BỘ
NGOẠI GIAO
******
|
|
Số:
97/2005/LPQT
|
Hà
Nội, ngày 10 tháng 10 năm 2005
|
Tuyên bố chung Việt Nam - Căm-pu-chia có hiệu
lực từ ngày 10 tháng 10 năm 2005./.
|
TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ LUẬT PHÁP
VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG
Nguyễn Thị Hoàng Anh
|
TUYÊN BỐ CHUNG
VIỆT NAM - CĂM-PU-CHIA (Hà Nội,
ngày 10 tháng 10 năm 2005)
1. Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phan Văn Khải, Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia
Căm-pu-chia Xăm-đéc Hun Sen đã sang thăm chính thức nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam từ ngày 10 đến ngày 12 tháng 10 năm 2005.
2. Trong thời gian ở thăm Việt Nam, Thủ tướng
Hun Sen và các vị cùng đi đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và thăm một số
cơ sở kinh tế, văn hóa ở thủ đô Hà Nội. Thủ tướng Hun Sen đã đến chào Tổng Bí
thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh và Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã
hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Văn An. Nhân dịp này, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh
đã trân trọng nhắc lại lời mời Quốc vương Căm-pu-chia Pờ-rẹ Bạt Xăm-đéc Pờ-rẹ
Ba-rôm-niết Nô-rô-đôm Xi-ha-mô-ni sang thăm chính thức nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam. Thủ tướng Hun Sen đã chân thành cảm ơn các vị Lãnh đạo Việt Nam và hứa sẽ chuyển lời mời tới Quốc vương Pờ-rẹ Bạt Xăm-đéc Pờ-rẹ Ba-rôm-niết Nô-rô-đôm
Xi-ha-mô-ni.
3. Đoàn đại biểu Chính phủ nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam do Thủ tướng Phan Văn Khải dẫn đầu đã hội đàm chính thức với
Đoàn đại biểu Chính phủ Hoàng gia Căm-pu-chia do Thủ tướng Hun Sen dẫn đầu
trong bầu không khí hữu nghị, hiểu biết và tin cậy lẫn nhau.
Hai bên đã thông báo cho nhau về tình hình mỗi
nước, đánh giá tình hình quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa
hai nước trong thời gian qua và tập trung thảo luận những biện pháp cụ thể và
thiết thực nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai
nước trong thời gian tới. Hai bên cũng đã trao đổi ý kiến về các vấn đề quốc tế
và khu vực mà hai bên cùng quan tâm.
4. Phía Việt Nam hoan nghênh và chúc mừng những
thành tựu quan trọng mà nhân dân Căm-pu-chia dưới sự trị vì của Quốc vương
Pờ-rẹ Bạt Xăm-đéc Pờ-rẹ Ba-rôm-niết Xi-ha-mô-ni và sự lãnh đạo của Thượng viện,
Quốc hội và Chính phủ Hoàng gia do Thủ tướng Hun Sen đứng đầu, đã giành được
trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, tình hình chính trị xã hội
ngày càng ổn định, kinh tế từng bước phát triển, vai trò và vị thế của
Căm-pu-chia không ngừng được nâng cao ở khu vực và trên trường quốc tế.
Phía Việt Nam đánh giá cao ý nghĩa đặc biệt của
chuyến thăm Việt Nam lần này của Thủ tướng Hun Sen cũng như vai trò quan trọng,
những nỗ lực và đóng góp tích cực của Thủ tướng Hun Sen vào việc củng cố và
phát triển quan hệ hợp tác mọi mặt giữa hai nước. Nhân dịp này, phía Việt Nam
nhắc lại lòng biết ơn chân thành đối với những tình cảm tốt đẹp và sự giúp đỡ
quý báu của Hoàng gia, các vị lãnh đạo và nhân dân Căm-pu-chia đã giành cho
nhân dân Việt Nam trong công cuộc giải phóng đất nước trước đây cũng như trong
sự nghiệp xây dựng đất nước hiện nay.
Phias1 Việt Nam khẳng định lại chính sách nhất
quán của Việt Nam là không ngừng củng cố và phát triển quan hệ hợp tác toàn
diện với Căm-pu-chia và chân thành chúc nhân dân Căm-pu-chia tiếp tục giành
được nhiều thành tựu mới to lớn hơn nữa trong công cuộc xây dựng một nước
Căm-pu-chia hòa bình, độc lập, trung lập, phồn vinh, có quan hệ hữu nghị với
các nước, nhất là các nước láng giềng.
5. Phía Căm-pu-chia bày tỏ sự khâm phục trước
những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử mà nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo
của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đạt được sau gần 20 năm tiến hành công cuộc đổi
mới và bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc đối với Chính phủ và nhân dân Việt Nam về sự
giúp đỡ chí tình đã dành cho Chính phủ và nhân dân Căm-pu-chia trong sự nghiệp
đấu tranh giải phóng dân tộc thoát khỏi chế độ diệt chủng cũng như sự ủng hộ
đối với Chính phủ liên hiệp giữa Đảng Nhân dân Căm-pu-chia (CPP) và Đảng Mặt
trận Đoàn kết Dân tộc vì một nước Căm-pu-chia độc lập, trung lập, hòa bình và thống
nhất (FUNCINPEC) trong quá trình lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội hiện nay
của Căm-pu-chia.
6. Hai bên bày tỏ sự hài lòng trước những bước
phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước
trong thời gian qua, đồng thời bày tỏ quan tâm đưa mối quan hệ hữu nghị và hợp
tác toàn diện giữa hai nước trong thế kỷ 21 lên tầm cao mới theo phương châm mà
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh và Quốc vương Căm-pu-chia
Pờ-rẹ Bạt Xăm-đéc Pờ-rẹ Ba-rôm-niết Nô-rô-đôm Xi-ha-mô-ni đã thỏa thuận tháng 3
năm 2005 là “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền
vững lâu dài”.
7. Hai bên đánh giá cao việc ký kết văn kiện hợp
tác trên nhiều lĩnh vực trong chuyến thăm này, coi đây là biểu hiện trong sáng
của mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước ngày càng phát triển. Hai bên
bày tỏ hài lòng về việc ký kết Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định Biên giới
giữa hai nước ký tháng 12 năm 1985, coi đây là sự kiện quan trọng, làm cơ sở
pháp lý để hai nước cùng nhau xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị giữa
hai nước và bày tỏ quyết tâm chỉ đạo các nhà chức trách hữu quan của hai nước
hoàn thành phân giới cắm mốc trên bộ trước cuối tháng 12 năm 2008 phù hợp với
những Hiệp ước nêu trên.
Trong khi chờ đợi hoàn thành công tác phân giới
cắm mốc, hai bên tiếp tục thực hiện Thông cáo báo chí giữa hai Thủ tướng ngày
17 tháng 01 năm 1995 liên quan đến việc quản lý vùng biên giới.
8. Hai bên thỏa thuận tiếp tục thúc đẩy quan hệ
hợp tác toàn diện dựa theo các cơ chế hợp tác đã được hình thành giữa hai nước
như Hội nghị ba Thủ tướng Căm-pu-chia - Lào - Việt Nam về Tam giác phát triển,
Ủy ban ban hợp tác về kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật Việt Nam -
Căm-pu-chia và Hội nghị Hợp tác phát triển các tỉnh biên giới Việt Nam -
Căm-pu-chia. Trên tinh thần đó, hai bên hoan nghênh kết quả tốt đẹp của Hội
nghị Hợp tác phát triển các tỉnh biên giới Việt Nam - Căm-pu-chia lần thứ hai
vừa được tổ chức tại Xiêm Riệp (Căm-pu-chia) ngày 28-29 tháng 9 năm 2005.
9. Hai bên đánh giá cao những nỗ lực của cả hai
bên trong việc thúc đẩy hợp tác trên mọi lĩnh vực. Phía Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác với Căm-pu-chia trong việc: đào tạo cán bộ kỹ thuật các
lĩnh vực mà Căm-pu-chia có nhu cầu, bán điện cho Căm-pu-chia, xây dựng cầu,
đường...
để thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai bên
tương xứng với tiềm năng và quan hệ chính trị, hai bên thỏa thuận sớm đưa ra
chính sách ưu đãi thuế quan cho hàng hóa xuất xứ từ mỗi nước, áp dụng cơ chế ưu
tiên đặc biệt cho các khu kinh tế cửa khẩu giữa Việt Nam và Căm-pu-chia, đẩy
mạnh việc đơn giản hóa và hài hòa thủ tục hải quan, kiểm định hàng hóa của
nhau, nâng cấp hạ tầng cơ sở, thuận lợi hóa vận tải đường bộ và đường thủy,
chống buôn lậu và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại.
Hai bên thỏa thuận thúc đẩy sự hợp tác thiết
thực trên nhiều lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, thủy lợi, y tế, du lịch...
10. Phí Việt Nam cảm ơn và đánh giá cao việc
Căm-pu-chia đã phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tìm kiếm hài cốt
quân nhân tình nguyện Việt Nam hy sinh trên đất Căm-pu-chia. Phía Căm-pu-chia
coi đây là nghĩa vụ của mình và sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong vấn đề này. Hai bên thỏa thuận sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác an ninh quốc phòng
trong thời gian tới, đặc biệt trên các lĩnh vực phòng chống ma túy, buôn bán
phụ nữ và trẻ em, chống tội phạm qua biên giới, hợp tác giáo dục đào tạo chuyên
ngành an ninh, quốc phòng.
11. Hai bên nhất trí tiếp tục hợp tác cùng Cơ
quan cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR) nghiêm chỉnh thực hiện Thỏa
thuận ba bên ký tháng 01 năm 2005 trong việc giải quyết vấn đề người dân tộc
thiểu số Tây Nguyên vượt biên trái phép sang Căm-pu-chia.
12. Phía Căm-pu-chia khẳng định lại kiên quyết
không cho bất cứ ai sử dụng lãnh thổ của mình để chống Việt Nam.
13. Hai bên thỏa thuận tiếp tục tạo điều kiện
thuận lợi cho kiều dân của nhau làm ăn và sinh sống bình thường ở mỗi nước như
các ngoại kiều khác, góp phần củng cố và tăng cường quan hệ láng giềng hữu nghị
và hợp tác giữa hai nước.
14. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác với Cộng
hòa dân chủ nhân dân Lào nhằm thúc đẩy việc triển khai Quy hoạch tổng thể Tam
giác phát triển Căm-pu-chia - Lào - Việt Nam theo thỏa thuận giữa ba Thủ tướng
tại Viêng Chăn tháng 11 năm 2004, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp
giữa hai nước trong các cơ chế hợp tác khu vực và tiểu vùng như Hợp tác Tiểu
vùng Mê Công mở rộng (GMS), Ủy hội Mê Công, Hợp tác hành lang Đông - Tây(WEC),
chương trình hợp tác kinh tế ba dòng sông Ayeyawady -Chao Phraya - Mekong
(ACMECS), Hợp tác bốn nước Căm-pu-chia - Lào - Việt Nam (CLMV) và các cơ chế
hợp tác khác mà hai bên cùng tham gia.
Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác
giữa các nước ven dòng sông Mê Công nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững của các
nước liên quan, nhất là các nước ở hạ lưu sông Mê Công. Hai bên sẽ tích cực góp
phần thực hiện các dự án nâng cấp xây dựng đường bộ và đường sắt Xuyên Á.
15. Hai bên ghi nhận về những chuyển biến tích
cực trong các cơ chế hợp tác khu vực và quốc tế gần đây như ASEAN, ASEM và nhất
trí sẽ cùng phối hợp để góp phần vào thành công chung của các Hội nghị cấp cao
Đông Á (AES) lần thứ nhất tổ chức tại Ma-lai-xi-a tháng 12 năm 2005. Hai bên
cũng đánh giá cao và nhất trí sẽ tiếp tục phối hợp và hợp tác chặt chẽ tại các
diễn đàn quốc tế và khu vực như Liên Hợp quốc, ASEAN, ASEM, NAM...
16. Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Căm-pu-chia
Hun Sen bày tỏ sử cảm ơn chân thành đối với sự đón tiếp trọng thị, chân tình và
thắm tình hữu nghị anh em mà Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã giành cho Thủ
tướng và đoàn đại biểu Chính phủ Hoàng gia Căm-pu-chia trong chuyến thăm này,
thể hiện sinh động tình hữu nghị, đoàn kết gắn bó và tin cậy lẫn nhau giữa hai
nước và hai dân tộc Việt Nam và Căm-pu-chia. Nhân dịp này, Thủ tướng Hun Sen đã
trân trọng mời Thủ tướng Phan Văn Khải sang thăm chính thức Vương quốc
Căm-pu-chia. Thủ tướng Phan Văn Khải đã chân thành cảm ơn và vui vẻ nhận lời.
Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 2005
THAY MẶT CHÍNH PHỦ
HOÀNG GIA CĂM-PU-CHIA
THỦ TƯỚNG
Hun Sen
|
THAY MẶT
CHÍNH PHỦ NƯỚC
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
THỦ TƯỚNG
Phan Văn Khải
|