BỘ
CÔNG NGHIỆP
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
10-TT/ĐCKS
|
Hà
Nội, ngày 13 tháng 9 năm 1997
|
THÔNG TƯ
CỦA BỘ CÔNG NGHIỆP SỐ 10-TT/ĐCKS NGÀY 13 THÁNG 9 NĂM 1997 HƯỚNG
DẪN THỦ TỤC TRÌNH THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN,BÁO CÁO TRONG HOẠT ĐỘNG KHOÁNG SẢN
VÀ LẬP ĐỀ ÁN KHẢO SÁT, THĂM DÒ KHOÁNG SẢN
Thi hành Luật khoáng sản ngày
20/3/1996 và Nghị định số 68/CP ngày 01/11/1996 của Chính phủ quy định chi tiết
việc thi hành Luật Khoáng sản, ngày 28/01/1997 Bộ trưởng Bộ Công nghiệp đã ký
Quyết định số 190/QĐ-TCCB thành lập Hội đồng thẩm định đề án, báo cáo trong hoạt
động khoáng sản.
Hội đồng thẩm định là cơ quan tư
vấn giúp Bộ trưởng Bộ Công nghiệp trong việc thẩm định các đề án khảo sát, thăm
dò khoáng sản làm cơ sở trình Bộ trưởng Bộ Công nghiệp cấp hoặc không cấp giấy
phép khảo sát, thăm dò khoáng sản, thẩm định các báo cáo kết quả thăm dò khoáng
sản làm vật liệu xây dựng thông thường, thẩm định các báo cáo kết quả thăm dò
khoáng sản không dẫn đến nghiên cứu khả thi về khai thác hoặc trong trường hợp
giấy phép thăm dò chấm dứt hiệu lực trước thời hạn.
Để công tác thẩm định thực hiện
theo đúng quy định, Thông tư này hướng dẫn cụ thể thủ tục trình thẩm định, phê
duyệt đề án, báo cáo trong hoạt động khoáng sản và nội dung lập đề án khảo sát,
thăm dò khoáng sản như sau:
I. THỦ TỤC
TRÌNH THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN,BÁO CÁO KHẢO SÁT, THĂM DÒ KHOÁNG SẢN
1. Các đề án khảo sát, thăm dò
khoáng sản trình duyệt hoặc thẩm định để xin cấp giấy phép khảo sát, thăm dò phải
được thành lập theo đúng quy định tại mục II Thông tư này, phải có chữ ký của
tác giả đề án, chữ ký và dấu của tổ chức, cá nhân xin cấp giấy phép khảo sát,
thăm dò. Hội đồng chỉ thẩm định các đề án khảo sát, thăm dò khi đã nhận đủ hồ
sơ hợp lệ về khảo sát, thăm dò theo "Quy định thủ tục hành chính về giấy
phép hoạt động khoáng sản" do Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ban hành kèm theo
Quyết định số 325/QĐ-ĐCKS ngày 26/02/1997.
2. Đối với các báo cáo kết quả
thăm dò khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, báo cáo khảo sát khoáng
sản đá quý, báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản có vốn đầu tư nước ngoài khi
trình Hội đồng thẩm định phải gửi các văn bản sau đây:
- Công văn trình thẩm định, phê
duyệt báo cáo kết quả khảo sát, thăm dò của tổ chức, cá nhân được phép khảo
sát, thăm dò.
- Ba bản báo cáo lời, trong đó
có 01 bản gốc kèm theo đầy đủ các phụ lục, bản vẽ, tài liệu nguyên thuỷ (kể cả
các số liệu về toạ độ công trình, về kết quả phân tích mẫu các loại...) v.v...
Bản gốc báo cáo lời và hồ sơ kèm
theo phải có chữ ký của tác giả, chữ ký và dấu của tổ chức, cá nhân được cấp giấy
phép thăm dò.
- Bản tóm tắt báo cáo lời nói
trên.
- Sau khi thẩm định, tài liệu
nguyên thuỷ được trả lại cho tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép thăm dò để đưa
vào hồ sơ tài liệu địa chất nộp cho lưu trữ địa chất theo Quy định về giao nộp
và cung cấp tài liệu địa chất và khoáng sản ban hành kèm theo Quyết định số
127/QĐ-ĐCKS ngày 16/01/1997 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp.
3. Trong trường hợp Hội đồng xét
thấy cần kiểm tra thực địa, tổ chức, cá nhân trình duyệt, thẩm định đề án, báo
cáo có trách nhiệm phối hợp và tạo điều kiện cần thiết theo yêu cầu của Hội đồng.
4. Khi bảo vệ đề án, báo cáo tại
Hội đồng, tổ chức, cá nhân trình duyệt, thẩm định phải có mặt; trong trường hợp
vắng mặt phải có giấy uỷ quyền cho người đại diện.
II. NỘI DUNG
CỦA ĐỀ ÁN KHẢO SÁT,THĂM DÒ KHOÁNG SẢN
Bố cục, những chương mục cơ bản
của đề án khảo sát, thăm dò khoáng sản được quy định chi tiết trong phụ lục kèm
theo. Những nội dung của từng chương, mục phải được thể hiện chi tiết phù hợp với
điều kiện địa chất của từng khu vực xin khảo sát, thăm dò cụ thể.
III. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
Thông tư này có hiệu lực sau 15
ngày kể từ ngày ký và được áp dụng thống nhất trong cả nước cho mọi tổ chức, cá
nhân trong nước và nước ngoài có hoạt động khoáng sản.
Cục Địa chất và Khoáng sản Việt
Nam, Sở Công nghiệp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm hướng
dẫn và kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện nếu có
khó khăn vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản phản ánh
kịp thời về Bộ Công nghiệp để xem xét, giải quyết.
HƯỚNG DẪN
NỘI DUNG LẬP ĐỀ ÁN KHẢO SÁT, THĂM DÒ KHOÁNG SẢN
(Phụ lục kèm theo Thông tư số 10/LB-ĐCKS ngày 13/9/1997 của Bộ Công nghiệp
hướng dẫn thủ tục trình thẩm định, phê duyệt đề án, báo cáo trong hoạt động
khoáng sản và lập đề án khảo sát, thăm dò khoáng sản)
MỞ ĐẦU
- Những căn cứ để lập đề án.
- Mục tiêu, nhiệm vụ, đối tượng
khoáng sản xin khảo sát thăm dò.
Chương 1:
ĐẶC ĐIỂM ĐỊA LÝ TỰ NHIÊN
- KINH TẾ NHÂN VĂN.
- Vị trí địa lý, toạ độ, diện
tích khảo sát thăm dò
- Các thông tin về tự nhiên -
kinh tế nhân văn
- Lịch sử nghiên cứu địa chất và
khoáng sản khu vực khảo sát, thăm dò.
Chương 2:
ĐẶC ĐIỂM ĐỊA CHẤT,
KHOÁNG SẢN DIỆN TÍCH KHẢO SÁT THĂM DÒ.
- Đặc điểm địa chất khu vực:
trình bày những nét chính về đặc điểm địa tầng, kiến tạo, macma có trong vùng
thăm dò.
- Đặc điểm khoáng sản, bao gồm:
+ Các biểu hiện, dấu hiệu, tiền
đề có liên quan đến khoáng sản.
+ Sự phân bố khoáng sản trong
không gian, hình dạng, kích thước thân quặng và thành phần vật chất quặng....
+ Đánh giá sơ bộ triển vọng
khoáng sản.
Chương 3:
PHƯƠNG PHÁP THĂM DÒ VÀ
KHỐI LƯỢNG CÁC DẠNG CÔNG TRÌNH
1. Cơ sở lựa chọn phương pháp
khảo sát, thăm dò:
- Cơ sở chọn phương pháp (lý do
về mục tiêu, loại hình quặng, nguồn gốc, điều kiện thành tạo quặng; thành phần
vật chất, mức độ phân bố quặng, mục đích và hiệu quả của phương pháp, tổ hợp
các phương pháp).
2. Các phương pháp và khối lượng
khảo sát, thăm dò:
- Phương pháp địa chất;
- Phương pháp địa hoá;
- Phương pháp địa vật lý;
- Công tác trắc địa: bao gồm trắc
địa địa hình và trắc địa công trình (tỷ lệ phụ thuộc vào diện tích và mục
tiêu);
- Công tác khoan và khai đào;
- Công tác địa chất thuỷ văn - địa
chất công trình;
- Phương phương lấy, gia công,
phân tích các loại mẫu, nơi gửi phân tích và nơi kiểm tra nội bộ, ngoại bộ;
- Công tác bảo vệ môi trường;
- Công tác văn phòng, lập báo
cáo kết quả khảo sát thăm dò.
Tất cả các dạng công tác trên nhất
thiết phải ghi rõ số lượng, khối lượng và chia cụ thể theo từng giai đoạn, từng
năm thực hiện. Các công trình bắt buộc phải thể hiện trên các bản đồ, sơ đồ bố
trí công trình.
Chương 4:
DỰ KIẾN PHƯƠNG PHÁP TÍNH
TRỮ LƯỢNG.
Nội dung Chương này là trình bày
dự kiến phương pháp, chỉ tiêu tính trữ lượng trên cơ sở dự kiến sử dụng những số
liệu sẽ thu thập được trong quá trình thăm dò. Qua đó, có thể dự báo trữ lượng
và triển vọng về mục tiêu khoáng sản của diện tích đề án.
Chương 5:
TỔ CHỨC THI CÔNG
Dựa vào các căn cứ địa chất,
kinh tế - kỹ thuật và phương pháp, khối lượng trong đề án phải lập kế hoạch, tiến
độ thực hiện các dạng công tác theo những giai đoạn, khối lượng và trình tự phù
hợp.
Trong thiết kế thi công cũng như
áp dụng các phương pháp kỹ thuật phải căn cứ vào các quy trình, quy phạm và các
chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật hiện hành.
Chương 6:
DỰ TOÁN KINH PHÍ THĂM DÒ
Khi lập dự toán ngoài các căn cứ
và danh mục dự toán, cần nêu rõ khả năng các nguồn vốn của chủ đầu tư và khả
năng liên doanh, liên kết về tài chính để đáp ứng đầy đủ khối lượng và đảm bảo
chất lượng của Đề án.
Dự toán phải nêu rõ các đơn giá
sẽ áp dụng, nếu đơn giá nào cần điều chỉnh phải trình bày căn cứ để xác định hệ
số điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế sản xuất, nhưng phải có cơ sở
pháp lý hoặc cơ quan chủ đầu tư chấp thuận bằng văn bản.
KẾT LUẬN
- Dự kiến kết quả thăm dò địa chất
và hiệu quả kinh tế sẽ đạt được.
- Các yêu cầu, kiến nghị khác (nếu
có).
PHẦN PHỤ LỤC
- Bản đồ (sơ đồ) vị trí giao
thông.
- Bản đồ địa chất khu vực, bản đồ
khoáng sản và các bản đồ vùng quặng, thân quặng các tỷ lệ.
- Sơ đồ bố trí công trình và lấy
mẫu.
- Mặt cắt địa chất, khoáng sản.
- Các biểu, bảng khác liên quan.