QUY CHẾ
CHO VAY ĐẦU TƯ CỦA QUỸ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN KIÊN
GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 859/QĐ-UBND ngày 05 tháng 4 năm 2010 của Chủ
tịch Hội đồng quản lý Quỹ Đầu tư phát triển Kiên Giang)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều
chỉnh
Quy chế này quy định về việc cho vay đầu tư của
Quỹ Đầu tư phát triển Kiên Giang (sau đây gọi tắt là Quỹ) đối với khách hàng vay
không phải là tổ chức tín dụng nhằm đáp ứng nhu cầu đối tượng cho vay quy định
tại Điều 3 của Quy chế này.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Khách hàng vay tại Quỹ (chủ đầu tư) là các tổ
chức có tư cách pháp nhân hoặc các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế;
có nhu cầu vay vốn, có khả năng trả nợ để thực hiện các dự án đầu tư.
2. Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Điều 3. Đối tượng cho
vay
1. Đối tượng cho vay là các dự án đầu tư kết cấu
hạ tầng có phương án thu hồi vốn trực tiếp thuộc các chương trình, mục tiêu
theo chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, bao gồm:
a) Các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật;
các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng của khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh
tế, khu công nghệ cao; các dự án phụ trợ bên ngoài hàng rào khu công nghiệp,
khu chế xuất, khu kinh tế và khu công nghệ cao; các dự án đầu tư xây dựng nhà ở
và các dự án phát triển khu đô thị mới; các dự án bảo vệ và cải tạo môi trường.
b) Các dự án về giao thông; cấp nước; nhà ở khu
đô thị, khu dân cư; di chuyển sắp xếp lại các cơ sở sản xuất; xử lý rác thải của
các đô thị.
c) Các dự án thuộc ngân sách địa phương đầu tư
nhưng chưa có nguồn vốn bố trí theo chỉ định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Các dự án thuộc danh mục ngành, nghề của địa
phương có yêu cầu phát triển trong từng thời kỳ, bao gồm: đầu tư
cơ sở hạ tầng kinh doanh, khai thác chợ; đầu tư xây dựng trung tâm thương mại;
đầu tư phát triển khu du lịch; khai thác, sản xuất, chế biến lương thực, thực
phẩm, vật liệu xây dựng, nông thủy sản; các dự án đầu tư phát triển công nghiệp
cơ khí; các dự án xã hội hóa về giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao,
môi trường...
3. Các dự án quan trọng khác do Chủ
tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.
Điều 4. Giải thích từ ngữ
Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới
đây được hiểu như sau:
1. Cho vay: là một
hình thức cấp tín dụng, theo đó Quỹ giao cho khách hàng vay sử dụng một khoản
tiền để sử dụng vào mục đích và thời gian nhất định theo thỏa thuận với nguyên
tắc hoàn trả gốc và lãi.
2. Khách hàng vay: là
các tổ chức có tư cách pháp nhân, các doanh nghiệp thuộc
các thành phần kinh tế, các hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã, các hộ kinh
doanh (do một cá nhân, hoặc một nhóm người hoặc một hộ gia đình làm chủ) có
đăng ký kinh doanh theo quy định hiện hành của Nhà nước về đăng ký kinh doanh;
các chủ trang trại, các hộ nông dân, hộ ngư dân; các đơn vị sự nghiệp công lập
có hoạt động sản xuất, kinh doanh.
3. Dự án đầu
tư, báo cáo kinh tế kỹ thuật (sau đây gọi tắt là dự án) do khách hàng gửi đến
Quỹ: là một tập hợp những đề xuất, trong đó có nhu cầu vốn, vay vốn, cách thức
sử dụng vốn và cách thức trả nợ vay trong một khoảng thời gian nhất định.
4. Khả năng
tài chính của khách hàng vay: là khả năng về vốn, tài sản của khách hàng vay để
bảo đảm hoạt động thường xuyên và thực hiện các nghĩa vụ thanh toán.
5. Vốn hoạt động:
là tổng số vốn chủ sở hữu và vốn huy động của Quỹ tại một thời điểm.
6. Cho vay hợp
vốn: là việc Quỹ và các tổ chức tín dụng khác cùng cho vay vốn đầu tư một dự án,
trong đó Quỹ hoặc một tổ chức tín dụng khác đứng ra làm đầu mối phối hợp và thực
hiện cho vay.
7. Thời hạn
cho vay: là khoảng thời gian được tính từ khi khách hàng vay bắt đầu ký kết hợp
đồng nhận vốn cho đến thời điểm trả hết nợ gốc và lãi vốn vay đã được thỏa thuận
trong hợp đồng tín dụng giữa Quỹ và khách hàng vay.
8. Thời hạn ân
hạn: là khoảng thời gian thực hiện dự án mà chủ đầu tư chưa phải trả nợ gốc;
nhưng phải trả nợ lãi. Thời điểm bắt đầu trả nợ gốc là thời điểm kết thúc thời
gian ân hạn.
9. Thời hạn trả
nợ: là khoảng thời gian từ khi trả nợ khoản vay lần đầu tiên cho đến khi trả hết
nợ vay theo hợp đồng tín dụng (gốc và lãi).
10. Kỳ hạn trả
nợ: là khoảng thời gian trong thời hạn cho vay đã được thỏa thuận giữa Quỹ và khách hàng vay mà tại mỗi cuối khoảng thời gian đó
khách hàng vay phải trả một phần hoặc toàn bộ tiền vay
cho Quỹ. Kỳ hạn trả nợ và mức trả nợ trong từng thời kỳ được xác định phù hợp với
chu kỳ sản xuất kinh doanh của dự án và khả năng trả nợ của chủ đầu tư.
11. Cơ cấu lại
thời hạn trả nợ: là việc Quỹ thay đổi (kéo dài) kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ vay đối
với các khoản vay của khách hàng theo 2 phương thức sau:
a) Điều chỉnh
kỳ hạn trả nợ: là việc Quỹ chấp thuận thay đổi kỳ hạn trả
nợ gốc và/hoặc lãi vốn vay trong phạm vi thời hạn cho vay đã thỏa thuận trước
đó trong hợp đồng tín dụng, mà kỳ hạn trả nợ cuối cùng không thay đổi.
b) Gia hạn nợ vay: là việc Quỹ chấp
thuận kéo dài thêm một khoảng thời gian trả nợ gốc và/hoặc lãi vốn vay, vượt
quá thời hạn cho vay đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng.
Điều 5. Nguyên tắc vay vốn
Khách hàng vay vốn của Quỹ phải đảm
bảo:
1. Dự án có hiệu
quả kinh tế - xã hội.
2. Sử dụng vốn vay đúng mục đích
đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng.
3. Hoàn trả nợ gốc và lãi vốn vay
đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng.
Điều 6. Điều kiện cho vay
Quỹ xem xét và quyết định cho vay
khi khách hàng có đủ các điều kiện sau:
1. Các dự án phải thuộc đối tượng
quy định tại Điều 3 của Quy chế này.
2. Đã hoàn thành thủ tục đầu tư
theo quy định của pháp luật. Hồ sơ dự án phải đầy đủ, hợp pháp, hợp lệ, chính
xác và trung thực.
3. Chủ đầu tư phải có bộ máy quản
lý đủ năng lực và trình độ chuyên môn để điều hành hoạt động của dự án.
4. Người đại diện theo pháp luật của
chủ đầu tư có năng lực chuyên môn, kinh nghiệm trong lĩnh vực của dự án hoặc
lĩnh vực liên quan đến dự án.
5. Dự án khả thi và có hiệu quả,
phù hợp với quy định của pháp luật và được Quỹ thẩm định (phương án tài chính,
phương án trả nợ) chấp thuận cho vay.
6. Phải bảo đảm đủ nguồn vốn để thực
hiện dự án và các điều kiện tài chính cụ thể của phần vốn đầu tư ngoài phần vốn
vay của Quỹ.
7. Thực hiện bảo đảm tiền vay theo
các quy định của Quỹ.
8. Có cam kết mua bảo hiểm đối với
tài sản hình thành từ vốn vay hoặc tài sản khác không hình thành từ vốn vay nhưng
được dùng đảm bảo tiền vay tại Quỹ thuộc đối tượng mua bảo hiểm bắt buộc tại một
công ty bảo hiểm được phép hoạt động tại Việt Nam.
Trường hợp dự án đã được quyết định
đầu tư, hoặc dự án đang thực hiện đầu tư bằng các nguồn vốn khác; nếu có nhu cầu
vay vốn của Quỹ thì có thể xem xét cho vay nếu dự án và chủ đầu tư đảm bảo điều
kiện vay vốn theo quy định.
Điều 7. Thể loại cho vay
Quỹ xem xét quyết định cho khách
hàng vay theo các thể loại trung hạn và dài hạn như sau:
1. Cho vay trung hạn là các khoản
vay có thời hạn cho vay từ trên 12 tháng đến 60 tháng.
2. Cho vay dài hạn là các khoản
vay có thời hạn cho vay từ trên 60 tháng trở lên.
Điều 8. Thời hạn cho vay và thời hạn ân hạn
1. Thời hạn cho vay được xác định theo
khả năng thu hồi vốn của dự án và khả năng trả nợ của khách hàng vay phù hợp với
đặc điểm sản xuất, kinh doanh của từng dự án nhưng tối đa là 15 năm. Trường hợp
đặc biệt vay trên 15 năm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.
2. Thời hạn ân hạn là khoảng thời
gian từ khi rút vốn lần đầu đến khi dự án bắt đầu trả nợ gốc và được xác định
phù hợp với thời gian xây dựng dự án. Thời hạn ân hạn không quá 01 năm.
Điều 9. Trả nợ vay
1. Quỹ và khách hàng thỏa thuận việc
trả nợ gốc và lãi vốn vay như sau:
a) Các kỳ hạn trả nợ gốc.
b) Các kỳ hạn trả lãi vốn vay cùng
với kỳ hạn trả nợ gốc hoặc theo kỳ hạn riêng.
2. Khách hàng vay có trách nhiệm
trả nợ cho Quỹ theo đúng hợp đồng tín dụng đã ký.
3. Trong thời gian ân hạn, khách
hàng vay chưa phải trả nợ gốc nhưng phải trả lãi theo hợp đồng tín dụng đã ký.
4. Quỹ và
khách hàng có thể thỏa thuận về điều kiện, số lãi vốn vay, phí phải trả (nếu
có) trong trường hợp khách hàng trả nợ trước hạn.
5. Sau thời hạn
10 ngày làm việc kể từ ngày đến hạn trả nợ, khách hàng vay vốn không trả được nợ
vay của kỳ hạn đó thì số nợ gốc và lãi chậm trả phải chịu lãi suất quá hạn theo
khoản 4, Điều 11 của Quy chế
này.
6. Trường hợp khách hàng vay không
trả được nợ hoặc trả nợ không đủ, Quỹ có trách nhiệm thu hồi nợ từ các tổ chức
bảo lãnh theo đúng cam kết bảo lãnh (nếu có).
7. Đối với khoản nợ vay không trả
nợ đúng hạn, được Quỹ đánh giá là không có khả năng trả nợ đúng hạn và không chấp
thuận cho cơ cấu lại thời hạn trả nợ, thì số dư nợ gốc của hợp đồng tín dụng đó
là nợ quá hạn và Quỹ có các biện pháp để thu hồi nợ. Quỹ phân loại toàn bộ số
dư nợ gốc của khách hàng vay có nợ quá hạn vào tài khoản cho vay thích hợp theo
Quy chế dự phòng rủi ro của Quỹ.
8. Trường hợp liên tiếp 06 tháng
khách hàng vay không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trả nợ gốc
và lãi theo hợp đồng tín dụng và các Phụ lục hợp đồng đã ký; sau khi áp dụng
các biện pháp tận thu, Quỹ được xem xét xử lý tài sản bảo đảm tiền vay để thu hồi
nợ.
Trình tự, thủ tục xử lý tài sản bảo
đảm thực hiện theo Quy chế bảo đảm tiền vay của Quỹ.
Điều 10. Đồng tiền cho vay là đồng tiền Việt Nam và trả
nợ bằng đồng Việt Nam
Điều 11. Lãi suất cho vay
1. Khung lãi suất cho vay do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định ban hành
trên cơ sở đề nghị của Hội đồng quản lý Quỹ.
2. Lãi suất cho vay cho từng loại
dự án cụ thể do người quyết định cho vay quyết định nhưng phải đảm bảo:
a) Không thấp hơn lãi suất tín dụng
đầu tư của Nhà nước theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính trong từng thời
kỳ.
b) Đối với các dự án sử dụng nguồn
vốn ODA (nếu có), lãi suất cho vay lại thực hiện theo quy định của Chính phủ về
quản lý vay và trả nợ nước ngoài.
3. Lãi suất cho vay được xác định
tại thời điểm ký hợp đồng tín dụng lần đầu tiên. Lãi suất cho vay có thể được
điều chỉnh cho thích hợp với khung lãi suất từng thời điểm do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định ban hành
(được thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng tín dụng).
4. Lãi suất nợ quá hạn (gốc, lãi) bằng 150%
lãi suất cho vay trong hạn ghi trong hợp đồng tín dụng, được tính trên số nợ gốc
và lãi chậm trả.
Điều 12. Mức cho vay
Mức vốn cho vay đối với một dự án
(không bao gồm vốn lưu động) tối đa bằng 15% vốn hoạt động của Quỹ tại thời điểm
thực hiện. Trường hợp trên 15%, vốn chủ sở hữu do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh
quyết định.
Điều 13. Thẩm định và thẩm định lại dự án
1. Thẩm định dự án của Quỹ là việc
Quỹ thực hiện các hoạt động nghiệp vụ nhằm nhận xét đánh giá các vấn đề liên
quan đến phương án tài chính, phương án trả nợ vốn vay của dự án để quyết định
cho vay.
2. Quỹ thẩm định lại dự án trong
các trường hợp sau:
a) Dự án có thay đổi so với quyết
định đầu tư đã phê duyệt và được người có thẩm quyền quyết định đầu tư cho phép
điều chỉnh dự án bằng văn bản đảm bảo phù hợp với quy định hiện hành về quản lý
đầu tư và xây dựng.
b) Sau thời hạn 12 tháng, kể từ
khi Quỹ có ý kiến thẩm định nhưng dự án chưa được người có thẩm quyền phê duyệt
quyết định đầu tư hoặc dự án đã có quyết định đầu tư nhưng sau 12 tháng chưa
triển khai thực hiện.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 14. Hồ sơ vay vốn
Khi có nhu cầu vay vốn, khách hàng
gửi cho Quỹ giấy đề nghị vay vốn và các tài liệu cần thiết chứng minh đủ điều
kiện vay vốn như quy định tại Điều 6 Quy chế này. Khách hàng vay phải chịu
trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác và hợp pháp của các tài liệu gửi
cho Quỹ.
Điều 15. Hồ sơ thẩm định dự án
1. Văn bản của chủ đầu tư đề nghị
vay vốn của Quỹ để thực hiện dự án.
2. Hồ sơ vay vốn:
a) Báo cáo đầu tư hoặc Báo cáo
kinh tế kỹ thuật hoặc dự án đầu tư xây dựng công trình được lập theo quy định hiện
hành.
b) Giấy chứng nhận đầu tư (trong
trường hợp dự án bắt buộc phải có Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định).
c) Quyết định đầu tư (đối với dự
án có quyết định đầu tư).
d) Báo cáo tình hình thực hiện đầu
tư dự án (đối với dự án đang thực hiện).
đ) Văn bản của cơ quan có thẩm quyền
về các nội dung liên quan đến dự án theo quy định hiện hành về quản lý đầu tư
và xây dựng.
e) Các văn bản khác do chủ đầu tư
gửi kèm liên quan đến việc đầu tư dự án.
3. Hồ sơ chủ đầu tư:
a) Hồ sơ pháp lý:
- Quyết định thành lập của cơ quan
có thẩm quyền hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với chủ đầu tư được
thành lập theo Luật Doanh nghiệp; Luật Hợp tác xã;
- Điều lệ hoạt động;
- Quyết định bổ nhiệm hoặc chuẩn y
Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc (Giám đốc);
Trưởng Ban quản trị, Chủ nhiệm Hợp tác xã (đối với hợp tác xã); Kế toán trưởng
hoặc phụ trách kế toán; người đại diện theo pháp luật của pháp nhân;
- Trường hợp đơn vị hạch toán phụ
thuộc được đơn vị cấp trên giao làm chủ đầu tư dự án (hoặc làm đại diện của chủ
đầu tư) thì phải có văn bản ủy quyền của cấp trên có thẩm quyền;
- Các tài liệu liên quan khác do
chủ đầu tư gửi kèm theo (nếu có).
b) Hồ sơ tài chính:
- Báo cáo tài chính theo quy định
của pháp luật trong 2 năm gần nhất và báo cáo nhanh tình hình tài chính đến quý
gần nhất (đối với chủ đầu tư đã hoạt động sản xuất kinh doanh). Trường hợp báo
cáo tài chính của chủ đầu tư đã được kiểm toán, thì phải gửi báo cáo tài chính
đã được kiểm toán kèm theo kết luận của doanh nghiệp kiểm toán độc lập.
Trường hợp chủ đầu tư là công ty mẹ,
báo cáo tài chính bao gồm báo cáo tài chính của công ty mẹ và báo cáo tài chính
hợp nhất của nhóm công ty.
Trường hợp công ty con hạch toán độc
lập vay vốn với sự bảo đảm nghĩa vụ trả nợ của công ty mẹ, báo cáo tài chính
bao gồm báo cáo tài chính của công ty con, báo cáo tài chính của công ty mẹ và
báo cáo tài chính hợp nhất của nhóm công ty;
- Hồ sơ liên quan đến việc góp vốn
điều lệ bảo đảm tính khả thi (đối với chủ đầu tư là đơn vị mới thành lập).
c) Báo cáo về tình hình quan hệ
tín dụng đến thời điểm gần nhất với Quỹ và các tổ chức cho vay khác của chủ đầu
tư, của người đại diện theo pháp luật, cổ đông sáng lập hoặc thành viên góp vốn.
d) Hồ sơ bảo đảm tiền vay (đối với
trường hợp dùng tài sản khác để bảo đảm tiền vay): theo quy định tại Quy chế bảo
đảm tiền vay của Quỹ.
Điều 16. Nội dung thẩm định
1. Thẩm định hồ sơ dự án, hồ sơ chủ
đầu tư:
a) Kiểm tra, đánh giá tính đầy đủ,
hợp pháp, hợp lệ, nhất quán về nội dung, số liệu trong các văn bản, tài liệu về
dự án và chủ đầu tư.
b) Nhận xét, đánh giá trình tự thực
hiện, thẩm quyền ban hành các loại văn bản, tài liệu liên quan đến dự án theo
quy định.
2. Thẩm định chủ đầu tư:
a) Năng lực tài chính của chủ đầu
tư.
b) Uy tín của chủ đầu tư trong
quan hệ tín dụng với Quỹ và các tổ chức tín dụng khác.
3. Thẩm định phương án tài chính,
phương án trả nợ vốn vay:
a) Nhận xét, đánh giá thị trường
các yếu tố đầu vào và sản phẩm đầu ra của dự án.
b) Phân tích, đánh giá các điều kiện
tính toán hiệu quả kinh tế tài chính của dự án:
- Địa điểm đầu tư, quy mô, công suất
thiết kế - sản lượng, công nghệ thiết bị và hình thức đầu tư;
- Tổng mức đầu tư, tiến độ sử dụng
vốn và các yếu tố ảnh hưởng đến mức đầu tư;
- Tính khả thi của các nguồn vốn
tham gia đầu tư dự án;
- Thu chi tài chính của dự án.
c) Các yếu tố liên quan khác ảnh
hưởng đến quá trình thực hiện đầu tư, quản lý và khai thác dự án.
d) Xác định các chỉ tiêu hiệu quả
và phương án trả nợ vốn vay của dự án:
- Tính toán các chỉ tiêu chủ yếu về
hiệu quả kinh tế tài chính của dự án;
- Khả năng thu hồi vốn đầu tư;
- Khả năng và phương án trả nợ vốn
vay: nguồn vốn có thể dùng để trả nợ (từ dự án, từ các nguồn thu nhập khác của
chủ đầu tư, từ hỗ trợ của Nhà nước,…); cân đối với yêu cầu trả nợ của từng nguồn
vốn vay, tính khả thi của kế hoạch trả nợ;
- Nhận xét, đánh giá về hiệu quả
kinh tế - xã hội của dự án.
đ) Phân tích những yếu tố rủi ro ảnh
hưởng đến tính khả thi của phương án tính toán.
4. Thẩm định tài sản bảo đảm tiền
vay: thực hiện theo Quy chế bảo đảm tiền của Quỹ.
Điều 17. Thẩm quyền quyết định
cho vay
1. Mức vốn cho vay đối với một dự
án trên 15% vốn chủ sở hữu của Quỹ do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.
2. Mức vốn cho vay đối với một dự
án trên 10% đến 15% vốn chủ sở hữu của Quỹ do Hội đồng quản lý Quỹ quyết định.
3. Mức vốn cho vay đối với một dự
án đến 10% vốn chủ sở hữu của Quỹ do Giám đốc Quỹ quyết định.
Điều 18. Quy trình thẩm định và xét duyệt cho vay
1. Giám đốc Quỹ
xây dựng quy trình thẩm định dự án để xem xét, đánh giá tính khả thi, hiệu quả
của dự án đầu tư và khả năng hoàn trả nợ vay của khách hàng, làm cơ sở cho việc
xét duyệt cho vay.
2. Giám đốc Quỹ
xây dựng quy trình xét duyệt cho vay theo nguyên tắc bảo đảm tính độc lập và
phân định rõ trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm giữa khâu thẩm định và quyết định
cho vay theo thẩm quyền quy định tại Điều 17 của Quy chế này.
3. Giám đốc Quỹ
quy định cụ thể và niêm yết công khai thời hạn tối đa phải
thông báo quyết định cho vay hoặc không cho vay đối với khách hàng vay, kể từ
khi nhận được đầy đủ hồ sơ vay vốn và thông tin cần thiết của khách hàng vay. Nếu
Quỹ quyết định không cho vay, Quỹ phải thông báo cho khách hàng vay bằng văn bản,
trong đó nêu rõ căn cứ từ chối cho vay.
Điều 19. Phương thức cho vay
1. Cho vay theo dự án đầu tư: Quỹ
cho khách hàng vay vốn để thực hiện các dự án.
2. Cho vay hợp vốn: Quỹ và các tổ
chức tín dụng khác cùng cho vay đối với một dự án vay vốn của một khách hàng
vay; trong đó, có một bên làm đầu mối dàn xếp, phối hợp với các bên khác.
3. Các phương thức cho vay khác mà
pháp luật không cấm.
Điều 20. Thông báo cho vay đầu tư dự án
1. Thông báo cho vay đầu tư dự án
(gọi tắt là thông báo cho vay) là văn bản do Quỹ phát hành để hướng dẫn việc ký
hợp đồng tín dụng, trong đó thể hiện các điều kiện tín dụng cơ bản của khoản
vay: mức vốn cho vay, đồng tiền cho vay và trả nợ, lãi suất cho vay, mục đích sử
dụng vốn vay, thời hạn cho vay, thời hạn ân hạn, thời hạn trả nợ, thời điểm bắt
đầu trả nợ, kỳ hạn trả nợ, hình thức bảo đảm tiền vay,…
2. Thông báo cho vay được ban hành
sau khi dự án và chủ đầu tư đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Đã được Quỹ thẩm định và chấp
thuận cho vay vốn để thực hiện dự án.
b) Đã gửi đủ hồ sơ vay vốn đến Quỹ,
bao gồm:
- Các hồ sơ quy định tại Điều 15 của
Quy chế này.
- Báo cáo kinh tế kỹ thuật hoặc dự
án đầu tư xây dựng công trình đã được hoàn chỉnh bổ sung theo yêu cầu của cơ
quan thẩm định dự án và phù hợp với quy định hiện hành về quản lý đầu tư và xây
dựng.
- Quyết định đầu tư dự án của người
có thẩm quyền.
Điều 21. Hợp đồng tín dụng
1. Việc cho vay của Quỹ và khách
hàng phải được lập thành hợp đồng tín dụng. Hợp đồng tín dụng phải có nội dung
về điều kiện cho vay, mục đích sử dụng vốn vay, phương thức cho vay, số vốn
vay, lãi suất, thời hạn cho vay, hình thức bảo đảm, giá trị tài sản bảo đảm,
phương thức trả nợ và những cam kết khác được các bên thỏa thuận và phải phù hợp
với quy định của pháp luật.
2. Nếu phát hiện những yếu tố ảnh
hưởng đến an toàn tín dụng, Quỹ có quyền đình chỉ ký kết hợp đồng tín dụng.
3. Trường hợp dự án được đầu tư bằng
vốn tín dụng của Quỹ và vốn vay của các tổ chức tín dụng khác, việc ký hợp đồng
tín dụng và hợp đồng bảo đảm tiền vay với các tổ chức tín dụng khác phải đảm bảo
không ảnh hưởng đến hợp đồng tín dụng và hợp đồng bảo đảm tiền vay đã ký với Quỹ.
Điều 22. Lập, thông báo và điều chỉnh kế hoạch giải ngân
1. Sau khi chủ đầu tư và Quỹ đã ký
hợp đồng tín dụng cho vay đầu tư dự án, Quỹ thông báo kế hoạch giải ngân cho dự
án trên cơ sở đề nghị của chủ đầu tư, phù hợp với tiến độ thực hiện dự án và khả
năng cân đối nguồn vốn của Quỹ.
2. Giám đốc Quỹ hướng dẫn trình tự
lập, thông báo và điều chỉnh kế hoạch giải ngân hàng năm.
Điều 23. Quyết toán vốn đầu tư
1. Khi hạng mục công trình độc lập,
dự án thành phần (hoặc tiểu dự án) và dự án hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng
(gọi tắt là công trình hoàn thành), khách hàng vay có trách nhiệm lập báo cáo
quyết toán vốn đầu tư công trình hoàn thành trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Nội dung lập, thẩm tra, kiểm toán và phê duyệt báo cáo quyết toán công trình
hoàn thành thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước và hướng dẫn của Bộ
Tài chính.
2. Quỹ có trách nhiệm kiểm tra,
xác nhận tổng số vốn đã cho vay đầu tư, số dư nợ và số lãi phát sinh đến thời
điểm công trình hoàn thành đưa vào sản xuất, sử dụng (bao gồm số lãi đã thu và
số lãi chưa thu, nếu có).
3. Trường hợp giá trị đầu tư theo
quyết toán công trình hoàn thành được phê duyệt nhỏ hơn số vốn đã cho vay đầu
tư, khách hàng có trách nhiệm hoàn trả phần chênh lệch cho Quỹ.
Điều 24. Về bảo đảm tiền vay
Bảo đảm tiền vay thực hiện theo
quyết định của Hội đồng quản lý Quỹ ban hành về Quy chế bảo đảm tiền vay của Quỹ.
Điều 25. Giải ngân và kiểm tra, giám sát vốn vay
1. Vốn vay được giải ngân đúng mục
đích đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng theo các hình thức sau:
a) Giải ngân dứt điểm phần vốn tự
có của chủ đầu tư, các nguồn vốn khác; sau đó mới giải ngân đến phần vốn vay tại
Quỹ.
b) Giải ngân theo tỷ lệ phần trăm (%)
cơ cấu vốn tham gia đầu tư dự án (vốn tự có của chủ đầu tư, các nguồn vốn khác,
vốn vay tại Quỹ).
c) Giải ngân theo danh mục các hạng
mục công trình hoàn thành đã đăng ký và được Quỹ chấp thuận.
Khi công trình hoàn thành đưa vào
sử dụng, Quỹ chỉ giải ngân tối đa 95% số vốn chấp thuận cho vay và giải ngân 5%
số vốn còn lại khi có quyết định phê duyệt quyết toán vốn đầu tư công trình
hoàn thành của cấp có thẩm quyền.
2. Quỹ có trách nhiệm và có quyền kiểm
tra, giám sát quá trình vay vốn, sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng.
3. Giám đốc Quỹ xây dựng hướng dẫn
chi tiết hồ sơ, trình tự, thủ tục giải ngân và kiểm tra giám sát việc sử dụng vốn,
việc trả nợ của khách hàng phù hợp với đặc điểm hoạt động của Quỹ và tính chất
của khoản vay, nhằm bảo đảm hiệu quả và khả năng thu hồi vốn vay.
Điều 26. Cơ cấu lại thời hạn trả nợ
1. Giám đốc Quỹ xem xét, quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, trên
cơ sở khả năng tài chính của Quỹ và kết quả đánh giá khả năng trả nợ của khách
hàng vay. Toàn bộ số dư nợ vay gốc của khách hàng có
khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ được coi là nợ quá hạn và phân loại vào các
nhóm nợ từ nhóm 2 đến nhóm 5 về phân loại nợ của Quỹ theo Quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN ngày 22 tháng 4
năm 2005 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:
a) Khách hàng không có khả năng trả
nợ đúng kỳ hạn nợ gốc và/hoặc lãi vay trong phạm vi thời hạn cho vay đã thỏa
thuận trong hợp đồng tín dụng và Quỹ đánh giá là có khả năng trả nợ trong các kỳ
hạn tiếp theo, thì Giám đốc Quỹ xem xét cho điều chỉnh kỳ hạn trả nợ gốc và/hoặc
lãi vay. Toàn bộ số dư nợ vay gốc của khách hàng này
được phân loại vào các nhóm nợ từ nhóm 2 đến nhóm 4 theo Quyết định số
493/2005/QĐ-NHNN ngày 22 tháng 4 năm 2005 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt
Nam.
b) Khách hàng không có khả năng trả
nợ hết nợ gốc và/hoặc lãi vay đúng thời hạn cho vay đã thỏa thuận trong hợp đồng
tín dụng và Quỹ đánh giá là có khả năng trả nợ trong một khoảng thời gian nhất
định sau thời hạn cho vay, thì Giám đốc Quỹ xem xét cho gia hạn nợ với thời hạn
phù hợp với nguồn trả nợ của khách hàng vay. Toàn bộ số dư nợ vay gốc của khách
hàng này được phân loại vào các nhóm nợ từ nhóm 3 đến nhóm 5 theo Quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN ngày 22 tháng 4
năm 2005 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
2. Đối với tổng
thời gian gia hạn nợ tối đa không vượt quá 1/3 thời hạn cho vay đã ký trong hợp
đồng tín dụng đầu tiên và tổng thời hạn cho vay vốn tối đa theo quy định Điều 8 của Quy chế này.
3. Các khoản nợ được cơ cấu lại thời
hạn trả nợ vẫn áp dụng lãi suất đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng của nợ
trong hạn cho đến hết thời hạn được điều chỉnh kỳ hạn hoặc gia hạn.
Điều 27. Xóa, giảm nợ lãi
Giám đốc Quỹ trình Hội đồng quản
lý Quỹ xem xét quyết định xóa, giảm nợ lãi vốn vay phải trả đối với khách hàng
vay theo các nguyên tắc sau đây:
1. Khách hàng vay bị tổn thất về
tài sản dẫn đến khó khăn về tài chính.
2. Mức độ xóa, giảm nợ lãi vốn vay
phù hợp với khả năng tài chính của Quỹ.
3. Quỹ phải ban hành Quy chế xóa,
giảm nợ lãi vốn vay đối với khách hàng được Hội đồng quản lý Quỹ phê duyệt. Việc
xóa, giảm nợ lãi vốn vay đối với khách hàng chỉ được thực hiện khi Quỹ có Quy
chế miễn, giảm lãi vốn vay.
Điều 28. Quyền và nghĩa vụ của
khách hàng vay
1. Khách hàng vay có quyền:
a) Đăng ký vay vốn theo quy định của
Quỹ.
b) Từ chối các yêu cầu của Quỹ
không đúng với các thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng.
c) Khiếu nại, khởi kiện việc vi phạm
hợp đồng tín dụng theo quy định của pháp luật.
2. Khách hàng vay có nghĩa vụ:
a) Hoàn thành thủ tục đầu tư theo
quy định của pháp luật.
b) Cung cấp đầy đủ, trung thực các
thông tin, tài liệu liên quan đến việc vay vốn và chịu trách nhiệm trước pháp
luật về tính chính xác của các thông tin, tài liệu đã cung cấp.
c) Sử dụng tiền vay đúng mục đích,
thực hiện đúng các nội dung đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng và các cam kết
khác.
d) Trả nợ gốc và lãi vốn vay cho
Quỹ theo đúng hợp đồng tín dụng đã ký.
đ) Có cam kết mua bảo hiểm đối với
tài sản hình thành từ vốn vay hoặc tài sản khác không hình thành từ vốn vay
nhưng được dùng đảm bảo tiền vay tại Quỹ thuộc đối tượng mua bảo hiểm bắt buộc
tại một công ty bảo hiểm được phép hoạt động tại Việt Nam.
e) Chịu trách nhiệm trước pháp luật
khi không thực hiện đúng những thỏa thuận về việc trả nợ vay và thực hiện các
nghĩa vụ bảo đảm nợ vay đã cam kết trong hợp đồng tín dụng.
g) Khi thực hiện chuyển đổi sở hữu
phải thông báo bằng văn bản cho Quỹ để giải quyết khoản nợ vay theo quy định của
pháp luật.
Điều 29. Quyền và nghĩa vụ của
Quỹ
1. Quỹ có quyền:
a) Yêu cầu khách hàng vay cung cấp
tài liệu chứng minh phương án tài chính của dự án khả thi, khả năng tài chính,
tài sản bảo đảm tiền vay hoặc bảo lãnh của bên thứ ba trước khi quyết định cho
vay.
b) Từ chối yêu cầu vay vốn của
khách hàng vay nếu thấy không đủ điều kiện vay vốn, dự án vay vốn không có hiệu
quả, không phù hợp với quy định của pháp luật hoặc Quỹ không có đủ nguồn vốn để
cho vay.
c) Kiểm tra, giám sát quá trình
vay vốn, sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng vay.
d) Chấm dứt việc cho vay, thu hồi
nợ trước hạn khi phát hiện khách hàng vay cung cấp thông tin sai sự thật, vi phạm
hợp đồng tín dụng.
đ) Khởi kiện khách hàng vay vi phạm
hợp đồng tín dụng hoặc người bảo lãnh theo quy định của pháp luật.
e) Khi đến hạn trả nợ, nếu khách
hàng vay không trả nợ, nếu các bên không có thỏa thuận khác thì Quỹ có quyền xử
lý tài sản bảo đảm tiền vay theo sự thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng để thu hồi
nợ theo quy định của pháp luật hoặc yêu cầu người bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ bảo
lãnh đối với trường hợp khách hàng vay được bảo lãnh vay vốn.
g) Gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ,
xóa nợ lãi, bán nợ thực hiện theo quy định của Quy chế này.
2. Quỹ có nghĩa vụ:
a) Thực hiện đúng thỏa thuận trong
hợp đồng tín dụng.
b) Lưu giữ hồ sơ tín dụng phù hợp với
quy định của pháp luật.
c) Thu nợ gốc và lãi vốn vay theo
quy định.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI
HÀNH
Điều 30. Giám đốc Quỹ, Trưởng Ban kiểm soát, khách hàng
vay vốn và các tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thi hành Quy chế này.
Điều 31. Căn cứ Quy chế này và các quy định của văn bản
pháp luật có liên quan, Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển Kiên Giang ban hành các
văn bản hướng dẫn nghiệp vụ cụ thể phù hợp với điều kiện, đặc điểm hoạt động của
Quỹ.
Điều 32. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng
mắc, Giám đốc Quỹ có trách nhiệm tổng hợp và báo cáo Hội đồng quản lý xem xét
và quyết định sửa đổi, bổ sung Quy chế này./.