QUY ĐỊNH
VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÔNG BÁO TỈNH BÌNH THUẬN
(Ban hành theo Quyết định số 63/ 2006/QĐ - UBND, ngày 26 tháng 7 năm 2006 của
UBND tỉnh Bình Thuận)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng, phạm vi
điều chỉnh
Quy định này quy định vị trí, chức năng của Công
báo tỉnh Bình Thuận; thủ tục gửi, tiếp nhận và đăng văn bản pháp luật trên Công
báo; hoạt động xuất bản và phát hành Công báo; trách nhiệm của các cơ quan Nhà
nước đối với việc đăng văn bản pháp luật trên Công báo.
Điều 2. Vị trí, chức năng
của Công báo tỉnh Bình Thuận
1. Công báo tỉnh Bình Thuận (sau đây gọi tắt
Công báo) là ấn phẩm thông tin pháp lý chính thức của Nhà nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận xuất bản; có chức năng
công bố văn bản pháp luật do các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền ban hành, gồm:
a) Văn bản quy phạm pháp luật:
- Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp
huyện;
- Quyết định, chỉ thị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh,
cấp huyện.
b) Văn bản pháp luật khác:
- Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, Hội đồng
nhân dân cấp huyện không chứa quy phạm pháp luật được ban hành để giải quyết
các công việc cá biệt, cụ thể;
- Quyết định, chỉ thị cá biệt do Ủy ban nhân dân
tỉnh ban hành để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được
quy định từ Điều 82 đến Điều 96 và Điều 124 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy
ban nhân dân năm 2003;
- Quyết định, chỉ thị do Chủ tịch Ủy ban nhân
dân tỉnh Bình Thuận ban hành để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh được quy định tại các khoản 1, 4, 5, 6 và 7 Điều 127 Luật Tổ
chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;
- Quyết định đính chính văn bản quy phạm pháp luật
có sai sót về thể thức và kỹ thuật trình bày;
- Điều ước quốc tế do các cơ quan Nhà nước ở
Trung ương ký kết hoặc gia nhập được trực tiếp áp dụng tại tỉnh Bình Thuận;
- Thỏa thuận quốc tế do Ủy ban nhân dân tỉnh
Bình Thuận ký kết với địa phương của các nước hoặc các vùng lãnh thổ, các tổ chức
quốc tế theo quy định của pháp luật hiện hành về ký kết và thực hiện thỏa thuận
quốc tế của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức chính trị -
xã hội, tổ chức xã hội và tổ chức xã hội - nghề nghiệp của nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam;
- Đăng lại các văn bản pháp luật đã công bố trên
Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do các cơ quan có thẩm quyền ở
Trung ương ban hành về tỉnh Bình Thuận;
- Các quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm
quyền về việc xử lý văn bản trái pháp luật do các cơ quan, cá nhân ở địa phương
ban hành.
2. Công báo bao gồm: Công báo in và Công báo điện
tử.
Điều 3. Nguyên tắc đăng
văn bản trên Công báo
1. Công báo đăng toàn văn bản, chính xác, đầy đủ,
kịp thời các văn bản pháp luật do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành.
2. Công báo không đăng các văn bản bí mật nhà nước
thuộc danh mục bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật.
Điều 4. Giá trị pháp lý và
thời điểm có hiệu lực của văn bản đăng trên Công báo
1. Văn bản pháp luật đăng trên Công báo in có
giá trị như bản gốc; là văn bản chính thức duy nhất cùng văn bản gốc dùng để đối
chiếu và sử dụng trong mọi trường hợp khi có sự khác biệt giữa văn bản đăng
trên Công báo và văn bản có từ các nguồn khác hoặc khi có sự tranh chấp pháp
lý.
2. Thời điểm có hiệu lực của các văn bản quy phạm
pháp luật là thời điểm được quy định tại Điều 51 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng
nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004 và phải được quy định cụ thể trong văn bản
đó.
Thời điểm có hiệu
lực của văn bản quy phạm pháp luật đăng trên Công báo không phụ thuộc vào ngày
đăng Công báo.
3. Đối với văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban
nhân dân tỉnh ban hành để áp dụng các biện pháp thi hành trong tình trạng khẩn
cấp thì thời điểm có hiệu lực được quy định tại văn bản đó, không phụ thuộc vào
ngày đăng Công báo.
4. Thời điểm có hiệu lực của các văn bản cá biệt
và các văn bản có giá trị pháp lý khác do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành
văn bản quyết định ngay tại văn bản đó, không phụ thuộc vào ngày đăng Công báo.
Điều 5. Ngôn ngữ in trên
Công báo
1. Công báo được in bằng tiếng Việt và có thể được
dịch ra tiếng nước ngoài hoặc tiếng dân tộc thiểu số. Việc dịch Công báo ra tiếng
nước ngoài hoặc tiếng dân tộc thiểu số do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem
xét, quyết định.
2. Bản dịch Công báo ra tiếng nước ngoài, tiếng
dân tộc thiểu số chỉ có giá trị tham khảo.
Chương II
THỦ TỤC GỬI, TIẾP NHẬN,
ĐĂNG VĂN BẢN TRÊN CÔNG BÁO VÀ PHÁT HÀNH CÔNG BÁO
Điều 6. Đơn vị đầu mối chịu
trách nhiệm gửi văn bản đăng Công báo
1. Đối với văn bản pháp luật của Hội đồng nhân
dân tỉnh: Văn phòng Hội đồng nhân dân và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh.
2. Đối với văn bản pháp luật của Ủy ban nhân dân
tỉnh, văn bản pháp luật của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và các văn bản pháp
luật của Trung ương có liên quan: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh.
3. Đối với văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng
nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp huyện: Văn phòng Hội đồng nhân dân và
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.
4. Đối với văn bản pháp luật của cơ quan chuyên
môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh được phép đăng Công báo do chính cơ quan đó chịu
trách nhiệm.
Điều 7. Thủ tục gửi văn bản
đăng Công báo
1. Các văn bản quy định tại khoản 1 Điều 2 Quy định
này phải được đơn vị đầu mối chịu trách nhiệm gửi văn bản đăng Công báo gửi cho
Trung tâm Công báo trong thời hạn 02 (hai) ngày kể từ ngày ký ban hành để đăng
Công báo.
2. Văn bản gửi đăng Công báo phải là văn bản gốc
(bản chính). Đơn vị đầu mối chịu trách nhiệm gửi văn bản đăng Công báo phải gửi
02 (hai) bản chính cùng bản ghi điện tử có chứa nội dung chính xác với văn bản
chính để đăng Công báo, trang đầu của văn bản phải đóng dấu bằng mực đỏ với
dòng chữ “Văn bản gửi đăng Công báo”.
3. Trường hợp văn bản gửi đăng Công báo là bản
sao thì phải đúng với bản gốc hoặc được chụp từ bản gốc, có dấu và chữ ký xác
nhận của người có thẩm quyền đã ký văn bản hoặc người được ủy quyền.
4. Văn bản gửi đăng Công báo là bản in hoặc gởi
qua mạng thì phải có nội dung đúng với bản gốc, phần Nơi nhận phải ghi
dòng chữ “Công báo tỉnh”, hoặc ghi trên phiếu gửi văn bản dòng chữ “Văn bản gửi
đăng Công báo”, ghi rõ ngày, tháng, năm gửi.
5. Thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản gửi
đăng Công báo phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.
Điều 8. Thủ tục tiếp nhận
văn bản
1. Trung tâm Công báo phải tiếp nhận đầy đủ,
đúng thủ tục pháp luật các văn bản do các cơ quan ban hành gửi đến theo thời hạn
quy định để đăng Công báo. Khi tiếp nhận văn bản pháp luật gửi đăng Công báo,
Trung tâm Công báo phải vào “Sổ đăng ký và đối chiếu văn bản đăng Công báo”.
2. Trung tâm Công báo phải lưu trữ đầy đủ các
văn bản pháp luật do các cơ quan có thẩm quyền gửi đến và phân loại theo hệ thống
để tiện việc tra cứu, sử dụng.
Điều 9. Xử lý văn bản pháp
luật gửi đăng Công báo
1. Sau khi vào “Sổ đăng ký và đối chiếu văn bản
đăng Công báo”, Trung tâm Công báo tiến hành rà soát lần cuối theo các tiêu
chí: căn cứ pháp lý để ban hành, thẩm quyền, nội dung, hình thức, thể thức và kỹ
thuật trình bày văn bản theo quy định của pháp luật.
2. Khi phát hiện văn bản pháp luật gửi đăng Công
báo có sai sót, Trung tâm Công báo phải có ngay công văn gửi trả lại văn bản
cho đơn vị đầu mối chịu trách nhiệm gửi văn bản đăng Công báo và đề nghị cơ
quan ban hành văn bản xử lý, chỉnh sửa theo đúng quy định sau:
a) Nếu văn bản pháp luật gửi đăng Công báo có
sai sót đơn giản về lỗi chính tả, in ấn và số thứ tự không ảnh hưởng đến tính
chất pháp lý của văn bản, thì cơ quan ban hành thực hiện chỉnh sửa và gửi lại
văn bản đã chỉnh sửa cho Trung tâm Công báo.
Nếu văn bản pháp luật gửi đăng Công báo có sai
sót về thể thức, kỹ thuật trình bày, thì cơ quan ban hành phải ra quyết định
đính chính. Quyết định đính chính văn bản phải được đăng trên Công báo;
b) Riêng những văn bản ghi sai ký hiệu dẫn đến
nhằm lẫn tính chất pháp lý của văn bản phải được hủy bỏ và ban hành văn bản mới
để ghi ký hiệu cho đúng quy định của pháp luật. Quyết định hủy bỏ văn bản ghi
sai ký hiệu này phải được đăng trên Công báo;
c) Những văn bản pháp luật gửi đăng Công báo sai
về căn cứ pháp lý, thẩm quyền và nội dung thì phải xử lý theo quy định của pháp
luật đối với văn bản có dấu hiệu trái pháp luật. Trung tâm Công báo gửi lại các
văn bản này cho cơ quan ban hành tự kiểm tra, đồng thời thông báo cho cơ quan
có thẩm quyền kiểm tra văn bản biết.
Trung tâm Công báo không chịu trách nhiệm về việc
đăng chậm đối với văn bản gửi trả lại.
Điều 10. Đính chính văn bản
đã đăng Công báo
Văn bản sau khi được đăng trên Công báo, nếu
phát hiện có sai sót thì phải được đính chính. Việc đính chính được thực hiện
như sau:
a) Nếu sai sót thuộc trách nhiệm của cơ quan có
thẩm quyền ban hành văn bản thì người đứng đầu cơ quan hoặc người được ủy quyền
của cơ quan đó phải ra quyết định đính chính. Quyết định đính chính văn bản phải
được đăng trên Công báo;
b) Nếu sai sót thuộc trách nhiệm của cơ quan
Công báo thì văn bản đính chính do Giám đốc Trung tâm Công báo hoặc người được ủy
quyền ký văn bản đính chính. Quyết định đính chính văn bản phải được đăng trên
Công báo.
Điều 11. Đăng văn bản pháp
luật trên Công báo
1. Trung tâm Công báo chịu trách nhiệm biên tập
nội dung, thiết kế kỹ thuật cho từng số Công báo, bảo đảm tất cả các văn bản gửi
đến được đăng đầy đủ trong thời hạn luật định. Trong quá trình biên tập, Biên tập
viên được phép lược bỏ phần độ khẩn (nếu có) và nơi nhận trong thể thức của văn
bản.
2. Trình tự đăng các văn bản trên Công báo theo
nguyên tắc: văn bản đến trước được đăng trước, văn bản đến sau thì đăng sau. Đối
với văn bản quy phạm pháp luật quy định các biện pháp, chính sách quan trọng của
Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh cần thiết phải được công bố sớm
trên Công báo theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan ban hành thì Giám đốc Trung
tâm Công báo phải sắp xếp đăng ở kỳ Công báo gần nhất.
Điều 12. Hoạt động xuất bản
và phát hành Công báo
1. Cơ quan Công báo tổ chức xuất bản, phát hành
rộng rãi tờ Công báo trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, tổ
chức chính trị xã hội - nghề nghiệp từ cấp tỉnh đến cấp cở sở xã, phường, thị
trấn, thôn, khu phố; tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang và trong nhân dân, kể cả
cá nhân, tổ chức, cơ quan đại diện nước ngoài tại tỉnh Bình Thuận.
2. Đối tượng được cấp Công báo không thu tiền do
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.
Ngân sách tỉnh đảm bảo kinh phí hàng năm cho hoạt
động xuất bản Công báo cấp miễn phí cho các đối tượng. Kinh phí được dự toán và
cấp phát theo quy định của pháp luật hiện hành.
3. Cơ quan Công báo được phép thu từ hoạt động
xuất bản, phát hành ấn phẩm Công báo cho các đối tượng khác ngoài đối tượng được
cấp miễn phí để bù đắp một phần chi từ ngân sách cho hoạt động này.
4. Tờ Công báo được phát hành thông qua cơ quan
Công báo, doanh nghiệp bưu chính, các đại lý và các cá nhân có đủ điều kiện
phát hành Công báo.
5. Công báo phát hành miễn phí
và Công báo có thu tiền đều thống nhất một giá.
Chương III
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ
QUAN TRONG VIỆC ĐĂNG VĂN BẢN TRÊN CÔNG BÁO
Điều 13. Trách nhiệm của
các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản trong việc gửi văn bản để đăng Công
báo
1. Cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản hoặc
cơ quan được cơ quan ban hành văn bản ủy quyền có trách nhiệm gửi văn bản chứa
nội dung chính xác với bản gốc về cơ quan Công báo theo quy định tại Điều 7 Quy
định này.
2. Chịu trách nhiệm toàn bộ về nội dung, thẩm
quyền ban hành, hình thức, thể thức và thủ tục gửi văn bản đăng Công báo theo
đúng quy định pháp luật.
3. Người đứng đầu các cơ quan có thẩm quyền ban
hành văn bản hoặc cơ quan được cơ quan ban hành văn bản ủy quyền phải chịu
trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc gửi văn bản cho cơ quan Công báo và phải chịu
trách nhiệm về tính chính xác của văn bản, về việc không gửi, gửi không đầy đủ
hoặc gửi không đúng thời hạn các văn bản để đăng Công báo.
4. Thông báo tên, số điện thoại, Fax, E-mail của
đơn vị đầu mối chịu trách nhiệm gửi văn bản và bản ghi điện tử cho Trung tâm
Công báo.
5. Trước ngày 05 hàng tháng, đơn vị đầu mối chịu
trách nhiệm phát hành văn bản pháp luật của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện
phải gửi Trung tâm Công báo Danh mục văn bản pháp luật đã ban hành trong tháng
trước để Trung tâm Công báo kiểm tra, đối chiếu, bảo đảm tất cả các văn bản được
công bố trên Công báo.
Điều 14. Người được ủy quyền
của cơ quan ban hành văn bản và quyền hạn, trách nhiệm của người được ủy quyền
1. Người được ủy quyền:
a) Cơ quan ban hành văn bản là Hội đồng nhân dân
tỉnh thì người được ủy quyền là Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh;
b) Cơ quan ban hành văn bản là Ủy ban nhân dân tỉnh
thì người được ủy quyền là Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh;
c) Cơ quan ban hành văn bản là Hội đồng nhân dân
hoặc Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố thì người được ủy quyền là Chánh
Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố;
d) Các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân
tỉnh không thực hiện việc ủy quyền.
Người được ủy quyền phải được Thủ trưởng cơ quan
ban hành văn bản ban hành quyết định ủy quyền. Quyết định này phải được gửi đến
Trung tâm Công báo tỉnh để theo dõi và phối hợp công tác.
2. Quyền hạn và trách nhiệm của người được ủy
quyền:
a) Ký quyết định đính chính văn bản hoặc văn bản
chỉnh sửa sai sót để gửi cho Trung tâm Công báo tỉnh theo quy định tại điểm a,
khoản 2 Điều 9 của Quy định này;
b) Tham mưu cho người có thẩm quyền ban hành văn
bản xử lý những sai sót của văn bản theo quy định tại điểm b, điểm c khoản 2 Điều
9 của Quy định này;
c) Chịu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc gửi
văn bản cho cơ quan Công báo và tính chính xác của văn bản gửi đăng Công báo với
văn bản gốc.
Điều 15. Trách nhiệm của cơ
quan Công báo trong việc đăng văn bản
1. Tiếp nhận văn bản gửi đăng Công báo theo quy
định tại khoản 1 Điều 8 Quy định này.
2. Rà soát, kiểm tra lần cuối các văn bản trước
khi công bố trên Công báo theo những tiêu chí sau: căn cứ pháp lý để ban hành,
thẩm quyền, nội dung, hình thức, thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản theo
quy định pháp luật.
3. Gửi lại văn bản và kiến nghị các cơ quan ban
hành văn bản chỉnh sửa các sai sót về nội dung và thủ tục pháp lý trong việc
ban hành (nếu có) trước khi công bố trên Công báo.
4. Công báo đăng các văn bản theo thứ tự từ cấp
Trung ương (nếu có) đến cấp tỉnh và huyện; văn bản đến trước đăng trước, đến
sau đăng sau theo số thứ tự vào “Sổ đăng ký và đối chiếu văn bản đăng Công
báo”.
5. Bảo đảm việc tiếp nhận và tổ
chức đăng văn bản trên Công báo đầy đủ, chính xác trong thời hạn 10 ngày (trường
hợp đặc biệt thời hạn này có thể kéo dài nhưng không quá 15 ngày) kể từ ngày
văn bản được thông qua hoặc ký ban hành. Chịu trách nhiệm về việc không đăng,
đăng không đúng, đăng không đầy đủ hoặc đăng chậm những văn bản đã nhận được.
6. Hệ thống, lưu trữ, phổ biến, cung cấp các văn
bản đã đăng Công báo.
Điều 16. Quản lý hoạt động
Công báo
Uỷ ban nhân dân tỉnh thống nhất quản lý các hoạt
động về Công báo, bao gồm:
1. Quyết định các biện pháp phát triển Công báo.
2. Ban hành văn bản pháp luật làm cơ sở cho hoạt
động của Công báo.
3. Tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện
các quy định về hoạt động xuất bản, phát hành Công báo.
4. Khen thưởng, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu
nại, tố cáo liên quan đến hoạt động Công báo.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 17. Trách nhiệm
thi hành
Giao trách nhiệm Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân
tỉnh, Giám đốc Trung tâm Công báo triển khai, kiểm tra, đôn đốc và sơ kết, tổng
kết kết quả thực hiện Quy định này./.