ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ NAM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
32/2023/QĐ-UBND
|
Hà Nam, ngày 12
tháng 7 năm 2023
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO
THÔNG ĐƯỜNG BỘ ĐỊA PHƯƠNG, TỈNH HÀ NAM
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM
Căn cứ Luật Tổ chức Chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung
một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương
ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Giao thông đường
bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số
11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo
vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và các Nghị định số: Nghị định số
100/2013/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2013, Nghị định số 117/2021/NĐ-CP ngày 22
tháng 12 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010;
Căn cứ Thông tư số
50/2015/TT-BGTVT ngày 23 tháng 9 năm 2015 của Bộ Giao thông vận tải về việc hướng
dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm
2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường
bộ và các Thông tư số: 35/2017/TT- BGTVT ngày 09 tháng 10 năm 2017,
13/2020/TT-BGTVT ngày 29 tháng 6 năm 2020, 39/2021/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12
năm 2021 của Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số
50/2015/TT-BGTVT ngày 23 tháng 9 năm 2015;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở
Giao thông vận tải.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về quản lý
và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ địa phương, tỉnh Hà Nam”.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01
tháng 8 năm 2023 và thay thế các Quyết định số: 32/2016/QĐ-UBND ngày 25 tháng 8 năm 2016, 34/2018/QĐ-UBND ngày 05 tháng 9 năm 2018 của UBND Hà Nam “Quy định
về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ địa phương, tỉnh Hà
Nam”.
Điều 3.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các
Sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp
xã; các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Bộ Giao thông vận tải; (để báo cáo)
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh; (để báo cáo)
- Website Chính phủ;
- Cục kiểm tra VBQPQL-Bộ Tư pháp;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các thành viên UBND tỉnh;
- Viện KSND tỉnh, TAND tỉnh;
- UBMTTQ, các đoàn thể tỉnh;
- Công báo tỉnh;
- VPUB: LĐVP, các CV liên quan;
- Lưu: VT, GTXD (D).
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trần Xuân Dưỡng
|
QUY ĐỊNH
VỀ QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ ĐỊA
PHƯƠNG, TỈNH HÀ NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 32/2023/QĐ-UBND ngày 12/7/2023 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Hà Nam)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định về quản
lý, bảo vệ, sử dụng, khai thác và xây dựng các công trình thiết yếu, đấu nối
trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường tỉnh, đường đô thị, đường
huyện, đường xã, đường chuyên dùng trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
Điều 2. Đối
tượng áp dụng
Các tổ chức, cá nhân liên quan
đến quản lý, sử dụng, khai thác và xây dựng các công trình thiết yếu, đấu nối
trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; đảm bảo an toàn giao
thông khi thi công công trình trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông
đường bộ; thẩm định, thẩm tra an toàn giao thông đường bộ trên hệ thống đường địa
phương, tỉnh Hà Nam.
Điều 3.
Phạm vi quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
Phạm vi quản lý và bảo vệ kết cấu
hạ tầng giao thông đường bộ thực hiện theo nội dung Chương V, Nghị định số
11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 2 năm 2010; Điều 1, Nghị định số 100/2013/NĐ-CP
ngày 03 tháng 9 năm 2013 của Chính Phủ; Chương II, Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT
ngày 23 tháng 9 năm 2015 và khoản 1, khoản 2, Điều 1 Thông tư số
35/2017/TT-BGTVT ngày 09 tháng 10 năm 2017 của Bộ Giao thông vận tải”.
Điều 4.
Phân cấp quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
1. Sở Giao thông vận tải quản
lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với hệ thống đường tỉnh;
2. UBND các huyện, thị xã,
thành phố (UBND cấp huyện) quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
đối với hệ thống đường huyện, đường đô thị và Cầu treo và cầu trên đường GTNT
do xã quản lý có quy mô gồm: cầu dàn thép và cầu dầm có khẩu độ nhịp từ 50m trở
lên; các cầu cấp II trở lên;
3. UBND các xã, phường, thị trấn
(UBND cấp xã) quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với hệ
thống đường giao thông nông thôn (trừ đường huyện) thuộc địa bàn quản lý do Nhà
nước đầu tư hoặc nhận bàn giao do cộng đồng dân cư, các tổ chức, cá nhân đầu tư
trên các tuyến đường xã, đường trục thôn; đường trong ngõ xóm và các điểm dân
cư tương đương; đường trục chính nội đồng;
4. Chủ đầu tư, chủ sở hữu công
trình đường chuyên dùng chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường
chuyên dùng.
Chương II
SỬ DỤNG KHAI THÁC VÀ XÂY
DỰNG CÁC CÔNG TRÌNH THIẾT YẾU, BIỂN QUẢNG CÁO TRONG PHẠM VI BẢO VỆ KẾT CẤU HẠ TẦNG
GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ ĐỊA PHƯƠNG
Điều 5: Sử
dụng, khai thác phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
1. Việc khai thác, sử dụng phạm
vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tuân theo Điều 26, Điều 28 của
Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 2 năm 2010; Điều 10, Điều 11, Thông tư
số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23 tháng 9 năm 2015; Khoản 3, khoản 4 Điều 1, Thông tư
số 35/2017/TT-BGTVT ngày 09 tháng 10 năm 2017 và các quy định tại Quyết định
này.
2. Việc sử dụng hành lang an
toàn ở nơi đường bộ, đường sắt chồng lấn phải có văn bản chấp thuận của cơ quan
quản lý đường bộ, cơ quan quản lý đường sắt có thẩm quyền.
3. Việc quảng cáo trong hành
lang an toàn đường bộ chỉ được thực hiện tạm thời khi điều kiện địa hình bên
ngoài hành lang an toàn đường bộ không thực hiện được.
4. Đối với các dự án thủy điện,
thủy lợi có tuyến tránh ngập và các dự án khác có tuyến tránh:
a) Kinh phí xây dựng tuyến
tránh do chủ đầu tư dự án chịu trách nhiệm.
b) Chủ đầu tư dự án ngay từ bước
lập dự án về hướng tuyến, quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật và các vấn đề khác có
liên quan đối với hệ thống đường địa phương phải có ý kiến thỏa thuận của Cơ
quan có thẩm quyền theo Điều 4 tại quy định này thỏa thuận đối với hệ thống đường
được giao quản lý.
Điều 6.
Công trình thiết yếu xây dựng trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông
đường bộ
Loại công trình thiết yếu, yêu
cầu thực hiện các quy định xây dựng công trình thiết yếu trong và ngoài phạm vi
bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được quy định cụ thể tại Điều 12,
Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23 tháng 9 năm 2015 và khoản 5 Điều 1, Thông
tư số 35/2017/TT-BGTVT ngày 09 tháng 10 năm 2017 của Bộ Giao thông vận tải.
Điều 7. Chấp
thuận xây dựng công trình thiết yếu, chấp thuận cùng thời điểm với cấp phép thi
công xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao
thông đường bộ đang khai thác
1. Thẩm quyền chấp thuận xây dựng
công trình thiết yếu; chấp thuận xây dựng cùng thời điểm với cấp phép thi công
xây dựng công trình thiết yếu:
a) Sở Giao thông vận tải chấp
thuận xây dựng công trình thiết yếu; chấp thuận xây dựng cùng thời điểm với cấp
phép thi công xây dựng công trình thiết yếu trên hệ thống đường tỉnh.
b) Ủy ban nhân dân cấp huyện chấp
thuận xây dựng công trình thiết yếu; chấp thuận xây dựng cùng thời điểm với cấp
phép thi công xây dựng công trình thiết yếu trên hệ thống đường huyện, đường đô
thị.
c) Ủy ban nhân dân cấp xã chấp
thuận xây dựng công trình thiết yếu; chấp thuận xây dựng cùng thời điểm với cấp
phép thi công xây dựng công trình thiết yếu trên hệ thống đường xã.
d) Tổ chức, cá nhân quản lý,
khai thác đường chuyên dùng chấp thuận xây dựng công trình thiết yếu; chấp thuận
xây dựng cùng thời điểm với cấp phép thi công xây dựng công trình thiết yếu
trên hệ thống đường chuyên dùng do đơn vị quản lý.
e) Đối với các tuyến đường xây
dựng mới, chủ đầu tư dự án chấp thuận xây dựng công trình thiết yếu; chấp thuận
xây dựng cùng thời điểm với cấp phép thi công xây dựng công trình thiết yếu
trên phạm vi dự án sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án chấp thuận
chủ trương.
2. Hồ sơ đề nghị chấp thuận xây
dựng công trình thiết yếu, chấp thuận xây dựng cùng thời điểm với cấp phép thi
công xây dựng công trình thiết yếu đối với đường địa phương như mẫu quy định tại
khoản 4 Điều 13 Thông tư số 50/2015/TT- BGTVT được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2
Điều 1 Thông tư số 39/2021/TT- BGTVT.
3. Thời hạn giải quyết như quy
định tại khoản 6 Điều 13 Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT được sửa đổi, bổ sung tại
khoản 2 Điều 1 Thông tư số 39/2021/TT-BGTVT .
4. Trình tự, cách thức thực hiện
như quy định tại Điều 19 Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT .
5. Cơ quan có thẩm quyền chấp
thuận xây dựng công trình thiết yếu; chấp thuận xây dựng công trình thiết yếu
cùng thời điểm với cấp phép thi công công trình thiết yếu quy định tại khoản 1
Điều 7 Quyết định này chấp thuận xây dựng công trình thiết yếu cùng thời điểm với
cấp phép thi công công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng
giao thông đường bộ của các tuyến đường bộ được giao quản lý.
Điều 8: Cấp
phép thi công xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng
giao thông đường bộ đang khai thác
Chủ đầu tư hoặc chủ sử dụng
công trình thiết yếu phải hoàn chỉnh hồ sơ thiết kế theo văn bản chấp thuận, tổ
chức thẩm định hồ sơ thiết kế, phê duyệt dự án theo quy định hiện hành và gửi hồ
sơ đề nghị cấp phép thi công đến các cơ quan có thẩm quyền theo Điều 4 tại quy
định này để được xem xét giải quyết.
1. Thẩm quyền cấp phép thi công
xây dựng công trình thiết yếu
a) Việc cấp phép thi công xây dựng
công trình thiết yếu chỉ được thực hiện sau khi có văn bản chấp thuận xây dựng
công trình thiết yếu của các cơ quan được nêu tại Khoản 1, Điều 7 quy định này,
b) Sở Giao thông vận tải cấp
phép xây dựng công trình thiết yếu trên hệ thống đường tỉnh;
c) Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp
phép xây dựng công trình thiết yếu trên các tuyến đường huyện, đường đô thị.
d) Ủy ban nhân dân cấp xã cấp
phép xây dựng công trình thiết yếu trên hệ thống đường xã (không bao gồm đường
đô thị), đường giao thông nông thôn.
e) Tổ chức, cá nhân quản lý,
khai thác đường chuyên dùng cấp phép xây dựng công trình thiết yếu trên các tuyến
đường chuyên dùng do đơn vị quản lý.
f) Đối với các tuyến đường xây
dựng mới, Chủ đầu tư dự án cấp phép xây dựng công trình thiết yếu trên các tuyến
đường thuộc dự án.
2. Cấp phép thi công xây dựng
công trình thiết yếu.
a) Sau khi có văn bản chấp thuận
xây dựng công trình thiết yếu của các cơ quan có thẩm quyền tại khoản 1 Điều 8
của Quy định này; chủ đầu tư công trình thiết yếu hoàn chỉnh hồ sơ thiết kế
theo nội dung văn bản chấp thuận, tổ chức thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế
theo quy định hiện hành và gửi hồ sơ đề nghị cấp phép thi công đến các cơ quan
có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này để được xem xét giải quyết.
b) Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép
thi công công trình thiết yếu đối với đường địa phương như quy định tại khoản 2
Điều 14 Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1
Thông tư số 13/2020/TT-BGTVT .
c) Thời hạn giải quyết như quy
định tại điểm a khoản 4 Điều 14 Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT được sửa đổi, bổ
sung tại khoản 2 Điều 1 Thông tư số 13/2020/TT-BGTVT .
d) Trình tự, cách thức thực hiện
như quy định tại Điều 19 Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23 tháng 9 năm 2015.
e) Cơ quan cấp giấy phép thi
công công trình thiết yếu quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm kiểm
tra, tham gia nghiệm thu và tham gia xác nhận hết bảo hành đối với công tác
hoàn trả kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do thi công xây dựng, sửa chữa
công trình thiết yếu.
Điều 9.
Trách nhiệm của chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc người được giao quản lý, sử dụng
công trình thiết yếu
Nội dung trách nhiệm của chủ đầu
tư, chủ sở hữu hoặc người được giao quản lý, sử dụng công trình thiết yếu được
thực hiện theo nội dung chi tiết tại Điều 15, Thông tư 50/2015/TT-BGTVT ngày 23
tháng 9 năm 2015 và khoản 8 Điều 1, Thông tư số 35/2017/TT-BGTVT ngày 09 tháng
10 năm 2017 của Bộ Giao thông vận tải. Trong đó lưu ý: Số tiền bảo hành chỉ được
trả cho nhà thầu thi công xây dựng công trình thiết yếu sau khi có văn bản xác
nhận hết bảo hành của chủ đầu tư và cơ quan quản lý đường bộ đã thực hiện cấp
phép.
Điều 10.
Xây dựng, lắp đặt biển quảng cáo tạm thời trong phạm vi hành lang an toàn đường
bộ đang khai thác
1. Nguyên tắc xây dựng, lắp đặt
biển quảng cáo tạm thời trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ đang khai thác
như quy định tại Điều 16 Thông tư 50/2015/TT-BGTVT ngày 23 tháng 9 năm 2015.
2. Cơ quan có thẩm quyền chấp thuận,
cấp phép thi công xây dựng biển quảng cáo tạm thời trong phạm vi hành lang an
toàn đường bộ của hệ thống đường địa phương đang khai thác được phân cấp như
sau:
a) Sở Giao thông vận tải chấp
thuận và cấp phép thi công xây dựng biển quảng cáo đối với hệ thống đường tỉnh
ngoài đô thị;
b) UBND cấp huyện chấp thuận và
cấp phép thi công xây dựng biển quảng cáo đối với hệ thống đường huyện, đường
đô thị, đường xã thuộc phạm vi quản lý và đường tỉnh trong đô thị trên cơ sở thống
nhất bằng văn bản với Sở Giao thông vận tải.
3. Trình tự, cách thức thực hiện,
hồ sơ, thời gian giải quyết thủ tục chấp thuận xây dựng, thủ tục cấp phép thi
công thực hiện như đối với công trình thiết yếu.
Điều 11.
Xây dựng công trình thiết yếu trên các tuyến xây dựng mới hoặc nâng cấp, cải tạo
1. Khi lập dự án xây dựng mới
hoặc nâng cấp, cải tạo hoặc nắn chỉnh tuyến, xây dựng tuyến tránh, Chủ đầu tư dự
án phải:
a) Gửi thông báo đến các Sở,
ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện có liên quan về thông tin cơ bản của dự án (cấp
kỹ thuật, quy mô, hướng tuyến, mặt cắt ngang, thời gian dự kiến khởi công và
hoàn thành) để các tổ chức có nhu cầu xây dựng các công trình thiết yếu được biết;
b) Tổng hợp nhu cầu, đề xuất giải
pháp bảo đảm an toàn, bền vững công trình của dự án đường bộ do ảnh hưởng của
việc xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao
thông đường bộ báo cáo về cấp quyết định đầu tư để xem xét, quyết định;
c) Căn cứ ý kiến của cấp quyết
định đầu tư, chủ đầu tư dự án đường bộ thông báo cho tổ chức có công trình thiết
yếu biết việc xây dựng hộp kỹ thuật hoặc việc thực hiện các giải pháp bảo đảm
an toàn, bền vững công trình của dự án đường bộ khi xây dựng công trình thiết yếu.
2. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu
xây dựng công trình thiết yếu có liên quan đến dự án xây dựng mới, nâng cấp, cải
tạo đường địa phương phải:
a) Gửi văn bản đề nghị (kèm
theo yêu cầu thiết kế kỹ thuật của hạng mục công trình thiết yếu sẽ xây dựng
trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ) đến chủ đầu tư dự án
xây dựng tuyến đường;
b) Thực hiện các giải pháp bảo
đảm an toàn, bền vững công trình đường bộ khi xây dựng công trình thiết yếu và
đồng bộ với quá trình thi công dự án đường bộ.
3. Khi có nhu cầu thi công, lắp
đặt công trình thiết yếu trong hộp kỹ thuật của công trình đường bộ đã được xây
dựng, chủ đầu tư dự án có công trình thiết yếu thực hiện theo quy định tại Điều
8, Quy định này để được cấp Giấy phép thi công và chi trả kinh phí thuê hộp kỹ
thuật theo quy định của pháp luật.
4. Mọi chi phí phát sinh để thực
hiện các giải pháp bảo đảm an toàn, bền vững công trình đường bộ khi xây dựng
công trình thiết yếu gây ra do Chủ đầu tư công trình thiết yếu chi trả.
Điều 12.
Chấp thuận, cấp phép thi công xây dựng công trình đường bộ trong phạm vi đất
dành cho đường bộ đang khai thác
1. Trước khi trình cấp có thẩm
quyền phê duyệt dự án xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo công trình đường bộ trong
phạm vi đất dành cho đường bộ, chủ đầu tư dự án gửi hồ sơ đề nghị chấp thuận
quy mô, giải pháp thiết kế đến cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 4 Quy định
này để được xem xét giải quyết (Trừ trường hợp Chủ đầu tư là cơ quan có thẩm
quyền quy định tại Điều 4).
2. Chủ đầu tư hoặc nhà thầu thi
công công trình đường bộ trên đường bộ địa phương đang khai thác phải đề nghị
cơ quan quản lý có thẩm quyền theo Điều 3, quy định này để được xem xét cấp Giấy
phép thi công.
3. Hồ sơ đề nghị cấp phép thi
công như quy định tại khoản 3, Điều 18, Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT .
4. Trình tự, cách thức thực hiện
theo quy định tại Điều 19 Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT .
5. Thời hạn giải quyết như quy
định tại khoản 5, Điều 18, Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT .
6. Đối với các dự án nâng cấp,
cải tạo, sửa chữa định kỳ, cục bộ đường bộ đang khai thác do Sở Giao thông vận
tải là chủ đầu tư hoặc các cơ quản lý đường bộ có thẩm quyền theo quy định tại
Điều 4, Quy định này làm chủ đầu tư công trình trong phạm vi quản lý, không phải
đề nghị cấp giấy phép thi công; nhưng trước khi thi công, Ban Quản lý dự án hoặc
nhà thầu thi công phải gửi đến cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền theo quy
định tại Điều 4, Quy định này hồ sơ có liên quan gồm: quyết định duyệt dự án, hồ
sơ thiết kế bản vẽ thi công được duyệt kể cả phương án thi công, biện pháp tổ
chức thi công bảo đảm an toàn giao thông để cơ quan quản lý đường bộ xem xét,
thỏa thuận bằng văn bản về thời gian thi công, biện pháp tổ chức bảo đảm an
toàn giao thông khi thi công.
7. Tổ chức, cá nhân quản lý, bảo
trì đường bộ làm công tác bảo dưỡng thường xuyên không phải đề nghị cấp Giấy
phép thi công nhưng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông
trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Điều 13.
Trình tự, cách thức thực hiện thủ tục hành chính
Thực hiện theo quy định tại tại
Điều 19 Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT .
Chương
III
QUẢN LÝ ĐẤU NỐI ĐƯỜNG
NHÁNH VÀO HỆ THỐNG ĐƯỜNG BỘ ĐỊA PHƯƠNG
Điều 14. Đấu
nối đường nhánh vào hệ thống đường địa phương
1. Đường nhánh đấu nối vào đường
tỉnh, bao gồm.
a) Đường huyện, đường xã, đường
đô thị, đường thôn xóm, đường trục chính nội đồng.
b) Đường chuyên dùng: Đường lâm
nghiệp, đường khai thác mỏ, đường phục vụ thi công, đường khu công nghiệp.
c) Đường gom.
d) Đường từ các khu vực, công
trình phục vụ quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế xã hội (các nhà máy, trụ
sở, văn phòng làm việc, trạm kinh doanh xăng dầu…).
2. Đường nhánh đấu nối vào đường
huyện bao gồm.
a) Đường xã, đường đô thị, đường
thôn xóm, đường trục chính nội đồng.
b) Đường chuyên dùng: Đường lâm
nghiệp, đường khai thác mỏ, đường phục vụ thi công, đường khu công nghiệp.
c) Đường gom.
d) Đường từ các khu vực, công
trình phục vụ quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế xã hội (các nhà máy, trụ
sở, văn phòng làm việc, trạm kinh doanh xăng dầu…)
3. Đường nhánh đấu nối vào đường
xã bao gồm.
a) Đường đường đô thị, đường
thôn xóm, đường trục chính nội đồng.
b) Đường chuyên dùng: Đường lâm
nghiệp, đường khai thác mỏ, đường phục vụ thi công, đường khu công nghiệp.
c) Đường gom.
d) Đường từ các khu vực, công
trình phục vụ quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế xã hội (các nhà máy, trụ
sở, văn phòng làm việc, trạm kinh doanh xăng dầu…).
4. Nguyên tắc đấu nối vào đường
tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị:
a) Việc đấu nối vào đường tỉnh,
đường huyện, đường xã, đường đô thị phải phù hợp với các quy hoạch được cấp có
thẩm quyền phê duyệt;
b) Không đấu nối trong phạm vi
bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của cầu, hầm đường bộ, cầu phao đường
bộ, bến phà đường bộ;
c) Không đấu nối, sử dụng chung
nút giao đường sắt với đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị.
5. Yêu cầu đấu nối vào đường tỉnh,
đường huyện, đường xã, đường đô thị
a) Đảm bảo khoảng cách tối thiểu
giữa hai điểm đấu nối theo quy định tại Điều 15 của Quy định này;
b) Có đủ quỹ đất để thiết kế,
xây dựng đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật của nút giao theo yêu cầu của tiêu chuẩn
thiết kế đường ô tô hiện hành;
c) Không đấu nối vào bụng đường
cong nằm có bán kính đường cong nhỏ hơn bán kính đường cong tối thiểu thông thường
theo cấp đường quy hoạch; lưng đường cong có bố trí siêu cao; trong đoạn đường
dốc có độ dốc dọc lớn hơn độ dốc dọc lớn nhất theo cấp đường đang khai thác;
trong khu vực địa hình không bảo đảm tầm nhìn lái xe.
6. Thiết kế nút giao đấu nối
vào đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị phải tuân thủ quy chuẩn,
tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành về yêu cầu thiết kế đường ô tô, đảm bảo an toàn
giao thông và khả năng thông hành của đường chính.
7. Tổ chức, cá nhân được giao đầu
tư xây dựng, sử dụng điểm đấu nối vào đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường
đô thị phải lập hồ sơ, gửi cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền xem xét, chấp
thuận thiết kế, phương án tổ chức giao thông và cấp phép thi công theo quy định
tại Điều 17 của Quy định này.
a) Đối với điểm đấu nối vào đường
tỉnh của dự án, công trình do Sở Giao thông vận tải là chủ đầu tư thực hiện
theo thiết kế kỹ thuật được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không phải thực hiện
thủ tục đấu nối vào đường tỉnh;
b) Đối với điểm đấu nối vào đường
tỉnh của dự án, công trình do các đơn vị khác làm chủ đầu tư đã được Sở Giao
thông vận tải thẩm định thiết kế kỹ thuật, thực hiện theo thiết kế kỹ thuật được
cấp có thẩm quyền phê duyệt, không phải thực hiện thủ tục chấp thuận thiết kế kỹ
thuật và phương án tổ chức giao thông nút giao đấu nối vào đường tỉnh, chỉ thực
hiện thủ tục cấp phép thi công xây dựng nút giao đấu nối vào đường tỉnh.
c) Đối với điểm đấu nối vào đường
huyện, đường đô thị của dự án, công trình do UBND huyện là người quyết định đầu
tư hoặc chủ đầu tư, thực hiện theo thiết kế kỹ thuật được cấp có thẩm quyền phê
duyệt, không phải thực hiện thủ tục đấu nối vào đường huyện, đường đô thị.
d) Đối với điểm đấu nối vào đường
xã của dự án, công trình do UBND xã là người quyết định đầu tư hoặc chủ đầu tư,
thực hiện theo thiết kế kỹ thuật được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không phải
thực hiện thủ tục đấu nối vào đường xã.
8. Trường hợp sử dụng chung điểm
đấu nối, chỉ áp dụng cho một công trình, dự án cùng phía tiếp giáp trực tiếp với
đường nhánh của nút giao điểm đấu nối hiện hữu, không làm phát sinh điểm đấu nối
mới. Cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền tại Điều 4 Quy định này quyết định
việc sử dụng chung điểm đấu nối hiện hữu vào đường do mình quản lý. Tổ chức, cá
nhân có nhu cầu sử dụng chung điểm đấu nối phải thực hiện cải tạo nút giao sau
khi được cơ quan đường bộ có thẩm quyền chấp thuận thiết kế kỹ thuật và cấp
phép thi công theo quy định.
9. Việc quản lý, sử dụng đất để
làm đường nhánh đấu nối vào đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị quy
định tại Điều này phải tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai.
Điều 15.
Khoảng cách tối thiểu giữa hai điểm đấu nối vào đường tỉnh, đường huyện, đường
xã, đường đô thị
1. Đối với hệ thống đường tỉnh:
a) Đối với đoạn tuyến đường tỉnh
nằm trong phạm vi địa giới hành chính của nội thành, nội thị (phường, thị trấn),
khoảng cách tối thiểu giữa hai điểm đấu nối không nhỏ hơn trị số tối thiểu giữa
hai đường theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về quy hoạch xây dựng.
b) Đối với đoạn tuyến đường tỉnh
nằm ngoài khu vực nội thành, nội thị, khoảng cách tối thiểu giữa hai điểm đấu nối
như sau:
Đối với các tuyến đường tỉnh
không có dải phân cách giữa, khoảng cách giữa các điểm đấu nối liền kề cùng
phía dọc theo một bên tuyến được xác định theo cấp quy hoạch của đoạn tuyến đường
tỉnh, cụ thể như sau: đối với đường cấp III không nhỏ hơn 1.000 mét, đối với đường
cấp IV không nhỏ hơn 500 mét, đối với đường cấp V trở xuống không quy định khoảng
cách tối thiểu giữa hai điểm đấu nối liền kề nhưng việc đấu nối đường nhánh phải
đảm bảo nguyên tắc an toàn giao thông và đáp ứng điều kiện khai thác chung của
tuyến đường chính.
Đối với các tuyến đường tỉnh có
dải phân cách giữa, có đủ quỹ đất để xây dựng làn chuyển tốc (phương tiện qua
nút giao chỉ rẽ phải), khoảng cách giữa các điểm đấu nối liền kề cùng phía dọc
theo một bên tuyến được xác định theo cấp quy hoạch của đoạn tuyến đường tỉnh,
cụ thể như sau: đối với tuyến đường cấp III không nhỏ hơn 500 mét, đối với tuyến
đường cấp IV không nhỏ hơn 300m, đối với đường cấp V trở xuống không quy định
khoảng cách tối thiểu giữa hai điểm đấu nối liền kề nhưng việc đấu nối đường
nhánh phải đảm bảo nguyên tắc an toàn giao thông và đáp ứng điều kiện khai thác
chung của tuyến đường chính.
2. Đối với đường huyện
a) Đối với đoạn tuyến đường huyện
nằm trong phạm vi địa giới hành chính của nội thành, nội thị (phường, thị trấn),
khoảng cách tối thiểu giữa hai điểm đấu nối không nhỏ hơn trị số tối thiểu giữa
hai đường theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về quy hoạch xây dựng.
b) Đối với đoạn tuyến đường huyện
nằm ngoài khu vực nội thành, nội thị, khoảng cách tối thiểu giữa hai điểm đấu nối
như sau:
Đối với các tuyến đường huyện
không có dải phân cách giữa, khoảng cách giữa các điểm đấu nối liền kề cùng phía
dọc theo một bên tuyến được xác định theo cấp quy hoạch của đoạn tuyến đường tỉnh,
cụ thể như sau: đối với đường cấp IV không nhỏ hơn 500 mét, đối với đường cấp V
trở xuống không quy định khoảng cách tối thiểu giữa hai điểm đấu nối liền kề
nhưng việc đấu nối đường nhánh phải đảm bảo nguyên tắc an toàn giao thông và
đáp ứng điều kiện khai thác chung của tuyến đường chính.
Đối với các tuyến đường huyện
có dải phân cách giữa, có đủ quỹ đất để xây dựng làn chuyển tốc (phương tiện
qua nút giao chỉ rẽ phải), khoảng cách giữa các điểm đấu nối liền kề cùng phía
dọc theo một bên tuyến được xác định theo cấp quy hoạch của đoạn tuyến đường tỉnh,
cụ thể như sau: đối với tuyến đường cấp IV không nhỏ hơn 300m, đối với đường cấp
V trở xuống không quy định khoảng cách tối thiểu giữa hai điểm đấu nối liền kề
nhưng việc đấu nối đường nhánh phải đảm bảo nguyên tắc an toàn giao thông và
đáp ứng điều kiện khai thác chung của tuyến đường chính.
3. Đối với đường đô thị
Đường nhánh đấu nối vào đường
đô thị theo quy hoạch giao thông đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
4. Đối với đường xã, đường
chuyên dùng.
Không quy định khoảng cách tối
thiểu giữa hai điểm đấu nối liền kề cùng phía vào đường xã, đường chuyên dùng
nhưng việc đấu nối đường nhánh phải đảm bảo nguyên tắc an toàn giao thông và
đáp ứng điều kiện khai thác chung của tuyến đường chính.
Điều 16.
Chấp thuận các điểm đấu nối vào đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị
Tổ chức, cá nhân được giao làm
Chủ đầu tư hoặc chủ sử dụng nút giao đấu nối có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm
quyền sau đây chấp thuận điểm đấu nối:
a) Sở Giao thông vận tải chấp
thuận các điểm đấu nối vào đường tỉnh phù hợp với các quy hoạch được cấp có thẩm
quyền phê duyệt, tuân thủ nguyên tắc, yêu cầu đấu nối tại Quy định này; chịu
trách nhiệm về việc thực hiện đấu nối bảo đảm giao thông an toàn và khả năng
thông hành của tuyến đường.
Trường hợp điểm đấu nối nằm
trong khu vực có địa hình khó khăn trong việc xây dựng đường gom do hành lang
đường bộ bị chia cắt như núi cao, vực sâu, sông, suối, đường sắt và các chướng
ngại vật khác khó khăn trong việc di dời hoặc điểm đấu nối từ các công trình phục
vụ an ninh, quốc phòng, công trình trọng điểm quốc gia, công trình quan trọng
phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu
đấu nối vào đường tỉnh, Sở Giao thông vận tải chấp thuận sau khi có ý kiến của Ủy
ban nhân dân tỉnh.
b) Ủy ban nhân dân cấp huyện chấp
thuận các điểm đấu nối vào đường đường huyện, đường đô thị phù hợp với các quy
hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tuân thủ nguyên tắc, yêu cầu đấu nối tại
Quy định này; chịu trách nhiệm về việc thực hiện đấu nối bảo đảm giao thông an
toàn và khả năng thông hành của tuyến đường.
c) Ủy ban nhân dân cấp xã chấp
thuận các điểm đấu nối vào đường đường xã phù hợp với các quy hoạch được cấp có
thẩm quyền phê duyệt, tuân thủ nguyên tắc, yêu cầu đấu nối tại Quy định này; chịu
trách nhiệm về việc thực hiện đấu nối bảo đảm giao thông an toàn và khả năng
thông hành của tuyến đường.
d) Đối với dự án đường tỉnh, đường
huyện, đường xã, đường đô thị được xây dựng mới hoặc nâng cấp, cải tạo, nắn chỉnh
tuyến hoặc xây dựng tuyến tránh, ngay từ bước lập dự án, chủ đầu tư hoặc cơ
quan được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án phải căn cứ vào các quy hoạch được cấp
có thẩm quyền phê duyệt để xác định vị trí và quy mô của nút giao của đường
nhánh đấu nối vào đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị.
e) Đối với các tuyến đường đang
được đầu tư xây dựng mới, chưa được phân loại đường, trường hợp có yêu cầu bổ
sung các điểm đấu nối đường nhánh vào tuyến đường đang đầu tư xây dựng, chủ đầu
tư dự án tuyến đường đang xây dựng: chấp thuận điểm đấu nối; chịu trách nhiệm về
việc thực hiện đấu nối bảo đảm giao thông an toàn và khả năng thông hành của
tuyến đường; chấp thuận thiết kế kỹ thuật và phương án tổ chức giao thông nút
giao đấu nối và cấp phép thi công xây dựng nút giao đấu nối.
Điều 17.
Chấp thuận thiết kế kỹ thuật, phương án tổ chức giao thông nút giao đấu nối và
cấp phép thi công xây dựng nút giao đấu nối
1. Trình tự thủ tục chấp thuận
thiết kế kỹ thuật và phương án tổ chức giao thông nút giao đấu nối.
a) Trước khi xây dựng, nâng cấp,
cải tạo nút giao; chủ công trình, dự án được giao sử dụng điểm đấu nối thuộc
danh mục các điểm đấu nối đã được chấp thuận, căn cứ tiêu chuẩn, yêu cầu thiết
kế đường ô tô hiện hành, lập và gửi hồ sơ đến cơ quan quản lý đường bộ có thẩm
quyền để được xem xét chấp thuận thiết kế và phương án tổ chức giao thông của
nút giao đấu nối.
b) Cơ quan có thẩm quyền chấp
thuận thiết kế kỹ thuật và phương án tổ chức giao thông nút giao đấu nối vào đường
địa phương được quy định như đối với công trình thiết yếu tại Khoản 1 Điều 7
Quy định này.
c) Hồ sơ đề nghị chấp thuận thiết
kế và phương án tổ chức giao thông nút giao đấu nối theo mẫu quy định tại khoản
3 Điều 26 Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT. Thời hạn giải quyết theo quy định tại
khoản 5 Điều 26 Thông tư số 50/2015/TT- BGTVT.
d) Thời hạn của văn bản chấp
thuận thiết kế kỹ thuật và phương án tổ chức giao thông của nút giao như quy định
tại khoản 7 Điều 26 Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT .
e) Trình tự, cách thức thực hiện
theo quy định tại Điều 19 Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT .
2. Cấp phép thi công xây dựng
nút giao đấu nối.
Chủ đầu tư hoặc chủ sử dụng
công trình nút giao đấu nối phải hoàn chỉnh hồ sơ thiết kế kỹ thuật và phương
án tổ chức giao thông nút giao đấu nối theo văn bản chấp thuận, tổ chức thẩm định
hồ sơ thiết kế, phê duyệt dự án theo quy định hiện hành và gửi hồ sơ đề nghị cấp
phép thi công đến các cơ quan có thẩm quyền theo Điều 4 tại Quy định này để được
xem xét giải quyết.
a) Việc cấp phép thi công xây dựng
công xây dựng dựng nút giao đấu nối vào đường tỉnh chỉ được thực hiện sau khi
có văn bản chấp thuận thiết kế kỹ thuật và phương án tổ chức giao thông nút
giao đấu nối của các cơ quan được nêu tại Khoản 1, Điều 7 Quy định này,
b) Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép
thi công nút giao đấu nối như quy định tại khoản 2 Điều 27 Thông tư số
50/2015/TT-BGTVT .
c) Thời hạn giải quyết theo quy
định tại khoản 4 Điều 27 Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT .
d) Trình tự, cách thức thực hiện
theo quy định tại Điều 19 Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT .
e) Nút giao phải được cơ quan cấp
phép thi công nghiệm thu hoàn thành và chấp thuận đưa vào khai thác, sử dụng.
f) Chủ sử dụng nút giao chịu trách
nhiệm bảo trì nút giao, khi sửa chữa định kỳ nút giao phải đề nghị chấp thuận bằng
văn bản.
g) Hết thời hạn thi công Chủ đầu
tư hoặc chủ sử dụng nút giao phải có văn bản đề nghị gia hạn thời gian thi
công, thời gian gia hạn thi công phải phù hợp với tiến độ dự án, công trình được
cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 18. Đấu
nối tạm thời có thời hạn vào đường địa phương đang khai thác
1. Đối với dự án, công trình
xây dựng do điều kiện địa hình trong khu vực khó khăn, hoặc điều kiện kỹ thuật
của thiết bị, cho phép mở điểm đấu nối tạm thời để làm đường công vụ vận chuyển
nguyên vật liệu, vận chuyển thiết bị máy móc. Chủ công trình, dự án phải căn cứ
tiêu chuẩn, yêu cầu thiết kế đường ô tô hiện hành để lập và gửi 01(một)
bộ hồ sơ đến cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền quy định tại Khoản 1, Điều
7, Quy định này xem xét chấp thuận thiết kế, phương án tổ chức giao thông của
điểm đấu nối vào đường địa phương.
2. Hồ sơ đề nghị đấu nối tạm thời
như quy định tại khoản 3 Điều 28 Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT .
3. Thời hạn sử dụng điểm đấu nối
tạm quy định tại Khoản 1 Điều này bằng tiến độ thi công của dự án nhưng không
quá 12 tháng (mười hai tháng), trường hợp đặc biệt có thể gia hạn một lần
nhưng tổng thời gian mở điểm đấu nối tạm không quá 24 tháng (hai
mươi bốn tháng). Hết thời hạn, chủ đầu tư dự án có trách nhiệm xóa bỏ điểm đấu
nối tạm và hoàn trả hành lang an toàn đường bộ như hiện trạng ban đầu.
Trường hợp dự án, công trình có
tiến độ thi công lớn hơn 24 tháng (hai mươi bốn tháng), phải làm đường
gom nối từ dự án đến nút giao điểm đấu nối gần nhất có trong danh mục vị trí
các điểm đấu nối đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
Chương IV
THẨM ĐỊNH AN TOÀN GIAO
THÔNG ĐƯỜNG BỘ VÀ BẢO ĐẢM GIAO THÔNG, AN TOÀN GIAO THÔNG KHI THI CÔNG TRONG PHẠM
VI BẢO VỆ KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ ĐANG KHAI THÁC
Điều 19.
Các quy định về thẩm định an toàn giao thông đường bộ
thực hiện theo các nội dung Chương VII - Thông tư 50/2015/TT-BGTVT ngày 23 tháng 9 năm 2015 của Bộ Giao thông vận tải.
Điều 20.
Các quy định về bảo đảm giao thông và an toàn giao
thông khi thi công trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
đang khai thác thực hiện theo quy định tại Chương VI - Thông tư
50/2015/TT-BGTVT ngày 23 tháng 9 năm 2015 của Bộ
Giao thông vận tải.
Chương V
TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ VÀ BẢO
VỆ KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ ĐỊA PHƯƠNG
Điều 21.
Trách nhiệm của các Sở, ngành liên quan
1. Sở Giao thông vận tải
a) Quản lý thực hiện và thoả
thuận quy hoạch việc xây dựng đối với các dự án liên quan đến kết cấu hạ tầng
giao thông đường bộ thuộc phạm vi quản lý.
b) Cấp, thu hồi giấy phép thi
công, đình chỉ hoạt động gây mất an toàn giao thông, an toàn công trình đường bộ
trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên các tuyến đường tỉnh,
quốc lộ được ủy thác.
c) Chỉ đạo lực lượng Thanh tra
giao thông:
Chủ trì, phối hợp với đơn vị quản
lý đường bộ xử lý kịp thời các hành vi vi phạm quy định về quản lý và bảo vệ kết
cấu hạ tầng giao thông đường bộ thuộc phạm vi trách nhiệm được giao;
Chủ trì, phối hợp với đơn vị quản
lý đường bộ hoàn thiện hồ sơ vi phạm hành lang an toàn đường bộ gửi Ủy ban nhân
dân cấp huyện đề nghị cưỡng chế để giải tỏa;
Chủ trì, phối hợp với đơn vị quản
lý đường bộ hoàn thiện hồ sơ vi phạm công trình đường bộ, lấn, chiếm và sử dụng
trái phép đất của đường bộ; xử lý theo thẩm quyền. Trường hợp hành vi vi phạm
gây hậu quả nghiêm trọng, chuyển hồ sơ tới cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy
định của pháp luật.
d) Phối hợp với UBND cấp huyện
và các đơn vị liên quan tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về quản lý bảo
vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, giải toả các công trình trong phạm vi đất
dành cho đường bộ các tuyến đường bộ trên địa bàn tỉnh.
2. Công an tỉnh.
Có trách nhiệm chỉ đạo lực lượng
công an tăng cường công tác kiểm tra, xử lý xe quá khổ, quá tải và các vi phạm
về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo thẩm quyền; Chủ trì và phối hợp chặt
chẽ với các cơ quan liên quan xây dựng các phương án đảm bảo an ninh, trật tự
an toàn giao thông, trật tự công cộng trong việc xử lý, cưỡng chế, giải toả các
vi phạm theo quy định của pháp luật.
3. Sở Xây dựng.
Có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn
lập và quản lý quy hoạch xây dựng theo thẩm quyền; hướng dẫn quản lý xây dựng
ngoài hành lang an toàn đường bộ; chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải
và UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về bảo vệ kết cấu hạ tầng
giao thông đường bộ trong đô thị; kiểm tra việc chấp hành xây dựng kết cấu hạ tầng
giao thông đô thị theo quy hoạch đô thị và quy hoạch giao thông đô thị đã được
cấp có thẩm quyền phê duyệt.
4. Sở Công thương
Có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn,
quản lý hoạt động đầu tư xây dựng và hoạt động kinh doanh của các cửa hàng xăng
dầu, công trình điện và các cơ sở kinh doanh dịch vụ khác dọc theo đường bộ
tuân thủ theo các quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường
bộ.
Điều 22.
Trách nhiệm của UBND cấp huyện
1. Lập quy hoạch và công bố quy
hoạch các tuyến đường huyện thuộc phạm vi quản lý để phục vụ tốt cho công tác
quản lý và các tổ chức, cá nhân biết thực hiện.
2. Chỉ đạo UBND cấp xã thường
xuyên thực hiện công tác quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Phối hợp với đơn vị quản lý đường bộ, Thanh tra giao thông và các lực lượng
liên quan xử lý kịp thời các hành vi lấn, chiếm, sử dụng trái phép đất hành
lang an toàn đường bộ theo thẩm quyền.
3. Chủ trì, xây dựng kế hoạch
và tổ chức thực hiện công tác giải toả, cưỡng chế vi phạm, sử dụng trái phép
hành lang an toàn đường bộ.
4. Chủ trì, tổ chức tuyên truyền,
phổ biến giáo dục pháp luật và các quy định về phạm vi đất dành cho đường bộ, bảo
vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; các quy định về đảm bảo trật tự an toàn
giao thông trên địa bàn quản lý để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong
các tầng lớp nhân dân.
5. Quản lý việc sử dụng đất
trong và ngoài hành lang an toàn đường bộ theo quy định của pháp luật, thực hiện
ngay các biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm lấn chiếm,
sử dụng trái phép đất hành lang an toàn đường bộ.
6. Huy động mọi lực lượng, vật
tư, thiết bị để bảo vệ công trình; kịp thời phối hợp với đơn vị quản lý đường bộ
thực hiện việc khắc phục hư hỏng công trình đường bộ do thiên tai, địch họa gây
ra để khôi phục và đảm bảo giao thông thông suốt trên địa bàn.
7. Cấp, thu hồi giấy phép thi
công, đình chỉ hoạt động gây mất an toàn giao thông, an toàn công trình đường bộ
trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên các tuyến đường
huyện, đường đô thị theo đúng quy định hiện hành.
Điều 23.
Trách nhiệm của UBND cấp xã
1. Thường xuyên thực hiện công
tác quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ các tuyến đường thuộc
địa bàn quản lý. Phát hiện và phối hợp với đơn vị quản lý đường bộ, Thanh tra
giao thông và các lực lượng liên quan kiểm tra, lập biên bản và xử lý kịp thời
các hành vi vi phạm lấn chiếm, sử dụng trái phép đất hành lang an toàn đường bộ
theo thẩm quyền.
2. Xây dựng kế hoạch, huy động
lực lượng tham gia công tác giải toả, cưỡng chế vi phạm hành lang an toàn đường
bộ theo kế hoạch.
3. Tuyên truyền, phổ biến pháp
luật và các quy định về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; các văn bản
về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông để nâng cao nhận thức và ý thức
chấp hành pháp luật về giao thông trong các tầng lớp nhân dân.
4. Quản lý, sử dụng đất trong
và ngoài hành lang an toàn đường bộ theo quy định của pháp luật. Tiếp nhận bàn
giao và quản lý, bảo vệ mốc lộ giới, hành lang an toàn đường bộ; xử lý kịp thời
các trường hợp lấn, chiếm, sử dụng trái phép đất hành lang an toàn đường bộ.
5. Cấp, thu hồi giấy phép thi
công, đình chỉ hoạt động gây mất an toàn giao thông, an toàn công trình đường bộ
trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên các tuyến đường
được phân cấp quản lý theo đúng quy định hiện hành và báo cáo kịp thời về UBND
cấp huyện và các cơ quan chức năng để xử lý.
Điều 24.
Trách nhiệm của đơn vị quản lý đường bộ
Đơn vị quản lý đường bộ có
trách nhiệm chính trong công tác quản lý, bảo vệ công trình đường bộ và đất của
đường bộ. Thường xuyên kiểm tra, phát hiện kịp thời các hành vi xâm phạm công
trình đường bộ; các hành vi lấn, chiếm và sử dụng trái phép đất dành cho đường
bộ. Ngay khi phát hiện đơn vị quản lý đường bộ phối hợp với chính quyền địa
phương tiến hành lập biên bản vi phạm, yêu cầu dừng ngay các hành vi vi phạm; nếu
cần thiết, phải áp dụng các biện pháp tạm thời nhằm bảo đảm an toàn giao thông,
an toàn công trình đường bộ. Có trách nhiệm phối hợp với Thanh tra đường bộ và
chính quyền địa phương thực hiện giải toả công trình lấn chiếm, sử dụng trái
phép hành lang an toàn đường bộ, báo cáo cơ quan quản lý đường bộ cấp trên về
công tác quản lý hành lang an toàn đường bộ.
Điều 25.
Điều khoản thi hành
1. Các Sở, ngành của tỉnh và Ủy
ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã; các tổ chức, cá nhân có liên
quan chịu trách nhiệm triển khai thực hiện Quy định này.
2. Trong quá trình thực hiện nếu
có phát sinh, vướng mắc, các tổ chức, cá nhân phản ánh về Sở Giao thông vận tải
để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp./.