UỶ
BAN NHÀ NƯỚC VỀ HỢP TÁC VÀ ĐẦU TƯ
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
910/UB-QL
|
Hà
Nội, ngày 04 tháng 5 năm 1995
|
THÔNG TƯ
CỦA UỶ BAN NHÀ NƯỚC VỀ HỢP TÁC VÀ ĐẦU TƯ SỐ 910/UB-QL NGÀY 4
THÁNG 5 NĂM 1995 HƯỚNG DẪN VIỆC ĐIỀU CHỈNH, BỔ SUNG GIẤY PHÉP ĐẦU TƯ
Nhằm hướng dẫn việc điều chỉnh,
bổ sung Giấy phép đầu tư, Uỷ ban Nhà nước về Hợp tác và đầu tư quy định như
sau:
1. Nội dung điều
chỉnh, bổ sung Giấy phép đầu tư: Những hoạt động dưới đây được coi là có liên
quan đến việc điều chỉnh, bổ sung Giấy phép đầu tư:
1.1. Tăng vốn: Tăng vốn là việc
xí nghiệp bổ sung thêm vốn đầu tư bằng cách huy động vốn góp của các Bên, vốn
vay, lợi nhuận được chia, quỹ phát triển sản xuất, nhằm mở rộng quy mô sản xuất,
điều chỉnh, bổ sung mục tiêu hoạt động, duy trì sản xuất kinh doanh trong trường
hợp có thiên tai hoặc những khó khăn khác, đối phó những biến động của thị trường.
1.2. Thay đổi tỷ lệ vốn pháp định:
Thay đổi tỷ lệ vốn pháp định bao gồm việc thay đổi tỷ trọng so với tổng vốn đầu
tư, thay đổi tỷ lệ góp vốn pháp định giữa các Bên tham gia xí nghiệp.
1.3. Thay đổi hoặc bổ sung mục
tiêu hoạt động.
1.4. Thay đổi đối tác: Trong quá
trình sản xuất kinh doanh có thể bổ sung hoặc rút bớt. Bên tham gia xí nghiệp
liên doanh hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh.
1.5. Thay đổi hình thức hợp tác:
Căn cứ điều kiện thực tế và tuỳ theo nguyện vọng của các Bên, hình thức đầu tư
có thể thay đổi như: chuyển từ hợp đồng hợp tác kinh doanh thành xí nghiệp liên
doanh, xí nghiệp liên doanh thành xí nghiệp 100% vốn nước ngoài, xí nghiệp 100%
vốn nước ngoài thành xí nghiệp liên doanh hoặc thành doanh nghiệp Việt Nam.
1.6. Chuyển nhượng vốn: Các Bên
trong xí nghiệp liên doanh hoặc trong hợp đồng kinh doanh chuyển nhượng cho
nhau hoặc cho Bên thứ ba một phần hoặc toàn bộ trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi
của mình trong xí nghiệp liên doanh hoặc trong hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Xí nghiệp 100% vốn nước ngoài
chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mình
cho đối tác khác.
1.7. Mở chi nhánh, cơ sở sản xuất
mới: Các xí nghiệp, tuỳ từng trường hợp cụ thể, có thể xin và được phép mở chi
nhánh, cơ sở sản xuất mới ở các địa điểm ngoài trụ sở chính, kể cả ở nước
ngoài. Trường hợp muốn mở văn phòng giao dịch, xí nghiệp trực tiếp xin phép Uỷ
ban nhân dân cấp tỉnh nơi dự kiến đặt văn phòng và sau khi được chuẩn y chỉ cần
thông báo cho Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư để tiện việc liên hệ.
1.8. Những điều chỉnh, bổ sung khác
như: thay đổi mức thuế, mức tiền thuê đất, tỷ lệ nội - ngoại tiêu, tình trạng
máy móc thiết bị (mới, đã qua sử dụng)...
2. Hồ sơ điều
chỉnh, bổ sung Giấy phép đầu tư:
2.1. Đối với tất cả các trường hợp
điều chỉnh, bổ sung Giấy phép đầu tư, chủ đầu tư phải gửi những tài liệu sau
đây đến Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư.
- Đơn xin điều chỉnh, bổ sung Giấy
phép đầu tư do Tổng Giám đốc hoặc phó Tổng giám đốc thứ nhất ký.
- Biên bản họp Hội đồng quản trị
xí nghiệp liên doanh hoặc ý kiến các Bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh
có liên quan đến vấn đề xin điều chỉnh bổ sung.
- Báo cáo tình hình triển khai,
thực hiện Giấy phép đầu tư từ ngày được cấp đến thời điểm xin điều chỉnh, bổ
sung.
2.2. Ngoài các tài liệu trên, tuỳ
nội dung xin điều chỉnh, bổ sung Giấy phép, chủ đầu tư phải gửi thêm các văn bản
sau:
- Tăng vốn: Giải trình lý do
tăng vốn, hiệu quả của việc tăng vốn, các điều kiện tài chính đảm bảo cho việc
tăng vốn và danh mục máy móc, thiết bị cần nhập thêm do tăng vốn (chủng loại, số
lượng, chất lượng và giá mua). Trường hợp tăng vốn bằng lợi nhuận tái đầu tư phải
có thêm giấy chứng nhận hoặc biên lai của cơ quan thuế, trong đó ghi rõ số thuế
đã nộp.
- Chuyển nhượng vốn và thay đổi
đối tác:
Giải trình sự cần thiết phải
chuyển nhượng vốn và thay đổi đối tác; chứng chỉ hợp pháp về tư cách pháp lý,
tình hình tài chính của đối tác mới; hợp đồng chuyển nhượng trong đó quy định
rõ điều kiện, phương thức và giá chuyển nhượng.
- Mở chi nhánh, cơ sở sản xuất mới:
Giải trình sự cần thiết, ý kiến của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh về chủ trương, địa
điểm và mức tiền thuê đất (nếu có) đối với địa điểm nơi dự định đặt chi nhánh,
cơ sở sản xuất; hợp đồng thuê nhà xưởng.
- Các trường hợp còn lại: giải
trình lý do xin điều chỉnh, bổ sung Giấy phép đầu tư.
2.3. Tất cả các tài liệu quy định
ở mục 2.1 và 2.2 đều phải là bản gốc hoặc bản sao có công chứng.
2.4. Số bộ hồ sơ:
a. Trường hợp tăng vốn để mở rộng
công suất mà bản thân quy mô và tính chất của việc tăng vốn tương tự như quy mô
và tính chất của một dự án nhóm A quy định tại Nghị định 191/CP ngày 18 tháng
12 năm 1994 của Chính phủ thì số bộ hồ sơ cần nộp là 6 bộ, trong đó ít nhất một
bộ gốc. Trong trường hợp đặc biệt, Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư có thể
yêu cầu chủ đầu tư nộp bổ sung thêm ngoài số bộ hồ sơ quy định trên.
b. Đối với các trường hợp tăng vốn
khác, số bộ hồ sơ cần nộp là 4 bộ, trong đó có ít nhất 1 bộ gốc.
c. Tất cả các trường hợp còn lại,
chủ đầu tư chỉ cần nộp 2 bộ hồ sơ, trong đó có ít nhất 1 bộ gốc.
2.5. Dù chỉ điều chỉnh bổ sung,
nhưng hồ sơ vẫn phải được trình bày, in ấn, đóng bìa... một cách nghiêm túc để
bảo quản lâu dài.
2.6. Để đơn giản hoá thủ tục đầu
tư, tiết kiệm chi phí có liên quan, việc nộp hồ sơ xin điều chỉnh, bổ sung Giấy
phép được quy định như sau:
a. Các dự án từ Quảng Ngãi trở vào,
hồ sơ nộp tại cơ quan đại diện Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư tại thành
phố Hồ Chí Minh.
b. Các dự án từ Quảng Nam - Đà Nẵng
trở ra, hồ sơ được nộp tại Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư tại Hà Nội.
3. Xử lý hồ sơ
điều chỉnh, bổ sung
a. Đối với các dự án tăng vốn
quy định tại mục a, điểm 2 của Thông tư này, trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày
tiếp nhận hồ sơ dự án, Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư gửi hồ sơ dự án đến
các cơ quan có liên quan để lấy ý kiến trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem
xét, quyết định.
Trong thời hạn 20 kể từ ngày nhận
được hồ sơ dự án, các cơ quan có ý kiến bằng văn bản gửi Uỷ ban Nhà nước về hợp
tác và đầu tư về những vấn đề thuộc phạm vi quản lý của mình.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ
khi nhận được hồ sơ dự án hợp lệ. Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu
tư trình ý kiến lên Thủ tướng Chính phủ. Trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận
được ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư thông
báo quyết định cho chủ đầu tư.
b. Đối với các hồ sơ điều chỉnh,
bổ sung khác:
- Hồ sơ phải tham khảo ý kiến
các cơ quan có liên quan: trong 5 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ dự án, Uỷ ban
Nhà nước về hợp tác và đầu tư gửi hồ sơ đến các cơ quan này. Trong thời hạn 20
ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án, các cơ quan có ý kiến bằng văn bản gửi Uỷ
ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư về những vấn đê thuộc phạm vi quản lý của
mình. Trong thời hạn 30 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ dự án hợp lệ, Chủ nhiệm
Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư thông báo quyết định cho chủ đầu tư.
- Các trường hợp còn lại trong
thời hạn 15 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ dự án hợp lệ. Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà
nước về hợp tác và đầu tư thông báo quyết định cho chủ đầu tư.
c. Trong toàn bộ thời gian kể
trên không tính thời gian chủ đầu tư sửa đổi hồ sơ xin điều chỉnh, bổ sung.
4. Điều khoản
thi hành:
Thông tư này có hiệu lực kể từ
ngày ký. Các quy định trước đây của Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư trái với
Thông tư này đều bãi bỏ.