Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 28/TT-QLKH hướng dẫn chuyển giao công nghệ nước ngoài vào Việt Nam

Số hiệu: 28/TT-QLKH Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Người ký: Đặng Hữu
Ngày ban hành: 22/01/1994 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 28/TT-QLKH

Hà Nội, ngày 22 tháng 1 năm 1994

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG SỐ 28/TT-QLKH NGÀY 22-1-1994 HƯỚNG DẪN CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ NƯỚC NGOÀI VÀO VIỆT NAM

Căn cứ Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 29-12-1987 và sửa đổi bổ sung ngày 23-12-1992;
Căn cứ Pháp lệnh chuyển giao công nghệ nước ngoài vào Việt Nam do Hội đồng Nhà nước thông qua ngày 10-12-1988;
Căn cứ vào Pháp lệnh bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp do Hội đồng Nhà nước thông qua ngày 28-1-1989;
Căn cứ Nghị định số 49-HĐBT ngày 4-3-1991 của Hội đồng Bộ trưởng quy định chi tiết việc thi hành Pháp lệnh chuyển giao công nghệ nước ngoài vào Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 18-CP ngày 16-4-1993 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;
Theo thoả thuận của các cơ quan có liên quan;
Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường ban hành thông tư này hướng dẫn thực hiện chuyển giao công nghệ nước ngoài vào Việt Nam.

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Trong chuyển giao công nghệ các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1.1. "Công nghệ" là hệ thống các giải pháp được tạo nên bởi sự ứng dụng các kiến thức khoa học, được sử dụng để giải quyết một hoặc một số nhiệm vụ thực tiễn trong sản xuất kinh doanh được thể hiện dưới dạng:

- Các bí quyết kỹ thuật phương án công nghệ, quy trình công nghệ, tài liệu thiết kế sơ bộ và thiết kế kỹ thuật: công thức, bản vẽ, sơ đồ, bảng, biểu: Các thông số kỹ thuật và thông tin kỹ thuật khác.

- Các đối tượng sở hữu công nghiệp theo Điều 4, Chương I, Pháp lệnh bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp ngày 28-1-1989.

Các giải pháp nói trên có thể bao gồm máy móc, thiết bị có hàm chứa nội dung công nghệ.

- Các dịch vụ hỗ trợ và tư vấn.

1.2. "Chuyển giao công nghệ" là một hoặc tập hợp nhiều hoạt động được tiến hành bởi hai bên. Bên giao và Bên nhận, trong đó hai bên phối hợp các hành vi pháp lý và các hành động thực tiễn mà mục đích và kết quả là Bên nhận có được và tự mình khai thác được những năng lực công nghệ xác định do Bên giao cung cấp để thực hiện một mục tiêu xác định.

2. Yêu cầu đối với công nghệ được chuyển giao vào Việt Nam.

Những yêu cầu cơ bản đã quy định trong Điều 4 của Nghị định 49-HĐBT, và được hiểu với những điều kiện sau đây:

2.1. Công nghệ tương tự không sẵn có ở Việt Nam, hoặc có nhưng Bên nhận không thể khai thác với những điều kiện thuận lợi hơn, có hiệu quả hơn:

2.2. Bên nhận công nghệ phải nắm vững và làm chủ công nghệ đó sau một thời gian, hạn nhất định.

2.3. Bên giao phải có quyền sở hữu, hoặc được uỷ quyền chuyển giao công nghệ mà Bên nhận cần.

3. Các Bên tham gia chuyển giao công nghệ được quy định tại Điều 2 Nghị định 49-HĐBT.

4. Trong trường hợp bên nhận đã biết rõ bản chất của công nghệ và có khả năng áp dụng công nghệ đó, nhưng không được phép áp dụng vì công nghệ có liên quan đến đối tượng, sở hữu công nghiệp của Bên giao đang được bảo hộ tại Việt Nam, để áp dụng. Bên nhận cần bên giao cấp giấy phép sử dụng sở hữu công nghiệp tương ứng.

5. Các nội dung chuyển giao công nghệ kèm theo nhập khẩu máy móc, thiết bị bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước phải tuân theo quy định của Thông tư này.

6. Các pháp nhân, cá nhân Việt Nam chuyển giao công nghệ vào các xí nghiệp, công ty có vốn đầu tư nước ngoài phải tuân theo quy định của Thông tư này.

II. HỢP ĐỒNG CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ

Những nội dung chính của hợp đồng chuyển giao công nghệ đã được quy định tại các điều 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14 của Nghị định 49-HĐBT.

Sau đây là những hướng dẫn chi tiết.

7. Mọi hoạt động chuyển giao công nghệ có tính chất thương mại, hoặc có những ràng buộc về quyền và nghĩa vụ phải được thực hiện trên cơ sở văn bản hợp đồng. Mọi thoả thuận giữa Bên giao và Bên nhận không được thể hiện trong băn bản hợp đồng đều không có giá trị pháp lý.

8. Hợp đồng mẫu về chuyển giao công nghệ có tính chất hướng dẫn tham khảo được kèm theo Thông tư này (Phụ lục 1). Hợp đồng mẫu này có tính chất bao quát cho các nội dung chuyển giao công nghệ. Tuỳ theo nội dung chuyển giao công nghệ cụ thể, Văn bản hợp đồng có thể liên quan đến toàn bộ hoặc một số phần của hợp đồng mẫu.

9. Những yêu cầu cơ bản của Hợp đồng chuyển giao công nghệ. Hợp đồng phải nêu rõ:

- Tên các công nghệ, dịch vụ sẽ được chuyển giao cho Bên nhận:

- Mục tiêu của việc chuyển giao công nghệ (ví dụ như tạo ra một loại sản phẩm hay dịch vụ mới, thay đổi quy cách, chất lượng và sản lượng sản phẩm, giảm mức tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng v.v...);

- Nội dung công nghệ chuyển giao (theo các nội dung nêu tại Điều 3 Nghị định 49-HĐBT và phải nêu chi tiết các nội dung này);

- Giá trị kinh tế và kỹ thuật của mỗi nội dung công nghệ được chuyển giao (nếu có thể xác định được);

- Kết quả đạt được sau khi công nghệ đã được chuyển giao cho Bên nhận. Kết quả này phải được thể hiện rõ trong hợp đồng (hoặc một phụ lục như một bộ phận không thể tách rời của hợp đồng) thông qua bảng kê:

+ Các đặc tính kỹ thuật, các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm và dịch vụ mà Bên nhận tạo ra trên cơ sở công nghệ đã được chuyển giao.

+ Các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật của công nghệ mà bên nhận công nghệ sẽ đạt được sau khi nhận công nghệ. Các chỉ tiêu này cũng phải phản ánh năng lực làm chủ và nắm vững công nghệ của bên nhận. Cần có so sánh với chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật của công nghệ mà Bên giao đang áp dụng.

+ Hiệu quả kinh tế do việc áp dụng công nghệ được chuyển giao:

- Chi phí, giá cả, điều kiện và phương thức thanh toán để đạt được các mục tiêu, kết quả của chuyển giao công nghệ đã nêu trên.

- Thời hạn hiệu lực, điều kiện sửa đổi và kết thúc Hợp đồng;

- Các cam kết về chất lượng, bảo đảm bảo hành;

- Việc đào tạo liên quan đến chuyển giao công nghệ;

- Thủ tục giải quyết tranh chấp, luật áp dụng.

10. Các bên ký hợp đồng

Hợp đồng phải ghi rõ tên đầy đủ, địa chỉ của hai bên (giao và nhận) theo đúng tên và địa chỉ đăng ký, sau đó nếu cần thì ghi thêm tên gọi tắt. Phải ghi chính xác tên của công ty và người đại diện có thẩm quyền trực tiếp ký hợp đồng, chịu trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ và trách nhiệm ghi trong hợp đồng.

11. Các điều khoản về sở hữu công nghiệp:

Nếu nội dung hợp đồng chuyển giao công nghệ mà có các điều kiện về sở hữu công nghiệp thì phần sở hữu công nghiệp phải được xây dựng thành một hợp đồng độc lập hoặc một phần riêng biệt trong hợp đồng chuyển giao công nghệ, và tuân theo các quy định pháp luật về sở hữu công nghiệp và chuyển giao công nghệ.

12. Hợp đồng chuyển giao công nghệ, ngoài các điều khoản về sở hữu công nghệ, còn bao gồm việc chuyển giao bí quyết kỹ thuật, thông tin công nghệ, trợ giúp kỹ thuật... được thực hiện qua ba phương thức chính: cung cấp tài liệu kỹ thuật; đào tạo, các dịch vụ hỗ trợ và tư vấn kỹ thuật. Hợp đồng chuyển giao công nghệ có thể có đủ ba nội dung hoặc chỉ một hoặc hai nội dung nêu trên.

12.1. Tài liệu kỹ thuật là các thiết kế, quy trình, công thức, chỉ dẫn, hướng dẫn, bản vẽ v.v... thể hiện công nghệ được chuyển giao. Danh mục các tài liệu kỹ thuật được chuyển giao được nêu trong Điều 4.1 của Hợp đồng mẫu. Hợp đồng phải ghi chi tiết tên các loại tài liệu sẽ được chuyển giao.

12.2. Việc đào tạo phải giúp cho Bên nhận nắm vững và làm chủ công nghệ trong một thời hạn nhất định.

Chương trình đào tạo phải bao gồm mọi kỹ thuật và thông tin cần thiết để sản xuất sản phẩm phù hợp với chỉ tiêu kỹ thuật đã xác định. Chương trình đào tạo còn phải nêu rõ số lượng công nhân, cán bộ kỹ thuật với các ngành nghề được đào tạo. Vì thế, trên cơ sở chương trình đào tạo của bên giao. Bên nhận công nghệ cần chủ động đề xuất thêm những nội dung của chương trình này cho phù hợp với điều kiện của mình.

Hợp đồng phải quy định chi tiết các điều khoản về đào tạo theo nội dung hướng dẫn trong Điều 4.2 của hợp đồng mẫu.

Trong hợp đồng đào tạo, cần ghi rõ số lượng, trình độ chuyên môn và kinh nghiệm của các hướng dẫn viên. Hợp đồng cũng cần quy định rõ cam kết của các bên nhằm đạt được mục tiêu của việc đào tạo, ví dụ: Cam kết về trình độ, kỹ năng mà người được đào tạo sẽ có được sau khi kết thúc chương trình đào tạo.

Sau khi kết thúc chương trình đào tạo. Bên giao phải kiểm tra và cấp cho các học viên một chứng chỉ hoàn thành chương trình đào tạo. Mẫu chứng chỉ được kèm theo thông tư này và phải cấp cho từng học viên.

Cần nêu chi phí cho từng khoản mục đào tạo.

12.3. Các dịch vụ hỗ trợ và tư vấn kỹ thuật:

Đối với việc xây dựng các cơ sở sản xuất, việc giúp đỡ kỹ thuật phải được.

Bên giao thực hiện từ lúc bắt đầu cho đến lúc kết thúc hợp đồng, nhưng cần đặc biệt lưu ý đến ba giai đoạn chính là:

1. Giai đoạn trước khi chạy thử;

2. Giai đoạn chạy thử: và

3. Giai đoạn sản xuất chính thức.

Việc giúp đỡ kỹ thuật phải được quy định chi tiết trong hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng.

Đối với những hình thức dịch vụ hỗ trợ và tư vấn như lựa chọn công nghệ, đổi mới công nghệ, nghiên cứu, phân tích, đánh giá, nghiên cứu khả thi và tiền khả thi, tư vấn về quản lý công nghệ, thực hiện các dịch vụ về thu thập, xử lý và cung cấp thông tin về thị trường công nghệ, tài nguyên môi trường v.v... việc giúp đỡ kỹ thuật phần lớn được thực hiện thông qua hoạt động trực tiếp của các chuyên gia. Vì thế, văn bản hợp đồng cần quy định rõ ràng và chi tiết những công việc, nhiệm vụ cụ thể của từng chuyên gia và kết quả của từng dịch vụ.

Cần nêu rõ chi phí cho từng khoản mục trợ giúp kỹ thuật.

13. Cung cấp từ phía Việt Nam

Hai bên phải xác định rõ và đưa vào hợp đồng những nội dung công nghệ kỹ năng, kiến thức chuyên môn dịch vụ tư vấn, những loại nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị mà phía Việt Nam có thể cung cấp, điều kiện sử dụng chúng và lịch trình thay thế. Trong trường hợp cần thiết, cơ quản quản lý chuyển giao công nghệ có quyền yêu cầu thực hiện việc thay thế nhập khẩu nói trên.

14. Thời gian tiến độ chuyển giao công nghệ, địa điểm cung cấp từng phần công nghệ và thiết bị cần được quy định chi tiết, rõ ràng, và phù hợp với tiến độ xây dựng, sản xuất kinh doanh. Cần quy định trong hợp đồng mức độ và hình thức xử lý những sai sót trong việc cung cấp công nghệ.

15. Các cam kết về bảo đảm và bảo hành.

15.1. Cam kết về bảo đảm. 15.1.1. Bên giao cam kết:

- Chất lượng của sản phẩm phải đạt các chỉ tiêu kỹ thuật đề ra và tương đương chất lượng sản phẩm cùng loại do Bên giao công nghệ đang sản xuất.

- Chất lượng của công nghệ Bên giao cung cấp, như tính khả thi và phù hợp của công nghệ để đạt được mục tiêu đề ra cho việc chuyển giao công nghệ.

- Độ tin cậy của công nghệ sau khi được chuyển giao trong điều kiện áp dụng của Bên nhận.

- Các tiêu chuẩn về thiết kế, đặt mua, lắp đặt các thiết bị và vận hành mà Bên giao (hoặc cơ sở nhận thầu phụ) có trách nhiệm thực hiện.

- Trách nhiệm đối với việc vi phạm quyền sở hữu công nghiệp của bên thứ ba.

15.1.2. Các cam kết khác của hai bên nhằm bảo đảm không có sai sót trong chuyển giao công nghệ, tôn trọng quyền lợi của nhau về đảm bảo tính bí mật, tính cạnh tranh, tính an toàn và bảo đảm các tiêu chuẩn về vệ sinh, môi trường trong thời hạn hiệu lực của hợp đồng.

15.2. Cam kết về bảo hành: cần nêu rõ thời hạn bảo hành đối với các nội dung công nghệ được chuyển giao. Trong trường hợp các nội dung công nghệ có thời hạn bảo hành khác nhau phải ghi rõ thời hạn cho từng nội dung.

16. Trong hợp đồng phải có các điều khoản quy định trách nhiệm của các bên về pháp lý và vật chất khi vi phạm các cam kết trong hợp đồng.

Nếu công nghệ có sai sót, sản phẩm dịch vụ không đạt tiêu chuẩn đã định mà Bên nhận công nghệ đã thực hiện đúng các chỉ dẫn của Bên giao, thì bên giao phải tìm hiểu nguyên nhân sai sót, khắc phục chúng bằng chi phí của Bên giao, giải thích đầy đủ và bồi thường thiệt hại cho Bên nhận. Nếu phải tiến hành một số thay đổi trong quy trình sản xuất. Bên nhận có thể cần được đào tạo thêm, cần tài liệu và sự giúp đỡ kỹ thuật mới, thì Bên giao phải thực hiện những việc đó và phải chịu mọi chi phí liên quan.

17. Việc xây dựng và thực hiện các biện pháp phòng ngừa tác hại tới môi trường và người lao động, cần được quy định rõ trong hợp đồng (về nội dung, mức độ, biện pháp cụ thể và phạm vi trách nhiệm).

Trong Hợp đồng hai bên phải cam kết các biện pháp đề phòng, hạn chế và khắc phục mọi ảnh hưởng xấu của công nghệ đến môi trường, kể cả những gì họ đã biết và những gì bên giao có thể sẽ phát hiện sau này. Bên giao có trách nhiệm thông báo cho bên nhận biết những ngăn cấm và hạn chế đang áp dụng trên thế giới đối với những sản phẩm được sản xuất theo công nghệ mà họ chuyển giao (đặc biệt là đối với các sản phẩm dược, hoá chất).

Trong hợp đồng phải có các điều khoản về an toàn lao động, điều kiện và môi trường công nghiệp cho người lao động.

18. Những điều khoản sau đây không được đưa vào hợp đồng chuyển giao công nghệ:

18.1. Các điều khoản yêu cầu Bên nhận công nghệ phải mua toàn bộ hoặc một tỷ lệ cố định nguyên liệu, vật liệu, bộ phận máy móc, thiết bị, sản phẩm trung gian hoặc từ bên giao công nghệ hoặc từ nguồn do Bên giao công nghệ chỉ định, trừ khi chứng minh được rằng:

- Những yêu cầu đó là cần thiết để duy trì tiêu chuẩn chất lượng đã được Bên giao xác nhận (bên giao công nghệ phải cung cấp cho Bên nhận tiêu chuẩn chất lượng các loại nguyên vật liệu, bán thành phẩm mà Bên giao sử dụng để sản xuất sản phẩm).

- Giá bán ngang bằng giá thị trường thế giới, hoặc bằng với giá mà bên giao công nghệ phải trả cho bên thứ ba và không có một nguồn cung cấp nào rẻ hơn.

18.2. Các điều khoản trực tiếp hoặc gián tiếp hạn chế xuất khẩu các sản phẩm do Bên nhận công nghệ sản xuất ra theo hợp đồng chuyển giao công nghệ, trừ khi nó được chứng minh để đảm bảo quyền lợi của cả Bên giao và Bên nhận công nghệ, như xuất khẩu đến nơi mà quyền sở hữu công nghiệp của Bên giao sẽ bị xâm phạm, hoặc nơi đã có li-xăng độc quyền sử dụng công nghệ đó.

18.3. Các điều khoản hạn chế phạm vi sản xuất kinh doanh, hạn chế khối lượng và giá cả các sản phẩm do Bên nhận công nghệ sản xuất.

18.4. Các điều khoản buộc Bên nhận phản chấp nhận việc Bên giao chọn hoặc chỉ định đại lý tiêu thụ sản phẩm hoặc đại diện thương mại, buộc bên nhận phải giao sản phẩm cho Bên giao công nghệ bao tiêu, buộc Bên nhận công nghệ phải tuân theo cơ chế hoạt động của các đại lý tiêu thụ của bên giao, trừ khi việc đó có hiệu quả kinh tế hơn so với việc tự tiêu thụ và Bên nhận tự nguyện đề nghị những điều đó.

18.5. Các điều khoản ngăn cấm Bên nhận tự do sử dụng công nghệ đã được chuyển giao sau khi hợp đồng chuyển giao công nghệ hết hiệu lực, hoặc sau khi hết hời hạn bảo hộ của những quyền sở hữu công nghiệp ghi trong hợp đồng.

18.6. Quy định Bên nhận công nghệ không được nghiên cứu và phát triển tiếp tục công nghệ được chuyển giao hoặc không được tiếp nhận từ các nguồn khác các công nghệ tương tự: quy định những cải tiến đổi mới của Bên giao nhận công nghệ phải thuộc quyền sở hữu của bên giao nhận công nghệ.

18.7. Đối với việc trả kỳ vụ theo phần trăm (%) giá bán tịnh không được đưa vào hợp đồng điều khoản bắt buộc Bên nhận công nghệ phải thanh toán trước khi bán được sản phẩm một khoản tiền kỳ vụ tối thiểu (không xét đến sản lượng và giá trị sản phẩm được bán ra.

19. Giá cả và thanh toán:

Giá thanh toán cho chuyển giao công nghệ được thoả thuận giữa hai bên trên nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi. Dù phương thức thanh toán là trả gọn, trả kỳ vụ theo lợi nhuận sau thuế hay trả kỳ vụ theo giá bán tịnh... giá của công nghệ cũng được tính toán bằng một phần lợi ích kinh tế thu được do việc khai thác công nghệ đó trong thời hạn hợp đồng chuyển giao công nghệ. Giá cụ thể được xác định trên cơ sở so sánh giá của các nguồn cung cấp cùng loại công nghệ trên thị trường thế giới tại thời điểm tính toán.

Khi một hoặc các đối tượng sở hữu công nghiệp được chuyển giao không còn hiệu lực do hết thời hạn được bảo hộ, hoặc khi bí quyết kỹ thuật không còn bí mật nữa, hai bên thảo luận lại các điều khoản về thanh toán.

19.1. Việc lựa chọn phương thức thanh toán do hai bên thoả thuận. Các phương thức thanh toán là:

- Góp vốn bằng giá trị của công nghệ.

- Trả kỳ vụ theo tỷ lệ phần trăm lợi nhuận sau thuế hoặc phần trăm giá bán tịnh (xem mục 19.2).

- Phương thức trả gọn.

- Kết hợp trả gọn một phần, phần còn lại trả theo kỳ vụ.

a. Góp vốn bằng giá trị công nghệ (như trình bày tại mục 27 phần III).

b. Trả kỳ vụ là phương thức thanh toán theo đó Bên nhận phải trả dần cho Bên giao trong suốt thời hạn hiệu lực của hợp đồng một khoản tiền được tính theo một trong các chỉ số sau đây:

- Dựa trên lợi nhuận do bán sản phẩm có sử dụng công nghệ được chuyển giao đem lại: Giá trị thanh toán được tính theo phần trăm lợi nhuận sau thế. Tỷ lệ nằm trong giới hạn từ 5% đến 25% lợi nhuận sau thuế trong thời gian hợp đồng. Đối với nội dung chuyển giao công nghệ có ý nghĩa lớn đối với việc phát triển kinh tế, chậm có lợi nhuận. Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường có thể xem xét và cho phép một tỷ lệ cao hơn.

- Dựa trên giá bán tịnh: Giá trị thanh toán sẽ phải tính theo phần trăm (%) của giá bán tịnh của sản phẩm bán ra.

c. Trả gọn là phương thức theo đó hai bên xác định thanh toán bằng một khoản tiền nhất định, có thể trả một lần, hoặc một số lần, và trả vào các thời điểm kết thúc các giai đoạn của chuyển giao công nghệ, ví vụ ngày hợp đồng bắt đầu có hiệu lực, ngày chuyển giao các tài liệu kỹ thuật, ngày hoàn thành đào tạo, ngày hoàn thành lắp đặt, ngày hoàn thành chạy thử, ngày nghiệm thu, ngày bắt đầu sản xuất hàng loạt, ngày bán lô sản phẩm đầu tiên. Trị giá tất cả các khoản thanh toán cho chuyển giao công nghệ trong thời gian hợp đồng được giới hạn từ 3-8% tổng vốn đầu tư (không kể giá trị góp vốn bằng quyền sử dụng đất, đền bù, giải phóng mặt bằng).

19.2. Giá bán tịnh là tổng giá bán sản phẩm hoặc dịch vụ mà trong quá trình tạo ra chúng có áp dụng công nghệ được chuyển giao, tính theo hoá đơn bán hàng trừ đi các khoản sau:

- Thuế gián thu (thuế doanh thu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế trị giá gia tăng v.v...);

- Chiết khấu thương mại;

- Giá nhập khẩu CIF và thuế nhập khẩu các bán thành phẩm, bộ phận chi tiết, linh kiện do Bên giao công nghệ hoặc các chi nhánh của Bên giao cung cấp;

- Giá nhập khẩu CIF và thuế nhập khẩu các bán thành phẩm, bộ phận chi tiết, linh kiện khác được sản xuất ngoài lãnh thổ Việt Nam.

- Chi phí bao bì, chi phí đóng gói, chi phí vận tải.

19.3. Tỷ lệ phần trăm giá bán tịnh thanh toán cho công nghệ được chuyển giao phụ thuộc vào:

- Công nghệ được chuyển giao đáp ứng đến mức nào nhu cầu trong nước, và vào các mục tiêu phát triển đất nước, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy xuất khẩu sử dụng nguồn lực địa phương, tiết kiệm năng lượng;

- Khả năng mở rộng việc áp dụng công nghệ đó cho các cơ sở sản xuất kinh doanh khác trong nước;

- Phạm vi, mức độ và tính mới của công nghệ, tầm quan trọng của công nghệ đối với toàn bộ hoạt động Bên nhận công nghệ;

- Phạm vi quyền của bên nhận đối với công nghệ được chuyển giao (độc quyền hay không, có được chuyển nhượng cho bên thứ ba hay không v.v...);

19.4. Mức trả kỳ vụ tối đa (5% giá bán tịnh) quy định trong Điều 10 của Nghị định 49-HĐBT là tổng số tiền thanh toán cho toàn bộ các nội dung công nghệ là được chuyển giao, như đối tượng sở hữu công nghiệp (trừ tên gọi xuất xứ hàng hoá) bí quyết, tài liệu kỹ thuật, đào tạo và toàn bộ các trợ giúp kỹ thuật khác và được trả cho những công nghệ hội đủ các điều kiện sau:

- Nội dung chuyển giao công nghệ có ý nghĩa lớn đối với việc phát triển kinh tế;

- Sản phẩm (hoặc dịch vụ) có chất lượng sản phẩm cao và mang lại lợi nhuận lớn và;

- Tỷ lệ sản phẩm được xuất khẩu lớn.

Mức trả kỳ vụ tối đa đối với công nghệ hội đủ các tiêu chuẩn trên, những nội dung chuyển giao chỉ bao gồm đối tượng sở hữu công nghiệp, bí quyết, tài liệu. Thông tin kỹ thuật là 3% giá bán tịnh.

19.5. Mức trả kỳ vụ thông thường: Đối với chuyển giao công nghệ để sản xuất các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu, mức trả kỳ vụ thông thường được áp dụng cho các nội dung công nghệ được chuyển giao là 2% giá bán tịnh.

19.6. Tính tiền thù lao riêng cho việc sử dụng nhãn hàng.

Một nhãn hàng chỉ có giá trị khi nó có tác dụng xúc tiến việc bán hàng và làm tăng doanh thu từ sản phẩm được mang nhãn đó. Do đó, chỉ được tính và chi trả phí chuyển giao quyền sử dụng nhãn cho những nhãn đã nổi tiếng trên những thị trường mà nhãn đó được sử dụng. Đối với nhãn đã nổi tiếng tại Việt Nam, phí chuyển giao quyền sử dụng nhãn không được vượt quá 1% giá bán tịnh của các sản phẩm được mang nhãn. Phí sử dụng nhãn hàng đối với những sản phẩm được đưa vào Việt Nam chủ yếu để đóng gói, lắp ráp và bán tại Việt Nam sẽ được xem xét theo từng trường hợp cụ thể nhưng không được vượt quá 0,5% giá bán tịnh.

19.7. Đối với các hoạt động chuyển giao công nghệ dưới dạng tư vấn, đào tạo giúp đỡ kỹ thuật, giá thanh toán phải được dựa trên khối lượng hợp lý công việc đã được thực hiện.

Các bước để xác định giá như sau:

- Phân chia dịch vụ thành các công việc chi tiết;

- Tính toán thời gian cần thiết để làm những việc đó;

- Thoả thuận mức thanh toán cho mỗi tháng (tuần) chuyên gia các loại khác nhau;

- Dự kiến giá tổng cộng hợp lý cho toàn bộ dịch vụ;

- Thoả thuận thủ tục để kiểm tra số thời gian làm việc thực sự của chuyên gia;

- Xem xét những dịch vụ mà trong nước có thể cung cấp để giảm chi phí.

19.8. Chi phí chuyển giao công nghệ trong trường hợp chuyển giao công nghệ có kèm với nhập thiết bị cần tính riêng ngoài giá thiết bị.

20. Thời hạn của hợp đồng, đã quy định tại Điều 11 Nghị định 49-HĐBT.

20.1. Trường hợp hai bên muốn điều chỉnh, bổ sung và kéo dài thời hạn hợp đồng, thì 3 tháng trước khi hợp đồng hết hạn, hai bên phải làm đơn gửi cơ quan phê duyệt xin gia hạn hợp đồng.

Việc điều chỉnh, bổ sung, hoặc kéo dài thời hạn hợp đồng chỉ có hiệu lực khi có văn bản chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

20.2. Hợp đồng chuyển giao công nghệ có thể được huỷ bỏ trong các trường hợp:

- Hai bên ký nhất trí huỷ bỏ hợp đồng;

- Một trong hai bên ký kết đã vi phạm những điều đã cam kết đến mức hợp đồng không thể tiếp tục triển khai được nữa;

- Khi có trường hợp bất khả kháng xảy ra làm cho hợp đồng không thể tiếp tục triển khai được;

- Khi có quyết định huỷ bỏ hợp đồng của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt do các bên vi phạm nghiêm trọng luật pháp của Việt Nam.

Khi huỷ bỏ hợp đồng hai bên thoả thuận thanh lý hợp đồng. Trường hợp không thoả thuận được hai bên có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

20.3. Trường hợp một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng, thì bên kia không có trách nhiệm thi hành các trách nhiệm đã cam kết. Nếu việc đơn phương chấm dứt hợp đồng gây thiệt hại cho phía bên kia, thì bên bị thiệt hại có quyền yêu cầu bồi thường hoặc đưa ra xét xử ở cơ quan giải quyết tranh chấp mà hai bên đã thoả thuận.

21. Trong thời hạn có hiệu lực của hợp đồng, nếu một trong hai bên tạo ra được các cải tiến hoặc đổi mới liên quan đến công nghệ được chuyển giao, bên có cải tiến hoặc đổi mới có trách nhiệm thông báo các cải tiến và đổi mới này cho bên kia. Trong trường hợp có nhu cầu, một bên có quyền yêu cầu bên kia chuyển giao tiếp các cải tiến và đổi mới. Hai bên thoả thuận trong hợp đồng về việc thanh toán cho việc chuyển giao những cải tiến hoặc đổi mới đó.

22. Trong trường hợp một trong hai bên muốn chuyển nhượng các quyền và nghĩa vụ của mình trong hợp đồng cho một bên thứ ba, phải có sự đồng ý bằng văn bản của bên kia và sự chấp thuận của cơ quan phê duyệt hợp đồng.

23. Việc giải quyết tranh chấp được quy định trong Điều 14 Nghị định 49-HĐBT.

III. CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ TRONG ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

24. Các trường hợp sau đây được coi là chuyển giao công nghệ trong đầu tư nước ngoài và được điều chỉnh bởi các quy định tại phần III của Thông tư này.

- Bên nhận là một công ty, xí nghiệp liên doanh được thành lập theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và bên giao là một bên tham gia liên doanh đó, không phân biệt Bên giao là bên nước ngoài hay bên Việt Nam.

- Bên giao và bên nhận đồng thời là các bên có quan hệ hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Xí nghiệp, công ty có vốn đầu tư nước ngoài nhận công nghệ của bên thứ ba mà bên thứ ba này không tham gia liên doanh hoặc hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, không thuộc phạm vi điều chỉnh của phần này.

25. Xí nghiệp 100% vốn nước ngoài thành lập tại Việt Nam nhận công nghệ của cùng một công ty, xí nghiệp hoặc của các công ty, xí nghiệp được kiểm soát, chi phối bởi cùng một tổ chức thì giá trị các quyền sở hữu công nghiệp, bí quyết kỹ thuật, kiến thức, chuyên môn không được tính là một phần của vốn đầu tư (hoặc vốn pháp định) hoặc là một yếu tố cấu thành chi phí sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên các khoản chi thực tế phát sinh trong quá trình phổ biến và áp dụng công nghệ (chẳng hạn: lương chuyên gia, chi phí đi lại, ăn ở của nhân viên được cử đi đào tạo, chi phí soạn thảo và in ấn tài liệu v.v...) sẽ được coi là một phần của chi phí đầu tư hoặc một phần của chi phí khai thác dự án, nếu tính hợp lý của mỗi khoản chi là rõ ràng và việc chi tiêu được xác nhận bằng những chứng từ hợp lệ.

26. Mọi trường hợp chuyển giao công nghệ trong đầu tư nước ngoài nói tại phần này không được áp dụng phương thức: Bên nhận công nghệ (liên doanh hoặc hợp tác kinh doanh) phải mua công nghệ của một (hoặc các) bên tham gia liên doanh (hoặc hợp tác kinh doanh) theo phương thức trả gọn mà phải được thực hiện thông qua một trong các dạng hợp đồng dưới đây:

a. Hợp đồng chuyển giao công nghệ dưới dạng góp vốn bằng công nghệ, theo đó giá trị của việc chuyển giao toàn bộ các nội dung về công nghệ được tính thành một số tiền nhất định (được xác định giá trị như phương thức trả gọn hoặc tính tổng phí trả kỳ vụ trong thời hạn 7 năm). Sau khi Bên giao đã hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ của mình và Bên nhận đạt được kết quả đã xác định, số tiền này sẽ được góp vào phần vốn góp của Bên giao trong liên doanh (hoặc trong hợp tác kinh doanh) và chỉ từ khi đó Bên giao mới hưởng lợi nhuận tương xứng với phần vốn góp của mình mà không nhận một khoản chi trả nào khác.

Giá trị góp vốn của toàn bộ công nghệ tuỳ theo quy mô dự án, tính chất nội dung công nghệ của dự án trong giới hạn 3-8% tổng vốn đầu tư (không kể giá trị góp vốn bằng quyền sử dụng đất, đền bù, giải phóng mặt bằng).

Trong một số trường hợp cụ thể với những công nghệ cao phức tạp, hoặc công trình có vốn đầu tư nhỏ, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường có thể xem xét chấp nhận giá trị công nghệ đưa vào góp vốn có tỷ lệ cao hơn (phần thiết kế xây dựng theo quy định của Bộ Xây dựng).

b. Hợp đồng chuyển giao công nghệ mà trong thời hạn hiệu lực của hợp đồng Bên nhận thanh toán cho Bên giao phí kỳ vụ được tính trên cơ sở lợi nhuận sau thuế thu được từ những sản phẩm hoặc dịch vụ mà quá trình tạo ra chúng có áp dụng công nghệ được chuyển giao. Phương thức này được khuyến khích áp dụng.

c. Hợp đồng chuyển giao công nghệ mà trong thời hạn hiệu lực của hợp đồng Bên nhận thanh toán cho Bên giao phí kỳ vụ được tính trên cơ sở giá bán tịnh của các sản phẩm hoặc dịch vụ mà trong quá trình tạo ra chúng có áp dụng công nghệ được chuyển giao. Dạng hợp đồng này được áp dụng nếu đồng thời với thoả thuận về việc tính toán và chi trả phí kỳ vụ trên cơ sở giá bán tịnh, các Bên có liên quan cũng thoả thuận rằng: Bên nhận sẽ thanh toán đầy đủ chi phí chuyển giao công nghệ được hoãn trả phí kỳ vụ cho đến khi Bên nhận kinh doanh có hiệu quả, sau khi chi trả phí kỳ vụ Bên nhận không rơi vào tình trạng bị lỗ (doanh thu không đủ bù chi phí) Bên nhận không phải trả lãi cho khoản hoãn trả đó.

Giá bán tịnh nói ở đây phải được xác định theo đúng quy định tại điểm 19.2, 19.3, 19.4, 19.5 phần II của Thông tư này. Khoản hoãn trả này không áp dụng đối với các chi phí thực tế nảy sinh trong quá trình chuyển giao công nghệ như chi phí ăn, ở, đi lại của chuyên gia sang Bên nhận để hỗ trợ kỹ thuật hoặc của nhân viên Bên nhận công nghệ được đi đào tạo ở nước ngoài...

27. Hợp đồng chuyển giao công nghệ nói tại mục 24 dưới dạng góp vốn bằng công nghệ cho một Dự án phải được ký giữa tất cả các bên góp vốn vào dự án đó (không phân biệt tỷ lệ góp vốn của mỗi bên). Các hợp đồng chuyển giao công nghệ nói tại điểm b, và điểm c, mục 26 của phần này phải được ký giữa Bên giao và Bên nhận. Trong trường hợp Bên nhận là một liên doanh và Bên giao là một Bên góp trên 50% vốn pháp định của liên doanh đó thì hợp đồng giữa Bên giao và Bên nhận phải được các Bên khác trong liên doanh xem xét và ký.

28. Các điều khoản của hợp đồng góp vốn bằng công nghệ và các hợp đồng chuyển giao công nghệ nói tại phần này đều phải phù hợp với các quy định tại các mục 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19 (trừ mục 19.1c và 19.6), 20, 22 của phần II.

Hợp đồng góp vốn bằng công nghệ phải được gửi kèm hồ sơ xin cấp giấy phép đầu tư. Việc thẩm định và phê duyệt hợp đồng góp vốn bằng công nghệ do Uỷ ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư thực hiện sau khi hợp đồng được Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường xem xét và chấp thuận bằng một công văn chính thức.

Các hợp đồng không áp dụng hình thức góp vốn bằng công nghệ đều do Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường xem xét, phê duyệt. Hồ sơ xin phê duyệt hợp đồng góp vốn bằng công nghệ và hợp đồng chuyển giao công nghệ phải đáp ứng các yêu cầu nói tại Điều 16 của Nghị định 49-HĐBT. Riêng hồ sơ xin phê duyệt hợp đồng góp vốn bằng công nghệ kèm theo hồ sơ xin cấp Giấy phép đầu tư, có thể bỏ qua một số thông tin đòi hỏi bởi điểm 4 của Điều 16 của Nghị định nói trên, nếu những thông số đó đã bao hàm trong các tài liệu khác của Hồ sơ xin cấp Giấy phép đầu tư.

Thời hạn xem xét, phê duyệt các Hợp đồng góp vốn bằng công nghệ như quy định về cấp giấy phép đầu tư, các hợp đồng chuyển giao công nghệ nói tại phần này được thực hiện theo thời hạn quy định tại điểm 34 phần IV của Thông tư này.

29. Sau khi hợp đồng góp vốn bằng công nghệ và hợp đồng chuyển giao công nghệ được Uỷ ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư hoặc Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường phê duyệt, các bên liên quan có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ các điều đã cam kết.

Kết quả thực hiện từng phần của việc hợp đồng cũng như kết quả thực hiện toàn bộ Hợp đồng phải được đánh giá và được xác nhận bằng một biên bản nghiệm thu.

Biên bản nghiệm thu kết quả thực hiện toàn phần và biên bản nghiệm thu toàn bộ Hợp đồng góp vốn bằng công nghệ phải được Hội đồng quản trị nhất trí xác nhận.

Biên bản nghiệm thu kết quả thực hiện từng phần và biên bản nghiệm thu toàn bộ Hợp đồng chuyển giao công nghệ nói tại điểm b và c mục 26 của phần này phải được ký bởi đại diện chính thức của Bên giao và Bên nhận. Riêng trường hợp Bên nhận là một liên doanh và Bên giao là một bên góp 50% vốn pháp định của liên doanh đó thì việc đánh giá kết quả chuyển giao (từng phần cũng như toàn bộ hợp đồng) phải có sự tham gia của đại diện chính thức của các bên khác trong liên doanh. Biên bản nghiệm thu cũng phải có đủ chữ ký của đại diện tất cả các bên tham gia liên doanh mới có giá trị pháp lý.

30. Trong mọi trường hợp góp vốn bằng công nghệ nói tại phần này, khi đánh giá kết quả và lập biên bản nghiệm thu, các bên phải xem xét và điều chỉnh lại giá của từng phần và toàn bộ hợp đồng cho phù hợp với các khoản chi thực tế trong quá trình chuyển giao. Tuỳ theo tình hình thực tế giá trị từng phần có thể thay đổi nhưng tổng giá trị không được vượt quá tổng giá trị ghi trong hợp đồng đã ký. Bộ Tài chính, Uỷ ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư và Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường có thể kiểm tra, đánh giá và yêu cầu các Bên liên quan giải trình rõ hoặc điều chỉnh lại giá trị góp vốn bằng công nghệ nếu thấy có những khoản chi không phục vụ cho những mục tiêu chuyển giao công nghệ đã được ghi trong Hợp đồng, hoặc các Bên tham gia chuyển giao công nghệ không thực hiện đầy đủ các cam kết, nghĩa vụ và nội dung công nghệ ghi trong hợp đồng.

31. Trong mọi trường hợp góp vốn bằng công nghệ, Biên bản nghiệm thu cuối cùng cho mỗi hợp đồng đều phải xác định rõ thời hạn khấu hao đối với công nghệ với tính cách là một bộ phận của tài sản cố định. Việc khấu hao các yếu tố cấu thành của công nghệ như thiết bị máy móc phải được thực hiện theo yêu cầu của Bộ Tài chính.

Biên bản nghiệm thu cuối cùng cho mỗi hợp đồng góp vốn bằng công nghệ hoặc hợp đồng chuyển giao công nghệ nói tại phần này đều phải được gửi tới Cục thuế sở tại, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Uỷ ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư không chậm quá 30 ngày kể từ ngày biên bản này có đủ chữ ký của các bên theo quy định tại phần này.

32. Hợp đồng góp vốn bằng công nghệ được Uỷ ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư phê duyệt. Hợp đồng chuyển giao công nghệ được Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường phê duyệt và biên bản nghiệm thu phù hợp với các quy định tại phần này hợp thành bộ chứng từ hợp pháp không thể thiếu để:

+ Xác nhận sự hoàn thành nghĩa vụ góp vốn bằng công nghệ của bên có liên quan và xác nhận giá trị tài sản của dự án.

+ Thực hiện việc chia lợi nhuận cho các bên góp vốn bằng công nghệ hoặc việc chi trả phí kỳ vụ cho Bên giao công nghệ.

+ Xác định mức khấu hao, xác định chi phí phát sinh từ việc chuyển giao công nghệ dùng làm căn cứ tính thuế.

+ Giải quyết các vấn đề ngoại hối liên quan đến các khoản thu và các khoản chi phát sinh từ chuyển giao công nghệ.

+ Thực hiện các ưu đãi theo chính sách công nghệ quốc gia đối với các bên có liên quan.

Trong những trường hợp cần thiết (những trường hợp có dấu hiệu gây nghi vấn) các cơ quan có thẩm quyền có thể yêu cầu các bên liên quan xuất trình thêm những chứng từ thích hợp hoặc tiến hành thẩm tra để làm rõ tính xác thực của các chứng từ nói trên.

IV. QUẢN LÝ VÀ PHÊ DUYỆT HỢP ĐỒNG CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ

33. Hồ sơ xin phê duyệt hợp đồng chuyển giao công nghệ.

Các tài liệu cần thiết phải có trong hồ sơ xin phê duyệt hợp đồng được quy định ở Điều 16 của Nghị định 49-HĐBT. Đơn xin phê duyệt hợp đồng phải có chữ ký của hai bên.

Các tài liệu về đảm bảo tư cách pháp nhân và tình trạng tài chính của các bên tham gia hợp đồng có thể bằng nguyên bản hoặc bản sao có chứng nhận của công chứng nước ngoài hoặc Việt Nam.

Phần chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp trong hợp đồng chuyển giao công nghệ được phê duyệt, đăng ký theo thủ tục và trình tự như quy định của pháp luật về sở hữu công nghiệp.

Khi nộp hồ sơ, phải nộp kèm theo một khoản lệ phí xét duyệt hợp đồng chuyển giao công nghệ. Chuyển giao công nghệ dưới dạng hợp đồng góp vốn bằng công nghệ trong đầu tư nước ngoài nói tại phần III của Thông tư này không phải nộp lệ phí xét duyệt.

34. Quyết định phê duyệt, đăng ký hợp đồng.

Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường hoặc các cơ quan được phân cấp sẽ thông báo quyết định phê duyệt, từ chối hoặc yêu cầu sửa đổi, bổ sung hợp đồng cho các bên nộp đơn, thời hạn ra quyết định cuối cùng là 45 ngày kể từ khi nhận đầy đủ hồ sơ (không kể thời gian cần thiết để xem xét việc công nhận các đối tượng sở hữu công nghiệp được chuyển giao). Nếu có yêu cầu sửa đổi, bổ sung thì thời hạn để ra quyết định phê duyệt tính từ ngày Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường hoặc các cơ quan được phân cấp nhận được đầy đủ hồ sơ gửi lần sau cùng.

Mẫu quyết định phê duyệt hợp đồng chuyển giao công nghệ sẽ do Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường ban hành. Mẫu văn bản này (phụ lục II) dùng chung cho các cơ quan được phân cấp phê duyệt ở các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, các cơ quan khác thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương.

Tất cả các hợp đồng chuyển giao công nghệ mà bên nhận là xí nghiệp, công ty có vốn đầu tư nước ngoài đều do Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường phê duyệt.

35. Các hợp đồng chuyển giao công nghệ không do Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường phê duyệt đều phải đăng ký tại Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường trong vòng 30 ngày kể từ ngày hợp đồng được phê duyệt. Việc đăng ký những hợp đồng này do cơ quan được phân cấp phê duyệt thực hiện.

36. Cơ sở xác định giá trị hợp đồng chuyển giao công nghệ cho việc phân cấp phê duyệt hợp đồng chuyển giao công nghệ (Điều 20 Nghị định 49-HĐBT) là tổng giá trị các khoản thanh toán có liên quan (bao gồm cả tiền trả gọn và trả kỳ vụ) dự tính trong suốt thời hạn của hợp đồng cho công nghệ được chuyển giao, kể cả cho đào tạo, hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật và những máy móc, thiết bị chứa đựng thông tin công nghệ.

37. Để giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước và các thoả thuận mà các bên đã ký trong hợp đồng. Bên nhận công nghệ phải gửi báo cáo hoạt động hàng năm về chuyển giao công nghệ cho cơ quan quản lý đã phê duyệt hợp đồng. Nội dung báo cáo này phải làm rõ những vấn đề sau:

- Báo cáo về việc thực hiện các nghĩa vụ của hai bên đã ghi trong hợp đồng: (Các văn bản nghiệm thu chuyển giao công nghệ của các bên).

- Lợi ích mà Bên nhận nhận được từ việc chuyển giao công nghệ, bao gồm cả những cải tiến và đổi mới đã thực hiện.

Trong trường hợp cần thiết, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường kết hợp với các cơ quan hữu quan tiến hành kiểm tra hoặc thanh tra việc thực hiện các hợp đồng chuyển giao công nghệ.

38. Những hành vi sau đây bị coi là vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam.

- Ký hợp đồng chuyển giao công nghệ (hay cam kết góp vốn bằng công nghệ) nhưng không xuất trình cho các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền hoặc xuất trình muộn hơn 30 ngày so với ngày hai bên ký kết;

- Xuất trình những văn bản hợp đồng (hay cam kết) không đúng với thoả thuận giữa hai bên hoặc không phản ánh những gì diễn ra trong thực tế;

- Cố tình tăng giá trị hợp đồng, dẫn đến kết quả là làm giảm mức thuế phải nộp, làm tăng các khoản ngoại tệ phải trả cho nước ngoài;

- Lập biên bản nghiệm thu kết quả chuyển giao công nghệ và xác định giá trị góp vốn không đúng với sự thật;

- Không chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý có thẩm quyền nộp báo cáo chậm hoặc không nộp báo cáo.

Tuỳ theo mức độ nghiêm trọng của các vi phạm, cơ quan quản lý chuyển giao công nghệ có thể xử phạt hành chính, phạt tiền từ 0,5% đến 50% giá trị ghi trên hợp đồng hoặc huỷ bỏ hợp đồng, những vi phạm nghiêm trọng bằng việc sử dụng hợp đồng chuyển giao công nghệ, cam kết góp vốn bằng công nghệ như một phương tiện để trốn thuế hoặc để chuyển ngoại tệ ra nước ngoài một cách phi pháp có thể bị truy cứu trách nhiệm trước pháp luật.

V. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

39. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

40. Các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, các cơ quan khác thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, cấp giấy phép hợp đồng chuyển giao công nghệ, có trách nhiệm thông báo và đăng ký với Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường các hợp đồng chuyển giao công nghệ được phê duyệt trước ngày ký ban hành Thông tư này.

MẪU

HỢP ĐỒNG CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ GIỮA

(Tên, địa chỉ đầy đủ của bên chuyển giao công nghệ,

sau đây gọi tắt là "Bên giao")

(Tên, địa chỉ đầy đủ của Bên nhận công nghệ chuyển giao,

sau đây gọi tắt là "Bên nhận")

MỞ ĐẦU

Hợp đồng này dựa trên sự thoả thuận sau đây giữa các bên.

a. Bên giao có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp hoặc thông tin, bí quyết kỹ thuật có giá trị thương mại và có khả năng áp dụng trong sản xuất kinh doanh.

b. Bên giao đã tiến hành sản xuất và bán... (sản phẩm) qua... "một số" năm.

c. Bên giao có quyền và khả năng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp, bí quyết, thông tin kỹ thuật này cho Bên nhận.

d. Bên nhận có mong muốn và khả năng tiếp nhận các đối tượng sở hữu công nghiệp, thông tin, bí quyết kỹ thuật từ Bên giao và có nhu cầu sản xuất... (sản phẩm).

e. Các bên ký kết tin tưởng vào sự thành công của việc sử dụng quyền sở hữu công nghiệp, bí quyết thông tin kỹ thuật, trợ giúp kỹ thuật, sự thành công trong sản xuất, và bán... (sản phẩm) của Bên nhận.

f. ... (Các khả năng và các dự tính khác)

Điều 1. Các thuật ngữ:

Trong trường hợp này, các thuật ngữ dưới đây được hiểu thống nhất như sau:

a. Sản phẩm bao gồm các sản phẩm được liệt kê trong phụ lục A.

b. Quyền sở hữu công nghiệp là một hoặc các quyền được bảo hộ bởi các mặt hàng bảo hộ là các đối tượng sở hữu công nghiệp do Cục sở hữu công nghiệp thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường cấp.

c. Công nghệ là bí quyết sản xuất, các kỹ năng, giải pháp kỹ thuật và các quy định cần thiết để sản xuất ra sản phẩm theo đúng các đặc điểm ở phụ lục A.

d. "Thông tin công nghệ" là toàn bộ các thông tin cần thiết để ứng dụng và sử dụng công nghệ, để thiết kế, thử nghiệm, triển khai sản xuất, chế biến, chế tạo, sử dụng, vận hành... sửa chữa, bảo trì, thay đổi hoặc chế tạo lại sản phẩm. Thông tin như vậy bao gồm các chỉ dẫn, tính toán, đặc điểm, thông số chế tạo, bản vẽ, các bản in, ảnh, bản đồ và phần mềm máy tính, hoặc các thông tin cần thiết khác.

e. "Tài liệu" bao gồm các tài liệu và các tư liệu khác được ghi trong Điều 4.1. sau đây:

f. "Đào tạo" là việc đào tạo được mô tả và ghi trong Điều 4.2 dưới đây.

g. "Giúp đỡ kỹ thuật" là sự giúp đỡ cần thiết để đảm bảo rằng các sản phẩm thoả mãn các chỉ tiêu kỹ thuật hoặc/và để loại bỏ các khó khăn, thiếu sót trong việc áp dụng công nghệ.

h. "Kỹ thuật viên" là các nhà quản lý, chuyên gia, cố vấn do Bên giao gửi tới Bên nhận với mục đích cung cấp, giúp đỡ kỹ thuật.

i. "Lãnh thổ" là Việt Nam (và các lãnh thổ khác theo thoả thuận).

k. Giá bán tính được dùng làm cơ sở thanh toán hợp đồng chuyển giao công nghệ được định nghĩa là tổng giá bán sản phẩm dịch vụ mà trong quá trình tạo ra chúng có áp dụng công nghệ được chuyển giao, tính theo hoá đơn bán hàng trừ các khoản sau:

- Thuế gián thu (thuế doanh thu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng v.v...).

- Chiết khấu thương mại.

- Giá nhập khẩu CIF và thuế nhập khẩu các bán thành phẩm, bộ phận chi tiết, linh kiện do Bên giao công nghệ hoặc các chi nhánh của Bên giao cung cấp.

Giá nhập khẩu CIF và thuế nhập khẩu các bán thành phẩm, bộ phận chi tiết, linh kiện được sản xuất ngoài lãnh thổ Việt Nam:

- Chi phí bao bì, chi phí đóng gói, chi phí vận tải.

l. "Bất khả kháng" là những sự kiện vượt quá tầm kiểm soát của một trong các bên gây cản trở hoặc làm chậm trễ việc thực hiện bất cứ giao ước nào trong hợp đồng. Ví dụ, những sự kiện này bao gồm: chiến tranh, các cuộc nổi loạn, bạo loạn, các hành động phá hoại, các cuộc đình công, lãn công, các đạo luật hay quy chế của Chính phủ, cháy, nổ hay các tai nạn không thể tránh được khác, lũ lụt, bão, động đất hay các hiện tượng tự nhiên không bình thường khác.

Điều 2. Phạm vi công nghệ.

2.1. Chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp.

Bên giao công nghệ chuyển giao cho bên nhận công nghệ sử dụng quyền sở hữu công nghiệp bao gồm... (độc quyền hoặc không độc quyền, không nhượng lại hay được nhượng lại) để sử dụng sản xuất, lắp ráp, và bán các sản phẩm (ghi trong phụ lục A) theo các điều khoản ghi trong hợp đồng.

Các văn bằng bảo hộ và chứng chỉ quyền sở hữu công nghiệp được kèm theo hồ sơ hợp đồng.

2.2. Chuyển giao bí quyết kỷ thuật, thông tin công nghệ tư vấn và trợ giúp kỹ thuật.

Bên giao đồng ý chuyển giao công nghệ mà Bên giao đang (đã) dùng cho Bên cho Bên nhận vào ngày hợp đồng bắt đầu có hiệu lực để sản xuất sản phẩm đã được chỉ rõ ở phụ lục A. Công nghệ phải phù hợp về mọi mặt đối với các chi tiết về sản lượng, hiệu quả và mức độ gây ảnh hưởng ghi trong phụ lục A.

Điều 3. Lãnh thổ và đặc quyền.

3.1. Sử dụng công nghệ và sản xuất sản phẩm.

a. Bên nhận được công nhận độc quyền sử dụng công nghệ và sản xuất sản phẩm trong phạm vi lãnh thổ; hoặc

b. Bên nhận có quyền sử dụng công nghệ vào sản xuất các loại sản phẩm trong phạm vi lãnh thổ.

3.2. Bán sản phẩm.

a. Bên nhận có quyền bán sản phẩm ở trong phạm vi lãnh thổ và các thị trường khác trên thế giới; hoặc

b. Bên nhận có độc quyền bán sản phẩm ở phạm vi lãnh thổ; hoặc

c. Bên nhận có quyền bán sản phẩm ở trong phạm vi lãnh thổ và trên thế giới. Bên nhận có quyền bán trực tiếp các sản phẩm trong phạm vi lãnh thổ hoặc thông qua các bên thứ ba.

3.3. Chuyển giao công nghệ từ Bên nhận tới các bên thứ ba.

a. Phụ thuộc vào điều khoản của Điều 12 về "giữ bí mật" Bên nhận có quyền chuyển giao công nghệ cho các bên thứ ba trong phạm vi lãnh thổ; hoặc

b. Bên nhận không có quyền chuyển giao công nghệ cho bên thứ ba.

Điều 4. Nội dung thông tin công nghệ, tư vấn và trợ giúp kỹ thuật.

Bên giao đồng ý cung cấp mọi tài liệu, đào tạo và trợ giúp kỹ thuật cần thiết để sản xuất các sản phẩm phù hợp với các chỉ tiêu kỹ thuật đã nêu ở phụ lục A và phù hợp với thời hạn đặt ra trong mục 4.4 dưới đây.

4.1. Tài liệu.

4.1.1. Phạm vi của tài liệu. Tài liệu để phục vụ sản xuất sản phẩm bao gồm:

a. Bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật và thiết kế cho sản xuất và lắp ráp;

b. Các chỉ tiêu kỹ thuật;

c. Danh mục nguyên liệu;

d. Bảng tính toán tổng hợp;

e. Quy trình và số liệu cho kiểm tra và thử nghiệm, quy trình kiểm tra chất lượng;

f. Quy trình sản xuất và lắp ráp;

g. Cẩm nang hướng dẫn vận hành và bảo dưỡng;

h. Phần mềm máy tính;

i. Công thức và biểu đồ;

j. Những tài liệu cần thiết khác.

4.1.2. Hình thức tài liệu: Tài liệu phải được đầy đủ, chính xác và in rõ ràng. Ngôn ngữ của tài liệu, bao gồm các bản vẽ, bản mô tả, các thiết kế được viết bằng... (ngôn ngữ). Các kích thước ghi theo hệ mét.

4.1.3. Những sai sót (nếu có) trong tài liệu: Bất cứ sai sót nào trong tài liệu phải được sửa chữa không chậm trễ bằng cách thay đổi, mở rộng, hoàn chỉnh, hay bằng bất cứ phương thức thích hợp nào khác.

4.1.4. Sai sót trong phần mềm của máy tính. Nếu phần mềm máy tính bị hỏng bởi bất cứ lí do nào trong thời hạn của hợp đồng, thì Bên giao sẽ thay thế ngay lập tức, Bên nhận không phải chịu phí tổn.

4.1.5. Những thay đổi trong tài liệu: Nếu có bất kỳ sự cải tiến, nâng cao, sửa đổi, bổ sung, hay những thay đổi khác trong quá trình thực hiện hợp đồng đối với bất cứ tài liệu nào thuộc hợp đồng này, thì Bên giao sẽ cung cấp ngay cho Bên nhận.

4.1.6. Quyền sở hữu tài liệu: Kể từ lúc cung cấp, tất cả các tài liệu được cung cấp cho Bên nhận có liên quan đến hợp đồng này trở thành sở hữu của Bên nhận.

4.2. Đào tạo.

4.2.1. Phạm vi của đào tạo: Bên giao đồng ý đào tạo nhân sự cho Bên nhận về mọi kỹ thuật cần thiết để sản xuất sản phẩm phù hợp với chỉ tiêu kỹ thuật ở phần phụ lục A.

4.2.2. Chương trình đào tạo: Các bên ký kết thoả thuận:

a. Nội dung đào tạo;

b. Thủ tục kiểm tra thích hợp để xác định rằng chương trình đào tạo đã được hoàn thành, bao gồm (nhưng không chỉ giới hạn bởi) bản thân việc kiểm tra, tiêu chuẩn để xác định rằng người đào tạo đã thực hiện tốt chương trình, tỷ lệ người được đào tạo đáp ứng được các tiêu chuẩn này trước khi việc đào tạo được coi là kết thúc.

c. Ngày bắt đầu và kết thúc đào tạo;

d. Nơi dào tạo;

e. Số người được đào tạo;

f. Tên và trình độ chuyên môn của những người được đào tạo;

g. Thủ tục để thay thế những người được đào tạo khi thấy không thích hợp trong quá trình đào tạo;

h. Tên và trình độ chuyên môn, kinh nghiệm của những người dạy;

i. Thủ tục để thay thế người dạy khi thấy không thích hợp trong quá trình đào tạo.

4.2.3. Việc thay thế người dạy: Việc thay thế bất cứ một người dạy nào đã được nhất trí chọn từ trước bằng một người khác phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bên nhận.

4.2.4. Ngôn ngữ đào tạo: Ngôn ngữ dùng trong đào tạo sẽ là... (ngôn ngữ).

Bên giao cam kết cung cấp sách đào tạo và các tài liệu phục vụ đào tạo cần thiết khác bằng... (ngôn ngữ).

4.2.5. Chi phí đào tạo: Chi phí đào tạo do Bên nhận chịu. Chi phí được tính theo giờ làm việc giữa người dạy và các học viên. Thời gian của người dạy cấp cao được tính theo... (số tiền)... (loại tiền) một giờ, và thời gian của người dạy cấp thấp theo... (loại tiền)... (số tiền) một giờ. Chi phí cho đào tạo dược tính theo hoá đơn hàng tháng, tiền được trả trong vòng... (số ngày) kể từ khi nhận hoá đơn.

4.2.6. Các chi phí đi lại, ăn ở và các phí tổn khác cho học viên do Bên nhận chịu, kể cả khi gửi học viên đến một nước khác "nước Bên giao".

4.2.7. Kết thúc đào tạo: Vào cuối kỳ đào tạo, Bên giao và Bên nhận hoặc các đại diện của họ sẽ tổ chức kiển tra đối với từng học viên và cấp chứng nhận cho từng người. Nếu một tỷ lệ thoả thuận học viên đáp ứng được các tiêu chuẩn đã đặt ra thì việc đào tạo được coi là thành công và kết thúc.

Mẫu chứng nhận được ghi ở phần phụ lục B.

4.2.8. Không thành công trong đào tạo: Nếu vào cuối kỳ đào tạo một tỷ lệ học viên nào đó không đạt tiêu chuẩn thì Bên nhận có quyền yêu cầu tổ chức đào tạo thêm trong một khoảng thời gian hợp lý. Mỗi bên chịu phần phí tổn của mình cho việc đào tạo thêm, trừ khi có sự thoả thuận khác.

4.3. Giúp đỡ kỹ thuật.

4.3.1. Giúp đỡ kỹ thuật trước khi bắt đầu sản xuất: Trong giai đoạn trước khi bắt đầu sản xuất Bên giao sẽ giúp Bên nhận như sau:

- Gửi... chuyên gia trong.... ngày làm việc sang hướng dẫn lắp đặt thiết bị...

4.3.2. Giúp đỡ kỹ thuật khi bắt đầu sản xuất: Khi bắt đầu sản xuất và cho đến khi giấy chứng nhận sẵn sàng sản xuất chính thức được cấp (như đề ra ở mục 4.5 dưới đây). Bên giao đồng ý cung cấp các kỹ thuật viên có trình độ thích ứng cho Bên nhận để tư vấn, hướng dẫn, giúp đỡ và hỗ trợ Bên nhận những điều cần thiết, nhằm đảm bảo sản xuất sản phẩm đúng với chỉ tiêu kỹ thuật đề ra ở Phụ lục A.

4.3.3. Giúp đỡ kỹ thuật trong khi sản xuất chính thức: Theo yêu cầu của Bên nhận. Bên giao đồng ý cung cấp ngay lập tức sự giúp đỡ kỹ thuật vào bất cứ giá nào trong quá trình thực hiện hợp đồng bằng cách gửi các kỹ thuật viên thích hợp tới nơi sản xuất, hay bằng bất cứ phương tiện khác thích hợp với tình hình diễn ra lúc đó.

4.3.4. Nhân sự thực hiện giúp đỡ kỹ thuật: Tất cả các kỹ thuật viên mà Bên giao cung cấp cho bên nhận để giúp đỡ kỹ thuật phải có trình độ phù hợp, có kinh nghiệm thích hợp và sức khoẻ tốt.

Nếu trên nhận yêu cầu, Bên giao phải gửi một bản lý lịch đầy đủ cho mỗi kỹ thuật viên cho Bên nhận trước khi lựa chọn kỹ thuật viên sang giúp đỡ kỹ thuật cho Bên nhận. Bên nhận có quyền với điều kiện có lý do chính đáng, yêu cầu Bên giao thay một hoặc một số kỹ thuật viên có vấn đề nào đó bằng một người khác.

4.3.5. Hành vi của các kỹ thuật viên: Trong khi ở Việt Nam các kỹ thuật viên phải chấp hành đúng luật lệ hiện hành sở tại.

4.3.6. Thay thế các kỹ thuật viên: Nếu kỹ thuật viên nào tỏ ra không phù hợp do thiếu trình độ, thiếu khả năng, sức khoẻ kém, có hành vi tồi, thay vì bất cứ lý do nào nghiêm trọng đến mức vi phạm pháp luật sở tại, thì theo một thông báo của Bên nhận gửi cho Bên giao, kỹ thuật viên đó sẽ được lập tức rút đi và thay bằng người khác. Mọi chi phí do sự thay người đó do Bên giao chịu.

4.3.7. Trách nhiệm của Bên nhận. Bên nhận cam kết xin cấp thị thực nhập và xuất cảnh vào Việt Nam, giấy phép làm việc cần thiết, giấy phép cư trú cho mỗi kỹ thuật viên. Bên giao chịu phí tổn làm thị thực và giấy phép đó.

Bên nhận tạo điều kiện thu xếp cho kỹ thuật viên chỗ ăn ở và các phương tiện khác, Bên giao (hoặc kỹ thuật viên) chịu phí tổn về ăn ở và dịch vụ đó.

4.3.8. Chi phí cho giúp đỡ kỹ thuật: Chi phí cho giúp đỡ kỹ thuật được tính theo mức hợp lý nhất hiện hành.

4.3.9. Không thành công trong việc cung cấp giúp đỡ kỹ thuật. Bên nhận có quyền nhận đền bù của Bên giao về bất cứ chi phí, phụ phí hay mất mát nào xảy ra cho Bên nhận do việc Bên giao không cung cấp giúp đỡ kỹ thuật đúng thời hạn hoặc đúng các yêu cầu đã định.

4.4. Tiến độ.

4.4.1. Các sự kiện theo tiến độ. Các bên ký kết đồng ý về thời hạn để chuyển giao công nghệ trong hợp đồng này như sau:

a. Sau... ngày kể từ khi hợp đồng bắt đầu có hiệu lực, Bên giao gửi những tài liệu sau:

(Tài liệu) A sau... ngày;

(Tài liệu) B sau... ngày;

Và (v.v...)

b. Việc đào tạo được bắt đầu và kết thúc vào ngày đã thoả thuận ở mục 4.2.

c. Giấy phép sẵn sàng sản xuất chính thức được cấp... ngày sau khi cấp giấy chứng nhận việc hoàn thành đào tạo.

4.4.2. Sự chậm trễ: Nếu Bên giao không gửi đầy đủ các loại tài liệu đã thoả thuận vào đúng hay trước ngày quy định, hoặc nếu vì những lý do có thể khắc phục được Bên giao không hoàn thành đào tạo đúng thời hạn thoả thuận, thì bên nhận có quyền yêu cầu bồi thường các thiệt hại... (loại tiền)... (số tiền) cho mỗi ngày chậm trễ cho đến mức tối đa là... (loại tiền)... (số tiền). Nếu tổng chậm trễ vượt quá... (số ngày) vì bất cứ lý do gì thì Bên nhận có quyền huỷ hợp đồng.

4.5. Giấy chứng nhận sẵn sàng sản xuất chính thức.

4.5.1. Cấp giấy chứng nhận: sản xuất chính thức được bắt đầu sau khi hoàn thành tốt việc sản xuất thử... (số giờ) dùng công nghệ nhận được theo hợp đồng này. Việc kiểm tra sự hoàn thành này được tiến hành trước hoặc đúng ngày mà hai bên thoả thuận ở mục 4.4. nếu hoàn thành tốt giai đoạn chạy thử, Bên nhận và Bên giao sẽ cùng ký vào một giấy chứng nhận sẵn sàng sản xuất chính thức. Mẫu của giấy chứng nhận này được ghi ở phần phụ lục C.

4.5.2. Thất bại trong việc thử và chậm trễ trong việc thử lại: nếu việc sản xuất thử bị thất bại, các bên ký kết thoả thuận sẽ ngay lập tức cố gắng hết sức sửa chữa bất kỳ mọi sai sót trong việc ứng dụng công nghệ.

Nếu việc sản xuất thử, việc cấp giấy chứng nhận sẵn sàng sản xuất chính thức, hay việc lặp lại quá trình sản xuất được thực hiện quá chậm trễ do trách nhiệm của một bên, thì bên kia có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại bằng một số tiền là... (loại tiền)... (số tiền), tới mức tối đa là... (loại tiền)... (số tiền) / ngày.

Bên không gây chậm trễ có quyền kết thúc hợp đồng.

Điều 5. Giá cả

5.1. Giá phải trả.

a. Công nghệ được thực hiện theo phương thức góp vốn, việc thanh toán được thực hiện như việc khấu hao và chia lợi nhuận đối với các vốn góp khác;

hoặc

b. Giá phải trả cho công nghệ được tính bằng phần trăm lợi nhuận sau thuế.

c. Giá phải trả cho công nghệ bao gồm khoản thanh toán kỳ vụ bằng... phần trăm của giá bán tịnh, hoặc.

d. Giá phải trả cho công nghệ bao gồm một khoản phải trả gọn là... (Số tiền)... (lại tiền) và tiền trả kỳ vụ là... (số) phần trăm của giá bán tịnh (thông thường khoản trả gọn là khoản tiền trả cho chi phí chuyên gia, đào tạo, in ấn tài liệu...) hoặc vào các thời điểm được xác định.

5.2. Giá có lợi nhất.

Bên giao cam kết rằng giá thoả thuận sẽ không cao hơn giá tính cho bên thứ ba (có tính đến những thay đổi chung về giá trong các trường hợp có thể so sánh được) hoặc giá sẽ được chào cho bên thứ ba trong quá trình hợp đồng này có hiệu lực.

Nếu Bên giao có giá chào hàng thấp hơn, ngay lập tức Bên giao sẽ giảm tương ứng giá phải trả cho hợp đồng này và trả lại bất kỳ số tiền dôi ra nào cho Bên nhận.

Điều 6. Điều kiện thanh toán.

6.1. Thanh toán.

a. Ngày tính toán, để trả tiền kỳ vụ là các ngày cuối cùng của tháng ba, tháng sáu, tháng chín, tháng mười hai hàng năm, việc tính toán tiền bao gồm 3 tháng trước đó.

Thông báo về tiền trả kỳ vụ được gửi tới Bên giao trong vòng... (số) ngày kể từ ngày tính toán. Thông báo tiền trả kỳ vụ bao gồm cả giá bán tịnh, tổng cộng giá đặt hàng của mỗi đơn đặt hàng và số loại sản phẩm bên nhận đã bán theo hợp đồng này. Kỳ hạn trả tiền kỳ vụ là... (số) ngày kể từ sau ngày tính toán.

Bên nhận phải lưu giữ đầy đủ và cẩn thận các bản thanh toán, tài liệu, các ghi chép và mọi hồ sơ cần thiết khác cho việc tính toán và thẩm tra việc trả tiền kỳ vụ.

Cùng với việc thông báo. Bên nhận cho phép Bên giao, đại diện Bên giao hoặc một công ty kế toán độc lập do Bên giao chỉ định kiểm tra hồ sơ. Công việc kiểm tra phải thực hiện trong thời gian làm việc bình thường và cho mục đích duy nhất là kiểm tra thông báo trả tiền kỳ vụ.

b. Một khoản tiền trả gọn sẽ được chuyển giao cho Bên giao... (số) ngày sau mỗi thời điểm dưới đây:

a) Hợp đồng bắt đầu có hiệu lực.

b) Bên nhận đầy đủ danh mục tài liệu trong mục 4.

c) Bắt đầu chương trình đào tạo đã thoả thuận.

d) Cấp giấy chứng nhận sẵn sàng sản xuất chính thức.

6.2. Sự chậm trễ.

Nếu chậm trả tiền vì những lý do không phải bất khả kháng, thì bên nhận phải trả tiền lãi cho khoản tiền chậm trễ đó. Lãi suất được tính cho số ngày chậm trễ theo tỷ lệ hàng năm là... (số) phần trăm vượt quá phần trăm chiết khấu của Ngân hàng Trung ương... (tên nước).

6.3. Loại tiền.

Các khoản tiền trả gọn cho đào tạo, giúp đỡ kỹ thuật và mọi khoản trả khác theo hợp đồng này, trừ khi được quy định khác, được thực hiện bằng ... (loại tiền).

Tiền trả kỳ vụ được tính bằng đồng tiền Việt Nam. Để chuyển tiền cho Bên giao, số tiền kỳ vụ được chuyển thành... (loại tiền) theo tỷ giá hối đoái chính thức để mua... (loại tiền) tại Việt Nam.

Điều 7. Thuế.

Nếu Chính phủ Việt Nam đánh thuế hải quan, lệ phí, các khoản trích nộp hay là các loại thuế tương tự đối với Bên nhận cho việc hình thành, áp dụng hay thực hiện hợp đồng này, thì tất cả những loại thuế hoặc trích nộp như vậy Bên nhận phải chịu.

Nếu Chính phủ Việt Nam đánh thuế hải quan, lệ phí, khoản trích nộp hay là các loại thuế trong tương tự đối với bên giao hay nhân viên của bên giao cho việc hình thành, áp dụng hay thực hiện hợp đồng này, thì những loại thuế hoặc trích nộp như vậy do bên giao hay do nhân viên Bên giao chịu.

Tất cả các thuế hải quan, cước phí, thuế hay các chi phí tương tự ở bên ngoài Việt Nam do Bên giao chịu.

Điều 8. Các cải tiến và đổi mới.

8.1. Nghiên cứu và triển khai.

Theo các điều khoản của Điều 12 "Giữ bí mật", Bên nhận có quyền tự do thực hiện nghiên cứu và triển khai, và cho phép các bên thứ ba thay mặt cho mình nghiên cứu và triển khai các sản phẩm và quy trình sản xuất là đối tượng của hợp đồng này.

8.2. Nghĩa vụ thông báo các cải tiến và đổi mới.

Bất cứ lúc nào trong thời gian hợp đồng có hiệu lực, một trong hai bên tìm ra, hay bằng cách khác có được bất kỳ cải tiến hay đổi mới nào trong thiết kế hay phương thức sản xuất sản phẩm, thì bên này phải ngay lập tức báo cho bên kia biết về cải tiến hay đổi mới đó, và nếu thích hợp sẽ cung cấp cho bên kia tài liệu, đào tạo và giúp đỡ kỹ thuật cần thiết để thực hiện các cải tiến và đổi mới đó.

8.3. Chi phí chuyển giao các cải tiến và đổi mới.

Bên nhận không phải trả tiền cho việc chuyển giao cải tiến và đổi mới. Tuy nhiên Bên nhận phải thanh toán các phí tổn thực tế nảy sinh cho việc chuẩn bị tài liệu, đào tạo hay cung cấp giúp đỡ kỹ thuật.

Điều 9. Sự bảo đảm.

9.1. Bảo đảm công nghệ.

Bên giao bảo đảm rằng công nghệ được chuyển giao sẽ phù hợp với việc sản xuất sản phẩm, các tài liệu, đào tạo và giúp đỡ kỹ thuật sẽ phù hợp với việc chuyển giao toàn bộ công nghệ.

9.2. Thủ tục trong trường hợp công nghệ có sai sót.

Nếu công nghệ, mặc dù được Bên nhận thực hiện đầy đủ và đúng với chỉ dẫn của Bên giao, dẫn tới việc sản xuất ra những sản phẩm khác biệt về chất so với tiêu chuẩn trong phần phụ lục A (tiêu chuẩn này gồm tiêu chuẩn kỹ thuật của sản phẩm, hiệu quả của quá trình, khả năng sản xuất của nhà máy và mức độ thải chất ô nhiễm) thì Bên giao phải ngay lập tức:

a. Xác minh nguyên nhân gây ra các sai sót đó;

b. Tiến hành những thay đổi cần thiết về công nghệ để sản xuất ra đúng các sản phẩm đã được quy định;

c. Thông báo cho Bên nhận những thay đổi đó.

d. Cung cấp những tài liệu, đào tạo hay giúp đỡ kỹ thuật bổ sung cần thiết, Bên nhận sẽ không phải trả tiền cho những hoạt động mới nảy sinh này.

9.3. Đảm bảo về chi phí: Tất cả chi phí, mất mát hay thiệt hại của bên nhận do sai sót về công nghệ của Bên giao gây ra sẽ được Bên giao đền bù.

9.4. Để đảm bảo duy trì và phát triển uy tín nhãn hiệu hàng hoá của Bên giao công nghệ, Bên giao có quyền định kỳ kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hoá do Bên nhận sản xuất ra. Nếu Bên nhận không áp dụng đầy đủ và không theo đúng chỉ dẫn của Bên giao, chất lượng sản phẩm không đạt như được quy định tại phụ lục A, Bên giao công nghệ có quyền yêu cầu bên nhận đình chỉ sản xuất, thu hồi các sản phẩm không đảm bảo chất lượng, khắc phục các sai sót. Bên nhận phải chịu các chi phí mất mát, thiệt hại, chi phí khắc phục các sai sót.

Điều 10. Bảo vệ môi trường và ngăn chặn các hậu quả có hại.

Bên giao cam kết thông báo đầy đủ và rõ ràng cho Bên nhận tất cả thông tin mà bên giao biết về nhưng hậu quả có thể xảy ra đối với môi trường, môi sinh và người lao động do việc sử dụng công nghệ; thêm nữa, khi có bất kỳ thông tin mới nào về mặt này. Bên giao sẽ thông báo ngay, đầy đủ và rõ ràng cho Bên nhận.

Bên giao cam kết cho Bên nhận biết đầy đủ và rõ ràng tất cả thông tin mà Bên giao biết về việc ngăn cấm hay hạn chế việc sản xuất sản phẩm theo công nghệ được chuyển giao ở bất cứ nước nào và bất cứ lúc nào. Hơn nữa, khi có thông tin mới được biết, Bên giao sẽ cho Bên nhận biết ngay, đầy đủ và rõ ràng.

Điều 11. Sự vi phạm quyền sở hữu công nghệ của bên thứ ba.

Bên giao cam kết không biết và không tin vào sự tồn tại của bất cứ bằng sáng chế hay quyền sở hữu công nghệ khác thuộc bất cứ bên thứ ba nào mà Bên nhận có thể sẽ vi phạm khi sử dụng công nghệ.

Tuy nhiên, nếu có một bên thứ ba tuyên bố rằng việc sử dụng công nghệ của Bên nhận là vi phạm một quyền sở hữu công nghiệp nào đó, và nếu có biện pháp chống lại Bên nhận vì những lý do đó, thì Bên nhận lập tức thông báo cho Bên giao. Bên giao sẽ nhận trách nhiệm đầy đủ để bảo vệ việc sử dụng công nghệ được chuyển giao (trong thời hạn hợp đồng và cả sau thời hạn hợp đồng). Bên nhận sẽ hỗ trợ Bên giao ở mức độ cần thiết bảo vệ việc sử dụng công nghệ, nhưng không phải thanh toán cho những chi phí nảy sinh.

Trong trường hợp xác minh được là có sự vi phạm thì Bên giao đền bù và bồi hoàn cho Bên nhận những chi phí bảo vệ nói trên cũng như bất kỳ khoản bồi thường thiệt hại hay chi phí nào mà toà án bắt bên nhận phải chịu.

Điều 12. Giữ bí mật.

Bên nhận thoả thuận trong thời hạn của hợp đồng sẽ không để tiết lộ, dù là vô tình hay cố ý, về bất kỳ thông tin nào nhận được từ Bên giao trừ khi có sự đồng ý trước bằng văn bản của bên giao. Sự đồng ý này sẽ không bị bác bỏ nếu không có lý do chính đáng.

Tuy nhiên, điều này không áp dụng đối với các thông tin công nghệ mà Bên nhận đã biết trước thời điểm chuyển giao, cũng như đối với các thông tin, công nghệ đã hoặc đang trở thành phổ biến rộng rãi. Đồng thời bên nhận được phép tiết lộ cho các nhân viên của mình hoặc người khác những thông tin công nghệ cần thiết để sản xuất, sử dụng bán hay thay đổi sản phẩm.

Bên giao có nghĩa vụ tương tự về việc giữ bí mật nếu nhận được các thông tin công nghệ có liên quan đến hợp đồng từ Bên nhận.

Trong bất kỳ trường hợp nào Bên giao không được để lộ cho bất kỳ bên thứ ba về thông tin bí mật mà Bên nhận đã chuyển cho Bên giao có liên quan đến hợp đồng này.

Điều 13. Bất khả kháng.

Nếu một trong hai bên bị ngăn cản hay chậm trễ trong việc thực hiện bất kỳ điều khoản nào của hợp đồng này vì những lý do bất khả kháng đã nêu rõ ở Điều 1, thì bên đó không bị coi là có lỗi và bên kia sẽ không được nhận một sự bồi thường nào.

Tuy nhiên, nếu sự ngăn cản hay chậm trễ vượt quá... (số) ngày thì bên không gây ngăn cản hay chậm trễ có quyền huỷ bỏ hợp đồng.

Điều 14. Phê duyệt và có hiệu lực.

Hợp đồng có hiệu lực từ khi hai bên ký kết và khi nhận được mọi sự phê duyệt cần thiết của Chính phủ hay các cơ quan có thẩm quyền.

Các bên có nghĩa vụ thông báo cho nhau biết ngay lập tức về việc nhận được bất cứ sự phê duyệt cần thiết nào từ Chính phủ hay của các cơ quan có thẩm quyền.

Điều 15. Thời hạn, sự gia hạn và kết thúc hợp đồng.

15.1. Thời hạn của hợp đồng.

Thời hạn của hợp đồng là... (số) năm kể từ ngày hợp đồng bắt đầu có hiệu lực.

15.2. Sự kết thúc và gia hạn.

Vào cuối thời hạn này, hợp đồng sẽ kết thúc trừ khi hai bên cùng đồng ý gia hạn thêm ít nhất 6 tháng trước ngày kết thúc. Mọi sự gia hạn phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Sau khi hợp đồng kết thúc. Bên nhận tiếp tục được sử dụng công nghệ không phải trả tiền trừ khi...

15.3. Kết thúc do thay đổi quyền sở hữu.

Nếu phần lớn quyền kiểm soát của Bên giao rơi vào bên khác do sự hợp nhất công ty, sự thu nhận, sự tiếp quản công ty hay những lý do tương tự thì Bên nhận có quyền huỷ bỏ hợp đồng bằng cách gửi cho Bên giao thông báo ý định đó.

Điều 16. Chuyển nhượng quyền nghĩa vụ.

Không một quyền và nghĩa vụ nào trong hợp đồng, cũng như bản thân toàn bộ hay một phần hợp đồng có thể nhượng lại hay chuyển giao bởi một bên cho một bên thứ ba mà không có văn bản chấp thuận của bên kia và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 17. Việc không có hiệu lực từng phần.

Nếu một hoặc một số điều khoản của hợp đồng này không có hiệu lực hay trở thành không có hiệu lực, thì tính hiệu lực của các điều khoản còn lại vẫn không bị ảnh hưởng.

Nếu có điều khoản nào đó không có hiệu lực hay mất hiệu lực, thì các bên có trách nhiệm thay thế điều khoản đó bằng điều khoản mới có hiệu lực và đáp ứng được mục đích ban đầu của điều khoản đã mất hiệu lực.

Điều 18. Thoả thuận toàn bộ và sửa đổi.

18.1. Thoả thuận toàn bộ.

Hợp đồng này tạo ra sự thoả thuận và hiểu biết đầy đủ giữa hai bên đối với việc chuyển giao công nghệ. Bất kỳ thoả thuận nào không được thể hiện trong hợp đồng này đều không có giá trị pháp lý.

18.2. Sửa đổi.

Nếu các bên đồng ý xem lại, sửa đổi hay bổ sung hợp đồng này thì sự xem xét lại, sửa đổi lại hay bổ sung như vậy phải được thể hiện bằng văn bản và được hai bên cùng ký. Việc sửa đổi hay bổ sung hợp đồng chỉ có hiệu lực khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 19. Ngôn ngữ.

19.1. Ngôn ngữ của hợp đồng và bản hợp đồng gốc.

a. Ngôn ngữ của hợp đồng này là tiếng Việt và tiếng... (ngôn ngữ) các bản hợp đồng phải được ký kết và mỗi bên giữ một bản và gửi cho các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt một bản bằng cả hai thứ tiếng.

b. Hợp đồng này được làm bằng cả hai thứ tiếng: tiếng Việt và ... (ngôn ngữ), có giá trị pháp lý ngang nhau.

19.2. Ngôn ngữ của thư từ và các thông tin khác.

Theo các điều khoản của Điều 4, phần 2.4, ngôn ngữ cho thư từ giao dịch và tất cả các thông tin khác giữa hai bên là... (ngôn ngữ).

Điều 20. Luật áp dụng.

Hợp đồng này và tất cả các vấn đề có liên quan tới việc xây dựng hợp đồng, hiệu lực của hợp đồng, và thực hiện hợp đồng sẽ được điều chỉnh theo luật pháp Việt Nam.

Điều 21. Giải quyết tranh chấp.

21.1. Cách giải quyết.

Bất cứ tranh chấp, tranh luận hay các phát sinh xuất phát từ hoặc có liên quan tới sự hình thành, tính hiệu lực, sự hiểu biết, sự áp dụng, sự vi phạm hay huỷ bỏ hợp đồng này được giải quyết trước hết thông qua thương lượng và hoà giải. Trong trường hợp không hoà giải được với nhau, các bên tranh chấp có thể lựa chọn sự xét xử của... (toà án xét xử) phù hợp với luật phân xử của Uỷ ban Liên hợp quốc về Luật Thương mại quốc tế hoặc có thể lựa chọn một trong hai hình thức sau:

- Hội đồng Trọng tài ngoại thương bên cạnh Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam hoặc trọng tài một nước thứ ba hoặc trọng tài quốc tế.

- Một Hội đồng trọng tài do hai bên thoả thuận thành lập.

21.2. Địa điểm và ngôn ngữ xét xử.

Địa điểm xét xử là... (thành phố) ngôn ngữ xét xử là... (tiếng).

21.3. Số người phân xử (trọng tài).

- Số người phân xử là ba người.

Thực thi

Các bên có ý định ký hợp đồng một cách hợp pháp, đã ký hợp đồng vào ngày... tháng... năm...

Đại diện và thay mặt Bên giao Đại diện và thay mặt Bên nhận

Tên công ty Tên công ty

Chữ ký Chữ ký

Tên chữ in chức vụ và Tên chữ in chức vụ và

chức danh của người ký chức danh của người ký

Làm chứng "ký" Làm chứng "ký"

Làm chứng "ký" Làm chứng "ký"

 

Đặng Hữu

(Đã ký)

 

PHỤ LỤC A

TÊN CÁC SẢN PHẨM VÀ CÁC CHỈ TIÊU VỀ SẢN PHẨM VÀ

QUY TRÌNH SẢN XUẤT

1. Chỉ tiêu về sản phẩm, các đặc tính kỹ thuật, chỉ tiêu chất lượng sản phẩm và dịch vụ.

"Mô tả hình dáng vật chất và đặc tính vận hành của sản phẩm".

2. Chỉ tiêu về sản lượng

"Sản lượng theo quy trình sản xuất"

3. Chỉ tiêu về hiệu quả kinh tế kỹ thuật của công nghệ, tiêu hao vật tư, năng lượng, nguyên liệu, tỷ lệ phế phẩm...

"Hiệu quả quy trình sản xuất"

4. Chỉ tiêu về sự thải chất ô nhiễm

"Lượng tối đa của chất ô nhiễm"

PHỤ LỤC B

GIẤY CHỨNG NHẬN KẾT QUẢ ĐÀO TẠO

Tên địa chỉ Bên giao

Tên địa chỉ chính thức Bên nhận

Giấy chứng nhận kết thúc thành công lớp đào tạo

Có liên quan tới

Hợp đồng chuyển giao công nghệ giữa... (tên Bên giao) và... (tên Bên nhận) ký... (ngày).

Chứng nhận rằng vào... (ngày)

Ông (bà)...

đã kết thúc chương trình đào tạo do Bên giao thực hiện cho Bên nhận theo thoả thuận trong Điều 4 của hợp đồng.

Ký đại diện thay mặt cho Ký đại diện thay mặt cho

(Tên công ty Bên giao) (Tên công ty Bên nhận)

(Chữ ký) (Chữ ký)

Tên chữ in chức vụ và Tên chữ in chức vụ và

chức danh người ký chức danh người ký

(Ngày ký) (Ngày ký)

PHỤ LỤC C

MẪU GIẤY CHỨNG NHẬN SẴN SÀNG SẢN XUẤT

CHÍNH THỨC

Tên, địa chỉ Bên giao

Tên, địa chỉ Bên nhận

Giấy chứng nhận sẵn sàng sản xuất chính thức có liên quan

Hợp đồng chuyển giao công nghệ giữa (Tên Bên giao) và (Tên Bên nhận) ký... ngày... tháng... năm...

Chứng nhận rằng từ ngày... tháng.... năm...

Bên nhận đã đủ khả năng sẵn sàng sản xuất chính thức các sản phẩm theo hợp đồng hoàn toàn phù hợp với đặc điểm chỉ dẫn ở phần phụ lục A của Hợp đồng nói trên.

Ký đại diện thay mặt cho Ký đại diện thay mặt cho

(Tên Công ty Bên giao) (Tên công ty Bên nhận)

(Chữ ký) (Chữ ký)

Tên chữ in chức vụ và Tên chữ in chức vụ và

Chức danh người ký Chức danh người ký

(Ngày ký) (Ngày ký)

Ghi chú: Một số lưu ý khi sử dụng bản hợp đồng mẫu này:

1. Đây là một hợp đồng mẫu có tính chất bao quát chung cho các hợp đồng về chuyển giao công nghệ. Tuỳ theo mỗi loại hoạt động chuyển giao mà các hợp đồng cụ thể có thể sẽ được soạn thảo cho phù hợp. Tuy vậy, về cơ bản các hợp đồng chuyển giao công nghệ đều cần bao gồm (hoặc dựa vào) những nguyên tắc của hợp đồng mẫu này.

2. Trong hợp đồng mẫu, một số thuật ngữ viết chữ in để trong ngoặc đơn được hiểu rằng khi soạn thảo các hợp đồng cụ thể, tuỳ điều kiện riêng của từng hợp đồng, sẽ được thể hiện bằng các tư liệu, số liệu cụ thể (vào chỗ để dấu chấm lửng).

Ví dụ:

... (số) ngày hoặc ... (số) tiền sẽ được cụ thể thành "7", "12' hoặc "đô la Mỹ" hoặc "Franc Pháp" hoặc bất kỳ loại tiền nào.

... (Tên nước) được điền cụ thể thành "Việt Nam" hoặc "Hà Lan" hoặc bất kỳ tên nước cụ thể nào v.v...

3. Một số điểm cần lưu ý khác bằng nội dung.

- Trong một số điều khoản, có đưa ra một vài phương án để gợi ý. Khi soạn thảo các hợp đồng cụ thể, tuỳ thuộc vào đặc điểm của từng hợp đồng, có thể chọn một trong các phương án đó.

Ví dụ: Điều 5 về giá có quy định 3 phương thức trả giá (a) (b) hoặc (c).

Điều 6 về điều kiện thanh toán có quy định 2 phương thức thanh toán (a) hoặc (b).

4. Trong trường hợp chuyển giao công nghệ dưới hình thức góp vốn trong đầu tư nước ngoài thì bản cam kết về chuyển giao công nghệ có thể được viết theo tinh thần các điều khoản của hợp đồng mẫu này.

Riêng các Điều 5 về giá cả, và Điều 6 về thanh toán sẽ được bổ sung, điều chỉnh, ghi rõ giá trị của từng nội dung hạng mục chuyển giao công nghệ và tổng giá trị góp vốn.

5. Chuyển giao công nghệ trong đầu tư nước ngoài mà Bên giao công nghệ là một bên tham gia góp vốn vào Bên nhận (liên doanh hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh) điều 6 hợp đồng về thanh toán phải xác định Bên nhận công nghệ được hoàn trả cho đến khi liên doanh có khả năng tài chính: sau khi trả phí chuyển giao công nghệ, liên doanh không bị lâm vào tình trạng thua lỗ, thu không đủ bù chi phí.

PHỤ LỤC II

Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường Số:..../QĐ-PTCN

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày... tháng... năm 199..

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT HỢP ĐỒNG CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ NƯỚC NGOÀI VÀO VIỆT NAM

BỘ TRƯỞNG

BỘ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG

- Căn cứ vào Nghị định số 22-CP, ngày 22-5-1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

- Căn cứ Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 29-12-1987 và sửa đổi, bổ sung ngày 23-12-1992;

- Căn cứ Pháp lệnh chuyển giao công nghệ nước ngoài vào Việt Nam do Hội đồng Nhà nước thông qua ngày 5-12-1988 và Nghị định số 49-HĐBT ngày 4-3-1991 của Hội đồng Bộ trưởng quy định chi tiết việc thi hành Pháp lệnh chuyển giao công nghệ nước ngoài vào Việt Nam;

- Theo đề nghị của...

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt hợp đồng chuyển giao công nghệ giữa:...

Điều 2. ...

Điều 3. ...

Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ

và Môi trường

 

THE MINISTRY OF SCIENCE TECHNOLOGY AND ENVIRONMENT
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence - Freedom - Happiness
----------

No. 28/TT-QLKH

Hanoi, January 22, 1994

 

CIRCULAR

ON TRANSFER ON FOREIGN TECHNOLOGY INTO VIETNAM

Pursuant to the Law on Foreign Investment in Vietnam passed by the National Assembly on 29 December 1987 and the Law on the Amendment of and Addition to the Law on Foreign Investment dated 23 December 1992;
Pursuant to the Ordinance on Transfer of Foreign Technology into Vietnam of the State Council dated 10 December 1988;
Pursuant to Ordinance on Protection of Industrial Property Rights of the State Council dated 28 January 1989;
Pursuant to Decree 49-HDBT dated 4 March 1991 of the Council of Ministers making detailed provisions on the implementation of the Ordinance on the Transfer of Foreign Technology into Vietnam;
Pursuant to Decree 18-CP dated 16 April 1993 of the Government making detailed provisions on the implementation of the Law on Foreign Investment in Vietnam;
Pursuant to the agreement reached between the relevant bodies;
The Ministry of Science, Technology and Environment hereby issues this Circular providing guideline provisions on the transfer of foreign technology into Vietnam.

I. GENERAL PROVISIONS

In a transfer technology, the following terms shall have the meanings ascribed to them hereunder:

Technology means a system of solutions created through the application of scientific know-how and applied to achieve one or more practical tasks in production and business. The various forms of technology are:

Technical know-how, technological methods and processes, preliminary and technical design documents: formulate, drawings, diagrams, charts, technical data and other technical information;

Industrial property as stipulated in article 4 of chapter I of the Ordinance on Protection of Industrial Property Rights dated 28 January 1989;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Technology transfer means single or multiple operations carried out by two parties, the transferor and the transferee, where both parties co-ordinate legal and practical activities for the purpose of, and the result of which is, the transferee obtaining and exploiting independently the capabilities of a specified technology supplied by the transferor to achieve a specified purpose.

Requirements for technology transferred into Vietnam:

The basic requirements are stipulated in article 4 of Decree 49-HDBT and shall be interpreted on the basis of the following conditions:

Similar technology is not available in Vietnam or, if it is available, the transferee cannot exploit it in more favourable conditions and with higher efficiency;

The transferee must thoroughly understand and master such technology after a certain period of time; 

The transferor must have ownership of or be authorized to transfer the technology required by the transferee.

The parties involved in a technology transfer are stipulated in article 2 of Decree 49-HDBT.

In cases where the transferee has full knowledge of the technology and the capability to apply such technology but is prevented from doing so because the technology is a registered industrial property of the transferor in Vietnam, the transferee must obtain from the transferor a certificate of the right to use the technology prior to application.

Transfers of technology which involve imported machinery and equipment funded by the State budget must comply with the provisions of this Circular.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



II. TECHNOLOGY TRANSFER CONTRACT

This principle provisions to be included in technology transfer contracts are stipulated in article 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13 and 14 of Decree 49-HDBT.

The following are detailed guidelines:

Every transfer of technology which is commercial in nature or binding in terms of rights and obligations shall take place pursuant to a contract in writing. Any agreement between the transferor and the transferee which is not stated in the contract document shall not be legally valid.

A model form of a technology transfer contract is attached to this Circular (Appendix I) for reference. This is a general form and encompasses all transfer of technology. Depending on each particular transfer of technology, the contract document may incorporate the whole or a part of the model contract.

Basic requirements of a technology transfer contract:

The contract must specify:

The names of technology and services to be transferred to the transferee;

The objectives of the technology transfer (for example-for the production of a new product or a new service, change of specifications, quality and output of a product, reduction of the consumption level of materials, fuel, energy and so on);

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Technical and economic value of each item of technology to be transferred (if is possible to determine such value);

The results estimated to be achieve after the technology has been transferred to the transferee. Such results must be clearly shown in the contract (or as an appendix which is an integral part of the contract) in a table showing:

Technical specifications and quality criteria of the product produced or the service provided by the transferee on the basis of the transferred technology;

Technical - economic specifications of the technology which the transferee will acquire after receiving the technology. Such specifications must also reflect the ability of the transferee to understand thoroughly and master the technology. It is necessary to show a comparison between the specifications of the technology currently being applied by the transferee and the technology to be transferred;

Economic results from the application of the technology to be transferred; Costs, prices, terms and mode of payment for the purpose of achieving the objectives and results of the technology transfer referred to above; Duration of the contract and conditions for amending and terminating the contract; Commitments in respect of quality and guarantee, and warranties; Training related to the transfer of the technology; Procedures for resolving disputes and the governing law.

Parties to the contract:

The contract must state clearly the full names and addresses of both parties (the transferor and the transferee) which shall be the registered names and addresses, and if required, an additional abbreviation of the names. The contract must accurately state the name of the company and that of its duly appointed representative who is authorized to sign the contract and be responsible for the performance of the undertakings and obligations stated in the contract.

Terms relating to industrial property rights:

If the technology transfer contract contains provisions relating to industrial property rights, then the part of the contract which relates to such rights must be constructed as an independent contract or a separate part of the technology transfer contract governed by regulations of the law on industrial property rights and technology transfer.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Technical documents consist of materials such as designs, processed, formulae, instructions, directions, and drawings which outline the technology to be transferred. A list of technical documents to be transferred is stipulated in clause 4.1 of the model contract. The contract must state in detail the names of the documents to be transferred.

Training must serve the purpose of assisting the transferee to understand thoroughly and master the technology in a specified period of time.

The training programme must include all the technology and information necessary for the production of products pursuant to the stipulated technical criteria. The training programme must also specify the number of employees and technicians, and the areas of training.

Therefore, on the basis of the training programme of the transferor, the transferee needs to take the initiative and propose further training items for this programme in accordance with its requirements and conditions.

The contract must stipulate in detail provisions on training in accordance with the guidelines stipulated in clause 4.2 of model contract.

The training contract must specify the number of trainers and their levels of expertise and experience. The contract must also stipulate clearly the undertaking of both parties in respect of achieving the objectives of the training programme such as undertakings relating to the skill and expertise which the trainees will acquire after the completion of the training programme.

Upon the completion of the training programme, the transferor must test the trainees and issue them with certificates of completion of the training programme. A model certificate is attached to this Circular and must be issued to each individual trainee.

It is necessary to specify the cost for each training module.

Technical assistance and consultancy services:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Pre-trial operation stage;

Trial operation stage; and Official production stage.

Technical assistance must be stipulated in detail in the contract or in the appendices to the contract.

For support and consultancy services such as selection of technology, technological improvements, research, analysis, evaluation, feasibility and pre-feasibility studies, consultancy on technology management, provision of services relating to collecting, processing and providing information on technological markets and natural resources, a large part of the technical assistance shall be carried out through the direct involvement of experts. Therefore, the contract must clearly stipulate in detail the specific tasks and duties of each expert and the result of each service.

It is necessary to specific the cost of each item of technical assistance.

Technology from the Vietnamese party:

Both parties must clearly determine and state in the contract the items of technology, skills, expertise, consultancy services, types of raw materials, materials, machinery and equipment which the Vietnamese party may supply, the conditions for common usage, and the schedule for replacement. Where necessary, the body administrating the technology transfer shall have the right to request for the implementation of the substitution of the imports referred to above.

The duration and schedule for the transfer of technology, and the point of transfer of each item of equipment and technology must be clearly stipulated and be in accordance with construction, production, and business schedules. The contract must also stipulate the extent of any errors committed in the transfer of the technology and ways to deal with those errors.

Undertaking in respect of guarantee and warranty.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The transferor shall guarantee:

That the quality of the products produced will meet stipulated technical specifications and be of equal quality to the same products currently being produced by the transferor;

That the quality of the technology provided by the transferor will be able to achieve the objectives of the technology transfer, taking into account factors such as the feasibility and the suitability of the technology;

That, after the transfer, the technology will provide to be reliable, taking into account the operating conditions of the transferee.

That the design, purchase order, installation, and commissioning of the equipment which the transferor (or the sub-contractor) has the responsibility to carry out will be of high standard;

That it will undertake all responsibilities in respect of any breaches of industrial property rights of third parties.

Other undertakings of both parties to ensure that no errors are committed on the technology transfer, that each party's rights in respect of confidentiality, competitiveness, and safety is respected, and that regulations on hygiene and the environment are complied with during the period of performance of the contract.

Undertakings in respect of warranty: the warranty of the items of the items of technology transferred should be specified clearly. In the event that the warranty periods of the items of technology differ from each other, the warranty period of each item should be stated clearly.

The contract must contain provisions on the legal and material responsibilities of the parties in the event that there are breaches of the contract.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The establishment and implementation of preventive measures for environmental protection and labour safety need to be clearly stated in the contract (in respect of the content, extent, specific measurers, and scope of responsibilities).

In the contract, both parties must undertake to implement the preventive measures, and to limit and overcome all adverse effects of the technology on the environment including effects which are known prior to the transfer and effects which the transferee may discover at a later date. The transferor has the responsibility to inform the transferee of any international restrictions or prohibitions placed on the products produced from the application of the transferred technology (especially in respect of chemical and pharmaceutical products).

The contract must include provisions on occupational safety, and on industrial conditions and environment for workers.

The following provisions shall not be included in technology transfer contracts:

Provisions which compel the transferee of technology to buy the whole or a fixed percentage of raw materials, materials, machine components, equipment, or semi-products either from the transferor of technology or from a source determined by the transferor except in cases where it can be proved that:

Such requirements are necessary in order to maintain the quality standard defined by the transferor (the transferor of technology must supply to the transferee the quality standards of the types of raw materials or semi-products which the transferor uses in the production of products);

The purchasing price is equal to international market prices or is equal to the price which the transferor must pay to a third party, and in addition there are no other cheaper sources.

Provisions which directly or indirectly restrict the export of the products manufactured by the transferee pursuant to a technology transfer contract except in cases where it can be shown that the purpose is to protect the legal rights of the transferor and the transferee of technology such as in the case where the products are exported to a country which will not respect the industrial property rights of the transferor, or which already has a monopoly licence for the exclusive use of that technology.

Provisions which restrict the scope of business production, and the volume and prices of products manufactured by the transferee of technology.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Provisions which prohibit the transferee from utilizing freely the technology transferred after the duration of the technology transfer contract or after the industrial property rights contained in the contract have expired.

Provisions which provide that the transferee shall not research and develop further the technology transferred or received similar technology from other sources; provisions which provide that the transferor will have ownership of any improvements or innovations of the transferee.

In cases of payment by instalments equal to a fixed percentage (%) of the purchase price, provisions which compel the transferee of technology to pay a minimum instalment before the products are sold (regardless of the output volume and value of products sold).

Prices and payment:

The payment price of the technology transfer shall be agreed to by both parties on the basis of fairness and mutual benefit. Whether the mode of payment is a lump sum, by instalments calculated on after-tax profit, or by instalments based on the purchase price, the price paid for the technology shall always be calculated on that part of economic profit which is earned from the utilization of the technology for the duration of the technology transfer contract. The exact price shall be determined on the basis of comparison between the prices at the time of calculation of different international market sources which supply the same technology.

When one or more of the industrial Property rights transferred become ineffective as a result of the expiry of the protection period or as a result of the technical know-how becoming public information, the two parties shall re-negotiate the terms of payment.

The selection of mode of payment shall be agreed upon by both parties.

The various modes of payment are:

Contribution of capital on the basis of the monetary value of the technology;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Contribution of capital using the monetary value of the technology (as stipulated in clause 27 of part III);

Payment by instalments is a mode of payment whereby the transferee must pay gradually to the transferor for the whole duration of the contract an amount calculated by one of the following indices:

Based on the profit earned from sales of products manufactured through the application of the transferred technology. The payment value shall be calculated as a fixed percentage of after-tax profit. This percentage shall range from five per cent to twenty five (25) per cent of the after-tax profit during the duration of the contract. For transfers of technology which have special significance in the development of the economy but are slow in making profits, the Ministry of Science, Technology and Environment may consider a higher percentage.

Based on the net selling price. The payment value must be calculated on a fixed percentage of the sales turnover of the products sold.

Lump sum payment is a mode of payment whereby the two parties define the payment as a fixed amount which may be paid once in full or paid in several instalments upon the completion of each stage of the technology transfer, for example: upon the date the contract becomes binding, upon the delivery date of technical documents, upon the completion date of training, upon the date when the installation is completed, upon the date when the trial or operation is completed, upon the final inspection date, upon the commencement date of production, and upon the date the first batch of the products is sold. The total payment for the transfer of technology during the contract period shall be limited to three to eight per cent of the total invested capital (excluding contribution of capital in the form of rights to use land, compensation, site clearance costs).

The net selling price is the total sales turnover of products or total turnover from provisions of services after application of the transferred technology, calculated as the total amount stated in sales invoices after deduction of the following items:

Indirect taxes (such as turnover tax, special sales tax, and value added tax); Commercial discounts;

CIF import prices and import duties on semi-products, spare parts, and components supplied by the transferor or branches Of the transferor;

CIF import prices and import duties on semi-products, spare parts, and other components which are manufactured outside Vietnam;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The payment calculated on a fixed percentage of net selling price paid for the transfer of technology depends on:

The extent to which the transferred technology satisfies the domestic requirements and the development objectives of the country, and whether it creates employment, promotes export, utilizes local resources, and saves energy;

The possibility of expanding the application of such technology in other production establishments within the country;

The scope and extent of the importance of such modern technology on the whole operation of the transferee;

The scope of the rights of the transferee in respect of the transferred technology (such as whether it is exclusive or non-exclusive, and whether it can be assigned to a third party).

The maximum instalment payment (five per cent of the net selling price) stipulated in article 10 of Decree 49-HDBT shall be the total payment amount for all the items of technology transferred such as industrial property rights (excluding the original brand names of the goods), know-how, technical documents, training, and all other technical assistance. This amount must be paid for technology which satisfies the following conditions:

The technology transfer has a significant importance for the economic development of the country;

The product (or the service) is of high quality and is able to earn large profits; and

A large proportion of the products are exported.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Normal instalment payments:

In the case of technology transferred for the purpose of producing products of export standard, the normal instalment payment which applies to all items of the technology transfer shall be two per cent of the net selling price.

Remuneration for the use of trademarks shall be separately calculated:

A trademark shall only be valid when it can promote the sale of products and increase the sales turnover of the products which bear such trademark. Therefore, the fee for the transfer of the right to use the trademark shall only be calculated and paid for if the trademark is well known in markets which currently use such trademarks. In the case of trademarks which are well known in Vietnam, the fee for the transfer of the right to use shall not exceed one per cent of the net selling price of the product bearing such trademark. Fees paid for use of trademarks in respect of products which are imported into Vietnam mainly for the purposes of packaging, assembly, and sale shall be considered on a case by case basis but shall not exceed one half of one (0.5) per cent of the net selling price.

In the case of transfers of technology in the forms of consultancy services, training, and technical assistance, the price payable shall be based on the reasonable amount of work which has been done:

Steps to follow in determining the price:

Divide the services into specific activities;

Determine the amount of time necessary for carrying out such activities;

Negotiate monthly payment (or weekly) with various types of experts;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Agree on a procedure to verify the actual working hours of experts;

Consider services which may be provided in the country in order to reduce costs.

In the case of technology transfers which include imported equipment, it is necessary to calculate separately the cost of the transfer and the price of the equipment.

The duration of the contract is stipulated in article 11 of Decree 49-HDBT.

Where the parties wish to make changes or additions to the contract and thus require an extension of the duration of the contract, they shall submit an application to an authorized body for approval no later than three months prior to the expiry of the duration of the contract.

Any changes, additions to, or extension of the duration of the contract shall only be effective upon obtaining the approval of the authorized State body in writing.

The technology transfer contract may be terminated in the following cases:

The two contracting parties agree to the termination of the contract;

One of the two contracting parties commits a breach of contract to such an extent that it is impossible to continue the performance of the contract;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The authorized body issues a decision to terminate the contract on the grounds that the two parties have committed serious breaches of Vietnamese laws.

Upon the termination of the contract, the two parties shall agree on the process for liquidation of the contract. In the event that the parties fail to reach an agreement, they may refer the matter to an authorized body for resolution.

In the event that one party unilaterally terminates the contract, the other party shall be discharged from its responsibility to perform its commitments. Where the other party suffers damages as a result of the unilateral termination of the contract, the aggrieved party shall have the right to claim compensation or refer the matter to the arbitration body agreed to by both parties.

During the period of validity of the contract, if either party has new innovations or improvements which relate to the technology transferred, that party shall have the responsibility of notifying the other party of the improvements or innovations. In cases where there is a need, one party may request the other party to transfer the improvements and innovations. The two parties shall agree in the contract on payment for the transfer of such improvements or innovations.

The assignment of the contractual rights and obligations of a party to a third party shall be subject to the written agreement of the other party and the approval of an authorized body.

Resolutions for disputes are stipulated in article 14 of Decree 49-HDBT.

III. TRANSFERS OF TECHNOLOGY IN FOREIGN INVESTMENTS

The following cases shall be considered as transfers of technology in foreign investments and shall be regulated by the provisions of part III of this Circular:

The transferee is a joint venture company or enterprise established under the Law on Foreign Investment in Vietnam and the transferor is a party to the joint venture irrespective of whether that party is the Vietnamese or foreign party;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Where a company or enterprise with foreign invested capital receives technology from a third party and such third party is not a party to the joint venture or business co-operation contract pursuant to the Law on Foreign Investment in Vietnam, such entity shall not be governed by the provisions stipulated in this part.

Where an enterprise with one hundred (100) per cent foreign owned capital established in Vietnam receives technology from one or more companies and enterprises which are controlled and supervised by one organisation, the value of the industrial property rights, technical know-how, and professional expertise shall not deemed as part of the investment capital (or the capital) or a factor of the costs of production or business expenses. However, actual costs incurred during the transfer and application of the technology (such as the salary of experts, travel and accommodation expenses of trainees, and expenses relating to the costs of preparation and printing of documents) shall be considered as part of the investment expenses or part of the exploitation expenses of the project provided that each expense is reasonable and certified by legitimate receipts.

Technology transfers in foreign investment referred to in this part shall not apply the method whereby the transferee (in a joint venture or a business co-operation) is obliged to buy the technology from one (or more) joint venture (or business co-operation) parties on the basis of a lump sum payment executed by way of the following forms of contract:

The technology transfer contract is in the form of contribution of technology as capital whereby the value of all the items of technology transferred is calculated as a fixed amount (the value is determined as a lump sum payment or the total amount of instalments for a period of seven years). After the transferor has performed all of its obligations and the transferee has achieved the specified results, this amount shall be included in the capital contribution of the transferor in the joint venture (or business co- operation) and only then will the transferor be entitled to a share of the profits in accordance with the proportion of its capital contribution without receiving any other payment.

The value of the contributed capital of the whole technology shall be dependant on the size of the project and the nature of the technology in the project, and shall be limited to three to eight per cent of the total investment capital (excluding contribution of capital in the form of rights to use land, compensation. site clearance costs). In a number of specific cases which involve high-tech or complex technologies, or projects with small investment capital, the Ministry of Science, Technology and Environment may consider accepting a higher percentage value of the technology as a contribution of capital (the construction design shall be in accordance with the provisions of the Ministry of Construction).

Technology transfer contracts pursuant to which, during the period of validity of the contract, the transferee pays to the transferor instalments calculated on the basis of after-tax profit earned from the sale of products or provision of services through the application of the transferred technology are strongly encouraged.

Technology transfer contracts pursuant to which, during the period of validity of the contract, the transferee pays to the transferor instalments calculated on the basis of net selling price of products produced or services provided through the application of the transferred technology shall only be applied if, in addition to the agreement on the calculation and payment of such instalments, the concerned parties also agree that: the transferee shall pay all the expenses incurred in the transfer of technology but is permitted to defer the payment of the instalments until such time as the transferee makes a profit provided that such payment does not result in the transferee making a loss (that is, where the turnover is not enough to cover expenses). The transferee shall not be liable for payment of interest on the deferred payment.

The net selling price referred to above must be determined in accordance with the provisions of clauses 13.2, 13.3, 13.4, and 13.5 of part II of this Circular. This deferred payment shall not include the actual expenses incurred during the transfer of technology such as travel and accommodation expenses of experts who are assigned to the transferee for technical assistance, or of employees of the transferee who are sent overseas for training.

Technology transfer contracts referred to in clause 24 in the form of contributed capital of a project must be signed by all parties contributing capital to that project (irrespective of the proportion of capital contribution of each party). Technology transfer contracts referred to in points (b) and (c) of clause 26 of this part shall be signed by the transferor and the transferee. Where the transferee is a join venture and the transferor is a party contributing more than fifty (50) per cent of the legal capital of such joint venture, the contract between the transferor and the transferee must be examined by the other joint venture parties and signed accordingly.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Contracts which have technology contributed as capital must be accompanied by an application for an investment licence. The evaluation and approval of such contract shall be carried out by the State Committee for Co-operation and investment after the Ministry of Science, Technology and Environment has considered and approved the contract by way of an official document.

Contracts which do not involve capital contribution in the form of technology shall be considered and approved by the Ministry of Science, Technology and Environment. Application for approval of contracts which have technology contributed as capital and technology transfer contracts must satisfy all the requirements stated in article 16 of Decree 49-HDBT. In particular, contracts which involve capital contribution in the form of technology and are attached to an application for an investment licence may be exempted from a number of the information requirements in clause 4 of article 16 of the above-mentioned Decree provided that such information has been included in other documents of the application for an investment licence.

The period for consideration and approval of contracts which involve technology contributed as capital shall be subject to the same provisions in relation to the issue of investment licences. The technology transfer contract referred to in this part shall be subject to the period of consideration stipulated in clause 34 of part IV of this Circular.

After the contract providing for technology to be contributed as capital and the technology transfer are approved by the State Committee for Co-operation and Investment or the Ministry of Science, Technology and Environment, the concerned parties must perform all their obligations in the contract.

The performance of the contract in part or in whole shall be evaluated and certified in an inspection document.

The inspection document of the results of partial or full performance of the contract providing for technology to be contributed as capital must be unanimously certified by the board of management.

The inspection document of partial or full performance of the technology transfer contract as referred to in points (b) and (c) of clause 26 of this part must be signed by the official representatives of the transferor and the transferee. In cases where the transferee is a joint venture and the transferor is a party which contributes more than fifty (50) per cent of the legal capital of that joint venture, the evaluation of the result of the transfer (a part or the whole of the contract) requires the participation of official representatives of the other joint venture parties. The inspection document shall only be legally valid if it contains all signatures of all representatives of the joint venture parties.

In all cases of contribution of technology as capital as stipulated in this part, during the evaluation process and preparation of the inspection document, the parties must consider and adjust the prices of each item and of the whole contract, taking into account the actual expenses incurred during the transfer process. Depending on the actual situation, the value of each item may be adjusted but the total value must not exceed the total value stated in the signed contract. Where it is identified that the expenses incurred are not related to the purposes of the technology transfer stated in the contract, or where the parties to the technology transfer fail to perform fully their commitments, obligations, and the content of the contract, the Ministry of Finance, the State Committee for Co-operation and Investment and the Ministry of Science, Technology and Environment may inspect, evaluate, and request the parties concerned to provide clear explanations, or to re-adjust the value of capital contributed as technology.

In all cases of contribution of technology as capital, the final inspection document of each contract must specify clearly the useful life of technology which is considered as part of fixed assets for depreciation purposes. The depreciation of items of technology such as equipment and machinery must be carried out in accordance with the provisions of the Ministry of Finance.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The contract providing for capital contribution in the form of technology approved by the State Committee for Co-operation and Investment, the technology transfer contract approved by the Ministry of Science, Technology and Environment, and the inspection document prepared in accordance with the provisions stipulated in this part shall be integrated to form complete documentary evidence for the purposes of: ·

Certifying the contribution of capital in the form of technology of the relevant party and the value of the assets of the project;

Carrying out the distribution of profits to the parties which contributed technology as capital, or paying instalments to the transferor of technology;

Determining the depreciation rate and expenses incurred during the transfer of technology for purposes of tax calculation;

Resolving foreign exchange problems in respect of revenues derived from, and expenses incurred in the transfer of technology;

Realising the incentives provided for in national policies on technology in respect of the relevant party.

Where necessary (in cases where there are suspicious details), authorized bodies may request the parties concerned to produce further appropriate evidence or to carry out investigations to determine the authenticity of the documents referred to above.

IV. MANAGEMENT AND APPROVAL OF TECHNOLOGY TRANSFER CONTRACTS

Application file for approval of a technology transfer contract.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Documents which verify the legal status and financial standing of the contracting parties may be submitted as originals, or as copies which are notarised by a notary public of Vietnam or of a foreign country.

The approval and registration of the transfer of industrial property rights stated in the technology transfer contract shall be carried out in accordance with the procedures and formalities stipulated in the provisions of the law on industrial property rights.

When lodging the file, the applicant must pay a fee for the evaluation and approval of the technology transfer contract. Technology transfers pursuant to foreign investment contracts which provide for technology to be contributed as capital as stipulated in Part III of this Circular shall not be subject to the above-mentioned fee Decision to approve and register the contract.

The Ministry of Science, Technology and Environment, or authorized bodies shall, no later than forty five (45) days after receiving the complete application (excluding the period required for evaluation of the transferred industrial property rights), inform the applicants of the decision to approve, refuse, or request for amendments of, or additions to the contract. In cases of requests for amendments, or additions, the time period for the decision to approve the contract shall be calculated from the date when the Ministry of Science, Technology and Environment, or authorized bodies receive in full the final amended application file.

The model approval form of a technology transfer contract shall be issued by the Ministry of Science, Technology and Environment. This model form (Appendix II) shall also be used by all authorized departments in ministries, ministerial equivalent bodies, other Government bodies, and people's committees of provinces and cities under central authority.

Technology transfer contracts where the transferee is a company or enterprise with foreign invested capital shall be approved by the Ministry of Science, Technology and Environment.

Technology transfer contracts which are not approved by the Ministry of Science, Technology and Environment must be registered at the Ministry of Science, Technology and Environment within thirty (30) days from the date when the contract is approved. The registration of such contracts shall be carried out by bodies which are vested with the authority to approve contracts.

The basis for determining the value of technology transfer contracts to be used by authorized bodies in their approval process (article 20 of Decree 49-HDBT) shall be the total value of all related payments (including both lump sum payments and instalments) estimated for the whole duration of the technology transfer contract including expenses for training, and technical consultancy and assistance, and the value of equipment and machinery which contain technical data.

In order to supervise compliance with State regulations and policies, and the performance of agreements staled in the contract signed by both parties, the transferee must submit an annual report on the operation of transferred technology to the administrative body which approved the contract. The content of the report must clarify the following matters:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The benefit which the transferee receives from the transfer of technology including any improvements or innovations derived from the transfer.

Where necessary, the Ministry of Science, Technology and Environment shall, together with the relevant bodies, inspect or audit the performance of technology transfer contracts.

The following acts shall be deemed as breaches of provisions of Vietnamese laws:

Signing a technology transfer contract (or pledging capital contribution by means of technology) without submitting it to the authorized Sate bodies, or without submitting it within thirty (30) days from the date of signing;

Submitting contract documents (or pledges) which are inconsistent with the agreement between the two parties, or which do not reflect the actual situation;

Deliberately increasing the value of the contract which results in a smaller tax liability and a higher amount of foreign currency payable to foreign countries;

Preparing an inspection document on the results of the technology transfer and the value of the capital contribution which is inconsistent with the actual situation;

Preventing authorised administrative bodies from carrying out inspections or supervision, and failing to submit a report, or late submission of the report.

Depending on the seriousness of the breach, the administrative body in charge of the technology transfer may impose administrative penalties, a fine of one half of one (0.5) per cent to fifty (50) per cent of the Value stated in the contract, or terminate the contract. Serious breaches such as the use of technology transfer contracts, or the pledge of capital contribution in the form of technology as a means of tax avoidance, or as a means of illegally remitting foreign currency abroad may result in criminal prosecution before the law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



This Circular shall be of full force and effect as of the date of its signing.

Ministries, ministerial equivalent bodies, bodies of the Government, and people's committees of provinces and cities under central authority shall have the power to evaluate, approve, and issue licences for technology transfer contracts, and shall be responsible for notifying and registering with the Ministry of Science, Technology and Environment technology transfer contracts which are approved prior to the promulgation of this Circular.

 

 

FOR THE MINISTRY OF SCIENCE TECHNOLOGY AND ENVIRONMENT
 MINISTER




Dang Huu

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư 28/TT-QLKH ngày 22/01/1994 hướng dẫn chuyển giao công nghệ nước ngoài vào Việt Nam do Bộ Khoa Học Công Nghệ Và Môi Trường ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


9.780

DMCA.com Protection Status
IP: 13.59.218.229
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!