VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 94/TB-VPCP
|
Hà Nội, ngày 24
tháng 3 năm 2023
|
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THƯỜNG
TRỰC CHÍNH PHỦ VỀ DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG ĐƯỜNG CAO TỐC BẮC - NAM PHÍA TÂY ĐOẠN
GIA NGHĨA (ĐẮK NÔNG) - CHƠN THÀNH (BÌNH PHƯỚC) VÀ DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG ĐƯỜNG
CAO TỐC NINH BÌNH - NAM ĐỊNH - THÁI BÌNH
Ngày 12 tháng 3 năm 2023, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ
tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp về Dự án đầu tư xây dựng đường
cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước)
và Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình. Cùng dự
cuộc họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần
Hồng Hà; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải; Bộ
trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nạm;
các đồng chí Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh: Ninh Bình, Nam Định,
Thái Bình, Bình Phước và Đắk Nông.
Sau khi nghe báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái
Bình, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước, Ủy ban nhân dân các tỉnh: Ninh Bình, Nam
Định, Đắk Nông và báo cáo của các đơn vị tư vấn; ý kiến phát biểu của các Bộ
trưởng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thường trực Chính phủ đã kết luận
như sau:
1. Về sự cần thiết đầu tư
Văn kiện đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã chỉ
rõ phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, trong đó phát
huy tốt nhất các lợi thế đặc thù của mỗi vùng, địa phương và tăng cường tính
liên kết nội vùng và liên vùng, xây dựng đường bộ cao tốc và nâng cấp mạng lưới
giao thông nội vùng... với mục tiêu đến năm 2030 cả nước có 5.000 km đường bộ
cao tốc. Hiện nay Chính phủ đang quyết tâm chỉ đạo để hoàn thành mục tiêu này,
trong đó đến năm 2025 sẽ phấn đấu hoàn thành khoảng 3.000 km đường bộ cao tốc.
Đến nay, Bộ Chính trị đã ban hành 06 Nghị quyết về
phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh đến năm 2030, tầm nhìn
đến năm 2045 của 6 Vùng chiến lược, trong đó xác định cụ thể nhiệm vụ đầu tư
phát triển các tuyến đường cao tốc liên kết vùng theo quy hoạch.
Bài học kinh nghiệm cho thấy, các địa phương có hạ
tầng giao thông phát triển sẽ có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao (ví dụ như Quảng
Ninh, Hải Phòng, Bình Dương, Ninh Thuận...); hạ tầng giao thông thuận lợi sẽ giảm
chi phí logistics, giảm chi phí đầu vào, thu hút các nhà đầu tư.
Tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia
Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) không chỉ phục vụ phát triển cho Tỉnh
Bình Phước và Đắk Nông, mà còn có vai trò quan trọng cho phát triển cả vùng Tây
Nguyên kết nối khu vực Đông Nam Bộ. Đối với tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Nam
Định - Thái Bình, cùng với tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông khi hoàn thành sẽ
kết nối Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình đến Hải Phòng, tạo động lực
phát triển cho cả vùng Đông Bắc bộ.
Với tầm quan trọng của các tuyến đường này; trên cơ
sở có đủ căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý và thực tiễn, việc sớm triển khai đầu
tư 2 tuyến đường nêu trên theo phương thức đối tác công tư là rất cần thiết.
Hoan nghênh Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình, Ủy ban
nhân dân tỉnh Bình Phước, các địa phương liên quan và các Nhà đầu tư đã tích cực
nghiên cứu, hoàn thiện phương án đầu tư. Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách có
hạn, cần nghiên cứu phương án khả thi, hiệu quả nhất, phù hợp với điều kiện cân
đối vốn từ nay đến năm 2025.
2. Về các dự án cụ thể
a) Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Ninh Bình - Nam
Định - Thái Bình
Thủ tướng Chính phủ đã giao Ủy ban nhân dân tỉnh
Thái Bình là cơ quan có thẩm quyền triển khai Dự án tại văn bản số 657/TTg-CN
ngày 22 tháng 7 năm 2022 và chỉ đạo về phương án đầu tư tại Thông báo số
195/TB-VPCP ngày 04 tháng 7 năm 2022 và văn bản số 8188/VPCP-CN ngày 06 tháng
12 năm 2022 của Văn phòng Chính phủ. Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình tiếp thu
các ý kiến tại cuộc họp để tiếp tục hoàn thiện phương án đầu tư, lưu ý các vấn
đề sau:
- Rà soát lại tổng thể phương án đầu tư bảo đảm tính
đúng, tính đủ sát thực tế, khả thi, phù hợp với quy định; trong đó lưu ý dự
toán công trình (suất vốn đầu tư).
- Đối với đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh
Bình về việc tách đoạn qua địa phận tỉnh Ninh Bình và giao Ủy ban nhân dân tỉnh
Ninh Bình là cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư công; đề nghị của Ủy ban nhân
dân tỉnh Thái Bình về phương án nghiên cứu đầu tư đoạn trên địa bàn tỉnh Nam Định
- Thái Bình theo phương thức đối tác công tư: Giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà
chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và
các địa phương liên quan tính toán lại phương án bảo đảm hiệu quả, khả thi,
đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4 năm
2023. Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình làm việc với Bộ Giao thông vận tải và các
nhà tư vấn tăng tỷ lệ thu xếp vốn của nhà đầu tư tham gia Dự án, đảm bảo phần vốn
góp của Nhà nước không vượt quá 50% tổng mức đầu tư (phân kỳ từ nay đến năm
2025).
b) Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam
phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước)
Thủ tướng Chính phủ đã giao Ủy ban nhân dân tỉnh
Bình Phước là cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án tại văn bản số 658/TTg-CN
ngày 22 tháng 7 năm 2022 và chỉ đạo về phương án đầu tư tại Thông báo số
166/TB-VPCP ngày 06 tháng 6 năm 2022 của Văn phòng Chính phủ.
Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước tiếp thu các ý kiến
tại cuộc họp để hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án, trong đó Nhà
nước đầu tư góp vốn dưới 10.000 tỷ đồng (vì khả năng tài chính còn hạn hẹp và
phân kỳ từ nay đến năm 2025), nhưng nghiên cứu đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4
làn xe hoàn chỉnh để bảo đảm đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.
3. Về tổ chức triển khai thực hiện
Để sớm tổ chức triển khai các dự án có hiệu quả thiết
thực, yêu cầu các cơ quan liên quan cần rút kinh nghiệm để làm tốt nhiệm vụ, cụ
thể:
- Công tác chuẩn bị đầu tư cần tích cực hơn, kỹ lưỡng
hơn và chất lượng hơn. Các đơn vị tư vấn phải nêu cao tinh thần trách nhiệm,
nghiên cứu dự án cần bám sát thực tiễn (ví dụ việc tính toán cao độ đường phù hợp
để bảo đảm dòng chảy, thoát lũ, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm chi phí đầu
tư; tính toán lưu lượng phương tiện, dự toán chi phí đầu tư, phương án tài
chính...), dứt khoát không để tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; bảo đảm cân bằng
lợi ích của nhà nước, người dân và nhà đầu tư.
- Quy mô đường cao tốc phải có quy mô tối thiểu 04
làn xe hoàn chỉnh theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, tránh lãng phí, khó khăn khi đầu
tư mở rộng. Phạm vi giải phóng mặt bằng thực hiện một lần theo quy mô hoàn chỉnh.
- Việc triển khai các dự án nêu trên theo phương thức
PPP cần đảm bảo đúng quy định của pháp luật hiện hành, nhất là tại khoản 2 Điều 26 của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư
(PPP).
- Đa dạng nguồn vốn đầu tư, kết hợp nguồn vốn ngân
sách trung ương, ngân sách địa phương, vốn của nhà đầu tư, vốn vay nước ngoài
và các nguồn vốn hợp pháp khác.
- Các Bộ: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư,
Tài chính và các bộ, ngành chức năng cần tích cực hướng dẫn và phối hợp với các
địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án; chủ
động xử lý các vấn đề thuộc thẩm quyền hoặc đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền
theo đúng quy định.
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ
Tài chính và các cơ quan liên quan xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ về nguồn
vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho các dự án theo quy định (phân kỳ hợp lý
trong cả giai đoạn 2023 - 2025).
- Các địa phương tích cực, chủ động hơn nữa rà soát
các nội dung của dự án để trình cấp có thẩm quyền theo đúng quy định (trong đó
có việc chuyển đổi đất rừng, đất lúa,...); chuẩn bị mỏ vật liệu để giao trực tiếp
cho các nhà đầu tư, nhà thầu phục vụ thi công dự án, xử lý nghiêm các trường hợp
giao mỏ không đúng đối tượng, đầu cơ, nâng giá vật liệu; hoàn thành Báo cáo
nghiên cứu tiền khả thi, trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư
vào tháng 4/2023, đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của Luật PPP.
4. Giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm Tổ trưởng Tổ
công tác chỉ đạo quyết liệt triển khai 02 dự án nêu trên, thành phần Tổ công
tác gồm lãnh đạo các bộ, ngành: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài
chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Văn phòng Chính phủ; đưa 2 công trình, dự
án nêu trên vào Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan, trọng quốc
gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan, đơn vị
liên quan biết, thực hiện./
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
- Các Bộ: GTVT, KH&ĐT, TC;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- UBND các tỉnh: Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Bình Phước, Đắk Nông;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, các vụ: KTTH, QHĐP, TKBT, TH, TGĐ Cổng
TTĐT;
- Lưu: VT, CN (2). Ha
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Nguyễn Cao Lục
|