ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
37/2021/QĐ-UBND
|
Hưng Yên, ngày 10
tháng 8 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
QUY
ĐỊNH VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA TRUNG TÂM TRỢ
GIÚP PHÁP LÝ NHÀ NƯỚC TRỰC THUỘC SỞ TƯ PHÁP
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Trợ giúp pháp lý ngày 20 tháng 6 năm
2017;
Căn cứ Nghị định số 144/2017/NĐ-CP ngày 15 tháng
12 năm 2017 của Chính phủ quy định
chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý;
Căn cứ Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng
10 năm 2020 của Chính phủ quy định về
thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập;
Căn cứ Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6
năm 2021 của Chính phủ quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp
công lập;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ
trình số 795/TTr-STP ngày 19 tháng 7 năm 2021.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Vị trí, chức năng
1. Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước (sau đây gọi
tắt là Trung tâm) là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Tư pháp, có chức
năng cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ
việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý, góp phần bảo đảm
quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp
luật.
2. Trung tâm có tư cách pháp nhân, có con dấu và
tài khoản riêng được mở tại Kho bạc nhà nước theo quy định của pháp luật. Trung
tâm chịu sự quản lý nhà nước của Sở Tư pháp, Uỷ ban nhân dân tỉnh; đồng thời chịu
sự quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Cục Trợ
giúp pháp lý - Bộ Tư pháp;
3. Trụ sở làm việc: Đặt tại trụ sở làm việc của Sở
Tư pháp, số 19, đường An Vũ, phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng
Yên.
Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn
1. Căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch dài hạn và hàng
năm của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh,
Trung tâm thực hiện việc xây dựng chương trình, kế hoạch trợ giúp pháp lý dài hạn
và hàng năm ở địa phương, trình Giám đốc Sở Tư pháp phê duyệt và tổ chức thực
hiện.
2. Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ và hoạt động nghiệp
vụ trợ giúp pháp lý bao gồm:
a) Tư vấn pháp luật,
tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng trong các lĩnh vực pháp luật (trừ
lĩnh vực kinh doanh, thương mại) cho người được trợ giúp pháp lý trong phạm
vi quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật Trợ giúp pháp lý;
b) Đề nghị cơ quan,
tổ chức có liên quan phối hợp, cung cấp thông tin, tài liệu về vụ việc trợ
giúp pháp lý; phối hợp với các tổ chức thực hiện
trợ giúp pháp lý khác để xác minh vụ việc
trợ giúp pháp lý;
c) Bồi thường thiệt
hại do lỗi của người thuộc Trung tâm gây ra trong khi thực hiện trợ giúp
pháp lý;
d) Thực hiện chế độ
thống kê, báo cáo, sơ kết, tổng kết, truyền thông về tổ chức và hoạt động trợ
giúp pháp lý ở địa phương với cơ quan quản lý nhà nước về trợ giúp pháp
lý;
đ) Giải quyết khiếu
nại, tố cáo theo quy định tại khoản 2 Điều 45 Luật Trợ giúp pháp lý và pháp luật
về khiếu nại, tố cáo; giải quyết tranh chấp về trợ giúp pháp lý theo thẩm quyền;
e) Kiến nghị cơ quan
Nhà nước có thẩm quyền về những vấn đề liên quan đến giải quyết vụ việc trợ
giúp pháp lý theo quy định tại Điều 36 Luật Trợ
giúp pháp lý;
g) Giúp Sở Tư pháp lựa chọn, ký kết hợp đồng thực hiện trợ
giúp pháp lý với tổ chức có nguyện vọng và có đủ điều kiện theo quy định tại
khoản 2 Điều 14 Luật Trợ giúp pháp lý;
h) Lựa chọn, ký kết hợp đồng
thực hiện trợ giúp pháp lý với luật sư có đủ điều kiện theo quy định tại khoản
3 Điều 14 Luật Trợ giúp pháp lý;
i) Phân công Trợ
giúp viên pháp lý hướng dẫn người tập sự trợ giúp pháp lý và xác nhận việc tập sự trợ giúp pháp lý theo quy định tại Điều 20 Luật Trợ giúp pháp lý;
k) Quản lý, hướng dẫn,
tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và quy tắc nghề nghiệp
trợ giúp pháp lý cho Trợ giúp viên pháp
lý, luật sư, cộng tác viên trợ giúp pháp lý,
hỗ trợ bồi dưỡng nghiệp vụ cho các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý;
l) Thực hiện chế độ
bồi dưỡng đối với cộng tác viên tham gia trợ giúp pháp lý;
m) Quản lý cán bộ,
viên chức, tài chính, tài sản và cơ sở vật chất của Trung tâm theo quy định
của pháp luật;
n) Đề xuất việc khen
thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác trợ giúp pháp lý ở địa
phương;
o) Thực hiện những
nhiệm vụ, quyền hạn khác do Uỷ ban nhân dân tỉnh hoặc Giám đốc Sở Tư pháp giao
phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Trung tâm.
Điều 3. Cơ cấu tổ chức, số lượng
người làm việc, cơ chế tài chính
1. Cơ cấu tổ chức:
a) Lãnh đạo Trung tâm: Trung
tâm có Giám đốc và không quá 02 (hai) Phó Giám đốc.
Giám đốc Trung tâm là Trợ giúp viên pháp lý, là người
đứng đầu và đại diện theo pháp luật của Trung tâm, chịu trách nhiệm trước Giám
đốc Sở Tư pháp và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Trung tâm.
Phó Giám đốc Trung tâm là Trợ giúp viên pháp lý, là
người giúp việc cho Giám đốc Trung tâm, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Trung
tâm và trước pháp luật về các nhiệm vụ được phân công. Khi Giám đốc Trung tâm vắng
mặt, một Phó Giám đốc được Giám đốc ủy nhiệm điều hành các hoạt động của Trung
tâm.
Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức và các chế độ,
chính sách đối với Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm thực hiện theo quy định của
pháp luật và phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh về quản lý công tác tổ chức, cán
bộ, công chức, viên chức.
b) Các phòng chuyên
môn, nghiệp vụ:
Phòng Hành chính - Tổng hợp;
Phòng Nghiệp vụ trợ giúp pháp lý.
Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ của Trung tâm bố trí
từ 07 người làm việc là viên chức trở lên, gồm Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng
và các viên chức chuyên môn (Phòng có từ 07 đến
09 người làm việc là viên chức được bố trí 01 Phó Trưởng phòng; phòng có từ 10
người làm việc là viên chức trở lên được bố trí không quá 02 Phó Trưởng phòng).
2. Số lượng người
làm việc theo vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp:
a) Số lượng người làm việc của Trung tâm được giao
trên cơ sở vị trí việc làm gắn với chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, phạm vi
hoạt động và nằm trong tổng số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp
công lập của tỉnh được cấp có thẩm quyền giao hoặc phê duyệt;
b) Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và
danh mục vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức của Trung tâm
được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hàng năm, Giám đốc Trung tâm có trách nhiệm
xây dựng Đề án vị trí việc làm hoặc Đề án điều chỉnh vị trí việc làm (nếu
có), cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức và số lượng người làm việc phù
hợp với chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết
định;
c) Việc tuyển dụng, bố trí, sử dụng, quản lý, nâng
bậc lương, chuyển ngạch, bổ nhiệm, thay đổi chức danh nghề nghiệp viên chức; điều
động, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật, cho nghỉ hưu và thực hiện các chế độ,
chính sách đối với viên chức, người lao động thuộc Trung tâm phải căn cứ yêu cầu
nhiệm vụ, vị trí việc làm, cơ cấu, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức
và thực hiện theo quy định của pháp luật, quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh về
phân cấp quản lý công tác tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức.
3. Cơ chế tài chính:
Trung
tâm là đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường
xuyên. Cơ chế tài chính của Trung tâm thực hiện theo quy định tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21
tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự
nghiệp công lập và các quy định của
pháp luật có liên quan đối với đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước
bảo đảm chi thường xuyên.
Điều 4. Quy định chuyển tiếp
Đối với những người đã được bổ nhiệm giữ chức vụ
Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng thuộc Trung tâm nhưng do tổ chức lại mà thôi giữ
chức vụ lãnh đạo hoặc được bổ nhiệm vào chức vụ mới có phụ cấp chức vụ lãnh đạo
thấp hơn so với phụ cấp chức vụ lãnh đạo đang hưởng thì được bảo lưu phụ cấp chức
vụ lãnh đạo đang hưởng đến hết thời hạn giữ chức vụ đã được bổ nhiệm trước khi
tổ chức lại theo Quyết định này. Trường hợp đã giữ chức vụ theo thời hạn được bổ
nhiệm còn dưới 06 tháng thì được bảo lưu phụ cấp chức vụ đang hưởng đủ 06 tháng
kể từ ngày thôi giữ chức vụ lãnh đạo hoặc được bổ nhiệm vào chức vụ mới có phụ
cấp chức vụ lãnh đạo thấp hơn so với phụ cấp chức vụ lãnh đạo đang hưởng theo
quy định tại Điều 11 Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2014 của
Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế.
Điều 5. Tổ chức thực hiện
1. Giám đốc Sở Tư pháp:
a) Chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp
lý nhà nước đề xuất, tổ chức thực hiện quy trình, thủ tục, hồ sơ trình cấp có
thẩm quyền xem xét, quyết định bổ nhiệm viên chức lãnh đạo quản lý các phòng
chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Trung tâm theo quy định;
b) Ban hành quyết định phê duyệt Quy chế làm việc của
Trung tâm; quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các phòng chuyên
môn, nghiệp vụ của Trung tâm; quy định trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu
các phòng chuyên môn, nghiệp vụ, viên chức và người lao động của Trung tâm; quy
định chế độ thông tin, báo cáo, mối quan hệ công tác và lề lối làm việc của các
phòng chuyên môn, nghiệp vụ, viên chức, người lao động của Trung tâm theo quy định
của pháp luật và quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh về phân cấp quản lý công tác
tổ chức cán bộ, công chức, viên chức.
2. Giao Giám đốc Sở Nội vụ hướng dẫn, đôn đốc, kiểm
tra việc thực hiện của Sở Tư pháp; kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem
xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Điều 6. Hiệu lực
thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực thi
hành kể từ ngày 20 tháng 8 năm 2021.
2. Quyết định số
570/QĐ-UBND ngày 03 tháng 3 năm 2015 của Uỷ ban nhân dân tỉnh quy định chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà
nước trực thuộc Sở Tư pháp hết hiệu lực kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực
thi hành.
Điều 7. Trách nhiệm thi hành
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các
sở, ngành: Nội vụ, Tư pháp, Tài chính, Kho bạc nhà nước Hưng Yên; Thủ trưởng
các cơ quan, đơn vị có liên quan và Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước
chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Trần Quốc Văn
|