BỘ GIAO THÔNG
VẬN TẢI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 4835/QĐ-BGTVT
|
Hà Nội, ngày 22
tháng 12 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN HUY ĐỘNG VỐN XÃ HỘI HÓA ĐỂ ĐẦU TƯ KẾT CẤU HẠ TẦNG
LĨNH VỰC ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa năm 2014;
Căn cứ Luật đầu tư năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP
ngày 20/12/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 16/01/2012
của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng
bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào
năm 2020;
Căn cứ Nghị định số 108/2009/NĐ-CP
ngày 27/11/2009 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, hợp đồng BTO,
hợp đồng BT và Nghị định số 24/2011/NĐ-CP ngày 05/4/2011 của Chính phủ sửa đổi
một số điều của Nghị định 108/2009/NĐ-CP;
Căn cứ Quyết định số 355/QĐ-TTg ngày
25/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Chiến lược phát
triển giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Xét Tờ trình số 2508/TTr-CĐTNĐ ngày
12/12/2014 của Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và theo đề nghị của
Vụ trưởng - Trưởng ban Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công - tư,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án huy động vốn xã hội hóa để đầu tư
kết cấu hạ tầng lĩnh vực đường thủy nội địa với các nội dung chủ yếu sau:
1. Quan điểm và mục tiêu
1.1. Quan điểm và mục tiêu tổng
quát
- Đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ
tầng đường thủy nội địa phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch, đồng bộ, đáp ứng yêu
cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;
- Huy động mạnh mẽ mọi nguồn lực của xã
hội nhằm giảm áp lực về nguồn vốn ngân sách nhà nước;
- Tạo môi trường đầu tư bình đẳng, cạnh
tranh lành mạnh và hiệu quả, đồng thời đảm bảo lợi ích hài hòa của nhà nước và
nhà đầu tư;
- Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách,
hệ thống pháp luật về huy động vốn xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy
nội địa.
1.2. Mục tiêu cụ thể
- Về huy động vốn ngoài ngân sách
+ Giai đoạn 2015 ¸ 2020 đạt khoảng 40%
(tương ứng khoảng 45 dự án/12.600 tỷ đồng) tổng nhu cầu vốn đầu tư. Riêng giai
đoạn 2015 - 2016 thí điểm thực hiện ít nhất 02 dự án/1.800 tỷ đồng theo hình
thức xã hội hóa.
(Danh mục các dự án dự kiến thực hiện
xã hội hóa đầu tư đến năm 2020 như Phụ lục 01 đính kèm).
+ Giai đoạn sau năm 2020 đạt khoảng 70%
tổng nhu cầu vốn đầu tư.
- Về sửa đổi, bổ sung, xây dựng văn bản
quy phạm pháp luật về xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa: Cơ
bản hoàn thành trong năm 2015.
2. Giải pháp chủ yếu
2.1. Về thể chế chính sách
- Xây dựng trình Bộ Tài chính ban hành
Thông tư về phí để thực hiện xã hội hóa kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa;
- Sửa đổi Thông tư số 37/2013/TT-BGTVT
ngày 24/10/2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về nạo vét luồng
đường thủy nội địa, vùng nước cảng, bến thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm;
- Ban hành Quyết định của Bộ trưởng Bộ
Giao thông vận tải hướng dẫn trình tự, thủ tục, trách nhiệm các cơ quan liên quan
và hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi, Hợp đồng dự án mẫu cho các dự án PPP lĩnh
vực đường thủy nội địa;
- Xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính
phủ về chính sách ưu đãi cho lĩnh vực đường thủy nội địa;
- Phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng
Thông tư hướng dẫn kịp thời khi Nghị định về đầu tư PPP ban hành;
- Tăng cường rà soát hệ thống văn bản
quy phạm pháp luật để kịp thời sửa đổi, bổ sung;
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến việc
huy động vốn xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa.
2.2. Các hình thức hoàn vốn đầu tư
- Đối với dự án xây dựng, cải tạo tuyến
luồng (bao gồm cả nâng cấp khoang thông thuyền, âu tàu); đường kết nối cảng,
bến thủy nội địa: Nhà đầu tư thu phí để hoàn vốn;
- Đối với dự án xây dựng, cải tạo tuyến
luồng, cửa sông mà sản phẩm sau nạo vét có giá trị kinh tế: Nhà đầu tư tận thu
sản phẩm hoặc kết hợp thu phí để hoàn vốn;
- Đối với các dự án xây dựng, cải tạo
cảng, bến: Nhà đầu tư tự đầu tư, tổ chức khai thác, được thu các loại cước, phí
để hoàn vốn và thực hiện các nghĩa vụ đối với Nhà nước theo quy định;
- Nhà nước hỗ trợ trong trường hợp không
hoàn được vốn đầu tư nhằm đảm bảo hiệu quả tài chính đối với dự án;
- Các hình thức đầu tư và hoàn vốn khác
theo quy định của pháp luật.
2.3. Giải pháp thu phí
a) Nguyên tắc chung
- Không thu phí đối với các phương tiện loại nhỏ (có trọng tải toàn phần dưới 15 tấn);
- Khuyến khích hợp đồng, vé tháng, vé quý, vé năm đối với các tổ chức, cá nhân có phương
tiện vận tải thường xuyên.
b) Hình thức thu phí
- Thu phí thủ công;
- Thu phí bán tự động;
- Thu phí tự động.
c) Một số giải pháp thu phí
- Đối với các dự án cảng, bến và đường
kết nối: Tổ chức thu tại chỗ;
- Đối với tuyến luồng 01 cửa (các đoạn
sông mà phương tiện chỉ ra vào duy nhất 1 cửa): Lập trạm
thu phí hoặc kết hợp với cảng vụ để thu phí hoàn vốn và các phương thức thu
khác;
- Đối với các dự án tuyến luồng từ 02
cửa trở lên (các đoạn sông mà phương tiện ra, vào nhiều cửa): Lập trạm tại các cửa
để thu phí hoàn vốn, hoặc sử dụng các phương thức thu phí
hợp lý khác;
- Các giải pháp khác tùy từng dự án.
2.4. Công tác quản lý nhà nước
và quy hoạch
- Tổ chức lập đề xuất, danh mục dự án
để kêu gọi đầu tư (tại Phụ lục 01) và các dự án phát sinh trong quá trình thực hiện
(nếu có);
- Rà soát, cải cách thủ tục hành chính
tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư trong quá trình tham gia đầu
tư;
- Bổ sung quy hoạch hạ tầng giao
thông kết nối giữa cảng với các phương
thức vận tải khác (đường bộ, đường sắt…);
- Rà soát, bổ sung các quy hoạch lĩnh
vực đường thủy nội địa đã được phê duyệt có cập nhật việc xã hội hóa.
3. Tổ chức thực hiện
3.1. Ban Quản lý đầu tư các dự án đối
tác công - tư chủ trì theo dõi việc triển khai thực hiện Đề án.
3.2. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam,
các Vụ, Cục liên quan tổ chức thực hiện Đề án theo chức năng nhiệm vụ.
3.3 Trong quá trình thực hiện, ngoài việc
tuân thủ Quyết định này, các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm thực hiện theo các quy định hiện hành. Quá trình thực hiện nếu
có vướng mắc, báo cáo Bộ Giao thông vận tải xử lý kịp thời.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng
- Trưởng ban Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công - tư, Vụ trưởng các Vụ,
Cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục
trưởng Cục đường thủy nội địa Việt Nam và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên
quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ (để b/c);
- Các Bộ: Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính, Xây dựng;
- Các Thứ trưởng;
- Trang thông tin điện tử Bộ GTVT;
- Lưu: VT, ĐTCT (5b).
|
BỘ TRƯỞNG
Đinh La Thăng
|