THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 148/QĐ-TTg
|
Hà Nội, ngày 16
tháng 01 năm 2025
|
QUYẾT ĐỊNH
CHẤP THUẬN CHỦ TRƯƠNG
ĐẦU TƯ DỰ ÁN CẢNG TRUNG CHUYỂN QUỐC TẾ CẦN GIỜ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm
2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ
chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Đầu tư ngày 17 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15 tháng 11 năm
2017;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 18 tháng 01 năm 2024;
Căn cứ Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24 tháng 6
năm 2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển
Thành phố Hồ Chí Minh;
Căn cứ Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3
năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của
Luật Đầu tư;
Căn cứ Nghị định số 91/2024/NĐ-CP ngày 18 tháng 7
năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP
ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều
của Luật Lâm nghiệp;
Căn cứ Thông tư số 03/2021/TT-BKHĐT ngày 09 tháng
4 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định mẫu văn bản, báo cáo
liên quan đến hoạt động đầu tư tại Việt Nam, đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài
và xúc tiến đầu tư;
Căn cứ văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư và
hồ sơ kèm theo nộp ngày 06 tháng 4 năm 2023 và các văn bản giải trình do Công ty
Cổ phần Cảng Sài Gòn và Terminal Investment Limited Holding S.A nộp tại Bộ Kế
hoạch và Đầu tư;
Xét các báo cáo thẩm định: số 5590/BC-BKHĐT ngày
16 tháng 7 năm 2024, số 10120/BC-BKHĐT ngày 06 tháng 12 năm 2024, số 10785/BKHĐT-
ĐTNN ngày 27 tháng 12 năm 2024 và Công văn số 164/BKHĐT - ĐTNN ngày 07 tháng 01
năm 2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; các công văn góp ý của các Bộ, ngành và Ủy
ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Chấp thuận chủ trương đầu tư
dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ với nội dung như sau:
1. Tên dự án: Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (sau
đây gọi tắt là Dự án).
2. Địa điểm thực hiện Dự án: Cù lao Gò Con Chó,
Huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh.
3. Mục tiêu Dự án: xây dựng và phát triển Cảng trung
chuyển quốc tế Cần Giờ, bao gồm các dịch vụ liên quan đến khai thác cảng container
cảng biển và các dịch vụ khác. Giao Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xác định
các sản phẩm và dịch vụ cụ thể để đảm bảo hiệu quả của cảng trung chuyển quốc
tế.
4. Quy mô dự án:
- Diện tích sử dụng đất: khoảng 571 ha.
- Vốn đầu tư: được xác định trên cơ sở đề xuất thực
hiện dự án và Đề án nghiên cứu cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và không thấp hơn
50.000 tỷ đồng. Giao Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo cơ quan chuyên
môn xác định cụ thể tổng vốn đầu tư của dự án theo đề xuất của nhà đầu tư để
ghi nhận trong quá trình cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định.
5. Về chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác:
Đồng ý chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện
dự án với quy mô diện tích rừng dự kiến là khoảng 82,96 ha.
6. Thời hạn hoạt động Dự án: 50 năm kể từ ngày Quyết
định chủ trương đầu tư.
7. Tiến độ giải ngân: Giải ngân vốn đầu tư theo quy
định tại điểm b khoản 9 Điều 7 Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24 tháng 6 năm 2023
của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố
Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 98/2023/QH15).
8. Hình thức lựa chọn nhà đầu tư: theo quy định tại
khoản 7 Điều 7 Nghị quyết số 98/2023/QH15 hoặc theo quy định của Luật đấu thầu.
9. Các cơ chế, chính sách đặc biệt (nếu có) để thực
hiện dự án đầu tư: theo quy định của pháp luật hiện hành.
10. Điều kiện đối với dự án và nhà đầu tư thực hiện
dự án:
- Chỉ được thực hiện sau khi Dự án đã phù hợp với quy
hoạch các cấp và được cấp có thẩm quyền quyết định chuyển mục đích đất rừng sang
mục đích khác theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, pháp luật về đất đai
và quy định khác có liên quan; hoàn thành thủ tục về bảo vệ môi trường theo quy
định của pháp luật về bảo vệ môi trường; thủ tục, điều kiện về công nghệ sử dụng
tại dự án theo quy định của pháp luật về công nghệ và chuyển giao công nghệ.
- Nhà đầu tư không được chuyển nhượng dự án trong thời
gian 05 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Việc thay đổi
nhà đầu tư sau thời gian này thực hiện theo quy định của pháp luật và phải được
sự chấp thuận bằng văn bản của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
- Phải được sự chấp thuận của Bộ Quốc phòng, Bộ Công
an và các cơ quan có liên quan trong trường hợp phát sinh các vấn đề liên quan
đến quốc phòng, an ninh trong quá trình thực hiện Dự án và trong trường hợp
chuyển nhượng dự án hoặc chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần chi phối, chuyển
nhượng phần vốn góp, cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức thực hiện
Dự án.
- Trong quá trình khảo sát, thi công và quá trình hoạt
động mà phát hiện các di vật, cổ vật phải báo ngay cho ngành văn hóa và chính
quyền địa phương được biết để có phương án xử lý theo quy định.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí
Minh:
a) Chịu trách nhiệm về việc xác định quy mô Dự án đảm
bảo phù hợp với Quyết định số 1711/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2024 của Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021 - 2030, tầm
nhìn đến năm 2050 và các chỉ tiêu quy hoạch có liên quan đã được phê duyệt, chịu
trách nhiệm về sự phù hợp của Dự án với quy hoạch đô thị; chịu trách nhiệm rà
soát, triển khai thực hiện việc lập các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu; chỉ
đạo thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư của Dự án.
b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu, xây
dựng các tiêu chí, điều kiện trong hồ sơ lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án,
trong đó: rà soát quy mô sử dụng đất của Dự án để đảm bảo tuân thủ quy định về
tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng và quy chuẩn quốc gia về cảng biển, năng
lực tài chính của nhà đầu tư, phương án đầu tư phát triển (trong đó xác định
các yếu tố cho giai đoạn 05 năm đến năm 2030), tổng vốn đầu tư của Dự án, tiến
độ đầu tư Dự án, lộ trình đầu tư, hệ thống hạ tầng kết nối, công nghệ sử dụng
(cảng xanh, cảng thông minh), điều kiện về quốc phòng - an ninh... theo chỉ đạo
của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 746/TTg-CN ngày 02 tháng 10 năm 2024 về
Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và theo chỉ đạo của
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại văn bản số 418/TB-VPCP ngày 13 tháng 9
năm 2024 của Văn phòng Chính phủ;
c) Chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, xem xét và
xác định cụ thể các dịch vụ liên quan đến khai thác cảng container cảng biển của
Dự án trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, trong đó lưu ý việc
phù hợp với điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài trong
trường hợp nhà đầu tư được lựa chọn phải áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường
đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật về đầu tư;
d) Tổng hợp các vướng mắc trong quá trình tổ chức thực
hiện theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 (nếu có), đặc biệt liên quan đến tiến độ
giải ngân vốn và báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội nghiên cứu, xem xét, sửa
đổi, bổ sung Nghị quyết số 98/2023/QH15 để phù hợp với thực tế triển khai;
đ) Chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin,
số liệu báo cáo, nội dung giải trình và ý kiến thẩm định của Dự án theo đúng
quy định pháp luật; tính chính xác trong việc thống kê, kiểm kê đất đai, rừng,
hiện trạng sử dụng đất, rừng và các nội dung của Dự án thuộc thẩm quyền theo
quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về lâm nghiệp;
e) Chịu trách nhiệm về việc tổ chức lập và phê duyệt
quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 cho toàn bộ diện tích Dự án theo quy
định tại Luật Xây dựng để đảm bảo kết nối đồng bộ về hạ tầng, cảnh quan môi trường,
đảm bảo phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng và theo
đúng địa điểm, quy mô diện tích sử dụng đất của dự án đã được phê duyệt và đảm
bảo sự phù hợp, thống nhất giữa các cấp độ quy hoạch theo các thời kỳ quy hoạch;
g) Khẩn trương xây dựng và trình cấp có thẩm quyền Đề
án thành lập các khu bảo tồn biển, trong đó lưu ý đánh giá kỹ tác động của Dự
án và đề xuất giải pháp;
h) Đối với việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục
đích khác; chuyển mục đích đất rừng sang mục đích khác:
- Chịu trách nhiệm toàn diện về thông tin hiện trạng
rừng, nguồn gốc hình thành rừng, số liệu, vị trí, thông tin, nội dung trình chủ
trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án và
các số liệu khác có liên quan; đảm bảo tuân thủ chỉ tiêu đất rừng phòng hộ, đất
rừng sản xuất trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025 và đến năm 2030
được phân bổ tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2022 của Thủ
tướng Chính phủ phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 -
2030, tầm nhìn đến năm 2050, kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025 và
Quyết định số 1711/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ phê
duyệt Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm
2050; chỉ đạo các cơ quan có liên quan và Nhà đầu tư thực hiện nghiêm túc việc
phê duyệt và thực hiện phương án trồng rừng thay thế theo quy định của pháp
luật về lâm nghiệp.
- Chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát kỹ
hồ sơ đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng; xác định chính xác nhu cầu thực tế,
vị trí, ranh giới, diện tích, hiện trạng rừng, đảm bảo sử dụng ít nhất diện tích
rừng cần chuyển mục đích sử dụng sang mục đích khác, thống nhất giữa hồ sơ và
thực địa, phù hợp với chỉ tiêu đất rừng đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; chỉ
đạo chủ đầu tư Dự án rà soát, thực hiện nghiêm nghĩa vụ trồng rừng thay thế khi
chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo đúng quy định của pháp luật;
phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cập nhật, bổ sung vào Quy
hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo đúng
quy định.
- Việc quyết định chuyển mục đích và tổ chức chuyển
mục đích sử dụng rừng chỉ được thực hiện sau khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo
quy định tại Điều 19, 23 Luật Lâm nghiệp và các quy định của pháp luật có liên
quan, đảm bảo tuân thủ đúng, đầy đủ các quy định có liên quan. Xử lý nghiêm các
trường hợp vi phạm; quản lý chặt chẽ khai thác rừng, không để lợi dụng việc
chuyển mục đích sử dụng rừng để lấn chiếm rừng, khai thác và phá rừng trái pháp
luật.
i) Về tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư
- Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, phối
hợp với các Bộ ngành liên quan tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư chiến
lược thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đấu thầu và Nghị quyết số
98/2023/QH15; các Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 98/2023/QH15 (nếu
có); trong đó lưu ý các vấn đề quốc phòng, an ninh; môi trường; năng lực nhà
đầu tư; tiêu chí, giải pháp khai thác có hiệu quả dự án, tránh cạnh tranh nội
bộ giữa các cảng biển của Việt Nam; bảo đảm công khai, minh bạch, chất lượng,
hiệu quả, đúng tiến độ; tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, lãng phí.
- Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ
quan liên quan để xây dựng các tiêu chí về bảo vệ môi trường trong thực hiện lựa
chọn nhà đầu tư để đảm bảo không tác động tiêu cực đến vùng đệm, vùng lõi của
khu dự trữ sinh quyển thế giới.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Khoa
học và công nghệ để xây dựng tiêu chí công nghệ sử dụng (cảng xanh, cảng thông
minh), phương án vận hành cảng biển trong Dự án.
- Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải để rà soát, đánh
giá khả năng đầu tư xây dựng các hệ thống hạ tầng kỹ thuật, kết nối giao thông
để phục vụ cho việc phát triển Dự án; việc quyết định và thực hiện đầu tư các
dự án giao thông kết nối phải được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, bảo đảm khai
thác hiệu quả hạ tầng giao thông kết nối khi được đầu tư và hạn chế tối đa ảnh
hưởng đến môi trường, di sản thiên nhiên, đa dạng sinh học tại Khu dự trữ sinh
quyển Rừng ngập mặn Cần Giờ.
- Yêu cầu nhà đầu tư có văn bản cam kết về các nội dung
như: đảm bảo đúng tỷ lệ hàng trung chuyển quốc tế và tỷ lệ hàng xuất nhập khẩu
của Việt Nam xếp dỡ tại Dự án, triển khai thực hiện Dự án đúng tiến độ đã được
phê duyệt, tổng mức vốn, giải ngân vốn theo tiến độ đã được quy định,... để đảm
bảo tính tổng thể hài hòa của Dự án, để không ảnh hưởng đến hoạt động các khu
bến cảng, cảng biển lân cận.
k) Chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra và giám sát trong việc
triển khai thực hiện Dự án; đảm bảo tuân thủ các quy định về bảo vệ hành lang
bờ biển, khai thác, sử dụng tài nguyên hải đảo, tài nguyên nước, xả thải vào
nguồn nước. Xây dựng phương án phòng, chống ô nhiễm nguồn nước theo pháp luật
về tài nguyên nước trong quá trình giải phóng mặt bằng, thi công các hạng mục
của Dự án. Tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong quá trình
xây dựng, vận hành các công trình và trong từng giai đoạn phát triển của Dự án;
l) Đảm bảo quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an
toàn xã hội và bảo vệ môi trường trong quá trình thực hiện Dự án.
- Phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và Bộ
Tư lệnh Thành phố để giải quyết các vấn đề cụ thể liên quan đến nhiệm vụ quốc phòng
trong khu vực; thực hiện nghiêm quy định về quản lý hoạt động của người, phương
tiện trong khu vực biên giới biển của Việt Nam.
- Tuân thủ quy định pháp luật về đầu tư và pháp
luật có liên quan trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư, trong đó có
việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp, chuyển nhượng Dự án cho nhà đầu tư
khác. Phải lấy ý kiến, được sự chấp thuận của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các
cơ quan có liên.quan nếu phát sinh các vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh
trong quá trình thực hiện Dự án và trong trường hợp chuyển nhượng dự án, hoặc
phần vốn góp, cổ phần chi phối trong tổ chức kinh tế thực hiện Dự án.
m) Phối hợp với các Bộ, ngành để sử dụng tối đa thông
tin, số liệu của Đề án xây dựng bến cảng Cần Giờ để cập nhật hoàn thiện Hồ sơ
báo cáo nghiên cứu khả thi, đáp ứng tốt nhất cho việc triển khai Dự án;
n) Tiếp thu đầy đủ ý kiến của các Bộ, ngành có liên
quan và ý kiến tại các báo cáo thẩm định: số 5590/BC-BKHĐT ngày 16 tháng 7 năm 2024,
số 10120/BC-BKHĐT ngày 06 tháng 12 năm 2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
2. Trách nhiệm của các Bộ, ngành
a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư
- Chịu trách nhiệm về những nội dung được giao thẩm
định chủ trương đầu tư và thực hiện quản lý nhà nước theo quy định của Luật Đầu
tư và pháp luật có liên quan.
- Phối hợp và hướng dẫn Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ
Chí Minh trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư để đảm bảo hiệu quả kinh tế tổng
thể của Dự án.
b) Bộ Tài nguyên và Môi trường
- Hướng dẫn, kiểm tra việc giao đất, giao mặt biển,
chuyển đổi mục đích sử dụng đất, việc bảo vệ môi trường, bảo vệ di sản thiên nhiên,
đa dạng sinh học tại Khu dự trữ sinh quyển Rừng ngập mặn Cần Giờ khi triển khai
dự án, đáp ứng các quy định pháp luật về đất đai, môi trường và các pháp luật
khác thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước của mình.
- Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện
kiểm soát nguồn ô nhiễm; quản lý chất thải, chất lượng môi trường; cải tạo và phục
hồi môi trường; bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên, bảo tồn thiên nhiên và đa
dạng sinh học; phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường theo quy định của pháp luật.
c) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chịu trách nhiệm toàn diện về tính đầy đủ, chính xác,
hợp lệ của hồ sơ, tài liệu, số liệu; về trình tự, thủ tục, nội dung thẩm định
và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng
rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường
và các cơ quan có liên quan hướng dẫn Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kiểm
tra, giám sát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để
thực hiện dự án theo đúng Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12 tháng 01 năm 2017 của Ban
Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và
phát triển rừng và quy định của pháp luật về lâm nghiệp.
- Hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai thực hiện Dự án
bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật về lâm nghiệp và các pháp luật khác
thuộc quản lý nhà nước của mình.
d) Bộ Giao thông vận tải
- Phối hợp với Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh
đánh giá trong giai đoạn nghiên cứu khả thi của Dự án về tiến độ, lộ trình đầu
tư Dự án, tỷ lệ hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam xếp dỡ tại Dự án; đảm bảo tính
phù hợp, hài hòa, hiệu quả kinh tế, tránh xung đột lợi ích giữa Dự án này và
các khu bến cảng, cảng biển lân cận (khu bến cảng Cái Mép - Thị Vải tỉnh Bà Rịa
- Vũng Tàu...);
- Phối hợp với Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh
rà soát khả năng đầu tư xây dựng các hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hệ thống giao
thông kết nối phục vụ cho việc phát triển dự án; phối hợp với Ủy ban nhân dân
Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng tiêu chí công nghệ sử dụng (cảng xanh, cảng thông
minh) trong Dự án để lựa chọn nhà đầu tư.
- Tổ chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên
ngành đối với Dự án trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư và quản lý khai
thác, sử dụng bến cảng theo quy định của pháp luật.
đ) Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên
và Môi trường, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công
Thương, Xây dựng, Quốc phòng, Công an, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa, Thể thao
và Du lịch, Ngoại giao, Y tế theo chức năng nhiệm vụ, thực hiện các nhiệm vụ
được giao tại Công văn số 746/TTg-CN ngày 02 tháng 10 năm 2024 của Thủ tướng Chính
phủ; hướng dẫn Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện dự án, đảm bảo
an toàn, hiệu quả và tuân thủ quy định của pháp luật.
3. Nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện Dự án
a) Đảm bảo góp đủ vốn chủ sở hữu để thực hiện dự án
theo đúng tiến độ đã cam kết; ký quỹ hoặc có bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ
để đảm bảo thực hiện dự án;
b) Chỉ được thực hiện Dự án sau khi được cấp có thẩm
quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác và chuyển mục
đích đất rừng sang mục đích khác theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, pháp
luật về đất đai và quy định khác có liên quan; hoàn thành thủ tục về bảo vệ môi
trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
c) Có văn bản cam kết với Ủy ban nhân dân Thành phố
Hồ Chí Minh về các nội dung như: đảm bảo đúng tỷ lệ hàng trung chuyển quốc tế và
tỷ lệ hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam khai thác tại Dự án, triển khai thực hiện
Dự án đúng tiến độ đã được phê duyệt, tổng mức vốn, giải ngân vốn theo tiến độ
đã được quy định,... để đảm bảo tính tổng thể hài hòa của Dự án, để không ảnh
hưởng đến hoạt động các khu bến cảng, cảng biển lân cận;
d) Có phương án trồng rừng thay thế được cơ quan nhà
nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc sau khi hoàn thành trách nhiệm nộp tiền trồng
rừng thay thế theo quy định tại khoản 4 Điều 19 Luật Lâm nghiệp;
đ) Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ khác theo quy định
của pháp luật có liên quan.
Điều 3. Điều khoản thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký ban hành.
2. Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính,
Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
Công Thương, Xây dựng, Quốc phòng, Công an, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa, Thể
thao và Du lịch, Ngoại giao, Y tế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí
Minh và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Quốc phòng, Công an, Công Thương, Giao thông vận
tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Tài chính, Tư pháp, Văn
hóa, Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường,
Ngoại giao, Y tế;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh;
- Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu;
- Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT; các Vụ: TH, KGVX, KTTH,
QHĐP, NN;
- Lưu: VT, CN (2)
|
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Trần Hồng Hà
|