BỘ CÔNG THƯƠNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
1133/QĐ-BCT
|
Hà
Nội, ngày 02 tháng 4
năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC PHÊ DUYỆT BỔ SUNG QUY HOẠCH THỦY ĐIỆN VỪA NHỎ TOÀN QUỐC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
BÌNH THUẬN
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG
Căn cứ Luật Xây dựng;
Căn cứ Nghị quyết số
751/2019/UBTVQH14 ngày 16 tháng 8 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải
thích một số điều của Luật Quy hoạch;
Căn cứ Nghị quyết số 110/NQ-CP
ngày 02 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ về việc ban hành Danh mục các quy hoạch
được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 59 Luật Quy
hoạch;
Căn cứ Nghị định số 15/2021/NĐ-CP
ngày 03 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về
quản lý dự án đầu tư xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 98/2017/NĐ-CP
ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Quyết định số 329/QĐ-BCT
ngày 22 tháng 01 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về nguyên tắc và thứ tự
thực hiện điều chỉnh bổ sung quy hoạch các dự án điện;
Căn cứ Thông tư số 43/2012/TT-BCT
ngày 27 tháng 12 năm 2012 của Bộ Công Thương quy định về quản lý quy hoạch, đầu
tư xây dựng dự án thủy điện và vận hành khai thác công trình thủy điện;
- Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân
tỉnh Bình Thuận tại các Văn bản số 5197/TTr-UBND ngày 05 tháng 12 năm 2018;
3958/UBND-KT ngày 12 tháng 10 năm 2020 về việc bổ sung quy hoạch DATĐ Đức Hạnh
với công suất 22 MW trên địa bàn tỉnh Bình Thuận;
- Căn cứ Văn bản số 8031/BNN-TCTL ngày 26 tháng 9 năm 2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn ý kiến về DATĐ Đức Hạnh trên sông La Ngà;
- Trên cơ sở Báo cáo bổ sung quy hoạch Dự án thủy điện Đức Hạnh trên địa bàn tỉnh Bình
Thuận do Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ và Thiết bị
công nghiệp - Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh (Đơn vị tư vấn
chuyên ngành) lập và hiệu chỉnh năm 2021 theo ý kiến thẩm định của Cục Điện lực
và Năng lượng tái tạo.
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục
Điện lực và Năng lượng tái tạo.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê
duyệt bổ sung Dự án thủy điện Đức Hạnh vào Quy hoạch thủy điện nhỏ toàn quốc
trên địa bàn tỉnh Bình Thuận với các nội dung chính như sau:
- Vị trí xây dựng: Trên bờ trái sông
La Ngà (nhánh cấp I của sông Đồng Nai; lấy nước từ kênh
thủy lợi của Đập Võ Đắt để phát điện) thuộc địa bàn xã Đức Hạnh, huyện Đức Linh,
tỉnh Bình Thuận. Tọa độ địa lý dự kiến xây dựng công trình như sau:
+ Cống lấy nước: 11°08'50" Vĩ độ
Bắc - 107°26'55" Kinh độ Đông;
+ Nhà máy: 11°06'24" Vĩ độ Bắc -
107°27'01" Kinh độ Đông.
- Nhiệm vụ của Dự án: Theo nhiệm vụ
chung của hệ thống thủy lợi Võ Đắt, nhà máy thủy điện kết hợp phát điện lên
lưới điện quốc gia phù hợp với chế độ vận hành của công trình thủy lợi Võ Đắt
đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Sơ đồ khai
thác gồm: Kênh vào - Cống lấy nước nằm bên bờ phải trái sông La Ngà - kênh dẫn
(dùng chung cho cả nhiệm vụ thủy lợi và thủy điện) - bể lắng
cát - cửa nhận nước - đường ống áp lực - nhà máy thủy điện kiểu hở xả nước trở
lại sông Là Ngà.
- Các thông số chính của Dự án: Diện
tích lưu vực tính đến cống lấy nước Flv = 3.120 km2; mực nước dâng bình thường MNDBT = 101,5 m; mực
nước chết MNC = 101,5 m; mực nước hạ lưu nhà máy nhỏ nhất MNHLmin =
77,06 m; công suất lắp máy Nlm = 22 MW và điện lượng trung bình năm E0 = 117,48 triệu kWh.
Điều 2. Việc
đầu tư xây dựng dự án thủy điện Đức Hạnh phải đảm bảo phù hợp với các quy hoạch,
kế hoạch: phát triển kinh tế - xã hội, sử dụng đất, sử dụng nguồn nước, phát
triển điện lực; tuân thủ các quy định hiện hành về xây dựng, Luật Thủy lợi và
các quy định khác có liên quan;
Điều 3. Trong
giai đoạn nghiên cứu đầu tư xây dựng và vận hành công trình thủy điện Đức Hạnh,
UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo chủ đầu tư và các cơ quan có
liên quan thực hiện các nội dung sau:
- Hoàn thiện điều tra, khảo sát bổ
sung, đánh giá đầy đủ các điều kiện tự nhiên khu vực Dự án (địa hình, địa chất,
khí tượng, thủy văn, dân sinh, kinh tế - xã hội,...) để nghiên cứu chuẩn xác
quy mô công suất lắp máy Nlm và phương án thiết kế công trình nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, phù
hợp với quy mô thiết kế của kênh dẫn chung, đảm bảo công trình vận hành an
toàn, ổn định.
- Nghiên cứu phương án thiết kế công
trình, tổ chức thi công và vận hành công trình đảm bảo an toàn ổn định và không
làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của hồ Võ Đắt và hệ thống kênh thủy
lợi Võ Đắt đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Việc quản lý, vận hành công trình
phải tuân thủ các quy định chung về quản lý công trình thủy lợi và Quy trình
vận hành hồ chứa Võ Đắt, không làm ảnh hưởng đến việc phòng lũ, cấp nước và
hoạt động của các công trình thủy lợi phía hạ du.
- Đánh giá kỹ và thực hiện đầy đủ các
biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực của Dự án đối với môi trường - xã hội.
- Thực hiện các quy định về quản lý
chất lượng công trình xây dựng theo Luật Xây dựng, các Nghị định của Chính phủ
và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng;
- Tiến độ thực hiện các Dự án phải
phù hợp với tiến độ xây dựng lưới điện truyền tải trong khu vực.
Điều 4. Quyết
định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 5. Chánh
Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Chủ tịch UBND tỉnh
Bình Thuận, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận, Tổng
giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Chủ đầu tư dự án và Thủ trưởng các đơn vị
có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- Bộ NN&PTNT;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Lưu: VT, ĐL.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Đặng Hoàng An
|