Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 02/2013/TT-BKHĐT hướng dẫn thực hiện Chiến lược Phát triển bền vững

Số hiệu: 02/2013/TT-BKHĐT Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Kế hoạch và Đầu tư Người ký: Bùi Quang Vinh
Ngày ban hành: 27/03/2013 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 02/2013/TT-BKHĐT

Hà Nội, ngày 27 tháng 03 năm 2013

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ NỘI DUNG CỦA CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2011 - 2020

Căn cứ Nghị định số 116/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cẩu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

Căn cứ Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 160/QĐ-TTg ngày 15 tháng 1 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về Phát triển bền vững giai đoạn 2013 - 2015;

Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 như sau:

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 được phê duyệt tại Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm: Xây dựng chương trình/kế hoạch hành động phát triển bền vững; Lồng ghép các nội dung phát triển bền vững trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phát triển ngành/lĩnh vực; Tổ chức thực hiện phát triển bền vững; Kinh phí thực hiện; Giám sát, đánh giá, báo cáo.

2. Thông tư này áp dụng đối với các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, đoàn thể và cá nhân có liên quan đến việc thực hiện Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Bộ, ngành gồm các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

2. Tổ chức, đoàn thể là cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; cộng đồng doanh nghiệp.

3. Địa phương là các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

4. Chỉ tiêu phát triển bền vững quốc gia là các chỉ tiêu giám sát và đánh giá phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 được ban hành tại Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Chương 2.

XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH/KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CỦA BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG, TỔ CHỨC, ĐOÀN THỂ

Điều 3. Nguyên tắc xây dựng

1. Các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, đoàn thể chủ động xây dựng chương trình/kế hoạch hành động triển khai thực hiện Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 nhằm mục đích phát triển ngành/lĩnh vực, địa phương theo định hướng phát triển bền vững quốc gia.

2. Chương trình/kế hoạch hành động phải đảm bảo sự kết hợp chặt chẽ, hài hòa 3 trụ cột của phát triển bền vững là kinh tế, xã hội và môi trường và được xây dựng cho từng thời kỳ 2011 - 2015 và 2016 - 2020.

3. Chương trình/kế hoạch hành động phải được xây dựng trên cơ sở Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và Kế hoạch hành động Quốc gia về Phát triển bền vững cho từng thời kỳ.

4. Quá trình xây dựng có sự phối hợp, tham gia, tham vấn của các Bộ, sở, ban, ngành liên quan; các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; các nhà khoa học; đại diện cộng đồng doanh nghiệp và dân cư.

Điều 4. Nội dung chương trình/kế hoạch hành động phát triển bền vững

1. Chương trình/kế hoạch hành động của Bộ, ngành, địa phương bao gồm các nội dung sau:

a) Xác định mục tiêu của chương trình/kế hoạch hành động;

b) Xác định các chỉ tiêu giám sát, đánh giá phát triển bền vững ngành/lĩnh vực (đối với các Bộ, ngành) và địa phương (đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương);

c) Xác định các nội dung/nhiệm vụ chủ yếu của ngành/lĩnh vực và địa phương cần thực hiện nhằm:

- Cụ thể hóa các mục tiêu, định hướng ưu tiên của Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020;

- Lồng ghép các nội dung của Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 trong quá trình hoạch định chính sách, xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển của Bộ, ngành, địa phương.

d) Xác định các giải pháp, phương thức tổ chức thực hiện và cơ chế theo dõi, giám sát, đánh giá chương trình/kế hoạch hành động;

e) Đề xuất các đề án, dự án cụ thể để triển khai thực hiện các nội dung của chương trình/kế hoạch hành động.

2. Chương trình/kế hoạch hành động của tổ chức, đoàn thể bao gồm các nội dung sau:

a) Xác định mục tiêu của chương trình/kế hoạch hành động;

b) Xác định các nội dung/nhiệm vụ chủ yếu liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của tổ chức, đoàn thể cần thực hiện để cụ thể hóa các mục tiêu, định hướng ưu tiên của Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020;

c) Xác định các giải pháp, phương thức tổ chức thực hiện và cơ chế theo dõi, giám sát, đánh giá việc thực hiện chương trình/kế hoạch hành động;

d) Đề xuất các dự án cụ thể (nếu có) để triển khai thực hiện các nội dung của chương trình/kế hoạch hành động.

Chương 3.

LỒNG GHÉP CÁC NỘI DUNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG TRONG CHIẾN LƯỢC, QUY HOẠCH, KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ PHÁT TRIỂN NGÀNH/LĨNH VỰC

Điều 5. Nguyên tắc lồng ghép

1. Quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển bền vững phải được lồng ghép vào trong nội dung các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phát triển ngành/lĩnh vực.

2. Đối với những chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phát triển ngành/lĩnh vực xây dựng mới: quan điểm, mục tiêu phát triển bền vững phải được chú trọng, xem xét, cân nhắc ngay từ khi hình thành ý tưởng, định hướng phát triển và quán triệt xuyên suốt trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt, tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phát triển ngành/lĩnh vực.

3. Đối với những chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phát triển ngành/lĩnh vực đã ban hành: trong quá trình triển khai thực hiện, cần rà soát, đánh giá tính bền vững của các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch để đề xuất những điều chỉnh, bổ sung cần thiết.

Điều 6. Yêu cầu lồng ghép

1. Nội dung, trình tự xây dựng và thực hiện, rà soát và điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch thực hiện theo quy định hiện hành.

2. Yêu cầu lồng ghép:

a) Đối với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch xây dựng mới:

- Nghiên cứu các nội dung của Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 để xác định các quan điểm, mục tiêu, nội dung của chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đang xây dựng nhằm đảm bảo xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch theo định hướng phát triển bền vững;

- Lựa chọn các chỉ tiêu phát triển bền vững quốc gia đã được ban hành để đưa vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đang xây dựng:

+ Đối với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội: các chỉ tiêu phát triển bền vững quốc gia đã được ban hành phải được đưa vào hệ thống các chỉ tiêu kinh tế - xã hội - môi trường của chiến lược, quy hoạch, kế hoạch;

+ Đối với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành/lĩnh vực: lựa chọn các chỉ tiêu phát triển bền vững quốc gia đã được ban hành phù hợp với ngành/lĩnh vực để đưa vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành/lĩnh vực.

Trường hợp trong bộ chỉ tiêu phát triển bền vững quốc gia đã được ban hành không có chỉ tiêu liên quan đến ngành/lĩnh vực, cần xác định các chỉ tiêu phát triển bền vững đặc thù của ngành/lĩnh vực trên cơ sở yêu cầu phát triển bền vững để đưa vào hệ thống các chỉ tiêu của chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành/lĩnh vực.

b) Đối với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đã được ban hành:

- Trong quá trình rà soát, đánh giá tình hình triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt, ban hành để đề xuất điều chỉnh, cần tiến hành rà soát, đánh giá tính bền vững của các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch;

Việc rà soát, đánh giá và điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt do cơ quan nhà nước có trách nhiệm lập chiến lược, quy hoạch, kế hoạch thực hiện theo quy định hiện hành.

- Nghiên cứu các nội dung của Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 để điều chỉnh các quan điểm, mục tiêu, nội dung của chiến lược, quy hoạch, kế hoạch nhằm đảm bảo phát triển bền vững;

- Bổ sung các chỉ tiêu phát triển bền vững phù hợp vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch:

+ Đối với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội: bổ sung các chỉ tiêu phát triển bền vững quốc gia chưa có trong hệ thống các chỉ tiêu kinh tế - xã hội - môi trường của chiến lược, quy hoạch, kế hoạch;

+ Đối với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành/lĩnh vực: lựa chọn chỉ tiêu phù hợp trong bộ chỉ tiêu phát triển bền vững quốc gia để bổ sung vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành/lĩnh vực.

Trường hợp trong bộ chỉ tiêu phát triển bền vững quốc gia đã ban hành không có chỉ tiêu liên quan đến ngành/lĩnh vực, cần xây dựng các chỉ tiêu phát triển bền vững đặc thù của ngành/lĩnh vực trên cơ sở yêu cầu phát triển bền vững để bổ sung vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.

Chương 4.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG TẠI CÁC BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG, TỔ CHỨC, ĐOÀN THỂ

Điều 7. Cơ quan thường trực, đơn vị đầu mối về phát triển bền vững

1. Đơn vị kế hoạch/kế hoạch - tài chính hoặc đơn vị chuyên môn chịu trách nhiệm về phát triển bền vững thuộc các Bộ, ngành, tổ chức, đoàn thể là đơn vị đầu mối về phát triển bền vững của các Bộ, ngành, tổ chức, đoàn thể.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là cơ quan thường trực về phát triển bền vững tại địa phương.

Điều 8. Ban chỉ đạo phát triển bền vững ngành

1. Thành lập Ban chỉ đạo

a) Ban chỉ đạo phát triển bền vững ngành được thành lập tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

b) Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quyết định thành lập Ban chỉ đạo phát triển bền vững của ngành/lĩnh vực quản lý.

2. Chức năng, nhiệm vụ của Ban chỉ đạo phát triển bền vững ngành

Ban chỉ đạo phát triển bền vững ngành có nhiệm vụ tham mưu, giúp Bộ trưởng các Bộ, Thủ tưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chỉ đạo:

a) Xây dựng chương trình/kế hoạch hành động của ngành để triển khai thực hiện Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020;

b) Lồng ghép các nội dung của Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 trong quá trình hoạch định chính sách; xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển của ngành/lĩnh vực quản lý;

c) Xây dựng các chỉ tiêu phát triển bền vững phù hợp với điều kiện, đặc thù phát triển của Bộ, ngành mình trên cơ sở mục tiêu phát triển bền vững và các chỉ tiêu giám sát, đánh giá phát triển bền vững quốc gia; tổ chức giám sát, đánh giá các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển bền vững thuộc ngành/lĩnh vực quản lý; xây dựng và thực hiện các mô hình phát triển bền vững ngành;

d) Tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về phát triển bền vững và nội dung của Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020;

đ) Định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, tình hình thực hiện các chỉ tiêu phát triển bền vững ngành/lĩnh vực, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

3. Cơ cấu tổ chức và quy chế làm việc của Ban chỉ đạo phát triển bền vững ngành

a) Cơ cấu tổ chức

Ban chỉ đạo phát triển bền vững ngành gồm có:

- Trưởng Ban chỉ đạo: Lãnh đạo Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

- Phó Trưởng Ban chỉ đạo: Thủ trưởng đơn vị đầu mối về phát triển bền vững thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

- Thành viên Ban chỉ đạo: lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

b) Quy chế làm việc

Các thành viên Ban chỉ đạo phát triển bền vững ngành làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Quy chế làm việc của Ban chỉ đạo được xây dựng trên cơ sở tham chiếu Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh và do Trưởng Ban chỉ đạo phê duyệt và ban hành.

Điều 9. Ban chỉ đạo phát triển bền vững địa phương

1. Thành lập Ban chỉ đạo

a) Ban chỉ đạo phát triển bền vững địa phương được thành lập tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập Ban chỉ đạo phát triển bền vững địa phương.

2. Chức năng, nhiệm vụ của Ban chỉ đạo phát triển bền vững địa phương

Ban chỉ đạo phát triển bền vững địa phương có nhiệm vụ tham mưu, giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo:

a) Xây dựng chương trình/kế hoạch hành động của địa phương để triển khai thực hiện Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020;

b) Lồng ghép các nội dung của Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 trong quá trình hoạch định chính sách; xây dựng và thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;

c) Tổ chức tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức trong cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân về phát triển bền vững, Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và chương trình/kế hoạch hành động của địa phương thực hiện Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020;

d) Tổ chức giám sát, đánh giá các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh, thành phố;

đ) Xây dựng và triển khai các mô hình phát triển bền vững tại địa phương (mô hình làng sinh thái; du lịch sinh thái; phát triển kinh tế bền vững; phát triển nông nghiệp hữu cơ; phòng trừ sâu bệnh tổng hợp; cộng đồng tham gia trồng và bảo vệ rừng; sản xuất các sản phẩm sinh thái; sử dụng vật liệu tái chế; thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; phát triển bền vững cộng đồng và các mô hình phát triển bền vững khác) phù hợp với đặc tính tập quán, trình độ nhận thức của người dân để phổ biến, nhân rộng;

e) Định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, tình hình thực hiện các chỉ tiêu phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh, thành phố, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

3. Cơ cấu tổ chức và quy chế làm việc của Ban chỉ đạo phát triển bền vững địa phương

a) Cơ cấu tổ chức

Ban chỉ đạo phát triển bền vững địa phương gồm có:

- Trưởng Ban chỉ đạo: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

- Phó Trưởng Ban chỉ đạo: Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư;

- Thành viên Ban chỉ đạo: đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan; một số tổ chức, đoàn thể tại địa phương.

b) Quy chế làm việc

Các thành viên Ban chỉ đạo phát triển bền vững địa phương làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Quy chế làm việc của Ban chỉ đạo được xây dựng trên cơ sở tham chiếu Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh và do Trưởng Ban chỉ đạo phê duyệt và ban hành.

Điều 10. Văn phòng phát triển bền vững/Tổ chuyên trách về phát triển bền vững

1. Thành lập Văn phòng phát triển bền vững/Tổ chuyên trách về phát triển bền vững

a) Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và tổ chức, đoàn thể quy định tại Thông tư này căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và hoạt động của mình để quyết định thành lập Văn phòng phát triển bền vững hoặc Tổ chuyên trách về phát triển bền vững, đặt tại đơn vị đầu mối về phát triển bền vững; bố trí cán bộ làm việc kiêm nhiệm hoặc chuyên trách tại Văn phòng/Tổ chuyên trách tùy theo điều kiện thực tế của Bộ, ngành, tổ chức, đoàn thể.

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào nhiệm vụ, quyền hạn của mình và hoạt động của địa phương quyết định thành lập Văn phòng phát triển bền vững hoặc Tổ chuyên trách về phát triển bền vững đặt tại Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; bố trí cán bộ làm việc kiêm nhiệm hoặc chuyên trách tại Văn phòng/Tổ chuyên trách tùy theo điều kiện thực tế của địa phương.

2. Nhiệm vụ của Văn phòng phát triển bền vững/Tổ chuyên trách về phát triển bền vững

a) Văn phòng phát triển bền vũng/Tổ chuyên trách về phát triển bền vững tại các Bộ, ngành, tổ chức, đoàn thể có nhiệm vụ giúp đơn vị đầu mối về phát triển bền vững và Ban chỉ đạo phát triển bền vững ngành thực hiện các nhiệm vụ nêu tại Khoản 2 Điều 8 của Thông tư này.

Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức, đoàn thể quy định cụ thể nhiệm vụ của Văn phòng phát triển bền vững/Tổ chuyên trách về phát triển bền vững.

b) Văn phòng phát triển bền vững/Tổ chuyên trách về phát triển bền vững tại các Sở Kế hoạch và Đầu tư của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ giúp cơ quan thường trực và Ban chỉ đạo phát triển bền vững địa phương thực hiện các nhiệm vụ nêu tại Khoản 2 Điều 9 của Thông tư này.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định cụ thể nhiệm vụ của Văn phòng phát triển bền vững/Tổ chuyên trách về phát triển bền vững.

3. Cơ cấu tổ chức của Văn phòng phát triển bền vững/Tổ chuyên trách về phát triển bền vững

a) Văn phòng phát triển bền vững có Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng và một số chuyên viên là cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm;

b) Tổ chuyên trách về phát triển bền vững có một số cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm và do một lãnh đạo cấp Vụ (đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức, đoàn thể) hoặc lãnh đạo cấp Phòng (đối với các Sở Kế hoạch và Đầu tư) phụ trách;

c) Các cán bộ của Văn phòng phát triển bền vững/Tổ chuyên trách về phát triển bền vững được đảm bảo các điều kiện làm việc cần thiết theo chế độ hiện hành để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao.

Chương 5.

KINH PHÍ THỰC HIỆN

Điều 11. Kinh phí xây dựng và thực hiện chương trình/kế hoạch hành động phát triển bền vững

1. Kinh phí xây dựng chương trình/kế hoạch hành động

a) Kinh phí xây dựng chương trình/kế hoạch hành động ở Trung ương do Ngân sách chi thường xuyên (nguồn chi sự nghiệp) của Trung ương đảm bảo, được bố trí trong dự toán chi ngân sách hàng năm của các Bộ, ngành, tổ chức, đoàn thể. Việc lập dự toán, quản lý sử dụng và thanh quyết toán kinh phí thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước.

b) Kinh phí xây dựng chương trình/kế hoạch hành động ở địa phương do Ngân sách chi thường xuyên (nguồn chi sự nghiệp) của địa phương đảm bảo, được bố trí trong dự toán chi ngân sách hàng năm của các sở, ban ngành của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Việc lập dự toán, quản lý sử dụng và thanh quyết toán kinh phí thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước.

2. Kinh phí thực hiện chương trình/kế hoạch hành động

a) Kinh phí thực hiện chương trình/kế hoạch hành động được sử dụng từ Ngân sách nhà nước do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính cân đối, bố trí hàng năm từ nguồn chi đầu tư phát triển và chi sự nghiệp, đồng thời được sử dụng từ các nguồn huy động khác, bao gồm: nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của các tổ chức quốc tế song phương và đa phương, các tổ chức phi chính phủ; nguồn đóng góp của các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Các Bộ, ngành, tổ chức, đoàn thể và các địa phương chủ động huy động sự tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật để thực hiện chương trình/kế hoạch hành động phát triển bền vững.

b) Căn cứ nhiệm vụ được giao, các cơ quan, đơn vị xây dựng dự toán chi thực hiện chương trình/kế hoạch hành động, tổng hợp chung vào dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm, gửi cơ quan kế hoạch và đầu tư, tài chính để xem xét, tổng hợp theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

Điều 12. Các nhiệm vụ được sử dụng kinh phí chi đầu tư phát triển và chi sự nghiệp của Ngân sách nhà nước

Các nhiệm vụ được bố trí kinh phí trong dự toán chi đầu tư phát triển và chi sự nghiệp của các Bộ, ngành, tổ chức, đoàn thể và các địa phương theo phân cấp Ngân sách nhà nước hiện hành bao gồm:

1. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách pháp luật về phát triển bền vững;

2. Xây dựng và thực hiện các chương trình/kế hoạch hành động nhằm triển khai thực hiện Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020;

3. Giáo dục, truyền thông, nâng cao nhận thức: về phát triển bền vững;

4. Đào tạo tập huấn, nâng cao năng lực quản lý và thực hiện phát triển bền vững;

5. Xây dựng và triển khai các mô hình phát triển bền vững;

6. Nghiên cứu khoa học, công nghệ phục vụ phát triển bền vững;

7. Tổ chức giám sát, đánh giá, báo cáo về phát triển bền vững: xây dựng chỉ tiêu, tính toán các chỉ tiêu, thu thập số liệu.

Điều 13. Kinh phí hoạt động của Ban chỉ đạo phát triển bền vững ngành và địa phương

1. Kinh phí hoạt động của Ban chỉ đạo phát triển bền vững ngành do ngân sách Trung ương đảm bảo và được bố trí trong dự toán chi thường xuyên của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

2. Kinh phí hoạt động của Ban chỉ đạo phát triển bền vững địa phương do ngân sách địa phương đảm bảo và được bố trí trong dự toán chi thường xuyên của Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Việc lập dự toán, quản lý sử dụng và thanh quyết toán kinh phí thực hiện theo các quy định hiện hành.

Điều 14. Kinh phí hoạt động của Văn phòng phát triển bền vững/Tổ chuyên trách về phát triển bền vững

1. Kinh phí hoạt động của Văn phòng phát triển bền vững/Tổ chuyên trách về phát triển bền vững tại các Bộ, ngành, tổ chức, đoàn thể quy định tại Thông tư này được bố trí trong dự toán chi thường xuyên của các Bộ, ngành, tổ chức, đoàn thể.

2. Kinh phí hoạt động của Văn phòng phát triển bền vững/Tổ chuyên trách về phát triển bền vững địa phương được bố trí trong dự toán chi thường xuyên của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Việc lập dự toán, quản lý sử dụng và thanh quyết toán kinh phí thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước.

Chương 6.

GIẢM SÁT, ĐÁNH GIÁ, BÁO CÁO

Điều 15. Giám sát, đánh giá

1. Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổ chức, đoàn thể quy định tại Thông tư này, có trách nhiệm tổ chức giám sát, đánh giá thực hiện phát triển bền vững của ngành/lĩnh vực, địa phương mình.

2. Giám sát, đánh giá thực hiện phát triển bền vững bao gồm những nội dung sau:

a) Giám sát, đánh giá việc lồng ghép các quan điểm, mục tiêu, nội dung phát triển bền vững trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của từng ngành/lĩnh vực, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương;

b) Giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu phát triển bền vững quốc gia, các chỉ tiêu phát triển bền vững ngành/lĩnh vực và địa phương;

c) Giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các định hướng ưu tiên để phát triển bền vững đã được xác định trong Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020; kết quả thực hiện các mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ của chương trình/kế hoạch hành động của các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, đoàn thể;

d) Giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020; việc tổ chức thực hiện chương trình/kế hoạch hành động các cấp để triển khai thực hiện Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và việc thực hiện các chính sách, giải pháp để phát triển bền vững của các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, đoàn thể.

3. Mẫu báo cáo giám sát, đánh giá thực hiện theo hướng dẫn hàng năm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Điều 16. Các chỉ tiêu phát triển bền vững sử dụng trong giám sát, đánh giá

1. Các chỉ tiêu phát triển bền vững sử dụng trong giám sát, đánh giá thực hiện phát triển bền vững bao gồm các chỉ tiêu phát triển bền vững quốc gia, các chỉ tiêu phát triển bền vững ngành/lĩnh vực và địa phương.

2. Các chỉ tiêu phát triển bền vững quốc gia là các chỉ tiêu nêu tại Khoản 4; Điều 2 của Thông tư này (Phụ lục 1).

3. Các chỉ tiêu phát triển bền vững ngành/lĩnh vực do các Bộ, ngành chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng trên cơ sở các mục tiêu, định hướng ưu tiên của Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và các chỉ tiêu giám sát, đánh giá phát triển bền vững quốc gia và trình cấp có thẩm quyền ban hành.

4. Các chỉ tiêu phát triển bền vững địa phương do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành.

Điều 17. Chế độ báo cáo

Trước ngày 20 tháng 12 hàng năm, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, đoàn thể gửi báo cáo giám sát, đánh giá thực hiện phát triển bền vững theo các nội dung quy định tại Khoản 2 Điều 15 của Thông tư này về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Chương 7.

HIỆU LỰC THI HÀNH

Điều 18. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 5 năm 2013 và thay thế Thông tư số 01/2005/TT-BKH ngày 9/3/2005 hướng dẫn triển khai thực hiện Quyết định 153/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Định hướng chiến lược phát triển bền vững Việt Nam.

2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, đoàn thể có trách nhiệm thực hiện Thông tư này.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Các tập đoàn kinh tế; các tổng công ty;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- Công báo; Website Chính phủ; Website Bộ KH&ĐT;
- Sở KH&ĐT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các đơn vị thuộc Bộ KH&ĐT;
- Lưu VT, Vụ KHGDTN&MT (Văn phòng PTBV).

BỘ TRƯỞNG




Bùi Quang Vinh

PHỤ LỤC 1

CÁC CHỈ TIÊU GIÁM SÁT VÀ ĐÁNH GIÁ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2011 - 2020

TT

Chỉ tiêu

Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

Lộ trình thực hiện

2010

2015*

2020**

Kỳ báo cáo

I

Các chỉ tiêu tổng hợp

1

GDP xanh (VND hoặc USD)

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê)

2015

-

-

-

Năm

2

Chỉ số phát triển con người (HDI) (0-1)

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê)

2015

0,733

đạt nhóm trung bình khá của thế giới

đạt nhóm trung bình cao của thế giới

Năm

3

Chỉ số bền vững môi trường (0-1)

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê)

2015

-

-

-

2 năm

II

Các chỉ tiêu kinh tế

4

Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) (số đồng vốn đầu tư thực hiện tăng thêm để tăng thêm 1 đồng GDP)

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê)

2011

5,27

<5,0

<5,0

Năm

5

Năng suất lao động xã hội (USD/lao động)

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê)

2011

1.917

3.900 - 4.000

6.100 - 6.500

Năm

6

Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào tốc độ tăng trưởng chung (%)

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê)

2015

28,2

30,0

35,0

Năm

7

Mức giảm tiêu hao năng lượng để sản xuất ra một đơn vị GDP (%)

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê)

2015

-

2,5 - 3%/năm

2,5 - 3%/năm

Năm

8

Tỷ lệ năng lượng tái tạo trong cơ cấu sử dụng năng lượng (%)

Bộ Công Thương

2011

3

4

5

Năm

9

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) (% so với tháng 12 năm trước)

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê)

2011

11,75

bình quân 5 năm <10

bình quân 5 năm <5

Tháng

10

Cán cân vãng lai (tỷ USD)

Ngân hàng Nhà nước

2011

- 3,524 (năm 2011)

-3,1

<-3,0

Quý, Năm

11

Bội chi Ngân sách nhà nước (%/GDP)

Bộ Tài chính

2011

5,53

4,5

<4,0

Tháng, Quý, Năm

12

Nợ của Chính phủ (%/GDP)

Bộ Tài chính

2011

45,7

60-65

<55,0

Năm

13

Nợ nước ngoài (%/GDP)

Chủ trì: Bộ Tài chính

Phối hợp: Ngân hàng Nhà nước

2011

42,2

<50,0

<50,0

Năm

III

Các chỉ tiêu về xã hội

14

Tỷ lệ nghèo (%)

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê)

2011

10

giảm bình quân 1,5- 2%/năm

giảm bình quân 1,5- 2%/năm

Năm

15

Tỷ lệ thất nghiệp (%)

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê)

2011

2,88

<3,00

<3,00

Quý, năm

16

Tỷ lệ lao động đang làm việc trong nền kinh tế đã qua đào tạo (%)

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê)

2011

40

55

>70

Năm

17

Hệ số bất bình đẳng trong phân phối thu nhập (hệ số Gini) (lần)

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê)

2011

0,425

<0,5

<0,5

Năm

18

Tỷ số giới tính khi sinh (trai/100gái)

Bộ Y tế

2011

111

113

115

Năm

19

Số sinh viên/10.000 dân (SV)

Bộ Giáo dục và Đào tạo

2011

200

250

250

Năm

20

Số thuê bao Internet (số thuê bao/100 dân)

Bộ Thông tin và Truyền thông

2011

30

8,5 (Băng thông rộng)

20 (Băng thông rộng)

Quý, Năm

21

Tỷ lệ người dân được hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (%)

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam

2011

XH:
Y tế: 60
TN:

XH: 38
Y tế: 75
TN: 73

XH: 51
Y tế: 80
TN: 84,5

Năm

22

Số người chết do tai nạn giao thông (người/100.000 dân/năm)

Bộ Công an

2011

13

11

9

Tháng, 6 tháng, Năm

23

Tỷ lệ số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới (%)

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

2015

-

20

50

Năm

IV

Các chỉ tiêu về tài nguyên và môi trường

24

Tỷ lệ che phủ rừng (%)

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

2011

39,7

42-43

45

Năm

25

Tỷ lệ đất được bảo vệ, duy trì đa dạng sinh học (%)

Bộ Tài nguyên và Môi trường

2011

7,6 (2,5 tr. ha)

-

-

Năm

26

Diện tích đất bị thoái hóa (triệu ha)

Bộ Tài nguyên và Môi trường

2015

9,3

-

-

2 năm

27

Mức giảm lượng nước ngầm, nước mặt (m3/người/năm)

Bộ Tài nguyên và Môi trường

2011

2098

-

1770m3/ ng/năm

2 năm

28

Tỷ lệ ngày có nồng độ các chất độc hại trong không khí vượt quá tiêu chuẩn cho phép (%)

Bộ Tài nguyên và Môi trường

2011

-

-

-

Năm

29

Tỷ lệ các đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp xử lý chất thải rắn, nước thải đạt tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng (%)

- Chủ trì: Bộ Xây dựng

- Phối hợp: Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Công Thương

2011

50

60

70

Năm

30

Tỷ lệ chất thải rắn thu gom, đã xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng (%)

- Chủ trì: Bộ Xây dựng

- Phối hợp: Bộ Tài nguyên và Môi trường

2011

83

85

90

Năm

* Theo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015.

** Theo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư 02/2013/TT-BKHĐT ngày 27/03/2013 hướng dẫn thực hiện Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


11.626

DMCA.com Protection Status
IP: 18.117.105.215
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!