ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 673/QĐ-UBND
|
Kon Tum, ngày 16
tháng 7 năm 2020
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI
GIAI ĐOẠN 2020 - 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11
năm 2019;
Căn cứ Luật Thi hành án dân
sự năm 2008; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm
2014;
Căn cứ Nghị định số
62/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng
dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự;
Căn cứ Nghị định số
08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của
Thừa phát lại;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở
Tư pháp.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Phê duyệt Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại
giai đoạn 2020 - 2030 trên địa bàn tỉnh Kon Tum (Có Đề án kèm theo).
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3.
Giám đốc Sở Tư pháp; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi
hành quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Tư pháp (b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (b/c);
- Đoàn ĐBQH tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các sở, ban ngành thuộc tỉnh;
- TAND tỉnh; VKSND tỉnh; Cục THADS tỉnh;
- Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Kon Tum;
- Báo Kon Tum, Đài PTTH tỉnh;
- Lưu VT, NC(NTT), TTPVHCC.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Hòa
|
ĐỀ ÁN
PHÁT TRIỂN VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI GIAI ĐOẠN
2020 - 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM
(Ban hành kèm theo Quyết định số /QĐ-UBND ngày tháng
7 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum)
Phần I
CƠ SỞ PHÁP LÝ VÀ
THỰC TIỄN XÂY DỰNG ĐỀ ÁN THỰC HIỆN CHẾ ĐỊNH THỪA PHÁT LẠI TẠI KON TUM
I. CƠ SỞ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
Căn cứ Nghị quyết
số 48-NQ/TW ngày 24 tháng 05 năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng
và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020;
Căn cứ Nghị quyết
số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư
pháp đến năm 2020;
Căn cứ Luật Thi
hành án dân sự năm 2008; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án
dân sự năm 2014;
Căn cứ Nghị quyết
số 107/2015/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội về thực hiện chế định
Thừa phát lại;
Căn cứ Nghị định
số 62/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng
dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự;
Căn cứ Nghị định
số 08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động
của Thừa phát lại;
Căn cứ Thông tư
liên tịch số 03/2014/TTLT-BTP-NHNNVN ngày 17 tháng 01 năm 2014 của Bộ Tư pháp,
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn về việc xác minh điều kiện thi hành án của
Thừa phát lại tại các tổ chức tín dụng;
Căn cứ Thông tư số
12/2014/TT-BTP ngày 26 tháng 4 năm 2014 của Bộ Tư pháp quy định về mẫu, nguyên
tắc sử dụng trang phục, nguyên tắc cấp phát, sử dụng thẻ Thừa phát lại;
Căn cứ Thông tư số
223/2016/TT-BTC ngày 10 tháng 11 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế
độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề
Thừa phát lại; phí thẩm định điều kiện thành lập, hoạt động Văn phòng Thừa phát
lại;
Căn cứ mục 10, Phần
II Quyết định số 490/QĐ-BTP ngày 13 tháng 3 năm 2020 của Bộ Tư pháp về việc ban
hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01
năm 2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại.
II. CƠ SỞ THỰC TIỄN XÂY DỰNG ĐỀ ÁN.
1. Về đặc điểm tình hình kinh tế - xã hội; thói quen, nhu cầu và khả
năng sử dụng các dịch vụ pháp lý nói chung của người dân trên địa bàn tỉnh:
Kon Tum là tỉnh
miền núi, biên giới, nằm ở phía Bắc của Tây Nguyên, có diện tích tự nhiên
9.674,18 km2; tỉnh Kon Tum có 09 huyện (trong đó có 04 huyện biên
giới), 01 thành phố, với 102 đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn (có
13 xã biên giới); dân số 540.438 người(1),
với 42 dân tộc sinh sống(2);
có đường biên giới dài 292,522 km (giáp 02 tỉnh Sê Kông và Attapư, nước Cộng
hoà Dân chủ Nhân dân Lào dài 154,222 km; giáp tỉnh Rattanakiri, Vương quốc
Campuchia dài 138,3 km); có 01 Cửa khẩu quốc tế Bờ Y (giáp với Cửa khẩu
Phu Cưa/Lào); phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam; phía Đông giáp tỉnh Quảng
Ngãi; phía Nam giáp tỉnh Gia Lai.
Trong những năm
qua, kinh tế tỉnh Kon Tum đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và toàn diện
trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng và xây dựng hệ
thống chính trị. Tổng thu ngân sách nhà nước của tỉnh năm 2019 đạt 3.250.961
triệu đồng. Trong đó, về công nghiệp, đáng chú ý là các ngành công nghiệp như:
thủy điện, chế biến nông, lâm sản và khai thác khoáng sản; về nông nghiệp có ưu
thế về trồng cây công nghiệp lâu năm như: cao su, cà phê, hồ tiêu... Tuy nhiên,
với đặc thù là một tỉnh miền núi với số lượng người dân tộc thiểu số chiếm khoảng
53% dân số toàn tỉnh, với trình độ dân trí còn thấp, chưa có thói quen sử dụng
các dịch vụ pháp lý thường xuyên(3).
2. Về hoạt động tống đạt các loại văn bản, thi hành các bản án, quyết định
của Tòa án, số vụ việc thụ lý của cơ quan Thi hành án dân sự:
- Về hoạt động tống
đạt của cơ quan Tòa án: Từ ngày 01 tháng 10 năm 2016 đến ngày 30 tháng 9 năm
2019, các cơ quan Tòa án đã thực hiện tống đạt 28.982 văn bản.
- Về công tác thi
hành các bản án, quyết định của Tòa án được thực hiện theo quy định của pháp luật(4).
Những năm qua, việc
tống đạt các loại văn bản, thi hành các bản án, quyết định của Tòa án, xác minh
điều kiện thi hành án dân sự của cơ quan thi hành án dân sự và Tòa án nhìn
chung kết quả thực hiện tốt, đảm bảo tính hợp lệ, hợp pháp theo quy định của
pháp luật, kịp thời, góp phần quan trọng trong việc giải quyết, xét xử và thi
hành án đúng pháp luật.
Tuy nhiên, trong
điều kiện tình hình cơ cấu, tổ chức của Tòa án nhân dân và cơ quan thi hành án
dân sự tỉnh Kon Tum đang từng bước được kiện toàn, trong khi số lượng các vụ việc
phát sinh tại các đơn vị tăng lên qua từng năm kéo theo việc tống đạt các văn bản
tố tụng ngày càng nhiều (mỗi năm tính bình quân số lượng các vụ việc phát
sinh tăng khoảng từ 07% đến 10%). Hiện nay, số lượng vụ việc thi hành án
dân sự của một số Chi cục Thi hành án dân sự có chiều hướng tăng(5).
Mặt khác, các văn
bản pháp luật mới về nội dung và hình thức có hiệu lực pháp luật được đưa vào
thi hành trong thực tế (Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Bộ luật hình
sự...), yêu cầu đội ngũ Thẩm phán, Thư ký Tòa án, Thẩm tra viên, Chấp hành
viên cần tập trung thực hiện tốt các thủ tục tố tụng và thi hành án dân sự theo
quy định, nên việc dần chuyển giao hoạt động tống đạt văn bản tố tụng của Tòa
án nhân dân và cơ quan thi hành án dân sự; xác minh điều kiện thi hành án dân sự
của cơ quan Thi hành án dân sự cho tổ chức Thừa phát lại là cần thiết.
Trên cơ sở quy định
tại khoản 1, 2 Điều 21 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020 của
Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại; Ủy ban nhân dân tỉnh ban
hành Quyết định phê duyệt Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn
tỉnh Kon Tum (sau đây gọi tắt là Đề án).
Phần II
QUAN ĐIỂM VÀ MỤC
TIÊU CỦA ĐỀ ÁN
I. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
1. Việc xây dựng
Đề án phải bảo đảm đúng chủ trương, đường lối nghị quyết của Đảng, pháp luật của
Nhà nước nói chung và lĩnh vực Thừa phát lại nói riêng, đáp ứng yêu cầu cải
cách tư pháp, cải cách hành chính và nhu cầu của xã hội. Thực hiện Nghị quyết số
49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về chiến lược
cải cách tư pháp đến năm 2020; Nghị quyết số 107/2015/NQ-QH13 ngày 26 tháng 11
năm 2015 của Quốc hội và triển khai thực hiện hiệu quả Nghị định số
08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của
Thừa phát lại.
2. Phát triển đội
ngũ Thừa phát lại và Văn phòng Thừa phát lại tại địa phương đủ về số lượng, bảo
đảm về chất lượng, theo hướng chuyên nghiệp hóa, đáp ứng nhu cầu dịch vụ pháp
lý ngày càng cao của các cơ quan, tổ chức, công dân, doanh nghiệp; nâng cao vị
trí, vai trò của đội ngũ Thừa phát lại trong việc góp phần bảo vệ quyền và lợi
ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp.
II. MỤC TIÊU THỰC HIỆN CHẾ ĐỊNH THỪA PHÁT LẠI TẠI ĐỊA PHƯƠNG
1. Mục tiêu
chung:
- Phát triển Văn
phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh phù hợp với nhu cầu thực tế, theo lộ
trình, ổn định phát triển bền vững.
- Phát triển Văn
phòng Thừa phát lại phải đi đôi với việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý
nhà nước đối với hoạt động Thừa phát lại và theo yêu cầu cải cách tư pháp, cải
cách hành chính, đẩy nhanh và từng bước xã hội hóa hoạt động một số công việc về
thi hành án dân sự tại địa phương.
2. Mục tiêu cụ
thể:
- Đưa ra các giải
pháp, kế hoạch nhằm triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 107/2015/NQ-QH13 ngày
26 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội về việc thực hiện chế định Thừa phát lại; Nghị
định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt
động của Văn phòng Thừa phát lại góp phần thực hiện mục tiêu cải cách tư pháp,
cải cách hành chính của Đảng và Nhà nước đã đề ra.
- Xây dựng lộ
trình cụ thể trong việc thực hiện chế định Thừa phát lại. Từ năm 2020 đến năm
2025 phát triển 02 Văn phòng Thừa phát lại. Theo đó, cho phép thành lập 01 Văn
phòng Thừa phát lại tại thành phố Kon Tum và 01 Văn phòng Thừa phát lại tại huyện
Ngọc Hồi là những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển của tỉnh.
- Từ năm 2025 đến
năm 2030, tiếp tục phát triển thêm 04 Văn phòng Thừa phát lại. Theo đó, cho
phép thành lập mới: 01 Văn phòng Thừa phát lại tại huyện Sa Thầy, 01 Văn phòng
Thừa phát lại tại huyện Đăk Tô, 01 Văn phòng Thừa phát lại tại huyện Kon Rẫy,
01 Văn phòng Thừa phát lại tại huyện Đăk Hà là những địa phương có điều kiện
kinh tế - xã hội tương đối phát triển của tỉnh.
- Đảm bảo cơ chế
để các tổ chức Thừa phát lại hoạt động và phát triển; phấn đấu để số lượng các
công dân, cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ Thừa phát lại ngày
càng tăng.
Phần III
NỘI DUNG CỦA ĐỀ
ÁN
I. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI TẠI ĐỊA PHƯƠNG
1. Định hướng chung:
Đặc điểm Kon Tum
là một tỉnh miền núi, địa bàn rộng lớn, mật độ dân số khá thưa thớt, bố trí
không đồng đều, phần lớn dân số tập trung tại thành phố Kon Tum và một số huyện
có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, giao thông thuận lợi như các huyện:
Ngọc Hồi, Đăk Hà, các huyện còn lại dân số tập trung tương đối ít (khoảng dưới
50.000 dân). Chính vì vậy, việc định hướng phát triển Văn phòng Thừa phát lại
trên địa bàn cần phải được xây dựng lộ trình theo 02 giai đoạn trên cơ sở căn cứ
vào điều kiện kinh tế - xã hội, mật độ dân số, khối lượng công việc của từng địa
bàn và khả năng phát triển bền vững của tổ chức Thừa phát lại. Theo đó, giai đoạn
thứ nhất phát triển Văn phòng Thừa phát lại tại thành phố Kon Tum và huyện Ngọc
Hồi là những địa bàn có điều kiện kinh tế phát triển tại địa phương để thí điểm
và rút kinh nghiệm, giai đoạn thứ hai sẽ phát triển thêm các tổ chức Thừa phát
lại tại các địa bàn cấp huyện khác có khối lượng vụ việc có chiều hướng gia
tăng. Triển khai Đề án thành 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn có thời hạn 05 năm, từ
nay đến năm 2030.
2. Dự báo về khối lượng công việc về tống đạt các loại văn bản, thi
hành các bản án, quyết định của Tòa án nhân dân, xác minh điều kiện thi hành án
dân sự của cơ quan Thi hành án dân sự và Tòa án nhân dân đến năm 2025:
Căn cứ vào sự
tăng trưởng kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh cũng như khối lượng công việc về
tống đạt các loại văn bản, thi hành các bản án, quyết định của Tòa án, xác minh
điều kiện thi hành án dân sự của cơ quan thi hành án dân sự và Tòa án từ năm
2016 đến năm 2019, dự báo khối lượng công việc sẽ tăng từ 5% đến 10% mỗi năm.
Trong đó, khối lượng công việc sẽ tập trung chủ yếu vào các địa bàn có mật độ
dân số cao(6).
3. Nguồn nhân sự để phát triển Thừa phát lại:
Để đảm bảo hoạt động
cho các Văn phòng Thừa phát lại thường xuyên cần phải có 01 Thừa phát lại/01
Văn phòng Thừa phát lại.
Ngoài ra, huyện
Ngọc Hồi cũng là địa phương cũng có mật độ dân số tương đối lớn, dự báo có chiều
hướng tăng khối lượng công việc trong 05 năm tới, cụ thể: Dân số trên 58.000
người. Năm 2019, số việc thi hành án dân sự là 716/5.056, chiếm 14,1% so với cả
tỉnh; tống đạt văn bản của Tòa án 1.224/7.776, chiếm 15,7% so với số liệu của
toàn tỉnh. Đây là những địa phương hội tụ nhiều yếu tố, điều kiện thuận lợi và
tiềm năng để phát triển tổ chức Thừa phát lại. Đảm bảo vừa đáp ứng nhu cầu dịch
vụ pháp lý của người dân và tổ chức đồng thời Văn phòng Thừa phát lại có thể tồn
tại và phát triển được bền vững.
- Dự kiến số lượng
Văn phòng Thừa phát lại: Từ năm 2020 - 2025, cần phải phát triển ít nhất 02 Thừa
phát lại (02 Văn phòng Thừa phát lại); từ năm 2025 - 2030, cần phải phát
triển ít nhất 06 Thừa phát lại (06 Văn phòng Thừa phát lại).
- Để xây dựng nguồn
Thừa phát lại đảm bảo hoạt động cho các tổ chức Thừa phát lại, Sở Tư pháp phối
hợp với các sở, ngành có liên quan: tạo điều kiện cho các cán bộ có trình độ cử
nhân luật trở lên công tác tại các cơ quan tư pháp, các sở, ngành có thâm niên
công tác từ 03 năm trong ngành pháp luật trở lên có nhu cầu hành nghề Thừa phát
lại tham gia các khóa tập huấn về nghề Thừa phát lại do Bộ Tư pháp tổ chức; rà
soát, khuyến khích các cán bộ đã từng là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Chấp hành viên,
Điều tra viên từ Trung cấp trở lên đã nghỉ hưu hoặc thôi việc theo nguyện vọng;
các luật sư, công chứng viên có nhu cầu hành nghề Thừa phát lại tham gia các
khóa tập huấn về nghề Thừa phát lại và làm thủ tục bổ nhiệm Thừa phát lại, mở
Văn phòng Thừa phát lại tại các địa điểm được quy hoạch theo lộ trình.
II. LỘ TRÌNH PHÁT TRIỂN TỔ CHỨC THỪA PHÁT LẠI.
Trên cơ sở dự báo
về khối lượng vụ việc trong những năm tiếp theo, trước hết cần tập trung phát
triển tổ chức Thừa phát lại tại địa bàn cấp huyện có điều kiện kinh tế - xã hội
phát triển, có dân số lớn hơn 60.000 người, khối lượng việc thi hành án lớn hơn
200 vụ việc/chấp hành viên/năm. Trong thời gian đến xem xét cho phép thành lập
mới Văn phòng Thừa phát lại tại các địa bàn cấp huyện khác có kinh tế - xã hội
phát triển của tỉnh. Lộ trình được chia thành 02 giai đoạn cụ thể như sau:
1. Lộ trình 1:
Từ năm 2020 - 2025, phát triển 02 Văn phòng Thừa phát
lại, gồm: cho phép thành lập 01 Văn phòng Thừa phát lại ở thành phố Kon Tum và
01 Văn phòng Thừa phát lại ở huyện Ngọc Hồi.
2. Lộ trình 2:
Từ năm 2025 - 2030, phát triển thêm 04 Văn phòng Thừa
phát lại, gồm: cho phép thành lập mới 01 Văn phòng Thừa phát lại ở huyện Kon Rẫy,
01 Văn phòng Thừa phát lại ở huyện Đăk Tô, 01 Văn phòng Thừa phát lại ở huyện
Sa Thầy, 01 Văn phòng Thừa phát lại ở huyện Đăk Hà.
Phần IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
I. LỘ TRÌNH TỪ NĂM 2020 - 2025
1. Tổ chức quán
triệt, triển khai thi hành Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020
của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại.
2. Xây dựng kế hoạch
cụ thể triển khai Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh
Kon Tum theo quy định pháp luật và tình hình thực tế của địa phương.
3. Xây dựng quy
chế phối hợp giữa Sở Tư pháp với Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh,
Cục Thi hành án dân sự tỉnh và các cơ quan có liên quan trong việc thực hiện chế
định Thừa phát lại tại địa bàn và phối hợp triển khai thực hiện quy chế.
4. Phối hợp với Bộ
Tư pháp cử cán bộ, công chức có liên quan của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát
nhân dân, Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Chi cục Thi hành án dân sự cấp
huyện và các Thừa phát lại, Thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại tham gia các lớp tập
huấn do Bộ Tư pháp tổ chức.
5. Tạo điều kiện
thuận lợi để các cá nhân làm thủ tục bổ nhiệm Thừa phát lại và mở Văn phòng thừa
phát lại tại các địa điểm được quy hoạch theo lộ trình.
6. Tổ chức kiểm
tra, thanh tra, giám sát nhằm kịp thời xử lý, chấn chỉnh, khắc phục những vi
phạm trong tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại tại địa phương; xem xét, tháo
gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Thời gian thực hiện
các nhiệm vụ trên được xây dựng cụ thể trong Kế hoạch triển khai thực hiện Đề
án.
II. LỘ TRÌNH TỪ NĂM 2025 - 2030
1. Tổ chức sơ kết
05 năm triển khai chế định Thừa phát lại tại địa phương, rút ra những bài học
kinh nghiệm triển khai, khắc phục khó khăn, đề ra các giải pháp cụ thể nhằm
nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước trong giai đoạn 2020 - 2025.
2. Tiếp tục phát
triển Thừa phát lại và Văn phòng Thừa phát lại đủ số lượng đã được xây dựng
theo lộ trình.
3. Tiếp tục triển
khai Quy chế phối hợp giữa Sở Tư pháp với Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát
nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự và các cơ quan liên quan trong việc thực
hiện chế định Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh.
4. Tăng cường
công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát nhằm kịp thời xử lý, chấn chỉnh những vi
phạm của Thừa phát lại và Văn phòng Thừa phát lại.
III. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC CÓ LIÊN QUAN
1. Các sở, ngành,
Ủy ban nhân dân huyện, thành phố trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình phối
hợp với Sở Tư pháp thực hiện Đề án tại địa phương.
2. Sở Thông tin
và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và Báo Kon Tum theo chức
năng nhiệm vụ của ngành và nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp với các
cơ quan có liên quan đưa tin, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về Thừa phát lại
đến toàn thể người dân, tổ chức trên địa bàn tỉnh.
3. Sở Tài chính
chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu việc bố trí nguồn kinh phí cho
việc tổ chức thực hiện Kế hoạch này theo phân cấp quản lý ngân sách và theo các
quy định hiện hành.
4. Sở Tư pháp chủ
trì, phối hợp với Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cục Thi hành án dân
sự tỉnh và các sở, ngành có liên quan giúp Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc thực
hiện Đề án và tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện chế định Thừa phát lại tại
địa phương.
5. Đề nghị Tòa án
nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Cục Thi hành án dân sự tỉnh phối hợp triển
khai thực hiện Đề án, góp phần cụ thể hóa mục tiêu cải cách tư pháp, cải cách
hành chính của Đảng và Nhà nước đã đề ra.
Trong quá trình
triển khai thực hiện Đề án nếu có khó khăn, vướng mắc yêu cầu các cơ quan, đơn
vị kịp thời báo cáo với Sở Tư pháp để theo dõi, tổng hợp đề xuất Ủy ban nhân
dân tỉnh xem xét, giải quyết./.