Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Nghị quyết 50/2020/NQ-HĐND kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm tỉnh Cao Bằng 2021 2025

Số hiệu: 50/2020/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Cao Bằng Người ký: Nông Thanh Tùng
Ngày ban hành: 16/12/2020 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH CAO BẰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 50/2020/NQ-ND

Cao Bằng, ngày 16 tháng 12 năm 2020

 

NGHỊ QUYẾT

KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2021 - 2025 TỈNH CAO BẰNG

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
KHÓA XVI KỲ HỌP THỨ 15

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Xét Tờ trình số 2811/TTr-UBND ngày 13 tháng 11 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng về dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 tỉnh Cao Bằng; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Nhất trí thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 tỉnh Cao Bằng với nội dung sau:

1. Các chỉ tiêu chủ yếu

1.1. Chỉ tiêu về kinh tế

(1) Tổng sản phẩm (GRDP) tăng trưởng bình quân từ 8%/năm; đến hết năm 2025, cơ cấu kinh tế: nông, lâm, ngư nghiệp 16,4%; công nghiệp - xây dựng 32,4%; dịch vụ 48,2%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 3%.

(2) Đến hết năm 2025, GRDP bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng.

(3) Đến hết năm 2025, giá trị sản phẩm trồng trọt, nuôi trồng thủy sản trên 01 đơn vị diện tích (ha) đạt 50 triệu đồng.

(4) Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu qua địa bàn tăng bình quân 10%/năm.

(5) Thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân trên 12%/năm.

(6) Tổng vốn đầu tư toàn xã hội hằng năm tăng bình quân trên 11%/năm.

(7) Đến hết năm 2024, phấn đấu xây dựng hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) giai đoạn 1; Đến hết năm 2025, phấn đấu 85% chiều dài các tuyến đường huyện, đường xã được nhựa hóa/bê tông hóa mặt đường, 100% xã có đường đến trung tâm xã được nhựa hóa/bê tông hóa.

1.2. Chỉ tiêu về văn hóa - xã hội

(8) Tiếp tục nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục các cấp học; xây dựng thêm 30 trường đạt chuẩn quốc gia.

(9) Đến hết năm 2025, 75% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; duy trì 15 bác sỹ/1 vạn dân; duy trì 35 giường bệnh/1 vạn dân; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế 98,7%.

(10) Đến hết năm 2025, duy trì tỷ lệ gia đình văn hóa 85%; tỷ lệ khu dân cư văn hóa 60%; duy trì tỷ lệ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa 95%; tỷ lệ khu dân cư có nhà văn hóa 85%.

(11) Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân trên 4%/năm.

(12) Đến hết năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo 50%, trong đó đào tạo nghề 40%; giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị xuống 3% năm 2025.

(13) Đến hết năm 2025, số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đạt 50 xã. Trong đó 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

1.3. Các chỉ tiêu về môi trường

(14) Đến hết năm 2025, tỷ lệ che phủ rừng 60%.

(15) Đến hết năm 2025, phấn đấu 100% dân cư thành thị được dùng nước sạch; trên 95% dân cư nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh.

(16) Đến hết năm 2025, phấn đấu 100% số hộ chăn nuôi đưa gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở.

(17) Đến hết năm 2025, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt khu vực đô thị được xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường đạt 90%; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%.

2. Những giải pháp chủ yếu

2.1. Phát triển kinh tế

2.1.1. Huy động các nguồn lực để thực hiện 03 nhiệm vụ đột phá chiến lược và tháo gỡ 03 điểm nghẽn, nút thắt để khai thác tối đa 05 lợi thế sẵn có của tỉnh:

Khai thác và phát huy hiệu quả lợi thế so sánh của tỉnh về phát triển du lịch, dịch vụ bền vững, từng bước đưa du lịch Cao Bằng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Huy động các nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, Rừng Trần Hưng Đạo, Địa điểm Chiến thắng biên giới năm 1950 huyện Thạch An và các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh. Đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến giao thông kết nối các điểm, khu du lịch trên địa bàn tỉnh. Thu hút các nhà đầu tư chiến lược xây dựng hạ tầng du lịch đa chức năng để khai thác có hiệu quả các danh lam, thắng cảnh: Vườn quốc gia Phja Oắc - Phja Đén, hồ Khuổi Khoán, núi mắt thần Nặm Chá, động Ngườm Ngao... Đẩy mạnh hợp tác với Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc); hoàn thiện các điều kiện vận hành Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc); xây dựng cơ chế đặc thù thu hút nhà đầu tư chiến lược đầu tư xây dựng Khu du lịch thác Bản Giốc trở thành Khu du lịch trọng điểm quốc gia, là mô hình kiểu mẫu về hợp tác du lịch liên quốc gia.

Tập trung cơ cấu lại ngành du lịch. Xây dựng các tour/tuyến du lịch trên địa bàn trong quan hệ hợp tác liên tỉnh, liên vùng và quốc tế; Phát triển, gắn kết các loại hình du lịch lịch sử - văn hóa, du lịch biên giới, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, du lịch mạo hiểm... Xây dựng các sản phẩm hàng hóa du lịch đặc trưng, mang đậm bản sắc Cao Bằng. Phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025 thu hút trên 11,8 triệu lượt khách du lịch nội địa và 3 triệu lượt khách du lịch quốc tế.

Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; bảo đảm an ninh lương thực. Tiếp tục triển khai thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án nông nghiệp thông minh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa đặc sản gắn với chế biến. Xây dựng một số nhà máy sơ chế, chế biến, xử lý, đóng gói và kho bảo quản lạnh tại khu công nghiệp Chu Trinh, thành phố Cao Bằng và các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung. Đến năm 2025 chuyển hơn 4.000 ha cây trồng kém hiệu quả để chuyển sang các cây trồng có giá trị kinh tế cao và phát triển diện tích các cây trồng ứng dụng nông nghiệp thông minh trong sản xuất: cây Gừng tăng 223 ha, Nghệ tăng 140 ha tại các huyện Hòa An, Hà Quảng; cây Chanh leo tăng 465 ha tại Quảng Hòa, Hà Quảng, Thạch An, Trùng Khánh; Cây Lê tăng 135 ha, tại Thạch An, Nguyên Bình, Hòa An; Cây Cam, Quýt tăng 190 ha tại Hòa An, Trùng Khánh; Cây Dẻ tăng 300 ha tại Trùng Khánh; Cây rau các loại tăng 100 ha tại Thành Phố, Hòa An, Nguyên Bình, Thạch An (diện tích tăng so với năm 2020)

Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư cho chăn nuôi; khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng, phát triển các cơ sở sản xuất chăn nuôi hàng hóa công nghệ cao. Thực hiện có hiệu quả Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tỉnh Cao Bằng tại huyện Quảng Hòa; mở rộng, liên kết, hình thành vùng nguyên liệu phục vụ chăn nuôi bò sữa vệ tinh tại các hộ, gia trại thuộc các huyện Thạch An, Hạ Lang, Quảng Hòa và Trùng Khánh, tăng diện tích trồng cỏ và ngô sinh khối 1.200ha so với năm 2020... Hình thành các khu, dự án chăn nuôi lợn tập trung ứng dụng công nghệ cao tại các huyện Trùng Khánh, Hòa An, Hà Quảng.

Tập trung ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản, duy trì diện tích nuôi trồng khoảng 346 ha hiện có và tập trung mở rộng diện tích nuôi trồng tại các hộ thủy lợi, lòng hồ thủy điện, lòng sông.

Tập trung triển khai các dự án trồng rừng, với tổng diện tích cả giai đoạn khoảng 29.500 ha: trồng rừng (keo, thông, tông dù...), trồng cây lâm sản (trúc, quế, hồi...) tại các huyện Hòa An, Thạch An, Bảo Lâm, Bảo Lạc, Nguyên Bình, Hà Quảng, Trùng Khánh và thành phố Cao Bằng. Xây dựng nhà máy chế biến gỗ công nghệ cao tại vùng I - thành phố Cao Bằng hoặc vùng II - Bảo Lạc và cụm cơ sở chế biến lâm sản, dược liệu tại huyện Nguyên Bình.

Thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tăng đầu tư ngân sách và huy động các nguồn vốn để phát triển nhanh kết cấu hạ tầng nông thôn, nhất là giao thông, thủy lợi, các thiết chế văn hóa, thể thao... Chú trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Quan tâm phát triển kết cấu hạ tầng thủy lợi và phòng, chống thiên tai.

Tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế cửa khẩu, hoàn thiện cơ sở hạ tầng của Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh theo hướng đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới. Hoàn thành quy hoạch chung Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh (với diện tích trên 30 nghìn ha, 02 cửa khẩu quốc tế, 02 cửa khẩu chính, 02 cửa khẩu phụ và nhiều đường mòn, lối mở) và quy hoạch chi tiết các khu chức năng của từng cửa khẩu; nâng cấp và mở các cửa khẩu, lối mở; đầu tư, cải tạo các tuyến đường tỉnh kết nối với các cửa khẩu, lối mở trong khu kinh tế cửa khẩu, đặc biệt là cửa khẩu Quốc tế Trà Lĩnh, Tà Lùng để phục vụ giao thương, xuất nhập khẩu hàng hóa. Hợp tác xây dựng Khu kinh tế qua biên giới Trà Lĩnh (Cao Bằng, Việt Nam) - Long Bang (Quảng Tây, Trung Quốc); khu trung chuyển hàng hóa nông, lâm, thủy sản tại khu vực cửa khẩu Trà Lĩnh. Phát triển dịch vụ hậu cần, logistic; tổ chức sắp xếp lại, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động xuất, nhập khẩu; áp dụng các biện pháp giảm chi phí, thời gian thông quan hàng hóa, có cơ chế vượt trội cho xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đến đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh tại khu kinh tế cửa khẩu, tạo nguồn thu thường xuyên và ổn định từ hoạt động kinh tế biên mậu, phấn đấu đến năm 2025, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn đạt trên 4,5 tỷ USD; đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết địa phương trong vùng Tây Bắc và các tỉnh phía Nam trong xuất khẩu nông sản theo hợp đồng thương mại quốc tế. Đầu tư, phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh, Tà Lùng trở thành điểm trung chuyển hàng hóa nông sản từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.

2.1.2. Đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường; khuyến khích đầu tư mở rộng quy mô, đa dạng hóa các loại hình thương mại

Tiếp tục khuyến khích đầu tư đổi mới công nghệ thiết bị, nâng cao giá trị sản phẩm đối với các nhà máy sản xuất phôi thép, Fêrômangan, chế biến sâu khoáng sản sử dụng công nghệ hiện đại; phấn đấu hoàn thành và đưa vào hoạt động sản xuất một số dự án trọng điểm có tính chiến lược: 09 nhà máy thủy điện Hồng Nam, Bình Long, Pác Khuổi, Bảo Lạc A, Bảo Lạc B, Khánh Xuân, Bản Ngà, Bản Riển, Bản Chiếu; các dự án ngành công nghiệp luyện kim: thực hiện dự án đầu tư cán thép sản xuất, thép xây dựng cung ứng cho thị trường quy mô 200 nghìn tấn, nghiên cứu đầu tư đồng bộ các dự án sản xuất alumin, luyện nhôm, các sản phẩm hợp kim khác, đồng niken; ngành cơ khí điện tử, các dự án đầu tư linh kiện điện tử, lắp ráp hàng gia dụng điện tử tại khu kinh tế cửa khẩu; ngành hóa chất, thu hút dự án chưng cất tinh dầu hồi, quế, dầu lạc; thành lập các cơ sở, nhà máy, trung tâm bảo quản và sơ chế sản phẩm nông nghiệp (đặc biệt là các cơ sở chế biến theo nhóm hàng thuộc Đề án nông nghiệp thông minh tỉnh): cơ sở chế biến sữa. Xây dựng hoàn thành và đưa vào khai thác cụm công nghiệp Hưng Đạo, cụm công nghiệp Trùng Khánh và một số cụm công nghiệp khác trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường vận động, xúc tiến thương mại và đầu tư, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm thông qua các hình thức: tổ chức hội chợ thương mại, hội nghị đối thoại, xúc tiến đầu tư, hợp tác, liên doanh, liên kết với các địa phương trong nước và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Làm tốt công tác dự báo thị trường để giúp doanh nghiệp chủ động nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Thu hút các nguồn lực tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại; mở rộng quy mô các loại hình thương mại truyền thống (hệ thống chợ, siêu thị...); chú trọng phát triển loại hình thương mại điện tử, thương mại hiện đại; xây dựng mạng lưới phân phối hàng hóa kết nối với các địa phương trong tỉnh, trong vùng và cả nước.

2.1.3. Nâng cao chất lượng công tác lập và quản lý quy hoạch; tăng cường đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và hạ tầng đô thị đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh

Hoàn thành và triển khai quy hoạch tỉnh Cao Bằng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; quy hoạch các ngành, lĩnh vực; quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã được phê duyệt gắn với tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra thực hiện quy hoạch và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn, hạ tầng vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, tập trung đầu tư 59 công trình nước sinh hoạt, số người dân được hưởng lợi trên 39.000 người. Đẩy mạnh xã hội hóa để đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng văn hóa, y tế, giáo dục, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Đẩy mạnh thực hiện các dự án trong chương trình phát triển đô thị của tỉnh, huyện, thành phố, nhất là các dự án phát triển đô thị theo hình thức đối tác công - tư (PPP), hình thức dự án có sử dụng đất. Quan tâm đầu tư, chỉnh trang, nâng cấp trung tâm các huyện, các xã, thị trấn; tập trung hoàn thành đồng bộ hệ thống hạ tầng khung đô thị Thành phố Cao Bằng, xây dựng Thành phố Cao Bằng trở thành Thành phố du lịch, hiện đại, văn minh, là trung tâm tăng trưởng và phát triển, trung tâm liên kết, hội nhập để tạo sức lan tỏa tới các đô thị trong toàn tỉnh. Đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành một số công trình quan trọng: Trụ sở làm việc Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Trụ sở làm việc các sở, ban, ngành của tỉnh; Trụ sở làm việc các cơ quan sự nghiệp của tỉnh và Hội đặc thù; đập dâng nước Sông Bằng; công viên gắn với phố đi bộ ven sông Bằng; Bảo tàng tỉnh; Khu liên hợp thể thao tỉnh...; mời gọi đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại, dịch vụ tại Khu đô thị mới Đề Thám và hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh.

Triển khai có hiệu quả phương án kết nối giao thông tới các cửa khẩu, khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh; xây dựng kết nối giao thông liên hoàn giữa các huyện của Cao Bằng và địa phương các tỉnh giáp ranh (Lạng Sơn, Bắc Kạn, Hà Giang). Hoàn thành giai đoạn 1 tuyến đường bộ cao tốc từ Đồng Đăng (Lạng Sơn) đến thành phố Cao Bằng và triển khai các thủ tục đầu tư giai đoạn 2 đến cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng). Đề nghị Chính phủ quy hoạch và xây dựng Dự án sân bay Cao Bằng, Quốc lộ 3C thuộc địa phận tỉnh Cao Bằng; làm việc với các Bộ, ngành Trung ương về lập Quy hoạch giao thông vận tải kết nối các tỉnh Tây Nam, Trung Quốc (Tứ Xuyên, Trùng Khánh, Bách Sắc) - Cao Bằng (qua cửa khẩu Trà Lĩnh) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng theo đường biển đi các nước ASEAN và ngược lại. Nghiên cứu, xây dựng quy hoạch và khai thác đường thủy nội địa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; xây dựng hệ thống giao thông tĩnh (bãi đỗ xe, bến xe, cảng cạn...) tại thành phố Cao Bằng và các trung tâm đô thị, khu du lịch, khu kinh tế cửa khẩu.

2.1.4. Chủ động, linh hoạt trong điều hành thu, chi ngân sách; hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã

Tăng cường quản lý thu ngân sách, nhất là thu nội địa; thực hiện có hiệu quả các giải pháp tăng thu ngân sách, thu đúng, thu đủ, nuôi dưỡng và tạo nguồn thu mới, kiên quyết thu hồi các khoản nợ đọng thuế, phấn đấu giảm tỷ lệ nợ đọng thuế hàng năm không quá 5% so với số thực hiện thu ngân sách, xử lý nghiêm đối với các trường hợp trốn, lậu thuế. Phấn đấu hằng năm thu vượt dự toán để có thêm nguồn vốn cho đầu tư phát triển, đảm bảo an sinh xã hội, giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên, tăng dần tỷ trọng chi đầu tư phát triển. Cân đối, bố trí ngân sách thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chính sách dân tộc, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ít người. Quản lý, sử dụng kinh phí theo đúng quy định; tăng cường kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước.

Phát triển đa dạng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng nhằm đáp ứng nhu cầu vốn, tăng khả năng tiếp cận vốn cho tổ chức, cá nhân; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy tài chính toàn diện nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng. Phát triển thị trường tài chính, trọng tâm là các tổ chức tín dụng, đảm bảo vốn tín dụng phục vụ sản xuất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.

Xây dựng các cơ chế, chính sách thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp, hỗ trợ và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực thế mạnh của tỉnh; phát triển doanh nghiệp trở thành lực lượng nòng cốt, là động lực quan trọng để khai thác tốt các lợi thế, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh và bền vững. Thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kinh tế tập thể, hợp tác xã trong việc tiếp cận vốn tín dụng, mặt bằng sản xuất kinh doanh, tiếp cận thị trường. Quan tâm phát triển các mô hình kinh tế hộ gia đình, các trang trại, gia trại. Khuyến khích hợp tác, liên kết để mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm.

2.1.5. Nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường; thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh việc ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đời sống

Tăng cường quản lý, bảo vệ, khai thác hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ tài nguyên, môi trường; xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước. Làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, phát triển quỹ đất, đấu giá quyền sử dụng đất. Quản lý, bảo vệ chặt chẽ tài nguyên chưa khai thác, nhất là các nguồn tài nguyên nằm trong Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Thực hiện xã hội hóa đầu tư, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong thu gom và xử lý chất thải rắn, nước thải ở khu vực đô thị, khu dân cư, cơ sở sản xuất, cơ sở y tế, thu hút nguồn lực thực hiện "Đề án xây dựng lò đốt rác chất thải rắn sinh hoạt đạt quy chuẩn Việt Nam về môi trường trên địa bàn tỉnh Cao Bằng"; Dự án "Xử lý cải tạo và phục hồi môi trường bị ô nhiễm hóa chất tại kho thuốc hóa chất cũ tại tổ 11, phường Tân Giang, thành phố Cao Bằng; Dự án Cơ sở dữ liệu quan trắc tài nguyên và môi trường.

Phát huy vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong các đột phá chiến lược, là nền tảng quan trọng và là động lực chủ yếu cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn tới. Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Tăng cường ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong mọi mặt hoạt động ở các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh, cơ cấu lại các chương trình, nhiệm vụ khoa học công nghệ nhằm phục vụ thiết thực các hướng trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, đặc biệt là các ngành, lĩnh vực: nông nghiệp, du lịch - dịch vụ, kinh tế cửa khẩu. Đến năm 2025 có 90% các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của địa phương được đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp và quản lý, phát triển thương hiệu bằng các hình thức nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể. Xây dựng được từ 3-5 doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất các sản phẩm chủ lực trở thành mô hình điểm về năng suất và chất lượng. Tỷ lệ các nhiệm vụ khoa học và công nghệ từ ngân sách nhà nước có địa chỉ ứng dụng đạt trên 50%, trong đó được ứng dụng có hiệu quả vào thực tế đạt trên 30%.

2.2. Văn hóa - xã hội

2.2.1. Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, thể dục thể thao, công nghệ thông tin và truyền thông; nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân các dân tộc trong tỉnh

Tiếp tục giữ gìn, phát huy, phát triển những đặc sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc Cao Bằng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa ở địa phương. Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; xây dựng nếp sống văn hóa trong các gia đình, khu dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Bảo tồn và phát huy đậm đà bản sắc, giá trị văn hóa truyền thống đa dạng, phong phú, độc đáo của các dân tộc trong tỉnh như: các loại hình nghệ thuật dân gian (dân ca, dân nhạc, dân vũ), phong tục, tập quán, trang phục dân tộc, văn hóa ẩm thực, lễ hội, nghề truyền thống... gắn với phát triển du lịch; xây dựng và phát triển đa dạng các loại hình sinh hoạt, câu lạc bộ Hát then - Đàn tính tại các xã, phường, thị trấn; quan tâm đầu tư, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, cách mạng, danh lam thắng cảnh. Nâng cao chất lượng nghệ thuật chuyên nghiệp; thực hiện tốt các chính sách đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện để đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật. Phát triển mạnh mẽ phong trào thể thao quần chúng, chú trọng đầu tư cho thể thao chuyên nghiệp, thành tích cao.

Phát triển sâu rộng hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin, phổ cập internet băng thông rộng; xây dựng nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu, hình thành các kho dữ liệu dùng chung; từng bước chuyển đổi số theo lộ trình quốc gia. Đa dạng hóa các dịch vụ bưu chính phục vụ cho phát triển thương mại điện tử và kinh tế số; phát huy tích cực vai trò của bưu chính công ích trong quá trình cung cấp dịch vụ công. Chú trọng xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, từng bước thí điểm các dịch vụ đô thị thông minh, đẩy mạnh các giao dịch hành chính công trên môi trường mạng ở mức độ cao. Tăng cường năng lực bảo vệ, bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Thực hiện tốt công tác quản lý hoạt động báo chí, xuất bản, công tác thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở; tích cực tuyên truyền, giáo dục, định hướng dư luận và phản biện xã hội.

2.2.2. Tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng xã hội học tập

Phát triển hệ thống quy mô trường, lớp phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, đến năm 2025, tỷ lệ xã, phường có trường mầm non đạt 100%; phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Tiếp tục đổi mới giáo dục giáo dục mầm non, phổ thông; đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập; thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; đa dạng hóa các loại hình đào tạo, mở rộng liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục trong và ngoài nước. Nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng dạy, học ngoại ngữ ở các cấp học và trình độ đào tạo, từng bước xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý giáo dục. Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa; xây dựng trường chuẩn quốc gia. Củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục và xóa mù chữ; thực hiện tốt chủ trương giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học cơ sở.

2.2.3. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân

Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho mạng lưới y tế; nâng cấp các cơ sở y tế tuyến tỉnh và huyện để có đủ khả năng giải quyết cơ bản nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân ngay tại địa phương. Phát triển hệ thống khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng hoàn chỉnh từ tỉnh đến huyện và khuyến khích tạo điều kiện để phát triển các cơ sở y tế ngoài công lập chất lượng cao. Chú trọng hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống y tế dự phòng; phát huy tốt vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe của y tế cơ sở; thực hiện tiêu chí quốc gia về y tế xã; phát triển y học gia đình. Đẩy mạnh kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong khám, chữa bệnh. Tiếp tục đào tạo, nâng cao y đức, tay nghề, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, y bác sỹ; ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong khám bệnh, chữa bệnh. Triển khai đồng bộ các giải pháp tiến tới toàn dân tham gia bảo hiểm y tế theo quy định. Thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực hiện chặt chẽ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới cung cấp dịch vụ dân số toàn diện về quy mô, cơ cấu, chất lượng và phân bố dân số; củng cố mạng lưới dịch vụ kế hoạch hóa gia đình; khuyến khích đầu tư và phát triển các cơ sở chăm sóc người cao tuổi; duy trì hợp lý mức tăng dân số, đảm bảo cân bằng giới tính khi sinh. Thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng dân số (sức khỏe, tầm vóc, tuổi thọ).

2.2.4. Triển khai đồng bộ, hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững và các chính sách về dân tộc, tôn giáo; đảm bảo an sinh xã hội phát triển toàn diện tiến tới bao phủ toàn dân

Thực hiện tốt các Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và hỗ trợ tạo việc làm theo hướng bền vững, ổn định cho người lao động, tạo việc làm mới cho khoảng 12.000 lao động/năm, đào tạo nghề khoảng trên 5.000 người/năm. Triển khai thực hiện tốt các chính sách về giảm nghèo để cải thiện điều kiện sống và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo; giải quyết tốt về nhu cầu đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách, chế độ ưu đãi người có công; đẩy mạnh các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công” nhằm huy động mọi nguồn lực trong xã hội, cộng đồng cùng Nhà nước chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi; tạo môi trường sống an toàn, thực hiện đầy đủ quyền trẻ em; đẩy mạnh phòng, chống tệ nạn xã hội, ổn định trật tự xã nội.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị về Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX; Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Tổ chức thực hiện nghiêm chính sách pháp luật về tôn giáo. Chủ động nắm tình hình, xử lý kịp thời những tình huống phức tạp liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái phép và các hiện tượng tôn giáo mới.

2.3. Nội vụ, thanh tra, tư pháp

2.3.1. Nội vụ

Thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tăng cường thanh tra, kiểm tra, nhất là việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính và thực hiện tốt văn hóa công vụ, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức theo đúng vị trí việc làm, tuyển dụng, sử dụng có hiệu quả biên chế được giao. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nhất là bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo quản lý, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn vị trí việc làm; thực hiện tốt công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ để rèn luyện, thử thách. Tổ chức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến tạo sức lan tỏa trong cộng đồng xã hội. Tiếp tục giải quyết khó khăn, vướng mắc sau sáp nhập các đơn vị hành chính về trụ sở làm việc, nhà công vụ... và bố trí cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại các đơn vị hành chính sau sắp xếp.

2.3.2. Thanh tra

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về thanh tra, hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: về đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản công; tuyển dụng, quản lý bổ nhiệm công chức, viên chức. Tăng cường phối hợp để hạn chế và xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; tổ chức thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phấn đấu đạt tỉ lệ 85% trở lên đối với các vụ việc mới phát sinh. Chủ động trong việc nắm bắt tình hình về khiếu kiện ở các nơi có nhiều dư luận, phản ánh để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo xem xét những vụ việc mới phát sinh. Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

2.3.3. Tư pháp

Nâng cao hiệu quả chất lượng công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật. Thực hiện tốt công tác theo dõi thi hành pháp luật, quản lý, xử lý vi phạm hành chính. Nâng cao chất lượng các dịch vụ công trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hành chính tư pháp. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, gắn với ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với tình hình mới.

2.4. Quốc phòng - an ninh

Giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với các lực lượng vũ trang nhân dân; thực hiện có hiệu quả hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện vững chắc. Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác giáo dục quốc phòng toàn dân. Xây dựng lực lượng bộ đội thường trực, dân quân tự vệ, dự bị động viên đủ số lượng, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và sức chiến đấu. Nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đẩy mạnh quan hệ Quốc phòng thông qua hợp tác giữa các địa phương, lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới hai Bên trong việc duy trì và thực hiện nghiêm các Hiệp định, Biên bản, Thỏa thuận đã ký kết; phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn các loại tội phạm, các hành vi vi phạm Hiệp định và pháp luật biên giới, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển. Duy trì thực hiện tốt quy chế phối hợp các lực lượng theo Nghị định 03/2019/NĐ-CP ở các cấp. Tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng chủ động nắm chắc tình hình và triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện chính trị, văn hóa, đối ngoại; chỉ đạo thực hiện các đợt cao điểm tấn công trấn áp, triệt phá các ổ nhóm tội phạm, từng bước kiềm chế làm giảm các loại tội phạm.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, củng cố vững chắc thế trận an ninh nhân dân trên địa bàn. Xây dựng lực lượng công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ. Chủ động phòng ngừa và đấu tranh chống các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, các hoạt động âm mưu “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ” của các thế lực thù địch. Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về an ninh trật tự và đảm bảo trật tự an toàn giao thông; thực hiện diễn tập các phương án, tình huống phức tạp; kịp thời giải quyết những vấn đề mới nảy sinh từ cơ sở, không để phát sinh “điểm nóng” về an ninh trật tự; đấu tranh, ngăn chặn, tiến tới xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình.

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết này và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện với Hội đồng nhân dân tỉnh theo quy định.

Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu và các Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng khóa XVI, Kỳ họp thứ 15 thông qua ngày 16 tháng 12 năm 2020 và có hiệu lực kể từ ngày 26 tháng 12 năm 2020./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Bộ Tài chính;
- Cục Kiểm tra VBQPPL - Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- UBND tỉnh;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Các đại biểu HĐND tỉnh;
- Các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể tỉnh;
- Huyện ủy, Thành ủy, HĐND, UBND các huyện, thành phố;
- Trung tâm thông tin - VP UBND tỉnh;
- Lưu: VT.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nông Thanh Tùng

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị quyết 50/2020/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 tỉnh Cao Bằng

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


2.548

DMCA.com Protection Status
IP: 3.17.165.235
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!