VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
256/TB-VPCP
|
Hà Nội, ngày 30
tháng 07 năm 2015
|
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ
TƯỚNG VŨ VĂN NINH TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH HẢI DƯƠNG
Ngày 10 tháng 7 năm 2015, Phó Thủ tướng Chính phủ
Vũ Văn Ninh đã thăm, khảo sát thực tế một số mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu
quả, gắn với giảm nghèo bền vững và làm việc với lãnh đạo tỉnh Hải Dương. Tham
gia đoàn công tác với Phó Thủ tướng có
đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch
và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh
và Xã hội và Văn phòng Chính phủ. Tại buổi làm việc với lãnh đạo Tỉnh, sau khi
nghe Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo kết quả
thực hiện kinh tế - xã hội sáu tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp những tháng
cuối năm 2015, việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông
thôn mới và công tác giảm nghèo bền vững và một số kiến nghị của Tỉnh; ý kiến
bổ sung của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và ý kiến của lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Phó
Thủ tướng Vũ Văn Ninh kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Trong bối cảnh thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức nhưng kinh tế
- xã hội của tỉnh Hải Dương tiếp tục giữ ổn định và có những bước phát triển
khá toàn diện. Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng biểu dương, đánh giá
cao những nỗ lực và kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hải Dương
đã đạt được trong thời gian vừa qua, cụ thể
là:
1. Về kinh tế - xã hội: Năm 2014, tăng trưởng kinh
tế đạt 7,7 %; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng nông,
lâm nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ; kim ngạch xuất khẩu và thu ngân sách đều tăng gần 16% so
với năm 2013; giải quyết và tạo việc làm mới cho hơn 33.500 lao động, thu nhập
bình quân đầu người đạt 39 triệu đồng, tăng hơn 11% so với năm 2013; tỷ lệ hộ
nghèo giảm từ 5,82% năm 2013 xuống còn 4,62%.
Sáu tháng đầu năm 2015, tăng trưởng kinh tế tiếp
tục đạt trên 7,8%; thu ngân sách tăng 11% so với cùng kỳ năm 2014; giải quyết
việc làm mới cho trên 17.000 lao động. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế và
chính sách an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm và thực hiện có hiệu quả; tình
hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
2. Về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và công tác giảm nghèo
bền vững:
- Chương trình xây dựng nông thôn mới được Tỉnh
tích cực triển khai và đạt nhiều kết quả,
diện mạo nông thôn toàn tỉnh có nhiều thay đổi; sản xuất tiếp tục phát triển
theo hướng kinh tế hàng hóa; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày
càng được nâng lên; môi trường sinh thái từng bước được cải thiện. Đến nay toàn
Tỉnh đã có 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân các xã trong toàn Tỉnh đạt
12,7 tiêu chí/xã.
- Về công tác giảm nghèo: Tỉnh đã quan tâm và chỉ
đạo quyết liệt công tác giảm nghèo, từ 2011 đến 2014 đã có trên 61 nghìn lượt
hộ nghèo được vay vốn, cấp gần 612 nghìn lượt thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; dạy
nghề miễn phí cho gần 4 nghìn lượt người và hơn 137 nghìn học sinh con hộ nghèo
được hỗ trợ về
giáo dục, hỗ trợ làm nhà cho gần 2.800 hộ nghèo... Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 8,94%
năm 2011 xuống còn 4,27% năm 2014.
Tuy nhiên, Hải Dương cũng còn một số khó khăn, tồn
tại, đó là: Kinh tế tăng trưởng chưa bền vững, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp còn thấp, việc thu hút vốn
đầu tư cho phát triển sản xuất nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng, phát
triển dịch vụ chưa có bước đột phá, dịch vụ tuy đa dạng nhưng nhỏ lẻ, giá trị
thấp... Chương trình xây dựng nông thôn mới chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Đời
sống một bộ phận người lao động vẫn còn nhiều khó khăn do thiếu việc làm, thu
nhập thấp.
II. MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRONG THỜI
GIAN TỚI
Tỉnh tiếp tục phát huy những thành
tựu đã đạt được, phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2015 và cả
nhiệm kỳ 2010 - 2015 mà Nghị quyết tỉnh Đảng bộ đã đề ra. Trong đó, cần tập
trung làm tốt một số nhiệm vụ sau đây:
- Tập trung chỉ đạo và thực hiện
tốt Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 30 tháng 5 năm 2014 của Bộ Chính trị về Đại hội
đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; tổ chức
thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp trong Nghị quyết số 01/NQ-CP của
Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ
đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân
sách nhà nước năm 2015.
- Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu
kinh tế để nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, trong đó chú
trọng tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, giá trị
gia tăng cao, bền vững; theo đó, cần tổ chức sản xuất theo hướng phát triển mô
hình liên kết trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, liên kết tự nguyện giữa
nông dân với nông dân, nông dân với hợp tác xã, với doanh nghiệp, trong đó
doanh nghiệp đóng vai trò quyết định trong việc tìm đầu ra, đặt hàng sản xuất,
xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm sản xuất ổn định, bền vững.
- Huy động mọi nguồn lực nhằm đẩy
nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới,
phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị, thường xuyên, lâu dài, góp phần thực
hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn; làm tốt hơn nữa công tác tuyên
truyền, để người dân hiểu đây là việc của dân, do dân và vì dân, từ đó người
dân sẽ chủ động và tự nguyện tham gia Chương trình. Phấn đấu hết năm 2015 toàn
Tỉnh đạt trên 25% số xã đạt chuẩn nông
thôn mới;
Thực hiện tốt các chính sách an
sinh xã hội, phát triển y tế, giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xóa
đói giảm nghèo nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường. Đảm bảo an ninh chính trị,
trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH
1. Về những nội dung góp ý vào dự
thảo Luật Quy hoạch: Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét đề nghị của Tỉnh trong quá trình xây dựng Luật Quy hoạch.
2. Về nâng cao chất lượng, hiệu
quả hoạt động của Ban chỉ đạo điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm;
ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù đối với các địa phương trong các
vùng kinh tế trọng điểm: Giao các Bộ Kế hoạch
và Đầu tư, Tài chính xem xét, nghiên cứu, đề xuất cụ thể, báo cáo Thủ tướng
Chính phủ.
3. Về việc ban hành Nghị định,
Thông tư hướng dẫn thi hành các Luật vừa được Quốc hội ban hành (Luật Xây dựng,
Luật Đầu tư công, Luật doanh nghiệp, Luật Đầu tư): Các Bộ Kế hoạch và Đầu tư,
Tài chính, Xây dựng khẩn trương trình Chính phủ ban hành kịp thời các Nghị định
hướng dẫn Luật để các địa phương có cơ sở
triển khai thực hiện.
4. Đối với một số chính sách liên
quan đến công tác giảm nghèo:
- Về việc ban hành chuẩn nghèo và
phương pháp đánh giá nghèo đa chiều; quy trình, bộ công cụ đánh giá xác định hộ
nghèo; chính sách mang tính hỗ trợ, khuyến khích đối với những hộ thoát nghèo, chính sách trợ giúp các đối tượng
cần bảo trợ xã hội: Bộ Lao động - Thương binh vã Xã hội chủ trì, xem xét, đề xuất cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
- Về tiếp tục thực hiện chính sách
hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo: Đồng ý chủ
trương, giao các Bộ Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu đề
nghị trên trong quá trình xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 -
2020, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
5. Đối với một số chính sách trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc
gia xây dựng nông thôn mới:
- Về tăng mức hỗ trợ trực tiếp
kinh phí xây dựng nông thôn mới cho Tỉnh và ủy quyền cho địa phương phân bổ
nguồn vốn trung ương giao cho xã để tập trung được nguồn lực, không bị dàn
trải; có cơ chế chính sách để thu hút nhiều hơn nữa các doanh nghiệp đầu tư vào
lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; tăng cường việc hướng dẫn thực hiện, giải pháp
cụ thể khi thực hiện các tiêu chí về nông thôn mới: Giao Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ Kế
hoạch và Đầu tư, Tài chính và Ngân hàng nhà nước Việt Nam xử lý cụ thể
theo thẩm quyền; đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính
phủ;
- Về hỗ trợ lãi suất tín dụng phục
vụ sản xuất nông nghiệp và thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới: Ngân hàng nhà
nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xử
lý cụ thể đề nghị của Tỉnh.
6. Về tiến độ triển khai Dự án đầu
tư xây dựng Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương: Giao Bộ Công Thương đôn đốc Chủ đầu tư Dự án nêu trên khẩn trương hoàn tất các
thủ tục để khởi công xây dựng công trình.
7. Về hỗ trợ vốn (phần còn thiếu
hơn 89 tỷ đồng) Dự án xây dựng nút giao lập thể tại điểm giao đường sắt Hà Nội
- Hải Phòng - Quốc lộ 5 - đường 390; phần kinh phí hỗ trợ từ trung ương chưa thực
hiện (103 tỷ đồng) Dự án cầu Hàn và đường dẫn hai đầu cầu: Các Bộ Kế hoạch và
Đầu tư, Tài chính tổng hợp vào kế hoạch vốn trung hạn 2016 - 2020 và phương án
ứng vốn cho các Dự án trên theo chỉ đạo của
Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 850/TTg-KTTH ngày 27 tháng 4 năm 2015.
8. Về hỗ trợ vốn cho Dự án đầu tư xây
dựng đường trục Bắc - Nam: Tỉnh rà soát, lựa chọn các hạng mục cấp thiết để
phân kỳ đầu tư phù hợp, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp vào kế hoạch vốn
trung hạn 2016 - 2020, theo quy định của Luật đầu tư công.
9. Về cho phép Tỉnh sử dụng 50%
nguồn tăng thu ngân sách năm 2014 để thực hiện cải cách tiền lương và hỗ trợ
giải quyết các vấn đề khó khăn về kinh tế - xã hội của Tỉnh: Bộ Tài chính khẩn
trương rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
10. Về việc ghi giảm số vốn (hơn
108 tỷ đồng) khi tiếp nhận Khu công nghiệp Lai Vu từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam:
Bộ Tài chính xem xét đề nghị của Tỉnh, giải quyết theo quy định; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo
để Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương và các Bộ,
cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng,
các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và PTNT, Lao động - TBXH,
Giao thông vận tải, Công Thương, Xây dựng;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hải Dương;
- VPCP: BTCN, các PCN, Thư ký PTTgCP, các Vụ: TKBT, KTTH, KTN, KGVX, TH; TGĐ
Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, V.III (3b) Vinh.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Nguyễn Văn Tùng
|