HỘI
ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH ĐĂK NÔNG
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
18/2009/NQ-HĐND
|
Gia
Nghĩa, ngày 25 tháng 12 năm 2009
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ VIỆC THÔNG QUA ĐỀ ÁN “THÀNH LẬP QUỸ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN TỈNH
ĐĂK NÔNG”
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐĂK NÔNG
KHÓA I, KỲ HỌP THỨ 13
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban
nhân dân, ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của
Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16 tháng 12 năm
2002; Căn cứ Luật Đầu tư ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng ngày 12 tháng 02 năm
1997 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Các tổ chức tín dụng ngày 16
tháng 5 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 138/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm
2007 của Chính phủ về việc tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa
phương;
Căn cứ Thông tư số 139/2007/TT-BTC ngày 29 tháng 11
năm 2007 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính của Quỹ đầu
tư phát triển địa phương;
Xét Tờ trình số 2762/TTr-UBND ngày 21 tháng 10 năm
2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đăk Nông về việc xem xét thông qua Đề án thành
lập Quỹ đầu tư phát triển Đăk Nông;
Sau khi nghe Báo cáo thẩm tra số 34/BC-KTNS ngày 16
tháng 12 năm 2009 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của
các đại biểu tham dự kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Nhất trí thông qua Đề án
“Thành lập Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Đăk Nông” (có Đề án kèm theo).
Điều 2. Giao cho Ủy ban nhân dân
tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này và định kỳ báo cáo kết quả thực
hiện với Hội đồng nhân dân tỉnh.
Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày HĐND
tỉnh thông qua.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Đăk Nông
khóa I, kỳ họp thứ 13 thông qua ngày 25 tháng 12 năm 2009./.
ĐỀ ÁN
THÀNH
LẬP QUỸ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN TỈNH ĐĂK NÔNG
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 18/2009/NQ-HĐND, ngày 25 tháng 12 năm 2009
của HĐND tỉnh Đăk Nông)
Phần I
SỰ CẦN THIẾT THÀNH LẬP QUỸ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN ĐĂK NÔNG
1. Đặt vấn đề
Để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đăk Nông lần
thứ I (2005 - 2010), tỉnh Đăk Nông phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế (GDP)
bình quân khoảng 15%/năm. Tổng nhu cầu vốn đầu tư thời kỳ này cần 22.000 tỷ
đồng. Nếu phấn đấu đạt tỷ lệ tích lũy nội bộ nền kinh tế lên khoảng 16% vào năm
2010 thì phần vốn nội lực của tỉnh phải đảm bảo được đến 60% so với tổng nhu
cầu vốn, phần vốn thiếu hụt còn lại phải thu hút từ bên ngoài chiếm khoảng 40%.
Trong bối cảnh đó, vấn đề đặt ra là trong khi tiềm lực
ngân sách nhà nước còn hạn chế, thì phải làm thế nào để thu hút huy động được các
nguồn vốn đầu tư của toàn xã hội, để tập trung đầu tư cho các thành phần kinh
tế phát triển: xây dựng mới, mở rộng, đổi mới công nghệ, áp dụng tiến bộ khoa
khọc kỹ thuật, nhằm giúp các thành phần này có điều kiện đẩy mạnh sản xuất hàng
hóa tiêu dùng và xuất khẩu, kinh doanh dịch vụ… nâng cao năng lực sản xuất kinh
doanh, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế của tỉnh.
Xuất phát từ quan điểm định hướng của Đảng: đa dạng hóa
các công cụ và hình thức tổ chức tài chính, tiền tệ phi ngân hàng, các quỹ đầu
tư… nhằm động viên, thu hút các nguồn vốn trong xã hội, mở rộng nguồn vốn dài
hạn và trung hạn để đầu tư tạo ra năng lực sản xuất mới và nâng cao khả năng
cạnh tranh của sản phẩm…, cần có một định chế tài chính trung gian của địa phương
để huy động nguồn vốn đầu tư toàn xã hội bằng cách vận dụng đúng những cơ chế
chính sách của Nhà nước, thông qua đó khuyến khích các thành phần kinh tế mở
rộng đầu tư phát triển nhất là đối với các ngành nghề, lĩnh vực, khai thác tiềm
năng thế mạnh của tỉnh. Từ đó tạo nên sự chuyển biến trong việc nâng cao hiệu
quả kinh doanh, củng cố và tăng cường năng lực sản xuất của các doanh nghiệp,
tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, tạo nguồn thu ổn định lâu dài cho
ngân sách tỉnh.
Mặc dù tỉnh ta chưa thành lập Quỹ đầu tư phát triển, nhưng
trên thực tế việc cho vay các dự án tín dụng ưu đãi đã thực hiện từ năm 2004,
sau khi tách tỉnh, nguồn vốn vay được chia từ Quỹ đầu tư phát triển Đăk Lăk là
37 tỷ đồng, sau đó được bổ sung dần từ ngân sách tỉnh Đăk Nông đến nay là 50 tỷ
đồng, tuy nhiên việc cho vay vẫn phải ủy thác sang Chi nhánh Ngân hàng Phát
triển khu vực Đăk Lăk - Đăk Nông (do tỉnh chưa thành lập được bộ máy hoạt động
Quỹ), vì vậy tỉnh hàng năm vẫn phải trả phí hoạt động cho Chi nhánh Ngân hàng
Phát triển khu vực Đăk Lăk - Đăk Nông. Hiệu quả thực hiện vốn vay rất khả quan,
tạo điều kiện phát triển tốt cho các dự án trọng điểm của tỉnh như: Trồng rừng
và cao su khu vực đồng bào thiểu số xã Nâm Nung (huyện Krông Nô), chuyển đổi
cây trồng của Công ty Cà phê Đức Lập, hỗ trợ cho vay các dự án xã hội hóa giáo
dục như trường Mầm non tư thục, trường dạy nghề tư thục Đại Lợi; công trình
thủy điện Đăk Nông…
Do đó, việc hình thành và phát triển của Quỹ đầu tư phát
triển Đăk Nông nhằm khai thác và huy động tập trung các nguồn vốn nhàn rỗi,
đang phân tán để điều hòa và sử dụng có mục đích phục vụ nhu cầu đầu tư phát
triển của tỉnh là giải pháp khả thi đáp ứng các nhu cầu trên. Công cụ này vừa
có khả năng thu hút, huy động để cân đối nguồn vốn đầu tư và vừa định hướng đầu
tư cho các lĩnh vực, dự án cần khuyến khích nhằm khai thác tiềm năng vốn có,
tận dụng nguồn lực nội tại kết hợp với các nguồn lực khác, thúc đẩy tăng trưởng
kinh tế trên địa bàn.
2. Một số căn cứ pháp lý
- Nghị định số 138/2007/NĐ-CP ngày 28/8/2007 của Chính
phủ về tổ chức hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương.
- Thông tư số 139/2007/TT-BTC ngày 29/11/2007 của Bộ
Tài chính hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính của Quỹ đầu tư phát triển địa
phương.
Phần II
NGUỒN VỐN HÌNH THÀNH VÀ HOẠT ĐỘNG QUỸ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN
ĐĂK NÔNG
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
1. Tên gọi tổ chức: Quỹ đầu tư phát triển Đăk Nông.
2. Quỹ đầu tư phát triển Đăk Nông là một tổ chức tài chính
nhà nước thuộc UBND tỉnh quản lý, thực hiện chức năng đầu tư tài chính và đầu
tư phát triển, có tư cách pháp nhân, có hội đồng quản lý và cơ quan điều hành
tác nghiệp, có vốn điều lệ, có bảng cân đối kế toán riêng, có con dấu và được
mở tài khoản bằng đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ tại Kho bạc Nhà nước và các Ngân
hàng thương mại hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Trụ sở Quỹ đầu tư phát triển
Đăk Nông đặt tại thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đăk Nông.
3. Quỹ đầu tư phát triển Đăk Nông hoạt động trên địa bàn
của tỉnh, thực hiện tiếp nhận các nguồn vốn từ ngân sách của tỉnh, vốn tài trợ,
viện trợ; huy động các nguồn vốn trung và dài hạn từ các tổ chức, cá nhân trong
và ngoài nước theo quy định của pháp luật, các nguồn vốn khác để đầu tư phát
triển, hỗ trợ các dự án, chương trình theo định hướng mục tiêu của tỉnh.
4. Quỹ đầu tư phát triển Đăk Nông hoạt động theo điều
lệ do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đăk Nông phê duyệt, sau khi Đề án được Hội đồng
nhân dân tỉnh thông qua.
5. Hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển Đăk Nông phải đảm
bảo nguyên tắc hoàn vốn và bù đắp chi phí.
Chương II
NGUỒN VỐN HOẠT ĐỘNG
Nguồn vốn hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển Đăk Nông
gồm:
1. Vốn chủ sở hữu
1.1. Vốn điều lệ: là vốn thực có, thực góp phản ảnh trên
sổ sách kế toán của quỹ được ghi tại điều lệ về tổ chức và hoạt động của Quỹ
đầu tư phát triển.
Vốn điều lệ của Quỹ đầu tư phát triển Đăk Nông bao gồm:
Vốn điều lệ ban đầu, với tổng số tiền là 100 tỷ đồng và vốn điều lệ được bổ
sung dần hàng năm. Nguồn hình thành vốn này như sau:
a) Vốn điều lệ ban đầu (100 tỷ đồng):
- Số vốn 50 tỷ đồng hiện có, được chia tách từ Quỹ đầu
tư phát triển Đăk Lăk, đang ủy thác cho Chi nhánh Ngân hàng Phát triển khu vực
Đăk Lăk - Đăk Nông cho vay.
- Số vốn 50 tỷ đồng bổ sung từ Quỹ dự trữ tài chính địa
phương theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1319/TTg-ĐP ngày
31/7/2009 về việc xử lý một số kiến nghị của tỉnh Đăk Nông.
b) Vốn điều lệ bổ sung hàng năm:
- Vốn bố trí trong dự toán chi ngân sách hàng năm (từ
nguồn vốn đầu tư phát triển).
- Từ nguồn tăng thu ngân sách địa phương hàng năm.
- Một phần kết dư của ngân sách tỉnh.
- Bổ sung hàng năm từ Quỹ đầu tư phát triển.
1.2. Các nguồn vốn khác
- Đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và
ngoài nước.
- Vốn thu hồi nợ của ngân sách đầu tư cho các doanh
nghiệp vay đến kỳ hạn trả.
- Các khoản viện trợ, tài trợ từ các tổ chức, cá nhân
trong và ngoài nước (nếu có).
- Các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.
Việc thay đổi vốn điều lệ của Quỹ do Ủy ban nhân dân tỉnh
quyết định và thông báo cho Bộ Tài chính.
2. Vốn huy động
2.1. Quỹ đầu tư phát triển Đăk Nông được huy động các nguồn
vốn trung và dài hạn từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định
của pháp luật. Vốn huy động là vốn không thuộc sở hữu của Quỹ mà Quỹ được quyền
sử dụng và có trách nhiệm hoàn trả đúng hạn cả gốc lẫn lãi cụ thể:
- Vay của các tổ chức kinh tế xã hội, vay trong dân thông
qua hình thức phát hành trái phiếu dự án, trái phiếu công trình, trái phiếu Quỹ
đầu tư phát triển địa phương theo quy định của pháp luật;
- Vay vốn trung, dài hạn của các tổ chức cá nhân trong
và ngoài nước theo quy định pháp luật;
- Vốn góp của các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp
thuộc kinh tế dân doanh, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước;
- Vốn do Ủy ban nhân dân tỉnh vay để đầu tư cho các
đối tượng chỉ định;
- Nguồn phí bảo hành công trình (có trả lãi). Hiện nay
nguồn này đang phân tán, vì chủ đầu tư được đề nghị gửi phí bảo hành vào Ngân hàng
nào thuận tiện. Do vậy nếu tập trung gửi vào Quỹ đầu tư phát triển Đăk Nông và
có kế hoạch sử dụng hợp lý, đảm bảo chi trả cho đơn vị đúng kỳ hạn khi có yêu
cầu thì sẽ là nguồn huy động tương đối ổn định của Quỹ đầu tư phát triển trong
quá trình hoạt động;
- Các nguồn vốn huy động khác theo quy định.
2.2. Giới hạn huy động vốn: Tổng mức vốn huy động theo
các hình thức nói trên tối đa bằng 6 lần vốn chủ sở hữu của Quỹ tại cùng thời điểm.
2.3. Cơ chế, mức vốn huy động, hình thức huy động, lãi
suất huy động phù hợp với quy định hiện hành của nhà nước và nhu cầu vốn của từng
thời kỳ do Hội đồng quản lý Quỹ trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.
3. Vốn nhận ủy thác của Quỹ đầu tư phát triển Đăk
Nông:
- Vốn nhận cấp phát đầu tư cho các công trình, dự án từ
ngân sách nhà nước, từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam, các doanh nghiệp và các
tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước;
- Vốn nhận ủy thác quản lý, cho vay đầu tư và thu hồi nợ
hoặc hỗ trợ không hoàn lại từ các quỹ: Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp
nhỏ và vừa; Quỹ phát triển nhà ở; Quỹ hỗ trợ hợp tác xã; Quỹ bảo vệ môi trường;
Quỹ phát triển khoa học và công nghệ, do Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập… thông
qua hợp đồng nhận ủy thác giữa Quỹ với tổ chức, cá nhân ủy thác;
- Vốn nhận ủy thác từ phát hành trái phiếu chính quyền
địa phương theo ủy quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh để huy động vốn cho ngân sách
địa phương theo quy định của pháp luật..
Chương III
CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA QUỸ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN ĐĂK NÔNG
1. Đầu tư trực tiếp
1.1. Đối tượng đầu tư trực tiếp là các dự án đầu tư kết
cấu hạ tầng thuộc các chương trình, mục tiêu theo chiến lược, kế hoạch phát triển
kinh tế - xã hội đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua, bao gồm:
- Các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật;
- Các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng của khu công nghiệp,
khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao; các dự án phụ trợ bên ngoài hàng
rào khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và khu công nghệ cao;
- Các dự án đầu tư xây dựng nhà ở và các dự án phát
triển khu đô thị mới;
- Các dự án bảo vệ và cải tạo môi trường;
- Các dự án đầu tư khác theo quyết định của Ủy ban
nhân dân tỉnh.
1.2. Điều kiện đầu tư
- Dự án đầu tư đã được quyết định đầu tư theo quy định
của pháp luật.
- Dự án đầu tư phải có hiệu quả và có khả năng thu hồi
vốn trực tiếp.
1.3. Phương thức đầu tư
- Quỹ đầu tư phát triển thực hiện đầu tư với tư cách là
chủ đầu tư hoặc tham gia góp vốn với các tổ chức khác để đầu tư và chịu trách
nhiệm về quyết định đầu tư của mình theo phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Quỹ đầu tư phát triển được trực tiếp quản lý dự án
đầu tư hoặc thuê các tổ chức chuyên môn quản lý dự án đầu tư theo quy định của
pháp luật.
1.4. Hình thức đầu tư
- Tùy từng điều kiện cụ thể, Quỹ đầu tư phát triển lựa
chọn các hình thức đầu tư sau đây:
+ Đầu tư theo các hình thức: hợp đồng xây dựng - kinh doanh
- chuyển giao (BOT), hợp đồng xây dựng - chuyển giao - kinh doanh (BTO), hợp
đồng xây dựng - chuyển giao (BT) theo quy định của pháp luật;
+ Tìm kiếm dự án, thực hiện các công việc chuẩn bị đầu
tư sau đó thực hiện đầu tư, hoặc chuyển nhượng lại dự án cho chủ đầu tư khác
thực hiện đầu tư.
- Việc đầu tư của Quỹ được thực hiện theo các quy định
của pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng.
1.5. Thẩm quyền quyết định đầu tư
- Mức vốn đầu tư đối với một dự án đến 10% vốn chủ sở
hữu Quỹ đầu tư phát triển Đăk Nông do Hội đồng quản lý Quỹ quyết định.
- Mức vốn đầu tư đối với một dự án trên 10% vốn chủ sở
hữu Quỹ đầu tư phát triển Đăk Nông do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.
1.6. Giới hạn đầu tư
Giới hạn tỷ lệ vốn đầu tư trực tiếp vào các dự án của
Quỹ tối đa bằng 50% vốn hoạt động của Quỹ tại thời điểm thực hiện.
2. Đầu tư theo phương thức cho
vay
2.1. Đối tượng vay
Đối tượng cho vay là các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng có
phương án thu hồi vốn trực tiếp thuộc các chương trình, mục tiêu theo chiến lược,
kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông
qua, bao gồm:
- Các dự án về: giao thông; cấp nước; nhà ở khu đô
thị, khu dân cư; di chuyển sắp xếp lại các cơ sở sản xuất; xử lý rác thải của
các đô thị;
- Các dự án đầu tư phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế xã
hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách; các dự
án phát triển công nghiệp, các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, du lịch
và du lịch sinh thái - văn hóa.
- Các dự án cần nhanh chóng hoàn thành để sớm đưa vào
khai thác, sử dụng phát huy hiệu quả.
- Các dự án đầu tư mở rộng sản xuất, thành lập mới ở những
lĩnh vực ngành nghề được tỉnh khuyến khích phát triển.
- Các dự án đầu tư thuộc các doanh nghiệp có vốn góp
vào Quỹ đầu tư phát triển.
- Các dự án đầu tư theo Luật Đầu tư và các dự án được tỉnh
ưu đãi đầu tư, khuyến khích đầu tư.
- Các dự án quan trọng do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết
định.
2.2. Điều kiện cho vay
Quỹ đầu tư phát triển chỉ cho vay khi chủ đầu tư bảo đảm
có đủ các điều kiện sau đây:
- Đã hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật;
- Có phương án sản xuất, kinh doanh có lãi và phương án
bảo đảm trả được nợ;
- Có cam kết mua bảo hiểm đối với tài sản hình thành
từ vốn vay thuộc đối tượng mua bảo hiểm bắt buộc tại một công ty bảo hiểm được phép
hoạt động tại Việt Nam;
- Chủ đầu tư là các tổ chức có tư cách pháp nhân hoặc
các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
2.3. Thẩm quyền quyết định cho vay đầu tư
- Mức vốn cho vay đối với một dự án chiếm đến 15% vốn
chủ sở hữu Quỹ đầu tư phát triển Đăk Nông do Hội đồng quản lý Quỹ quyết định.
- Mức vốn cho vay đối với một dự án trên 15% vốn chủ
sở hữu Quỹ đầu tư phát triển Đăk Nông do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.
2.4. Thời hạn cho vay
Thời hạn cho vay được xác định theo khả năng thu hồi vốn
phù hợp với đặc điểm sản xuất kinh doanh của từng dự án và khả năng trả nợ của
chủ đầu tư nhưng tối đa là 15 năm. Trường hợp đặc biệt vay trên 15 năm, Ủy ban
nhân dân tỉnh quyết định.
2.5. Lãi suất cho vay:
- Lãi suất cho vay của Quỹ đầu tư phát triển đối với
các dự án theo nguyên tắc không thấp hơn lãi suất tín dụng đầu tư của nhà nước.
- Lãi suất cho vay lại đối với các dự án sử dụng nguồn
vốn vay ODA thực hiện theo quy định của Chính phủ về quản lý vay và trả nợ nước
ngoài.
- Mức lãi suất vay cho từng ngành nghề, loại hình dự
án do Hội đồng quản lý trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.
2.6. Bảo đảm tiền vay
Tùy thuộc vào từng dự án cụ thể, Quỹ đầu tư phát triển
sử dụng các biện pháp bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật.
2.7. Quy định về cho vay hợp vốn
- Quỹ đầu tư phát triển được làm đầu mối cho vay hợp
vốn hoặc cùng hợp vốn với tổ chức tín dụng và tổ chức khác để cho vay dự án.
- Việc cho vay hợp vốn phải lập thành hợp đồng và phải
tuân theo quy định tại các tiết 2.1, 2.2, 2.3, 2.4, 2.5 và 2.6 Điểm 2 trên đây.
2.8. Phân loại nợ, trích lập Quỹ dự phòng xử lý rủi ro
đối với hoạt động cho vay đầu tư
- Quỹ đầu tư phát triển thực hiện phân loại nợ, trích dự
phòng rủi ro đối với hoạt động cho vay đầu tư như các tổ chức tín dụng nhà nước.
- Việc trích lập Quỹ dự phòng xử lý rủi ro phải thực
hiện theo quy định của pháp luật, hướng dẫn của Bộ Tài chính.
2.9. Xử lý rủi ro:
Rủi ro xảy ra cho các dự án vay vốn của Quỹ đầu tư
phát triển do nguyên nhân khách quan được xử lý như sau:
- Trường hợp do chính sách nhà nước thay đổi làm ảnh hưởng
trực tiếp đến hoạt động của dự án mà dẫn đến việc chủ đầu tư gặp khó khăn trong
trả nợ vay thì chủ đầu tư được xem xét gia hạn nợ; xóa, giảm lãi tiền vay;
khoanh nợ;
- Trường hợp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn do nguyên nhân
khách quan gây thiệt hại tài sản mà chủ đầu tư không trả được nợ và được cơ
quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận, thì việc xử lý rủi ro được thực hiện theo
trình tự như sau:
+ Sử dụng các nguồn tài chính của chủ đầu tư theo quy
định để thu hồi nợ;
+ Tiền bồi thường của cơ quan bảo hiểm (nếu có);
+ Được xem xét, xóa nợ một phần hoặc toàn bộ số nợ vay
còn lại.
2.10. Thẩm quyền xử lý rủi ro
- Cấp nào quyết định cho vay thì quyết định gia hạn nợ.
Thời gian gia hạn nợ tối đa không vượt quá 1/3 thời hạn của khoản vay.
- Hội đồng quản lý quyết định việc xóa nợ lãi.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định việc khoanh
nợ, xoá nợ gốc. Trường hợp xóa nợ, sau khi quyết định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân
tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh.
2.11. Giới hạn cho vay
Giới hạn cho vay đối với một dự án tối đa bằng 15% vốn
hoạt động của Quỹ tại thời điểm thực hiện.
3. Góp vốn thành lập các tổ chức kinh
tế
3.1. Quỹ được góp vốn thành lập công ty cổ phần, công ty
trách nhiệm hữu hạn theo quy định của Luật Doanh nghiệp để thực hiện các hoạt
động đầu tư trực tiếp vào các công trình, dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã
hội thuộc các chương trình, mục tiêu theo chiến lược, kế hoạch phát triển kinh
tế - xã hội của địa phương đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.
3.2. Thẩm quyền quyết định mức góp vốn như sau:
- Mức góp vốn đối với một doanh nghiệp chiếm đến 10% vốn
chủ sở hữu Quỹ đầu tư phát triển Đăk Nông do Hội đồng quản lý quyết định theo
sự phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Mức góp vốn đối với một doanh nghiệp trên 10% vốn
chủ sở hữu Quỹ đầu tư phát triển Đăk Nông do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.
3.3. Giới hạn đầu tư góp vốn thành lập các tổ chức
kinh tế tối đa bằng 20% vốn hoạt động của Quỹ tại thời điểm thực hiện.
4. Tư vấn tài chính đầu tư
- Thực hiện tư vấn cho các nhà đầu tư xây dựng dự án về
các chỉ tiêu kinh tế tài chính như: cung cầu sản phẩm, thị trường tiêu thụ, thu
nhập, chi phí của dự án đầu tư, hiệu quả kinh tế xã hội của dự án.
- Tư vấn xây dựng phương án tài chính các dự án đầu
tư.
- Tư vấn lập quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành.
5. Nhận ủy thác và ủy thác
5.1. Nhận ủy thác
- Quỹ đầu tư phát triển được nhận ủy thác: quản lý nguồn
vốn đầu tư, cho vay đầu tư và thu hồi nợ, cấp phát vốn đầu tư cho các công
trình, dự án từ ngân sách nhà nước,
Ngân hàng Phát triển Việt Nam, các doanh nghiệp và các
tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thông qua hợp đồng nhận ủy thác giữa Quỹ đầu
tư phát triển với tổ chức, cá nhân ủy thác.
- Quỹ đầu tư phát triển được nhận ủy thác quản lý hoạt
động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; Quỹ hỗ trợ hợp tác
xã; Quỹ bảo vệ môi trường; Quỹ phát triển nhà ở; Quỹ phát triển khoa học và công
nghệ do Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập.
- Quỹ đầu tư phát triển được thực hiện phát hành trái phiếu
chính quyền địa phương theo ủy quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh để huy động vốn
cho ngân sách tỉnh theo quy định của pháp luật.
- Quỹ đầu tư phát triển được hưởng phí dịch vụ nhận ủy
thác. Mức phí cụ thể được thoả thuận và ghi trong hợp đồng nhận ủy thác. Định mức
phí do Giám đốc Quỹ đầu tư phát triển xin ý kiến Hội đồng quản lý và trình Ủy
ban nhân dân tỉnh quyết định theo quy định của pháp luật.
5.2. Ủy thác:
- Quỹ đầu tư phát triển được ủy thác cho các tổ chức tín
dụng và Ngân hàng phát triển Việt Nam thực hiện cho vay và thu hồi nợ một số dự
án thuộc đối tượng vay vốn của Quỹ đầu tư phát triển thông qua hợp đồng ủy thác
giữa Quỹ đầu tư phát triển với tổ chức nhận ủy thác.
- Các tổ chức nhận ủy thác được hưởng phí dịch vụ ủy
thác. Mức phí cụ thể được thỏa thuận và ghi trong hợp đồng ủy thác.
6. Nguyên tắc hoạt động của Quỹ đầu
tư phát triển
- Quỹ đầu tư phát triển hoạt động theo nguyên tắc tự chủ
về tài chính, bảo toàn và phát triển vốn, tự bù đắp chi phí và tự chịu rủi ro.
Ngân sách nhà nước không cấp kinh phí cho hoạt động của bộ máy của Quỹ đầu tư
phát triển.
- Quỹ đầu tư phát triển chịu trách nhiệm hữu hạn trong
phạm vi nguồn vốn chủ sở hữu của mình.
- Đối với vốn huy động phải đảm bảo sử dụng có hiệu
quả. Thực hiện đúng trách nhiệm đối với các hợp đồng huy động vốn, cung cấp vốn
và ủy thác đầu tư.
Chương IV
NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA QUỸ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN
1. Nhiệm vụ
- Thực hiện đầu tư trong phạm vi kế hoạch và cơ cấu đầu
tư đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt trong từng thời kỳ, phù hợp với chiến
lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông
qua.
- Tiếp nhận các nguồn vốn đầu tư của tỉnh, tổ chức huy
động các nguồn vốn trung và dài hạn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước,
nhận các nguồn vốn ủy thác đầu tư phát triển của các tổ chức kinh tế và sử dụng
vốn đầu tư đúng mục đích.
- Thực hiện đúng chế độ kế toán, thống kê và báo cáo
tài chính theo quy định của pháp luật.
- Chịu sự thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà
nước có thẩm quyền theo luật định; cung cấp số liệu, công bố công khai về tình
hình tài chính theo quy định của pháp luật.
- Mua bảo hiểm tài sản, bảo hiểm rủi ro và các loại
bảo hiểm khác theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức và quản lý Quỹ đầu tư phát triển theo đúng điều
lệ do Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và Nghị quyết của Hội đồng quản lý trong
từng thời kỳ. Chịu trách nhiệm trước pháp luật và Ủy ban nhân dân tỉnh về kết
quả hoạt động và chịu trách nhiệm trước khách hàng về các nghiệp vụ do Quỹ đầu
tư phát triển thực hiện.
- Quản lý, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả các nguồn
vốn; đảm bảo an toàn và phát triển vốn; tự bù đắp chi phí và tự chịu rủi ro.
- Đầu tư đúng quy định, đúng mục đích, đúng đối tượng,
có hiệu quả; thu hồi kịp thời, đầy đủ cả nợ gốc và nợ lãi.
- Thực hiện đúng hạn, đầy đủ các nghĩa vụ trả nợ của Quỹ
đối với tổ chức, cá nhân đã cho Quỹ vay vốn.
- Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà
nước theo quy định hiện hành.
- Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo yêu
cầu của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tài chính và Bộ Tài chính.
- Thực hiện một số nhiệm vụ khác do Ủy ban nhân dân tỉnh
giao nhưng không được trái với quy định pháp luật.
2. Quyền hạn
- Được pháp luật bảo hộ với tư cách là một pháp nhân trước
mọi hành vi trái pháp luật gây tổn hại đến tài sản, quyền lợi và uy tín của Quỹ.
- Được tổ chức hoạt động kinh doanh phù hợp với mục
tiêu, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động của Quỹ.
- Được trực tiếp quan hệ với các tổ chức, cá nhân trong
và ngoài nước để đàm phán, ký kết các hợp đồng vay vốn, nhận tài trợ, nhận ủy
thác trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi, theo đúng pháp
luật Việt Nam.
- Tổ chức hoạt động phù hợp với mục tiêu và phạm vi
hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển theo nội dung Đề án này.
- Được lựa chọn các dự án có hiệu quả phù hợp với kế hoạch
và cơ cấu đầu tư của Ủy ban nhân tỉnh để quyết định đầu tư. Trường hợp đặc biệt
do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.
- Được liên hệ với các ngành chức năng, các đơn vị có
liên quan trên địa bàn để tìm kiếm, xây dựng các dự án đầu tư.
- Được tuyển chọn, bố trí, sử dụng, đào tạo lao động và
sử dụng lao động theo quy định của pháp luật.
- Được từ chối mọi yêu cầu của bất cứ cá nhân hay tổ chức
nào về việc cung cấp thông tin và các nguồn lực khác của Quỹ đầu tư phát triển,
nếu yêu cầu đó trái với quy định của pháp luật và trái với Điều lệ tổ chức và
hoạt động của Quỹ.
- Được yêu cầu doanh nghiệp vay vốn cung cấp tài liệu,
thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính của doanh nghiệp;
được quyền kiểm tra việc thực hiện dự án, kiểm tra việc quản lý sử dụng vốn.
Nếu phát hiện chủ dự án sử dụng vốn sai mục đích, không hiệu quả, Quỹ có quyền
từ chối hoặc đình chỉ phát tiền vay, thu hồi các khoản đầu tư trước thời hạn,
đồng thời báo cáo cơ quan cấp trên và các cơ quan liên quan có biện pháp xử lý
theo pháp luật.
- Được mời và tiếp các đối tác đầu tư, kinh doanh nước
ngoài, được cử cán bộ và nhân viên của Quỹ đầu tư phát triển ra nước ngoài công
tác, học tập, tham quan, khảo sát theo quy định của pháp luật.
- Được chi phí các khoản chi cần thiết cho hoạt động
bộ máy của Quỹ. Được trích lập các Quỹ theo quy chế quản lý tài chính Quỹ của
Bộ Tài chính.
Chương V
TỔ CHỨC BỘ MÁY QUẢN LÝ VÀ ĐIỀU HÀNH QUỸ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN
Quỹ đầu tư phát triển tổ chức theo mô hình hoạt động độc
lập, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh định hướng, chỉ đạo và điều hành mọi hoạt động
của Quỹ, tổ chức Quỹ bao gồm: Hội đồng quản lý Quỹ, Ban Kiểm soát và bộ máy
điều hành Quỹ.
1. Hội đồng quản lý Quỹ
1.1. Số lượng số thành viên Hội đồng quản lý Quỹ tối đa
là 07 người, trong đó yêu cầu phải có 01 lãnh đạo của Sở Tài chính tham gia. Việc
quy định cụ thể về số lượng thành viên, chức danh các thành viên do Ủy ban nhân
dân tỉnh quyết định tùy theo điều kiện thực tế của tỉnh nhưng số lượng thành
viên của hội đồng quản lý quỹ phải là số lẻ.
Giám đốc, Phó Giám đốc và Trưởng Ban kiểm soát Quỹ đầu
tư phát triển phải có bằng đại học thuộc một trong các ngành tài chính, kế toán,
ngân hàng. Tối thiểu phải có 3 năm kinh nghiệm về quản lý hoặc điều hành các
lĩnh vực trên hoặc tương đương.
1.2. Nhiệm vụ và quyền hạn Hội đồng quản lý Quỹ:
- Xem xét và thông qua phương hướng hoạt động, kế hoạch
huy động vốn, kế hoạch đầu tư, kế hoạch tài chính dài hạn và hàng năm của Quỹ
để trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; thẩm tra và thông qua báo cáo quyết
toán của Quỹ.
- Giám sát, kiểm tra bộ máy điều hành của Quỹ đầu tư phát
triển trong việc chấp hành các chính sách và pháp luật, thực hiện các quyết định
của Hội đồng quản lý.
- Xem xét, thông qua khung lãi suất cho vay đầu tư trình
Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
- Xem xét, quyết định đầu tư đối với các dự án, cho vay
đầu tư, góp vốn thành lập doanh nghiệp; quyết định cử người đại diện phần vốn
góp tại doanh nghiệp theo thẩm quyền được phân cấp.
- Trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định việc sửa đổi, bổ
sung Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển cho phù hợp với yêu
cầu thực tế và các quy định hiện hành của pháp luật; trình Ủy ban nhân dân tỉnh
quyết định phân cấp, điều chỉnh phân cấp giữa Hội đồng quản lý Quỹ và Giám đốc
Quỹ trong việc quyết định đầu tư trực tiếp, cho vay đầu tư, góp vốn thành lập
doanh nghiệp.
- Xem xét, giải quyết các khiếu nại của các tổ chức, cá
nhân có liên quan đến hoạt động của Quỹ theo quy định của pháp luật.
- Trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm,
bãi nhiệm Trưởng Ban Kiểm soát Quỹ; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm,
khen thưởng, kỷ luật các thành viên của Ban kiểm soát theo đề nghị của Trưởng Ban
kiểm soát.
- Ban hành Quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ đối với
các thành viên của Hội đồng quản lý.
- Ban hành Quy chế hoạt động nghiệp vụ của Quỹ trên cơ
sở đề nghị của Giám đốc Quỹ.
- Ban hành Quy chế hoạt động của Ban kiểm soát Quỹ và
một số quy định khác có liên quan phục vụ hoạt động của Hội đồng quản lý Quỹ.
- Nhận, quản lý và sử dụng có hiệu quả vốn ngân sách
và các nguồn lực do Nhà nước giao cho Quỹ.
- Các quyền khác theo quy định tại Điều lệ tổ chức và
hoạt động của Quỹ.
- Được sử dụng con dấu của Quỹ trong việc thực hiện
nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng quản lý.
- Ủy quyền cho Giám đốc Quỹ thực hiện một số nhiệm vụ và
quyền hạn thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản lý Quỹ. Người được uỷ quyền chịu
trách nhiệm trong phạm vi được ủy quyền. Hội đồng quản lý Quỹ chịu trách nhiệm
cuối cùng đối với các nội dung ủy quyền.
2. Ban kiểm soát
2.1. Ban kiểm soát thực hiện nhiệm vụ kiểm soát các hoạt
động của Quỹ đầu tư phát triển Đăk Nông. Ban Kiểm soát có tối đa 5 thành viên
do Hội đồng quản lý cử, được hưởng phụ cấp và các quyền lợi khác theo quy định
của Hội đồng quản lý. Trưởng
Ban kiểm soát do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh bổ
nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng quản lý.
2.2. Ban Kiểm soát có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
- Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách chế
độ và nghiệp vụ hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển, nhằm bảo đảm hiệu quả hoạt
động và an toàn tài sản của Quỹ;
- Lập kế hoạch thực hiện và báo cáo định kỳ hoặc đột xuất
về công tác giám sát, kiểm tra trước Hội đồng quản lý. Trưởng Ban Kiểm soát có
quyền đề nghị Chủ tịch Hội đồng quản lý hoặc trong trường hợp không được Chủ
tịch Hội đồng quản lý chấp thuận thì đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
triệu tập phiên họp bất thường để báo cáo những vấn đề khẩn cấp làm phương hại
đến hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển;
- Trình bày báo cáo, kiến nghị của mình về kết quả kiểm
soát, kết quả thẩm định về quyết toán tài chính tại các cuộc họp của Hội đồng
quản lý nhưng không tham gia biểu quyết. Trưởng Ban kiểm soát phải chịu trách
nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Hội đồng quản lý và trước pháp luật
nếu có hành vi bao che, bỏ qua các vi phạm đã phát hiện.
3. Bộ máy điều hành của Quỹ đầu tư
phát triển
3.1. Bộ máy điều hành của Quỹ đầu tư phát triển gồm Ban
Giám đốc (Giám đốc, các Phó Giám đốc) và các Phòng, Ban nghiệp vụ, cụ thể:
- Giám đốc Quỹ là Ủy viên của Hội đồng quản lý do Chủ tịch
Ủy ban nhân dân tỉnh bổ nhiệm, là người đại diện pháp nhân của Quỹ, chịu trách
nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh, Hội đồng quản lý và trước pháp luật về toàn
bộ hoạt động nghiệp vụ của Quỹ đầu tư phát triển Đăk Nông.
- Phó Giám đốc và kế toán trưởng do Giám đốc Quỹ đề
nghị Hội đồng quản lý xem xét, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh bổ nhiệm,
miễn nhiệm hoặc bãi nhiệm.
- Việc tổ chức các Phòng, ban nghiệp vụ của Quỹ đầu tư
phát triển do Hội đồng quản lý quyết định căn cứ thực tế hoạt động của Quỹ, phù
hợp với quy định của Bộ Tài chính.
3.2. Giám đốc Quỹ đầu tư phát triển địa phương có nhiệm
vụ và quyền hạn sau đây:
- Quản lý và điều hành các hoạt động của Quỹ theo đúng
Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển Đăk Nông, pháp luật của
nhà nước và các quyết định của Hội đồng quản lý;
- Xây dựng chiến lược phát triển, phương hướng hoạt động,
kế hoạch hoạt động dài hạn và hàng năm; xây dựng chiến lược, kế hoạch huy động
vốn, kế hoạch đầu tư, kế hoạch tài chính, trình Hội đồng quản lý thông qua để
trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
- Chuẩn bị tài liệu, các văn bản, các điều kiện, phương
tiện cần thiết cho kỳ họp của Hội đồng quản lý. Trình Hội đồng quản lý ban hành
Quy chế hoạt động nghiệp vụ của Quỹ;
- Chịu trách nhiệm về các quyết định của mình trước Ủy
ban nhân dân tỉnh và Hội đồng quản lý; ký các văn bản thuộc phạm vi điều hành của
Giám đốc Quỹ;
- Thực hiện báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về tình hình
hoạt động của Quỹ với Hội đồng quản lý, Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Tài chính;
- Trực tiếp quản lý tài sản, vốn hoạt động và chịu
trách nhiệm bảo toàn phát triển vốn, tài sản của Quỹ đầu tư phát triển theo quy
định của pháp luật;
- Quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm đối với
các chức danh trưởng phòng, ban nghiệp vụ và tương đương trở xuống;
- Được phép đại diện cho Quỹ trong các quan hệ thuộc thẩm
quyền với các đối tác trong và ngoài nước. Đại diện pháp nhân của Quỹ trước
pháp luật trong việc tố tụng, tranh chấp, giải thể và các vấn đề thuộc phạm vi
điều hành tác nghiệp của Quỹ.
- Các quyền khác theo quy định tại Điều lệ tổ chức và
hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển Đăk Nông.
Chương VI
CHẾ HỘ TÀI CHÍNH, KẾ TOÁN, KIỂM TOÁN
1. Chế độ tài chính
1.1. Trong suốt thời gian hoạt động của Quỹ đầu tư phát
triển phải duy trì mức vốn điều lệ thực có không thấp hơn 100 tỷ.
1.2. Năm tài chính của Quỹ đầu tư phát triển bắt đầu
từ ngày 01 tháng 01 và kết thúc vào ngày 31 tháng 12.
1.3. Khoản trích dự phòng rủi ro đối với hoạt động cho
vay đầu tư được hạch toán vào chi phí hoạt động của Quỹ.
1.4. Quỹ đầu tư phát triển thực hiện chế độ tiền lương,
tiền thưởng, phúc lợi theo quy định áp dụng cho doanh nghiệp nhà nước.
1.5. Quỹ đầu tư phát triển thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với
ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật.
1.6. Kết quả hoạt động của Quỹ là khoản chênh lệch giữa
tổng các khoản phải thu và tổng các khoản phải trả hợp lý, hợp lệ. Trường hợp
tổng doanh thu lớn hơn tổng số chi phí, phần chênh lệch này được phân phối theo
trình tự sau:
a) Bù đắp các khoản lỗ lũy kế đến thời điểm quyết
toán;
b) Trừ các khoản tiền phạt do vi phạm pháp luật thuộc trách
nhiệm của Quỹ theo quy định của pháp luật;
c) Trích 10% vào quỹ dự phòng tài chính; khi số dư quỹ
bằng 25% vốn điều lệ của Quỹ đầu tư phát triển Đăk Nông thì không trích nữa;
d) Phần chênh lệch sau khi đã trừ các khoản quy định tại
mục a, b và c tiết 1.5 điểm này được trích theo thứ tự sau:
+ Trích quỹ đầu tư phát triển tối thiểu 30%;
+ Trích tối đa 5% lập quỹ thưởng quản lý điều hành
Quỹ. Mức trích tối đa không quá 500 triệu đồng;
+ Trích quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi tối đa không
quá 03 tháng lương thực hiện. Mức trích cụ thể do Hội đồng quản lý Quỹ quyết
định;
+ Phần chênh lệch còn lại được bổ sung vào quỹ đầu tư
phát triển.
- Mục đích sử dụng các quỹ phải tuân thủ đúng theo quy
định của Bộ Tài chính và các quy định pháp luật.
2. Chế độ kế toán, kiểm toán
- Quỹ đầu tư phát triển phải tổ chức thực hiện công
tác kế toán, thống kê, báo cáo theo đúng các quy định của Bộ Tài chính và pháp
luật hiện hành.
- Báo cáo tài chính của Quỹ đầu tư phát triển phải
được một tổ chức kiểm toán độc lập kiểm toán.
Giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực
hiện đề án này và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện với Hội đồng nhân dân
tỉnh./.