QUY ĐỊNH
VỀ CHÍNH SÁCH KHUYẾN
KHÍCH DOANH NGHIỆP ĐẦU TƯ VÀO NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN TỈNH HẬU GIANG GIAI ĐOẠN
2015 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 20/2015/QĐ-UBND ngày 22 tháng 7 năm 2015 của Ủy
ban nhân dân tỉnh Hậu Giang)
Chương
I
NHỮNG QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định
chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp,
nông thôn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang thuộc dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu
tư, dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư
theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ về chính
sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Nhà đầu tư
nhận ưu đãi và hỗ trợ là doanh nghiệp được thành lập và đăng ký hoạt động theo
quy định của pháp luật Việt Nam có dự
án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
2. Các cơ
quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện chính sách ưu đãi và hỗ
trợ đầu tư theo Quy định này.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. Doanh
nghiệp là tổ chức kinh tế có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch ổn định,
được đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nhằm mục đích thực hiện các
hoạt động kinh doanh.
2. Kinh
doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá
trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị
trường nhằm mục đích sinh lợi.
3. Lĩnh vực nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư bao gồm những
ngành, nghề được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 12 năm 2013 của
Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông
thôn.
Điều 4. Phân định các loại dự án đầu tư
1. Vùng nông
thôn là khu vực địa giới hành chính không bao gồm địa bàn của phường thuộc thị
xã, thành phố.
2. Dự án nông
nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư là dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp đặc biệt ưu
đãi đầu tư thực hiện tại địa bàn vùng nông thôn các huyện: Long Mỹ, Vị Thủy,
Châu Thành, Phụng Hiệp, Châu Thành A và thị xã Ngã Bảy.
3. Dự án nông
nghiệp ưu đãi đầu tư là dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư
thực hiện tại địa bàn vùng nông thôn thuộc thành phố Vị Thanh.
Điều 5. Nguyên tắc áp dụng ưu đãi và hỗ trợ đầu tư
1. Nhà đầu
tư khi xây dựng vùng nguyên liệu mà có hợp đồng liên kết sản xuất nguyên liệu ổn
định với người dân được ưu tiên trước xem xét ưu đãi, hỗ trợ đầu tư.
2. Trong
cùng một thời gian, nếu nhà đầu tư có dự án đầu tư được hưởng nhiều mức ưu đãi,
hỗ trợ đầu tư khác nhau thì được lựa chọn áp dụng mức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư có
lợi nhất.
3. Các dự án đã sử dụng vốn tín dụng ưu đãi, vốn bảo
lãnh tín dụng của Nhà nước không thuộc đối tượng sử dụng nguồn vốn hỗ trợ từ
ngân sách theo Quy định này.
Chương II
CHÍNH
SÁCH ƯU ĐÃI VÀ HỖ TRỢ ĐẦU TƯ
Mục 1. ƯU ĐÃI VỀ ĐẤT ĐAI
Điều 6. Miễn, giảm tiền thuê đất,
thuê mặt nước của Nhà nước
1. Nhà đầu tư có dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư:
a) Được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước kể từ ngày dự án hoàn
thành đi vào hoạt động.
b) Miễn tiền thuê đất đối với diện tích đất xây dựng nhà ở cho
công nhân, đất trồng cây xanh và đất phục vụ phúc lợi công cộng.
2. Nhà đầu tư có dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư:
a) Khi
thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước thì được áp dụng mức giá thấp nhất của các
loại đất tương ứng trong bảng giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành.
b) Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 15 năm đầu kể từ
ngày dự án hoàn thành đi vào hoạt động.
c) Miễn tiền thuê đất đối với diện tích đất xây dựng nhà ở cho
công nhân, đất trồng cây xanh và đất phục vụ phúc lợi công cộng.
Điều 7. Hỗ trợ thuê đất, thuê mặt nước của hộ gia đình, cá
nhân
Nhà đầu tư có dự án
nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư nếu
thuê đất, thuê mặt nước của hộ gia đình, cá nhân để
thực hiện dự án đầu tư thì được hỗ trợ 20% tiền thuê đất, thuê mặt nước theo mức giá thấp nhất của loại đất tương ứng trong
bảng giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh ban
hành cho 05 năm đầu tiên kể từ khi hoàn thành xây dựng cơ bản.
Điều 8. Miễn, giảm tiền sử dụng đất khi chuyển đổi mục đích
sử dụng đất
1. Nhà đầu tư có dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư nằm trong quy hoạch
của tỉnh được miễn nộp tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng
đất để thực hiện dự án.
2. Nhà đầu tư có dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư nằm trong quy
hoạch của tỉnh được giảm 50% tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng
đất để thực hiện dự án.
Mục 2. HỖ TRỢ ĐẦU TƯ
Điều 9. Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường
và áp dụng khoa học công nghệ
1. Nhà đầu
tư có dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư, dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư
được ngân sách nhà nước hỗ trợ như sau:
a) Hỗ trợ
70% kinh phí đào tạo nghề trong nước. Mỗi lao động chỉ được hỗ trợ đào tạo một
lần và thời gian đào tạo được hỗ trợ kinh phí không quá 06 tháng. Mức kinh phí
đào tạo phải phù hợp với các quy định hiện hành.
Trường hợp
nhà đầu tư tuyển dụng lao động dài hạn chưa qua đào tạo nghề, đang sinh sống
trong rừng đặc dụng để đào tạo và sử dụng, góp phần bảo vệ rừng đặc dụng thì
doanh nghiệp được hỗ trợ chi phí đào tạo trực tiếp một lần tại doanh nghiệp cho
mỗi lao động là 03 triệu đồng/3 tháng.
b) Hỗ trợ
50% chi phí quảng cáo doanh nghiệp và sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại
chúng; 50% kinh phí tham gia triển lãm hội chợ trong nước; được giảm 50% phí tiếp
cận thông tin thị trường và phí dịch vụ từ cơ quan xúc tiến thương mại của Nhà
nước.
c) Hỗ trợ
70% kinh phí thực hiện đề tài nghiên cứu tạo ra công nghệ mới do doanh nghiệp
chủ trì thực hiện nhằm thực hiện dự án, hoặc doanh nghiệp mua bản quyền công
nghệ thực hiện dự án; được hỗ trợ 30% tổng kinh phí đầu tư mới để thực hiện dự
án sản xuất thử nghiệm. Các khoản hỗ trợ đối với các dự án được cấp có thẩm quyền
phê duyệt quy định tại Điểm c, Khoản 1 Điều này được lấy từ Quỹ phát triển khoa
học và công nghệ của tỉnh và từ nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, mức hỗ
trợ tối đa không quá 03 tỷ đồng/dự án.
2. Các khoản
hỗ trợ nêu tại Điểm a, b, Khoản 1 Điều này, được thực hiện theo dự án đầu tư. Tổng
các khoản hỗ trợ cho một dự án là 10% tổng mức đầu tư dự án và không quá 01 tỷ
đồng. Trường hợp doanh nghiệp không sử dụng hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà
nước, các hỗ trợ này được tính vào chi phí sản xuất của doanh nghiệp khi quyết
toán với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Điều 10. Hỗ trợ đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm
1. Nhà đầu tư
có dự án đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đáp ứng các điều kiện
theo quy định tại Khoản 2, Điều 10 Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 12
năm 2013 của Chính phủ được hỗ trợ 02 tỷ đồng/dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng về
điện, nước, nhà xưởng, xử lý chất thải và mua thiết bị. Đối với các dự án có
công suất giết mổ lớn hơn so với quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 10 Nghị định
số 210/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ thì mức hỗ trợ được
tăng tương ứng với mức tăng công suất giết mổ, tính theo tỷ lệ %.
2. Trường hợp
dự án chưa có đường giao thông, hệ thống điện, cấp thoát nước đến hàng rào dự
án, được hỗ trợ thêm 70% chi phí xây dựng các hạng mục trên nhưng không quá 05
tỷ đồng.
Điều 11. Hỗ trợ đầu tư cơ sở chăn nuôi gia súc
1. Nhà đầu tư
có dự án đầu tư cơ sở chăn nuôi gia súc có quy mô nuôi tập trung đáp ứng điều
kiện quy định tại Khoản 2, Điều 11 Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 12
năm 2013 của Chính phủ được hỗ trợ 03 tỷ đồng/dự án, riêng đối với chăn nuôi bò
sữa cao sản mức hỗ trợ là 05 tỷ đồng/dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng về xử lý
chất thải, giao thông, điện, nước, nhà xưởng, đồng cỏ và mua thiết bị.
2. Trường hợp
dự án chưa có đường giao thông, hệ thống điện, cấp thoát nước đến hàng rào dự
án thì được hỗ trợ thêm 70% chi phí xây dựng các hạng mục trên nhưng không quá
05 tỷ đồng.
3. Đối với cơ
sở chăn nuôi có nhập giống gốc cao sản vật nuôi thuộc Danh mục do Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn ban hành thì được hỗ trợ không quá 40% chi phí nhập giống
gốc.
Điều 12. Hỗ trợ trồng cây dược liệu
1. Nhà đầu tư
có dự án trồng cây dược liệu có quy mô từ 50 ha trở lên được ngân sách nhà nước
hỗ trợ 15 triệu đồng/ha để xây dựng đồng ruộng, cây giống.
2. Các dự án đầu
tư trồng cây dược liệu được hưởng hỗ trợ phải nằm trong quy hoạch được duyệt của
cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc chấp thuận cho phép đầu tư của Ủy ban nhân
dân tỉnh nếu địa điểm đầu tư chưa có quy hoạch được duyệt. Cây dược liệu nằm
trong Danh mục ưu tiên và khuyến khích phát triển do Bộ Y tế ban hành, Quyết định
số 1976/QĐ-TTg ngày 30 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt
Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm
2030. Nhà đầu tư phải sử dụng tối thiểu 30% lao động tại địa phương.
Điều 13. Hỗ trợ đầu tư cơ sở sấy lúa, bắp (ngô), khoai, sấy
phụ phẩm thủy sản
Nhà đầu tư có
dự án đầu tư cơ sở sấy lúa, bắp (ngô), khoai; sấy phụ phẩm thủy sản theo phương
pháp ướt và đáp ứng điều kiện quy định tại Khoản 2, Điều 14 Nghị định số
210/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ được hỗ trợ 02 tỷ đồng/dự
án để xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông, điện, nước, nhà xưởng và mua thiết
bị.
Điều 14. Hỗ trợ đầu tư cơ sở chế tạo, bảo quản, chế biến
nông, lâm, thủy sản
Nhà đầu tư có
dự án đầu tư nhà máy hoặc cơ sở bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản; cơ sở sản
xuất sản phẩm phụ trợ; chế tạo thiết bị cơ khí để bảo quản, chế biến nông, lâm,
thủy sản và đáp ứng điều kiện quy định Khoản 2, Điều 16 Nghị định số
210/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ được hỗ trợ như sau:
1. Hỗ trợ
không quá 60% chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải, giao thông, điện,
nước, nhà xưởng và mua thiết bị trong hàng rào dự án nhưng tổng mức hỗ trợ
không quá 05 tỷ đồng/dự án.
Trường hợp dự
án chưa có đường giao thông, hệ thống điện, hệ thống cấp thoát nước đến hàng
rào dự án thì được hỗ trợ thêm 70% chi phí xây dựng các hạng mục nêu trên nhưng
không quá 05 tỷ đồng/dự án (có thể lập dự án riêng).
2. Hỗ trợ chi
phí vận chuyển sản phẩm 01 lần cho thời hạn 05 năm ngay sau khi dự án hoàn
thành, mức hỗ trợ 1.500 đồng/tấn/km theo công suất thực tế của nhà máy, được
tính từ địa điểm đặt nhà máy hoặc cơ sở bảo quản, chế biến đến thành phố Vị
Thanh theo đường ô tô gần nhất.
3. Hỗ trợ
không quá 70% chi phí xử lý chất thải cho các nhà máy chế biến nông, lâm, thủy
sản đã đầu tư, đáp ứng tiêu chí quy định tại Khoản 6, Điều 3 Thông tư số
05/2014/TT-BKHĐT ngày 30 tháng 9 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Điều 15. Hồ sơ đề nghị ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và cấp quyết định
ưu đãi, hỗ trợ
Thực hiện theo
hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương về thực hiện Nghị định số 210/2013/NÐ-CP
ngày 19 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp
đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Điều 16. Nguồn vốn và cơ chế hỗ trợ đầu tư
1. Nguồn
vốn hỗ trợ đầu tư theo Quy định này bao gồm ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục
tiêu cho ngân sách địa phương; vốn lồng ghép từ các chương trình dự án và ngân
sách tỉnh.
a) Ngân sách
Trung ương: Thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
b) Ngân sách tỉnh:
Hàng năm, tùy thuộc vào khả năng nguồn vốn, tỉnh sẽ cân đối dành từ 2 - 5% ngân
sách chi cho đầu tư xây dựng cơ bản để thực hiện chính sách này.
2. Cơ chế hỗ
trợ đầu tư:
a) Ngân sách
Trung ương hỗ trợ cho dự án có mức hỗ trợ trên 02 tỷ đồng.
b) Ngân sách tỉnh
hỗ trợ cho dự án còn lại (từ 02 tỷ đồng trở xuống), gồm cả những dự án lớn hơn
02 tỷ đồng nhưng không thuộc đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ từ ngân sách
Trung ương.
c) Ngân sách
nhà nước thực hiện hỗ trợ sau đầu tư; khi hạng mục đầu tư, gói thầu của dự án
hoàn thành thì được giải ngân 70% mức vốn hỗ trợ theo hạng mục, gói thầu; sau
khi dự án hoàn thành đầu tư và được nghiệm thu thì được giải ngân 30% mức vốn
còn lại.
Chương III
TỔ
CHỨC THỰC HIỆN
Điều 17. Trách nhiệm của các sở,
ngành cấp tỉnh
1. Sở Kế hoạch
và Đầu tư:
a) Chủ trì, phối
hợp với Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn điều kiện,
trình tự, thủ tục thực hiện hỗ trợ đầu tư theo quy định. Tham mưu cho Ủy ban
nhân dân tỉnh quyết định ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cho doanh nghiệp đầu tư vào nông
nghiệp, nông thôn theo quy định hiện hành.
b) Tăng cường
công tác xúc tiến đầu tư, kêu gọi doanhg nghiệp tham gia đầu tư đối với dự án đầu
tư lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo quy hoạch được duyệt.
c) Phối hợp với
Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch và bố trí nguồn ngân
sách tỉnh để thực hiện Quy định này.
- Đối với nguồn
vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương: Sau khi có tổng mức vốn, Sở Kế hoạch và Đầu
tư căn cứ vào khả năng thực hiện của dự án, lập danh mục dự án và dự kiến phân
bổ vốn hỗ trợ cho từng dự án báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, trình cấp có thẩm
quyền quyết định;
- Đối với các
dự án đã được chấp thuận hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, Sở Kế hoạch và Đầu tư
lập danh mục báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ
Tài chính để tổng hợp.
d) Thực hiện
các nhiệm vụ được giao theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ, ngành
Trung ương về triển khai Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 12 năm 2013
của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp,
nông thôn.
2. Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Chủ trì, phối
hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi tình
hình thực hiện Quy định này.
b) Chủ trì phối
hợp với các sở, ngành có liên quan, tổ chức nghiệm thu, xác nhận khối lượng
hoàn thành hạng mục đầu tư, gói thầu; nghiệm thu hoàn thành dự án được hỗ trợ để
làm cơ sở thanh toán kinh phí hỗ trợ.
3. Sở Tài
chính:
a) Căn cứ vào
khả năng cân đối ngân sách tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí để thực
hiện chính sách hỗ trợ đầu tư theo Quy định này.
b) Chủ trì, phối
hợp thực hiện các nhiệm vụ được giao theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và thực hiện
thanh toán, quyết toán đúng hướng dẫn của Thông tư số 30/2015/TT-BTC ngày 09
tháng 3 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, thanh
toán và quyết toán các khoản hỗ trợ doanh nghiệp theo Nghị định số
210/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ.
c) Thực hiện
theo dõi, kiểm tra việc hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông
nghiệp, nông thôn.
4. Sở Tài
nguyên và Môi trường:
a) Hướng dẫn
trình tự, thủ tục cho thuê đất, thuê mặt nước đối với nhà đầu tư thực hiện dự
án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
b) Hướng dẫn lập,
tổ chức thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường theo thẩm quyền
và kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường đối với các nhà
đầu tư theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
c) Chủ trì, phối
hợp với các cơ quan liên quan xác định đơn giá cho thuê đất, thuê mặt nước đối
với từng dự án cụ thể theo quy định hiện hành.
5. Sở Khoa học
và Công nghệ:
Chủ trì, phối
hợp với các sở, ngành có liên quan, tổ chức nghiệm thu, xác nhận khối lượng
hoàn thành hạng mục đầu tư, gói thầu; nghiệm thu hoàn thành dự án được hỗ trợ để
làm cơ sở thanh toán kinh phí đối với các đề tài, hạng mục dự án về khoa học và
công nghệ.
6. Cục Thuế tỉnh:
a) Hướng dẫn
và thực hiện các chế độ ưu đãi về đất đai đối với các dự án đầu tư vào lĩnh vực
nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.
b) Hướng dẫn
trình tự, thủ tục miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước đối
với nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
c) Hướng dẫn
trình tự, thủ tục thực hiện các chính sách hỗ trợ có liên quan đến thuế; hạch
toán các khoản hỗ trợ đầu tư vào chi phí sản xuất trong trường hợp nhà đầu tư
không sử dụng hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước.
7. Các sở,
ban, ngành và đoàn thể liên quan:
Theo chức năng
nhiệm vụ được giao, các sở, ban, ngành và đoàn thể có liên quan tuyên truyền,
phổ biến và phối hợp triển khai các chính sách hỗ trợ đầu tư theo Quy định này,
đồng thời phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn tham gia thẩm tra, hỗ trợ và nghiệm thu đối với các dự án; phối hợp kiểm
tra, giám sát quá trình tổ chức thực hiện Quy định này.
8. Đề nghị Ngân
hàng Nhà nước - Chi nhánh Hậu Giang
Chỉ đạo các tổ
chức tín dụng trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư có dự án đầu tư
vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được tiếp cận và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ
đúng mục đích; đồng thời, các tổ chức tín dụng chủ động nguồn vốn để tích cực hỗ
trợ nhà đầu tư.
Điều 18. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân huyện, thị xã,
thành phố
Phối hợp Sở Nông
nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính kiểm tra
đôn đốc chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án đúng tiến độ đề ra. Giải quyết
theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc,
khó khăn của nhà đầu tư trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố.
Chương IV
ĐIỀU
KHOẢN THI HÀNH
Điều 19. Chế độ báo cáo
1. Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành tổng hợp
kết quả thực hiện Quy định này. Đề xuất kịp thời cho Ủy ban nhân dân tỉnh giải
quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.
2. Định kỳ
tháng 09 hàng năm, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả thực hiện
Quy định này.
Điều 20. Điều khoản thi hành
Trong quá
trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các sở, ngành; Ủy ban nhân dân huyện,
thị xã, thành phố và các cá nhân, tổ chức liên quan phản ánh kịp thời về Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh
xem xét, quyết định./.