Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Nghị định 81/2014/NĐ-CP hướng dẫn Pháp lệnh chi phí giám định định giá người làm chứng người phiên dịch tố tụng

Số hiệu: 81/2014/NĐ-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành: 14/08/2014 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Cách tính chi phí người làm chứng, người phiên dịch

Từ 01/10/2014, cách xác định và thanh toán chi phí giám định, định giá, người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng áp dụng theo Nghị định 81/2014/NĐ-CP.

Theo đó, khi tham gia phiên tòa giải quyết vụ án hình sự, vụ án hành chính, vụ việc dân sự thì:
 
- Người giám định, định giá tham gia phiên tòa với tư cách người làm chứng được nhận tiền lương bằng 200% mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, tính theo ngày lương.

Người làm chứng trong các trường hợp khác được hưởng thù lao bằng 100% mức lương cơ sở nêu trên.

- Người phiên dịch được nhận tiền công tùy thuộc vào phiên dịch tiếng nước ngoài hay tiếng dân tộc thiểu số.
 
Người làm chứng, người phiên dịch tại phiên họp giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính, các hoạt động tố tụng khác giải quyết vụ án hình sự được hưởng chi phí bằng 50% mức chi phí khi tham gia phiên tòa.

>>> Xem thêm: Người dịch thuật là người thân thích của bị hại thì có bị thay đổi hay không? Bị can có quyền đề nghị thay đổi người dịch thuật không?

CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 81/2014/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 14 tháng 08 năm 2014

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU CỦA PHÁP LỆNH CHI PHÍ GIÁM ĐỊNH, ĐỊNH GIÁ; CHI PHÍ CHO NGƯỜI LÀM CHỨNG, NGƯỜI PHIÊN DỊCH TRONG TỐ TỤNG

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Bộ luật Tố tụng hình sự ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Bộ luật Tố tụng dân sự ngày 15 tháng 6 năm 2004;

Căn cứ Luật Tố tụng hành chính ngày 24 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Luật Giám định tư pháp ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Pháp lệnh chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng ngày 28 tháng 3 năm 2012;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định việc xác định chi phí giám định, chi phí định giá tài sản, mức chi phí cho người làm chứng, mức chi phí cho người phiên dịch và thủ tục thanh toán chi phí quy định tại Điều 9, Điều 35, Điều 46, Điều 52 và Điều 57 Pháp lệnh chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam, cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến việc giám định, định giá, làm chứng và phiên dịch trong tố tụng.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1: CHI PHÍ GIÁM ĐỊNH VÀ THỦ TỤC THANH TOÁN CHI PHÍ

Điều 3. Xác định chi phí giám định

Căn cứ tính chất của đối tượng và nội dung giám định cụ thể, chi phí giám định bao gồm một hoặc một số chi phí sau đây:

1. Chi phí tiền lương, thù lao cho người thực hiện giám định.

2. Chi phí khấu hao máy móc, phương tiện, thiết bị.

3. Chi phí vật tư tiêu hao.

4. Chi phí sử dụng dịch vụ.

5. Các chi phí khác tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 6 Nghị định này.

Điều 4. Chi phí tiền Iương, thù lao cho người thực hiện giám định

1. Xác định chi phí tiền lương:

a) Chi phí tiền lương được áp dụng trong trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định đối với tổ chức giám định tư pháp công lập, tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập và tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc (sau đây gọi là tổ chức thực hiện giám định).

b) Tổ chức thực hiện giám định căn cứ vào nội dung yêu cầu giám định, khối lượng công việc, thời gian cần thiết thực hiện giám định và các quy định của chế độ tiền lương hiện hành áp dụng đối với mình xác định chi phí tiền lương làm cơ sở thông báo cho cơ quan tiến hành tố tụng.

2. Xác định chi phí thù lao:

a) Chi phí thù lao được áp dụng trong trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định đối với giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc là người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước và người đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

b) Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc là người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước căn cứ nội dung yêu cầu giám định, khối lượng công việc, thời gian cần thiết thực hiện giám định và tiền lương, thu nhập thực tế của mình xác định mức thù lao hợp lý thông báo cho cơ quan tiến hành tố tụng.

c) Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc là người hưởng lương từ ngân sách nhà nước căn cứ quy định của pháp luật về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp xác định thù lao giám định tư pháp thông báo cho cơ quan tiến hành tố tụng.

Điều 5. Chi phí khấu hao máy móc, phương tiện, thiết bị và chi phí vật tư tiêu hao

1. Tổ chức thực hiện giám định khi thực hiện giám định nếu phải sử dụng máy móc, phương tiện, thiết bị thì chi phí khấu hao máy móc, phương tiện, thiết bị được xác định như sau:

a) Trường hợp máy móc, phương tiện, thiết bị là tài sản cố định, chi phí khấu hao được xác định theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định cho từng loại máy móc, phương tiện, thiết bị của tổ chức thực hiện giám định và thời gian thực tế sử dụng phục vụ cho việc giám định.

b) Trường hợp máy móc, phương tiện, thiết bị không đáp ứng đủ điều kiện xác định tài sản cố định thì chi phí khấu hao đối với máy móc, phương tiện, thiết bị được xác định theo phương pháp phân bổ dần vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ nhưng tối đa không quá 02 năm và không quá thời gian thực tế sử dụng phục vụ cho việc giám định.

2. Tổ chức thực hiện giám định; giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc là người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước; giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc là người đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước (sau đây gọi là tổ chức, cá nhân thực hiện giám định) khi thực hiện giám định nếu có sử dụng vật tư thì được xác định chi phí vật tư tiêu hao. Chi phí vật tư tiêu hao xác định căn cứ vào định mức vật tư tiêu hao và khối lượng công việc giám định phát sinh phù hợp trong từng lĩnh vực giám định.

Trường hợp chưa có quy định của pháp luật về định mức vật tư tiêu hao, tổ chức, cá nhân thực hiện giám định căn cứ các quy định có liên quan và điều kiện sử dụng vật tư phục vụ giám định để xác định mức vật tư tiêu hao thông báo cho cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định. Tổ chức, cá nhân thực hiện giám định phải chịu trách nhiệm về sự phù hợp của mức vật tư tiêu hao đã thông báo.

Điều 6. Chi phí sử dụng dịch vụ và chi phí khác

1. Chi phí sử dụng dịch vụ được áp dụng trong trường hợp cần thiết phải sử dụng kết quả thực nghiệm, xét nghiệm bổ sung hoặc kết luận chuyên môn do cá nhân, tổ chức khác thực hiện và chi phí sử dụng dịch vụ thuê ngoài khác nhằm phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện giám định.

2. Chi phí khác là những chi phí liên quan và phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện giám định tư pháp phù hợp với tính chất, nội dung từng vụ việc trong các lĩnh vực cụ thể.

3. Chi phí sử dụng dịch vụ và chi phí khác quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này được xác định căn cứ theo thực tế phát sinh của từng trường hợp cụ thể trên cơ sở có đủ hợp đồng (nếu có) và hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.

Điều 7. Thủ tục tạm ứng chi phí giám định

1. Trong trường hợp có nhu cầu tạm ứng chi phí giám định, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định trưng cầu giám định của cơ quan tiến hành tố tụng, tổ chức, cá nhân thực hiện giám định gửi Hồ sơ đề nghị tạm ứng chi phí giám định theo quy định tại Khoản 2 Điều này tới cơ quan tiến hành tố tụng.

2. Hồ sơ đề nghị tạm ứng chi phí giám định bao gồm:

a) Giấy đề nghị tạm ứng chi phí giám định có các nội dung chính sau: Tên, địa chỉ, mã số thuế của tổ chức, cá nhân thực hiện giám định; mức đề nghị tạm ứng; thời gian và phương thức thực hiện tạm ứng chi phí giám định.

b) Bản tính toán tổng chi phí thực hiện giám định và cơ sở tính toán chi phí thực hiện giám định.

3. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đủ Hồ sơ đề nghị tạm ứng của tổ chức, cá nhân thực hiện giám định, cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu giám định có trách nhiệm xem xét và thực hiện việc tạm ứng theo đề nghị tạm ứng cho tổ chức, cá nhân thực hiện giám định. Mức tạm ứng tối đa không quá chi phí giám định do tổ chức, cá nhân thực hiện giám định đã tính toán gửi trong Hồ sơ đề nghị tạm ứng theo quy định tại Khoản 2 Điều này.

Điều 8. Thủ tục thanh toán chi phí giám định

1. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có kết quả giám định, tổ chức, cá nhân thực hiện giám định gửi Hồ sơ đề nghị thanh toán chi phí giám định theo quy định tại Khoản 2 Điều này tới cơ quan tiến hành tố tụng để làm thủ tục thanh toán.

2. Hồ sơ đề nghị thanh toán chi phí giám định bao gồm:

a) Giấy đề nghị thanh toán có các nội dung chính sau: Tên, địa chỉ, mã số thuế của tổ chức, cá nhân thực hiện giám định; tổng chi phí thực hiện giám định; số tiền đã được tạm ứng; số tiền còn được thanh toán và phương thức thanh toán.

b) Tài liệu kèm theo Giấy đề nghị thanh toán là bản chính các hóa đơn, chứng từ hợp pháp có liên quan để chứng minh các khoản chi phí thực tế hợp lý đã phát sinh trong quá trình tổ chức, cá nhân thực hiện giám định theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng.

3. Trong thời hạn tối đa 15 ngày kể từ ngày nhận được đủ Hồ sơ đề nghị thanh toán chi phí giám định theo quy định tại Khoản 2 Điều này, căn cứ vào kết quả giám định, kết quả xác định chi phí giám định và ý kiến của các cơ quan có liên quan (nếu có), cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, thanh toán chi phí giám định cho tổ chức, cá nhân đã thực hiện giám định.

Trường hợp số tiền tạm ứng chi phí giám định đã thanh toán chưa đủ chi phí thì cơ quan tiến hành tố tụng thanh toán phần tiền còn thiếu đó.

Trường hợp số tiền tạm ứng vượt quá chi phí giám định thì tổ chức, cá nhân thực hiện giám định phải hoàn trả lại phần tiền chênh lệch trong thời hạn tối đa 02 ngày làm việc, kể từ ngày gửi Hồ sơ đề nghị thanh toán chi phí theo quy định tại Khoản 2 Điều này.

Mục 2: CHI PHÍ ĐỊNH GIÁ VÀ THỦ TỤC THANH TOÁN CHI PHÍ

Điều 9. Xác định chi phí định giá

Căn cứ tính chất của đối tượng định giá, chi phí định giá tài sản của tổ chức định giá tài sản và Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng bao gồm một hoặc một số chi phí sau đây:

1. Chi phí tiền lương, thù lao cho người thực hiện định giá.

2. Chi phí thu thập, phân tích thông tin về đối tượng cần định giá.

3. Chi phí vật tư tiêu hao.

4. Chi phí sử dụng dịch vụ.

5. Chi phí khác theo quy định tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 12 Nghị định này.

Điều 10. Chi phí tiền lương, thù lao cho người thực hiện định giá

1. Xác định chi phí tiền lương thực hiện định giá:

a) Chi phí tiền lương được áp dụng trong trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu thực hiện định giá đối với tổ chức định giá tài sản.

b) Việc xác định chi phí tiền lương của tổ chức định giá tài sản thực hiện theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 4 Nghị định này.

2. Xác định chi phí thù lao thực hiện định giá:

a) Chi phí thù lao được áp dụng trong trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu thực hiện định giá đối với Hội đồng định giá tài sản.

b) Hội đồng định giá tài sản căn cứ quy định của pháp luật về chế độ chi tổ chức hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, chế độ làm đêm, thêm giờ đối với cán bộ, công chức, viên chức (trong trường hợp có làm việc ngoài giờ) và thời gian thực tế làm việc định giá để xác định chi phí thù lao cho các thành viên thực hiện định giá, thông báo cho cơ quan tiến hành tố tụng.

Điều 11. Chi phí thu thập, phân tích thông tin về đối tượng cần định giá

1. Chi phí thu thập, phân tích thông tin về đối tượng cần định giá bao gồm một hoặc một số chi phí sau đây:

a) Chi phí xác định tổng quát về tài sản cần định giá.

b) Chi phí lập kế hoạch định giá tài sản.

c) Chi phí khảo sát thực tế, thu thập thông tin liên quan đến tài sản cần định giá.

d) Chi phí phân tích thông tin liên quan đến tài sản cần định giá.

2. Chi phí thu thập, phân tích thông tin về đối tượng cần định giá được xác định theo thực tế phát sinh của từng trường hợp định giá tài sản cụ thể và nội dung chuyên môn phục vụ cho quá trình thu thập, phân tích thông tin về đối tượng định giá trên cơ sở có đủ hợp đồng (nếu có) và hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.

Điều 12. Chi phí vật tư tiêu hao, chi phí sử dụng dịch vụ và chi phí khác

1. Tổ chức định giá, Hội đồng định giá tài sản trong quá trình thực hiện định giá nếu có sử dụng vật tư thì được xác định chi phí vật tư tiêu hao. Chi phí vật tư tiêu hao được xác định căn cứ vào khối lượng công việc; quy trình thực hiện thẩm định giá, tiêu chuẩn thẩm định giá quy định đối với từng đối tượng định giá; định mức vật tư tiêu hao quy định phù hợp với lĩnh vực định giá.

Trường hợp chưa có quy định của pháp luật về định mức vật tư tiêu hao, tổ chức định giá, Hội đồng định giá tài sản căn cứ các quy định có liên quan và điều kiện sử dụng vật tư phục vụ định giá để xác định mức vật tư tiêu hao thông báo cho cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu định giá tài sản. Tổ chức định giá, Hội đồng định giá tài sản phải chịu trách nhiệm về sự phù hợp của mức vật tư tiêu hao đã thông báo.

2. Chi phí sử dụng dịch vụ được áp dụng trong trường hợp cần thiết phải sử dụng kết luận chuyên môn do chuyên gia hoặc tổ chức thẩm định giá làm cơ sở tham khảo cho hoạt động định giá tài sản và chi phí sử dụng dịch vụ thuê ngoài khác nhằm phục vụ trực tiếp cho việc định giá tài sản.

3. Chi phí khác là những chi phí liên quan và phục vụ trực tiếp cho công việc thực hiện định giá phù hợp với tính chất, nội dung từng vụ việc trong các lĩnh vực cụ thể.

4. Chi phí sử dụng dịch vụ và chi phí khác quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều này được xác định theo quy định tại Khoản 3 Điều 6 Nghị định này.

Điều 13. Thủ tục tạm ứng chi phí định giá

1. Trong trường hợp có nhu cầu tạm ứng chi phí định giá, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu định giá tài sản của cơ quan tiến hành tố tụng, tổ chức định giá, Hội đồng định giá tài sản gửi Hồ sơ đề nghị tạm ứng theo quy định tại Khoản 2 Điều này tới cơ quan tiến hành tố tụng.

2. Hồ sơ đề nghị tạm ứng chi phí định giá bao gồm:

a) Giấy đề nghị tạm ứng chi phí định giá có các nội dung chính sau: Tên, địa chỉ, mã số thuế tổ chức định giá tài sản, cá nhân đại diện Hội đồng định giá tài sản; mức đề nghị tạm ứng, thời gian và phương thức thực hiện tạm ứng chi phí định giá.

b) Bản tính toán tổng chi phí thực hiện định giá và cơ sở tính toán chi phí thực hiện định giá.

3. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đủ Hồ sơ đề nghị tạm ứng của tổ chức định giá tài sản, Hội đồng định giá, cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm thực hiện việc tạm ứng. Mức tạm ứng tối đa không quá chi phí định giá do tổ chức định giá, Hội đồng định giá tài sản đã tính toán gửi trong hồ sơ đề nghị tạm ứng quy định tại Khoản 2 Điều này.

Điều 14. Thủ tục thanh toán chi phí định giá

1. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có kết quả định giá, tổ chức định giá, Hội đồng định giá tài sản đã thực hiện định giá tài sản gửi Hồ sơ đề nghị thanh toán chi phí định giá theo quy định tại Khoản 2 Điều này tới cơ quan tiến hành tố tụng để làm thủ tục thanh toán.

2. Hồ sơ đề nghị thanh toán chi phí định giá bao gồm:

a) Giấy đề nghị thanh toán có các nội dung chính sau: Tên, địa chỉ, mã số thuế tổ chức định giá tài sản, cá nhân đại diện Hội đồng định giá tài sản; tổng chi phí thực hiện định giá, số tiền đã được tạm ứng, số tiền còn được thanh toán và phương thức thanh toán.

b) Tài liệu kèm theo Giấy đề nghị thanh toán là bản chính các hóa đơn, chứng từ hợp pháp có liên quan để chứng minh các khoản chi phí thực tế hợp lý đã phát sinh trong quá trình thực hiện định giá theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng.

3. Trong thời hạn tối đa 15 ngày kể từ ngày nhận được đủ Hồ sơ đề nghị thanh toán chi phí định giá theo quy định tại Khoản 2 Điều này, căn cứ vào kết quả định giá, kết quả xác định chi phí định giá và ý kiến của các cơ quan có liên quan (nếu có), cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, thanh toán chi phí định giá cho tổ chức định giá, Hội đồng định giá tài sản đã thực hiện định giá.

Trường hợp số tiền tạm ứng chi phí định giá đã thanh toán chưa đủ chi phí thì cơ quan tiến hành tố tụng thanh toán phần tiền còn thiếu đó.

Trường hợp số tiền tạm ứng vượt quá chi phí định giá thì tổ chức định giá, Hội đồng định giá tài sản phải hoàn trả lại phần tiền chênh lệch trong thời hạn tối đa 02 ngày làm việc, kể từ ngày gửi Hồ sơ đề nghị thanh toán chi phí định giá theo quy định tại Khoản 2 Điều này.

Mục 3: CHI PHÍ CHO NGƯỜI LÀM CHỨNG, NGƯỜI PHIÊN DỊCH VÀ THỦ TỤC THANH TOÁN CHI PHÍ

Điều 15. Nội dung chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch

1. Căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch được xác định bao gồm một hoặc một số chi phí sau đây:

a) Tiền lương hoặc thù lao cho người làm chứng; tiền công cho người phiên dịch;

b) Chi phí đi lại (nếu có);

c) Chi phí lưu trú (nếu có);

d) Các chi phí khác phát sinh (nếu có) theo quy định tại Khoản 2 Điều 18 Nghị định này.

2. Chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch được tính theo ngày và thời gian thực tế tham gia phiên tòa, phiên họp và các hoạt động tố tụng khác giải quyết vụ án hình sự, vụ án hành chính, vụ việc dân sự.

3. Người làm chứng, người phiên dịch tại phiên họp giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính và các hoạt động tố tụng khác giải quyết vụ án hình sự, được hưởng chế độ tiền lương, thù lao cho người làm chứng, chế độ tiền công cho người phiên dịch bằng 50% mức chi phí đối với người làm chứng, người phiên dịch khi tham gia phiên tòa quy định tại Điều 16, Điều 17 Nghị định này.

Điều 16. Chi phí tiền lương, thù lao cho người làm chứng

1. Chi phí tiền lương cho người làm chứng tham gia phiên tòa giải quyết vụ án hình sự, vụ án hành chính, vụ việc dân sự như sau:

a) Chi phí tiền lương áp dụng trong trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng triệu tập đối với người thực hiện giám định, người thực hiện định giá tham gia phiên tòa giải quyết vụ án hình sự, vụ án hành chính, vụ việc dân sự với vai trò người làm chứng.

b) Mức tiền lương cho người làm chứng được hưởng bằng 200% mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, tính theo ngày lương do Nhà nước quy định.

2. Thù lao cho người làm chứng tham gia phiên tòa giải quyết vụ án hình sự, vụ án hành chính, vụ việc dân sự như sau:

a) Thù lao cho người làm chứng áp dụng cho các trường hợp không hưởng tiền lương theo quy định tại Khoản 1 Điều này.

b) Mức thù lao cho người làm chứng được hưởng bằng 100% mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, tính theo ngày lương do Nhà nước quy định.

Điều 17. Chi phí tiền công cho người phiên dịch

Tiền công cho người phiên dịch tham gia phiên tòa giải quyết vụ án hình sự, vụ án hành chính, vụ việc dân sự được xác định như sau:

1. Tiền công đối với người phiên dịch dịch nói và dịch tài liệu bằng tiếng nước ngoài thực hiện theo quy định của pháp luật về mức chi phí dịch thuật trong chế độ chi tiêu, tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam và chi tiêu tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam.

2. Tiền công đối với người phiên dịch dịch nói và dịch tài liệu bằng tiếng dân tộc thiểu số thực hiện theo quy định của pháp luật về mức chi phiên dịch tiếng dân tộc thiểu số, mức chi biên dịch tiếng dân tộc tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật đảm bảo cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Điều 18. Chi phí đi lại, chi phí lưu trú và chi phí khác cho người làm chứng, người phiên dịch

1. Chi phí đi lại, chi phí lưu trú được xác định theo thực tế phát sinh của từng trường hợp cụ thể trên cơ sở hợp đồng (nếu có), hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về nội dung chi và mức chi về chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

2. Chi phí khác là chi phí liên quan và phục vụ trực tiếp cho công việc m chứng, phiên dịch được xác định căn cứ theo thực tế phát sinh của từng trường hợp cụ thể trên cơ sở có đủ hợp đồng (nếu có) và hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.

Điều 19. Thủ tục thanh toán chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch

1. Ngay sau khi kết thúc công việc làm chứng, phiên dịch được triệu tập tại phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ án hình sự, vụ án hành chính, vụ việc dân sự, người làm chứng, người phiên dịch gửi Hồ sơ đề nghị thanh toán theo quy định tại Khoản 2 Điều này tới cơ quan tiến hành tố tụng để làm thủ tục thanh toán.

2. Hồ sơ đề nghị thanh toán chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch bao gồm:

a) Giấy đề nghị thanh toán chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch có các nội dung chính sau: Tên, địa chỉ, mã số thuế của người đề nghị thanh toán chi phí người làm chứng, người phiên dịch; số tiền đề nghị thanh toán và phương thức thanh toán.

b) Tài liệu kèm theo Giấy đề nghị thanh toán chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch là bản chính các hóa đơn, chứng từ hợp pháp có liên quan để chứng minh các khoản chi phí thực tế hợp đã phát sinh mà người làm chứng, người phiên dịch đã chi trả khi đến làm chứng, phiên dịch.

3. Cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm tiếp nhận Hồ sơ đề nghị thanh toán chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch và kiểm tra tính đầy đủ, hợp pháp của hồ sơ theo quy định tại Khoản 2 Điều này. Trường hợp Hồ sơ đề nghị thanh toán chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch chưa đáp ứng theo quy định tại Khoản 2 Điều này thì cơ quan tiến hành tố tụng phải thông báo cho người làm chứng, người phiên dịch biết và nêu rõ lý do để bổ sung hồ sơ theo quy định. Trường hợp Hồ sơ đề nghị thanh toán chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch đầy đủ, hợp pháp, cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện chi trả chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch theo quy định của pháp luật về chế độ kiểm soát, thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 20. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2014.

Điều 21. Trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng

1. Hàng năm, căn cứ thực tế chi phí giám định, định giá tài sản; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch của năm trước, cơ quan tiến hành tố tụng lập dự toán kinh phí thanh toán chi phí giám định, định giá tài sản; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch thuộc trách nhiệm chi trả theo các nội dung chi tại Nghị định này, tổng hợp chung trong dự toán ngân sách của cơ quan, đơn vị gửi cơ quan tài chính cùng cấp để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.

2. Căn cứ dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thủ trưởng cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm chi trả chi phí thuộc trách nhiệm chi trả cho tổ chức, cá nhân thực hiện giám định; tổ chức định giá, Hội đồng định giá tài sản; người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng đã thực hiện các công việc theo yêu cầu của mình theo quy định tại Nghị định này, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình; đồng thời phải đảm bảo đầy đủ hóa đơn, chứng từ để thanh, quyết toán theo đúng quy định của pháp luật.

Điều 22. Tổ chức thực hiện

1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

2. Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn các nội dung liên quan thuộc chức năng, nhiệm vụ, phạm vi quản lý theo quy định tại Nghị định này.

3. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này./.


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTTH (3b).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

Degree No. 81/2014/ND-CP dated August 14, 2014, detailing a number of articles of the ordinance on expenses for assessment and valuation; expenses for witnesses, translators in legal procedures
Văn bản này đang cập nhật Nội dung => Bạn vui lòng "Tải về" để xem.

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị định 81/2014/NĐ-CP ngày 14/08/2014 hướng dẫn Pháp lệnh chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


32.223

DMCA.com Protection Status
IP: 18.117.162.107
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!