HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 13/2020/NQ-HĐND
|
Phú Yên, ngày 09
tháng 12 năm 2020
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2021-2025
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH PHÚ YÊN
KHÓA VII, KỲ HỌP THỨ 20
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm
2019;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy
phạm pháp luật năm 2015;
Trên cơ sở xem xét Tờ trình số 144/TTr-UBND ngày 27
tháng 11 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội
5 năm 2021-2025; Báo
cáo thẩm tra của các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của
đại biểu Hội đồng nhân
dân tỉnh tại Kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
1. Về đánh giá kết
quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020
Thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020,
bên cạnh những thuận lợi, tỉnh ta cũng gặp nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt
là năm 2020 do tác động của đại dịch Covid-19 và thiên tai, đã ảnh hưởng đến
mọi mặt kinh tế - xã hội, nhưng nhờ sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống
chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân toàn tỉnh nên tình hình kinh tế -
xã hội tiếp tục ổn định và có nhiều mặt phát triển, thực hiện đạt và vượt 12/17
chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh đã đề ra. Nền kinh tế tỉnh ta phát triển ổn định và tăng
trưởng khá; quy mô nền kinh tế tăng lên; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội,
nhất la giao thông phát triển đáng kể. Bộ mặt nông thôn, miền núi, đô thị có
nhiều đổi mới, khởi sắc. Các lĩnh
vực văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tiếp tục được nâng lên. Quốc
phòng, an ninh được củng cố, tăng cường. Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế đạt nhiều kết quả tích cực.
Bên cạnh kết quả đạt được, cũng còn
những mặt hạn chế, yếu kém cần tập trung khắc phục. Đáng chú ý có 5/17 chỉ tiêu
chủ yếu không đạt kế hoạch đề ra.
Tăng trưởng kinh tế thiếu bền vững; chuyển dịch cơ cấu kinh tế tuy đúng hướng
nhưng còn chậm; cơ cấu lại ngành nông nghiệp chưa đạt mục tiêu, yêu cầu; bảo vệ
và phát triển rừng còn nhiều bất cập,
yếu kém; kết quả thực hiện một số tiêu chí nông thôn mới thiếu bền vững; quy mô sản xuất công nghiệp còn
nhỏ, chưa có nhiều sản phẩm công nghiệp mới, đột phá; cơ sở hạ tầng dịch vụ du
lịch tuy phát triển khá nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; cải thiện môi trường đầu
tư, kinh doanh, thu hút đầu tư còn hạn chế; công tác giải phóng mặt bằng phục vụ
triển khai các dự án vẫn là khâu yếu; tiến độ triển khai nhiều dự án ngoài ngân
sách chậm trễ, kéo dài; chất lượng doanh nghiệp thành lập mới chưa cao; cơ cấu các nguồn thu ngân sách chưa ổn định, thiếu vững chắc; quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên khoáng sản, môi trường còn hạn chế lỏng lẻo.
Giáo dục và đào tạo có mặt chưa đáp ứng
tốt yêu cầu phát triển. Trình độ và tiềm lực khoa học công nghệ còn thấp. Quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa,
thông tin có
mặt chưa tốt.
Đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn. Chất lượng dịch vụ y tế chưa đáp ứng tốt nhu cầu xã hội. Tình hình
an ninh, trật tự an toàn xã hội có
lúc có nơi còn diễn biến phức tạp.
Công tác phối hợp điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án chưa chặt chẽ; một số vụ án, vụ việc để kéo
dài. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố
cáo, kiến nghị của công dân một số
nơi chưa tốt. Kết quả cải cách
hành chính đạt thấp; kỷ cương, kỷ luật hành chính có nơi
còn chưa nghiêm. Đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí hiệu quả chưa cao; chưa phát hiện, xử lý hiệu quả tình trạng cán bộ, công chức,
viên chức nhũng nhiễu, tiêu cực trong quá trình thực thi nhiệm vụ
2. Về kế hoạch
phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025
2.1. Mục tiêu tổng quát
Nâng cao tốc
độ tăng trưởng kinh tế, tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, tập trung một số ngành, sản
phẩm công nghiệp, dịch vụ có hàm lượng khoa học công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, phát triển nông nghiệp công
nghệ cao, từng bước phát triển nông
nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái để tạo sự
chuyển biến về chất lượng trong quá
trình phát triển. Tiếp tục đầu tư
phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển mạnh mẽ dịch vụ
du lịch; khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, trọng tâm là phát triển kinh tế biển, gắn với ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học công nghệ môi
trường, đảm bảo quốc phòng - an ninh để góp phần phát triển kinh tế nhanh, bền
vững. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp,
hiện đại; tập trung đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước
hiện đại, đảm bảo yêu cầu phát triển; nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo và chất lượng nguồn nhân lực; thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển văn hóa - xã hội đưa Phú Yên phát triển nhanh và bền vững;
giữ vững quốc phòng, an ninh, đảm bảo trật tự an toàn
xã hội; nâng cao vị thế của Phú Yên trong khu vực; GRDP bình quân đầu người bằng mức trung bình của cả nước.
2.2. Các chỉ tiêu chủ yếu
a) Các chỉ tiêu về kinh tế
- Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân giai đoạn
2021- 2025 đạt khoảng 8,5%/năm(1) .
- Cơ cấu các ngành kinh tế trong
GRDP đến năm 2025: ngành nông -
lâm - ngư nghiệp chiếm khoảng
20,09%, công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 31,43%, dịch vụ chiếm khoảng 44,09%
và thuế sản phẩm chiếm 4,39%.
- GRDP bình quân đầu người đến năm
2025 đạt khoảng 88 triệu đồng (3.830USD).
- Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đến
năm 2025 đạt khoảng 370 triệu USD.
- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn
2021-2025 là 95 nghìn tỷ đồng.
- Thu ngân sách đến năm 2025 đạt khoảng
11 nghìn tỷ đồng.
b) Các chỉ tiêu về xã hội
- Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đến
năm 2025 đạt 80%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ chiếm 30%.
- Số lao động được tạo việc làm bình
quân 25 nghìn người/năm (trong đó có việc làm mới tăng thêm 4.700 lao động/năm).
Đến năm 2025, tỷ lệ thất nghiệp
toàn tỉnh dưới 2%; tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội 21,6%(2).
- Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm
1,5-2%/năm.
- Đến năm 2025, có 10 bác sĩ và 30 giường bệnh/nạn dân; tỷ lệ tham gia bảo
hiểm y tế chiếm 95% dân số.
- Tỷ lệ gia đình được công nhận văn
hóa đến năm 2025 đạt 90%; Tỷ lệ thôn, buôn, khu phố văn hóa đạt 90% và Tỷ lệ cơ
quan, đơn vị văn hóa đạt 92%.
- Tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi có
trình độ học vấn THPT và tương đương đến năm 2025 đạt trên 85%.
- Tỷ lệ xã nông thôn mới đến năm 2025
khoảng 80%, trong đó 15% xã nông thôn mới nâng cao, 5% đạt xã nông thôn mới kiểu
mẫu.
- Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt
45% .
c) Các chỉ tiêu về tài nguyên -
môi trường và phát triển bền vững
- Tỷ lệ che phủ rừng năm 2025 khoảng
48%.
- Đến năm 2025, tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp
nước tập trung đạt 95%; tỷ lệ dân số nông thôn được tiếp cận nước sạch theo Quy
chuẩn quốc gia trên 60%.
- Duy trì tỷ lệ khu công nghiệp đang
hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đảm bảo tiêu chuẩn môi trường đạt
100%; tỷ lệ xử lý chất thải rắn y tế đạt tiêu chuẩn 100%; tỷ lệ chất thải nguy
hại được thu gom, xử lý ở đô thị đến năm 2025 đạt 98%.
d) Các chỉ tiêu về quốc phòng - an ninh
Giữ vững quốc phòng - an ninh. Xây dựng
tiềm lực trong khu vực phòng thủ vững chắc; xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện. Giao quân hàng năm đạt
100% chỉ tiêu. Giữ vững 100% xã, phường, thị trấn hàng năm đạt vững mạnh về quốc
phòng - an ninh.
3. Nhiệm vụ và giải
pháp
Để hoàn thành
thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra, cùng với lãnh đạo, chỉ đạo,
thực hiện toàn diện 05 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trên tất cả các lĩnh vực đã
nêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, cần tập trung
lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện 07 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá sau:
(1) Triển khai thực hiện đồng bộ các
nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện có hiệu quả công tác tổ chức cán bộ, nhằm xây
dựng đội ngũ cán bộ các cấp ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm sự chuyển tiếp
liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ.
(2) Xây dựng con người Phú Yên phát
triển toàn diện, gắn phát triển tri thức với phát triển thể chất, đạo đức và kỹ
năng xã hội.
(3) Đẩy mạnh cải cách hành chính; xây
dựng chính quyền điện tử với mục tiêu lấy người dân và doanh nghiệp làm trung
tâm, nâng cao các chỉ số liên quan đến cải cách hành chính3; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch
để thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, hỗ trợ doanh nghiệp
phát triển trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ
tư.
(4) Tập trung đầu tư phát triển du lịch
trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhất là phát triển du lịch biển, du lịch sinh
thái, xây dựng thương hiệu du lịch của tỉnh. Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển,
gắn với ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, bảo đảm
quốc phòng - an ninh để góp phần phát triển kinh tế nhanh, bền vững.
(5) Khai thác, phát huy hiệu quả tiềm
năng, lợi thế, trọng tâm là kinh tế biển gắn với đẩy mạnh thu hút đầu tư phát
triển, nhất là Khu Kinh té Nam Phú Yên, để đẩy nhanh quá trình hội nhập và phát
triển bền vững.
(6) Thu hút mạnh mẽ nguồn lực đầu tư
nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với ứng
dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ, từng bước hình thành nền nông nghiệp ứng
dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp hữu cơ thích ứng với biến đổi khí hậu,
phát triển sản phẩm theo chuỗi, tạo ra các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá
trị kinh tế cao. Đầu tư và phát huy hiệu quả Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ
cao Phú Yên, tập trung ưu tiên công tác nghiên cứu, chuyển giao khoa học công
nghệ trong sản xuất nông nghiệp; xây dựng phát triển các mô hình trồng cây ăn
quả hiệu quả ở các địa phương gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm. Tiếp tục
thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
(7) Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả
tài nguyên, khoáng sản. Tăng cường công tác bảo vệ và cải thiện môi trường. Chủ
động thích ứng với biến đổi khí hậu.
4. Tổ chức thực
hiện
Ủy ban nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân
tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh theo chức năng của mình xây dựng kế hoạch cụ
thể cho từng năm của nhiệm kỳ, tổ chức thực hiện đạt hiệu quả Nghị quyết của Hội
đồng nhân dân tỉnh; cuối năm 2023 báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh kết quả thực
hiện Nghị quyết giữa nhiệm kỳ.
Thường trực Hội đồng nhân dân, các
Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh căn cứ chức năng,
nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam tỉnh, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác giám
sát và động viên Nhân dân trong tỉnh thực hiện tốt Nghị quyết.
Tiếp tục phát huy những thành tựu đạt
được, Hội đồng nhân dân tỉnh kêu gọi toàn hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân trong tỉnh quyết tâm đoàn kết, nhất trí,
ra sức thi đua, phấn đấu thực hiện
đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra, góp
phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ
2020 - 2025.
Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh Phú
Yên khóa VII, kỳ họp thứ 20 thông qua ngày 09 tháng 12 năm 2020 và có hiệu lực
từ ngày 19 tháng 12 năm 2020./.
Nơi nhận:
- UBTVQH;
- Chính phủ;
- Văn phòng Quốc Hội;
- Các Bộ: KH&ĐT, TC;
- TT.Tỉnh ủy;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- TT. HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh,
- Viện KSND, TAND, Cục THADS tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- VP: Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- TT. HĐND, UBND các huyện, TX, TP;
- Báo PY, Đài PT-THPY;
- Trung tâm Truyền thông tỉnh;
- Trang Thông tin điện tử HĐND tỉnh;
- Lưu: VT, HSKH.
|
CHỦ TỊCH
Cao Thị Hòa An
|
(1) Số liệu tính tốc độ tăng GRDP giai
đoạn 2021-2025 của tỉnh theo Nghị
quyết Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Chỉ thị số 18/CT - TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh
tế xã hội 5 năm 2021-2025 và Văn bản số 321/TCTK - TKQG ngày 12/3/2020 của Tổng
cục thống kê về việc thông báo kết
số liệu GRDP chính thức năm 2018, sơ bộ 2019 và ước 2020, số liệu giai đoạn 2010 - 2020; số liệu niên
giám thống kê năm 2019, số liệu rà soát theo tình hình thực tế ước năm 2020 của
Cục Thống kê.
(2) Theo quy định mới, chỉ tính số người
lao động tham gia bảo hiểm xã hội trong tỉnh (không tính số lao động là người Phú Yên làm việc ngoài tỉnh) thì năm
2020 ước đạt khoảng 15,2%.
3 Như chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản
trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số cải cách hành chính
(Par Index).