ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH GIA LAI
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 04
/2016/QĐ-UBND
|
Gia Lai, ngày
14 tháng 01 năm 2016
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP THỰC HIỆN CƠ CHẾ MỘT CỬA LIÊN
THÔNG TRONG GIẢI QUYẾT HỒ SƠ CẤP PHIẾU LÝ LỊCH TƯ PHÁP, THÀNH LẬP VĂN PHÒNG
CÔNG CHỨNG, ĐĂNG KÝ LẠI VIỆC NUÔI CON NUÔI CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH GIA LAI
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy
ban nhân dân năm 2003;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật
của HĐND, UBND năm 2004;
Căn cứ Luật Lý lịch tư pháp năm 2009, Luật
Nuôi con nuôi năm 2010, Luật Công chứng năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 111/2010/NĐ-CP ngày
23/11/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của
Luật Lý lịch tư pháp, Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 của Chính phủ
quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi;
Căn cứ Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg ngày
25/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một
cửa, một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương;
Theo đề nghị của Sở Tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp thực hiện
cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết hồ sơ cấp phiếu lý lịch tư pháp,
thành lập Văn phòng công chứng, đăng ký lại việc nuôi con nuôi có yếu tố
nước ngoài trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Điều 2. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày tháng năm 2016.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc
Công an tỉnh, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, các cơ quan, tổ
chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. UỶ BAN
NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Võ Ngọc Thành
|
QUY CHẾ
PHỐI HỢP THỰC HIỆN CƠ CHẾ MỘT CỬA LIÊN THÔNG TRONG GIẢI QUYẾT
HỒ SƠ CẤP PHIẾU LÝ LỊCH TƯ PHÁP, THÀNH LẬP VĂN PHÒNG CÔNG CHỨNG, ĐĂNG KÝ LẠI
VIỆC NUÔI CON NUÔI CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND ngày 14 tháng 01 năm 2016 của
Ủy ban nhân dân tỉnh)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định về thời gian, trình tự thực
hiện, giải quyết theo cơ chế một cửa liên thông giữa các cơ quan có liên quan để
giải quyết hồ sơ cấp phiếu lý lịch tư pháp, thành lập Văn phòng công chứng,
đăng ký lại việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài địa bàn tỉnh Gia
Lai.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Các cơ quan trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm phối
hợp với Sở Tư pháp giải quyết các thủ tục hành chính về cấp phiếu lý lịch tư
pháp, thành lập Văn phòng công chứng, đăng ký lại việc nuôi con nuôi có
yếu tố nước ngoài gồm:
- Công an tỉnh;
- Tòa án nhân dân tỉnh;
- Văn phòng UBND tỉnh;
- Cá nhân, tổ chức có yêu cầu thực hiện thủ tục
hành chính;
- Các cá nhân, tổ chức khác có liên quan đến việc
thực hiện thủ tục hành chính.
Điều 3.
Quy trình tiếp nhận và trả kết quả
1. Tiếp nhận hồ
sơ:
- Cá nhân, tổ chức nộp hồ sơ tại
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở Tư pháp.
- Công chức tiếp nhận hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận
và trả kết quả kiểm tra tính hợp lệ, đầy đủ của hồ sơ:
+ Trường hợp hồ sơ không thuộc phạm vi giải quyết
thì hướng dẫn để cá nhân, tổ chức đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết;
+ Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ thì hướng dẫn cụ
thể theo mẫu số 01 tại Phụ lục ban
hành kèm theo Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg ngày 25/3/2015 của Thủ tướng Chính
phủ (sau đây viết gọn là Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg).
+ Trường hợp hồ sơ hợp lệ thì công chức tiếp nhận
hồ sơ nhập vào Sổ theo dõi hồ sơ theo mẫu
số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg và phần mềm
điện tử (nếu có); lập Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả theo mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo
Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg ;
2. Chuyển hồ sơ:
a) Sau khi tiếp nhận hồ sơ, công chức lập Phiếu
kiểm soát quá trình giải quyết hồ sơ theo mẫu
số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg ;
b) Chuyển hồ sơ và Phiếu kiểm soát quá trình giải
quyết hồ sơ cho phòng chuyên môn. Phiếu kiểm soát quá trình giải quyết hồ sơ được
chuyển theo hồ sơ và lưu tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.
3. Giải quyết hồ sơ:
a) Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Sở Tư pháp chuyển hồ
sơ hoặc có văn bản gửi cơ quan phối hợp theo thời gian quy định;
Trường hợp việc giải quyết thủ tục hành chính cần
được thực hiện sau khi có kết quả giải quyết của cơ quan phối hợp thì Sở Tư
pháp gửi văn bản, hồ sơ cho cơ quan phối hợp để giải quyết trong thời gian quy
định;
b) Trên cơ sở giải quyết hồ sơ của các cơ quan
phối hợp, Sở Tư pháp thẩm định và trình cấp có thẩm quyền quyết định và chuyển
kết quả giải quyết hồ sơ đến Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả;
c) Trường hợp hồ sơ quá hạn giải quyết: Hồ sơ
quá hạn thuộc trách nhiệm giải quyết của cơ quan nào thì cơ quan đó phải có văn
bản xin lỗi đến tổ chức, cá nhân ghi rõ lý do quá hạn và thời hạn trả kết quả gửi
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở Tư pháp. Công chức Bộ phận tiếp nhận và
trả kết quả nhập sổ theo dõi hồ sơ và phần mềm điện tử (nếu có), thông báo thời
hạn trả kết quả và chuyển văn bản xin lỗi của cơ quan làm quá hạn giải quyết hồ
sơ cho cá nhân, tổ chức.
4. Trả kết quả giải quyết hồ sơ:
Sau khi nhận kết quả giải quyết hồ sơ từ phòng
chuyên môn, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả có trách nhiệm ghi vào sổ theo dõi
và thông báo đến cá nhân, tổ chức để nhận kết quả.
Chương II
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC VÀ THỜI
GIAN GIẢI QUYẾT
Điều 4. Thủ tục cấp phiếu lý
lịch tư pháp
1. Thành phần hồ sơ:
- Tờ khai yêu cầu cấp lý lịch tư pháp (theo mẫu
03/TT-LLTP ban hành kèm theo Thông tư số 13/2011/TT-BTP)
- Bản sao chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của
người có yêu cầu cấp lý lịch tư pháp;
- Bản sao sổ hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận thường
trú hoặc giấy chứng nhận tạm trú của người yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp;
- Đối với cá nhân thuộc đối tượng miễn, giảm lệ
phí phải xuất trình giấy tờ để chứng minh.
Cá nhân có thể ủy quyền cho người khác làm thủ tục
yêu cầu cấp Lý lịch tư pháp số 1. Việc uỷ quyền phải được lập thành văn bản
theo quy định của pháp luật và chứng minh nhân dân (bản sao kèm bản chính để đối
chiếu) của người được ủy quyền. Trường hợp người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư
pháp là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp thì
không cần văn bản ủy quyền nhưng phải xuất trình giấy tờ chứng minh mối quan hệ
nêu trên. Trường hợp cá nhân yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp số 2 thì không
được ủy quyền cho người khác làm thay.
2. Số lượng hồ sơ: 01 (một) bộ.
3. Thời gian giải quyết hồ sơ: 10 ngày làm việc
đối với hồ sơ thông thường (đương sự chỉ cư trú trong tỉnh); 15 ngày làm việc đối
với hồ sơ phức tạp (đương sự cư trú nhiều nơi hoặc có thời gian cư trú ở nước
ngoài, người nước ngoài, trường hợp phải xác minh về điều kiện đương nhiên được
xóa án tích). Cụ thể:
Trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày nhận
đủ hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu Lý lịch tư pháp, Sở Tư pháp gửi Phiếu xác minh Lý lịch
tư pháp kèm 01 bộ hồ sơ cho cơ quan Công an cùng cấp;
Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận
được phiếu xác minh lý lịch tư pháp, cơ quan công an cấp tỉnh thực hiện tra cứu
thông tin về trình trạng án tích của đương sự và gửi cho Sở Tư pháp kết quả tra
cứu; trường hợp phải tra cứu thông tin trong hệ thống hồ sơ, tàng thư của Bộ
Công an thì thời hạn không quá 09 ngày làm việc.
Trường hợp sau khi đã tra cứu thông tin lý lịch
tư pháp về án tích tại cơ quan công an mà vẫn chưa đủ căn cứ để kết luận hoặc nội
dung về tình trạng án tích của đương sự có điểm chưa rõ ràng, đầy đủ để khẳng định
đương sự có hay không có án tích thì Sở Tư pháp liên hệ với Tòa án đã xét xử sơ
thẩm vụ án liên quan đến đương sự để tra cứu hồ sơ. Thời hạn tra cứu tại Tòa án
không quá 05 ngày làm việc.
Trường hợp cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho người
đã từng là sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc
phòng thì Sở Tư pháp phối hợp với cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ quốc phòng để
tra cứu thông tin.
Trong trường hợp khẩn cấp theo yêu cầu của cơ
quan tiến hành tố tụng, ngay sau khi nhận được yêu cầu, Trung tâm lý lịch tư
pháp quốc gia, Sở Tư pháp phối hợp với cơ quan có thẩm quyền của Bộ Công an thực
hiện tra cứu thông tin lý lịch tư pháp của đương sự và cấp Phiếu lý lịch tư
pháp trong thời hạn 24 giờ, kể từ thời điểm nhận được yêu cầu.
Điều 5. Thủ tục thành lập
Văn phòng công chứng
1. Thành phần hồ sơ:
- Đơn đề nghị thành lập văn phòng công chứng
theo mẫu ban hành kèm theo Quyết định số 01/2008/QĐ-BTP , cụ thể:
+
Đối với Văn phòng công chứng do một công chứng viên thành lập: Mẫu TP-CC-02;
+ Đối với Văn phòng công chứng do
hai công chứng viên trở lên thành lập: Mẫu TP-CC-03.
- Đề án thành lập Văn phòng công chứng, trong đó
nêu rõ sự cần thiết thành lập, dự kiến về tổ chức, tên gọi, nhân sự, địa điểm đặt
trụ sở, các điều kiện vật chất và kế hoạch triển khai thực hiện;
- Bản sao quyết định bổ nhiệm công chứng viên
tham gia thành lập Văn phòng công chứng.
2. Số lượng hồ sơ: 01 (một) bộ.
3. Thời gian giải quyết hồ sơ: 20 ngày, trong
đó:
- Trong thời hạn 13 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ
sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng, Sở Tư pháp trình Ủy ban nhân dân cấp
tỉnh xem xét, quyết định cho phép thành lập Văn phòng công chứng.
- Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được
văn bản của Sở Tư pháp về việc đề nghị thành lập Văn phòng công chứng, Ủy ban
nhân dân tỉnh xem xét, quyết định cho phép thành lập Văn phòng công chứng; Trường
hợp từ chối phải trả lời bằng văn bản.
Điều 6. Thủ tục đăng ký
lại việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài
1. Thành phần hồ sơ:
- Tờ khai đăng ký lại việc nuôi con nuôi
(theo Mẫu TP/CN-2011/CN.04 ban hành kèm theo Thông tư số 12/2011/TT-BTP).
Trường hợp yêu cầu đăng ký lại tại Sở Tư pháp không phải là nơi
trước đây đã đăng ký việc nuôi con nuôi thì Tờ khai phải có cam kết của
người yêu cầu đăng ký lại về tính trung thực của việc đăng ký nuôi
con nuôi trước đó và có chữ ký ít nhất hai người làm chứng.
- Bản sao hộ chiếu hoặc các giấy tờ
tùy thân khác của người có yêu cầu đăng ký lại việc nhận nuôi con nuôi;
- Bản chính hoặc bản sao hợp lệ chứng
nhận việc nuôi con nuôi trước đây (nếu có).
2. Số lượng hồ sơ: 01 (một) bộ.
3. Thời hạn giải quyết: 05 ngày làm việc.
Trong đó: 02 ngày tại Sở Tư pháp, 03 ngày tại Ủy ban nhân dân tỉnh.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 7. Quan hệ phối hợp giữa
các cơ quan tham gia thực hiện cơ chế một cửa liên thông
1. Nếu việc giải quyết hồ sơ của tổ chức, công
dân có khả năng chậm hơn so với thời gian quy định mà có lý do chính đáng thì
cơ quan hành chính đang giải quyết hồ sơ phải kịp thời có văn bản thông báo đến
công dân, tổ chức; đồng thời báo với cơ quan hành chính có trách nhiệm giải quyết
tiếp theo trong quy trình liên thông và cơ quan chủ trì thực hiện cơ chế một cửa
liên thông để theo dõi.
2. Nếu việc giải quyết hồ sơ của tổ chức, công
dân chậm hơn so với thời gian quy định, gây thiệt hại đối với tổ chức, công dân
mà không có lý do chính đáng thì trách nhiệm thuộc về tổ chức, cá nhân giải quyết
chậm trễ (quy định tại quy trình giải quyết công việc theo cơ chế một cửa liên
thông) và tổ chức, cá nhân đó phải có văn bản xin lỗi gửi tổ chức, công dân và
thực hiện trách nhiệm bồi thường theo quy định (nếu có).
3. Công chức các phòng chuyên môn của cơ quan
hành chính nhà nước thực hiện cơ chế một cửa liên thông phải xử lý hồ sơ của tổ
chức và công dân đảm bảo quy trình, thời gian; tạo điều kiện thuận lợi và phối
hợp chặt chẽ trong quá trình xử lý công việc theo cơ chế một cửa liên thông.
4. Định kỳ 6 tháng, hàng năm, Sở Tư pháp (cơ quan
chủ trì thực hiện cơ chế một cửa liên thông) tổ chức họp đánh giá cơ chế một cửa
liên thông với các cơ quan hành chính có liên quan để rút kinh nghiệm, tháo gỡ
vướng mắc trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ; báo cáo kết quả về UBND tỉnh (gửi
Sở Nội vụ 01 bản để tổng hợp, theo dõi).
Điều 8. Tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị về
quy định hành chính theo cơ chế một cửa liên thông
1. Công chức bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của
cơ quan hành chính nhà nước thực hiện cơ chế một cửa liên thông có trách nhiệm
tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của tổ chức, công dân về các quy định hành chính
theo cơ chế một cửa liên thông; hẹn ngày trả kết quả (không quá thời gian quy định)
và cập nhật vào sổ theo dõi.
2. Trong thời gian không quá 03 ngày (kể từ khi
tiếp nhận phản ánh, kiến nghị), công chức tiếp nhận và trả kết quả có trách nhiệm
chuyển các phản ánh, kiến nghị của tổ chức, công dân đến cơ quan, tổ chức có
liên quan; đồng thời báo cáo lãnh đạo cơ quan và cơ quan chủ trì thực hiện cơ
chế một cửa liên thông
Thời gian công chức tiếp nhận phản ánh, kiến nghị
chuyển đến các cơ quan, tổ chức và thời gian thông báo kết quả xử lý phải cập
nhật vào sổ theo dõi.
3. Cơ quan chủ trì thực hiện công việc theo cơ
chế một cửa liên thông có trách nhiệm theo dõi, tổng hợp, đôn đốc, trực tiếp
liên hệ với các cơ quan liên quan khác (nếu cần thiết) để giải quyết kịp thời
phản ánh, kiến nghị của tổ chức, công dân. Các cơ quan liên quan được phối hợp
phải có trách nhiệm xử lý đúng thời gian yêu cầu.
4. Trường hợp các cơ quan liên quan xử lý kiến
nghị, phản ánh chậm hơn so với thời gian yêu cầu thì Thủ trưởng cơ quan phải có
trách nhiệm thông báo lý do bằng văn bản với tổ chức, công dân; đồng thời báo
cáo cơ quan chủ trì thực hiện cơ chế một cửa liên thông để theo dõi.
5. Sau khi nhận kết quả xử lý phản ánh, kiến nghị,
công chức tiếp nhận và trả kết quả có trách nhiệm thông báo đến tổ chức và công
dân theo thời gian đã hẹn; đồng thời thông báo cơ quan chủ trì thực hiện cơ chế
một cửa liên thông để theo dõi.
6. Các cơ quan giải quyết thủ tục hành chính có trách nhiệm lập sổ theo
dõi, hòm thư góp ý, công khai địa chỉ email, số điện thoại lãnh đạo cơ quan và
các cơ quan liên quan.
Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng
mắc phát sinh, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan
kịp thời phản ánh về Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Tư pháp) để xem xét sửa
đổi, bổ sung, hoàn chỉnh Quy chế cho phù hợp./.