THỦ TƯỚNG
CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 653/QĐ-TTg
|
Hà Nội, ngày 20
tháng 3 năm 2025
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ
DUYỆT ĐIỀU CHỈNH CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG ĐƯỜNG HÒA LẠC - HÒA BÌNH
VÀ CẢI TẠO, NÂNG CẤP QUỐC LỘ 6 ĐOẠN XUÂN MAI - HÒA BÌNH THEO PHƯƠNG THỨC ĐỐI
TÁC CÔNG TƯ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức
Chính phủ ngày 18 tháng 02 năm 2025;
Căn cứ Luật Đầu tư
theo phương thức đối tác công tư ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật sửa đổi,
bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức
đối tác công tư và Luật Đấu thầu ngày 29 tháng 11 năm 2024;
Căn cứ Luật Đầu tư
công ngày 29 tháng 11 năm 2024;
Căn cứ Luật Xây dựng
ngày 18 tháng 6 năm 2014; Luật sửa đổi, bổ sung một
số điều của Luật Xây dựng ngày 17 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Đường
bộ ngày 27 tháng 6 năm 2024;
Căn cứ Nghị quyết số 106/2023/QH15 ngày 28 tháng 11 năm 2023 của Quốc
hội thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ;
Căn cứ Nghị định số 28/2021/NĐ-CP
ngày 26 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định quản lý tài chính đầu tư theo
phương thức đối tác công tư;
Căn cứ Nghị định số 35/2021/NĐ-CP
ngày 29 tháng 03 năm 2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư;
Căn cứ Nghị định số 165/2024/NĐ-CP
ngày 26 tháng 12 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một
số điều của Luật Đường bộ và Điều
77 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ;
Căn cứ Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01 tháng 9 năm 2021 của Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn
đến năm 2050; Quyết định số 12/QĐ-TTg ngày 03
tháng 01 năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch mạng
lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Quyết định số 216/QĐ-TTg ngày 02 tháng 3 năm 2024 của Thủ tướng
Chính phủ phân cấp và giao cơ quan chủ quản đầu tư các dự án đường bộ theo Nghị
quyết số 106/2023/QH15 của Quốc hội thí điểm
một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ;
Căn cứ Báo cáo số 2179/BC-HĐTĐLN ngày 26 tháng
02 năm 2025 của Hội đồng thẩm định liên ngành về kết quả thẩm định điều chỉnh
Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình
và cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình theo phương thức đối
tác công tư;
Theo đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình về
việc đề nghị phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường Hòa Lạc
- Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình theo phương
thức đối tác công tư.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt điều chỉnh chủ
trương đầu tư Dự án xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp quốc
lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình theo phương thức đối tác công tư (sau đây gọi tắt
là Dự án) với nội dung sau:
1. Mục tiêu dự án: Nhằm từng bước hoàn thiện mạng
lưới cao tốc theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến
năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01 tháng 9 năm 2021, Quyết định
số 12/QĐ-TTg ngày 03 tháng 01 năm 2025. Góp
phần kết nối đường bộ cao tốc Thủ đô với các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên;
làm cơ sở thu hút các nhà đầu tư trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt phát triển đô
thị, công nghiệp, thương mại và dịch vụ; tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh
tế - xã hội của tỉnh Hòa Bình nói riêng và các tỉnh Tây Bắc nói chung; đáp ứng
kịp thời khi có sự cố thiên tai, biến đổi khí hậu trong khu vực; tăng cường củng
cố quốc phòng, an ninh.
2. Phạm vi, quy mô, địa điểm thực hiện dự án
a) Phạm vi đầu tư điều chỉnh
Điều chỉnh giảm chiều dài đoạn Hòa Lạc - Hòa Bình từ
25,69 km xuống còn 23,04 km; trong đó giữ nguyên điểm đầu tuyến tại Km6+680 (trùng
với điểm cuối của dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng Long,
đoạn nối từ quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình) thuộc địa phận xã Yên
Bình, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội. Thay đổi điểm cuối tuyến từ lý trình
Km32+367 thành điểm cuối tại lý trình Km29+716 trên đường Hòa Lạc - Hòa Bình
(giao với quốc lộ 6 tại lý trình Km65+400) thuộc địa phận phường Trung Minh,
thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Giữ nguyên phạm vi tuyến quốc lộ 6 đoạn Xuân
Mai - Hòa Bình.
b) Quy mô dự án điều chỉnh
Đầu tư mở rộng quy mô đường Hòa Lạc - Hòa Bình theo
tiêu chuẩn đường cao tốc (TCVN 5729: 2012), 6
làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h; xây dựng hệ thống đường gom, nút giao, trạm
dừng nghỉ, hệ thống an toàn giao thông, các công trình phục vụ khai thác, trung
tâm điều hành, hệ thống giao thông thông minh, trạm thu phí,... đảm bảo đồng bộ,
hiệu quả theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành.
3. Dự kiến thời gian thực hiện dự án: Thời gian thực
hiện chuẩn bị, đầu tư xây dựng dự án là 2014 - 2028, trong đó: dự án đang khai
thác được thực hiện từ năm 2014 và đưa vào khai thác năm 2018; phần điều chỉnh
quy mô thực hiện từ năm 2023 - 2028 (chuẩn bị dự án, thực hiện đối với phần điều
chỉnh từ năm 2023 - 2027, hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2028). Dự kiến thời
hạn hợp đồng khoảng từ năm 2015 - 2051.
4. Dự kiến nhu cầu sử dụng đất và phương án giải
phóng mặt bằng
Điều chỉnh tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án dự kiến
khoảng 253,82 ha (trong đó: thành phố Hà Nội khoảng 63,48 ha, tỉnh Hòa Bình khoảng
190,34 ha):
- Diện tích giải phóng mặt bằng đã thực hiện khoảng
100,17 ha. Trong đó địa phận Hà Nội là 27,07 ha, địa phận tỉnh Hòa Bình là
73,10 ha;
- Diện tích giải phóng mặt bằng quy mô điều chỉnh
(giải phóng mặt bằng đối với đường cao tốc 06 làn xe và đường gom kết nối xây dựng
trong giai đoạn này, không bao gồm đường sắt quy hoạch đối với những đoạn chưa
đầu tư đường gom trái tuyến) dự kiến khoảng 153,65 ha. Trong đó trên địa phận
thành phố Hà Nội khoảng 36,41 ha, địa phận tỉnh Hòa Bình khoảng 117,24 ha.
5. Chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục
đích khác
- Quy mô sử dụng đất điều chỉnh (chỉ tính phần mở rộng
cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình) của Dự án: Dự kiến khoảng 153,65 ha (Tỉnh Hòa Bình
là 117,24 ha; thành phố Hà Nội là 36,41 ha), trong đó, đất quy hoạch lâm nghiệp
khoảng 60,49 ha (gồm: Tỉnh Hòa Bình là 44,81 ha; thành phố Hà Nội là 15,68 ha),
đất khác là 93,16 ha.
- Tổng diện tích đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng
để thực hiện Dự án khoảng 18,84 ha, bao gồm:
+ Địa phận tỉnh Hòa Bình khoảng 12,19 ha. Trong đó:
(i) Chức năng rừng: Quy hoạch rừng phòng hộ: 0 ha; quy hoạch rừng sản xuất: 0
ha; đã điều chỉnh ra ngoài quy hoạch ba loại rừng: 12,19 ha; (ii) Loại rừng: Rừng
trồng có diện tích khoảng 11,58 ha và diện tích có rừng nhưng chưa thành rừng
khoảng 0,61 ha.
+ Địa phận thành phố Hà Nội là 6,65 ha. Trong đó:
(i) Chức năng rừng: Quy hoạch rừng phòng hộ: 0 ha; quy hoạch rừng sản xuất khoảng:
6,65 ha; (ii) Loại rừng: Rừng trồng có diện tích khoảng 5,19 ha và diện tích có
rừng nhưng chưa thành rừng khoảng 1,46 ha.
6. Dự kiến loại hợp đồng dự án PPP: Hợp đồng Xây dựng
- Kinh doanh - Chuyển giao (Hợp đồng BOT)
7. Sơ bộ tổng mức đầu tư
Sơ bộ tổng mức đầu tư điều chỉnh khoảng 10.475 tỷ đồng,
trong đó:
- Chi phí đã đầu tư dự án đang khai thác (đang thực
hiện quyết toán) là 2.476 tỷ đồng.
- Chi phí đầu tư điều chỉnh quy mô khoảng 7.999 tỷ
đồng, trong đó: (i) Chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư: 1.621 tỷ đồng;
(ii) Chi phí xây dựng và thiết bị: 4.590 tỷ đồng; (iii) Chi phí quản lý dự án, tư
vấn, chi khác (cả lãi vay): 981 tỷ đồng; (iv) Chi phí dự phòng: 807 tỷ đồng.
8. Sơ bộ phương án tài chính của dự án
a) Cơ cấu nguồn vốn
- Phần vốn nhà nước tham gia dự án khoảng 3.028 tỷ
đồng (thực hiện phần điều chỉnh quy mô) để chi trả kinh phí bồi thường, hỗ trợ
và tái định cư, hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng và hỗ trợ
xây dựng công trình tạm (Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình đã thông qua tại Nghị
quyết số 293/NQ-HĐND ngày 30 tháng 10 năm 2023 về việc thống nhất chủ trương sử
dụng vốn ngân sách địa phương để tham gia thực hiện dự án; Nghị quyết số 304/NQ-HĐND ngày 30 tháng 10 năm 2023 về việc điều
chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Hòa
Bình (lần thứ 5) và thống nhất danh mục dự án cho phép thực hiện thủ tục đầu tư
để bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh Hòa Bình).
- Vốn do nhà đầu tư huy động khoảng 7.447 tỷ đồng,
trong đó: Nhà đầu tư đã đầu tư xây dựng dự án khoảng 2.476 tỷ đồng; phần vốn
nhà đầu tư phải huy động để thực hiện điều chỉnh quy mô khoảng 4.971 tỷ đồng
(phần vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư khoảng 746 tỷ đồng, vốn huy động khác khoảng
4.225 tỷ đồng từ các nguồn huy động hợp pháp).
b) Vốn nhà nước trong dự án
- Giá trị phần vốn hỗ trợ xây dựng công trình, hệ
thống cơ sở hạ tầng, hỗ trợ xây dựng công trình tạm khoảng 1.407 tỷ đồng.
- Giá trị phần vốn chi trả kinh phí bồi thường, hỗ
trợ và tái định cư khoảng 1.621 tỷ đồng.
c) Dự kiến khung giá
Giai đoạn 2024 - 2027: giá 41.000 đồng/lượt xe tiêu
chuẩn, lộ trình tăng phí 18%/3 năm (lần tăng tiếp theo bắt đầu từ ngày 01 tháng
01 năm 2027). Từ năm 2028 trở đi: Quốc lộ 6 vẫn áp dụng thu theo lượt với lộ
trình tăng phí 18%/3 năm; cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình áp dụng thu theo km đường
sử dụng từ ngày 01 tháng 01 năm 2028 với mức giá 2.100 đồng/km, từ ngày 01
tháng 01 năm 2030 tăng 18% so với mức phí năm 2028 và áp dụng lộ trình tăng phí
18%/3 năm.
d) Kết quả phương án tài chính
- Giá trị hiện tại ròng (NPV): 88,31 tỷ đồng.
- Tỷ suất nội hoàn (IRR): 10,39%.
- Tỷ số lợi ích (B/C): 1,016.
- Thời gian thu phí hoàn vốn toàn dự án là 33 năm
(tính từ năm 2019). Để đảm bảo thực hiện theo hợp đồng BOT, cam kết tín dụng
liên quan, ưu tiên hoàn vốn cho nhà đầu tư và ngân hàng cho vay dự án đang khai
thác theo hợp đồng. Doanh thu thu phí dự án còn lại (sau khi trừ đi phần hoàn vốn
cho nhà đầu tư và ngân hàng dự án đang khai thác) sẽ hoàn vốn cho phần điều chỉnh
dự án là 24 năm tính từ thời điểm năm 2028, là thời điểm dự kiến tuyến đường
cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình đưa vào khai thác sử dụng.
9. Phân chia dự án thành phần Dự án
- Dự án thành phần 1: Thực hiện công tác bồi thường,
hỗ trợ và tái định cư trên địa phận thành phố Hà Nội.
- Dự án thành phần 2: Thực hiện công tác bồi thường,
hỗ trợ và tái định cư trên địa phận tỉnh Hòa Bình.
- Dự án thành phần 3: Xây dựng mở rộng quy mô cao tốc
Hòa Lạc - Hòa Bình theo hình thức BOT.
10. Ưu đãi và bảo đảm đầu tư: Nhà đầu tư, Doanh
nghiệp dự án PPP được hưởng các ưu đãi và bảo đảm đầu tư theo quy định tại Luật PPP và quy định pháp luật khác có liên quan.
11. Cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu: Dự án
được áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu theo quy định tại Điều 82 của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, được
sửa đổi, bổ sung tại khoản 19 Điều 3 Luật sửa đổi Luật Quy hoạch,
Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu;
Nghị định số 28/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3
năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo
phương thức đối tác công tư. Nguồn vốn chi trả phần giảm doanh thu sử dụng ngân
sách địa phương tỉnh Hòa Bình.
12. Nhóm dự án: Dự án nhóm A.
13. Tên cơ quan có thẩm quyền và tên nhà đầu tư đề
xuất dự án
- Cơ quan có thẩm quyền: Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa
Bình.
- Tên nhà đầu tư đề xuất điều chỉnh dự án: Công ty
Cổ phần đầu tư Infinity Group.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình:
- Chịu trách nhiệm toàn diện về các thông tin, số
liệu trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh Dự án và các thông tin
báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các bộ, cơ quan liên quan, ý kiến thẩm
định của Hội đồng thẩm định liên ngành.
- Thực hiện trách nhiệm là cơ quan có thẩm quyền;
chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và các cơ quan, đơn vị
liên quan tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án, triển khai thủ tục
thẩm định, phê duyệt đầu tư Dự án, tổ chức triển khai thực hiện Dự án theo đúng
quy hoạch được duyệt và quy định pháp luật có liên quan, đảm bảo chất lượng, tiến
độ, hiệu quả, không để xảy ra tiêu cực, lãng phí gây thất thoát tài sản, tiền vốn
của Nhà nước.
- Đảm bảo cân đối, bố trí đầy đủ, kịp thời vốn ngân
sách tỉnh tham gia Dự án theo đúng quy định của pháp luật để triển khai Dự án
theo đúng tiến độ.
- Tổ chức công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (Dự
án thành phần 2) và hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất, bàn giao mặt
bằng thuộc phạm vi quản lý để thực hiện Dự án theo quy định pháp luật về đất
đai và pháp luật PPP.
2. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội: Tổ chức công
tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (Dự án thành phần 1) và hoàn thành các thủ
tục giao đất, cho thuê đất, bàn giao mặt bằng thuộc phạm vi quản lý để thực hiện
Dự án theo quy định pháp luật về đất đai và pháp luật PPP. Phối hợp chặt chẽ với
Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình trong quá trình triển khai Dự án theo đúng quy định
pháp luật.
3. Bộ Tài chính: Thực hiện chức năng của cơ quan quản
lý nhà nước về đầu tư theo phương thức đối tác công tư và cơ quan thường trực Hội
đồng thẩm định liên ngành, chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả thẩm định của
Hội đồng thẩm định liên ngành; thực hiện theo dõi, kiểm tra việc tiếp thu, giải
trình đối với các nội dung tại Báo cáo kết quả thẩm định; kiểm tra, giám sát việc
thực hiện Quyết định này, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ nếu phát hiện
các vấn đề không phù hợp với quy định pháp luật, ảnh hưởng đến mục tiêu, hiệu
quả của Dự án.
4. Các Bộ: Xây dựng, Nông nghiệp và Môi trường theo
chức năng, nhiệm vụ hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình, Ủy ban nhân dân
thành phố Hà Nội và các cơ quan có liên quan trong quá trình triển khai Dự án
theo đúng quy định pháp luật.
Điều 3. Điều khoản thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký ban hành.
2. Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Xây dựng, Nông nghiệp
và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân
thành phố Hà Nội và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi
hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: Công an, Quốc phòng, Tài chính, Xây dựng, Nông nghiệp và Môi trường,
Tư pháp;
- Ngân hàng Nhà nước;
- HĐND, UBND tỉnh Hòa Bình;
- HĐND, UBND thành phố Hà Nội;
- Công ty CP ĐT Infinity Group;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTTH, NN, QHĐP,
NC, PL;
- Lưu: VT, CN (2)
|
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Trần Hồng Hà
|