CHỈ THỊ
V/V TĂNG CƯỜNG
CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN
THƠ
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp
luật là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Đảng và Nhà nước ta đặc biệt
quan tâm. Vấn đề này được thể hiện rất rõ trong nhiều văn kiện của Đảng và các
chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật của Chính phủ. Trong những năm
qua, với tinh thần quán triệt việc thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW ngày 09 tháng 12
năm 2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo
dục pháp luật luôn được xem là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị tư
tưởng và được tiến hành một cách thường xuyên, liên tục.
Thực hiện chủ trương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ
biến, giáo dục pháp luật, những năm gần đây, công tác tuyên truyền, phổ biến,
giáo dục pháp luật trên địa bàn thành phố đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ;
tổ chức của Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp
thường xuyên được củng cố; đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật
được quan tâm kiện toàn và nâng cao chất lượng; nhiều hình thức tuyên truyền
phong phú, đa dạng được phát huy như tuyên truyền thông qua báo, đài địa
phương, thông qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, các hình thức sinh hoạt câu
lạc bộ pháp luật, tủ sách pháp luật, hoạt động trợ giúp pháp lý, hòa giải cơ
sở...
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền,
phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn còn những mặt hạn chế nhất định như hoạt động
phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật của chính quyền, đoàn thể, nhất là ở cơ
sở chưa chặt chẽ và thường xuyên; việc nghiên cứu học tập pháp luật của một bộ
phận cán bộ, nhân dân chưa triệt để; cá biệt một số cơ quan, đơn vị chưa quan
tâm đúng mức đến công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, chưa chủ
động trong việc phối hợp thực hiện. Mặt khác, trình độ của một số báo cáo viên,
tuyên truyền viên pháp luật còn hạn chế; kinh phí dành cho công tác tuyên truyền,
phổ biến, giáo dục pháp luật chưa phù hợp.... Từ đó đã phần nào ảnh hưởng đến
hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên toàn
thành phố.
Để khắc phục
những hạn chế nói trên, góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo
dục pháp luật trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các cơ
quan, đơn vị, địa phương thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
thành phố, các đoàn thể, sở, ban ngành, doanh nghiệp, Ủy ban nhân dân quận, huyện
tiếp tục quán triệt thực hiện tốt Chỉ thị 32-CT/TW ngày 09 tháng 12 năm 2003
của Ban Bí thư Trung ương Đảng, những nội dung kết luận của Ban Bí thư tại Hội
nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW và Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 05
tháng 3 năm 2007 của Thành ủy Cần Thơ về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số
32-CT/TW ngày 09 tháng 12 năm 2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường
sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý
thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân. Các cấp, các ngành luôn xác định
tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng
tâm của cả hệ thống chính trị. Việc nghiên cứu, học tập pháp luật, đặc biệt đối
với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải được xem là nhiệm vụ
thường xuyên và liên tục, là tiêu chuẩn để xét thi đua hàng năm. Đề nghị cấp ủy
Đảng cơ sở lồng ghép nội dung cần tuyên truyền, phổ biến pháp luật vào các kỳ
sinh hoạt chi bộ tại cơ quan, đơn vị theo tinh thần Chỉ thị 10-CT/TƯ ngày 30
tháng 3 năm 2007 của Ban Bí thư Trung ương về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi
bộ.
2. Ủy ban nhân dân quận, huyện tiếp tục chấn chỉnh, kiện
toàn Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao vai trò,
chất lượng hoạt động và xem đây là cơ chế chủ yếu của công tác tuyên truyền,
phổ biến pháp luật trong thời gian tới. Cần quan tâm chỉ đạo xây dựng Quy chế
hoạt động và phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể cho từng thành viên. Có kế
hoạch rà soát các mô hình tuyên truyền, phương thức tuyên truyền tại địa phương
để có biện pháp củng cố những mô hình hoạt động kém hiệu quả, nhân rộng các mô
hình đang phát huy tác dụng.
3. Sở, ban ngành, doanh nghiệp và Ủy ban
nhân dân quận, huyện cần chủ động tăng cường chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ
biến, giáo dục pháp luật ở cơ quan, đơn vị, địa phương, có kế hoạch cụ thể hàng
quí, năm về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và thường xuyên
theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các kế hoạch đã đề ra. Ngoài ra, cần tăng
cường công tác phối hợp, tạo sức mạnh tổng hợp trong công tác tuyên truyền, phổ
biến, giáo dục pháp luật giữa các ngành. Đặc biệt, quan tâm việc biểu dương,
khen thưởng những cá nhân, tập thể có thành tích trong công tác tuyên truyền,
phổ biến, giáo dục pháp luật.
4. Để công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo
dục pháp luật đạt kết quả tốt, Thủ trưởng cơ quan, ban ngành, Giám đốc doanh
nghiệp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, Hiệu trưởng trường đại học, cao
đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề và các trường phổ thông cần quan tâm
đến việc xây dựng, củng cố và khai thác hiệu quả tủ sách pháp luật, chú trọng
việc đa dạng hóa các hình thức đưa sách pháp luật đến nhân dân, nhân rộng mô
hình kệ sách pháp luật ở ấp, khu vực, trường học, tủ sách pháp luật gia đình.
Tủ sách, kệ sách pháp luật phải đặt ở nơi hợp lý, thuận tiện cho cán bộ, nhân
dân tham gia đọc và mượn sách, đảm bảo nguồn kinh phí bổ sung cho tủ sách pháp
luật theo quy định. Đối với các xã, phường, thị trấn, phải có kế hoạch chỉ đạo
xây dựng tủ sách pháp luật đạt chỉ tiêu 100% trong năm 2007.
Đối với câu lạc bộ pháp luật, cần tiếp tục quan
tâm và nâng cao chất lượng hoạt động, phát huy tối đa tác dụng của mô hình.
Riêng Câu lạc bộ Tuổi trẻ phòng, chống tội phạm, phấn đấu trong năm 2007 và
những năm tiếp theo phải nhân rộng mô hình, phát triển nhiều Câu lạc bộ Tuổi trẻ
phòng, chống tội phạm trên toàn thành phố.
Tiếp tục lồng ghép và đẩy mạnh tuyên truyền, phổ
biến pháp luật thông qua các hoạt động khác như hoạt động tư vấn pháp luật, trợ
giúp pháp lý, thông qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, các hoạt động văn hóa,
văn nghệ... Đặc biệt, tăng cường lồng ghép tuyên truyền, phổ biến pháp luật
thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở.
5. Sở Tư pháp và Phòng Tư pháp tham mưu cho
Ủy ban nhân dân cùng cấp xây dựng kế hoạch định kỳ tổ chức tập huấn kiến thức
pháp luật và kỹ năng tuyên truyền cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên
pháp luật; cán bộ pháp chế ngành, doanh nghiệp, cung cấp những tài liệu cần
thiết có liên quan đến công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
Đối với báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật
từng bước tự nâng cao trình độ, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật. Bên
cạnh đó, nâng cao năng lực phổ biến pháp luật cho cán bộ pháp chế ngành, doanh
nghiệp. Đội ngũ này đảm bảo tham dự đầy đủ các buổi triển khai văn bản pháp
luật mới ban hành, các đợt tập huấn về kỹ năng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục
pháp luật.
Đối với cơ
quan, đơn vị có cán bộ là báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, cán bộ
pháp chế sở, ban ngành, doanh nghiệp, thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải tạo mọi
điều kiện thuận lợi cho đội ngũ này hoàn thành nhiệm vụ được giao và chủ động
hơn nữa trong việc tham mưu tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
6. Sở Tư pháp chuẩn bị tổng kết 5 năm thực
hiện Quyết định số 13/2003/QĐ-TTg ngày 17 tháng 01 năm 2003 của Thủ tướng Chính
phủ về phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2003 đến năm
2007, đồng thời hướng dẫn các ngành, đơn vị báo cáo tổng kết.
Đối với việc thực hiện các Đề án thuộc Quyết
định số 212/2004/QĐ-TTg ngày 16 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ phê duyệt
chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức
chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức và nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ
năm 2005 đến năm 2010, giao Sở Tư pháp tiếp tục chủ trì, phối hợp với Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam thành phố; Thanh tra thành phố và Sở Văn hóa - Thông tin thực
hiện tốt các kế hoạch chi tiết của các Đề án thuộc Chương trình 212 của Chính
phủ.
7. Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm
chính trong việc phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan chức năng nhằm đẩy mạnh
công tác giáo dục pháp luật trong trường học. Hàng năm, tổ chức các chương
trình sinh hoạt hè lồng ghép nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho học
sinh, sinh viên các cấp, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên trong dịp hè. Tiến
hành rà soát nội dung giáo trình giảng dạy môn Giáo dục công dân ở các cấp trường
học để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
8. Sở Văn hóa - Thông tin chủ trì phối
hợp với Sở Tư pháp, Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố, Báo Cần Thơ và các
cơ quan báo chí Trung ương đóng trên địa bàn thành phố xây dựng các chương
trình phổ biến pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, sử dụng có
hiệu quả các phương tiện truyền thông hiện có ở địa phương phục vụ công tác phổ
biến, giáo dục pháp luật, góp phần đẩy nhanh sự chuyển biến trong nhận thức của
người dân về tinh thần "Sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật".
9. Sở Tài chính chịu trách nhiệm trong việc
cân đối ngân sách, dành khoản kinh phí thích hợp để các đơn vị, địa phương trong
thành phố thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
Các quận, huyện, xã, phường, thị trấn trên cơ sở kế hoạch tuyên truyền, phổ
biến, giáo dục pháp luật hàng năm, lập dự trù kinh phí báo cáo Ủy ban nhân dân
xem xét trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua.
Chỉ thị này có hiệu
lực sau mười ngày và đăng Báo Cần Thơ chậm nhất là năm ngày kể từ ngày ký; đồng
thời, thay thế Chỉ thị số 11/2001/CT-UB ngày 28 tháng 3 năm 2001 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Cần Thơ (nay là thành phố Cần Thơ) về tăng cường công tác tuyên
truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn
tỉnh Cần Thơ.
Giao Giám đốc Sở Tư pháp theo dõi, đôn đốc, kiểm
tra việc thực hiện Chỉ thị, định kỳ sáu tháng tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân
thành phố cùng các báo cáo sơ, tổng kết công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo
dục pháp luật.
Chủ tịch Ủy ban nhân
dân thành phố yêu cầu giám đốc sở, thủ trưởng cơ quan, ban ngành thành phố, Chủ
tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện và tổ chức, cá nhân có liên quan nghiêm túc
thực hiện nội dung Chỉ thị này./.