 2,9%; thương nghiệp
tăng 1,5%; khách sạn, nhà hàng tăng 0,8%. Tính chung 2 tháng ước đạt 247,3
nghìn tỷ đồng, tăng 33,4% so với cùng kỳ, trong đó: ngành du lịch có mức tăng
40,8%; ngành thương nghiệp tăng 34,2% và chiếm tỷ trọng cao nhất 79%; ngành dịch
vụ tăng 31,3%; ngành khách sạn, nhà hàng tăng 28,7%.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2
tăng 1,96% so với tháng 1 và tăng 3,35% so với tháng 12/2009. Nhóm hàng có mức
tăng giá mạnh nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống với mức tăng 3,09% so với
tháng 1, nhóm đồ uống và thuốc lá cũng có mức tăng cao 2,27%. Sau Tết các nhóm
hàng lương thực, thực phẩm giá đã có xu hướng giảm dần về mức ổn định.
Bước sang tháng 3, khi giá điện,
xăng dầu, tỷ giá USD có xu hướng tăng mạnh, để thực hiện mục tiêu kiềm chế mức
tăng giá cả năm dưới 7,0% cần thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp quản
lý điều hành giá cả một cách linh hoạt, theo dõi chặt chẽ sự biến động của giá
cả, tăng cường kiểm tra kiểm soát giá thị trường, tránh tình trạng “té nước
theo mưa” đặc biệt là đối với các mặt hàng thiết yếu.
III. HOẠT ĐỘNG
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
1. Công
tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
Trong tháng 2, đã ban hành 02
Thông tư: Thông tư liên tịch số 06/2010/TTTL-BCT-BTC ngày 03 tháng 02 năm 2010
của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính hướng dẫn giao, nhận, hoàn trả vốn đầu tư lưới
điện hạ áp nông thôn và Thông tư số 07/2010/TT-BCT ngày 12 tháng 2 năm 2010 của
Bộ Công Thương quy định việc nhập khẩu bổ sung đường theo hạn ngạch thuế quan
năm 2010.
Dự thảo Quyết định của Thủ tướng
Chính phủ về việc ban hành Quy chế phối hợp và phân công trách nhiệm giữa các
cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và
gian lận thương mại đã được Bộ Tư pháp thẩm định và chuẩn bị báo cáo Chính phủ
trong tháng 2 năm 2010.
2. Công tác hợp
tác kinh tế quốc tế
Tiếp tục chủ động triển khai các
hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế trên các phương diện song phương, khu vực và
đa phương.
2.1. Về công tác WTO
Tổ chức các đoàn tham dự các
phiên họp và đàm phán của WTO theo phê duyệt của Trưởng đoàn đàm phán; Tiến
hành nghiên cứu và xây dựng các phương án đàm phán Vòng Doha năm 2010; Chuẩn bị
nội dung đàm phán Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) lần đầu
tiên được tổ chức vào tháng 3 năm 2010.
2.2. Về công tác ASEAN
Triển khai theo dõi các công việc
liên quan đến hoạt động hợp tác kinh tế ASEAN; Tham dự Hội nghị Nhóm đặc trách
cao cấp về Hội nhập kinh tế lần thứ 17 được tổ chức tại Brunei; Chuẩn bị nội
dung cho Bộ trưởng tham dự Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế không chính thức ASEAN tại
Malaysia.
Tiếp tục phối hợp với các Bộ,
ngành giúp Bộ trưởng điều hành công việc với tư cách là Phó Chủ tịch UBQG về
ASEAN 2010 phụ trách các nội dung liên quan đến kinh tế - thương mại trong
khuôn khổ Hội đồng Cộng đồng Kinh tế (AEC).
2.3. Về công tác ASEM, APEC
Chuẩn bị đề án và tham dự Hội
nghị các quan chức cao cấp lần thứ 1 (SOM1) tổ chức tại Hiroshima, Nhật Bản;
Chuẩn bị nội dung và tham dự Đối thoại giữa các Quan chức cao cấp (SOM) và Hội
đồng tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC) được tổ chức tại Melbourne, Úc.
2.4. Về công tác hợp tác song
phương
Tiếp tục triển khai Đề án xây dựng
chiến lược đàm phán FTA và chuẩn bị nội dung liên quan các cuộc đàm phán song
phương Việt Nam - Chilê, Việt Nam - Hoa Kỳ.
3. Công
tác quản lý thị trường
Tháng 2 đã kiểm tra 16523 vụ, xử
lý 4.096 vụ vi phạm (trong đó có 1.023 vụ buôn bán hàng lậu, hàng cấm; 1.154 vụ
hàng giả, hàng kém chất lượng; 1.919 vụ kinh doanh trái phép và vi phạm trong
lĩnh vực giá) với số tiền thu hơn 18 tỷ đồng.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo về kiểm
tra, kiểm soát tình hình thị trường trong tháng Tết, tăng cường phối hợp với
các Ban, ngành chức năng, kết quả như sau: tình hình hoạt động buôn lậu qua
biên giới, vận chuyển, buôn bán và tàng trữ trái phép hàng cấm giảm nhiều so với
những năm trước; không có tình trạng các kho bãi tập kết hàng lậu lớn; ngăn chặn
và phát hiện kịp thời việc vận chuyển gia súc, gia cầm sống và sản phẩm gia súc
gia cầm nhập lậu trong dịp Tết Nguyên đán; việc niêm yết giá và bán theo giá
niêm yết được thực hiện rất tốt, chưa phát hiện các hành vi đầu cơ găm hàng,
tăng giá bất hợp lý. Nhìn chung thị trường ổn định so với thời điểm Tết các năm
trước.
IV. CÁC BIỆN
PHÁP THỰC HIỆN TRONG THÁNG 3
Để thực hiện một cách có hiệu quả
các giải pháp cấp bách của Chính phủ nhằm phục hồi tăng trưởng kinh tế và bảo đảm
an sinh xã hội, kiềm chế lạm phát ở mức 7,0%, các Tập đoàn, Tổng công ty, Công
ty cần nỗ lực triển khai đồng bộ các nhiệm vụ sau:
1. Tiếp tục áp dụng phương thức
điều hành linh hoạt, sát với tình hình thực tế để khai thác tốt năng lực sản xuất
và nhu cầu thị trường, đáp ứng một cách tốt nhất các sản phẩm thiết yếu của nền
kinh tế, đồng thời, đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng nguyên, phụ liệu cho sản xuất
thay thế hàng nhập khẩu.
2. Chỉ đạo và giám sát chặt chẽ
theo tiến độ các dự án đầu tư để sớm huy động vào sản xuất và nâng cao năng lực
cạnh tranh cho đơn vị. Tăng cường chỉ đạo thực hiện các dự án trọng điểm.
3. Tiếp tục đẩy mạnh công tác
xúc tiến thương mại nhằm tìm kiếm các thị trường tiềm năng mới. Tiếp tục thực
hiện các giải pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu theo chỉ đạo của
Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 2600/TTg-KTTH ngày 30 tháng 12 năm 2009 và
Chỉ thị 05/CT-BCT ngày 03 tháng 02 năm 2010 của Bộ Công Thương.
4. Tăng cường công tác quản lý
thị trường, kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa, phối hợp với các cơ quan chức
năng kiểm soát công tác vệ sinh an toàn thực phẩm hàng hoá lưu thông trên thị
trường sau tết.
5. Phối hợp với các cơ quan liên
quan tích cực tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp. Thực hiện có hiệu quả
các gói kích thích kinh tế của Chính phủ, nhất là gói kích cầu thị trường nội địa
và việc hỗ trợ lãi suất vay để tiêu thụ máy móc, thiết bị, vật tư theo Quyết định
497/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 2213/QĐ-TTg về việc sửa đổi,
bổ sung một số điều của Quyết định 497/QĐ-TTg./.
Nơi nhận:
- Bộ KHĐT;
- Lãnh đạo Bộ;
- VP TƯ Đảng;
- VP Chính phủ,
- UB Kinh tế của Quốc hội;
- Mạng diện rộng VPCP;
- Đảng uỷ Cơ quan Bộ;
- Các Vụ (qua mạng nội bộ);
- Lưu VT, KH (6).
|
KT.
BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Đỗ Hữu Hào
|