BỘ TƯ PHÁP
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 08/2022/TT-BTP
|
Hà Nội, ngày 01
tháng 11 năm 2022
|
THÔNG TƯ
BAN
HÀNH QUY TẮC ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP THỪA PHÁT LẠI
BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP
Căn cứ Nghị quyết
số 107/2015/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội về thực hiện chế định
Thừa phát lại;
Căn cứ Nghị định số
08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động
của Thừa phát lại;
Căn cứ Nghị định số
96/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng,
nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp,
Bộ Tư pháp;
Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư ban hành
Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại.
Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Quy tắc đạo đức nghề nghiệp
Thừa phát lại.
Điều 2. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22 tháng 12 năm
2022.
Điều 3. Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Thủ trưởng
các đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc các Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Thừa phát lại, Văn phòng Thừa phát lại,
Thừa phát lại và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành
Thông tư này./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ;
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND, Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Bộ Tư pháp: Bộ trưởng, các Thứ trưởng;
- Cục KTVBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo; Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp;
- Lưu: VT, BTTP.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Phan Chí Hiếu
|
QUY TẮC ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP THỪA PHÁT LẠI
(Ban hành kèm
theo Thông tư số 08/2022/TT-BTP ngày 01 tháng 11 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tư
pháp)
Lời nói đầu
Thừa phát lại là người có đủ tiêu chuẩn được Nhà nước
bổ nhiệm để thực hiện tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu; lập vi bằng; xác minh
điều kiện thi hành án dân sự; tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa
án theo quy định của pháp luật, qua đó bảo vệ quyền, lợi ích của Nhà nước, quyền
và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại quy định
các chuẩn mực đạo đức, hành vi ứng xử trong hành nghề, là cơ sở để Thừa phát lại
rèn luyện, tu dưỡng đạo đức nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, uy tín, trách
nhiệm nghề nghiệp, góp phần củng cố vị trí, vai trò của nghề Thừa phát lại
trong xã hội.
Chương I
NHỮNG QUY TẮC CHUNG
Điều 1. Bảo vệ lợi ích của
Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong xã hội
Thừa phát lại có nghĩa vụ trung thành, phụng sự Tổ
quốc, phục vụ Nhân dân; bằng hoạt động nghề nghiệp của mình góp phần bảo đảm
tính nghiêm minh, công bằng của pháp luật; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền
và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Điều 2. Bảo đảm thượng tôn
pháp luật, độc lập, khách quan, tôn trọng sự thật
1. Thừa phát lại phải thượng tôn Hiến pháp, pháp luật,
tự giác tuân thủ quy định của Quy tắc này trong hành nghề.
2. Thừa phát lại phải thực hiện công việc được giao
chính xác, đầy đủ, trách nhiệm và có thái độ độc lập, khách quan, trung thực,
tôn trọng sự thật.
Điều 3. Tôn trọng, bảo vệ uy
tín, thanh danh nghề nghiệp
1. Thừa phát lại có trách nhiệm tôn trọng, giữ gìn
uy tín nghề nghiệp.
2. Thừa phát lại phải ứng xử văn minh, lịch sự
trong hành nghề; lành mạnh trong lối sống để nhận được sự tôn trọng, tin cậy và
vinh danh của đồng nghiệp, người yêu cầu và xã hội về bản thân và nghề nghiệp của
mình.
3. Thừa phát lại phải mặc trang phục theo quy định,
đeo thẻ Thừa phát lại khi hành nghề.
Điều 4. Rèn luyện, tu dưỡng bản
thân
1. Thừa phát lại phải không ngừng rèn luyện, tu dưỡng
đạo đức; tích cực tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng; chủ động học hỏi để trau
dồi trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề, góp phần nâng cao chất
lượng công việc, phục vụ người yêu cầu.
2. Thừa phát lại phải tận tâm với công việc; sẵn
sàng tiếp nhận và giải quyết kịp thời, đầy đủ các yêu cầu hợp pháp của cá nhân,
tổ chức, bảo đảm đúng pháp luật, phù hợp với đạo đức xã hội.
Điều 5. Bảo mật thông tin, bảo
quản hồ sơ công việc
1. Thừa phát lại có trách nhiệm giữ bí mật, hướng dẫn
thư ký nghiệp vụ, nhân viên của Văn phòng mình giữ bí mật các thông tin trong hồ
sơ công việc và tất cả thông tin biết được về nội dung công việc trong và sau
khi giải quyết yêu cầu. Trường hợp cung cấp thông tin về việc thực hiện công việc
cho người khác phải được sự đồng ý bằng văn bản của người yêu cầu, trừ trường hợp
pháp luật có quy định khác.
2. Thừa phát lại có trách nhiệm bảo quản cẩn thận hồ
sơ công việc trong quá trình giải quyết các yêu cầu, bàn giao đầy đủ hồ sơ công
việc để lưu trữ theo quy định của pháp luật.
Chương II
QUAN HỆ CỦA THỪA PHÁT LẠI
VỚI NGƯỜI YÊU CẦU
Điều 6. Trách nhiệm trong việc
thực hiện yêu cầu
1. Thừa phát lại phải hướng dẫn, giải thích đầy đủ,
chính xác, đúng pháp luật cho người yêu cầu hiểu rõ về quyền, nghĩa vụ, hậu quả
pháp lý cụ thể phát sinh của việc thực hiện yêu cầu, nhất là giá trị pháp lý của
vi bằng.
2. Thừa phát lại có trách nhiệm cung cấp cho người
yêu cầu các thông tin có liên quan về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm nghề nghiệp
của Thừa phát lại trong hành nghề Thừa phát lại theo yêu cầu của họ.
Điều 7. Đối xử bình đẳng giữa
những người yêu cầu
Thừa phát lại bảo đảm đối xử bình đẳng giữa những
người yêu cầu; không được phân biệt đối xử về giới tính, dân tộc, chủng tộc,
tôn giáo, quốc tịch, địa vị xã hội, khả năng tài chính giữa những người yêu cầu
khi họ đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định pháp luật để thực hiện việc yêu cầu.
Điều 8. Thu chi phí
Trong trường hợp được ủy quyền của Trưởng Văn phòng
Thừa phát lại, Thừa phát lại có trách nhiệm thu đúng, thu đủ và công khai chi
phí theo thỏa thuận; khi thu chi phí phải ghi hóa đơn, chứng từ đầy đủ và thông
báo cho người yêu cầu biết rõ về các khoản thu và số tiền mà họ phải nộp.
Điều 9. Những việc Thừa phát lại
không được làm trong quan hệ với người yêu cầu
1. Sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho người yêu
cầu.
2. Nhận, đòi hỏi thêm bất kỳ một khoản tiền, lợi
ích nào khác từ người yêu cầu ngoài chi phí đã được ghi nhận trong hợp đồng.
3. Nhận tiền hoặc bất kỳ lợi ích nào khác từ người
thứ ba để thực hiện hoặc không thực hiện yêu cầu.
4. Nhận thực hiện yêu cầu trong trường hợp mục đích
và nội dung của yêu cầu vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội, không đúng nhiệm
vụ, quyền hạn của Thừa phát lại.
5. Lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án dân
sự, tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án có liên quan đến quyền,
lợi ích của chính mình với người yêu cầu, những người thân thích của mình, bao
gồm: Vợ, chồng, con đẻ, con nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, ông nội, bà
nội, ông ngoại, bà ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì và anh, chị, em ruột của Thừa
phát lại, của vợ hoặc chồng của Thừa phát lại; cháu ruột mà Thừa phát lại là
ông, bà, bác, chú, cậu, cô, dì.
6. Tư vấn, xúi giục, thông đồng, tạo điều kiện cho
người yêu cầu thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền và lợi
ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.
7. Gây áp lực, ép buộc, lừa dối, đe dọa, chiết khấu
hoặc đưa ra hứa hẹn nhằm lôi kéo người yêu cầu phải sử dụng dịch vụ.
8. Câu kết, thông đồng với người yêu cầu, những người
có liên quan làm sai lệch nội dung của vi bằng, hồ sơ công việc đã thực hiện hoặc
hành vi gian dối khác.
9. Cố ý thi hành trái nội dung bản án, quyết định;
trì hoãn hoặc kéo dài thời gian giải quyết việc thi hành án được giao không có
căn cứ pháp luật.
10. Các công việc bị cấm khác theo quy định của
pháp luật.
Chương III
QUAN HỆ CỦA THỪA PHÁT LẠI
VỚI ĐỒNG NGHIỆP, VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI, TỔ CHỨC XÃ HỘI - NGHỀ NGHIỆP
Điều 10. Quan hệ với đồng nghiệp,
Văn phòng Thừa phát lại, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Thừa phát lại
1. Tôn trọng, bảo vệ danh dự, uy tín của đồng nghiệp;
giữ gìn và phát huy tinh thần đoàn kết, thân thiện, hợp tác, giúp đỡ nhau hoàn
thành nhiệm vụ; có trách nhiệm giám sát lẫn nhau, kiên quyết đấu tranh loại bỏ
những hành vi sai trái trong hành nghề. Khi phát hiện đồng nghiệp có sai sót,
Thừa phát lại có nghĩa vụ góp ý thẳng thắn; báo cáo với cơ quan, tổ chức, người
có thẩm quyền nếu đó là hành vi vi phạm pháp luật hoặc gây tổn hại đến thanh
danh nghề nghiệp.
2. Chấp hành các nội quy, quy chế của Văn phòng Thừa
phát lại, điều lệ của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Thừa phát lại mà mình là
thành viên; đóng phí thành viên tổ chức xã hội - nghề nghiệp mà mình là thành
viên.
3. Hướng dẫn, giúp đỡ những đồng nghiệp mới vào nghề;
tăng cường trao đổi nghiệp vụ, giúp nhau cùng tiến bộ.
4. Tham gia tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Thừa
phát lại (nếu có); chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, của Văn
phòng Thừa phát lại nơi mình đang hành nghề và tổ chức xã hội - nghề nghiệp của
Thừa phát lại mà mình là thành viên.
5. Tham gia vào các hoạt động nghề nghiệp và hoạt động
xã hội khác do Nhà nước, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Thừa phát lại, Văn
phòng Thừa phát lại tổ chức hoặc phát động nhằm đóng góp vào sự phát triển
chung của nghề Thừa phát lại.
Điều 11. Những việc Thừa phát
lại không được làm trong quan hệ với đồng nghiệp, Văn phòng Thừa phát lại
1. Gây áp lực, đe dọa hoặc thực hiện các hành vi vi
phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội để giành lợi thế cho mình hoặc Văn phòng
mình trong hành nghề trước Thừa phát lại, Văn phòng Thừa phát lại khác.
2. Tiến hành hành vi quảng cáo bản thân và Văn
phòng của mình không đúng quy định của pháp luật nhằm cạnh tranh không lành mạnh
với Thừa phát lại, Văn phòng Thừa phát lại khác.
3. Hoạt động môi giới, nhận hoặc đòi tiền hoa hồng
khi giới thiệu cho đồng nghiệp về yêu cầu mà mình không đảm nhận.
4. Mở chi nhánh, văn phòng đại diện, cơ sở, địa điểm
giao dịch khác ngoài trụ sở Văn phòng Thừa phát lại.
5. Các hành vi khác trái đạo đức xã hội, vi phạm
pháp luật.
Điều 12. Quan hệ với người tập
sự hành nghề Thừa phát lại
1. Thừa phát lại có bổn phận tham gia vào công tác
hướng dẫn tập sự hành nghề Thừa phát lại; nêu cao trách nhiệm, tận tâm truyền đạt
kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm nghề nghiệp, đối xử tôn trọng, đúng mực với
người tập sự hành nghề Thừa phát lại.
2. Khi hướng dẫn tập sự, Thừa phát lại không được
thực hiện những hành vi sau:
a) Phân biệt đối xử với những người tập sự do mình
hướng dẫn.
b) Đòi hỏi lợi ích vật chất, tiền bạc, lợi ích khác
từ người tập sự.
c) Thông đồng với người tập sự để báo cáo sai sự thật,
thiếu chính xác về kết quả tập sự.
d) Lợi dụng tư cách là người hướng dẫn tập sự để buộc
người tập sự phải làm những việc không thuộc phạm vi tập sự hoặc những hành vi
vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội nhằm đạt được những lợi ích cho mình.
Chương IV
QUAN HỆ CỦA THỪA PHÁT LẠI
VỚI CƠ QUAN THI HÀNH ÁN DÂN SỰ, VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN, TÒA ÁN NHÂN DÂN VÀ CƠ
QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN KHÁC
Điều 13. Quan hệ với cơ quan
thi hành án dân sự
1. Sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ trong công việc hướng tới
hiệu quả công việc cao nhất; vì mục tiêu phát triển nghề nghiệp.
2. Không được có hành vi vi phạm gây ảnh hưởng xấu
đến hình ảnh, uy tín của cơ quan thi hành án dân sự.
3. Tích cực trao đổi, học hỏi kiến thức, kinh nghiệm,
kỹ năng giải quyết các công việc với cơ quan thi hành án dân sự.
4. Khi phát hiện người của cơ quan thi hành án dân
sự có hành vi sai phạm trong thực thi công vụ thì phải có trách nhiệm báo cáo với
cá nhân, cơ quan có trách nhiệm để kịp thời ngăn chặn, xử lý.
Điều 14. Quan hệ với Viện kiểm
sát nhân dân, Tòa án nhân dân
1. Tuân thủ nghiêm sự kiểm sát của Viện kiểm sát
nhân dân trong hoạt động hành nghề theo quy định của pháp luật; thực hiện đầy đủ
nghĩa vụ báo cáo, cung cấp hồ sơ, tài liệu phục vụ hoạt động kiểm sát của Viện
kiểm sát nhân dân theo quy định.
2. Có trách nhiệm cùng với Tòa án nhân dân tổ chức
thi hành các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự theo quy định
của pháp luật.
3. Phối hợp chặt chẽ với Tòa án nhân dân, Viện kiểm
sát nhân dân trong việc xem xét, đánh giá tính xác thực của vi bằng; thực hiện
đúng thỏa thuận tống đạt đã ký giữa các bên.
Điều 15. Quan hệ với truyền
thông
1. Thừa phát lại phải trung thực, chính xác, khách
quan khi cung cấp thông tin cho báo chí, phương tiện thông tin đại chúng, sử dụng
mạng xã hội. Nghiêm cấm sử dụng báo chí, phương tiện thông tin đại chúng, mạng
xã hội để phản ánh sai sự thật vì mục đích cá nhân, động cơ không trong sáng hoặc
tạo dư luận nhằm bảo vệ quyền lợi không hợp pháp của người yêu cầu hoặc phát
ngôn gây ảnh hưởng đến an ninh, lợi ích quốc gia và lợi ích công cộng.
2. Thừa phát lại không được viết bài, phát biểu
trên báo chí, phương tiện thông tin đại chúng, tại nơi công cộng, sử dụng mạng
xã hội để bịa đặt sai sự thật, công kích, bài xích hoặc gây chia rẽ, mất đoàn kết
nội bộ trong tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Thừa phát lại, Văn phòng Thừa
phát lại, gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của Thừa phát lại, nghề Thừa phát lại.
Điều 16. Quan hệ với cơ quan,
tổ chức, cá nhân khác
Thừa phát lại phải tuân thủ quy định của pháp luật,
có thái độ lịch sự, tôn trọng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá
trình thực thi nhiệm vụ, liên hệ công tác.
Chương V
KIỂM TRA, GIÁM SÁT, KHEN
THƯỞNG, XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 17. Kiểm tra, giám sát việc
tuân thủ Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại
1. Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp trong phạm vi chức
năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, giám sát, xử lý, kiến
nghị xử lý đối với các hành vi vi phạm trong việc thực hiện Quy tắc đạo đức nghề
nghiệp Thừa phát lại trong phạm vi toàn quốc.
2. Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, xử lý, kiến nghị xử lý đối với
các hành vi vi phạm trong việc thực hiện Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát
lại trong phạm vi địa phương quản lý.
3. Tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Thừa phát lại
có trách nhiệm giám sát việc thực hiện Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại
đối với Thừa phát lại là thành viên của tổ chức mình.
4. Văn phòng Thừa phát lại có trách nhiệm giám sát
việc thực hiện Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại đối với Thừa phát lại
của Văn phòng mình.
Điều 18. Khen thưởng và xử lý
vi phạm
1. Thừa phát lại gương mẫu trong thực hiện Quy tắc
đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại thì được Nhà nước và xã hội ghi nhận, vinh
danh.
2. Thừa phát lại thực hiện không đúng Quy tắc đạo đức
nghề nghiệp Thừa phát lại thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị nhắc nhở,
phê bình, khiển trách, xử lý kỷ luật theo nội quy, quy chế của Văn phòng Thừa
phát lại, điều lệ của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Thừa phát lại (nếu có);
bị xử phạt hành chính; trường hợp vi phạm nghiêm trọng thì bị miễn nhiệm hoặc
truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật./.