Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Luật Trợ giúp pháp lý 2017 số 11/2017/QH14

Số hiệu: 11/2017/QH14 Loại văn bản: Luật
Nơi ban hành: Quốc hội Người ký: Nguyễn Thị Kim Ngân
Ngày ban hành: 20/06/2017 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Thêm nhiều đối tượng được trợ giúp pháp lý từ ngày 01/01/2018

Đây là nội dung mới nổi bật được quy định tại Luật trợ giúp pháp lý 2017 (bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018).

Theo đó, ngoài những đối tượng được quy định tại Luật trợ giúp pháp lý 2006, người được trợ giúp pháp lý còn bao gồm:
 
- Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi;
 
- Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo;
 
- Người thuộc một trong các trường hợp sau đây có khó khăn về tài chính:

+ Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ;

+ Người nhiễm chất độc da cam;

+ Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự;

+ Nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình.

+ Nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người;

+ Người nhiễm HIV.

Xem chi tiết nội dung này tại Điều 7 của Luật trợ giúp pháp lý 2017.

QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Luật số: 11/2017/QH14

Hà Nội, ngày 20 tháng 6 năm 2017

LUẬT

TRỢ GIÚP PHÁP LÝ

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật Trợ giúp pháp lý.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về người được trợ giúp pháp lý; tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý; người thực hiện trợ giúp pháp lý; hoạt động trợ giúp pháp lý; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động trợ giúp pháp lý.

Điều 2. Trợ giúp pháp lý

Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật.

Điều 3. Nguyên tắc hoạt động trợ giúp pháp lý

1. Tuân thủ pháp luật và quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý.

2. Kịp thời, độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan.

3. Bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý.

4. Không thu tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác từ người được trợ giúp pháp lý.

Điều 4. Chính sách của Nhà nước về trợ giúp pháp lý

1. Trợ giúp pháp lý là trách nhiệm của Nhà nước.

2. Nhà nước có chính sách để bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội.

3. Nhà nước có chính sách nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý, thu hút các nguồn lực thực hiện trợ giúp pháp lý.

4. Nhà nước hỗ trợ, khuyến khích, ghi nhận và tôn vinh các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, đóng góp cho hoạt động trợ giúp pháp lý.

Điều 5. Nguồn tài chính cho công tác trợ giúp pháp lý

1. Nguồn tài chính cho công tác trợ giúp pháp lý bao gồm nguồn ngân sách nhà nước; đóng góp, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác.

2. Kinh phí ngân sách nhà nước được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm của cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Đối với địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, ưu tiên bố trí ngân sách từ số bổ sung cân đối ngân sách hằng năm để hỗ trợ cho việc thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý phức tạp, điển hình.

3. Kinh phí cho hoạt động trợ giúp pháp lý của tổ chức tự nguyện thực hiện do tổ chức đó tự bảo đảm.

Điều 6. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động trợ giúp pháp lý

1. Nghiêm cấm tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý có hành vi sau đây:

a) Xâm phạm danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý; phân biệt đối xử người được trợ giúp pháp lý;

b) Nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác từ người được trợ giúp pháp lý; sách nhiễu người được trợ giúp pháp lý;

c) Tiết lộ thông tin về vụ việc trợ giúp pháp lý, về người được trợ giúp pháp lý, trừ trường hợp người được trợ giúp pháp lý đồng ý bằng văn bản hoặc luật có quy định khác;

d) Từ chối hoặc không tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý, trừ trường hợp quy định tại Luật này và quy định của pháp luật về tố tụng;

đ) Lợi dụng hoạt động trợ giúp pháp lý để trục lợi, xâm phạm quốc phòng, an ninh quốc gia, gây mất trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng xấu đến đạo đức xã hội;

e) Xúi giục, kích động người được trợ giúp pháp lý cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện trái pháp luật.

2. Nghiêm cấm người được trợ giúp pháp lý, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp lý có hành vi sau đây:

a) Xâm phạm sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của người thực hiện trợ giúp pháp lý và uy tín của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý;

b) Cố tình cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về vụ việc trợ giúp pháp lý;

c) Đe dọa, cản trở, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động trợ giúp pháp lý; gây rối, làm mất trật tự, vi phạm nghiêm trọng nội quy nơi thực hiện trợ giúp pháp lý.

Chương II

NGƯỜI ĐƯỢC TRỢ GIÚP PHÁP LÝ, QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI ĐƯỢC TRỢ GIÚP PHÁP LÝ

Điều 7. Người được trợ giúp pháp lý

1. Người có công với cách mạng.

2. Người thuộc hộ nghèo.

3. Trẻ em.

4. Người dân tộc thiểu số trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

5. Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.

6. Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo.

7. Người thuộc một trong các trường hợp sau đây có khó khăn về tài chính:

a) Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ;

b) Người nhiễm chất độc da cam;

c) Người cao tuổi;

d) Người khuyết tật;

đ) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự;

e) Nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình;

g) Nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người;

h) Người nhiễm HIV.

Chính phủ quy định chi tiết điều kiện khó khăn về tài chính của người được trợ giúp pháp lý quy định tại khoản này phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội.

Điều 8. Quyền của người được trợ giúp pháp lý

1. Được trợ giúp pháp lý mà không phải trả tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác.

2. Tự mình hoặc thông qua người thân thích, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác yêu cầu trợ giúp pháp lý.

3. Được thông tin về quyền được trợ giúp pháp lý, trình tự, thủ tục trợ giúp pháp lý khi đến tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và các cơ quan nhà nước có liên quan.

4. Yêu cầu giữ bí mật về nội dung vụ việc trợ giúp pháp lý.

5. Lựa chọn một tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý tại địa phương trong danh sách được công bố; yêu cầu thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý khi người đó thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 25 của Luật này.

6. Thay đổi, rút yêu cầu trợ giúp pháp lý.

7. Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

8. Khiếu nại, tố cáo về trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 9. Nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý

1. Cung cấp giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý.

2. Hợp tác, cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin, tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, tài liệu, chứng cứ đó.

3. Tôn trọng tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý.

4. Không yêu cầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý khác trợ giúp pháp lý cho mình về cùng một vụ việc đang được một tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý thụ lý, giải quyết.

5. Chấp hành pháp luật về trợ giúp pháp lý và nội quy nơi thực hiện trợ giúp pháp lý.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN TRỢ GIÚP PHÁP LÝ, QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA TỔ CHỨC THỰC HIỆN TRỢ GIÚP PHÁP LÝ

Điều 10. Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý

1. Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý bao gồm Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý.

2. Sở Tư pháp công bố danh sách các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý tại địa phương, đăng tải trên trang thông tin điện tử của Sở Tư phápgửi Bộ Tư pháp để tổng hợp đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp.

Điều 11. Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước

1. Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Tư pháp, do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập, có tư cách pháp nhân, có con dấu, trụ sở và tài khoản riêng.

2. Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước có thể có Chi nhánh.

Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, được thành lập tại các huyện ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, giao thông không thuận tiện đến Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và chưa có tổ chức hành nghề luật sư hoặc tổ chức tư vấn pháp luật tham gia trợ giúp pháp lý. Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của Chi nhánh. Căn cứ nhu cầu và điều kiện thực tế tại địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.

3. Chính phủ quy định chi tiết về tổ chức và hoạt động của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.

Điều 12. Tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý

1. Tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý bao gồm tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý và tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý.

2. Tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý bao gồm tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật ký kết hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Sở Tư pháp theo quy định của Luật này.

3. Tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý bao gồm tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này.

Điều 13. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý

1. Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý có quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Thực hiện trợ giúp pháp lý;

b) Đề nghị cơ quan, tổ chức có liên quan phối hợp, cung cấp thông tin, tài liệu về vụ việc trợ giúp pháp lý;

c) Bồi thường thiệt hại do lỗi của người thuộc tổ chức mình gây ra trong khi thực hiện trợ giúp pháp lý;

d) Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo, truyền thông về trợ giúp pháp lý;

đ) Giải quyết khiếu nại theo quy định tại khoản 2 Điều 45 của Luật này;

e) Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các vấn đề liên quan đến giải quyết vụ việc trợ giúp pháp lý.

2. Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước có quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Quyền và nghĩa vụ theo quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Thực hiện các nhiệm vụ khác do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về trợ giúp pháp lý ủy quyền hoặc yêu cầu.

3. Tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý có quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Quyền và nghĩa vụ theo quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Được nhận thù lao và chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Chính phủ;

c) Quyền và nghĩa vụ khác theo hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý.

4. Tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý có quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Quyền và nghĩa vụ theo quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Thực hiện trợ giúp pháp lý theo nội dung đăng ký.

Điều 14. Hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý

1. Hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý được ký kết giữa Sở Tư pháp với tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật và giữa Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước với luật sư, cộng tác viên trợ giúp pháp lý về việc thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về dân sự.

2. Căn cứ yêu cầu trợ giúp pháp lý và thực tiễn tại địa phương, Sở Tư pháp lựa chọn, ký kết hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với tổ chức có nguyện vọng và có đủ điều kiện sau đây:

a) Có lĩnh vực đăng ký hoạt động phù hợp với lĩnh vực trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này;

b) Là tổ chức hành nghề luật sư; tổ chức tư vấn pháp luật có ít nhất 01 tư vấn viên pháp luật có 02 năm kinh nghiệm tư vấn pháp luật trở lên hoặc 01 luật sư làm việc thường xuyên tại tổ chức;

c) Có cơ sở vật chất phù hợp với hoạt động trợ giúp pháp lý;

d) Không đang trong thời gian thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật.

3. Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước căn cứ vào nhu cầu trợ giúp pháp lý, nguồn lực thực hiện trợ giúp pháp lý tại địa phương lựa chọn, ký kết hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với luật sư có đủ điều kiện sau đây:

a) Không đang trong thời gian thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động hành nghề luật sư;

b) Không bị cấm hành nghề hoặc bị hạn chế hoạt động nghề nghiệp theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền;

c) Không đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

d) Được sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức hành nghề luật sư nơi luật sư đang làm việc hoặc cơ quan, tổ chức mà luật sư ký kết hợp đồng lao động.

4. Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước lựa chọn, ký kết hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với cộng tác viên trợ giúp pháp lý theo quy định tại Điều 24 của Luật này.

5. Tổ chức, cá nhân đã thực hiện hành vi bị nghiêm cấm quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật này thì không được lựa chọn,kết hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý trong thời gian ít nhất là 02 năm kể từ ngày có kết luận vi phạm.

6. Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết Điều này.

Điều 15. Đăng ký tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý

1. Tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật tự nguyện thực hiện trợ giúp pháp lý bằng nguồn lực của mình được đăng ký tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý như sau:

a) Tổ chức hành nghề luật sư có đủ điều kiện quy định tại các điểm a, c và d khoản 2 Điều 14 của Luật này;

b) Tổ chức tư vấn pháp luật có đủ điều kiện quy định tại các điểm a, c và d khoản 2 Điều 14 của Luật này và có ít nhất 01 tư vấn viên pháp luật có 02 năm kinh nghiệm tư vấn pháp luật trở lên hoặc 01 luật sư làm việc thường xuyên tại tổ chức.

2. Tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật tham gia trợ giúp pháp lý đăng ký về phạm vi, hình thức, lĩnh vực, đối tượng trợ giúp pháp lý với Sở Tư pháp nơi đã cấp Giấy đăng ký hoạt động.

3. Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định trình tự, thủ tục đăng ký tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý.

Điều 16. Chấm dứt thực hiện trợ giúp pháp lý của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý

1. Tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý chấm dứt thực hiện trợ giúp pháp lý khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Không còn đáp ứng một trong các điều kiện ký kết hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý quy định tại khoản 2 Điều 14 của Luật này;

b) Chấm dứt theo hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý;

c) Thực hiện trợ giúp pháp lý gây hậu quả nghiêm trọng;

d) Chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý chấm dứt thực hiện trợ giúp pháp lý khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Không còn đáp ứng một trong các điều kiện đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý quy định tại khoản 1 Điều 15 của Luật này;

b) Tự chấm dứt tham gia trợ giúp pháp lý sau khi đã thông báo bằng văn bản với Sở Tư pháp nơi đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý;

c) Không thực hiện trợ giúp pháp lý trong thời gian 02 năm liên tục, trừ trường hợp do nguyên nhân khách quan;

d) Thực hiện trợ giúp pháp lý gây hậu quả nghiêm trọng;

đ) Chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật.

3. Khi chấm dứt thực hiện trợ giúp pháp lý, tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho Sở Tư pháp về việc chấm dứt thực hiện trợ giúp pháp lý và chuyển hồ sơ vụ việc chưa hoàn thành đến tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý được Sở Tư pháp giao để tiếp tục thực hiện.

Chương IV

NGƯỜI THỰC HIỆN TRỢ GIÚP PHÁP LÝ, QUYỀN, NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI THỰC HIỆN TRỢ GIÚP PHÁP LÝ

Điều 17. Người thực hiện trợ giúp pháp lý

1. Người thực hiện trợ giúp pháp lý bao gồm:

a) Trợ giúp viên pháp lý;

b) Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo hợp đồng với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước; luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo phân công của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý;

c) Tư vấn viên pháp luật có 02 năm kinh nghiệm tư vấn pháp luật trở lên làm việc tại tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý;

d) Cộng tác viên trợ giúp pháp lý.

2. Sở Tư pháp công bố danh sách người thực hiện trợ giúp pháp lý tại địa phương, đăng tải trên trang thông tin điện tử của Sở Tư phápgửi Bộ Tư pháp để tổng hợp đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp.

Điều 18. Quyền và nghĩa vụ của người thực hiện trợ giúp pháp lý

1. Người thực hiện trợ giúp pháp lý có quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Thực hiện trợ giúp pháp lý;

b) Được bảo đảm thực hiện trợ giúp pháp lý độc lập, không bị đe dọa, cản trở, sách nhiễu hoặc can thiệp trái pháp luật;

c) Từ chối hoặc không tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý trong các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 25, khoản 1 Điều 37 của Luật này và theo quy định của pháp luật về tố tụng;

d) Được bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ trợ giúp pháp lý;

đ) Bảo đảm chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý;

e) Tuân thủ nguyên tắc hoạt động trợ giúp pháp lý;

g) Nghiêm chỉnh chấp hành nội quy nơi thực hiện trợ giúp pháp lý;

h) Bồi thường hoặc hoàn trả một khoản tiền cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý đã trả cho người bị thiệt hại do lỗi của mình gây ra khi thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật.

2. Trợ giúp viên pháp lý có quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Quyền và nghĩa vụ quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Tham gia các khóa tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ trợ giúp pháp lý;

c) Thực hiện nhiệm vụ khác theo phân công;

d) Được hưởng chế độ, chính sách theo quy định.

3. Luật sư, cộng tác viên trợ giúp pháp lý ký kết hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước được hưởng thù lao và chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định.

4. Chính phủ quy định chi tiết điểm d khoản 2 và khoản 3 Điều này.

Điều 19. Tiêu chuẩn trợ giúp viên pháp lý

Công dân Việt Nam là viên chức của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước có đủ tiêu chuẩn sau đây có thể trở thành trợ giúp viên pháp lý:

1. Có phẩm chất đạo đức tốt;

2. Có trình độ cử nhân luật trở lên;

3. Đã được đào tạo nghề luật sư hoặc được miễn đào tạo nghề luật sư; đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư hoặc tập sự trợ giúp pháp lý;

4. Có sức khỏe bảo đảm thực hiện trợ giúp pháp lý;

5. Không đang trong thời gian bị xử lý kỷ luật.

Điều 20. Tập sự trợ giúp pháp lý

1. Viên chức của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước có Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư hoặc được miễn đào tạo nghề luật sư theo quy định của Luật Luật sư được tập sự trợ giúp pháp lý tại Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.

Thời gian tập sự trợ giúp pháp lý là 12 tháng. Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước phân công trợ giúp viên pháp lý hướng dẫn người tập sự trợ giúp pháp lý và xác nhận việc tập sự trợ giúp pháp lý. Trợ giúp viên pháp lý hướng dẫn tập sự phải có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm trợ giúp viên pháp lý. Tại cùng một thời điểm, 01 trợ giúp viên pháp lý không được hướng dẫn tập sự quá 02 người.

2. Người tập sự trợ giúp pháp lý được giúp trợ giúp viên pháp lý hướng dẫn trong hoạt động nghề nghiệp nhưng không được đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý tại phiên tòa; không được ký văn bản tư vấn pháp luật.

Người tập sự trợ giúp pháp lý được cùng với trợ giúp viên pháp lý hướng dẫn gặp gỡ người được trợ giúp pháp lý và đương sự khác trong vụ việc trợ giúp pháp lý khi được người đó đồng ý; giúp trợ giúp viên pháp lý nghiên cứu hồ sơ vụ việc, thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến vụ việc và các hoạt động nghề nghiệp khác. Trợ giúp viên pháp lý hướng dẫn tập sự giám sát và chịu trách nhiệm về các hoạt động của người tập sự trợ giúp pháp lý quy định tại khoản này.

3. Người thuộc trường hợp được miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư theo quy định của Luật Luật sư thì được miễn, giảm thời gian tập sự trợ giúp pháp lý.

4. Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết việc tập sự, kiểm tra kết quả tập sự trợ giúp pháp lý và mẫu Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự trợ giúp pháp lý.

Điều 21. Bổ nhiệm, cấp thẻ trợ giúp viên pháp lý

1. Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước lập danh sách những người làm việc ở Trung tâm có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 19 của Luật này gửi Sở Tư pháp đề nghị bổ nhiệm, cấp thẻ trợ giúp viên pháp lý. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được danh sách người được đề nghị bổ nhiệm trợ giúp viên pháp lý, Giám đốc Sở Tư pháp lập hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

2. Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm trợ giúp viên pháp lý bao gồm:

a) Văn bản của Giám đốc Sở Tư pháp đề nghị bổ nhiệm trợ giúp viên pháp lý;

b) Lý lịch trích ngang của người được đề nghị bổ nhiệm trợ giúp viên pháp lý;

c) 02 ảnh màu chân dung cỡ 2 cm x 3 cm;

d) Bản sao có chứng thực Bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật, Bằng thạc sĩ luật hoặc Bằng tiến sĩ luật;

đ) Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư hoặc Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự trợ giúp pháp lý; trường hợp được miễn tập sự trợ giúp pháp lý thì phải có bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh là người được miễn tập sự trợ giúp pháp lý;

e) Giấy chứng nhận sức khỏe.

3. Người đã bị miễn nhiệm, thu hồi thẻ trợ giúp viên pháp lý theo quy định tại các điểm a, c và e khoản 1 Điều 22 của Luật này được xem xét bổ nhiệm, cấp thẻ trợ giúp viên pháp lý khi đáp ứng đủ tiêu chuẩn của trợ giúp viên pháp lý quy định tại Luật này và lý do miễn nhiệm, thu hồi thẻ không còn.

4. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định bổ nhiệm và cấp thẻ trợ giúp viên pháp lý; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 22. Miễn nhiệm và thu hồi thẻ trợ giúp viên pháp lý

1. Trợ giúp viên pháp lý bị miễn nhiệm và thu hồi thẻ trợ giúp viên pháp lý khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Không còn đủ tiêu chuẩn làm trợ giúp viên pháp lý quy định tại Điều 19 của Luật này;

b) Bị xử lý kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc;

c) Chuyển công tác khác hoặc thôi việc theo nguyện vọng;

d) Không thực hiện vụ việc tham gia tố tụng trong thời gian 02 năm liên tục, trừ trường hợp do nguyên nhân khách quan;

đ) Bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo từ lần thứ 02 trở lên hoặc cách chức do thực hiện hành vi quy định tại điểm a, b, đ hoặc e khoản 1 Điều 6 của Luật này;

e) Đang bị cấm hành nghề trong thời gian nhất định theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

2. Giám đốc Sở Tư pháp lập hồ sơ gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định miễn nhiệm, thu hồi thẻ trợ giúp viên pháp lý đối với người thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Hồ sơ đề nghị miễn nhiệm, thu hồi thẻ trợ giúp viên pháp lý bao gồm:

a) Văn bản của Giám đốc Sở Tư pháp đề nghị miễn nhiệm, thu hồi thẻ trợ giúp viên pháp lý;

b) Giấy tờ, tài liệu chứng minh trợ giúp viên pháp lý thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.

4. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định miễn nhiệm và thu hồi thẻ trợ giúp viên pháp lý.

Điều 23. Cấp lại thẻ trợ giúp viên pháp lý

1. Người đã được cấp thẻ trợ giúp viên pháp lý được cấp lại thẻ trong trường hợp bị mất hoặc bị hư hỏng.

2. Người đề nghị cấp lại thẻ trợ giúp viên pháp lý gửi đơn đề nghị đến Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước. Sau khi nhận được đơn của người đề nghị cấp lại thẻ trợ giúp viên pháp lý, Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước lập hồ sơ gửi Giám đốc Sở Tư pháp.

3. Hồ sơ đề nghị cấp lại thẻ trợ giúp viên pháp lý bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp lại thẻ trợ giúp viên pháp lý;

b) 02 ảnh màu chân dung cỡ 2 cm x 3 cm;

c) Thẻ trợ giúp viên pháp lý bị hư hỏng hoặc xác nhận của Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước trong trường hợp thẻ bị mất.

4. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị, Giám đốc Sở Tư pháp trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định cấp lại thẻ trợ giúp viên pháp lý.

5. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định cấp lại thẻ trợ giúp viên pháp lý.

Điều 24. Cộng tác viên trợ giúp pháp lý

1. Ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, căn cứ nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân và điều kiện thực tế tại địa phương, Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đề nghị Giám đốc Sở Tư pháp cấp thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý cho người có đủ điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Những người đã nghỉ hưu, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có phẩm chất đạo đức tốt, có sức khỏe, có nguyện vọng thực hiện trợ giúp pháp lý có thể trở thành cộng tác viên trợ giúp pháp lý, bao gồm: trợ giúp viên pháp lý; thẩm phán, thẩm tra viên ngành Tòa án; kiểm sát viên, kiểm tra viên ngành kiểm sát; điều tra viên; chấp hành viên, thẩm tra viên thi hành án dân sự; chuyên viên làm công tác pháp luật tại các cơ quan nhà nước.

3. Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước ký kết hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với người được cấp thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý để thực hiện tư vấn pháp luật tại địa phương.

Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đề nghị Giám đốc Sở Tư pháp thu hồi thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý đối với người không thực hiện trợ giúp pháp lý trong thời gian 02 năm liên tục, trừ trường hợp do nguyên nhân khách quan.

4. Chính phủ quy định chi tiết việc cộng tác viên tham gia trợ giúp pháp lý.

Điều 25. Các trường hợp không được tiếp tục thực hiện hoặc phải từ chối thực hiện trợ giúp pháp lý

1. Người thực hiện trợ giúp pháp lý không được tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Thực hiện hành vi bị nghiêm cấm quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật này, trừ trường hợp đã chấp hành xong hình thức xử lý vi phạm và được thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này;

b) Bị thu hồi thẻ trợ giúp viên pháp lý, thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý, Chứng chỉ hành nghề luật sư, thẻ tư vấn viên pháp luật;

c) Các trường hợp không được tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật về tố tụng.

2. Người thực hiện trợ giúp pháp lý phải từ chối thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đã hoặc đang thực hiện trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý là các bên có quyền lợi đối lập nhau trong cùng một vụ việc, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác đối với vụ việc tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng trong lĩnh vực dân sự;

b) Có căn cứ cho rằng người thực hiện trợ giúp pháp lý có thể không khách quan trong thực hiện trợ giúp pháp lý;

c) Có lý do cho thấy không thể thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý một cách hiệu quả, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý.

3. Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người được trợ giúp pháp lý và cử người khác thực hiện trợ giúp pháp lý trong trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Chương V

PHẠM VI, LĨNH VỰC, HÌNH THỨC VÀ HOẠT ĐỘNG TRỢ GIÚP PHÁP LÝ

Điều 26. Phạm vi thực hiện trợ giúp pháp lý

1. Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thực hiện trợ giúp pháp lý thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Người được trợ giúp pháp lý đang cư trú tại địa phương;

b) Vụ việc trợ giúp pháp lý xảy ra tại địa phương;

c) Vụ việc trợ giúp pháp lý do cơ quan có thẩm quyền về trợ giúp pháp lý ở Trung ương yêu cầu.

2. Tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện trợ giúp pháp lý trong phạm vi hợp đồng.

3. Tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý thực hiện trợ giúp pháp lý trong phạm vi đăng ký.

Điều 27. Lĩnh vực, hình thức trợ giúp pháp lý

1. Trợ giúp pháp lý được thực hiện trong các lĩnh vực pháp luật, trừ lĩnh vực kinh doanh, thương mại.

2. Các hình thức trợ giúp pháp lý bao gồm:

a) Tham gia tố tụng;

b) Tư vấn pháp luật;

c) Đại diện ngoài tố tụng.

Điều 28. Địa điểm tiếp người được trợ giúp pháp lý

1. Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý bố trí nơi tiếp người được trợ giúp pháp lý tại trụ sở của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc tại địa điểm khác ngoài trụ sở của tổ chức bảo đảm điều kiện để việc trình bày yêu cầu được dễ dàng, thuận lợi.

2. Tại trụ sở của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý phải niêm yết lịch tiếp, nội quy tiếp người được trợ giúp pháp lý.

Điều 29. Yêu cầu trợ giúp pháp lý

1. Khi yêu cầu trợ giúp pháp lý, người yêu cầu phải nộp hồ sơ cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, gồm có:

a) Đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý;

b) Giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý;

c) Các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý.

2. Việc nộp hồ sơ yêu cầu trợ giúp pháp lý được thực hiện như sau:

a) Trường hợp nộp trực tiếp tại trụ sở của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người yêu cầu trợ giúp pháp lý nộp các giấy tờ, tài liệu quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều này; xuất trình bản chính hoặc nộp bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý.

Trường hợp người yêu cầu trợ giúp pháp lý không thể tự mình viết đơn yêu cầu thì người tiếp nhận yêu cầu có trách nhiệm ghi các nội dung vào mẫu đơn để họ tự đọc hoặc đọc lại cho họ nghe và yêu cầu họ ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn;

b) Trường hợp gửi hồ sơ qua dịch vụ bưu chính, người yêu cầu trợ giúp pháp lý nộp các giấy tờ, tài liệu quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều này, bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý;

c) Trường hợp gửi hồ sơ qua fax, hình thức điện tử, khi gặp người thực hiện trợ giúp pháp lý, người yêu cầu trợ giúp pháp lý phải xuất trình bản chính hoặc nộp bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý.

Điều 30. Thụ lý vụ việc trợ giúp pháp lý

1. Yêu cầu trợ giúp pháp lý chỉ được thụ lý khi có vụ việc cụ thể liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý quy định tại Điều 7 và phù hợp với quy định của Luật này.

2. Người tiếp nhận yêu cầu phải kiểm tra các nội dung có liên quan đến yêu cầu trợ giúp pháp lý và trả lời ngay cho người yêu cầu về việc hồ sơ đủ điều kiện để thụ lý hoặc phải bổ sung giấy tờ, tài liệu có liên quan.

3. Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý phải từ chối thụ lý và thông báo rõ lý do bằng văn bản cho người yêu cầu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Yêu cầu trợ giúp pháp lý không đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Yêu cầu trợ giúp pháp lý có nội dung trái pháp luật;

c) Người được trợ giúp pháp lý đã chết;

d) Vụ việc đang được một tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý khác thụ lý, giải quyết.

4. Trường hợp người yêu cầu chưa thể cung cấp đầy đủ hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều 29 của Luật này nhưng cần thực hiện trợ giúp pháp lý ngay do vụ việc sắp hết thời hiệu khởi kiện, sắp đến ngày xét xử, cơ quan tiến hành tố tụng chuyển yêu cầu trợ giúp pháp lý cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc để tránh gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý thì người tiếp nhận yêu cầu báo cáo người đứng đầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và thụ lý ngay, đồng thời hướng dẫn người yêu cầu trợ giúp pháp lý bổ sung các giấy tờ, tài liệu cần thiết.

Điều 31. Tham gia tố tụng

1. Trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này và pháp luật về tố tụng.

2. Khi người được trợ giúp pháp lý yêu cầu cử người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý vụ việc, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm cử người thực hiện trợ giúp pháp lý.

Trường hợp người được trợ giúp pháp lý là người bị bắt, người bị tạm giữ yêu cầu cử người thực hiện trợ giúp pháp lý, trong thời hạn 12 giờ kể từ thời điểm thụ lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm cử người thực hiện trợ giúp pháp lý.

3. Trong thời hạn 12 giờ kể từ thời điểm nhận được yêu cầu trợ giúp pháp lý của người bị bắt, người bị tạm giữ hoặc trong thời hạn 24 giờ kể từ thời điểm nhận được yêu cầu trợ giúp pháp lý của bị can, bị cáo, người bị hại là người được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về tố tụng, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tại địa phương. Ngay sau khi nhận được thông báo của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước có trách nhiệm thụ lý theo quy định tại khoản 4 Điều 30 của Luật này và cử người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng.

4. Việc cử người tham gia tố tụng phải được lập thành văn bản và gửi cho người được trợ giúp pháp lý, cơ quan tiến hành tố tụng có liên quan.

Điều 32. Tư vấn pháp luật

1. Người thực hiện trợ giúp pháp lý tư vấn pháp luật cho người được trợ giúp pháp lý bằng việc hướng dẫn, đưa ra ý kiến, giúp soạn thảo văn bản liên quan đến tranh chấp, khiếu nại, vướng mắc pháp luật; hướng dẫn giúp các bên hòa giải, thương lượng, thống nhất hướng giải quyết vụ việc.

2. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày thụ lý vụ việc hoặc nhận đủ các giấy tờ, tài liệu cần bổ sung, người thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm nghiên cứu và trả lời bằng văn bản cho người được trợ giúp pháp lý; đối với vụ việc phức tạp hoặc cần có thời gian để xác minh thì có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với người được trợ giúp pháp lý.

Trường hợp yêu cầu trợ giúp pháp lý là vướng mắc pháp luật đơn giản thì người tiếp nhận hướng dẫn, giải đáp, cung cấp thông tin pháp luật ngay cho người được trợ giúp pháp lý.

Điều 33. Đại diện ngoài tố tụng

1. Trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý đại diện ngoài tố tụng cho người được trợ giúp pháp lý trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý vụ việc trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm cử người đại diện ngoài tố tụng cho người được trợ giúp pháp lý.

Việc cử người đại diện ngoài tố tụng phải được lập thành văn bản và gửi cho người được trợ giúp pháp lý.

Điều 34. Phối hợp xác minh vụ việc trợ giúp pháp lý

1. Trường hợp cần xác minh các tình tiết, sự kiện có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý ở địa phương khác thì tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý đã thụ lý vụ việc yêu cầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý nơi cần xác minh phối hợp thực hiện. Yêu cầu xác minh phải bằng văn bản, nêu rõ nội dung cần xác minh và thời hạn trả lời.

2. Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý được yêu cầu xác minh có trách nhiệm thực hiện xác minh trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu và gửi kết quả bằng văn bản kèm theo giấy tờ, tài liệu có liên quan cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý yêu cầu; trường hợp không thể xác minh được nội dung theo yêu cầu thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

3. Văn bản yêu cầu xác minh, văn bản thông báo kết quả thực hiện và giấy tờ, tài liệu có liên quan phải được lưu trong hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý.

Điều 35. Chuyển yêu cầu trợ giúp pháp lý

1. Trường hợp yêu cầu trợ giúp pháp lý không đáp ứng điều kiện quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 26 của Luật này, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước chuyển yêu cầu trợ giúp pháp lý đến Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước có thẩm quyền và thông báo cho người có yêu cầu biết.

2. Trường hợp không đủ nguồn lực thực hiện trợ giúp pháp lý, tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý chuyển yêu cầu trợ giúp pháp lý đến Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tại địa phương và thông báo cho người có yêu cầu biết.

Điều 36. Kiến nghị trong hoạt động trợ giúp pháp lý

1. Trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý kiến nghị bằng văn bản với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các vấn đề liên quan đến việc giải quyết vụ việc trợ giúp pháp lý.

2. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị, cơ quan nhận được kiến nghị trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm trả lời bằng văn bản; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn trả lời có thể kéo dài nhưng không quá 45 ngày, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

3. Trường hợp quá thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này mà cơ quan nhận được kiến nghị không trả lời thì tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý có quyền kiến nghị cơ quan cấp trên trực tiếp của cơ quan đó xem xét, giải quyết.

Điều 37. Không tiếp tục thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý

1. Vụ việc trợ giúp pháp lý không được tiếp tục thực hiện khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Trường hợp phải từ chối theo quy định tại khoản 3 Điều 30 của Luật này;

b) Người được trợ giúp pháp lý thực hiện một trong các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại khoản 2 Điều 6 của Luật này;

c) Người được trợ giúp pháp lý rút yêu cầu trợ giúp pháp lý.

2. Trường hợp không tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc người thực hiện trợ giúp pháp lý phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người được trợ giúp pháp lý.

3. Trường hợp vụ việc trợ giúp pháp lý đang được thực hiện mà người được trợ giúp pháp lý không còn đáp ứng quy định tại Điều 7 của Luật này thì vụ việc được tiếp tục thực hiện cho đến khi kết thúc.

Điều 38. Hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý

1. Khi thực hiện trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm lập hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý.

2. Hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý gồm có:

a) Các giấy tờ, tài liệu theo quy định tại khoản 1 Điều 29 của Luật này;

b) Các văn bản, giấy tờ liên quan và kết quả thực hiện trợ giúp pháp lý;

c) Các giấy tờ, tài liệu khác (nếu có).

Điều 39. Lưu trữ hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý

1. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc vụ việc, người thực hiện trợ giúp pháp lý phải bàn giao hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý.

2. Các giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý phải được thống kê, đánh số thứ tự, sắp xếp theo thứ tự ngày, tháng, năm và được lưu trữ theo quy định của pháp luật.

3. Hồ sơ điện tử của từng vụ việc trợ giúp pháp lý được số hóa, cập nhật vào hệ thống quản lý vụ việc trợ giúp pháp lý và lưu trữ tại cơ sở dữ liệu về trợ giúp pháp lý.

Chương VI

TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG TRỢ GIÚP PHÁP LÝ

Điều 40. Trách nhiệm quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý.

2. Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý và có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Chủ trì xây dựng, ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về trợ giúp pháp lý;

b) Xây dựng, ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành chiến lược, kế hoạch phát triển trợ giúp pháp lý và tổ chức triển khai thực hiện;

c) Ban hành các quy định hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ, mẫu giấy tờ trong hoạt động trợ giúp pháp lý; tiêu chí xác định vụ việc trợ giúp pháp lý phức tạp, điển hình; thực hiện chế độ báo cáo, thống kê về trợ giúp pháp lý;

d) Hướng dẫn, tổ chức và theo dõi việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về trợ giúp pháp lý;

đ) Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ cho người thực hiện trợ giúp pháp lý;

e) Tổ chức công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý và việc thẩm định, đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý;

g) Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý; khen thưởng, kỷ luật và xử lý vi phạm trong hoạt động trợ giúp pháp lý;

h) Tiếp nhận hỗ trợ, đóng góp của tổ chức, cá nhân cho công tác trợ giúp pháp lý;

i) Thực hiện hợp tác quốc tế về trợ giúp pháp lý.

3. Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý tại địa phương; bảo đảm các điều kiện làm việc cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.

Điều 41. Trách nhiệm của các cơ quan có liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp lý trong tố tụng

1. Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Luật này trong hệ thống các cơ quan trực thuộc.

2. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện cho người được trợ giúp pháp lý được hưởng quyền trợ giúp pháp lý, tạo điều kiện cho người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.

Điều 42. Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có liên quan

Trong quá trình xử lý, giải quyết vụ việc liên quan đến công dân, nếu công dân thuộc diện người được trợ giúp pháp lý, cơ quan nhà nước có trách nhiệm giải thích quyền được trợ giúp pháp lý và giới thiệu đến tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý.

Điều 43. Trách nhiệm của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư

1. Liên đoàn Luật sư Việt Nam có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp trong quản lý, giám sát việc thực hiện trợ giúp pháp lý của tổ chức hành nghề luật sư, luật sư theo quy định của Luật này.

2. Đoàn luật sư tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phối hợp với Sở Tư pháp trong quản lý, giám sát việc thực hiện trợ giúp pháp lý của tổ chức hành nghề luật sư, luật sư theo quy định của Luật này.

Điều 44. Trách nhiệm của tổ chức chủ quản của tổ chức tư vấn pháp luật

Tổ chức chủ quản của tổ chức tư vấn pháp luật có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về trợ giúp pháp lý trong quản lý, giám sát việc thực hiện trợ giúp pháp lý của tổ chức tư vấn pháp luật, tư vấn viên pháp luật theo quy định của Luật này.

Chương VII

GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VÀ TRANH CHẤP

Điều 45. Giải quyết khiếu nại, tố cáo

1. Người được trợ giúp pháp lý có quyền khiếu nại đối với hành vi sau đây của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý khi có căn cứ cho rằng hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình:

a) Từ chối thụ lý vụ việc trợ giúp pháp lý;

b) Không thực hiện trợ giúp pháp lý;

c) Thực hiện trợ giúp pháp lý không đúng pháp luật;

d) Thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý không đúng pháp luật.

2. Người đứng đầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm giải quyết khiếu nại đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được khiếu nại. Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của người đứng đầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc quá thời hạn mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lên Giám đốc Sở Tư pháp.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm giải quyết khiếu nại. Quyết định giải quyết khiếu nại của Giám đốc Sở Tư pháp có hiệu lực thi hành. Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Giám đốc Sở Tư pháp hoặc quá thời hạn mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện tại Tòa án.

3. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử lý kỷ luật, quyết định xử phạt vi phạm hành chính và quyết định hành chính, hành vi hành chính khác trong hoạt động trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về khiếu nại và quy định khác của pháp luật có liên quan.

4. Cá nhân có quyền tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về hành vi vi phạm quy định của Luật này. Việc tố cáo và giải quyết tố cáo thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo.

Điều 46. Giải quyết tranh chấp

1. Trường hợp có tranh chấp giữa người được trợ giúp pháp lý với trợ giúp viên pháp lý, tư vấn viên pháp luật, cộng tác viên trợ giúp pháp lý, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, tổ chức tư vấn pháp luật liên quan đến việc thực hiện trợ giúp pháp lý thì việc giải quyết tranh chấp được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.

2. Trường hợp có tranh chấp giữa người được trợ giúp pháp lý với luật sư, tổ chức hành nghề luật sư liên quan đến việc thực hiện trợ giúp pháp lý thì việc giải quyết tranh chấp được thực hiện theo quy định của pháp luật về luật sư và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Chương VIII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 47. Hiệu lực thi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.

2. Luật Trợ giúp pháp lý số 69/2006/QH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Điều 48. Quy định chuyển tiếp

1. Kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, người đã được bổ nhiệm trợ giúp viên pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý số 69/2006/QH11 được tiếp tục hoạt động theo quy định của Luật này; sau 05 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, người được bổ nhiệm trợ giúp viên pháp lý không có Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư thì bị thu hồi thẻ trợ giúp viên pháp lý.

2. Trong thời hạn 01 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý, người tham gia trợ giúp pháp lý theo Luật Trợ giúp pháp lý số 69/2006/QH11 phải đáp ứng yêu cầu của Luật này; trường hợp không đáp ứng yêu cầu của Luật này thì chấm dứt tham gia trợ giúp pháp lý và chuyển hồ sơ vụ việc đang thực hiện cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước nơi đăng ký tham gia để tiếp tục thực hiện.

3. Vụ việc trợ giúp pháp lý đang được thực hiện theo Luật Trợ giúp pháp lý số 69/2006/QH11 nhưng đến ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà chưa kết thúc thì tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý số 69/2006/QH11 cho đến khi kết thúc vụ việc.

4. Trong thời hạn 01 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh rà soát các Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đã được thành lập tại địa phương và căn cứ vào nhu cầu trợ giúp pháp lý, nguồn lực thực hiện trợ giúp pháp lý và hiệu quả hoạt động báo cáo Bộ Tư pháp để thống nhất việc duy trì, sáp nhập hoặc giải thể Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.

Luật này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20 tháng 6 năm 2017.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Nguyễn Thị Kim Ngân

THE NATIONAL ASSEMBLY
--------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom – Happiness
---------------

No: 11/2017/QH14

Hanoi, June 20, 2017

 

LAW

ON LEGAL AID

Pursuant to the Constitution of the Socialist Republic of Vietnam;

The National Assembly promulgates the Law on Legal Aid.

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope

This Law provides for legally-aided persons; legal aid-providing organizations; legal aid-providing persons; legal aid services and responsibilities of agencies, organizations and individuals in legal aid services.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Legal aid means the provisions of legal services free of charge to legally-aided persons in a legal aid-related case in accordance with this Law, contributing to the assurance of human rights and citizenship in the access to justice and equality before the law.

Article 3. Principles of legal aid services

1. Compliance with law and professional regulations on legal aid.

2. Timeliness, independence, honesty and respect for objective truth.

3. Best protection of legitimate rights and interests of legally-aided persons.

4. Non-collection of fees, economic benefits or other benefits from legally-aided persons.

Article 4. Legal aid policies

1. It is the State's responsibility to provide legal aid.

2. The State shall have policy on assuring the rights to receive legal aid suitable for the economic-social conditions.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. The State shall support, encourage, record and honor agencies, organizations and individuals involved in legal aid services.

Article 5. Financial sources used for legal aid

1. Financial sources for the legal aid services include state budget; contributions and donations of foreign and domestic organizations, individuals and other lawful capital sources.

2. The funding from the state budget is allocated in the annual state budget of the legal aid authority in accordance with the Law on budget.

Local governments that have not balanced the budget shall prioritize the allocation of budget capital from the annual additional funding to support the settlement of typical or complex legal aid-related cases.

3. Funding for legal aid services of voluntary organizations shall be guaranteed by such organizations.

Article 6. Prohibited acts in legal aid services

1. Legal aid-providing organizations and individuals may not commit the following acts:

a) Infringe upon the dignity, honor or legitimate rights and interests of legally-aided persons; discriminate against legally-aided persons;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Disclose information on legal aid-related cases or legally-aided persons unless it is agreed in writing by legally-aided persons or otherwise provided for by law.

d) Refuse or discontinue the provision of legal aid services, except for cases specified in this Law and regulations on procedures;

dd) Abuse legal aid services for self-seeking activities, encroach on national security and defense, disturb social order and safety, cause adverse impacts on social ethics;

e) Incite, provoke legally-aided persons to declare and supply false information and documents or to make complaints or denunciations or initiate lawsuits in contravention of law.

2. Legally-aided persons, agencies, organizations and individuals engaged in legal aid services may not commit the following acts:

a) Violate health, life, dignity, honor of legal aid-providing persons and the reputation of organizations providing legal aid services;

b) Deliberately provide false information and documents on legal aid-related cases;

c) Threaten, obstruct or illegally interfere in legal aid services; disturb, cause troubles and seriously violate regulations at legal aid-providing places.

Chapter II

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 7. Legally-aided persons

1. People with meritorious services to the revolution.

2. People in poor households.

3. Children.

4. Ethnic minority people permanently residing in areas with exceptionally difficult socio-economic conditions.

5. Accused persons from 16 years old to under 18 years old.

6. Accused persons in near-poor households.

7. People in one of the following cases having financial difficulties:

a) Blood parents, spouses and children of patriotic martyrs; persons having merits in nurturing young patriotic martyrs;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Elderly people;

d) Disabled people;

dd) Victims in criminal prosecutions from 16 years old to under 18 years old;

e) Victims in family domestic violence cases;

g) Victims of human trafficking cases as specified in the Law on human trafficking prevention and combat;

h) HIV-positive people.

The Government shall stipulate in detail the financial difficulties of legally-aided persons in this clause in accordance with the socio-economic conditions.

Article 8. Rights of legally-aided persons

1. Have the right to receive legal aid services without paying fees, economic benefits or other benefits.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Be informed about the right to receive legal aid services, order and procedures of legal aid when going to a legal aid-providing organization and concerned regulatory agencies.

4. Request confidentiality of contents of legal aid-related cases.

5. Select one local legal aid-providing organization and person on the list published; request for change of legal aid-providing person when he/she falls into one of the cases specified in Clause 1 and 2, Article 25 of this Law.

6. Modify or withdraw legal aid requests.

7. Be entitled to damages in accordance with law.

8. Lodge complaints or denunciations about legal aid in accordance with this Law and other relevant Law.

Article 9. Obligations of legally-aided persons

1. Supply papers proving their eligibility for legal aid.

2. Cooperate, provide sufficient, timely information, documents and evidences in respect of legal aid-related cases and be responsible for the accuracy of these information, documents and evidences.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. Do not request another legal aid-providing organization to provide legal aid for the case for which another legal aid-providing organization is providing legal aid.

5. Comply with the Law on Legal aid and rules of places of legal aid provision.

Chapter III

LEGAL AID-PROVIDING ORGANIZATIONS, RIGHTS AND OBLIGATIONS OF LEGAL AID-PROVIDING ORGANIZATIONS

Article 10. Legal aid-providing organizations

1. Legal aid-providing organizations include state legal aid centers and legal aid-participating organizations.

2. The Department of Justice shall announce a list of qualified local legal aid-providing organizations and post them on the website of the Department of Justice and send them to the Ministry of Justice for aggregating and posting on the website of the Ministry of Justice.

Article 11. State legal aid centers

1. State legal aid centers are non-business units affiliated to the Department of Justice established by provincial People’s Committees, have legal status, their own seals, head offices and accounts.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Branch is an affiliate of a state legal aid center which is established in a district in a severely disadvantaged area with inadequate transportation to the state legal aid center and without law-practicing organizations or legal counseling organizations participating in legal aid services. The State legal aid center shall be responsible for all activities of the branches. Depending on needs and actual conditions of the province, Chairperson of the People’s Committee shall provide decisions on establishing branches of the state legal aid center.

3. The Government shall provide specific regulations on the organization and operation of state legal aid centers and their branches.

Article 12. Legal aid-participating organizations

1. Legal aid-participating organizations include organizations signing contracts to provide legal aid services and organizations registering for participation in legal aid services.

2. Organizations signing contracts to provide legal aid services include law-practicing organizations and legal counseling organizations signing contracts with the Department of Justice to provide legal aid services in accordance with this Law.

3. Organizations registering for participation in legal aid services include law-practicing organizations and legal counseling organizations registering for participation in legal aid services according to this Law.

Article 13. Rights and obligations of legal aid-providing organizations

1. Legal aid-providing organizations shall have the following rights and obligations:

a) Provide legal aid services;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Pay compensations for damage caused by a member of such organization's faults during the process of providing legal aid services;

d) Make reports, release statistics and communication on legal aid;

dd) Settle complaints according to the provisions of Clause 2, Article 45 of this Law.

e) Make recommendations to competent authorities on matters related to the settlement of legal aid-related cases.

2. State legal aid centers shall have the following rights and obligations:

a) Rights and obligations according to the provisions of Clause 1, this Article;

b) Perform other tasks on legal aid requested or authorized by competent authorities.

3. Organizations signing contracts to provide legal aid services shall have the following rights and obligations:

a) Rights and obligations according to the provisions of Clause 1, this Article;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Other rights and obligations in accordance with the contract on legal aid.

4. Organizations registering for participation in legal aid services shall have the following rights and obligations:

a) Rights and obligations according to the provisions of Clause 1, this Article;

b) Provide legal aid services in accordance with registered contents.

Article 14. Legal aid-providing contract

1. Legal aid-providing contract shall be signed between the Department of Justice and law-practicing organizations, legal counseling organizations, and between state legal aid center with legal aid supporting lawyers or collaborators regarding the delivery of legal aid services in accordance with the civil law.

2. Based on legal aid needs and actual conditions at the province, the Department of Justice shall select and sign legal aid-providing contracts with an organization that wishes to sign and meet the following requirements:

a) The registered line of business shall correspond to the field of legal aid as specified herein;

b) Act as law-practicing organization, legal counseling organization that has at least 01 legal counselor with at least 02 years of experience in consultancy or 01 full-time lawyer working at such organization;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) The organization has not been incurring an administrative penalty for violations against regulations on law practicing and legal counseling.

3. Based on legal aid needs and resources to provide legal aid at the province, the provincial state legal aid center shall select and sign a legal aid-providing contract with a lawyer that meets the following requirements:

a) He/she has not been incurring an administrative penalty for violations against regulations on law practicing;

b) He/she has not been banned or restricted from carrying out professional activities under a decision of the competent authority;

c) He/she has not been facing a prosecution for criminal liability;

d) He/she receives a written approval from the law-practicing organization where he/she is working or the agency, organization that signs the labor contract with such lawyer.

4. The provincial state legal aid centers shall select and sign legal aid-providing contracts with legal aid supporting collaborators as prescribed in Article 24 hereof.

5. Organizations and individuals committed prohibited acts defined in Clause 1 Article 6 hereof shall not select and sign legal aid-providing contracts within at least 02 years since the conclusion of the violation is issued.

6. The Minister of Justice shall detail this Article.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Law-practicing organizations and legal counseling organizations which volunteer to provide legal aid with their own resources may register for participation in the provision of legal aid services as follows:

a) Law-practicing organizations shall satisfied all conditions prescribed in Point a, c and d Clause 2 Article 14 hereof;

b) Legal counseling organizations shall satisfied all conditions prescribed in Point a, c and d Clause 2 Article 14 hereof and have at least 01 legal counselor with 02 years of experience in consultancy or 01 full-time lawyer working at such organization

2. Law-practicing organizations and legal counseling organizations shall register their scope, form, field and legally-aided persons with provincial Department of Justice that has granted their licenses for operation registration.

3. The Minister of Justice shall stipulate procedures for the registration for participation in the provision of legal aid services

Article 16. Termination of provision of legal aid services by Legal aid-participating organizations

1. Organizations signing contracts to provide legal aid services shall terminate their provisions of legal aid services in the following cases:

a) Have no longer satisfied one of the conditions for signing contracts to provide legal aid services as prescribed in Clause 2 Article 14 hereof;

b) Termination under the contract of the provision of legal aid services;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) Have their operation terminated in accordance with law.

2. An organization registering for participation in the provision of legal aid services shall terminate its delivery of legal aid services in the following cases:

a) Has no longer satisfied one of the conditions for registering for participation in the provision of legal aid services as prescribed in Clause 1 Article 15 hereof;

b) It terminates its participation in legal aid services itself after sending a written notice to the provincial Department of Justice that has granted its license for operation registration;

c) It has not provided legal aid services for 02 consecutive years except for cases due to objective reasons;

d) It has caused serious consequences when providing legal aid services;

dd) It has its operation terminated in accordance with law.

3. When terminating delivery of legal aid services, the legal aid-participating organization shall send a written notice to the Department of Justice and transfer dossiers of legal aid-related cases it has not finished to the state legal aid center assigned by the Department of Justice for continuation of handling.

Chapter IV

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 17. Legal aid-providing persons

1. Legal aid-providing persons include:

a) Legal aid assistants;

b) Lawyers providing legal aid services under contract with State legal aid center; lawyers providing legal aid services assigned by legal aid-participating organizations;

c) Legal counselors with at least 02 years of experiences in legal counseling service and working in legal aid-participating organizations;

d) Legal aid collaborators.

2. The Department of Justice shall announce a list of local legal aid-providing persons and post them on the website of the Department of Justice and send them to the Ministry of Justice for aggregating and posting on the website of the Ministry of Justice.

Article 18. Rights and obligations of legal aid-providing persons

1. Legal aid-providing persons shall have the following rights and obligations:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Be guaranteed to provide independent legal aid, not jeopardized, hindered, harassed or unlawful intervened;

c) Refuse or discontinue the provision of legal aid services in cases specified in Clause 1, 2 Article 25, Clause 1 Article 37 hereof and regulations on procedures;

d) Be trained in legal aid knowledge and skills;

dd) Ensure the quality of legal aid services;

e) Comply with regulations on the provisions of legal aid services;

g) Promptly comply with the Law on Legal aid and rules of places of legal aid provision;

h) Compensate or reimburse the amount of money already paid by the legal aid-providing organization to the damage sufferer due to his/her fault upon the provision of legal aid services in accordance with law.

2. Legal aid assistants shall have the following rights and obligations:

a) Rights and obligations according to the provisions of Clause 1, this Article;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Perform other tasks as assigned;

d) Have the benefits as prescribed.

3. Lawyers and legal aid collaborators who enter into contracts with state legal aid centers for providing legal aid shall be entitled to remuneration and expenses for the provision of legal aid according to regulations.

4. The Government shall detail Point d Clause 2 and 3 this Article.

Article 19. Conditions for legal aid assistants

Vietnamese citizens who are public employees of legal aid centers and fully satisfy the following conditions may become legal aid assistants:

1. Good moral quality;

2. Possess a bachelor or higher degree in law;

3. Have been trained in legal profession or is not required to participate in training course of legal profession; have gone through the probation of legal profession or legal aid;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. Is not within the time of receiving disciplinary actions.

Article 20. Legal aid trainee

1. Public employees of the state legal aid center possessing certificates of lawyer profession training or exempting from law practice training according to the Law on Lawyers may register for legal aid training at state legal aid center.

The legal aid training probation duration is 12 months. The state legal aid center shall assign legal aid assistants to guide legal aid trainee and admit the legal aid training probation. Instructing legal aid assistants shall have at least 03 years of experience in assisting legal aid. At a time, a legal aid assistant shall not instruct more than 02 trainees.  

2. The legal aid trainee may assist the legal aid assistant in their professional activities but may not represent, advocate, protect the lawful rights and interests of legally-aided persons in court; may not sign written legal counseling.

The legal aid trainee may go with the instructing legal aid assistant to meet the legally-aided persons and other litigants in legal aid-related cases if they agree; assist the legal aid assistant in studying documents about the case, collecting documents, items and circumstances relevant to such cases and other professional activities. The instructing legal aid assistant shall supervise and be responsible for the activities of the legal aid trainee as prescribed in this Clause.

3. People exempted from probation of legal profession according to the Law on Lawyers shall be exempted from probation of legal aid.

4. The Minister of Justice shall detail the probation, probation testing and the form of certificate of legal aid training.

Article 21. Appointment and granting of legal aid assistant’s card

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. A dossier of appointment as legal aid assistant consists of:

a) An official letter proposing the appointment as a legal aid assistant made by the Director of Department of Justice;

b) A CV of the person proposed for appointment as a legal aid assistant;

c) 02 color portrait photos sized 2 cm x 3 cm;

d) Certified true copy of the bachelor degree, master degree or doctorate degree in law;

dd) Certified true copy of the certificate of lawyer apprentice assessment or the certificate of legal aid apprentice assessment; the copy of the document proving the exemption from legal aid apprenticeship if he/she is exempted from legal aid apprenticeship;

e) Health certificate.

3. Person who were discharged or revoked their legal aid cards as prescribed in Point a, c and f Clause 1, Article 22 hereof shall be considered for appointment and granting of legal aid assistant’s cards when satisfying the conditions for legal aid assistant as prescribed hereof and reasons for dismissal or withdrawal of cards are no longer exist

4. Within 15 days after receiving the dossier, the president of the provincial People's Committee shall consider, decide the appointment and granting of legal aid assistant's card; in case of refusal, he/ she shall issue a written notice and clearly state the reasons therefor.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Legal aid assistants shall be discharged and revoked their legal aid assistant’s card in the following cases:

a) No longer being qualified as a legal aid assistant as prescribed in Article 19 hereof;

b) Be dismissed from their jobs as a disciplinary form;

c) Transfer to other jobs or quit their jobs voluntarily;

d) Do not participate in criminal proceedings within 02 consecutive years except for cases due to objective reasons;

dd) Be disciplined in the form of reprimand twice or twice, or be dismissed for the commission of actions regulated in Point a, b, dd or e Clause 1 Article 6 hereof;

e) Is banned from carrying out professional activities under decisions of competent authorities;

2. The Director of Department of Justice shall compile and send a dossier to the provincial People's Committee for decision to dismiss or withdraw the legal aid assistant’s card for persons falls into one of the cases specified in Clause 1 this Article.

3. An application for discharge and revoking legal aid assistant’s card consists of:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Papers and documents evidencing that the legal aid assistant falls into one of the cases specified in Clause 1 this Article.

4. Within 15 days after receiving the dossier, the president of the provincial People's Committee shall decide the discharge and revoking of legal aid assistant's card.

Article 23. Reissuing of legal aid assistant’s card

1. The person that was issued the legal aid assistant’s card shall be reissued if it is lost or damaged.

2. Applicants for re-issuance of legal aid assistant's cards shall send a written request to the director of State legal aid centers. After receiving the application of the applicant, the Director of Department of Justice shall submit such dossiers to the president of the provincial People's Committee.

3. Dossier of re-issuance of legal aid assistant’s card consists of:

a) Application for re-issuance of legal aid assistant’s card;

b) 02 color portrait photos sized 2 cm x 3 cm;

c) The damaged legal aid assistant’s card or the confirmation of Director of legal aid centre in case of loss.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. Within 05 working days after receiving the dossier, the president of the provincial People's Committee shall decide the re-issuance of legal aid assistant's card.

Article 24. Legal aid collaborators

1. In severely disadvantaged areas, depending on legal aid needs and actual conditions of the province, the director of the state legal aid center shall request the Director of Department of Justice to grant legal aid collaborator’s cards to eligible persons defined in Clause 2 of this Article.

2. Persons who have retired, have full civil act capacity, good moral qualities, good health and wish to provide legal aid may become legal aid collaborators, including: legal aid assistants; judges, inspectors of the court; procurators, inspectors of the Procuracy; investigators; enforcers, examiners in civil judgment enforcement; legal affairs specialist at regulatory agencies.

3. The Director of the State legal aid center shall sign the contract on the provision of legal aid with the person who is granted the legal aid collaborator's card for the provision of legal consultancy at the province.

The Director of the State legal aid center shall request the Director of Department of Justice to revoke legal aid collaborator's cards of persons who do not provide legal aid services within 02 consecutive years except for cases due to objective reasons.

4. The Government shall detail the participation of collaborators in legal aid services.

Article 25. Cases of discontinuance or refusal to provide legal aid services

1. Legal aid-providing persons shall not continue to provide legal aid services in the following cases:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Be revoked legal aid assistant's card, legal aid collaborator’s card, law practicing certificate or legal counselor card;

c) Cases of inability to participate in proceedings as prescribed by law on proceedings.

2. Legal aid-providing person must refuse to provide legal aid services in the following cases:

a) Provided or is providing legal aid service to a legally-aided person that is a party with conflicting interests in the same case, unless otherwise agreed in legal consultancy, extrajudicial representation in civil matters by parties;

b) There are evidences to believe that he/she is possibly biased during the process of providing legal aid services;

c) There are reasons that show the legal aid service cannot be provided effectively, affecting the lawful rights and interests of legally-aided persons.

3. The legal aid-providing organization shall notify the reason in writing to the legally-aided person and appoint another person to provide legal aid in cases specified in Clause 1 and 2 of this Article.

Chapter V

LEGAL AID SCOPE, FIELD, FORM AND SERVICE

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. State legal aid center shall provide legal aid services in the following cases:

a) Legally-aided persons residing at the province;

b) Legal aid-related cases at the province;

b) Legal aid-related cases requested by competent central authorities.

2. Organizations signing contracts to provide legal aid services shall provide legal aid services within the contract.

3. Organizations registering to support legal aid services shall provide legal aid services within the registered contents.

Article 27. Areas and forms of legal aid delivery

1. Legal aid shall be provided in the areas of law, except for business and trade sector.

2. Legal aid forms include:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Legal consultancy;

c) Extrajudicial representation.

Article 28. Places for reception of legally-aided persons

1. Legal aid-providing organizations shall arrange places for reception of legally-aided persons at the headquarter of such organization or locations other than headquarter which are convenient for legally-aided persons to express their requests.

2. Headquarters of legal aid-providing organizations must post the timetable and internal rules on reception of legally-aided persons.

Article 29. Legal aid request

1. When requesting legal aid, the legally-aided person must submit a set of application to the legal aid-providing organization, including:

a) Legal aid written application form;

b) Papers proving their eligibility for legal aid;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. The application for legal aid services shall be submitted as follows:

a) If the application is submitted directly at the headquarter of the legal aid-providing organization, legally-aided person shall submit the papers and documents specified in Point a and c, Clause 1 of this Article; present the original copy or submit the certified true copy proving that he/she is the legally-aided person.

If a legally-aided person cannot write a request by himself/herself, the legal aid-providing person shall fill in the request form, give it to the legally-aided person for reading or read it to the legally-aided person and asks him/her to sign or press his/her fingerprint on the filled-in form;

b) If the application is sent by post, the legally-aided person shall submit the papers and documents specified in Point a and c Clause 1 of this Article, the certified true copy proving that he/she is the legally-aided person;

c) If the application is submitted via fax or an electronic form, when meeting the legal aid-providing persons, the legally-aided person must present the original copy or submit the certified true copy proving that he/she is the legally-aided person.

Article 30. Acceptance of legal aid-related cases

1. The legal aid request shall only be accepted when there are specific cases directly related to the lawful rights and interests of legally-aided persons specified in Article 7 and in accordance with this Law.

2. Those who receive written requests for legal aid shall check their contents related to legal aid and immediately reply to the legally-aided person whether the dossiers are eligible for acceptance or needed supplement.

3. Legal aid-providing organization must refuse and clearly state the reasons in writing to the requesters in the following cases:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Legal aid request contains illegal contents;

c) The legally-aided person has already passed away;

d) The case for which another legal aid-providing organization is providing legal aid.

4. In cases the requester could not provide sufficient documents as specified in Clause 1 Article 29 hereof but need legal aid right away due to the fact that the legal aid-related cases were about to be expired or the trial day is approaching, the presiding agency transfer legal aid requests to legal aid-providing organizations or for the purpose of avoiding damaging the lawful rights and interests of legally-aided persons, the recipient shall notice the head of the legal aid-providing organization and accept immediately, at the same time guide the requesters to provide additionally necessary documentation.

Article 31. Participation in legal proceedings

1. Legal aid assistants, lawyers providing legal aid shall participate in legal proceedings in the capacity of defenders or protectors of legally-aided persons’ lawful rights and interests in accordance with this Law and the Law on Proceedings.

2. Within 03 working days after receiving legally-aided persons' requests for the appointment of legal aid-providing persons to participate in legal proceedings, legal aid-providing organizations shall appoint legal aid- providing persons.

Within 12 hours after receiving a request from the legally-aided person who is arrested or detained for the appointment of legal aid-providing persons, legal aid-providing organizations shall appoint legal aid-providing persons.

3. Within 12 hours after receiving requests from persons who are arrested, detained or within 24 hours after receiving requests from legally-aided persons who are suspects, defendants, victims according to the Law on Proceedings, competent procedural authorities and persons shall notice the state legal aid center at the province. Immediately after receiving the notice of competent procedural authorities and persons, the state legal aid center shall accept the case as prescribed in Clause 4 Article 30 hereof and appoint legal aid-providing persons to participate in legal proceedings.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 32. Legal consultancy

1. Persons providing legal aid in counseling to legally-aided persons by guiding, giving opinions, helping draft documents related to disputes, complaints and legal problems; guiding the mediation, negotiation and agreement on settling the case.

2. Within 10 days from receiving the request or receiving sufficient additional papers and documents, legal aid proving persons shall study and respond in written to the legally-aided person;  For complex cases or cases needed time for verification, the time limit may be extended but not more than 30 days, unless otherwise agreed with the legally-aided persons.

In cases the request for legal aid service is a simple legal problem, the recipient shall guide, answer and provide legal information immediately to the legally-aided person.

Article 33. Extrajudicial representation

1. Legal aid assistants, lawyers providing legal aid shall act as extrajudicial representatives before competent regulatory agencies for legally-aided persons.

2. Within 03 working days after receiving legally-aided persons' requests, legal aid-providing organizations shall appoint legal aid- providing persons to act as extrajudicial representatives for legally-aided persons.

The appointment of as extrajudicial representatives must be in written form and be sent to concerned legally-aided persons.

Article 34. Coordination in verifying legal aid-related cases

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. The requested legal aid-providing organization shall carry out the verification within 10 days after receiving the request and send the verification results together with relevant documents and papers to the requesting legal aid-providing organization; if the verification cannot be carried out, the requested legal aid-providing organization shall provide an explanation in writing.

3. The verification requests, notices of verification results and relevant papers and documents must be filed in dossiers of legal aid-related cases.

Article 35. Transfer of legal aid request

1. In cases the legal aid request fails to satisfy the conditions specified in Point a and b Clause 1 Article 26 hereof, the state legal aid center shall transfer such legal aid request to competent state legal aid center and notify concerned legally-aided persons.

2. In cases of insufficient resources to provide legal aid service, the legal aid-providing organization shall transfer such legal aid request to state legal aid center at the province and notify concerned legally-aided persons.

Article 36. Recommendation in legal aid services

1. Through legal aid services, legal aid-providing organizations may make written recommendations to competent state agencies on matters related to the legal aid-related cases.

2. Within 30 days from receiving the recommendation, agencies that receive those recommendations shall, within the scope of their tasks and powers, respond in written form;  If there is a plausible reason, the time limit may be extended but not more than 45 days, unless otherwise provided for by law.

3. If the received agency fails to respond within the time limit as prescribed in Clause 2 this Article, the legal aid-providing organization may request the direct superior agency of such agency for consideration and settlement.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Legal aid-related cases shall be discontinued in the following cases:

a) Cases of refusal according to the provisions of Clause 3, Article 30 of this Law;

b) The legally-aided person perform one of the acts prohibited prescribed in Clause 2 Article 6 hereof;

c) The legally-aided person withdraws his/her request for legal aid.

2. In cases of discontinuance of the provision or legal aid, the legal aid-providing organization or person shall notify the reason in writing to the legally-aided person.

3. If a legal aid-related case is being carried out but the legally-aided person no longer satisfies the provisions of Article 7 hereof, such case shall continue being carried out until the end.

Article 38. Dossiers of legal aid-related cases

1. When providing legal aid, legal aid-providing organizations and persons shall compile dossiers of legal aid-related cases.

2. The dossier of a legal aid-related case comprises:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) The result, papers and documents related to the legal aid-related case;

c) Other papers and documents (if any).

Article 39. Archive of dossiers of legal aid-related cases

1. Within 30 days after finishing a legal aid-related case, the legal aid-providing person shall transfer the dossier to the legal aid-providing organization.

2. Documents and papers of legal aid-related cases must be registered, numbered and arranged in the order of date, month, year and archived according to the law.

3. The electronic dossiers of each legal aid-related case shall be digitized and updated to the legal aid-related case management system and archived in the database of legal aid.

Chapter VI

RESPONSIBILITIES OF AGENCIES, ORGANIZATIONS AND INDIVIDUALS IN LEGAL AID SERVICES

Article 40. Responsibilities of state management of legal aid

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. The Ministry of Justice is the focal point to assist the Government in performing the State management of legal aid and has the following tasks and powers:

a) Take charge, elaborate and promulgate or request competent authorities to promulgate legal documents on legal aid;

b) Elaborate, promulgate or request competent authorities to promulgate strategies and plans on the development of legal aid services and organize the implementation of these strategies and plans;

c) Promulgate regulations on professional guidance and specimen papers on legal aid service; criteria for defining complex, typical legal aid-related cases; make reports and statistics on legal aid service;

d) Guide, organize and follow the implementation of legal documents on legal aid.

dd) Organize training in legal aid knowledge and skills for legal aid-providing persons;

e) Organize the communication on legal aid and the appraisal, evaluation of the quality of legal aid services;

g) Examine and inspect the provision of legal aid service; reward, discipline and handle violations in legal aid services;

h) Receive support and contributions from organizations and individuals for legal aid;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Ministries and ministerial-level agencies shall, within the scope of their tasks and powers, coordinate with the Ministry of Justice in performing the state management of legal aid.

4. Provincial People’s Committees shall, within their scope of tasks and powers, perform the state management of legal aid at their provinces, ensure working conditions for state legal aid centers.

Article 41. Responsibilities of agencies related to legal aid services in legal proceedings

1. The Supreme People’s Court, People’s Supreme Procuracy, Ministry of Public Security and Ministry of National Defense shall organize the implementation of this Law in their affiliated agencies.

2. Within their scope of tasks and powers, the presiding agency shall cooperate and create favorable conditions for legally-aided persons entitled to receive legal aid services, create favorable conditions for legal aid-providing persons to participate in legal proceedings according to regulations.

Article 42. Responsibilities of relevant state agencies

In the course of handling cases related to citizens, if the citizens are legally-aided persons, state agencies shall explain the right to receive legal aid service and recommend legal aid-providing organizations to them.

Article 43. Responsibilities of socio-professional organizations of lawyers

1. The Vietnam Bar Federation shall cooperate with the Ministry of Justice in managing and supervising the provision of legal aid services by lawyers and law-practicing organizations in accordance with this Law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 44. Responsibilities of agency directly supervising the legal counseling organizations

The agency directly supervising the legal counseling organizations shall cooperate with competent state management agencies in providing legal aid in managing and supervising by legal consulting firms and legal consultants in accordance with this Law.

Chapter VII

SETTLEMENT OF COMPLAINTS, DENUNCIATIONS AND DISPUTES

Article 45. Settlement of complaints and denunciations

1. Legally-aided persons may lodge complaints about the following acts of legal aid-providing organizations, legal aid-providing persons when having grounds to believe that those acts are unlawful acts or infringe upon their legitimate rights and interests:

a) Refuse to accept legal aid-related cases;

b) Fail to provide legal aid services;

c) Provide illegal legal aid services;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Heads of legal aid-providing organizations shall settle complaints about acts specified in Clause 1 this Article within 03 working days after receiving the complaints. If the complainants disagree with complaint-settlement decisions of heads of legal aid-providing organizations or upon the expiration of the deadline but the complaint is not resolved, they may further lodge their complaints to the Director of Department of Justice.

Director of Department of Justice shall settle complaints within 15 days after receiving them. Decisions on complaint settlement of the director of Department of Justice shall be valid. If the complainants disagree with the decisions of the director of Department of Justice or upon the expiration of the deadline but the complaint is not resolved, they may file a lawsuit in court.

3. Organizations and individuals may complaint or file a lawsuit about disciplining decisions, decisions on administrative violation sanctions and other administrative decisions, acts in legal aid in according with the law on complaints and other relevant provisions.

4. Individuals may denounce violations of this Law to competent state agencies. Denunciations and settlement of denunciations shall comply with the law on denunciations.

Article 46. Settlement of disputes

1. Disputes arising between legally-aided persons and legal aid assistants, legal counselors, legal aid collaborators, state legal aid centers or legal counseling organizations related to the provision of legal aid shall be settled in accordance with the civil law.

2. Disputes arising between legally-aided persons and lawyers or law practicing organizations related to the provision of legal aid services shall be settled in accordance with the law on lawyers and other relevant laws.

Chapter VIII

IMPLEMENTATION CLAUSE

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. This Law takes effect on January 1, 2018.

2. The Law on Legal Aid No. 69/2006/QH11 shall become invalid since this Law takes effect.

Article 48. Transitional provisions

1. From the effective date of this Law, the persons who have been appointed as legal aid assistants under the Law on Legal Aid No. 69/2006/QH11 shall continue to operate under the provisions of this Law; after 05 years from the effective date of this Law, the persons who are appointed as legal aid assistants without certificates certifying graduates of lawyer training shall have their legal aid certificates withdrawn.

2. Within 01 years after the effective date of this Law, legal aid-providing organizations and individuals according to the Law on Legal Aid No. 69/2006/QH11 must satisfy the requirements of this Law. If they fail to satisfy the requirements of this Law, they shall terminate their provision of legal aid services and transfer the dossiers of the cases currently provided to the State legal aid centers where they register for participation to continue their provision.

3. Legal aid-related cases being provided under the Law on Legal Aid No. 69/2006/QH11 but by the date this law takes effect they are not yet completed, they shall continue to comply with the Law on Legal Aid No. 69/2006/QH11 until the completion of such cases.

4. Within 01 year from the effective date of this Law, provincial People's Committees shall review the branches of State legal aid centers established in their respective provinces and, base on the needs, resources of legal aid and the efficiency, report to the Ministry of Justice to unify the maintenance, merger or dissolution of branches of state legal aid centers.

This Law was adopted June 20, 2017 by the XIVth National Assembly of the Socialist Republic of Vietnam on its 3rd meeting.

 

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

PRESIDENT OF THE NATIONAL ASSEMBLY




Nguyen Thi Kim Ngan

 

 

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Luật Trợ giúp pháp lý 2017

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


181.707

DMCA.com Protection Status
IP: 3.133.154.106
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!