ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 4286/QĐ-UBND
|
Đà Nẵng, ngày 04
tháng 7 năm 2016
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC BAN HÀNH “ĐỀ ÁN ĐẨY MẠNH THU HÚT ĐẦU TƯ VÀO THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG GIAI ĐOẠN
2016 - 2020”
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 06 năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 29 tháng 8 năm
2013 của Chính phủ về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý
đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới;
Căn cứ Chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày
16 tháng 5 năm 2016 của Thành ủy Đà Nẵng về việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần
thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI của Đảng bộ thành phố;
Theo Kết luận số 30-KL/TU ngày 26 tháng 4 năm
2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố (Hội nghị lần thứ tư, Khóa XXI) về đẩy
mạnh thu hút đầu tư vào thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2016 - 2020;
Theo đề nghị của Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu
tư tại Công văn số 240/XTĐT-XTDA ngày 07 tháng 6 năm 2016,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án Đẩy mạnh thu hút đầu
tư vào thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2016 - 2020.
Điều 2. Giao Trung tâm Xúc tiến đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở,
ban, ngành, UBND các quận, huyện tổ chức triển khai thực hiện Đề án đúng tiến độ
đề ra. Trong quá trình triển khai thực hiện và thực tiễn phát sinh, nếu có vướng
mắc hoặc vấn đề cần điều chỉnh, bổ sung, Trung tâm Xúc tiến đầu tư có trách nhiệm
tổng hợp, báo cáo UBND thành phố xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng UBND thành phố; Giám đốc Trung tâm Xúc tiến
đầu tư, Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các quận, huyện; Thủ trưởng
các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- TVTU, TT HĐND TP (b/c);
- Chủ tịch và các PCT UBND Tp;
- VP UBND TP: CPVP, P.TH, P QLĐTh, P.QLĐTư, P.KT1, P.KT2;
- Lưu: VT, TH.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Huỳnh Đức Thơ
|
ĐỀ ÁN
ĐẨY
MẠNH THU HÚT ĐẦU TƯ VÀO THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4286/QĐ-UBND ngày 04 tháng 7 năm 2016 của Ủy
ban nhân dân thành phố Đà Nẵng)
Phần mở đầu
I. SỰ CẦN THIẾT PHẢI XÂY DỰNG ĐỀ
ÁN
Đầu tư là động lực cho tăng trưởng và phát triển
kinh tế, do vậy việc khuyến khích và bảo đảm đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt
đầu tư trực tiếp nước ngoài là vấn đề hết sức quan trọng.
Việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại
song phương và đa phương thế hệ mới một cách tích cực và chủ động sẽ mở ra cơ hội
rất lớn đón đầu dòng vốn đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài khi mà
các đối tác đầu tư muốn tranh thủ tận dụng tối đa những lợi ích mang lại từ việc
xóa bỏ các dòng thuế và những rào cản gia nhập thị trường cũng như lợi thế sẵn
có của Việt Nam về nhân công, nguồn nguyên liệu và vị trí địa lý.
Lũy kế đến ngày 31/12/2015, thành phố đã thu hút
391 dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt khoảng
3,49 tỉ USD và 456 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đạt gần 74.000 tỷ
đồng. Việc thu hút vốn đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài đã góp
phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế của thành phố, góp phần thay đổi diện mạo
chung của thành phố. Tuy nhiên, với vị thế là một trong năm thành phố trực thuộc
Trung ương, cửa ngõ của tuyến hành lang kinh tế Đông Tây và là trung tâm kinh tế
- xã hội của miền Trung Việt Nam và Tây Nguyên, kết quả thu hút đầu tư, đặc biệt
là đầu tư trực tiếp nước ngoài của thành phố còn khá thấp1.
Quán triệt tinh thần của Nghị quyết Đại hội đại biểu
Đảng bộ thành phố lần thứ XXI (nhiệm kỳ 2015 - 2020) và Nghị quyết số 136/2015/NQ-HĐND
ngày 10/12/2015 của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng khóa VIII, nhiệm kỳ
2011-2016, kỳ họp thứ 15 về nhiệm vụ năm 2016 đã nhấn mạnh cần phải đặc biệt tập
trung triển khai các giải pháp hiệu quả để đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và
ngoài nước vào thành phố, đặc biệt là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài; tập
trung quản lý và hỗ trợ sau đầu tư đối với các doanh nghiệp đã được cấp phép và
triển khai thực hiện... Do vậy, việc xây dựng Đề án đẩy mạnh thu hút đầu tư vào
thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2016 - 2020 là hết sức cấp thiết.
Đề án được xây dựng là cơ sở để đánh giá lại những
tồn tại trong công tác thu hút đầu tư, đồng thời đề ra các giải pháp mang tính
đột phá nhằm tăng cường thu hút đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước
ngoài vào thành phố trong giai đoạn 2016 - 2020.
II. CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
- Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 16 tháng 10 năm 2003
của Bộ Chính trị (khóa IX) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời
kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước;
- Kết luận số 75-KL/TW ngày 13 tháng 11 năm 2013 của
Bộ Chính trị (khóa XI) về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ
Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp
hóa-hiện đại hóa đất nước;
- Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2013
của Chính phủ về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu
tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới;
- Nghị quyết số 19-2016/NĐ-CP ngày 28 tháng 4 năm
2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường
kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng
đến năm 2020;
- Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Đà
Nẵng lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015-2020;
- Nghị quyết số 136/2015/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12
năm 2015 của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng khóa VIII, nhiệm kỳ 2011-2016,
kỳ họp thứ 15 về nhiệm vụ năm 2016;
- Quyết định số 1866/QĐ-TTg ngày 08 tháng 10 năm
2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế -
xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2020;
- Quyết định số 2357/QĐ-TTg ngày 04 tháng 12 năm
2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành
phố Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050;
- Quyết định số 1874/QĐ-TTg ngày 13 tháng 10 năm
2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển
kinh tế-xã hội vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2020, định hướng đến
năm 2030;
- Chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày
16/5/2016 của Thành ủy Đà Nẵng về việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII
của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI của Đảng bộ thành phố;
- Kết luận số 30-KL/TU ngày 26 tháng 4 năm 2016 của
Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố (Hội nghị lần thứ tư, Khóa XXI) về đẩy mạnh thu
hút đầu tư vào thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2016 - 2020;
- Căn cứ tình hình thực tế về thu hút đầu tư vào
thành phố Đà Nẵng thời gian qua.
III. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Tập trung cải tiến và đổi mới công tác xúc tiến đầu
tư nhằm tăng cường thu hút đầu tư và nâng cao kết quả thu hút đầu tư vào thành
phố giai đoạn 2016 - 2020 trên cơ sở đánh giá thực trạng hoạt động thu hút đầu
tư trực tiếp trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài tại thành phố Đà Nẵng
trong thời gian qua.
2. Yêu cầu
a) Đánh giá trung thực và chính xác về thực trạng hoạt
động thu hút đầu tư thời gian qua;
b) Đảm bảo thu hút đầu tư theo đúng định hướng phát
triển kinh tế - xã hội, phù hợp với tiềm năng và lợi thế so sánh của thành phố
Đà Nẵng;
c) Đề xuất những giải pháp đột phá và có tính khả
thi cao cho công tác xúc tiến đầu tư trong thời gian đến.
Phần I
THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG
THU HÚT ĐẦU TƯ THỜI GIAN QUA
I. KẾT QUẢ THU HÚT ĐẦU TƯ VÀO
THÀNH PHỐ THỜI GIAN QUA
Trong những năm qua, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố
đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm tăng cường thu hút đầu tư trong
nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài vào thành phố Đà Nẵng và đã đạt được những
kết quả nổi bật như sau:
1. Đối với thu hút đầu tư trong nước
Lũy kế đến cuối năm 2015, thành phố đã thu hút được
456 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đạt gần 74.000 tỷ đồng, trong
đó có 137 dự án đầu tư ngoài các Khu công nghiệp (KCN) với tổng vốn đầu tư đạt
58.892 tỷ đồng và 319 dự án đầu tư trong các KCN với tổng vốn đầu tư đạt
14.894,67 tỷ đồng. Phần lớn vốn đầu tư trong nước tập trung vào các lĩnh vực bất
động sản - du lịch, bệnh viện, giáo dục, xây dựng và công nghiệp chế biến.
Thành phố đã thu hút được một số nhà đầu tư lớn trong nước đến đầu tư như Sun
Group, VinGroup, Sovico2... (Chi tiết kết quả
thu hút đầu tư trong nước tại Phụ lục 2).
2. Đối với thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước
ngoài (ĐTNN)
Lũy kế đến ngày 31/12/2015, có 38 quốc gia/vùng
lãnh thổ đã đầu tư vào Đà Nẵng với 391 dự án ĐTNN còn hiệu lực, tổng vốn đăng
ký đạt khoảng 3,49 tỉ USD. Trong đó, có 288 dự án đầu tư ngoài các KCN với số vốn
đầu tư đạt 2,4 tỷ USD, chiếm 68,77% tổng vốn đầu tư đăng ký; 100 dự án đầu tư
vào các KCN vốn đầu tư đạt hơn 994 triệu USD, chiếm 28,5%; 01 dự án đầu tư vào Khu
công nghệ thông tin (Khu CNTT), vốn đầu tư 32 triệu USD và 02 dự án đầu tư vào
Khu công nghệ cao (Khu CNC) với số vốn đạt 70 triệu USD. Vốn ĐTNN tập trung vào
các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, công nghiệp chế biến - chế tạo, giáo dục
và đào tạo. Các quốc gia, vùng lãnh thổ có vốn đầu tư lớn nhất tại Đà Nẵng gồm
Hàn Quốc, Singapore, BVI, Nhật Bản và Hoa Kỳ3. (Chi
tiết kết quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Phụ lục 3).
II. ĐÁNH GIÁ CHUNG
1. Những mặt đạt được
Các dự án đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước
ngoài đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế của thành
phố, cụ thể như sau:
- Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp
trong nước và doanh nghiệp có vốn ĐTNN đóng góp bình quân 11,83% giá trị gia
tăng toàn nền kinh tế của thành phố giai đoạn 2011 - 2015. Trong đó, giá trị sản
xuất công nghiệp của khu vực ĐTNN chiếm từ 20 - 25% tổng giá trị sản xuất công
nghiệp trên địa bàn.
- Gia tăng nguồn vốn đầu tư phát triển: tổng
vốn đầu tư phát triển trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011-2015 là 159.172 tỷ
đồng, tăng bình quân 9,4%/năm; riêng khu vực ĐTNN góp khoảng 32.340 tỷ đồng.
Tính riêng năm 2015 tổng vốn đầu tư phát triển toàn thành phố đạt 35.000 tỷ đồng,
trong đó vốn ĐTNN chiếm 5,61%.
- Đóng góp vào xuất khẩu: Tổng kim ngạch xuất
khẩu 05 năm là 5.129 triệu USD; tăng bình quân 15,4%/năm. Năm 2015, kim ngạch
xuất khẩu hàng hóa đạt 1.295 triệu USD. Trong đó, tỷ trọng của khu vực ĐTNN
trong tổng giá trị xuất khẩu chung của thành phố ngày càng tăng, chiếm hơn 50%
giá trị xuất khẩu của toàn thành phố.
- Đóng góp vào ngân sách Nhà nước: Giai đoạn
2011-2015, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 58.732 tỷ đồng,
trong đó khu vực ĐTNN đóng góp trên 8.169 tỷ đồng.
- Tạo việc làm cho người lao động: Giai đoạn
2011-2015, các thành phần kinh tế trên địa bàn ước tạo việc làm cho hơn 15,5 vạn
lao động4. Tổng số lao động được giải quyết việc
làm năm 2015 là 3,15 vạn lao động. Lũy kế đến năm 2015 tổng số lao động trong
các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 48.119 người.
- Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng
tích cực: thương mại, du lịch, dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp; góp phần
hình thành các ngành kinh tế chủ lực như du lịch, công nghiệp sản xuất các sản
phẩm công nghệ cao như điện tử, mô tơ điện, phụ tùng ô tô....
- Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp
trên địa bàn thành phố: thu hút đầu tư trong nước từ những tập đoàn kinh tế
lớn cũng như từ các doanh nghiệp ĐTNN khi đầu tư vào Việt Nam đã mang đến những
công nghệ quản lý tiên tiến, phong cách làm việc chuyên nghiệp, thúc đẩy các
doanh nghiệp của thành phố đổi mới phương thức quản trị, mô hình kinh doanh để
nâng cao khả năng cạnh tranh.
- Đẩy mạnh việc hội nhập quốc tế, thiết lập quan
hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa thành phố Đà Nẵng và các thành phố khác:
Thông qua các doanh nghiệp ĐTNN, thành phố Đà Nẵng đã tạo lập được quan hệ hợp
tác kinh tế với nhiều địa phương của các quốc gia trên thế giới, thúc đẩy quan
hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác như văn hóa, giáo dục, y tế...
2. Những mặt hạn chế, tồn tại và nguyên nhân
a) Hạn chế, tồn tại
- Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng song
thực tế cho thấy vốn ĐTNN vào Đà Nẵng giai đoạn 2011 - 2015 đạt thấp so với các
tỉnh, thành phố trong cả nước, chưa tương xứng với tiềm năng của thành phố và sụt
giảm một nửa so với giai đoạn trước.
- Dòng vốn đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước
ngoài vào thành phố tập trung chủ yếu vào lĩnh vực bất động sản kết hợp du lịch.
Tuy nhiên, nhiều dự án chậm hoặc chưa triển khai theo cam kết, dẫn đến lãng phí
đất đai và nguồn vốn vay trong nước; các dự án dịch vụ trung gian, dịch vụ có
giá trị gia tăng cao, dự án trong lĩnh vực y tế, giáo dục, môi trường... còn hạn
chế cả về vốn đăng ký, vốn thực hiện, số lượng dự án cũng như số lượng lao động.
- Các dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất công
nghiệp chủ yếu là các dự án gia công, lắp ráp, vì vậy tác động trong chuyển
giao công nghệ nguồn chưa cao, tác động lan tỏa và khả năng kết nối giữa doanh
nghiệp có vốn ĐTNN và doanh nghiệp trong nước còn thấp và chưa chặt chẽ.
- Thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ
kém hiệu quả và chưa định hình được ngành công nghiệp chủ đạo; mục tiêu thu hút
dự án đầu tư vào ngành công nghệ cao, công nghệ nguồn chưa đạt được như kỳ vọng.
- Đối tác đầu tư vào thành phố trong lĩnh vực sản
xuất chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp
quy mô lớn đầu tư vào thành phố.
b) Nguyên nhân
* Về khách quan:
- Do đặc điểm địa lý trải dài của khu vực miền
Trung nên quy mô của thị trường nhỏ; sức mua của thị trường không cao do thu nhập
của người dân còn thấp.
- Tiềm lực tài chính, công nghệ của các doanh nghiệp
địa phương còn hạn chế; năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp còn thấp; công
nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp có vốn
ĐTNN.
- Sự bất ổn của các thị trường bất động sản, chứng
khoán... làm hạn chế khả năng thu hút các nguồn lực từ xã hội cho các doanh
nghiệp.
* Về chủ quan:
Thứ nhất, cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư
chưa thật sự cạnh tranh:
- Doanh nghiệp đầu tư vào các KCN tại Đà Nẵng hầu
như không được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế và tiền thuê đất (Chi tiết
phân tích chính sách ưu đãi trong các KCN tại Phụ lục 4).
- Chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực
CNTT chưa phát huy tác dụng do hạn chế về mặt bằng kinh doanh, sản xuất, gia
công phần mềm.
Thứ hai, quỹ đất để thu hút đầu tư hạn chế:
- Đối với quỹ đất trong các Khu và Cụm công nghiệp
+ Các KCN hiện hữu: thành phố có 6 KCN đang hoạt động
nhưng không còn nhiều diện tích đất trống để thu hút các dự án lớn, chưa kể các
dự án sử dụng đất dưới 5.000 m2 khó có cơ hội được thuê đất. Nhà xưởng
cho thuê trong các KCN còn thiếu, chất lượng nhà xưởng chưa đáp ứng được yêu cầu
của các nhà đầu tư5.
+ Cụm công nghiệp (CN): trên địa bàn có 01 cụm CN
đã đi vào hoạt động và đã được lấp đầy. Thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp có
quy mô sản xuất nhỏ đang hoạt động trong các khu dân cư có nhu cầu thuê lại đất
trong các cụm CN với diện tích thuê dưới 1.000 m2 nhưng không có đất
để bố trí. Trên cơ sở tổng hợp quy hoạch phát triển công nghiệp các quận, huyện,
toàn thành phố sẽ có 8 Cụm CN và tiểu thủ CN phân bố tại các quận Cẩm Lệ, Liên
Chiểu và huyện Hòa Vang, tuy nhiên do còn nhiều vướng mắc nên chưa triển khai
quy hoạch chi tiết cho từng cụm CN.
+ Mặt bằng cho thuê dành cho doanh nghiệp CNTT tại
thành phố đang thiếu hụt lớn. Khu Công viên phần mềm Đà Nẵng đã được lấp đầy,
Khu Công viên phần mềm số 2 chưa được triển khai đầu tư, Khu Công nghệ thông
tin tập trung đang trong quá trình tháo gỡ vướng mắc cho chủ đầu tư nên việc
triển khai xây dựng chậm, làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
- Đối với quỹ đất ngoài các Khu và Cụm Công nghiệp:
Thành phố chưa có quy hoạch chi tiết quỹ đất phục vụ kêu gọi đầu tư các dự án
trong lĩnh vực thương mại, nhà ở, giáo dục - đào tạo, y tế, logistics, tài
chính - ngân hàng v.v. Thực tế cho thấy việc quy hoạch đất đai hoặc tìm kiếm địa
điểm phần lớn dựa vào đề xuất dự án của nhà đầu tư. Quỹ đất sạch của thành phố
có sẵn để kêu gọi đầu tư không nhiều dẫn đến công tác xúc tiến đầu tư thường bị
động trong khâu giới thiệu địa điểm đầu tư.
Thứ ba, hạn chế về cơ chế xúc tiến đầu tư:
- Sự phối kết hợp giữa các ngành trong công tác
hỗ trợ doanh nghiệp trước trong và sau khi cấp phép đầu tư6 chưa chặt chẽ
+ Trước khi cấp phép đầu tư: thực tế hiện nay, cơ
quan XTĐT phải phụ thuộc nhiều vào sự phối hợp của các ngành trong việc giới
thiệu địa điểm phù hợp với mục tiêu của dự án và quy hoạch phát triển của thành
phố, công tác giải phóng mặt bằng, đấu giá quyền sử dụng đất... Thời gian từ
khi xác định địa điểm đến khi thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất thường kéo
dài. Các hoạt động xúc tiến đầu tư chưa tập trung một đầu mối, còn dàn trải và
chồng chéo, phân tán nguồn lực, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị nên
xúc tiến thiếu hiệu quả, thông tin cung cấp cho nhà đầu tư chưa nhất quán.
+ Trong cấp phép đầu tư: để thực hiện đầu tư tại Việt
Nam, nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện 2 bước thủ tục: đăng ký đầu tư (tại Sở
Kế hoạch và Đầu tư hoặc Ban Quản lý các KCN và CX hoặc Ban Quản lý KCNC Đà Nẵng
tùy vào địa điểm thực hiện đầu tư) và đăng ký doanh nghiệp (tại Phòng Đăng ký
kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư). Do vậy, việc xây dựng cơ chế phối hợp
giữa cơ quan đăng ký đầu tư và cơ quan đăng ký doanh nghiệp là cần thiết. Tuy
nhiên, cho đến nay cơ chế này chưa được ban hành.
+ Sau khi cấp phép đầu tư: Doanh nghiệp thực hiện dự
án đầu tư ngoài các KCN, Khu CNC phải đến nhiều cơ quan khác nhau để thực hiện
các thủ tục cấp phép khác theo quy định; các kiến nghị, vướng mắc của doanh
nghiệp chậm được giải quyết, các hướng dẫn của cơ quan chức năng đôi khi không
cụ thể, nhất quán, gây nhiều khó khăn, lúng túng cho doanh nghiệp.
- Kinh phí xúc tiến đầu tư hạn chế
Kinh phí xúc tiến đầu tư của thành phố còn hạn chế
so với các tỉnh, thành trong cả nước, do đó một số hoạt động cần thiết nhưng
không thực hiện được do kinh phí quá cao như quảng bá trên các kênh truyền
thông quốc tế, thuê đơn vị tư vấn hay kinh phí hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân
trong nước và nước ngoài thực hiện xúc tiến thành công dự án đầu tư vào thành
phố.
Thứ tư, cơ sở hạ tầng trong các KCN, Khu CNC
chưa được hoàn thiện, hạ tầng giao thông đô thị còn thiếu đồng bộ:
- Các KCN hiện hữu: hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ;
hệ thống xử lý chất thải và nước thải trong một số KCN chưa được đầu tư xây dựng
hoàn thiện. Việc quản lý nhà nước trong các KCN còn chồng chéo; một số KCN
không có tường rào, người dân sử dụng đường nội bộ trong KCN để lưu thông, chăn
thả gia súc và họp chợ gây mất mỹ quan, an toàn giao thông và vệ sinh công cộng;
các tiện ích như nhà trẻ, chung cư, dịch vụ y tế trong các KCN đến nay mới bước
đầu được đầu tư.
- Khu CNC Đà Nẵng: nguồn vốn đầu tư xây dựng còn hạn
chế7 nên hạ tầng kỹ thuật triển khai chậm và thiếu
đồng bộ so với dự án đã được phê duyệt.
- Các doanh nghiệp sản xuất trong các KCN của thành
phố khi vận chuyển hàng hóa ra Cảng Đà Nẵng phải di chuyển bằng đường nội đô,
làm tăng thời gian và chi phí vận chuyển hàng hóa. Chi phí vận chuyển hàng hóa
qua Cảng Đà Nẵng vẫn còn cao8. Việc mở rộng Cảng
Tiên Sa vẫn không thể giải quyết khả năng quá tải về dài hạn. Các tuyến vận tải
hành khách công cộng từ trung tâm thành phố đến các KCN, Khu CNC chậm được đầu
tư gây khó khăn cho công nhân và chuyên gia đến làm việc tại đây.
Thứ năm, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa
đa dạng, còn nhiều hạn chế về ngoại ngữ và các kỹ năng làm việc:
Thành phố thiếu những lao động lành nghề, có khả
năng ngoại ngữ tốt và thiếu nhân sự quản lý cấp cao và cấp trung. Các ngành
công nghệ cao mà thành phố đang kêu gọi đầu tư vẫn còn khá mới mẻ, đặc biệt khu
vực miền Trung chưa có nhiều trường đào tạo các ngành công nghệ cao.
Phần II
MỤC TIÊU VÀ ĐỊNH HƯỚNG
THU HÚT ĐẦU TƯ VÀO THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG GIAI ĐOẠN 2016-2020
Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần
thứ XXI, UBND thành phố xác định mục tiêu và định hướng thu hút đầu tư trong nước
và đầu tư trực tiếp nước ngoài giai đoạn 2016-2020 như sau:
1. Mục tiêu
a) Tập trung thu hút và tạo mọi điều kiện thuận lợi
cho các doanh nghiệp lớn trong nước đến đầu tư và kinh doanh; phấn đấu thu hút
được từ 01 đến 02 tập đoàn kinh tế lớn nước ngoài, công ty xuyên quốc gia đầu
tư vào thành phố.
b) Kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ từ 01
đến 02 khu/cụm công nghiệp phục vụ công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp thân thiện với
môi trường, công nghệ thông tin...
c) Xây dựng môi trường đầu tư thật sự minh bạch,
thông thoáng, có tính cạnh tranh cao, đảm bảo an ninh, an toàn, gắn thu hút đầu
tư với đảm bảo quốc phòng - an ninh và bảo vệ môi trường.
2. Định hướng
a) Lĩnh vực ưu tiên thu hút vốn đầu tư:
- Công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ
tự động hóa và cơ điện tử, công nghệ vật liệu mới;
- Các ngành công nghiệp thân thiện với môi trường,
công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực cơ khí, cơ khí chính xác, điện - điện tử;
- Các ngành dịch vụ chất lượng cao, đặc biệt là
thương mại, du lịch, logistics, y tế và giáo dục.
b) Thị trường và đối tác trọng điểm thu hút đầu tư:
- Các tập đoàn đa quốc gia, xuyên quốc gia từ Nhật
Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), một số quốc gia Châu Âu
(Đức, Anh, Pháp) và các nước ASEAN...;
- Các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản, Hàn Quốc,
Đức, Hoa Kỳ, lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc)…;
- Các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước;
- Khai thác hiệu quả nguồn lực người Việt Nam ở nước
ngoài tham gia vào lĩnh vực CNC, y tế, giáo dục - đào tạo ...
Phần III
CÁC GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH
THU HÚT ĐẦU TƯ VÀO THÀNH PHỐ GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
Để đạt được các mục tiêu nêu trên, UBND thành phố
xác định cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:
1. Tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư và kinh
doanh của thành phố
a) Ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi và thu
hút đầu tư
- Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Cơ
chế chính sách đặc thù đối với Khu CNC Đà Nẵng.
- Chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư vào Khu CNC Đà
Nẵng; chính sách hỗ trợ và ưu đãi đầu tư đối với một số ngành công nghiệp hỗ trợ;
chính sách khuyến khích doanh nghiệp xây dựng nhà xưởng đạt tiêu chuẩn để cho
thuê sản xuất; chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng các khu, cụm
công nghiệp.
- Chính sách hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp trên địa
bàn thành phố.
- Chính sách ưu đãi, chế độ đãi ngộ đối với người
Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia vào hoạt động nghiên cứu khoa học công
nghệ, thực hiện dự án đầu tư vào thành phố.
b) Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và công tác
phối hợp trong thu hút đầu tư
- Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo trực tiếp công
tác thu hút đầu tư. Giám đốc các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện
trực tiếp phụ trách và một cán bộ cấp trưởng phòng làm đầu mối để tham gia công
tác thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư trước, trong và sau cấp
phép.
- Trung tâm Xúc tiến đầu tư tổng hợp các khó khăn,
vướng mắc của các doanh nghiệp báo cáo lãnh đạo UBND thành phố giải quyết trong
phiên họp giao ban UBND thành phố hàng tuần; định kỳ ít nhất một tháng một lần,
lãnh đạo UBND thành phố tiếp các doanh nghiệp để tháo gỡ vướng mắc.
- Ban hành quy trình phối hợp giữa các sở, ban,
ngành, địa phương trong công tác thu hút đầu tư và công tác hỗ trợ trước, trong
và sau cấp phép đầu tư đối với các dự án đầu tư thực hiện ngoài các KCN, Khu
CNC.
c) Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT và thực hiện
cải cách TTHC
- Ban hành Đề án liên thông giữa cơ quan đăng ký đầu
tư và cơ quan đăng ký doanh nghiệp.
- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trong đó thực
hiện đơn giản hóa TTHC và rút ngắn thời gian thực hiện TTHC liên quan đến đầu
tư và hoạt động sản xuất kinh doanh, giữ vững thứ hạng cao về Chỉ số năng lực cạnh
tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính.
- Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong việc thực hiện TTHC
liên quan đến đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng mức độ ứng dụng
CNTT trong cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lên mức 3.
d) Hoàn thiện hạ tầng tại Khu CNC Đà Nẵng và các
KCN hiện hữu
- Tranh thủ nguồn vốn ngân sách Trung ương và bố
trí hợp lý ngân sách địa phương; huy động vốn ODA và các nguồn vốn khác để hoàn
thiện xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ của Khu CNC. Trong đó, tập trung hoàn
thiện các hạ tầng kỹ thuật và công trình thiết yếu của Khu CNC để đáp ứng nhu cầu
của nhà đầu tư và sự phát triển của Khu CNC.
- Xây dựng và hoàn thiện các nhà máy xử lý nước thải
tập trung, tăng cường trồng cây xanh, giải quyết dứt điểm những vướng mắc tồn tại
về môi trường, cảnh quan trong các KCN...
- Quy hoạch quỹ đất để kêu gọi các nhà đầu tư trong
và ngoài nước đầu tư xây dựng các tiện ích xã hội đi kèm cho các KCN, Khu CNC.
- Tiếp tục rà soát các dự án không có năng lực hoặc
năng lực sản xuất thấp tại các KCN, đề xuất các giải pháp thu hồi dự án để kêu gọi
nhà đầu tư mới.
e) Đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng và thành lập
Khu công nghệ thông tin tập trung, Khu công viên phần mềm số 2
- Đối với Khu CNTT tập trung Đà Nẵng: giải quyết vướng
mắc và kiến nghị của Chủ đầu tư để đẩy nhanh việc triển khai kết cấu hạ tầng kỹ
thuật.
- Đối với Khu công viên phần mềm số 2: tiến hành
các thủ tục thu hồi đất làm cơ sở để xúc tiến kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng.
- Hỗ trợ chủ đầu tư xây dựng và hoàn thành các bộ
thủ tục, hồ sơ xin thành lập và công nhận khu công nghệ thông tin tập trung,
trình Bộ Thông tin và Truyền thông thẩm định và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đối
với 03 dự án: Khu Công viên phần mềm số 2, Khu CNTT Đà Nẵng và các phân khu phục
vụ cho hoạt động CNTT nằm trong Khu Đô thị công nghệ FPT Đà Nẵng.
j) Hình thành các khu/cụm CN mới dành cho công
nghiệp hỗ trợ, các ngành công nghiệp thân thiện với môi trường
- Điều chỉnh bổ sung các khu/cụm công nghiệp mới,
trong đó xác định một số khu, cụm công nghiệp dành riêng cho một số quốc gia trọng
điểm thu hút đầu tư như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, lãnh thổ Đài Loan (Trung
Quốc)…; xây dựng kế hoạch kêu gọi nhà đầu tư phát triển hạ tầng cho các khu và
cụm công nghiệp mới.
- Lập và công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
các khu, cụm công nghiệp nằm trong/ngoài các KCN hiện hữu dành riêng cho doanh
nghiệp nhỏ và vừa, trong đó ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp
thân thiện với môi trường; các dự án xây dựng nhà xưởng đạt chuẩn để cho thuê sản
xuất.
g) Hoàn chỉnh quy hoạch đất đai ngoài các KCN,
Khu CNC để kêu gọi đầu tư
- Quy hoạch và công khai quỹ đất ngoài các KCN, Khu
CNC để thu hút các dự án dịch vụ cao cấp như các khu phức hợp nhà ở - trung tâm
thương mại, giáo dục - đào tạo, y tế, dịch vụ logistics...
- Hỗ trợ chủ đầu tư các dự án không có khả năng tài
chính tìm kiếm các đối tác có tiềm lực để tiếp tục triển khai dự án.
- Chuẩn bị sẵn quỹ đất sạch và phương án đấu giá để
thu hút một số dự án đầu tư trọng điểm của thành phố.
2. Đổi mới phương thức và cơ chế xúc tiến đầu tư
- Tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư phù hợp với
từng đối tượng thu hút đầu tư, đặc biệt là các tập đoàn xuyên quốc gia, tập
đoàn lớn trong nước. (Chi tiết phương thức xúc tiến đối với từng đối tượng tại
Phụ lục 5)
- Xây dựng và ban hành Danh mục dự án trọng điểm
thu hút đầu tư giai đoạn 2016 - 2020.
- Lãnh đạo thành phố tăng cường tham gia các chuyến
thăm cấp Nhà nước hoặc thăm chính thức nước ngoài của lãnh đạo cấp cao của Đảng
và Nhà nước để tiếp cận các tập đoàn kinh tế lớn; tranh thủ sự ủng hộ của Chính
phủ, các Bộ, Ngành Trung ương, các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở
các nước để xúc tiến, vận động đầu tư vào thành phố; đưa hoạt động xúc tiến đầu
tư của Khu CNC Đà Nẵng vào Chương trình XTĐT quốc gia hằng năm.
- Đa dạng hóa các kênh tuyên truyền về đầu tư; liên
kết với các kênh truyền thông quốc tế lớn; tăng cường hoạt động XTĐT tại các thị
trường trọng điểm.
- Tranh thủ sự kiện Năm APEC 2017, xây dựng Kế hoạch
xúc tiến đầu tư đối với các nhà đầu tư tiềm năng từ các nền kinh tế thành viên
APEC để đẩy mạnh các hoạt động thu hút đầu tư vào thành phố.
- Đổi mới mô hình tổ chức xúc tiến đầu tư thông qua
việc thành lập Ban Xúc tiến và Hỗ trợ Đầu tư Đà Nẵng9
trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của Trung tâm Xúc tiến đầu tư hiện nay và bổ sung
một số nhiệm vụ về hỗ trợ doanh nghiệp trước, trong và sau cấp phép đầu tư.
- Tăng cường kinh phí cho công tác xúc tiến đầu tư.
- Có cơ chế khen thưởng xứng đáng cho các tổ chức,
cá nhân trong và ngoài nước xúc tiến thành công dự án đầu tư vào thành phố.
3. Các giải pháp hỗ trợ
a) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
- Thực hiện công tác dự báo nhu cầu lao động đối với
một số ngành, lĩnh vực thành phố đang kêu gọi đầu tư, đặc biệt là ngành dịch vụ
mũi nhọn và công nghệ cao theo từng giai đoạn, làm cơ sở để các trường chủ động
xây dựng kế hoạch đào tạo theo nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp.
- Ban hành và triển khai Đề án Hỗ trợ phát triển
nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực tư nhân đến năm 2020, tập trung vào
các ngành, lĩnh vực mà thành phố ưu tiên thu hút đầu tư; sử dụng hiệu quả nguồn
nhân lực chất lượng cao đã được đào tạo theo Đề án 922 hiện đang làm việc trong
khu vực công.
- Đẩy mạnh hoạt động liên kết đào tạo giữa các cơ sở
đào tạo với các doanh nghiệp; tăng cường đào tạo ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Nhật,
tiếng Hàn) tại các trường trung học và cơ sở đào tạo trên địa bàn thành phố.
- Tập trung đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ
cho đội ngũ cán bộ chuyên trách về xúc tiến đầu tư.
b) Hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị phục vụ kêu
gọi đầu tư
- Đẩy nhanh việc nâng cấp và mở rộng Cảng Tiên Sa
giai đoạn 2.
- Tập trung xúc tiến đầu tư dự án Cảng Liên Chiểu.
- Có phương án khai thác quỹ đất khu vực phía Tây
sân bay Đà Nẵng và nhà ga đường sắt Đà Nẵng sau khi di dời.
- Tập trung quy hoạch, kêu gọi đầu tư cảng đón tàu
khách quốc tế, các kho chứa hàng khô, kho container, trạm dừng chân phục vụ
công tác chuyển tải, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải - kho bãi, dịch vụ hỗ
trợ sau cảng từng bước đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm logistics của khu vực.
- Triển khai đưa vào hoạt động các tuyến xe buýt từ
trung tâm thành phố đến KCN, Khu CNC trong đó tập trung xúc tiến đầu tư tuyến
xe buýt R14 (Công viên 29/3 - KCNTT - KCNC); tuyến xe buýt nhanh BRT1 (KCN Hòa
Khánh - Cao đẳng Việt Hàn) thuộc Dự án Phát triển bền vững.
- Kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương xúc tiến,
triển khai nhanh các dự án hạ tầng giao thông liên tỉnh và quốc tế quan trọng của
quốc gia nhằm thúc đẩy tính kết nối của thành phố như: Dự án nâng cấp quốc lộ
14B giai đoạn 2, Nâng cấp quốc lộ 14G, nâng cấp Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng,
di dời Ga đường sắt Đà Nẵng, đường Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường Hồ Chí
Minh (đoạn La Sơn - Túy Loan), tuyến đường Hành lang kinh tế Đông Tây II (Quốc
lộ 14D)...
Phần IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Trung tâm Xúc tiến đầu tư (sau này là Ban Xúc
tiến và Hỗ trợ đầu tư)
- Chủ trì tham mưu toàn bộ các hoạt động thu hút đầu
tư từ khâu xúc tiến đầu tư, hỗ trợ trước, trong và sau khi cấp phép đầu tư;
- Tham mưu, tổng hợp cho UBND thành phố, Chủ tịch
UBND thành phố về tổ chức triển khai thực hiện, kiểm tra, đánh giá tình hình thực
hiện và chế độ thông tin, báo cáo về triển khai thực hiện Đề án;
- Làm cơ quan thường trực, chủ trì, phối hợp với
các đơn vị liên quan, tham mưu giúp UBND thành phố theo dõi, đôn đốc thực hiện
Đề án, định kỳ hàng quý báo cáo tình hình thực hiện và đề xuất UBND thành phố
điều chỉnh, sửa đổi, giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện cho
phù hợp với tình hình mới và điều kiện cụ thể của các đơn vị.
2. Các Sở, ban, ngành liên quan
- Các Sở, ban, ngành liên quan có trách nhiệm căn cứ
Đề án này và chức năng, nhiệm vụ của đơn vị phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu
tư tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Đề án được Ủy ban
nhân dân thành phố phê duyệt; chủ động tìm kiếm và triển khai thực hiện các hoạt
động bằng nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước.
- Giám đốc các sở, ngành, Chủ tịch UBND các quận,
huyện trực tiếp chịu trách nhiệm về công tác thu hút đầu tư đối với các dự án
có liên quan, hỗ trợ nhà đầu tư trước, trong và sau cấp phép.
- Tổ chức quán triệt, triển khai nội dung Đề án đến
toàn thể đơn vị, nhất là người đứng đầu và cán bộ phụ trách để nâng cao nhận thức
về tầm quan trọng của việc thu hút đầu tư.
- Thực hiện báo cáo định kỳ hàng quý (trước ngày 15
của tháng cuối cùng của quý) hoặc báo cáo đột xuất (nếu có yêu cầu) cho UBND
thành phố (thông qua Trung tâm Xúc tiến đầu tư).
3. Ủy ban nhân dân các quận, huyện: phối hợp
với Trung tâm Xúc tiến đầu tư thực hiện có hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư
vào địa bàn của quận, huyện.
Phần V
KINH PHÍ THỰC HIỆN
Kinh phí thực hiện Đề án được huy động từ nhiều nguồn:
Ngân sách Nhà nước, phương thức xã hội hóa. Các sở, ban, ngành, địa phương liên
quan chủ động tìm kiếm và triển khai thực hiện các hoạt động bằng nguồn kinh
phí ngoài ngân sách nhà nước.
Trên cơ sở đề nghị của Trung tâm Xúc tiến đầu tư và
khả năng cân đối ngân sách, hằng năm, tại thời điểm xây dựng dự toán, Sở Tài
chính có trách nhiệm kiểm tra, tham mưu UBND thành phố bố trí kinh phí thực hiện
Đề án trình Hội đồng nhân dân thành phố xem xét, phê duyệt theo đúng quy định của
Luật Ngân sách nhà nước. Trong quá trình triển khai thực hiện, trường hợp có những
nhiệm vụ mới phát sinh theo chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, Hội đồng nhân
dân, UBND thành phố, giao Trung tâm Xúc tiến đầu tư xây dựng dự toán bổ sung, gửi
Sở Tài chính thẩm định, trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt bổ sung kinh
phí triển khai thực hiện.
Lũy kế đến cuối năm 2015, thành phố Đà Nẵng đã thu
hút được 456 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đạt gần 74 ngàn tỷ đồng,
trong đó có 137 dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư đạt
58.892 tỷ đồng và 319 dự án đầu tư trong các khu công nghiệp với tổng vốn đầu
tư 14.894,67 tỷ đồng.
Dòng vốn đầu tư trong nước thực hiện ngoài các khu
công nghiệp tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực bất động sản - du lịch, bệnh viện,
giáo dục, xây dựng với suất đầu tư bình quân khoảng 429 tỷ đồng/dự án.
Các dự án thực hiện trong các khu công nghiệp chủ yếu
thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, chiếm khoảng 20% tổng vốn đầu tư trong
nước. Các dự án đầu tư vào khu công nghiệp có quy mô vốn tương đối nhỏ với suất
đầu tư khoảng trên 46 tỷ đồng/dự án. Mặc dù suất đầu tư của các dự án trong các
Khu công nghiệp không cao bằng các dự án thực hiện ngoài các Khu công nghiệp
nhưng theo báo cáo sơ bộ của Ban Quản lý Khu Công nghiệp và Chế xuất thì cho đến
nay, phần lớn các dự án đầu tư này đều có hiệu quả, đóng góp tích cực vào sự
phát triển của thành phố; tạo công ăn việc làm và tăng nguồn thu ngân sách.
Tính đến tháng 10/2015, giá trị xuất khẩu của các dự án trong nước trong khu
công nghiệp đạt 1.599 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 707 tỷ đồng.
Theo Báo cáo đầu tư toàn cầu năm 2015 của UNTAD, tại
khu vực Đông Nam Á thu hút ĐTNN tại các nền kinh tế ASEAN có sự phân hóa rõ rệt.
Singapore vẫn là quốc gia thu hút đồng vốn ĐTNN lớn nhất, đạt hơn 64 tỷ USD.
Thu hút ĐTNN vào Indonesia đạt mức tăng trưởng bền vững trong 3 năm liền vào
khoảng 19 tỷ USD từ 2011 đến 2013, và tăng mạnh vào năm 2015 đạt 23 tỷ USD.
Malaysia và Thái Lan thu hút ĐTNN xấp xỉ 13 tỷ USD mặc dù những biến động về
chính trị dẫn đến nhiều dự án ĐTNN bị ngưng trệ. Trong khi đó, Việt Nam mặc dù
đã có sự tăng trưởng về vốn cấp mới và tăng thêm so với năm 2014 (12,5%) nhưng
cùng với các nền kinh tế thu nhập thấp trong khối ASEAN như Myanmar, Campuchia
và Lào vẫn duy trì mức thu hút ĐTNN khá thấp và không có nhiều khởi sắc.
Theo đánh giá của Tạp chí Bloomberg về triển vọng
tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2016 cho thấy Việt Nam là quốc gia có tốc độ
tăng trưởng cao, đạt 6,6% đứng thứ hai sau Ấn Độ trong tổng số 93 nền kinh tế
thế giới. Với tốc độ tăng trưởng được dự báo như trên, Việt Nam sẽ là nền kinh
tế tăng trưởng mạnh nhất Đông Nam Á trong năm 2016, trên các mức tăng trưởng dự
báo dành cho kinh tế Indonesia là 5,2%, Malaysia là 4,5%, Thái Lan là 3,2%, và
Singapore là 2,3%.
Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá triển vọng thu hút đầu
tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam năm 2016 là rất khả quan trong bối cảnh
các hiệp định thương mại tự do được ký kết và có hiệu lực, đồng thời với sự
thay đổi trong tư duy quản lý doanh nghiệp với việc ban hành và có hiệu lực của
Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2014.
Điểm hấp dẫn của Việt Nam trong thu hút ĐTNN chính
là lợi thế so sánh về chi phí lao động. Tuy nhiên, chính sách tăng lương tối
thiểu của Chính phủ thêm 15% vào năm 2015 dẫn đến mức lương tối thiểu của Việt
Nam tăng gấp 17 lần so với 15 năm trước, làm giảm tính cạnh tranh về chi phí
lao động so với các quốc gia khác trong khu vực. Hơn nữa, lao động tại các nước
như Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Phillipines... cũng có thế mạnh về việc sử dụng
tiếng Anh, giúp giảm chi phí và nâng cao hiệu quả đào tạo, cũng là một điểm
quan trọng để thu hút các nhà đầu tư. Trong lịch sử các nước này cũng thường
xuyên có làn sóng di cư và lao động và chính những lao động đó là đại sứ tốt nhất
để mang các nhà đầu tư về quê hương.
Tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt 1,820 tỷ
USD, trong đó vốn đầu tư cấp mới đạt 1.014 triệu USD. Thị trường bất động sản
đóng băng khiến cho luồng vốn ĐTNN vào lĩnh vực này bị chững lại. Tuy tổng vốn
ĐTNN đăng kí mới giảm, nhưng số lượng dự án tăng vượt so với giai đoạn trước
(224 dự án, tăng 122 dự án so với giai đoạn 2006 - 2010) và cơ cấu vốn đầu tư
cũng có sự thay đổi so với trước. Ở giai đoạn này có thể thấy làn sóng đầu tư
vào Việt Nam từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phát triển rất mạnh, phần lớn
các dự án đều có số vốn nhỏ, 88,84% dự án có tổng vốn đầu tư dưới 05 triệu USD
(199/224 dự án). Các dự án đầu tư cấp mới trong giai đoạn này tập trung chủ yếu
ở lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp công nghệ cao như công nghệ thông tin, điện tử,
cơ khí chính xác...theo đúng định hướng kêu gọi đầu tư của thành phố.
Lũy kế đến ngày 31/12/2015, có 38 quốc gia/vùng
lãnh thổ đã đầu tư vào Đà Nẵng với 391 dự án ĐTNN còn hiệu lực, tổng vốn đăng
ký đạt khoảng 3,49 tỉ USD. Quy mô vốn đầu tư bình quân một dự án là 8,93 triệu
USD. Trong đó, có 288 dự án đầu tư ngoài các KCN, vốn đầu tư khoảng 2,4 tỷ USD,
chiếm 68,77% tổng vốn đầu tư đăng ký; 100 dự án đầu tư vào các KCN, vốn đầu tư
đạt hơn 994 triệu USD, chiếm 28,5%, 01 dự án đầu tư vào Khu CNTT tập trung, vốn
đầu tư 32 triệu USD và 02 dự án đầu tư vào Khu công nghệ cao với 70 triệu USD.
Lĩnh vực đầu tư được nhiều nhà đầu tư quan tâm là
kinh doanh bất động sản với 25 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 1,8 tỷ
USD, chiếm 51,57% tổng vốn đầu tư đăng ký; lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo
có 119 dự án với số vốn đầu tư khoảng 1,18 tỷ USD, chiếm 33,81% tổng vốn đầu
tư; lĩnh vực giáo dục và đào tạo có 11 dự án, vốn đầu tư khoảng 171,7 triệu
USD, chiếm 4,92% tổng vốn đầu tư.
Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất tại Đà Nẵng với 51
dự án, vốn đầu tư đạt 731,96 triệu USD, chiếm 20,97% tổng vốn ĐTNN tại Đà Nẵng;
tiếp theo là Singapore với 21 dự án và tổng vốn đầu tư đạt 726,2 triệu USD
(20,81%), British Virgin Islands với 17 dự án và tổng vốn đầu tư đạt 633,2 triệu
USD (18,14%), Nhật Bản với 97 dự án và tổng vốn đầu tư là 387,7 triệu USD
(11,11%), Hoa Kỳ với 35 dự án và tổng vốn đầu tư là 331,8 triệu USD (9,51%).
- Ký kết hợp tác với các đơn vị tư vấn đầu tư có uy
tín nhằm xác định một số tập đoàn lớn có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh tại
các nước Đông Nam Á.
- Xây dựng các dự án kêu gọi đầu tư trọn gói
(project profiles) phù hợp với ngành và lĩnh vực chính của tập đoàn và định hướng
thu hút đầu tư của thành phố.
- Xây dựng chiến lược marketing trực tiếp thông qua
giới thiệu hình ảnh thành phố, xác định lợi thế so sánh của thành phố Đà Nẵng,
các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đối với dự án; tham gia các đoàn vận động
đầu tư của lãnh đạo Chính phủ và các Bộ ngành ở các thị trường trọng điểm; tiếp
cận với CEOs của các tập đoàn để giới thiệu dự án và vận động đầu tư.
- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chính phủ các
nước có chức năng hỗ trợ thương mại và đầu tư và các hiệp hội doanh nghiệp các
nước tại Việt Nam để tổ chức các đoàn doanh nghiệp đến Đà Nẵng tìm hiểu cơ hội
đầu tư.
- Tổ chức hội nghị, hội thảo xúc tiến đầu tư chuyên
ngành trong nước và nước ngoài.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu về các doanh nghiệp nhỏ và
vừa có nhu cầu mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam; thường
xuyên gửi thông tin cập nhật về tình hình đầu tư, môi trường đầu tư và các
chính sách ưu đãi đầu tư của thành phố cho các đối tác, nhà đầu tư.
- Tăng cường kết nối với các Hội doanh nhân Việt
Nam ở nước ngoài nhằm tăng cường vai trò cầu nối thu hút đầu tư của doanh nhân
Việt Kiều vào thành phố Đà Nẵng cũng như khai thác hiệu quả mối quan hệ với
doanh nhân các nước sở tại để giới thiệu, quảng bá về môi trường đầu tư của
thành phố.
- Gặp gỡ, làm việc, tổ chức hội thảo với các hiệp hội
doanh nhân Việt Nam tại các nước nhân các chuyến đi xúc tiến đầu tư của lãnh đạo
thành phố để vận động kiều bào về đầu tư tại thành phố.
- Xây dựng và thực hiện chính sách ưu đãi đối với
doanh nhân Việt Kiều đầu tư vào Đà Nẵng.
- Thông qua các hiệp hội doanh nghiệp tại các thành
phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu về các dự án trọng điểm
kêu gọi đầu tư, chính sách ưu đãi đầu tư của thành phố.
- Trực tiếp gặp gỡ, làm việc với lãnh đạo các tập
đoàn để vận động đầu tư vào thành phố.