BỘ GIAO THÔNG VẬN
TẢI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 218/TB-BGTVT
|
Hà Nội, ngày 06
tháng 07 năm 2023
|
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI NGUYỄN VĂN THẮNG
TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH THỪA THIÊN HUẾ VỀ MỘT SỐ DỰ ÁN ĐẦU TƯ KẾT CẤU
HẠ TẦNG GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN - HUẾ
Ngày 22/6/2023, tại Trụ sở Bộ
Giao thông vận tải (GTVT), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã chủ trì buổi
làm việc với Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế về một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng
giao thông trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế. Tham dự buổi làm việc, về phía tỉnh
Thừa Thiên - Huế có đồng chí Lê Trường Lưu - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh
ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, đồng chí Nguyễn Quang Tuấn
- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; đồng chí Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch
Thường trực UBND tỉnh cùng Lãnh đạo các Sở, ban ngành của tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Về phía Bộ Giao thông vận tải, tham dự họp có Thứ trưởng Lê Đình Thọ, Lãnh đạo
các cơ quan, đơn vị: Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Vụ Hợp
tác quốc tế, Văn phòng Bộ, Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Cục Hàng hải Việt Nam,
Cục Hàng không Việt Nam, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo các
doanh nghiệp Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Hàng
không Việt Nam (Vietnam Airlines), Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet.
Sau khi nghe Lãnh đạo UBND tỉnh
Thừa Thiên - Huế báo cáo về một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trên
địa bàn và một số kiến nghị, đề xuất; ý kiến phát biểu của đồng chí Lê Trường
Lưu - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn đại
biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế; ý kiến của Thứ trưởng Lê Đình Thọ và ý kiến
của các cơ quan, đơn vị tham dự buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng
kết luận như sau:
I. Đánh giá
chung
Bộ GTVT chúc mừng và đánh giá
cao những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đạt
được trong thời gian qua. Thừa Thiên - Huế có lịch sử hình thành và phát triển
lâu dài với nhiều di tích lịch sử cách mạng; văn hóa nổi tiếng, đa dạng, đặc sắc;
là một trong những trung tâm văn hoá, du lịch, giáo dục đào tạo, y tế lớn của cả
nước và là cực phát triển kinh tế quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm miền
Trung. Thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với tỉnh trong công
tác quản lý nhà nước về các lĩnh vực GTVT cũng như đầu tư phát triển hạ tầng
giao thông trên địa bàn tỉnh nhằm góp phần đảm bảo phục vụ cho việc kết nối,
giao thương, khai thác hiệu quả các tiềm năng lợi thế để phát triển kinh tế -
xã hội của tỉnh Thừa Thiên -Huế và khu vực.
II. Về một số
kiến nghị của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế
1. Về nâng cấp đường lăn song
song với chiều dài 2.700m, hệ thống ILS/DME CAT 1 đầu 27 tại CHKQT Phú Bài với
tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 800 tỷ đồng:
Vừa qua, CHKQT Phú Bài đã được
quan tâm, đầu tư một số công trình hạ tầng thiết yếu như xây dựng mới (nhà ga
hành khách T2, mở rộng sân đỗ máy bay, nâng công suất khai thác của khu hàng
không dân dụng lên khoảng 6,5 triệu hành khách/năm; các công trình hạ tầng khu
bay, đường cất hạ cánh và các đường lăn) có thể đáp ứng công suất khai thác khoảng
2,5-2,7 triệu HK/năm.
Theo định hướng Quy hoạch, giai
đoạn đến 2030, Cảng HKQT Phú Bài được quy hoạch công suất 7,0 triệu HK/năm. Để
bảo đảm năng lực vận tải hàng không ngày càng tăng cao theo quy hoạch, Bộ GTVT
thống nhất với sự cần thiết nghiên cứu đầu tư xây dựng đường lăn song song, thiết
bị hạ cánh như đề xuất của Tỉnh. Bộ GTVT đã giao Cục Hàng không Việt Nam rà
soát tình hình khai thác, xây dựng phương án phân kỳ đầu tư, báo cáo Bộ GTVT
xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí nguồn vốn để triển khai đầu tư
2. Về đề nghị Bộ GTVT cho phép tăng
số chuyến bay trên ngày đối với các đường bay Huế - Tp. Hà Nội và Huế - Tp. Hồ
Chí Minh:
Hiện nay đã có 4 hãng hàng
không khai thác các chặng bay đến Cảng HKQT Phú Bài cơ bản đáp ứng đầy đủ về
nhu cầu về vận tải hàng không. Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên
quan tạo điều kiện cho các hãng hàng không khai thác chặng bay đến Huế cả ở các
đường bay nội địa lẫn quốc tế đi đến CHKQT Phú Bài. Tuy nhiên, để thu hút lượng
khách quốc tế, khách nội địa đi và đến Huế trong thời gian tới, đề nghị Tỉnh
tăng cường công tác quảng bá các sản phẩm du lịch chủ đạo, phát triển các sản
phẩm du lịch thế mạnh của địa phương trên cơ sở lấy văn hoá Huế làm nền tảng;
cùng với đó, liên kết với các địa phương để kết nối các sản phẩm du lịch liên
vùng - miền để hình thành một số sản phẩm tour tuyến, tăng thêm lượng khách quốc
tế và nội địa đến Huế. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo Cục Hàng không Việt
Nam tiếp tục làm việc với các hãng hàng không nghiên cứu việc tăng tần suất
khai thác trên các đường bay từ Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đến
Huế như đề nghị của Tỉnh.
3. Về đề nghị sớm phê duyệt nhiệm
vụ, lập điều chỉnh quy hoạch CHKQT Phú Bài thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến
2050:
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt
Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời
kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 648/QĐ-TTg ngày
07/6/2023. Giao Cục Hàng không Việt Nam khẩn trương rà soát, xây dựng nhiệm vụ
lập quy hoạch các cảng hàng không thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (trong
đó có CHKQT Phú Bài) làm cơ sở triển khai lập, phê duyệt quy hoạch, bảo đảm phù
hợp với Quy hoạch hệ thống cảng hàng không toàn quốc được duyệt.
4. Về bố trí nguồn vốn để ưu
tiên đầu tư Dự án nâng cấp mở rộng QL.49 đoạn từ đường Hồ Chí Minh ra cặp cửa
khẩu chính Hồng Vân/Cô Tài:
Bộ GTVT đã giao Cục Đường bộ Việt
Nam lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án cải tạo, nâng cấp QL.49 đoạn
qua tỉnh Thừa Thiên - Huế và tổng hợp gửi Bộ KH&ĐT để dự kiến đầu tư trong
kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, kinh phí khoảng 1.775 tỷ
đồng. Tuy nhiên, do kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ
GTVT đã được Quốc hội thông qua, trong đó, nguồn lực tập trung chủ yếu cho các
dự án động lực quan trọng, cấp bách, nên chưa thể cân đối bố trí đầu tư Dự án
này. Trong thời gian tới, nếu cân đối được nguồn vốn sẽ ưu tiên đầu tư đoạn tuyến
này. Trước mắt, giao Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, Cục Đường bộ Việt Nam
nghiên cứu, xem xét bố trí kinh phí từ nguồn vốn bảo trì để xử lý 1 số đoạn đường
cong, đào bạt tầm nhìn, hạ các đoạn có độ dốc dọc lớn đảm an toàn giao thông
trên tuyến.
5. Về xem xét đầu tư nâng cấp,
mở rộng tuyến đường Tỉnh lộ 9 đoạn từ QL1 (Km798+300) đến tuyến đường bộ cao tốc
Cam Lộ - La Sơn với chiều dài ~9km, kinh phí khoảng 300 tỷ đồng:
Theo quy định của Luật Ngân
sách, việc đầu tư nâng cấp TL.9 thuộc thẩm quyền của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đề
nghị UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế chủ động cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương
để triển khai thực hiện. Trường hợp khó khăn về nguồn vốn, đề nghị Tỉnh làm việc
với Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét hỗ trợ từ
nguồn vốn ngân sách trung ương.
6. Về Xây dựng đường gom nối từ
Tỉnh lộ 15 đến nút giao liên thông thuộc Tỉnh lộ 14B:
Dự án đường bộ cao tốc Bắc -
Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn đã đầu tư đoạn nối từ Km99 đến nút giao TL14B đảm bảo
kết nối giữa TL15 với tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn như đã thống nhất với địa
phương. Hiện nay, Dự án đã đưa vào khai thác từ 31/12/2022 và Bộ GTVT đã chỉ đạo
Ban QLDA đường Hồ Chí Minh hoàn thành các hạng mục đường gom còn lại trước
30/6/2023. Với đề nghị mở rộng, bổ sung đường song hành cần có thời gian để
hoàn chỉnh các thủ tục về đầu tư như: Cân đối nguồn vốn còn lại của Dự án; thực
hiện công tác khảo sát, thiết kế, GPMB bổ sung và thi công...Do vậy, Bộ GTVT
ghi nhận kiến nghị của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế để nghiên cứu bổ sung trong
giai đoạn đầu tư hoàn thiện tuyến đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn.
7. Về kiến nghị cập nhật, hiệu
chỉnh số liệu quy hoạch cảng biển Thừa Thiên - Huế vào “Quy hoạch chi tiết nhóm
cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021 -
2030, tầm nhìn đến năm 2050” theo đề nghị tại văn bản số 4048/UBND-GT ngày
27/4/2023:
Bộ GTVT ghi nhận kiến nghị của
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và đã giao Cục Hàng hải Việt Nam tổng hợp đề nghị
nêu trên của Tỉnh trong quá trình thực hiện rà soát, hoàn thiện “Quy hoạch
chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời
kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ
đạo các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ với Cục Hàng hải Việt Nam trong quá
trình hoàn thiện Quy hoạch, đảm bảo sự thống nhất, tính khả thi của quy hoạch.
8. Về danh mục dự án kêu gọi đầu
tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông cảng biển Thừa Thiên - Huế giai đoạn
2023 - 2030:
- Về đầu tư bến số 6, 7, 8 và bến
tàu khách quốc tế tại Khu bến Chân Mây: Bộ GTVT ủng hộ và đề nghị UBND tỉnh Thừa
Thiên Thiên - Huế triển khai kêu gọi đầu tư theo quy định.
- Về đầu tư đê chắn cát Khu bến
Chân Mây: Giai đoạn 1 của Dự án đã được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế hoàn thành đầu
tư từ vốn ngân sách địa phương. Giai đoạn 2 của Dự án đang được triển khai thi
công, Bộ GTVT thống nhất ủng hộ và đề nghị Tỉnh chỉ đạo sớm hoàn thành, đưa dự
án vào khai thác.
- Về đầu tư cải tạo luồng hàng
hải Chân Mây cho tàu 70.000 tấn: Theo Quy hoạch, giai đoạn đến năm 2030 sẽ cải
tạo, nâng cấp luồng hàng hải Chân Mây cho tàu trọng tải đến 50.000 tấn đầy tải.
Hiện chuẩn tắc luồng tàu Chân Mây đã đảm bảo cho cỡ tàu đến 50.000 tấn giảm tải
lưu thông, cơ bản đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa, cỡ tàu vận tải trên luồng.
Bộ GTVT ghi nhận kiến nghị của tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong thời gian tới, căn
cứ nhu cầu vận tải sẽ chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam nghiên cứu đầu tư nâng cấp
đáp ứng cỡ tàu 50.000 tấn đầy tải phù hợp theo quy hoạch.
Thừa lệnh Bộ trưởng Bộ GTVT,
Văn phòng Bộ thông báo để các cơ quan, đơn vị liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận:
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Thứ trưởng Bộ GTVT (để b/c);
- Tỉnh ủy, UBND, HĐND, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế;
- Các cơ quan, đơn vị dự họp;
- Lưu VT, THTT (Tuấn).
|
TL. BỘ TRƯỞNG
CHÁNH VĂN PHÒNG
Uông Việt Dũng
|