ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 4918/KH-UBND
|
Bình Dương, ngày
01 tháng 11 năm 2017
|
KẾ HOẠCH
THỰC
HIỆN THÍ ĐIỂM LIÊN THÔNG THỦ TỤC HÀNH CHÍNH CẤP CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ KHÁM BỆNH,
CHỮA BỆNH; CẤP CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ DƯỢC; CẤP PHIẾU LÝ LỊCH TƯ PHÁP
I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU, PHẠM VI VÀ
ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG
1. Mục tiêu
a) Mục tiêu tổng quát
Cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm thực hiện cơ
chế liên thông trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh, dược và hành chính tư pháp;
nhằm từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ công thuộc trách nhiệm của Sở Y tế
và Sở Tư pháp theo hướng tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại của công dân
trong việc thực hiện thủ tục hành chính; đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả
hoạt động quản lý nhà nước trong các lĩnh vực này.
b) Mục tiêu cụ thể
- Đơn giản hóa, công khai, minh bạch thủ tục hành
chính; giảm giấy tờ, rút ngắn thời gian giải quyết, tiết kiệm chi phí, tạo điều
kiện thuận lợi tối đa cho người dân trong việc thực hiện các thủ tục hành
chính: cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; cấp chứng chỉ hành nghề dược
và cấp phiếu lý lịch tư pháp;
- Nâng cao tinh thần trách nhiệm và tính chủ động,
tích cực của cán bộ, công chức và cơ quan nhà nước; góp phần phòng, chống tiêu
cực, nhũng nhiễu trong giải quyết thủ tục hành chính;
- Bảo đảm tính kịp thời, chính xác, thống nhất của
các thông tin về nhân thân của cá nhân, hạn chế việc gây phiền hà, khó khăn cho
người dân, đồng thời phục vụ tốt cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực
khám bệnh, chữa bệnh, dược và hành chính tư pháp.
2. Yêu cầu
- Quán triệt nguyên tắc thực hiện cơ chế một cửa và
một cửa liên thông trong giải quyết các thủ tục hành chính theo yêu cầu của cá
nhân, tổ chức. Đồng thời, bảo đảm tính chặt chẽ, chính xác trong quản lý nhà nước
về các lĩnh vực nêu trên.
- Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có
liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện liên thông các thủ tục hành chính.
- Tăng cường trách nhiệm phục vụ nhân dân của cán bộ,
công chức, viên chức tại các cơ quan có thẩm quyền.
- Tiết kiệm thời gian, chi phí thực hiện thủ tục
hành chính của cá nhân, tổ chức. Tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong việc
thực hiện thủ tục hành chính.
3. Phạm vi áp dụng
Việc liên thông các thủ tục hành chính được thực hiện
đối với các trường hợp cụ thể sau:
a) Cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thuộc
thẩm quyền giải quyết của Sở Y tế tỉnh Bình Dương (sau đây gọi tắt là Sở Y tế)
và cấp phiếu lý lịch tư pháp thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tư pháp tỉnh
Bình Dương (sau đây gọi tắt là Sở Tư pháp).
b) Cấp chứng chỉ hành nghề dược thuộc thẩm quyền giải
quyết của Sở Y tế và cấp phiếu lý lịch tư pháp thuộc thẩm quyền giải quyết của
Sở Tư pháp.
4. Đối tượng áp dụng
a) Cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề
khám bệnh, chữa bệnh; cấp chứng chỉ hành nghề dược; cấp phiếu lý lịch tư pháp;
b) Cá nhân có yêu cầu thực hiện liên thông các thủ
tục hành chính: cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; cấp chứng chỉ
hành nghề dược; cấp phiếu lý lịch tư pháp.
c) Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích
(Bưu điện tỉnh).
II. NGUYÊN TẮC GIẢI QUYẾT THỦ TỤC
HÀNH CHÍNH; CƠ QUAN TIẾP NHẬN HỒ SƠ, TRẢ KẾT QUẢ GIẢI QUYẾT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH;
LỘ TRÌNH THỰC HIỆN LIÊN THÔNG THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
1. Nguyên tắc giải quyết thủ tục hành chính liên
thông
a) Sở Y tế có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ đúng quy
trình thực hiện liên thông.
b) Sở Tư pháp, Sở Y tế có trách nhiệm trong việc giải
quyết từng thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan mình;
cùng phối hợp giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện
liên thông các thủ tục hành chính.
c) Cá nhân có yêu cầu giải quyết các thủ tục hành
chính về cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; cấp chứng chỉ hành nghề
dược; cấp phiếu lý lịch tư pháp có quyền lựa chọn áp dụng hoặc không áp dụng thực
hiện liên thông các thủ tục hành chính này.
d) Cá nhân có yêu cầu giải quyết các thủ tục hành
chính về cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; cấp chứng chỉ hành nghề
dược; cấp phiếu lý lịch tư pháp có quyền lựa chọn cách thức thực hiện việc nộp
hồ sơ, trả kết quả trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính, đăng ký hoặc nộp hồ sơ trực
tuyến.
2. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết
thủ tục hành chính
a) Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở Y tế là
đầu mối tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; thu phí
trong các trường hợp:
- Liên thông thủ tục hành chính “cấp chứng chỉ hành
nghề khám bệnh, chữa bệnh” với thủ tục hành chính “cấp phiếu lý lịch tư pháp”;
- Liên thông thủ tục hành chính “cấp chứng chỉ hành
nghề dược” với thủ tục hành chính “cấp phiếu lý lịch tư pháp”.
b) Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở Tư pháp
tiếp nhận hồ sơ đề nghị “cấp phiếu lý lịch tư pháp” do Bộ phận tiếp nhận và trả
kết quả của Sở Y tế chuyển đến.
c) Công chức tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của
Sở Y tế, Sở Tư pháp, nhân viên bưu chính (trường hợp người dân lựa chọn cách thức
nộp hồ sơ qua bưu chính công ích) có trách nhiệm hướng dẫn người dân trong việc
lập hồ sơ liên thông thủ tục hành chính.
d) Bưu điện tỉnh tiếp nhận, trả kết quả giải quyết
thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích theo yêu cầu của cá nhân (trường
hợp người dân lựa chọn cách thức nộp hồ sơ, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính
công ích).
3. Lộ trình triển khai thực hiện
a) Giai đoạn 1 (quý IV năm 2017): Hoàn thiện thể
chế và truyền thông việc triển khai, thực hiện liên thông các thủ tục hành
chính
* Xây dựng và hoàn thiện quy chế phối hợp triển
khai, thực hiện; công bố thủ tục hành chính liên thông
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy chế phối
hợp trong việc thực hiện liên thông các thủ tục hành chính: Cấp chứng chỉ hành
nghề khám bệnh, chữa bệnh; cấp chứng chỉ hành nghề dược; cấp phiếu lý lịch tư
pháp.
+ Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với
Sở Y tế;
+ Cơ quan phối hợp: các đơn vị có liên quan;
+ Thời gian hoàn thành: tháng 11 năm 2017.
- Tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành
Quyết định công bố thủ tục hành chính liên thông.
+ Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với
Sở Y tế;
+ Cơ quan phối hợp: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh
(kiểm soát chất lượng dự thảo Quyết định công bố thủ tục hành chính liên
thông);
+ Thời gian hoàn thành: tháng 12 năm 2017.
* Tổ chức thực hiện thiết lập cơ chế một cửa
liên thông, công khai, minh bạch, đồng bộ các thủ tục hành chính tại Trung tâm
hành chính công của tỉnh
- Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp, Sở Y tế, Bưu điện
tỉnh;
- Đơn vị phối hợp: Trung tâm hành chính công của tỉnh;
- Thời gian thực hiện: tháng 12 năm 2017.
* Sắp xếp bố trí cán bộ, công chức, viên chức
liên quan đến việc thực hiện liên thông các thủ tục hành chính
- Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp, Sở Y tế;
- Thời gian thực hiện: tháng 12 năm 2017 và thường
xuyên.
* Tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho đội
ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên bưu chính thực hiện tiếp nhận hồ sơ
liên thông các thủ tục hành chính (nếu có)
- Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp Sở
Y tế, Bưu điện tỉnh và các cơ quan có liên quan đến việc thực hiện liên thông
các thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh.
- Thời gian thực hiện: tháng 12 năm 2017.
* Tổ chức các hoạt động truyền thông
Tuyên truyền, phổ biến nội dung, ý nghĩa của việc
thực hiện cơ chế liên thông trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh, dược và hành
chính tư pháp nhằm từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ công thuộc trách nhiệm
của Sở Tư pháp, Sở Y tế:
- Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp, Sở Y tế;
- Cơ quan phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông,
Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương, Bưu điện tỉnh, các cơ quan báo chí và
đơn vị, địa phương có liên quan;
- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.
b) Giai đoạn 2 (cả năm 2018): Thực hiện thí điểm
liên thông thủ tục hành chính
- Thực hiện tiếp nhận hồ sơ liên thông thủ tục hành
chính: cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; cấp chứng chỉ hành nghề dược;
cấp phiếu lý lịch tư pháp.
- Cách thức thực hiện: Cá nhân có yêu cầu thực hiện
liên thông các thủ tục hành chính về cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh;
cấp chứng chỉ hành nghề dược; cấp phiếu lý lịch tư pháp có quyền lựa chọn cách
thức thực hiện việc nộp hồ sơ, trả kết quả trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận và
trả kết quả của Sở Y tế hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích.
c) Giai đoạn 3 (năm 2019): Sơ kết, rút kinh nghiệm
Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và cơ
quan, đơn vị có liên quan tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá kết quả 01 năm triển
khai thực hiện thí điểm liên thông thủ tục hành chính. Trên cơ sở kết quả đánh
giá sơ kết, xem xét triển khai thêm cách thức đăng ký hoặc nộp hồ sơ trực tuyến.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh
Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Y tế và cơ
quan, đơn vị có liên quan đôn đốc, kiểm tra tiến độ, hiệu quả triển khai Kế hoạch
thực hiện thí điểm liên thông các thủ tục hành chính.
2. Sở Tư pháp
- Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh,
Sở Y tế và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch thí điểm
liên thông thủ tục hành chính cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; cấp
chứng chỉ hành nghề dược; cấp phiếu lý lịch tư pháp. Báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh
tình hình triển khai Kế hoạch và đề xuất các biện pháp cần thiết để bảo đảm Kế
hoạch được thực hiện đầy đủ, hiệu quả, đồng bộ và đúng tiến độ;
- Chủ trì, phối hợp Sở Y tế và các cơ quan liên
quan tổ chức Hội nghị sơ kết một năm thực hiện thí điểm liên thông thủ tục hành
chính;
- Phối hợp với Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông,
Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương, các cơ quan báo chí và cơ quan, đơn vị
có liên quan tuyên truyền, phổ biến nội dung, ý nghĩa của việc thực hiện cơ chế
liên thông trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh, dược và hành chính tư pháp;
- Phối hợp Sở Y tế tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp
vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên bưu chính thực hiện tiếp
nhận hồ sơ (cấp phiếu lý lịch tư pháp) liên thông các thủ tục hành chính.
3. Sở Y tế
- Chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện liên thông
các thủ tục hành chính trong phạm vi do ngành mình quản lý;
- Phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở
Tư pháp và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc triển khai, hướng dẫn,
kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện liên thông các thủ tục hành chính; chủ động phối
hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó
khăn trong quá trình triển khai thực hiện; tuyên truyền, phổ biến nội dung, ý
nghĩa của việc thực hiện liên thông thủ tục hành chính trong lĩnh vực khám bệnh,
chữa bệnh, dược và hành chính tư pháp;
- Phối hợp tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ
cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên bưu chính thực hiện tiếp nhận
hồ sơ liên thông các thủ tục hành chính.
4. Sở Tài chính
Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh về kinh phí, cơ sở vật
chất, đảm bảo ngân sách nhà nước phục vụ công tác triển khai thực hiện liên
thông các thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật.
5. Sở Nội vụ
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc bảo đảm
chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận một cửa, một cửa
liên thông;
- Bố trí bộ phận tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả của Sở
Tư pháp, Sở Y tế ở vị trí liền kề nhau tại Trung tâm hành chính công.
6. Sở Thông tin và Truyền thông
Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Y tế, Báo Bình
Dương và Đài phát thanh truyền hình tỉnh, Bưu điện tỉnh trong việc đẩy mạnh
tuyên truyền thực hiện liên thông các thủ tục hành chính nhằm đảm bảo triển
khai Kế hoạch một cách hiệu quả trên thực tế.
7. Bưu điện tỉnh:
- Tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục
hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích theo yêu cầu của cá nhân.
- Nộp đầy đủ, đúng thời hạn tiền phí đã thu từ cá
nhân cho cơ quan có thẩm quyền.
- Định kỳ hàng năm hoặc đột xuất chủ trì hoặc phối
hợp với Sở Tư pháp, Sở Y tế tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho nhân viên bưu chính
về quy trình nghiệp vụ có liên quan đến việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải
quyết thủ tục hành chính; thu phí, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính.
8. Kinh phí thực hiện
Kinh phí triển khai thực hiện Kế hoạch này được bố
trí từ nguồn ngân sách Nhà nước. Hàng năm, căn cứ nhiệm vụ được giao, các cơ
quan, đơn vị có liên quan xây dựng dự thảo kinh phí gửi cơ quan tài chính cùng
cấp thẩm định theo đúng chế độ quy định hiện hành để tham mưu cấp có thẩm quyền
xem xét, bố trí kinh phí của ngân sách cấp mình.
Trong quá trình tổ chức triển khai, thực hiện Kế hoạch,
nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các cơ quan, đơn vị báo cáo về Ủy ban nhân
dân tỉnh (thông qua Sở Tư pháp) để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem
xét, giải quyết./.
Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp; Bộ Y tế;
- Cục KSTTHC (VP CP);
- TT.TU, TT.HĐND tỉnh;
- CT, các PCT.UBND tỉnh;
- Sở Tư pháp; Y tế; Tài chính;
- Sở Nội vụ;
- Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh;
- Báo Bình Dương; Đài PTTH tỉnh;
- Bưu điện tỉnh;
- Trung tâm HCC tỉnh;
- LĐVP (Lg,V), Th;
- Lưu: VT.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Trần Thanh Liêm
|