BỘ TÀI CHÍNH
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
138/2013/TT-BTC
|
Hà Nội, ngày 09
tháng 10 năm 2013
|
THÔNG TƯ
HƯỚNG
DẪN MỘT SỐ NỘI DUNG CỦA LUẬT GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP VÀ NGHỊ ĐỊNH SỐ 85/2013/NĐ-CP
NGÀY 29 THÁNG 7 NĂM 2013 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ BIỆN PHÁP THI HÀNH
LUẬT GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP
Căn cứ Luật Giám định tư pháp số 13/2012/QH13
ngày 20/6/2012;
Căn cứ Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng
7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định
tư pháp;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng
11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Tài chính;
Thực hiện Quyết định số 1549/QĐ-TTg ngày 16
tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành
Luật Giám định tư pháp;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế;
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn
một số nội dung của Luật Giám định tư pháp và Nghị định 85/2013/NĐ-CP ngày 29
tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật
Giám định tư pháp như sau:
I. QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn điều kiện về cơ sở vật chất
của Văn phòng giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính; lập, công bố danh
sách người giám định tư pháp theo vụ việc thuộc quản lý của Bộ Tài chính; lập,
công bố danh sách tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực tài
chính; áp dụng quy chuẩn chuyên môn cho hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh
vực tài chính và các nội dung khác liên quan đến giám định tư pháp trong lĩnh vực
tài chính.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với giám định viên tư pháp,
người giám định theo vụ việc thuộc quản lý của Bộ Tài chính; Văn phòng giám định
tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực tài chính; cá
nhân, tổ chức khác có liên quan trong việc tiếp nhận và thực hiện Quyết định
trưng cầu giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính của cơ quan tiến hành tố tụng,
người tiến hành tố tụng.
Điều 3. Lĩnh vực giám định tư
pháp
Giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính bao gồm:
Giám định tư pháp về kế toán, kiểm toán; Giám định tư pháp về giá; Giám định tư
pháp về chứng khoán; Giám định tư pháp về thuế; Giám định tư pháp về hải quan
và các lĩnh vực tài chính khác theo quy định của pháp luật.
Điều 4. Nguyên tắc lựa chọn,
phân công người, tổ chức thực hiện giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính
1. Việc lựa chọn giám định viên tư pháp, người giám
định tư pháp theo vụ việc, Văn phòng giám định tư pháp, tổ chức giám định tư
pháp theo vụ việc thực hiện giám định phải phù hợp với đối tượng, nội dung
trưng cầu giám định, đáp ứng các quy định tại Luật Giám định tư pháp, hướng dẫn
tại Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến giám định
tư pháp.
2. Việc cử cán bộ, công chức là giám định viên tư
pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc; việc phân công người của Văn phòng
giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc thực hiện giám định
phải đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 5. Điều kiện về cơ sở vật
chất của Văn phòng giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính
Văn phòng giám định tư pháp trong lĩnh vực tài
chính phải có đủ các điều kiện sau:
1. Có trụ sở riêng thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử
dụng tối thiểu là 03 (ba) năm kể từ ngày Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành
phố trực thuộc trung ương quyết định cho phép thành lập Văn phòng giám định.
Khi thay đổi trụ sở, Văn phòng giám định tư pháp phải
thông báo bằng văn bản đến Sở Tư pháp nơi đăng ký hoạt động trước 01 tháng.
2. Có phòng làm việc cho giám định viên và nhân
viên; có tủ hoặc kho hoặc khu vực riêng lưu trữ hồ sơ giám định.
Điều 6. Điều kiện đối với tổ chức
giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực tài chính
Tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực
tài chính phải có đủ điều kiện sau:
1. Đáp ứng điều kiện quy định tại Khoản
1 Điều 19 Luật Giám định tư pháp.
2. Có cán bộ có kinh nghiệm trong hoạt động chuyên
môn để thực hiện giám định.
3. Đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện chuyên môn tài
chính để thực hiện giám định theo quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 7. Lập, công bố Danh sách
tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc, giám định viên tư pháp, người giám định
tư pháp theo vụ việc
1. Tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trong
lĩnh vực tài chính gồm tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kế toán,
kiểm toán, thẩm định giá và lĩnh vực khác đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều
6 Thông tư này.
2. Việc lập, công bố danh sách tổ chức giám định tư
pháp theo vụ việc trong lĩnh vực tài chính quy định tại Điều 20
Luật Giám định tư pháp được thực hiện theo các quy định tại văn bản quy phạm
pháp luật hiện hành, cụ thể như sau:
a) Danh sách doanh nghiệp kế toán, kiểm toán được lập,
công bố theo quy định tại Thông tư số 64/2004/TT-BTC ngày 29/6/2004 của Bộ Tài
chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 105/2004/NĐ-CP và Quyết
định số 47/2005/QĐ-BTC ngày 14/07/2005 của Bộ Tài chính về việc “Chuyển giao
cho Hội nghề nghiệp thực hiện một số nội dung công việc quản lý hành nghề kế
toán, kiểm toán”; Quyết định số 89/2007/QĐ-BTC ngày 24/10/2007 của Bộ Tài chính
về việc ban hành Quy chế lựa chọn doanh nghiệp kiểm toán được chấp thuận kiểm
toán cho tổ chức phát hành, tổ chức niêm yết.
b) Danh sách doanh nghiệp thẩm định giá được lập,
công bố theo quy định tại Thông tư số 17/2006/TT-BTC ngày 13/3/2006 của Bộ Tài
chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 101/2005/NĐ-CP ngày 03/8/2005 của Chính
phủ về thẩm định giá.
c) Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật nêu tại điểm
a, b Khoản này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo văn bản
quy phạm pháp luật đó.
3. Danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc,
tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc thuộc lĩnh vực tài chính khác (nếu có)
được Bộ Tài chính rà soát, lập và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài
chính trước ngày 30 tháng 11 hàng năm, đồng thời gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp vào
danh sách chung.
Trường hợp có sự thay đổi thông tin liên quan đến tổ
chức giám định tư pháp theo vụ việc, người giám định tư pháp theo vụ việc đã
công bố thì Bộ Tài chính có trách nhiệm điều chỉnh danh sách và thông báo cho Bộ
Tư pháp trong thời gian 07 ngày làm việc, kể từ khi điều chỉnh danh sách.
Điều 8. Quyền, nghĩa vụ của người
giám định tư pháp, tổ chức được trưng cầu giám định tư pháp khi thực hiện giám
định tư pháp
Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp
theo vụ việc, Văn phòng giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc
được trưng cầu giám định tư pháp khi thực hiện giám định tư pháp trong lĩnh vực
tài chính có quyền, nghĩa vụ theo quy định tại Điều 23, Điều 24
Luật Giám định tư pháp và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết
thi hành.
Điều 9. Tiếp nhận trưng cầu
giám định tư pháp
1. Đối với Văn phòng giám định tư pháp, tổ chức
giám định tư pháp theo vụ việc:
a) Việc trưng cầu giám định tư pháp của cơ quan tiến
hành tố tụng, người tiến hành tố tụng (sau đây gọi là người trưng cầu giám định)
đối với Văn phòng giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc được
thực hiện bằng văn bản theo quy định tại Điều 25 Luật Giám định
tư pháp.
b) Khi nhận được văn bản trưng cầu của người trưng
cầu giám định, Văn phòng giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ
việc có trách nhiệm tiếp nhận và tổ chức thực hiện giám định theo nội dung được
trưng cầu, trừ trường hợp từ chối theo quy định tại điểm b Khoản
1 Điều 24 hoặc khoản 2 Điều 34 Luật Giám định tư pháp.
c) Trường hợp từ chối giám định, Văn phòng Giám định
tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc phải có văn bản gửi người trưng
cầu giám định trong thời hạn được quy định tại điểm d khoản 2
Điều 24 Luật Giám định tư pháp và nêu rõ lý do từ chối nhận trưng cầu giám
định.
2. Đối với giám định viên tư pháp, người giám định
tư pháp theo vụ việc là cán bộ, công chức của Bộ Tài chính:
a) Trường hợp văn bản trưng cầu giám định tư pháp gửi
đến Bộ Tài chính: Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì, phối hợp với Thủ trưởng đơn vị thuộc
Bộ có liên quan căn cứ nội dung trưng cầu giám định tư pháp để lựa chọn giám định
viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực tài chính hoặc
cán bộ, công chức có đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều
18 Luật Giám định tư pháp trình Bộ trưởng Bộ Tài chính ký văn bản cử người
thực hiện giám định tư pháp.
b) Trường hợp văn bản trưng cầu giám định tư pháp gửi
Tổng cục hoặc tương đương: Thủ trưởng đơn vị căn cứ nội dung trưng cầu giám định
để lựa chọn và ký văn bản cử giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp
theo vụ việc trong lĩnh vực tài chính hoặc cán bộ, công chức của đơn vị có đủ
điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật Giám định tư
pháp. Văn bản cử người phải gửi Bộ Tài chính (Vụ Tổ chức cán bộ) để theo
dõi, phối hợp thực hiện khi có phát sinh.
c) Trường hợp văn bản trưng cầu giám định tư pháp gửi
các đơn vị cấp Cục thuộc Tổng cục (hoặc tương đương) đóng tại địa phương: Thủ
trưởng đơn vị căn cứ nội dung trưng cầu giám định để lựa chọn và ký văn bản cử
giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực tài
chính hoặc cán bộ, công chức của đơn vị có đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật Giám định tư pháp. Văn bản cử người phải
gửi Tổng cục và Bộ Tài chính (Vụ Tổ chức cán bộ) để theo dõi, phối hợp thực hiện
khi có phát sinh.
d) Trường hợp văn bản trưng cầu giám định tư pháp
có nội dung không thuộc phạm vi quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính, Bộ
Tài chính (Vụ Tổ chức cán bộ), Tổng cục hoặc tương đương, các đơn vị cấp Cục
đóng tại địa phương có văn bản từ chối nhận trưng cầu giám định gửi người trưng
cầu giám định.
đ) Trường hợp người trưng cầu giám định trưng cầu
trực tiếp giám định viên, người giám định tư pháp theo vụ việc là cán bộ, công
chức các đơn vị của Bộ Tài chính thì giám định viên, người giám định tư pháp
theo vụ việc báo cáo Thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý mình để bố trí, tạo điều
kiện thực hiện giám định.
Điều 10. Tiếp nhận đối tượng
giám định và tài liệu, đồ vật có liên quan
1. Trong trường hợp trưng cầu giám định tư pháp có
kèm theo đối tượng giám định, tài liệu, đồ vật liên quan (nếu có) khi giao, nhận
phải được lập thành biên bản. Biên bản giao, nhận phải có đủ các nội dung theo
quy định tại khoản 2 Điều 27 Luật Giám định tư pháp.
2. Việc giao, nhận đối tượng giám định, tài liệu, đồ
vật liên quan (nếu có) được thực hiện như sau:
a) Trường hợp giao, nhận trực tiếp thì phải được tiến
hành tại trụ sở cơ quan của giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp
theo vụ việc, cán bộ, công chức được cử thực hiện giám định, trụ sở của Văn
phòng giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc hoặc trụ sở của
người trưng cầu giám định.
b) Trường hợp đối tượng giám định có niêm phong được
gửi qua đường bưu chính thì trước khi mở phải kiểm tra kỹ niêm phong. Khi mở
niêm phong phải lập biên bản theo quy định tại khoản 1 Điều này. Trường hợp
phát hiện niêm phong bị rách hoặc có dấu hiệu bị thay đổi, người được trưng cầu
hoặc tổ chức được trưng cầu thực hiện giám định tư pháp có quyền từ chối nhận
và ghi vào biên bản mở niêm phong.
3. Trong trường hợp việc trưng cầu giám định không
kèm theo đối tượng giám định, tài liệu, đồ vật liên quan nhưng hồ sơ thể hiện
có đối tượng giám định, tài liệu, đồ vật có liên quan thì cá nhân, tổ chức được
trưng cầu giám định tư pháp yêu cầu người trưng cầu giám định và các bên có
liên quan bổ sung hoặc tạo điều kiện tiếp cận đối tượng giám định và tài liệu,
đồ vật có liên quan (nếu có) để phục vụ thực hiện giám định.
Điều 11. Áp dụng quy chuẩn
chuyên môn cho hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính
1. Quy chuẩn chuyên môn được áp dụng cho hoạt động
giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính là các chuẩn mực về kế toán, kiểm
toán; tiêu chuẩn về thẩm định giá, quy chế tính giá và các chuẩn mực, tiêu chuẩn
khác được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính.
2. Đối với lĩnh vực không có quy chuẩn thì việc
giám định được căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật quy định về lĩnh vực cần
giám định.
3. Việc giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính
phải căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực thi hành tại thời điểm
xảy ra vụ việc.
Điều 12. Thực hiện giám định
1. Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp
theo vụ việc hoặc người được cử giám định, Văn phòng giám định tư pháp, tổ chức
giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực tài chính triển khai thực hiện
giám định như sau:
a) Lập đề cương giám định với các nội dung cơ bản
sau:
- Xác định các quy chuẩn chuyên môn, quy định của
pháp luật liên quan dự kiến được áp dụng khi thực hiện giám định theo hướng dẫn
tại Điều 11 Thông tư này.
- Danh sách nhân sự thực hiện giám định, người được
phân công chủ trì thực hiện giám định, thông tin về năng lực của các cá nhân thực
hiện giám định (nếu có).
- Thời gian dự kiến hoàn thành giám định.
- Các điều kiện khác theo quy định của pháp luật để
thực hiện giám định.
Trường hợp cần thiết, cá nhân, tổ chức thực hiện
giám định đề nghị với người trưng cầu giám định cho khảo sát đối tượng giám định
để phục vụ công tác lập kế hoạch và thực hiện giám định, trừ trường hợp pháp luật
có quy định khác.
b) Thu thập thông tin, tài liệu có liên quan đến nội
dung được trưng cầu giám định.
c) Thực hiện giám định.
d) Báo cáo kết quả hoặc đưa ra kết luận giám định
theo hướng dẫn tại Điều 13 Thông tư này.
2. Trường hợp có thay đổi nhân sự giám định, Văn
phòng giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc, Thủ trưởng đơn
vị cử người thực hiện giám định có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho người
trưng cầu giám định biết.
3. Trong quá trình thực hiện, người thực hiện giám
định phải lập văn bản ghi nhận quá trình và kết quả thực hiện giám định theo
quy định tại Điều 31 Luật Giám định tư pháp.
4. Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp
theo vụ việc khi thực hiện giám định tư pháp có quyền sử dụng kết quả thực nghiệm,
xét nghiệm bổ sung hoặc kết luận chuyên môn do cá nhân, tổ chức khác có đủ điều
kiện, năng lực phù hợp theo quy định tại Thông tư này thực hiện nhằm phục vụ
cho việc giám định.
Điều 13. Kết luận giám định
1. Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp
theo vụ việc, Văn phòng giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc
trong lĩnh vực tài chính phải lập kết luận giám định theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Luật Giám định tư pháp.
2. Kết luận giám định do Văn phòng giám định tư
pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực tài chính thực hiện
phải có chữ ký của người thực hiện giám định, đồng thời người đứng đầu tổ chức
phải ký tên, đóng dấu vào bản kết luận giám định và chịu trách nhiệm về kết luận
giám định.
3. Kết luận giám định do giám định viên tư pháp,
người giám định tư pháp theo vụ việc thực hiện phải có chữ ký của người thực hiện
giám định. Chữ ký của người thực hiện giám định được chứng thực theo quy định tại
khoản 2 Điều 32 Luật Giám định tư pháp.
Điều 14. Lập hồ sơ giám định
tư pháp trong lĩnh vực tài chính
1. Hồ sơ giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính
được lập thống nhất theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Giám
định tư pháp, bao gồm các tài liệu sau:
a) Quyết định trưng cầu giám định (01 bản chính) và
tài liệu kèm theo (nếu có).
b) Văn bản ghi nhận quá trình thực hiện giám định
(01 bản chính).
c) Kết luận giám định trước đó (bản chính hoặc bản
sao, nếu có).
d) Danh mục hoặc văn bản quy phạm pháp luật, quy
chuẩn chuyên môn được áp dụng trong quá trình giám định.
đ) Kết luận giám định tư pháp (01 bản chính).
e) Tài liệu khác liên quan (nếu có).
2. Cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp chịu
trách nhiệm về tính chính xác của hồ sơ được lập và phải xuất trình hồ sơ giám
định tư pháp khi có yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng
có thẩm quyền giải quyết các vụ án theo quy định của pháp luật tố tụng.
Điều 15. Lưu hồ sơ giám định
tư pháp trong lĩnh vực tài chính
1. Văn phòng giám định tư pháp, tổ chức giám định
tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực tài chính có trách nhiệm bảo quản, lưu trữ
hồ sơ giám định do mình thực hiện theo quy định của pháp luật về lưu trữ.
Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp
theo vụ việc là các cán bộ, công chức của Bộ Tài chính có trách nhiệm bảo quản,
lưu trữ hồ sơ giám định do mình thực hiện theo quy định tại Quy chế văn thư ban
hành kèm theo Quyết định số 1313/QĐ-BTC ngày 28/5/2012 của Bộ trưởng Bộ Tài
chính về công tác văn thư, Quyết định số 62/QĐ-BTC ngày 10/5/2005 của Bộ trưởng
Bộ Tài chính về công tác lưu trữ, Quyết định số 1939/QĐ-BTC ngày 12/8/2011 của
Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về công tác lập hồ sơ, danh mục hồ sơ và giao nộp
hồ sơ vào lưu trữ và các văn bản quy phạm pháp luật khác.
2. Khi hết thời hạn lưu trữ, hồ sơ giám định tư
pháp trong lĩnh vực tài chính được tiêu hủy theo quy định của pháp luật về lưu
trữ.
III. HIỆU LỰC THI HÀNH
Điều 16. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 12
năm 2013.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng
mắc, các cá nhân, tổ chức phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải
quyết./.
Nơi nhận:
- VP TW Đảng và các Ban của Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- VP QH, VP Chủ tịch nước;
- VP Tổng Bí thư;
- Các Bộ, CQ ngang Bộ, CQ thuộc CP;
- Viện kiểm sát NDTC; Tòa án NDTC;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Văn phòng BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- Cơ quan TW của các đoàn thể;
- UBND, Sở TC các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Website Chính phủ;
- Website Bộ Tài chính;
- Các đơn vị thuộc Bộ;
- Lưu: VT; PC.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Trương Chí Trung
|