BỘ KẾ HOẠCH VÀ
ĐẦU TƯ -
BỘ TÀI CHÍNH
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
02/2014/TTLT-BKHĐT-BTC
|
Hà Nội, ngày 12
tháng 02 năm 2014
|
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
HƯỚNG
DẪN LỒNG GHÉP CÁC NGUỒN VỐN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ GIẢM NGHÈO NHANH VÀ BỀN
VỮNG TRÊN ĐỊA BÀN CÁC HUYỆN NGHÈO
Căn cứ Nghị định số 116/2008/NĐ-CP
ngày 14 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP
ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP
ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 108/2006/NĐ-CP
ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành
một số điều của Luật Đầu tư;
Căn cứ Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của
Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện
nghèo;
Căn cứ Quyết định số 2406/QĐ-TTg ngày 18 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng
Chính phủ ban hành danh mục các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2012 -
2015;
Căn cứ Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 08 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn
2012 - 2015;
Căn cứ Quyết định số 826/QĐ-TTg ngày 29 tháng 5 năm 2013 của Thủ tướng
Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 2406/QĐ-TTg ngày 18 tháng 12 năm 2011 của Thủ
tướng Chính phủ ban hành danh mục các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn
2012 - 2015 và các Quyết định ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn
2012 - 2015;
Thực hiện Quyết định số 615/QĐ-TTg ngày 25 tháng 04 năm 2011 của Thủ tướng
Chính phủ về việc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho 07 huyện có tỷ
lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định
của Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27
tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền
vững đối với 62 huyện nghèo;
Thực hiện Quyết định số 293/QĐ-TTg ngày 05 tháng 02 năm 2013 của Thủ tướng
Chính phủ về việc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho 23 huyện có tỷ
lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định
của Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27
tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền
vững đối với 62 huyện nghèo;
Thực hiện Quyết định số 1791/QĐ-TTg ngày 01 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng
Chính phủ bổ sung huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu; huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên
vào danh mục các huyện nghèo được hưởng các cơ chế, chính sách hỗ trợ theo Nghị
quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12
năm 2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối
với 62 huyện nghèo;
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài
chính ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn lồng ghép các nguồn vốn thực hiện
Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn các huyện nghèo
theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27
tháng 12 năm 2008 của Chính phủ, Quyết định số 615/QĐ-TTg
ngày 25 tháng 4 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 293/QĐ-TTg ngày 05 tháng 5 năm 2013 và Quyết định
số 1791/QĐ-TTg ngày 01 tháng 10 năm 2013 của
Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và
bền vững trên địa bàn các huyện nghèo).
Điều 1. Đối tượng áp dụng
1. Các tỉnh có huyện nghèo, các huyện nghèo được
quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo thông tư liên tịch này (sau đây gọi tắt
là huyện nghèo).
2. Các chương trình, dự án, chế độ, chính sách, nhiệm
vụ chi và hỗ trợ khác trên địa bàn các huyện nghèo.
Điều 2. Phạm vi điều chỉnh
Các nguồn vốn và kinh phí thực hiện các chương
trình, dự án, chế độ, chính sách, nhiệm vụ đối với Chương trình hỗ trợ giảm
nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn các huyện nghèo từ: vốn ngân sách nhà nước,
vốn trái phiếu chính phủ, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn
vay ưu đãi của các nhà tài trợ, vốn tín dụng Nhà nước, vốn hỗ trợ, đóng góp của
các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn tài chính hợp pháp khác.
Điều 3. Nguyên tắc lồng ghép
1. Lồng ghép các nguồn vốn trên địa bàn để thực hiện
một hoặc nhiều chương trình, dự án, chế độ, chính sách, nhiệm vụ chi.
2. Việc thực hiện lồng ghép các nguồn vốn được thể
hiện cụ thể, xác định thứ tự ưu tiên trong dự toán ngân sách và kế hoạch đầu tư
phát triển hàng năm của huyện, tỉnh, phù hợp với Chương trình hỗ trợ giảm nghèo
nhanh và bền vững trên địa bàn các huyện nghèo được phê duyệt.
3. Việc lồng ghép các nguồn vốn được thực hiện từ
khâu lập, phân bổ, giao dự toán ngân sách và kế hoạch đầu tư phát triển, tổ chức
thực hiện, giám sát và đánh giá kết quả.
4. Trong quá trình thực hiện lồng ghép các nguồn vốn
phải đảm bảo nguyên tắc không làm thay đổi mục tiêu, tổng mức vốn đầu tư phát
triển, tổng mức kinh phí sự nghiệp được giao. Đối với các chế độ, tiêu chuẩn, định
mức liên quan đến con người, hộ gia đình phải đảm bảo đủ kinh phí, thực hiện
theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức và không được sử dụng nguồn kinh phí này
để thực hiện cho các mục tiêu, nhiệm vụ khác.
5. Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm ưu tiên, bố
trí đủ các nguồn vốn do tỉnh quản lý trong kế hoạch hàng năm và kế hoạch trung
hạn cho các huyện nghèo trong tổng mức vốn được phê duyệt để thực hiện Chương
trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn các huyện nghèo, Ủy ban
nhân dân huyện nghèo có trách nhiệm huy động các nguồn lực của địa phương, các
đơn vị, tổ chức, cá nhân và lồng ghép nguồn vốn, kinh phí các chương trình, dự
án, nhiệm vụ, chế độ, chính sách khác trên địa bàn để thực hiện chương trình.
6. Nguồn vốn ngân sách Nhà nước (vốn đầu tư phát
triển và kinh phí sự nghiệp) thực hiện Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và
bền vững trên địa bàn các huyện nghèo được bố trí trong dự toán ngân sách và kế
hoạch đầu tư phát triển hàng năm theo nguyên tắc:
a) Đối với các chương trình, dự án, chế độ, chính
sách, nhiệm vụ chi theo quy định hiện hành được bố trí trong dự toán ngân sách
và kế hoạch đầu tư phát triển hàng năm của địa phương.
b) Đối với các chương trình, dự án, chế độ, chính
sách, nhiệm vụ chi đang thực hiện nhưng quy định tại Chương trình hỗ trợ giảm
nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn các huyện nghèo áp dụng mức cao hơn, đối
tượng rộng hơn thì bố trí nguồn kinh phí thông qua các chương trình, dự án, mục
tiêu, nhiệm vụ đó theo định mức quy định tại Chương trình hỗ trợ giảm nghèo
nhanh và bền vững trên địa bàn các huyện nghèo, trong đó phần kinh phí cho các
huyện nghèo được tách thành mục riêng.
c) Đối với các chương trình, dự án, chế độ, chính
sách; nhiệm vụ chi mới theo quy định tại Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh
và bền vững trên địa bàn các huyện nghèo được bố trí từ nguồn vốn thực hiện
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững hoặc Ngân sách, trung ương bổ
sung có mục tiêu theo quy định áp dụng đối với từng huyện nghèo.
Điều 4. Xây dựng, tổng hợp, quyết
định giao dự toán ngân sách, kế hoạch đầu tư phát triển và chế độ báo cáo
1. Thời gian xây dựng, tổng hợp dự toán ngân sách
và kế hoạch đầu tư phát triển hàng năm của Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh
và bền vững trên địa bàn các huyện nghèo được tiến hành đồng thời với thời gian
lập dự toán ngân sách và kế hoạch đầu tư phát triển chung của cấp huyện và cấp
tỉnh; được báo cáo và giao thành một mục riêng theo quy định tại Khoản
6, Điều 3 của Thông tư này.
2. Hàng năm, căn cứ hướng dẫn xây dựng dự toán ngân
sách và kế hoạch đầu tư phát triển, các mục tiêu và nhiệm vụ ưu tiên của Chương
trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, Ủy ban nhân dân huyện tổng hợp nhu cầu,
báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và
các Bộ, ngành liên quan làm căn cứ bố trí kinh phí thực hiện chương trình.
3. Quyết, định giao dự toán ngân sách và kế hoạch đầu
tư phát triển hàng năm
3.1. Căn cứ dự toán ngân sách và kế hoạch đầu tư
phát triển được Thủ tướng Chính phủ giao, Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng
nhân dân tỉnh quyết định dự toán ngân sách địa phương, kế hoạch đầu tư phát triển
và phương án phân bổ trong đó có các huyện nghèo. Căn cứ nghị quyết của Hội đồng
nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh giao dự toán ngân sách và kế hoạch đầu tư
phát triển cho các huyện nghèo
3.2. Căn cứ dự toán ngân sách và kế hoạch đầu tư
phát triển được Ủy ban nhân dân tỉnh giao, Ủy ban nhân dân huyện trình Hội đồng
nhân dân huyện quyết định dự toán ngân sách địa phương, kế hoạch đầu tư phát
triển và phương án phân bổ trong đó có dự toán ngân sách xã. Ủy ban nhân dân xã
trình Hội đồng nhân dân xã quyết định dự toán thu, chi ngân sách xã; Trường hợp
các huyện nghèo thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân các cấp, việc
lập, quyết định và giao dự toán theo hướng dẫn tại Thông tư số 63/2009/TT-BTC ngày 27 tháng 3 năm 2009 của Bộ
Tài chính Quy định về công tác lập dự toán, tổ chức thực hiện dự toán và quyết
toán ngân sách huyện, quận, phường nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân.
3.3. Ủy ban nhân dân huyện căn cứ dự toán ngân sách
và kế hoạch đầu tư phát triển được giao, các nguồn huy động theo quy định của
pháp luật trên địa bàn, các chương trình, dự án đủ thủ tục, chế độ, chính sách,
nhiệm vụ chi theo quy định tiến hành xác định những mục tiêu, nội dung, phạm
vi, đối tượng để thực hiện việc phối hợp, lồng ghép.
3.4. Ủy ban nhân dân xã thông báo và duy trì thông
tin công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã mức đầu tư cho từng công trình, dự
án, nhiệm vụ và mức hỗ trợ cho từng đối tượng theo từng chính sách, chế độ, nhiệm
vụ chi được hỗ trợ theo quy định, đồng thời định kỳ hàng quý thông báo đến
thôn, bản và các hộ dân;
4. Việc lồng ghép các nguồn vốn, kinh phí trên địa
bàn để thực hiện Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn
các huyện nghèo phải tuân thủ các quy định về mục tiêu, nhiệm vụ của từng
chương trình, dự án, chế độ, chính sách và nhiệm vụ chi; đảm bảo đúng đối tượng
và địa bàn ưu tiên.
5. Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm định kỳ (6
tháng, năm) báo cáo Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình giảm nghèo Trung ương,
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính theo quy định. Nội dung báo cáo gồm kết quả
phân bổ dự toán ngân sách, kế hoạch đầu tư phát triển, kết quả lồng ghép (bao gồm
cả kế hoạch đầu năm và kế hoạch điều chỉnh), tiến độ và tình hình thực hiện.
Các Bộ, cơ quan trung ương định kỳ (6 tháng, năm)
báo cáo Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình giảm nghèo Trung ương, Bộ Kế hoạch
và Đầu tư, Bộ Tài chính dự toán ngân sách và tình hình thực hiện các công
trình, dự án, nhiệm vụ do Bộ, cơ quan trung ương quản lý trên địa bàn các huyện
nghèo.
Điều 5. Đối tượng hỗ trợ vốn đầu
tư phát triển và kinh phí sự nghiệp
1. Đối tượng hỗ trợ vốn đầu tư phát triển
1.1. Ưu tiên đầu tư cho các đối tượng sau đây
a) Các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội (theo điểm 2, khoản D, mục II, Phần II, Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP;
Điều 2, Quyết định số 615/QĐ-TTg ngày 25/04/2011 và Quyết định
số 293/QĐ-TTg ngày 05/02/2013 của Thủ tướng
Chính phủ).
b) Chính sách hỗ trợ giao rừng sản xuất và giao rừng
và giao đất để trồng rừng sản xuất (quy định tại tiết b và c, điểm
1, khoản A, mục II, phần II, Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP).
c) Chính sách hỗ trợ sản xuất đối với vùng còn đất
có khả năng khai hoang, phục hóa hoặc tạo ruộng bậc thang để sản xuất nông nghiệp
(quy định tại tiết b, điểm 2, khoản A, mục II, phần II, Nghị quyết
số 30a/2008/NQ-CP).
d) Chính sách cho vay ưu đãi lãi suất.
- Ngân sách nhà nước hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay tại
ngân hàng thương mại nhà nước cho hộ nghèo để trồng rừng sản xuất (quy định tại
tiết c, điểm 1, khoản A, mục II, phần II, Nghị quyết số
30a/2008/NQ-CP).
- Ngân sách nhà nước hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay tại
ngân hàng thương mại nhà nước để phát triển sản xuất nông nghiệp, đầu tư cơ sở
chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản (quy định tại tiết d, điểm
2, khoản A, mục II, phần II, Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP).
- Hộ nghèo được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội
tối đa 05 triệu đồng/hộ với lãi suất 0% (một lần) trong thời gian 2 năm để mua
giống gia súc (trâu, bò, dê) hoặc giống gia cầm chăn nuôi tập trung hoặc giống
thủy sản; Đối với hộ không có điều kiện chăn nuôi mà có nhu cầu phát triển
ngành nghề tiểu, thủ công nghiệp tạo thu nhập được vay vốn tối đa 05 triệu đồng/hộ,
với lãi suất 0% một lần (quy định tại tiết đ, điểm 2, khoản A, mục
II, phần II, Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP).
- Cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản đầu tư trên địa
bàn các huyện nghèo được ngân sách nhà nước hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay tại
ngân hàng thương mại nhà nước (quy định tại tiết b, điểm 5, khoản
A, mục II, phần II, Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP).
- Người lao động thuộc các hộ nghèo, người dân tộc
thiểu số được vay vốn với lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay hiện hành của Ngân
hàng Chính sách xã hội áp dụng cho đối tượng chính sách đi xuất khẩu lao động
(quy định tại tiết a, điểm 2, khoản III, Điều 1, Quyết định số
71/2009/QĐ-TTg ngày 29/4/2009 của Thủ tướng, Chính phủ).
Căn cứ chính sách cho vay ưu đãi lãi suất trên, các
địa phương xác định nhu cầu vốn vay Ngân hàng thương mại Nhà nước, Ngân hàng
Chính sách xã hội theo quy định. Ngân sách trung ương cấp bù chênh lệch lãi suất
cho các Ngân hàng thương mại Nhà nước, Ngân, hàng Chính sách xã hội theo quy định.
1.2. Ngoài các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội
quy định tại tiết a, điểm 1.1, khoản 1, Điều 5 của Thông tư này, tùy từng điều
kiện đặc thù của huyện, xã thuộc địa bàn huyện nghèo và nguồn vốn đầu tư hỗ trợ
theo mục tiêu tại các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, vốn Chương trình mục
tiêu Quốc gia, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện nghèo lựa chọn
các danh mục công trình, dự án đủ điều kiện để thực hiện ưu tiên đầu tư theo
đúng quy định.
2. Đối tượng hỗ trợ kinh phí sự nghiệp
2.1. Chế độ, chính sách hiện hành về hỗ trợ trực tiếp
cho người nghèo ở các huyện nghèo (quy định tại mục I, phần II,
Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP).
a) Địa phương rà soát các chế độ, chính sách hiện
hành về hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo để tiếp tục thực hiện. Căn cứ số lượng
đối tượng thụ hưởng, tiêu chuẩn, định mức, xác định nhu cầu kinh phí cho các đối
tượng thụ hưởng với mức ưu đãi cao nhất của từng chế độ, chính sách và theo nguồn
kinh phí và thực hiện từ nguồn kinh phí đã được bố trí trong dự toán ngân sách
hàng năm, nguồn tài chính khác theo quy định của pháp luật.
b) Khi Nhà nước sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách
làm tăng đối tượng thụ hưởng hoặc nâng mức hỗ trợ, địa phương xác định nhu cầu
kinh phí tăng thêm của từng chế độ, chính sách báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch
và Đầu tư và các Bộ liên quan để bổ sung kinh phí thực hiện theo từng chương
trình, đề án, mục tiêu, nhiệm vụ.
2.2. Chế độ, chính sách mới đối
với các huyện nghèo (quy định tại mục II, phần II, Nghị quyết
số 30a/2008/NQ-CP).
Căn cứ chế độ, định mức quy định tại Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, các Quyết định của Thủ tướng
Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của các Bộ để xác định nhu cầu kinh phí theo
từng chế độ, chính sách và theo từng nguồn kinh phí (Ngân sách trung ương; ngân
sách địa phương; huy động của các tổ chức, cá nhân) của các chương trình, đề
án, chính sách, nhiệm vụ đang thực hiện theo định mức hiện hành; đồng thời xác
định kinh phí bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho các huyện nghèo để
thực hiện chế độ, chính sách tăng thêm do mở rộng đối tượng, tăng mức hỗ trợ hoặc
chế độ, chính sách mới làm căn cứ xây dựng dự toán ngân sách và tổ chức thực hiện,
cụ thể:
2.2.1. Hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập
(quy định tại khoản A, mục II, phần II, Nghị quyết số
30a/2008/NQ-CP).
2.2.1.1. Chính sách hỗ trợ thông qua khoán chăm
sóc, bảo vệ rừng (quy định tại điểm 1, khoản A, mục II, phần
II, Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP).
Bố trí kinh phí khoán chăm sóc bảo vệ rừng, hỗ trợ
gạo từ nguồn vốn sự nghiệp theo quy định tại Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 9/1/2012 của Thủ tướng Chính phủ
và được bố trí bổ sung có mục tiêu thực hiện khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng và
khoanh nuôi tái sinh tự nhiên. Ngoài nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách
trung ương, các tỉnh chủ động bố trí ngân sách địa phương và các nguồn tài
chính hợp pháp để thực hiện.
2.2.1.2. Chính sách hỗ trợ sản xuất (quy định tại điểm 2, khoản A, mục II, phần II, Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP).
a) Bố trí kinh phí cho rà soát, xây dựng quy hoạch
sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp
với điều kiện cụ thể của từng huyện, xã, nhất là những nơi có điều kiện tự
nhiên khắc nghiệt, thường xuyên bị thiên tai (quy định tại tiết
a, điểm 2, khoản A, mục II, phần II, Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP).
Căn cứ chế độ, chính sách, xác định nhu cầu kinh
phí theo từng nhiệm vụ chi, gồm: Ngân sách địa phương (Sự nghiệp kinh tế); Kinh
phí sự nghiệp ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu để thực hiện Chương
trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững (sau đây gọi tắt là kinh phí sự
nghiệp ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho các huyện nghèo).
b) Hỗ trợ một lần toàn bộ tiền mua giống, phân bón
cho việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao (quy định tại tiết c, điểm 2, khoản A, mục II, phần II, Nghị quyết số
30a/2008/NQ-CP).
Căn cứ quy định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh
(Chủng loại giống cây trồng, vật nuôi, phân bón; định mức đầu tư giống, phân
bón,..) xác định nhu cầu kinh phí (Không bao gồm nhu cầu kinh phí của các đối
tượng đã được hưởng chế độ, chính sách từ các chương trình, dự án khác, như:
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới; Chương trình 135; dự án
nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền
vững,...) từ nguồn kinh phí sự nghiệp ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu
cho các huyện nghèo.
c) Đối với hộ nghèo được hỗ trợ một lần 01 triệu đồng/hộ
để làm chuồng trại chăn nuôi hoặc tạo diện tích nuôi trồng thủy sản và 02 triệu
đồng/ha mua giống để trồng cỏ nếu chăn nuôi gia súc (quy định tại tiết đ, điểm 2, khoản A, mục II, phần II, Nghị quyết số
30a/2008/NQ-CP):
Căn cứ số hộ nghèo, diện tích, định mức, xác định
nhu cầu kinh phí (Không bao gồm nhu cầu kinh phí của các đối tượng đã được hưởng
chế độ, chính sách từ các chương trình, dự án khác, như: Chương trình mục tiêu
quốc gia xây dựng Nông thôn mới; Chương trình 135; dự án nhân rộng mô hình giảm
nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững...) từ nguồn
kinh phí sự nghiệp ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho các huyện
nghèo.
Riêng hỗ trợ 100% tiền vắc xin tiêm phòng các dịch
bệnh nguy hiểm đối với gia súc, gia cầm được bố trí trong dự toán ngân sách của
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2.2.1.3. Hỗ trợ hộ nghèo ở thôn, bản vùng giáp biên
giới 15 kg gạo/khẩu/tháng trong thời gian chưa tự túc được lương thực (quy định
tại điểm 3, khoản A, mục II, phần II, Nghị quyết: số
30a/2008/NQ-CP).
Căn cứ định mức và quy định của Chủ tịch Ủy ban
nhân dân tỉnh về thời gian hỗ trợ gạo, xác định nhu cầu kinh phí (Không bao gồm
nhu cầu kinh phí của các hộ nghèo nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, nhận đất trồng
rừng sản xuất quy định tại tiết c, điểm 1, khoản A, mục II, phần
II, Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP và các đối tượng đã được hưởng chế độ,
chính sách từ các chương trình khác, như: Dự án 4 huyện vùng cao núi đá Hà
Giang,...) từ nguồn kinh phí sự nghiệp ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu
cho các huyện nghèo.
2.2.1.4. Chính sách khuyến nông, khuyến lâm, khuyến
ngư (quy định tại điểm 4, khoản A, mục II, phần II, Nghị quyết
số 30a/2008/NQ-CP).
a) Bố trí kinh phí khuyến nông, khuyến lâm, khuyến
ngư cao gấp 2 lần so với mức bình quân chung các huyện khác.
Căn cứ tiêu chuẩn, định mức, xác định nhu cầu kinh
phí, gồm: Kinh phí từ ngân sách địa phương (Sự nghiệp kinh tế); Chương trình mục
tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông
thôn mới.
b) Hỗ trợ 100% giống, vật tư cho xây dựng mô hình
khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; người dân tham gia đào tạo, huấn luyện được
cấp tài liệu, hỗ trợ 100% tiền ăn ở, đi lại và 10.000 đồng/ngày/người.
Căn cứ tiêu chuẩn, định mức, xác định nhu cầu kinh
phí, gồm: Kinh phí sự nghiệp từ ngân sách địa phương (Sự nghiệp kinh tế); Kinh
phí sự nghiệp chương trình 135.
c) Bố trí một suất trợ cấp khuyến nông (gồm cả khuyến
nông, lâm, ngư) cơ sở.
Căn cứ quy định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh (số
lượng, mức trợ cấp), xác định nhu cầu kinh phí từ nguồn kinh phí sự nghiệp ngân
sách trung ương bổ sung có mục tiêu để thực hiện cải cách tiền lương (Trong quá
trình tổ chức thực hiện, căn cứ vào số lượng cán bộ khuyến nông thực tế tổng hợp
vào báo cáo nhu cầu kinh phí thực hiện cải cách tiền lương của địa phương báo
cáo Bộ Tài chính thẩm tra theo quy định).
2.2.1.5. Hỗ trợ mỗi huyện 100 triệu đồng/năm để xúc
tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, nhất là nông, lâm, thủy đặc sản
của địa phương; thông tin thị trường cho nông dân (quy định tại điểm
6, khoản A, mục II, phần II, Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP).
Căn cứ tiêu chuẩn, định mức, xác định nhu cầu kinh
phí từ nguồn kinh phí sự nghiệp ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho
các huyện nghèo.
2.2.1.6. Khuyến khích, tạo điều kiện và có chính
sách ưu đãi thu hút các tổ chức, nhà khoa học trực tiếp nghiên cứu, ứng dụng,
chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ ở địa bàn, nhất là việc tuyển chọn, chuyển
giao giống cây trồng, giống vật nuôi cho sản xuất ở các huyện nghèo (quy định tại
điểm 7, khoản A, mục II, phần II, Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP).
Căn cứ tiêu chuẩn, định mức, xác định nhu cầu kinh
phí từ ngân sách địa phương (Sự nghiệp nghiên cứu khoa học; - công nghệ).
2.2.1.7. Chính sách xuất khẩu lao động (quy định tại
điểm 8, khoản A, mục II, phần II, Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP).
Căn cứ quy định tại điểm a khoản 1,
khoản 3 mục III, Điều 1, Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg ngày 29/4/2009 của Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động
góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 - 2020 để xác định nhu cầu kinh phí
theo từng chế độ, chính sách (Hoạt động tuyên truyền, tư vấn giới thiệu việc
làm, giám sát, đánh giá; Hỗ trợ người lao động nâng cao trình độ văn hóa để
tham gia xuất khẩu lao động) từ nguồn kinh phí sự nghiệp ngân sách trung ương bổ
sung có mục tiêu cho các huyện nghèo.
Riêng các nhiệm vụ do Bộ Lao động, Thương binh và
Xã hội thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 1, khoản 3 mục
III, Điều 1 Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg ngày 29/4/2009 của Thủ tướng Chính
phủ (Hoạt động tuyên truyền, tư vấn giới thiệu việc làm, giám sát, đánh giá; Hỗ
trợ người lao động học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức) được bố trí trong
dự toán ngân sách hàng năm của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các Bộ, cơ
quan có liên quan (nếu có).
2.2.2. Chính sách giáo dục, đào tạo, dạy nghề, nâng
cao dân trí (quy định tại khoản B, mục II, phần II, Nghị quyết
số 30a/2008/NQ-CP).
2.2.2.1. Chính sách giáo dục, đào tạo, nâng cao mặt
bằng dân trí: Bố trí đủ giáo viên cho các huyện nghèo; Tăng cường, mở rộng
chính sách đào tạo ưu đãi theo hình thức cử tuyển và theo địa chỉ cho học sinh
người dân tộc thiểu số (quy định tại điểm 1, khoản B, mục II,
phần II, Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP).
Căn cứ biên chế giáo viên, số học sinh cử tuyển, định
mức, xác định nhu cầu kinh phí và bố trí từ nguồn kinh phí sự nghiệp ngân sách
địa phương (Sự nghiệp giáo dục - đào tạo).
2.2.2.2. Tăng cường dạy nghề gắn với tạo việc làm
(quy định tại điểm 2, khoản B, mục II, phần II, Nghị quyết số
30a/2008/NQ-CP).
Căn cứ tiêu chuẩn, định mức, xác định nhu cầu kinh
phí và bố trí từ nguồn kinh phí sự nghiệp ngân sách địa phương (Sự nghiệp giáo
dục - đào tạo); Kinh phí sự nghiệp dự án Đổi mới và phát triển dạy nghề, dự án
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Việc
làm và Dạy nghề.
2.2.2.3. Chính sách đào tạo cán bộ tại chỗ: Đào tạo
đội ngũ cán bộ chuyên môn, cán bộ y tế cơ sở cho con em ở các huyện nghèo tại
các trường đào tạo của Bộ Quốc phòng; ưu tiên tuyển chọn quân nhân hoàn thành
nghĩa vụ quân sự là người của địa phương để đào tạo, bổ sung cán bộ cho địa
phương (quy định tại điểm 3, khoản B, mục II, phần II, Nghị quyết
số 30a/2008/NQ-CP).
Căn cứ số lượng cán bộ chuyên môn, y tế cần đào tạo
xác định tổng nhu cầu kinh phí từ nguồn kinh phí sự nghiệp ngân sách địa phương
(Sự nghiệp giáo dục - đào tạo).
Riêng nhiệm vụ thuộc Bộ Quốc phòng được bố trí
trong dự toán ngân sách hàng năm của Bộ Quốc phòng.
2.2.2.4. Chính sách đào tạo, nâng cao năng lực cho
đội ngũ cán bộ cơ sở: Tổ chức tập huấn, đào tạo ngắn hạn, dài hạn cho đội ngũ
cán bộ cơ sở thôn, bản, xã, huyện về kiến thức quản lý kinh tế - xã hội; xây dựng
và quản lý chương trình, dự án; kỹ năng xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch
(quy định tại điểm 4, khoản B, mục II, phần II, Nghị quyết số
30a/2008/NQ-CP).
Căn cứ tiêu chuẩn định mức, xác định nhu cầu kinh
phí (Không bao gồm nhu cầu kinh phí của các đối tượng đã được hưởng chế độ,
chính sách từ các chương trình, dự án khác, như: Chương trình mục tiêu quốc gia
xây dựng nông thôn mới; dự án hỗ trợ nâng cao năng lực giảm nghèo thuộc Chương
trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình 135, dự án đào tạo
nghề cho lao động nông thôn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia việc làm và dạy
nghề;...) từ nguồn kinh phí sự nghiệp ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu
cho các huyện nghèo.
2.2.2.5. Tăng cường nguồn lực thực hiện chính sách
dân số và kế hoạch hóa gia đình. Đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động kết hợp
cung cấp các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình để nâng cao chất lượng dân số của
các huyện nghèo (quy định tại điểm 5, khoản B, mục II, phần II
Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP).
Căn cứ tiêu chuẩn, định mức, xác định nhu cầu kinh
phí từ nguồn kinh phí sự nghiệp Chương trình mục tiêu quốc gia dân số và kế hoạch
hóa gia đình.
2.2.3. Chính sách cán bộ đối với các huyện nghèo:
Chính sách luân chuyển và tăng cường cán bộ tỉnh, huyện về xã đảm nhận các
cương vị lãnh đạo chủ chốt và chính sách đối với trí thức trẻ, cán bộ chuyên
môn kỹ thuật về tham gia tổ công tác tại các xã thuộc huyện nghèo (quy định tại
khoản c, mục II, phần II, Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP).
Căn cứ số lượng cán bộ, trí thức trẻ, chế độ phụ cấp,
trợ cấp theo Quyết định số 70/2009/QĐ-TTg
ngày 27/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách luân chuyển, tăng cường
cán bộ chủ chốt cho các xã thuộc các huyện nghèo và chính sách ưu đãi, thu hút
trí thức trẻ, cán bộ chuyên môn kỹ thuật về tham gia tổ công tác tại các xã thuộc
các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP
để xác định nhu cầu kinh phí tử nguồn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu
cho địa phương để thực hiện cải cách tiền lương (Trong quá trình tổ chức, thực
hiện, địa phương căn cứ vào số lượng cán bộ, trí thức trẻ thực tế tổng hợp vào
báo cáo nhu cầu kinh phí thực hiện cải cách tiền lương của địa phương báo cáo Bộ
Tài chính thẩm tra theo quy định).
2.2.4. Chính sách chương trình 135 áp dụng đối với
các xã thuộc huyện nghèo ngoài chương trình 135 (quy định tại khoản
2, mục III, phần II, Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP).
2.2.4.1. Đối với hỗ trợ phát triển sản xuất bố trí
từ nguồn kinh phí sự nghiệp ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho các
huyện nghèo.
2.2.4.2. Chính sách ưu đãi đối với cán bộ, công chức,
viên chức theo quy định tại Nghị định số 61/2006/NĐ-CP
ngày 20/6/2006 của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý
giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc
biệt khó khăn; Nghị định số 19/2013/NĐ-CP
ngày 23/02/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 của Chính phủ về
chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên
biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Nghị định số 64/2009/NĐ-CP của Chính phủ chính sách đối với
cán bộ, viên chức y tế công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt
khó khăn; Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày
24/12/2012 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và
người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế
- xã hội đặc biệt khó khăn.
Căn cứ số lượng đối tượng, chế độ phụ cấp, trợ cấp
xác định tổng nhu cầu kinh phí tăng thêm theo từng chế độ phụ cấp, trợ cấp từ
nguồn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương để thực hiện cải
cách tiền lương (Trong quá trình tổ chức, thực hiện, địa phương căn cứ vào số đối
tượng được hưởng chính sách thực tế tổng hợp vào báo cáo nhu cầu kinh phí thực
hiện cải cách tiền lương của địa phương báo cáo Bộ Tài chính thẩm tra theo quy
định).
2.2.4.3. Bổ sung kinh phí hoạt động sự nghiệp giáo
dục đào tạo theo Quyết định số 59/2010/QĐ-TTg
ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành định mức phân bổ dự
toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2007.
Căn cứ dân số trong độ tuổi đến trường từ 1 - 18 tuổi,
định mức xác định tổng nhu cầu kinh phí từ nguồn kinh phí sự nghiệp ngân sách
trung ương bổ sung có mục tiêu cho các huyện nghèo.
Điều 6. Các nguồn vốn đầu tư
phát triển và kinh phí sự nghiệp, lồng ghép các nguồn vốn
1. Các nguồn vốn đầu tư phát triển, kinh phí sự
nghiệp
1.1. Nguồn vốn ngân sách Trung ương:
a) Nguồn vốn ngân sách Trung ương bổ sung cân đối
ngân sách địa phương.
b) Nguồn vốn ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu
cho ngân sách địa phương (vốn đầu tư và kinh phí sự nghiệp) thông qua các
chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững
trên địa bàn các huyện nghèo, các chương trình, dự án, nhiệm vụ khác.
c) Nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).
1.2. Nguồn vốn ngân sách địa phương được hưởng theo
quy định của Luật Ngân sách nhà nước
1.3. Nguồn vốn trái phiếu Chính phủ
1.4. Vốn hỗ trợ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân
trong và ngoài nước và các nguồn tài chính hợp pháp khác,
1.5. Nguồn vốn tín dụng Nhà nước.
2. Quy trình lồng ghép
2.1. Quy trình lồng ghép các nguồn vốn đầu tư phát
triển
2.1.1. Đối với các công trình, dự án thuộc thẩm quyền
của Ủy ban nhân dân huyện.
a) Theo hướng dẫn của Trung ương về xây dựng kế hoạch
hàng năm, căn cứ vào Đề án Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững cấp huyện
được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và đề xuất của Ủy ban nhân dân xã, Ủy ban
nhân dân huyện xây dựng danh mục các công trình, dự án ưu tiên đầu tư theo quy
định tại khoản 1, Điều 5 của Thông tư này, nhu cầu vốn đầu
tư và đề xuất khả năng lồng ghép vốn đầu tư, báo cáo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở
Tài chính.
b) Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Sở
Tài chính và các Sở, Ban ngành liên quan thực hiện:
- Rà soát danh mục các công trình, dự án đầu tư phù
hợp với quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP
của Chính phủ và các Quyết định số 615/QĐ-TTg
ngày 25/4/2011 và Quyết định số 293/QĐ-TTg
ngày 05/2/013 của Thủ tướng Chính phủ; các công trình, dự án thuộc đối tượng được
hỗ trợ đầu tư từ ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.
- Xác định nhu cầu đầu tư phù hợp với nguồn vốn đầu
tư (bao gồm cả nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, trong đó mức hỗ trợ từ
ngân sách Trung ương cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng của mỗi huyện nghèo theo
Quyết định số 615/QĐ-TTg ngày 25/4/2011 và
Quyết định số 293/QĐ-TTg ngày 05/2/2013 của
Thủ tướng Chính phủ bằng 70% mức bình quân của các huyện theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP,…) làm cơ sở tính toán khả năng
huy động vốn đầu tư và lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư cho các công trình, dự
án.
c) Sau khi có văn bản thỏa thuận của Sở Kế hoạch và
Đầu tư, Ủy ban nhân dân huyện hoàn thiện kế hoạch đầu tư phát triển báo cáo Sở
Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
d) Căn cứ nhu cầu thực tế của người dân ở từng
thôn, bản, xã, nguồn vốn đầu tư từ các chương trình, dự án trên địa bàn, Ủy ban
nhân dân huyện quyết định lồng ghép các nguồn vốn đầu tư để thực hiện các
chương trình, dự án thuộc Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững trên
địa bàn đồng bộ, hiệu quả; giảm đầu mối, tập trung nguồn lực cho mục tiêu giảm
nghèo nhanh, bền vững, bảo đảm không làm thay đổi tổng mức vốn đầu tư được
giao.
2.1.2. Đối với các công trình, dự án thuộc thẩm quyền
của Ủy ban nhân dân tỉnh.
a) Theo hướng dẫn của Trung ương về xây dựng kế hoạch
hàng năm, căn cứ vào định hướng và mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
của tỉnh, Đề án Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững cấp huyện, các Sở,
Ban, ngành xây dựng nhu cầu đầu tư các công trình, dự án trực: tiếp quản lý ưu
tiên thực hiện trên địa bàn các huyện nghèo, báo cáo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở
Tài chính.
b) Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Sở
Tài chính và các Sở, Ban ngành liên quan thực hiện:
- Rà soát thủ tục, mục tiêu, đối tượng của các dự
án ưu tiên đầu tư phù hợp với quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ và các Quyết định
số 615/QĐ-TTg ngày 25/4/2011 và Quyết định
số 293/QĐ-TTg ngày 05/2/013 của Thủ tướng
Chính phủ; các công trình, dự án thuộc đối tượng được hỗ trợ, đầu tư từ ngân
sách trung ương và ngân sách địa phương theo đúng quy định tại Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính
phủ và các quy định hiện hành.
- Xác định nhu cầu đầu tư phù hợp với nguồn vốn đầu
tư (bao gồm cả Trung ương, địa phương và huy động hợp pháp khác) làm cơ sở tính
toán khả năng huy động vốn đầu tư và lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư cho các
công trình, dự án.
c) Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp nhu cầu vốn đầu
tư, đề xuất khả năng lồng ghép nguồn vốn và mục tiêu của các công trình, dự án
với Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn các huyện
nghèo, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
d) Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các Sở, Ban, ngành
liên quan phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện nghèo thực hiện lồng ghép vào
Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn các huyện nghèo.
2.1.3. Đối với các công trình, dự án do Bộ, cơ quan
trung ương trực tiếp quản lý.
a) Các Bộ, cơ quan trung ương có trách nhiệm thông
báo, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh về nội dung (mục tiêu, quy mô, địa điểm,
tổng vốn đầu tư), kế hoạch và tiến độ triển khai đầu tư xây dựng các công
trình, dự án được phân công quản lý.
b) Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu
tư, các Sở, Ban, ngành liên quan hướng dẫn Chủ đầu tư phối hợp với Ủy ban nhân
dân các huyện nghèo lồng ghép vào Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững
trên địa bàn các huyện nghèo.
2.1.4. Đối với các công trình, dự án khác
a) Chủ đầu tư, chủ dự án có trách nhiệm thông báo với
Ủy ban nhân dân tỉnh về nội dung (mục tiêu, quy mô, địa điểm, tổng vốn đầu tư),
kế hoạch và tiến độ triển khai đầu tư xây dựng các công trình, dự án và chủ động
đề xuất việc lồng ghép các công trình, dự án với Chương trình hỗ trợ giảm nghèo
nhanh và bền vững trên địa bàn các huyện nghèo.
b) Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu
tư, các Sở, Ban, ngành liên quan hướng dẫn Chủ đầu tư phối hợp với Ủy ban nhân
dân các huyện nghèo lồng ghép vào Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững
trên địa bàn các huyện nghèo.
2.2. Quy trình lồng ghép các nguồn kinh phí sự nghiệp
2.2.1. Đối với kinh phí thực hiện chế độ, chính
sách, nhiệm vụ thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân huyện.
a) Theo hướng dẫn của Trung ương về xây dựng dự
toán ngân sách hàng năm, căn cứ vào Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền
vững cấp huyện được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và đề xuất của Ủy ban nhân
dân xã, Ủy ban nhân dân huyện xây dựng dự toán ngân sách thực hiện chế độ,
chính sách, nhiệm vụ chi theo quy định tại khoản 2, Điều 5 của
Thông tư này, nhu cầu kinh phí và đề xuất khả năng lồng ghép báo cáo Sở Tài
chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư.
b) Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và
Đầu tư và các Sở, Ban ngành liên quan thực hiện:
- Rà soát chế độ, chính sách, nhiệm vụ chi phù hợp
với quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP
của Chính phủ.
- Căn cứ tiêu chuẩn, định mức để xác định nhu cầu
kinh phí thực hiện các chế độ, chính sách, nhiệm vụ chi phù hợp với quy định của
các nguồn kinh phí (bao gồm cả Trung ương, địa phương và huy động hợp pháp
khác) làm cơ sở thực hiện lồng ghép các nguồn kinh phí.
c) Sau khi có văn bản thỏa thuận của Sở Tài chính, Ủy
ban nhân dân huyện hoàn thiện dự toán kinh phí báo cáo Sở Tài chính, Sở Kế hoạch
và Đầu tư báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
Căn cứ cơ chế, chính sách, chế độ, nhu cầu thực tế
của người dân ở từng thôn, bản, xã và nguồn kinh phí từ các chương trình, dự án
trên địa bàn, Ủy ban nhân dân huyện quyết định lồng ghép các nguồn kinh phí để
thực hiện các chế độ, chính sách, nhiệm vụ thuộc Chương trình hỗ trợ giảm nghèo
nhanh và bền vững trên địa bàn đồng bộ, hiệu quả; giảm đầu mối, tập trung nguồn
lực cho mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, bảo đảm không làm thay đổi tổng mức
kinh phí sự nghiệp được giao.
2.2.2. Đối với kinh phí thực hiện chế độ, chính
sách, nhiệm vụ thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh.
a) Theo hướng dẫn của Trung ương về xây dựng dự
toán ngân sách hàng năm và căn cứ phân cấp quản lý của tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh
giao nhiệm vụ cho các Sở, Ban, ngành tổng hợp nhu cầu kinh phí thực hiện các chế
độ, chính sách, nhiệm vụ do Sở, Ban, ngành trực tiếp quản lý ưu tiên thực hiện
trên địa bàn huyện nghèo báo cáo Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư.
b) Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và
Đầu tư và các Sở, Ban, ngành liên quan thực hiện:
- Rà soát mục tiêu, đối tượng, nhiệm vụ ưu tiên thực
hiện phù hợp với quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP.
- Xác định nhu cầu kinh phí phù hợp với nguồn lực
(bao gồm cả Trung ương, địa phương và huy động hợp pháp khác) làm cơ sở tính
toán khả năng bố trí kinh phí thực hiện các chế độ, chính sách, nhiệm vụ trên địa
bàn huyện nghèo.
c) Sở Tài chính tổng hợp nhu cầu kinh phí thực hiện
chế độ, chính sách, nhiệm vụ chi, đề xuất khả năng lồng ghép các kinh phí, nhiệm
vụ với Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn các huyện
nghèo, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
d) Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các Sở, Ban, ngành
liên quan phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện nghèo thực hiện lồng ghép vào
Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn các huyện nghèo.
2.2.3. Đối với kinh phí thực hiện chế độ, chính
sách, nhiệm vụ chi do Bộ, cơ quan trung ương trực tiếp quản lý thực hiện trên địa
bàn huyện nghèo.
a) Các Bộ, cơ quan trung ương có trách nhiệm thông
báo, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh về nội dung, kế hoạch và tiến độ thực hiện
đối với các chính sách, nhiệm vụ trực tiếp thực hiện trên địa bàn huyện nghèo.
b) Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính, các Sở,
Ban, ngành liên quan hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện nghèo lồng ghép vào
Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn các huyện nghèo.
2.2.4. Đối với các hỗ trợ khác
Các cơ quan, đơn vị hỗ trợ có trách nhiệm thông báo
với Ủy ban nhân dân tỉnh, chủ động đề xuất việc lồng ghép các nội dung hỗ trợ với
các chế độ, chính sách của Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững
trên địa bàn các huyện nghèo, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các Sở, Ban, ngành
liên quan hướng dẫn các cơ quan, đơn vị phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện
nghèo lồng ghép vào Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa
bàn các huyện nghèo.
Điều 7. Trách nhiệm của các Bộ,
cơ quan trung ương và địa phương
1. Trên cơ sở Đề án Chương trình hỗ trợ giảm nghèo
nhanh và bền vững trên địa bàn các huyện nghèo được phê duyệt, hàng năm Ủy ban
nhân dân tỉnh có huyện nghèo chỉ đạo các Sở, Ban, ngành trực thuộc hướng dẫn Ủy
ban nhân dân huyện nghèo xây dựng nhu cầu kinh phí sự nghiệp, vốn đầu tư phát
triển và lồng ghép để thực hiện Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững
trên địa bàn các huyện nghèo.
2. Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các Sở, Ban, ngành
trên cơ sở chức năng nhiệm vụ có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra giám sát, đôn đốc
thực hiện chương trình; kịp thời phát hiện các sai sót trong việc thực hiện
chương trình, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm.
3. Các Bộ, cơ quan trung ương có trách nhiệm ưu
tiên bố trí các nguồn vốn và kinh phí được giao thực hiện các công trình, dự
án, nhiệm vụ trên địa bàn các huyện nghèo; lồng ghép với Chương trình hỗ trợ giảm
nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn các huyện nghèo.
Điều 8. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 28 tháng 3 năm
2014 và thay thế Thông tư liên tịch số 10/2009/TTLT-BKH-BTC
ngay 30 tháng 10 năm 2009 Quy định lồng ghép các nguồn vốn thực hiện Chương
trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn các huyện nghèo theo Nghị
quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12
năm 2008 của Chính phủ.
2. Trong quá trình thực hiện có những vấn đề phát
sinh, khó khăn hoặc vướng mắc đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Kế hoạch
và Đầu tư, Bộ Tài chính để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Công Nghiệp
|
KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
THỨ TRƯỞNG
Đào Quang Thu
|
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng TW Đảng và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Quốc Hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- KBNN các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các Sở: KH&ĐT, TC, LĐTB&XH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư Pháp;
- Công báo;
- Website Chính phủ, Website Bộ KH&ĐT, Website Bộ TC;
- Lưu: VT (Bộ KH&ĐT, Bộ TC).
|
PHỤ LỤC I
DANH SÁCH CÁC HUYỆN NGHÈO
(Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 02/2014/TTLT-BKHĐT-BTC ngày 12
tháng 02 năm 2014 của liên bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính)
Stt
|
Tỉnh
|
Huyện
|
Danh sách huyện nghèo thuộc Chương trình 30a
theo Công văn số 705/TTg-KGVX ngày
11/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ
|
1
|
Hà Giang
|
gồm 6 huyện: Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ, Yên
Minh, Xín Mần và Hoàng Su Phì
|
2
|
Cao Bằng
|
gồm 5 huyện: Thông Nông, Bảo Lâm, Hà Quảng, Bảo Lạc
và Hạ Lang
|
3
|
Lào Cai
|
gồm 3 huyện: Si Ma Cai, Mường Khương và Bắc Hà.
|
4
|
Tỉnh Yên Bái
|
gồm 2 huyện: Mù Căng Chải và Trạm Tấu.
|
5
|
Phú Thọ
|
gồm 1 huyện: Tân Sơn.
|
6
|
Bắc Giang
|
gồm 1 huyện: Sơn Động.
|
7
|
Bắc Kạn
|
gồm 2 huyện: Ba Bể và Pác Nặm.
|
8
|
Điện Biên
|
gồm 4 huyện: Mường Áng, Tủa Chùa, Mường Nhé và Điện
Biên Đông.
|
9
|
Lai Châu
|
gồm 5 huyện: Sìn Hồ, Mường Tè, Phong Thổ, Than
Uyên và Tân Yên
|
10
|
Sơn La
|
gồm 5 huyện: Mường La, Bắc Yên, Phù Yên, Quỳnh
Nhai và Sốp Cộp.
|
11
|
Thanh Hóa
|
gồm 7 huyện: Lang Chánh, Thường Xuân, Như Xuân,
Quan Hóa, Bá Thước, Mường Lát và Quan Sơn.
|
12
|
Nghệ An
|
gồm 3 huyện: Quế Phong, Tương Dương và Kỳ Sơn.
|
13
|
Quảng Bình
|
gồm 1 huyện: Minh Hóa.
|
14
|
Quảng Trị
|
gồm 1 huyện: Đa Krông.
|
15
|
Quảng Nam
|
gồm 3 huyện: Nam Trà My, Tây Giang và Phước Sơn
|
16
|
Quảng Ngãi
|
gồm 6 huyện: Sơn Hà, Trà Bồng, Sơn Tây, Minh
Long, Tây Trà và Ba Tơ;
|
17
|
Bình Định
|
gồm 3 huyện: An Lão, Vĩnh Thạnh và Vân Canh.
|
18
|
Ninh Thuận
|
gồm 1 huyện: Bác Ái
|
19
|
Lâm Đồng
|
gồm 1 huyện: Đam Rông
|
20
|
Kon Tum
|
gồm 2 huyện: Kon Plong và Tu Mơ Rông
|
Danh sách huyện nghèo theo Quyết định số 615/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày
25/4/2011
|
1
|
Thái Nguyên
|
gồm 1 huyện: Võ Nhau
|
2
|
Hà Tĩnh
|
gồm 2 huyện: Vũ Quang, Hương Khê
|
3
|
Quảng Nam
|
gồm 1 huyện: Bắc Trà My
|
4
|
Đắk Nông
|
gồm 1 huyện: Đắk Glong
|
5
|
Tiền Giang
|
gồm 1 huyện: Tan Phú Đông
|
|
Trà Vinh
|
gồm 1 huyện: Trà Cú
|
Danh sách huyện nghèo theo Quyết định số 293/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày
05/2/2013
|
1
|
Cao Bằng
|
gồm 1 huyện: Thạch An
|
2
|
Tuyên Quang
|
gồm 1 huyện: Lâm Bình
|
3
|
Lào Cai
|
gồm 3 huyện: Bát Xát, Sa Pa, Văn Bàn
|
4
|
Lạng Sơn
|
gồm 2 huyện: Bình Gia, Đình Lập
|
5
|
Điện Biên
|
gồm 2 huyện: Mường Chà, Tuần Giáo
|
6
|
Hòa Bình
|
gồm 2 huyện: Đà Bắc, Kim Bôi
|
7
|
Nghệ An
|
gồm 1 huyện: Quỳ Châu
|
8
|
Quảng Nam
|
gồm 2 huyện: Đông Giang, Nam Giang
|
9
|
Phú Yên
|
gồm 2 huyện: Sông Hinh, Đồng Xuân
|
10
|
Kon Tum
|
gồm 3 huyện: Đăk Glei, Sa Thầy, Kon Rẫy
|
11
|
Gia Lai
|
gồm 4 huyện: K Bang, Kon Chro, Krong Pa, la Pa
|
Danh sách huyện nghèo theo Quyết định số 1791/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày
01/10/2013
|
1
|
Lai Châu
|
gồm 1 huyện: Nậm Nhùn
|
2
|
Điện Biên
|
gồm 1 huyện: Nậm Pồ
|