Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 43-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Võ Văn Kiệt
Ngày ban hành: 16/07/1996 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 43-CP

Hà Nội, ngày 16 tháng 7 năm 1996

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 43-CP NGÀY 16 THÁNG 7 NĂM 1996 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ ĐẤU THẦU

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Theo đề nghị của Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Thương mại,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1.- Ban hành kèm theo Nghị định này Quy chế đấu thầu.

Điều 2.- Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 3.- Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các chủ đầu tư chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Thương mại và các Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Quy chế đấu thầu ban hành kèm theo Nghị định này.

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)


QUY CHẾ

ĐẤU THẦU
(Ban hành kèm theo Nghị định số 43/CP ngày 16/7/1996 của Chính phủ)

Quy chế đấu thầu được ban hành nhằm thống nhất quản lý hoạt động đấu thầu trong cả nước, bảo đảm tính đúng đắn, khách quan, công bằng và có tính cạnh tranh trong đấu thầu dự án hoặc từng phần dự án đầu tư về tuyển chọn tư vấn, mua sắm vật tư thiết bị và thi công xây lắp để thực hiện các dự án đầu tư trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.- Giải thích các thuật ngữ.

Các thuật ngữ dùng trong Quy chế này được hiểu như sau:

1. "Đấu thầu" là quá trình lựa chọn nhà thầu đáp ứng được các yêu cầu của bên mời thầu trên cơ sở cạnh tranh giữa các nhà thầu.

2. "Xét thầu" là quá trình phân tích, đánh giá các hồ sơ dự thầu để xét chọn bên trúng thầu.

3. "Bên mời thầu" là chủ đầu tư hoặc đại diện hợp pháp của chủ đầu tư có dự án cần đấu thầu.

4. "Người có thẩm quyền quyết định đầu tư" là:

- Hội đồng quản trị hoặc Ban quản trị nếu vốn đầu tư thuộc sở hữu của công ty hoặc hợp tác xã.

- Một tổ chức hoặc một cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc được uỷ quyền theo luật định, nếu vốn đầu tư là vốn Nhà nước.

5. "Nhà thầu" là tổ chức kinh tế có đủ điều kiện và có tư cách pháp nhân để tham gia đấu thầu, nhà thầu, nhà thầu có thể là cá nhân trong trường hợp đấu thầu tuyển chọn tư vấn.

6. "Gói thầu" là một công việc của dự án đầu tư được phân chia theo tính chất hoặc trình tự thực hiện dự án, có quy mô hợp lý và bảo đảm tính đồng bộ của dự án để tổ chức lựa chọn nhà thầu. Gói thầu cũng có thể là toàn bộ dự án.

7. "Tư vấn đầu tư và xây dựng" là hoạt động đáp ứng các yêu cầu về kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn cho bên mời thầu trong việc xem xét quyết định kiểm tra quá trình chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư. 8. "Xây lắp" là những công việc có liên quan đến quá trình xây dựng và lắp đặt thiết bị các công trình, hạng mục công trình.

9. "Vật tư thiết bị" bao gồm thiết bị toàn bộ hoặc thiết bị lẻ, thành phẩm, bán thành phẩm, nguyên liệu và vật liệu.

10. "Sơ tuyển" là bước lựa chọn các nhà thầu có đủ tư cách và năng lực để tham dự đấu thầu.

11. "Nộp thầu" là thời hạn nhận hồ sơ dự thầu được quy định trong hồ sơ mời thầu.

12. "Mở thầu" là thời điểm tổ chức mở các hồ sơ dự thầu được quy định trong hồ sơ mời thầu.

13. "Danh sách ngắn" là danh sách thu hẹp các nhà thầu được lựa chọn qua các bước đánh giá hồ sơ dự thầu.

Điều 2.- Phạm vi và đối tượng áp dụng quy chế đấu thầu.

Quy chế đấu thầu áp dụng để lựa chọn nhà thầu cho các dự án đầu tư tại Việt Nam và phải được tổ chức đấu thầu tại Việt Nam bao gồm:

a) Các dự án đầu tư được người có thẩm quyền quyết định đầu tư phê duyệt theo quy định của Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng.

b) Các dự án đầu tư liên doanh (hoặc hợp tác kinh doanh) với nước ngoài của các doanh nghiệp Nhà nước có mức góp vốn pháp định của bên Việt Nam từ 30% trở lên.

c) Các dự án đầu tư cần lựa chọn đối tác liên danh, 100% vốn nước ngoài hoặc BOT (Xây dựng - vận hành - chuyển giao), BT (Xây dựng - chuyển giao).

d) Các dự án đầu tư khác mà chủ đầu tư quyết định tổ chức đấu thầu.

e) Đối với các dự án có sử dụng nguồn vốn tài trợ của các tổ chức quốc tế hoặc của nước ngoài, cơ quan được giao trách nhiệm đàm phán ký kết hiệp định phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định những quy định khác với quy chế này trước khi ký.

Điều 3.- Hình thức lựa chọn nhà thầu và phương thức áp dụng.

1. Hình thức lựa chọn nhà thầu:

a) Đấu thầu rộng rãi.

Đấu thầu rộng rãi là hình thức không hạn chế số lượng nhà thầu tham gia. Bên mời thầu phải thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và ghi rõ các điều kiện, thời gian dự thầu. Đối với những gói thầu lớn phức tạp về công nghệ và kỹ thuật, bên mời thầu phải tiến hành sơ tuyển để lựa chọn nhà thầu có đủ tư cách và năng lực tham dự đấu thầu.

b) Đấu thầu hạn chế.

Đấu thầu hạn chế là hình thức đấu thầu mà bên mời thầu chỉ mời một số nhà thầu có khả năng đáp ứng các yêu cầu của hồ sơ mời thầu.

c) Chỉ định thầu.

Chỉ định thầu là hình thức đặc biệt, được áp dụng theo quy định của Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng đối với các gói thầu sử dụng vốn Nhà nước được phép chỉ định thầu. Bên mời thầu chỉ thương thảo hợp đồng với một nhà thầu do người có thẩm quyền quyết định đầu tư chỉ định, nếu không đạt được yêu cầu mới thương thảo với nhà thầu khác.

2. Phương thức áp dụng:

a) Đấu thầu một túi hồ sơ (một phong bì).

Khi dự thầu theo phương thức này, nhà thầu cần nộp những đề xuất về kỹ thuật, tài chính, giá bỏ thầu và những điều kiện khác trong một túi hồ sơ chung.

b) Đấu thầu hai túi hồ sơ (hai phong bì).

Khi dự thầu theo phương thức này, nhà thầu cần nộp những đề xuất về kỹ thuật và đề xuất về tài chính trong từng túi hồ sơ riêng vào cùng một thời điểm. Túi hồ sơ đề xuất về kỹ thuật sẽ được xem xét trước để đánh giá, xếp hạng. Nhà thầu được xếp hạng thứ nhất về kỹ thuật sẽ được xem xét tiếp túi hồ sơ đề xuất về tài chính. Trường hợp nhà thầu không đáp ứng các yêu cầu về tài chính và các điều kiện của hợp đồng, bên mời thầu phải xin ý kiến của người có thẩm quyền quyết định đầu tư, nếu được chấp thuận mới được mời nhà thầu tiếp theo để xem xét.

c) Đấu thầu hai giai đoạn.

Phương thức này áp dụng cho những dự án lớn, phức tạp về công nghệ và kỹ thuật hoặc dự án thuộc dạng chìa khoá trao tay. Trong quá trình xem xét, chủ đầu tư có điều kiện hoàn thiện yêu cầu về mặt công nghệ, kỹ thuật và các điều kiện tài chính của hồ sơ mời thầu.

Giai đoạn thứ nhất: Các nhà thầu nộp đề xuất về kỹ thuật và phương án tài chính sơ bộ (chưa có giá) để bên mời thầu xem xét và thảo luận cụ thể với từng nhà thầu nhằm thống nhất về yêu cầu và tiêu chuẩn kỹ thuật để nhà thầu chính thức chuẩn bị và nộp đề xuất kỹ thuật của mình.

Giai đoạn thứ hai: Bên mời thầu mời các nhà thầu tham gia trong giai đoạn thứ nhất nộp đề xuất kỹ thuật đã được bổ sung hoàn chỉnh trên cùng một mặt bằng kỹ thuật và đề xuất đầy đủ các điều kiện tài chính, tiến độ thực hiện, điều kiện hợp đồng, giá bỏ thầu để đánh giá và xếp hạng.

d) Chào hàng cạnh tranh.

Phương thức này chỉ áp dụng cho những gói thầu mua sắm vật tư thiết bị có quy mô nhỏ và đơn giản. Mỗi gói thầu phải có ít nhất 3 bản chào giá của 3 nhà thầu khác nhau trên cơ sở yêu cầu của bên mời thầu. Nhà thầu đáp ứng yêu cầu và có giá bỏ thầu được đánh giá thấp nhất sẽ được xem xét trao hợp đồng.

đ) Mua sắm trực tiếp.

Phương thức này được áp dụng trong trường hợp người có thẩm quyền quyết định đầu tư cho phép đối với các loại vật tư thiết bị có nhu cầu gấp để hoàn thành dự án mà trước đó các loại vật tư thiết bị này đã được tiến hành đấu thầu và được người có thẩm quyền quyết định đầu tư cho phép thực hiện.

e) Giao thầu trực tiếp.

Là phương thức chọn ngay một nhà thầu có độ tin cậy cao để xem xét thương thảo hợp đồng. Phương thức này chỉ được áp dụng đối với những gói thầu có quy mô nhỏ dưới 500 triệu đồng và các gói thầu được Thủ tướng Chính phủ cho phép chỉ định thầu. Trường hợp nhà thầu được chỉ định không đáp ứng yêu cầu của bên mời thầu thì chủ đầu tư được quyền kiến nghị với người có thẩm quyền quyết định đầu tư xem xét thay đổi nhà thầu khác để thương thảo hợp đồng.

f) Tự làm.

Phương thức này chỉ được áp dụng đối với các công trình theo quy định của Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng cho phép.

Điều 4.- Hình thức và phương thức thực hiện hợp đồng.

Việc ký kết hợp đồng giữa bên mời thầu và bên trúng thầu là yêu cầu bắt buộc. Hợp đồng phải thực hiện theo nguyên tắc sau:

a) Thể hiện đầy đủ các điều kiện cam kết của bên mời thầu và bên trúng thầu.

b) Giá trúng thầu được ghi trong hợp đồng là giá được người có thẩm quyền quyết định đầu tư phê duyệt và không được phép thay đổi trong quá trình thực hiện hợp đồng.

c) Tuân thủ các quy định về hợp đồng của luật pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tuỳ theo tính chất của gói thầu, hình thức hợp đồng được ký kết có thể là:

- Hợp đồng tư vấn.

- Hợp đồng mua sắm vật tư thiết bị.

- Hợp đồng xây lắp.

- Hợp đồng dự án.

Phương thức thực hiện hợp đồng được lựa chọn tuỳ theo thời hạn và điều kiện giá cả được quy định trong hợp đồng: - Hợp đồng trọn gói (theo giá khoán gọn).

- Hợp đồng chìa khoá trao tay.

- Hợp đồng có điều chỉnh giá.

1. Hợp đồng trọn gói: Hợp đồng trọn gói là hợp đồng thực hiện theo giá khoán gọn được áp dụng cho những gói thầu được xác định rõ về số lượng, chất lượng, thời gian... Giá trúng thầu là giá thanh toán hợp đồng.

2. Hợp đồng chìa khoá trao tay: Chỉ áp dụng đối với những dự án được người có thẩm quyền quyết định đầu tư cho phép đấu thầu toàn bộ dự án (thiết kế, mua sắm vật tư thiết bị, xây lắp...). Chủ đầu tư nghiệm thu và nhận bàn giao khi nhà thầu hoàn thành hợp đồng theo đúng nội dung và giá trị đã ghi trong hợp đồng.

3. Hợp đồng có điều chỉnh giá: áp dụng cho những hợp đồng phức tạp, không có điều kiện xác định chính xác về số lượng và khối lượng tại thời điểm ký kết hợp đồng hoặc có biến động lớn về giá cả, có thời gian thực hiện hợp đồng ít nhất trên 12 tháng.

Hợp đồng có điều chỉnh giá phải ghi rõ danh mục, điều kiện, công thức, giới hạn điều chỉnh giá được cấp quyết định đầu tư chấp thuận bằng văn bản về các yếu tố gây biến động giá (lao động, nguyên vật liệu, thiết bị...).

Điều 5.- Kế hoạch đấu thầu dự án.

Kế hoạch đấu thầu dự án do bên mời thầu lập phải được người có thẩm quyền quyết định đầu tư phê duyệt. Trường hợp chưa đủ điều kiện lập kế hoạch đấu thầu toàn bộ dự án, thì bên mời thầu có thể lập kế hoạch đấu thầu từng phần dự án theo giai đoạn đầu tư.

Nội dung kế hoạch đấu thầu dự án bao gồm:

1. Phân chia dự án thành các gói thầu.

2. Ước tính giá của từng gói thầu.

3. Hình thức lựa chọn nhà thầu và phương thức áp dụng.

4. Thời gian tổ chức đấu thầu cho từng gói thầu.

5. Phương thức thực hiện hợp đồng.

6. Thời gian thực hiện hợp đồng.

Điều 6.- Điều kiện mời thầu và dự thầu.

1. Điều kiện mời thầu:

Bên mời thầu phải chuẩn bị đủ các hồ sơ sau:

- Văn bản quyết định đầu tư hoặc giấy phép đầu tư của cấp có thẩm quyền. Trường hợp cần đấu thầu tuyển chọn tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, phải có văn bản chấp thuận của người có thẩm quyền quyết định đầu tư.

- Kế hoạch đấu thầu được phê duyệt.

- Hồ sơ mời thầu (trường hợp sơ tuyển phải có hồ sơ sơ tuyển).

2. Điều kiện dự thầu:

Nhà thầu tham gia dự thầu phải có các điều kiện sau:

- Có giấy phép kinh doanh hoặc đăng ký hành nghề.

- Đủ năng lực về kỹ thuật và tài chính đáp ứng yêu cầu nêu trong hồ sơ mời thầu.

- Hồ sơ dự thầu hợp lệ, và chỉ được tham gia một đơn dự thầu trong một gói thầu, dù là đơn phương hay liên danh dự thầu.

Điều 7.- Điều kiện đấu thầu quốc tế và ưu đãi nhà thầu trong nước.

1. Chủ đầu tư chỉ được tổ chức đấu thầu quốc tế trong các trường hợp sau:

a) Các gói thầu không có hoặc chỉ có một nhà thầu trong nước đáp ứng yêu cầu của dự án.

b) Các dự án sử dụng nguồn vốn tài trợ của các tổ chức quốc tế hoặc của nước ngoài có quy định trong hiệp định phải đấu thầu quốc tế. 2. Nhà thầu trong nước tham dự đấu thầu quốc tế (đơn phương hoặc liên danh) được xét ưu tiên khi các điều kiện nhận thầu được đánh giá tương đương với các điều kiện nhận thầu của nhà thầu nước ngoài.

3. Nhà thầu trong nước tham gia đấu thầu quốc tế sau khi trúng thầu sẽ được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định riêng của Nhà nước.

4. Nhà thầu nước ngoài tham dự đấu thầu quốc tế tại Việt Nam phải có cam kết liên danh với một nhà thầu Việt Nam hoặc cam kết sử dụng thầu phụ xây lắp và mua sắm các vật tư thiết bị phù hợp có khả năng sản xuất và gia công tại Việt Nam.

Điều 8.- Thuyết minh và sửa đổi tài liệu đấu thầu.

Các nhà thàu không được phép thay đổi hồ sơ dự thầu sau khi đã hết thời hạn nộp thầu. Trong quá trình đánh giá và so sánh các hồ sơ dự thầu, bên mời thầu có thể yêu cầu nhà thầu làm sáng tỏ một số vấn đề nhưng không làm thay đổi nội dung cơ bản hồ sơ dự thầu và giá bỏ thầu. Những đề nghị làm sáng tỏ của bên mời thầu cũng như những ý kiến trả lời của nhà thầu đều phải gửi bằng văn bản. Những giải đáp của nhà thầu dẫn đến sự thay đổi về giá bỏ thầu đã đề xuất sẽ không được xem xét. Bên mời thầu phải lưu trữ những tài liệu đề nghị làm sáng tỏ và những giải pháp liên quan.

Điều 9.- Thời hạn nộp thầu và thời hạn có hiệu lực của hồ sơ dự thầu.

Trong hồ sơ mời thầu bên mời thầu phải ghi rõ thời hạn nộp thầu và thời hạn có hiệu lực của hồ sơ dự thầu. Thời hạn nộp thầu sẽ tuỳ thuộc quy mô và sự phức tạp của gói thầu nhưng tối đa không quá 60 ngày đối với đấu thầu tuyển chọn tư vấn và mua sắm vật tư thiết bị, 90 ngày đối với đấu thầu xây lắp kể từ ngày phát hành hồ sơ mời thầu. Trong trường hợp đặc biệt, bên mời thầu cần sửa đổi một số nội dung trong hồ sơ mời thầu khi chưa hết nộp thầu, có thể gia hạn thời hạn nộp thầu. Bên mời thầu phải gửi nội dung sửa đổi bằng văn bản tới tất cả các nhà thầu tham gia trước khi hết thời hạn nộp thầu đã quy định ít nhất là 10 ngày để nhà thầu có điều kiện hoàn chỉnh thêm hồ sơ dự thầu.

Thời hạn có hiệu lực của hồ sơ dự thầu là thời hạn kể từ ngày hết thời hạn nộp thầu đến ngày công bố kết quả trúng thầu. Trường hợp phải kéo dài thời hạn có hiệu lực của hồ sơ dự thầu, bên mời thầu phải thông báo cho các nhà thầu. Nếu nhà thầu không chấp nhận thì vẫn được hoàn trả tiền bảo lãnh dự thầu.

Điều 10.- Mở thầu, xếp hạng nhà thầu, xét chọn và công bố kết quả đấu thầu.

1. Mở thầu: Những hồ sơ dự thầu nộp đúng hạn sẽ dược bên mời thầu tiếp nhận và quản lý theo chế độ quản lý hồ sơ mật. Việc mở thầu được tiến hành công khai theo ngày, giờ và địa điểm ghi trong hồ sơ mời thầu. Khi mở thầu phải có đại diện cơ quan hành chính Nhà nước sở tại (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) chứng kiến và ký xác nhận. Đại diện của bên mời thầu và các nhà thầu tham dự (nếu có) phải ký vào biên bản mở thầu.

Biên bản mở thầu ghi rõ tên gói thầu, ngày, giờ và địa điểm mở thầu, tên và địa chỉ các nhà thầu, giá bỏ thầu (trừ đấu thầu tuyển chọn tư vấn), bảo lãnh dự thầu (nếu có), các văn bản bổ sung hoặc sửa đổi và các chi tiết khác.

Những đơn dự thầu không hợp lệ theo quy định của hồ sơ mời thầu sẽ bị loại.

2. Xếp hạng nhà thầu: Các hồ sơ dự thầu hợp lệ được bên mời thầu nghiên cứu, đánh giá chi tiết và so sánh xếp hạng trên cơ sở hồ sơ mời thầu và tiêu chuẩn đánh giá được người có thẩm quyền quyết định đầu tư thông qua trước khi mở thầu.

3. Xét chọn và công bố kết quả đấu thầu:

Kết quả đấu thầu phải trình người có thẩm quyền quyết định đầu tư phê duyệt.

Bên mời thầu chỉ được phép công bố kết quả đấu thầu khi có văn bản phê duyệt nhà thầu trúng thầu.

Điều 11.- Đồng tiền bỏ thầu và ngôn ngữ sử dụng trong tài liệu đấu thầu.

Đồng tiền bỏ thầu là loại tiền do bên mời thầu quy định trong hồ sơ mời thầu. Tỷ giá quy đổi giữa đồng tiền Việt Nam và đồng tiền nước ngoài được tính theo tỷ giá do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm mở thầu.

Ngôn ngữ sử dụng trong tài liệu đấu thầu là tiếng Việt (đấu thầu trong nước), tiếng Việt hoặc tiếng Anh (đấu thầu quốc tế).

Điều 12.- Bảo mật hồ sơ, tài liệu, thông tin.

Tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện công tác đấu thầu và xét thầu phải có trách nhiệm giữ bí mật các hồ sơ, tài liệu, thông tin theo quy định sau đây:

- Không được tiết lộ nội dung hồ sơ mời thầu với bất cứ đối tượng nào trước ngày chủ đầu tư phát hành hồ sơ mời thầu.

- Không được mang về nhà xem hoặc cho người khác mượn các hồ sơ dự thầu, các sổ tay ghi chép, các biên bản cuộc họp xét thầu, các ý kiến nhận xét đánh giá của chuyên gia hoặc tư vấn đối với từng nhà thầu và các tài liệu khác có liên quan được đóng dấu tối mật và tuyệt mật.

- Không được tiết lộ cho bất cứ ai về kết quả đánh giá xếp hạng nhà thầu trước khi chủ đầu tư ký kết hợp đồng chính thức với nhà thầu trúng thầu.

Nếu có dấu hiệu tiết lộ bí mật thì phải xử lý ngay theo quy định tại Điều 45 của Quy chế này.

Chương 2:

ĐẤU THẦU TUYỂN CHỌN TƯ VẤN

Điều 13.- Nội dung tư vấn đầu tư và xây dựng

Tư vấn đầu tư và xây dựng bao gồm các loại công việc sau:

- Chuẩn bị đầu tư.

- Thực hiện đầu tư.

- Các tư vấn khác.

a) Tư vấn chuẩn bị đầu tư:

- Lập báo cáo nghiên cứu khả thi.

- Thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi.

Tư vấn không được thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi do mình lập.

b) Tư vấn thực hiện đầu tư:

- Lập thiết kế, tổng dự toán và dự toán.

- Thẩm định thiết kế và tổng dự toán.

- Lập hồ sơ mời thầu.

- Phân tích đánh giá hồ sơ dự thầu.

- Giám sát thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị.

Tư vấn không được thẩm định thiết kế, tổng dự toán và dự toán do mình lập.

c) Các tư vấn khác:

- Vận hành trong thời gian đầu.

- Thực hiện chương trình đào tạo, chuyển giao công nghệ và quản lý dự án.

Điều 14.- Năng lực và trách nhiệm của tư vấn đầu tư và xây dựng

- Tư vấn đầu tư và xây dựng phải có chứng chỉ xác định trình độ chuyên môn phù hợp với yêu cầu của dự án.

- Tư vấn đầu tư và xây dựng phải chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư và pháp luật về tính đúng đắn, chính xác, khách quan về chuyên môn và hoàn thành công việc theo đúng quy định của hợp đồng.

Điều 15.- Hình thức tư vấn đầu tư và xây dựng

Tư vấn đầu tư và xây dựng được thực hiện thông qua các hình thức: Thuê các tổ chức tư vấn có tư cách pháp nhân (các công ty, các hãng, đơn vị, tổ hợp... của Chính phủ hoặc phi Chính phủ) hoạt động theo pháp luật.

Thuê trực tiếp chuyên gia tư vấn (chuyên gia tư vấn có thể hoạt động độc lập hoặc hoạt động trong một tổ chức có tư cách pháp nhân).

Điều 16.- Trình tự đấu thầu tuyển chọn tư vấn đầu tư và xây dựng. Bên mời thầu tiến hành đấu thầu tuyển chọn tư vấn theo các bước sau:

1. Chỉ định Tổ chuyên gia giúp việc đấu thầu.

2. Lập đề cương tuyển chọn tư vấn: Xác định rõ mục đích, nội dung, phạm vi công việc và kế hoạch triển khai, nhiệm vụ và trách nhiệm của tư vấn phải thực hiện. Những nội dung trên phải ghi rõ trong "Điều khoản tham chiếu". "Điều khoản tham chiếu" cũng bao gồm cả trách nhiệm của bên mời thầu.

3. Thông báo mời thầu.

4. Mời thầu tư vấn: Hồ sơ mời thầu tư vấn gửi đến các nhà thầu được lựa chọn. Hồ sơ mời thầu tư vấn bao gồm:

- Thư mời thầu.

- "Điều khoản tham chiếu".

- Các thông tin cơ bản có liên quan đến dự án.

- Tiêu chuẩn đánh giá chủ yếu.

- Các phụ lục chi tiết kèm theo.

5. Nhận và quản lý hồ sơ dự thầu.

6. Mở thầu.

7. Xét thầu: Việc đánh giá hồ sơ dự thầu thực hiện theo các tiêu chuẩn đánh giá được quy định trong hồ sơ mời thầu. Trường hợp áp dụng phương thức đấu thầu hai túi hồ sơ, bên mời thầu sẽ tiến hành mở trước hồ sơ đề xuất kỹ thuật để xem xét, đánh giá và xếp hạng trình cơ quan có thẩm quyền quyết định và đưa vào danh sách xếp hạng các nhà thầu đạt từ 65% tổng số điểm trở lên. Nhà thầu được xếp hạng thứ nhất về kỹ thuật sẽ được bên mời thầu mở tiếp hồ sơ đề xuất tài chính để xem xét và mời đến đàm phán thương thảo hợp đồng.

Trường hợp thương thảo với nhà thầu được xếp hạng thứ nhất về kỹ thuật không đạt kết quả, bên mời thầu phải xin ý kiến người có thẩm quyền quyết định đầu tư trước khi tiếp tục thương thảo với nhà thầu tiếp theo.

Công bố trúng thầu và ký kết hợp đồng: Căn cứ kết quả đấu thầu đã được phê duyệt, chủ đầu tư thông báo cho các nhà thầu tham gia dự thầu biết kể cả nhà thầu trúng thầu, đồng thời tiến hành ký kết hợp đồng chính thức với tư vấn trúng thầu.

Điều 17.- Chi phí tư vấn.

1. Chi phí tư vấn nước ngoài bao gồm:

Tiền thuê chuyên gia tư vấn (lương cơ bản, phí xã hội, phí quản lý, lãi công ty và phụ cấp khác của chuyên gia).

Các chi phí ngoài lương (vé máy bay, phụ cấp công tác, văn phòng phẩm, thông tin, trang thiết bị làm việc, đào tạo...).

Dự phòng phí.

Dự phòng phí chỉ được sử dụng khi có sự chấp thuận của người có thẩm quyền quyết định đầu tư, mức tối đa không quá 10% giá trị của hợp đồng.

2. Chi phí tư vấn trong nước thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 18.- Phu lục I.

Thông báo mời thầu và hồ sơ mời thầu tư vấn được thực hiện theo chỉ dẫn trong Phụ lục I kèm theo Quy chế này.

Chương 3:

ĐẤU THẦU MUA SẮM VẬT TƯ THIẾT BỊ

Điều 19.- Trình tự tổ chức đấu thầu.

1. Chỉ định Tổ chuyên gia giúp việc đấu thầu.

2. Chuẩn bị hồ sơ mời thầu:

- Thông báo mời thầu.

- Chỉ dẫn đối với nhà thầu.

- Các yêu cầu về công nghệ, vật tư thiết bị và tính năng kỹ thuật.

- Biểu giá.

- Điều kiện chung và điều kiện cụ thể của hợp đồng.

- Bảo lãnh dự thầu.

- Mẫu thoả thuận hợp đồng.

- Bảo lãnh thực hiện hợp đồng.

Hồ sơ dự thầu sơ tuyển (chỉ áp dụng đối với các thiết bị có công nghệ phức tạp) chỉ nêu các yêu cầu chính để lựa chọn nhanh các nhà thầu có đủ điều kiện tiếp tục tham gia đấu thầu (thực hiện như đối với sơ tuyển nhà thầu xây lắp).

3. Thông báo mời thầu: Bên mời thầu chọn cách thông báo tới các nhà thầu phù hợp với hình thức đấu thầu. Việc cung cấp hồ sơ cho nhà thầu (bán hoặc cấp miễn phí) do bên mời thầu quy định.

4. Nộp thầu: Các nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu tại địa điểm và đúng thời hạn đã được quy định trong hồ sơ mời thầu.

5. Mở thầu, xếp hạng nhà thầu, xét chọn và công bố kết quả trúng thầu.

Bên mời thầu tổ chức mở thầu, xếp hạng nhà thầu, xét chọn và công bố kết quả trúng thầu theo trình tự và nội dung quy định tại Điều 10 và Điều 22.

Điều 20.- Chỉ dẫn đối với nhà thầu.

Bên mời thầu có trách nhiệm hướng dẫn để các nhà thầu hiểu rõ các yêu cầu của mình, các thủ tục sẽ được áp dụng trong quá trình đấu thầu. Những nội dung chủ yếu gồm:

- Mô tả tóm tắt dự án.

- Nguồn vốn thực hiện dự án.

- Năng lực, kinh nghiệm và địa vị hợp pháp của nhà thầu; các chứng cứ, những thông tin liên quan đến nhà thầu trong thời gian từ 5 năm đến 10 năm trước thời điểm dự thầu.

- Tổ chức thăm hiện trường (nếu có) và giải đáp các câu hỏi của nhà thầu.

Điều 21.- Bảo lãnh dự thầu (đặt cọc dự thầu).

Nhà thầu phải nộp tiền bảo lãnh dự thầu cùng với hồ sơ dự thầu. Tiền bảo lãnh dự thầu bằng từ 1% đến 3% tổng giá trị ước tính giá bỏ thầu. Trong một số trường hợp, bên mời thầu có thể quy định mức nộp tiền bảo lãnh thống nhất để bảo đảm bí mật về mức giá dự thầu cho các nhà thầu. Bên mời thầu quy định hình thức, điều kiện và ngân hàng nhận bảo lãnh dự thầu. Tiền bảo lãnh dự thầu sẽ được trả lại cho những nhà thầu không đạt kết quả sau khi công bố trúng thầu không quá 30 ngày kể từ ngày công bố. Nhà thầu không được nhận lại tiền bảo lãnh dự thầu trong các trường hợp:

- Trúng thầu nhưng từ chối thực hiện hợp đồng.

- Rút đơn thầu sau thời gian nộp thầu.

- Do vi phạm nghiêm trọng các quy định trong quy chế đấu thầu.

Sau khi nộp bảo lãnh thực hiện hợp đồng, đơn vị trúng thầu được hoàn trả tiền bảo lãnh dự thầu.

Điều 22.- Đánh giá, xếp hạng nhà thầu và trình duyệt kết quả đấu thầu.

1. Phân tích, đánh giá và so sánh các hồ sơ dự thầu.

Bên mời thầu phải kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ dự thầu theo quy định.

Tổng hợp số liệu hồ sơ dự thầu: Bên mời thầu cần tiến hành kiểm tra và tổng hợp các số liệu chủ yếu trong một bảng đánh giá chung trước khi xem xét đánh giá hồ sơ dự thầu.

Đánh giá hồ sơ dự thầu: Các hồ sơ dự thầu hợp lệ được bên mời thầu nghiên cứu, đánh giá chi tiết và so sánh trên cơ sở các chỉ tiêu:

a) Năng lực và kinh nghiệm nhà thầu:

Năng lực kỹ thuật (sản phẩm kinh doanh chủ yếu, số lượng và trình độ cán bộ chuyên môn...).

Năng lực tài chính và kinh doanh (doanh số và lợi nhuận...).

Kinh nghiệm thực hiện các hợp đồng tương tự tại Việt Nam và các nước trong khu vực.

b) Kỹ thuật:

Khả năng đáp ứng các yêu cầu về công nghệ, chất lượng vật tư thiết bị và tính năng kỹ thuật đã nêu trong hồ sơ mời thầu.

- Đặc tính kinh tế kỹ thuật, mã hiệu của thiết bị vật tư được chào hàng, tên hãng và nước sản xuất.

- Tính hợp lý và hiệu quả kinh tế của các giải pháp kỹ thuật, biện pháp tổ chức cung ứng vật tư thiết bị.

- Khả năng lắp đặt thiết bị và năng lực cán bộ kỹ thuật.

- Khả năng thích ứng về mặt địa lý.

- Tác động đối với môi trường và biện pháp giải quyết.

c) Tài chính và giá cả: Xem xét khả năng tài chính, khả năng và điều kiện cung cấp tài chính (nếu có yêu cầu) và giá bỏ thầu.

d) Thời gian thực hiện hợp đồng phù hợp với hồ sơ mời thầu.

e) Chuyển giao công nghệ.

g) Đào tạo.

h) Các chỉ tiêu cần thiết khác.

Chỉ xem xét đánh giá các chỉ tiêu trên đối với các nhà thầu chính có mặt trong nhóm, không tính năng lực của các nhà thầu phụ.

2. Xét thầu.

Các hồ sơ dự thầu được xem xét, đánh giá, xếp hạng theo tiêu chuẩn đã được người có thẩm quyền quyết định đầu tư thông qua trước khi mở thầu.

Trường hợp tất cả các đơn dự thầu đều không đạt yêu cầu, bên mời thầu trình người có thẩm quyền quyết định đầu tư cho phép tổ chức đấu thầu lại hoặc yêu cầu tất cả các nhà thầu chào lại giá bỏ thầu và các điều kiện khác nếu cần thiết.

3. Công bố trúng thầu và ký kết hợp đồng.

Bên mời thầu chỉ được công bố kết quả đấu thầu và thương thảo ký kết hợp đồng chính thức sau khi có văn bản phê duyệt của người có thẩm quyền quyết định đầu tư.

Điều 23.- Bảo lãnh thực hiện hợp đồng (đặt cọc thực hiện hợp đồng).

Bảo lãnh thực hiện hợp đồng là cam kết của nhà thầu thực hiện hợp đồng. Tuỳ theo loại hình và quy mô của hợp đồng, tiền bảo lãnh thực hiện hợp đồng bằng từ 10% đến 15% tổng giá trị hợp đồng. Trường hợp đặc biệt, mức bảo lãnh thực hiện hợp đồng có thể yêu cầu trên 15% nhưng phải được người có thẩm quyền quyết định đầu tư chấp thuận. Bảo lãnh thực hiện hợp đồng có hiệu lực cho đến khi thời gian bảo hành của hợp đồng hết hạn. Những chi tiết của văn bản bảo lãnh thực hiện hợp đồng là:

- Thời hạn nộp tiền bảo lãnh thực hiện hợp đồng không quá 30 ngày kể từ ngày nhà thầu nhận được thông báo trúng thầu.

- Điều kiện bảo lãnh thực hiện hợp đồng.

- Thời hạn hiệu lực của bảo lãnh thực hiện hợp đồng.

- Loại tiền bảo lãnh thực hiện hợp đồng.

Điều 24.- Phụ lục II.

Hồ sơ mời thầu mua sắm vật tư thiết bị được thực hiện theo chỉ dẫn trong Phụ lục II kèm theo Quy chế này.

Chương 4:

ĐẤU THẦU XÂY LẮP

Điều 25.- Trình tự tổ chức đấu thầu.

1. Chỉ định Tổ chuyên gia giúp việc đấu thầu.

2. Sơ tuyển nhà thầu (nếu có).

3. Chuẩn bị hồ sơ mời thầu.

4. Gửi thư mời thầu hoặc thông báo mời thầu.

5. Nhận và quản lý hồ sơ dự thầu.

6. Mở thầu.

7. Đánh giá, xếp hạng nhà thầu.

8. Trình duyệt kết quả đấu thầu.

9. Thông báo kết quả trúng thầu và ký kết hợp đồng.

Điều 26.- Sơ tuyển nhà thầu.

Sơ tuyển nhà thầu chỉ tiến hành với các hợp đồng có quy mô lớn nhằm lựa chọn các nhà thầu đủ năng lực và kinh nghiệm thực hiện dự án.

Sơ tuyển nhà thầu được thực hiện theo các bước:

a) Soạn thảo hồ sơ sơ tuyển:

- Thông báo sơ tuyển.

- Chỉ dẫn sơ tuyển.

- Tiêu chuẩn đánh giá sơ tuyển.

- Phụ lục kèm theo.

b) Thông báo mời sơ tuyển và tiếp nhận hồ sơ dự sơ tuyển.

c) Đánh giá hồ sơ các nhà thầu dự sơ tuyển.

d) Thông báo kết quả sơ tuyển.

Điều 27.- Hồ sơ mời thầu.

Hồ sơ mời thầu bao gồm:

- Thư mời thầu (nếu có sơ tuyển), hoặc thông báo mời thầu (nếu không có sơ tuyển).

- Mẫu đơn dự thầu.

- Chỉ dẫn đối với nhà thầu.

- Hồ sơ thiết kế kỹ thuật kèm theo bản tiên lượng và chỉ dẫn kỹ thuật.

- Tiến độ thi công.

- Điều kiện chung và điều kiện cụ thể của hợp đồng.

- Bảo lãnh dự thầu.

- Mẫu thoả thuận hợp đồng.

- Bảo lãnh thực hiện hợp đồng.

Điều 28.- Thông báo mời thầu.

Thông báo mời thầu bao gồm:

- Tên và địa chỉ của bên mời thầu.

- Mô tả tóm tắt dự án, địa điểm và thời gian xây dựng...

- Chỉ dẫn việc tìm hiểu hồ sơ mời thầu.

- Các điều kiện đối với bên dự thầu.

- Thời hạn, địa điểm nhận hồ sơ mời thầu.

Bên mời thầu chọn cách thông báo tới các nhà thầu phù hợp với hình thức đấu thầu đã được thông qua.

Điều 29.- Chỉ dẫn đối với nhà thầu.

Nội dung chủ yếu gồm:

- Mô tả tóm tắt dự án và phạm vi đấu thầu.

- Tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng.

- Nguồn vốn thực hiện dự án.

- Điều kiện đối với nhà thầu tham gia đấu thầu (tư cách pháp nhân, kinh nghiệm, năng lực kỹ thuật và tài chính...).

- Tổ chức thăm hiện trường và giải đáp các câu hỏi của nhà thầu.

Điều 30.- Hồ sơ dự thầu.

Hồ sơ dự thầu xây lắp bao gồm:

- Đơn dự thầu.

- Bản sao giấy đăng ký kinh doanh và chứng chỉ nghề nghiệp.

- Tài liệu giới thiệu năng lực nhà thầu.

- Biện pháp thi công tổng thể và biện pháp thi công chi tiết các hạng mục công trình.

- Tổ chức thi công và tiến độ thực hiện hợp đồng.

- Bản dự toán giá dự thầu.

- Bảo lãnh dự thầu.

Điều 31.- Bảo lãnh dự thầu (đặt cọc dự thầu).

Bảo lãnh dự thầu xây lắp được thực hiện như quy định đối với bảo lãnh dự thầu mua sắm vật tư thiết bị tại Điều 21 của Quy chế này.

Điều 32.- Bảo lãnh thực hiện hợp đồng (đặt cọc thực hiện hợp đồng).

Bảo lãnh thực hiện hợp đồng xây lắp được thực hiện như quy định đối với bảo lãnh thực hiện hợp đồng mua sắm vật tư thiết bị tại Điều 23 của Quy chế này.

Điều 33.- Đánh giá và xếp hạng nhà thầu.

Đánh giá và xếp hạng nhà thầu được tiến hành theo các bước sau:

1. Xem xét hồ sơ dự thầu.

- Kiểm tra lại tính hợp lệ của hồ sơ dự thầu.

- Yêu cầu từng nhà thầu giải thích những nội dung chưa rõ trong hồ sơ dự thầu và một số đơn giá chủ yếu của những khối lượng lớn xét thấy chưa thoả đáng. Các yêu cầu giải thích và trả lời được lập thành biên bản.

- Nếu phát hiện có sai sót về số học, bên mời thầu sẽ sửa lại các lỗi này cho chuẩn xác và thông báo kịp thời cho nhà thầu. Nếu nhà thầu không chấp nhận thì sẽ bị loại.

- Mọi thông tin cập nhật về nhà thầu không khớp với hồ sơ dự thầu đều được kiểm tra và xem xét.

2. Chuyển đổi giá dự thầu và các chỉ tiêu kỹ thuật về một mặt bằng giá để đánh giá, so sánh.

3. Đánh giá và so sánh các hồ sơ dự thầu: Các hồ sơ dự thầu được đánh giá và so sánh theo từng tiêu chuẩn, sau đó tổng hợp để đánh giá toàn diện.

Những nội dung chủ yếu được xem xét khi đánh giá theo từng tiêu chuẩn:

a) Tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng:

- Mức độ đáp ứng đối với các yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng vật tư thiết bị nêu trong hồ sơ thiết kế.

- Tính hợp lý và khả thi của các giải pháp kỹ thuật, biện pháp tổ chức thi công.

- Bảo đảm điều kiện vệ sinh môi trường và các điều kiện an toàn khác như phòng cháy, an toàn lao động...

- Tính phù hợp của thiết bị thi công (số lượng, chủng loại, chất lượng và tiến độ huy động...).

b) Tiêu chuẩn kinh nghiệm nhà thầu:

- Kinh nghiệm đã thực hiện các dự án có yêu cầu kỹ thuật, có vùng địa lý và hiện trường tương tự.

- Số lượng, trình độ cán bộ, công nhân kỹ thuật trực tiếp thực hiện dự án.

c) Tiêu chuẩn tài chính, giá cả:

- Khả năng tài chính đáp ứng yêu cầu của dự án.

- Giá dự thầu phù hợp với tổng dự toán hoặc dự toán được duyệt.

d) Tiêu chuẩn tiến độ thi công:

- Mức độ bảo đảm tổng tiến độ quy định trong hồ sơ mời thầu.

- Tính hợp lý về tiến độ hoàn thành giữa các hạng mục công trình có liên quan.

Các tiêu chuẩn trên được xem xét theo tiêu chuẩn đánh giá đã được người có thẩm quyền quyết định đầu tư chấp thuận trước khi mở thầu.

Điều 34.- Xét duyệt kết quả đấu thầu.

Căn cứ kết quả đánh giá các hồ sơ dự thầu, bên mời thầu tiến hành xếp hạng nhà thầu theo tiêu chuẩn đánh giá đã được thông qua. Kết quả đánh giá và xếp hạng nhà thầu phải được người có thẩm quyền quyết định đầu tư phê duyệt.

Trường hợp tất cả các hồ sơ dự thầu đều không đạt yêu cầu, bên mời thầu phải trình người có thẩm quyền quyết định đầu tư cho phép tổ chức đấu thầu lại. Trường hợp các hồ sơ dự thầu không đạt yêu cầu về tài chính, giá cả bên mời thầu trình người có thẩm quyền quyết định đầu tư cho phép các nhà thầu chào lại giá hoặc tổ chức đấu thầu lại.

Điều 35.- Phụ lục III.

Hồ sơ sơ tuyển và hồ sơ mời thầu xây lắp được thực hiện theo chỉ dẫn trong Phụ lục III kèm theo Quy chế này.

Chương 5:

ĐẤU THẦU DỰ ÁN

Điều 36.- Đối tượng áp dụng đấu thầu dự án.

- Dự án không cần phải chia thành các gói thầu.

- Dự án thực hiện theo phương thức xây dựng, chuyển giao (BT).

- Dự án thực hiện theo phương thức xây dựng, vận hành, chuyển giao (BOT).

Điều 37.- Trình tự tổ chức đấu thầu dự án.

Trình tự tổ chức đấu thầu dự án thực hiện như quy định tại Điều 25.

Điều 38.- Hồ sơ mời thầu và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu.

Hồ sơ mời thầu và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu phải bao gồm đủ các nội dung về đấu thầu tuyển chọn tư vấn, vật tư thiết bị, xây lắp, vận hành và chuyển giao (nếu có).

Điều 39.- Chỉ dẫn thực hiện đấu thầu dự án.

Đấu thầu dự án thực hiện theo chỉ dẫn được quy định trong một văn bản riêng do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Chương 6:

QUẢN LÝ ĐẤU THẦU

Điều 40.- Trách nhiệm và quyền hạn của bên mời thầu.

Bên mời thầu chịu trách nhiệm tổ chức đấu thầu theo kế hoạch đấu thầu được duyệt:

1. Chỉ định Tổ chuyên gia hoặc thuê tư vấn thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Chuẩn bị các tài liệu pháp lý, soạn thảo hồ sơ mời thầu.

- Tiếp nhận và quản lý hồ sơ dự thầu.

- Phân tích, đánh giá, so sánh, xếp hạng các hồ sơ dự thầu theo đúng tiêu chuẩn chuyên môn và yêu cầu đặt ra trong hồ sơ mời thầu.

- Tổng hợp, chuẩn bị hồ sơ về kết quả đấu thầu để báo cáo chủ đầu tư xem xét.

2. Trình kết quả đấu thầu lên người có thẩm quyền quyết định đầu tư để phê duyệt nhà thầu trúng thầu.

3. Công bố kết quả đấu thầu đã được duyệt.

4. Đàm phán hoàn thiện hợp đồng để ký kết chính thức với nhà thầu trúng thầu.

Điều 41.- Trách nhiệm và quyền hạn của các tổ chức cá nhân chuyên gia tư vấn tham gia đấu thầu và xét thầu.

- Tổ chuyên gia hoặc tổ chức tư vấn tham gia đấu thầu có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ quy định tại điểm 1 Điều 40 và có quyền phát biểu trung thực, khách quan ý kiến của mình bằng văn bản với chủ đầu tư trong quá trình phân tích, đánh giá, xếp hạng các hồ sơ dự thầu.

- Các chuyên gia được người có thẩm quyền quyết định đầu tư mời để tư vấn về việc lựa chọn nhà thầu phải có ý kiến chính thức bằng văn bản và chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về sự chính xác, trung thực và khách quan của các nội dung đánh giá đó.

Điều 42.- Trách nhiệm và quyền hạn của người có thẩm quyền quyết định đầu tư.

1. Xét duyệt hồ sơ mời thầu, tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu và danh sách các nhà thầu được mời tham dự đấu thầu (danh sách ngắn).

2. Phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu.

3. Kiểm tra, chỉ đạo bên mời thầu thực hiện đúng quy chế đấu thầu.

4. Kiểm tra, chỉ đạo bên mời thầu ký kết hợp đồng và tổ chức thực hiện hợp đồng với bên trúng thầu.

Đối với dự án đầu tư sử dụng vốn Nhà nước thuộc nhóm A (theo Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng), Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền thực hiện các nội dung 1, 3 và 4 của Điều này.

Điều 43.- Phê duyệt và uỷ quyền phê duyệt kết quả đấu thầu:

1. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch đấu thầu Dự án sử dụng vốn Nhà nước thuộc nhóm A (theo Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng) và kết quả lựa chọn nhà thầu các gói thầu tuyển chọn tư vấn có giá trị từ 10 tỷ đồng trở lên, các gói thầu mua sắm vật tư thiết bị hoặc xây lắp có giá trị từ 50 tỷ đồng trở lên trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Các gói thầu còn lại giao Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định trên cơ sở đề nghị của chủ đầu tư.

2. Người có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án sử dụng vốn Nhà nước thuộc nhóm B (theo Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng) sử dụng bộ máy chuyên môn giúp việc của mình và có thể mời thêm chuyên gia để tư vấn khi quyết định kết quả lựa chọn nhà thầu các gói thầu tuyển chọn tư vấn có giá trị từ 500 triệu đồng đến 10 tỷ đồng, các gói thầu mua sắm vật tư thiết bị hoặc xây lắp có giá trị từ 10 tỷ đồng đến 50 tỷ đồng trên cơ sở đề nghị của chủ đầu tư. Các gói thầu tư vấn có giá trị từ 10 tỷ đồng trở lên và các gói thầu mua sắm thiết bị hoặc xây lắp có giá trị từ 50 tỷ đồng trở lên phải trình Thủ tướng Chính phủ thông qua trước phê duyệt kết quả đấu thầu. Các gói thầu còn lại có giá trị thấp hơn quy định trên được phép uỷ quyền cho cấp dưới mình một cấp phê duyệt.

3. Dự án thuộc nhóm C (theo Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng), người có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án và Thủ trưởng cơ quan được uỷ quyền quyết định đầu tư phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu tất cả các gói thầu của dự án.

4. Các dự án đầu tư liên doanh và họp tác kinh doanh, Hội đồng quản trị của doanh nghiệp quyết định kết quả lựa chọn nhà thầu trên cơ sở thoả thuận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

5. Các dự án đầu tư không sử dụng nguồn vốn Nhà nước và không do Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính bảo lãnh vốn vay, thì chủ đầu tư tự quyết định và chịu trách nhiệm về việc lựa chọn nhà thầu.

Chương 7:

KIỂM TRA, THANH TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 44.- Kiểm tra, thanh tra việc tổ chức đấu thầu.

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng theo dõi và kiểm tra sát sao việc tổ chức đấu thầu các dự án đầu tư; tiến hành thanh tra đối với các hành vi có dấu hiệu vi phạm Quy chế đấu thầu.

Điều 45.- Xử lý vi phạm.

Mọi hành vi thực hiện sai Quy chế đấu thầu, biểu hiện dưới các hình thức tiết lộ bí mật hồ sơ, tài liệu và thông tin, thông đồng, móc ngoặc, hối lộ... trong quá trình đấu thầu đều được coi là hành động gây thiệt hại về kinh tế và đều phải bị xử lý:

Nếu nhà thầu vi phạm sẽ bị loại khỏi danh sách dự thầu và không được nhận lại tiền bảo lãnh dự thầu. Trường hợp các nhà thầu thông đồng để ép giá thì phải bị xử lý theo pháp luật.

Nếu bên mời thầu vi phạm, kết quả đấu thầu sẽ bị huỷ bỏ, cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư sẽ chỉ đạo tổ chức đấu thầu lại. Bên mời thầu phải bồi thường những chi phí cho các nhà thầu. Thành viên các tổ chức chuyên môn giúp việc đấu thầu nếu vi phạm sẽ bị loại khỏi danh sách tổ chức chuyên môn này và bị xử lý theo pháp luật tuỳ theo mức độ vi phạm.

Nếu người có thẩm quyền phê duyệt hoặc được uỷ quyền phê duyệt kết quả đấu thầu vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật tuỳ theo mức độ vi phạm

Chương 8:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 46.- Tổ chức thực hiện.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Thương mại và các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Quy chế này và xem xét đề nghị của các ngành, địa phương trong quá trình thực hiện để kiến nghị Chính phủ điều chỉnh hoặc bổ sung nội dung Quy chế đấu thầu khi xét thấy cần thiết. Hàng năm có báo cáo kết quả thực hiện Quy chế đấu thầu trình Thủ tướng Chính phủ.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện Quy chế này.

Điều 47.- Hiệu lực thi hành.

Quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với Quy chế này đều bãi bỏ.

Phan Văn Khải

(Đã ký)

Phụ Lục 1:

MẪU HƯỚNG DẪN THÔNG BÁO MỜI THẦU VÀ HỒ SƠ MỜI THẦU TƯ VẤN

A. MẪU THÔNG BÁO MỜI THẦU

1. (Tên bên mời thầu) chuẩn bị thực hiện (nêu tóm tắt nội dung và mục đích của dự án) bằng nguồn vốn (ghi rõ nguồn vốn trong nước hoặc ngoài nước).

2. Để thực hiện dự án, (tên bên mời thầu) sẽ tiến hành đấu thầu tuyển chọn một công ty tư vấn có khả năng thực hiện (nêu tóm tắt phạm vi dịch vụ tư vấn) cho dự án nói trên.

3. (Tên bên mời thầu) đề nghị các công ty tư vấn có kinh nghiệm và khả năng thực hiện dịch vụ tư vấn nói trên nếu mong muốn được xem xét là một trong các công ty được lựa chọn dự thầu, xin gửu văn bản "bày tỏ nguyện vọng" đến địa chỉ sau:

(Ghi địa chỉ, điện thoại của cơ quan và cá nhân phụ trách)

Các văn bản "bày tỏ nguyện vọng" cần mô tả tóm tắt lịch sử của công ty, năng lực và kinh nghiệm của công ty. Những công ty được chấp nhận trong "danh sách ngắn" sẽ được mời dự thầu.

4. Hồ sơ dự thầu sẽ được mở vào... giờ, ngày... tháng... năm... tại (ghi địa điểm mở thầu).

B. HỒ SƠ MỜI THẦU TƯ VẤN

I. MẪU THƯ MỜI THẦU

Ngày... tháng... năm 19...

Kính gửi: (Tên và địa chỉ của công ty)

GIỚI THIỆU

1. (Tên chủ đầu tư) chuẩn bị thực hiện (nêu khái quát nội dung dự án và mục tiêu đạt được sau khi hoàn thành). (Tên bên mời thầu) là cơ quan thực hiện dự án.

2. Để thực hiện dự án, (tên bên mời thầu) sẽ tiến hành tuyển chọn một công ty tư vấn có khả năng thực hiện (nêu tóm tắt phạm vi dịch vụ tư vấn) theo phương thức đấu thầu (1 túi hồ sơ hoặc 2 túi hồ sơ). Điều khoản tham chiếu và thông tin chủ yếu được trình bày tại Mục II và III của Phụ lục I.

NỘI DUNG HỒ SƠ DỰ THẦU

3. Đề xuất kỹ tuật của công ty cần chứng minh sự hiểu biết của mình về yêu cầu của dự án cũng như những nhiệm vụ cần thiết được quy định trong phạm vi Điều khoản tham chiếu. Công ty cần cung cấp đầy đủ các thông tin sau:

(a) Tình hình cơ bản, tổ chức và kinh nghiệm của công ty và các công ty sẽ liên kết tham gia cung cấp dịch vụ tư vấn cho dự án. Công ty phải trình một danh mục (xem Mẫu V.1) những công trình chủ yếu đã làm trước đây và hiện nay đang làm có cùng tính chất do công ty (và công ty liên danh, nếu có) đã thực hiện, hoặc đang thực hiện. Phần kinh nghiệm chỉ nêu các dự án mà công ty (hoặc công ty liên danh) ký hợp đồng chính thức với chủ dự án. Công ty phải chứng minh những kinh nghiệm đã nêu bằng cách xuất trình các hợp đồng hoặc bằng chứng khác theo yêu cầu của (tên bên mời thầu) trước hoặc (nếu được lựa chọn) trong thời gian thương thảo hợp đồng.

(b) Thông tin về những kinh nghiệm thực hiện các công trình ở nước ngoài, nhất là ở châu á, và trong cùng khu vực trên thế giới của công ty (và công ty liên danh nếu có).

(c) Thông tin về khối lượng công tác của công ty tại thời điểm chuẩn bị hồ sơ dự thầu. Đề nghị trình bày những thông tin này theo mẫu trong Mẫu V.1.

(d) Giải pháp hoặc phương pháp luận tổng quát do công ty đề xuất để thực hiện dự án kể cả những thông tin chi tiết nếu thấy cần thiết.

(đ) Chương trình công tác bao gồm: sơ đồ về tổ chức, sơ đồ mạng của những công tác chủ yếu thể hiện trên đường găng, kế hoạch bố trí nhân sự. Kế hoạch nhân sự cần chỉ rõ ước tính thời gian (tách riêng thời gian làm việc tại trụ sở công ty, thời gian làm việc tại hiện trường), kế hoạch thực hiện cho mỗi chuyên gia (chuyên gia quốc tế và trong nước). Mẫu bố trí nhân lực được trình bày trong Mẫu V.2.

(e) Những góp ý (nếu có) để cải thiện nội dung Điều khoản tham chiếu nếu được thực hiện dịch vụ tư vấn.

(g) Đào tạo và chuyển giao công nghệ.

(h) Tên, tuổi, tiểu sử, quá trình công tác và chi tiết kinh nghiệm công tác chuyên môn của mỗi chuyên gia được phân công thực hiện dịch vụ, trong đó nên đặc biệt lưu ý về mặt kinh nghiệm cần thiết cho dự án. Xem mẫu khai lý lịch kèm theo trong Mẫu V.3. (Tên bên mời thầu) yêu cầu mỗi chuyên gia phải cam đoan lý lịch tự khai của mình là đúng. Chuyên gia phải ký và ghi rõ ngày ký trên bản tự khai lý lịch của mình.

(i) Dự kiến bố trí các bên liên danh (nếu có).

(k) Ước tính diện tích phòng làm việc, phương tiện đi lại, thiết bị văn phòng và thiết bị nghiên cứu hiện trường, hỗ trợ của cán bộ đối tác... cần thiết để thực hiện dịch vụ tư vấn.

NỘP HỒ SƠ DỰ THẦU

4. Hồ sơ dự thầu của công ty cần được chuẩn bị bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh (tuỳ theo tính chất cụ thể của từng dự án) làm thành (nếu số bản: bản gốc và bản sao) và nộp tại địa chỉ sau, trước (giờ địa phương ngày... tháng... năm 19...):

(Tên và địa chỉ của bên mời thầu)

Ngoài ra, công ty cần thông báo cho (tên bên mời thầu) về việc gửi hồ sơ dự thầu của mình như số bưu kiện, phương tiện gửi đi, dự kiến ngày bưu kiện đến...

MỞ THẦU

5. Hồ sơ dự thầu sẽ được mở vào... giờ, ngày... tháng... năm 19... tại (ghi địa điểm mở thầu).

ĐÁNH GIÁ HỒ SƠ DỰ THẦU

6. Việc lựa chọn công ty (các công ty) được mời đàm phán với (tên bên mời thầu) - về dịch vụ tư vấn sẽ căn cứ trên sự so sánh kinh nghiệm của công ty (các công ty); chất lượng và tính hợp lý của giải pháp và phương pháp luận; kinh nghiệm và năng lực của các chuyên gia được giao nhiệm vụ (cả chuyên gia kỹ thuật và chuyên gia quản lý). Sẽ có sự ưu tiên cho công ty huy động nhiều chuyên gia thuộc chính bản thân công ty hoặc liên danh (nếu có). Trường hợp khi tất cả các yếu tố khác ảnh hưởng đến việc đánh giá có tỷ lệ bằng nhau, thì nên ưu tiên cho công ty (các công ty) có đề xuất việc hợp tác với các chuyên gia trong nước). Xem biểu tóm tắt tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu trong Mục IV, Phụ lục I.

7. Hồ sơ dự thầu được coi là không đạt yêu cầu và có thể sẽ bị loại bỏ nếu không đáp ứng một trong những điểm nêu trong mục nội dung hồ sơ dự thầu nói trên.

8. Công ty cũng sẽ không được xem xét trong quá trình đánh giá nếu có ý kiến của (tên bên mời thầu) là công ty đã thay đổi về năng lực chuyên môn mà bên mời thầu cho rằng có thể bị ảnh hưởng trong quá trình thực hiện dự án.

9. Do việc lựa chọn sẽ được tiến hành trên cơ sở cạnh tranh, (tên bên mời thầu) sẽ không chấp nhận những đề nghị thay đổi về nhân sự đã đề xuất trong khi đang tiến hành đánh giá các đề xuất kỹ thuật.

THƯƠNG THẢO HỢP ĐỒNG

10. Sau khi tiến hành đánh giá và xếp hạng về kỹ thuật, công ty được xếp hạng thứ nhất sẽ được mời để tiếp tục làm rõ về kỹ thuật, thương thảo tài chính và những vấn đề khác. Các khoản chi phí được trình bày theo biểu chi tiết mức thu nhập hàng tháng của mỗi chuyên gia, cùng với một biểu giải trình chung các khoản chi ngoài lương như chi phí đi lại, công tác phí, soạn thảo báo cáo... Các biểu chi tiết thu nhập của chuyên gia như phí xã hội và phí hành chính do công ty lập cần được kiểm toán viên độc lập xác nhận. Đồng thời, cùng với các biểu kê khai chi tiết, công ty cũng phải trình bản sao các báo cáo thu chi hàng năm đã được kiểm toán. Những thông tin do công ty cung cấp sẽ được (tên bên mời thầu) tổ chức bảo mật chu đáo. Những thông tin có liên quan đến việc chuẩn bị đề xuất tài chính kể cả những biểu mẫu cần thiết được trình bày cụ thể trong Mẫu V.4. Trong và sau thời gian thực hiện dịch vụ tư vấn, (tên bên mời thầu) có quyền kiểm tra tài khoản của công ty được lựa chọn cũng như tiến độ thực hiện và sổ sách kế toán có liên quan đến phạm vi dịch vụ tư vấn.

11. Những đại diện tham gia thương thảo thay mặt công ty tư vấn phải có giấy uỷ quyền để thương thảo về kỹ thuật, tài chính và các điều khoản khác, đồng thời để ký hợp đồng với chủ dự án. Nếu không đạt kết quả trong quá trình thương thảo hoặc nếu công ty không nộp đầy đủ các số liệu chi tiết về các khoản chi phí nói trên, bên mời thầu sẽ mời công ty được xếp hạng tiếp theo để thương thảo.

NHẬN HỒ SƠ MỜI THẦU

12. Công ty cần thông báo bằng fax tới (số fax của bên mời thầu) cho biết là đã nhận được hồ sơ mời thầu và thông báo khả năng tham dự.

THĂM HIỆN TRƯỜNG

13. Để làm quen với dự án cũng như để đánh giá phạm vi dịch vụ sẽ tiến hành, công ty có thể tổ chức thăm quan vùng dự án. Tuy nhiên, xin lưu ý là mọi chi phí để thu thập số liệu ban đầu chuẩn bị hồ sơ dự thầu hoặc để thương thảo sau này sẽ do công ty tự thu xếp.

YÊU CẦU BỔ SUNG THÔNG TIN

14. Trong trường hợp nếu công ty có yêu cầu thêm về thông tin, (tên bên mời thầu) sẽ nhanh chóng gửi tới công ty. Mọi chậm trễ về việc gửi thông tin bổ sung sẽ không được xem là một lý do để kéo dài việc nộp hồ sơ dự thầu của công ty.

Đại diện bên mời thầu

(Ký tên, đóng dấu)

II. ĐIỀU KHOẢN THAM CHIẾU

GIỚI THIỆU:

Mô tả khái quát dự án

Mô tả mục đích tuyển chọn tư vấn

PHẠM VI CÔNG VIỆC:

1. Mô tả chi tiết phạm vi công việc đối với tư vấn, nguồn vốn, tên cơ quan thực hiện, thời gian, tiến độ thực hiện, số tháng người cần thiết (nếu có).

2. Mô tả các nhiệm vụ cụ thể do phía tư vấn phải tiến hành trong thời gian thực hiện hợp đồng tư vấn.

3. Trình bày chi tiết tiến độ nộp các báo cáo có liên quan đến phạm vi dịch vụ do phía tư vấn chuẩn bị.

4. Dự kiến thời gian chuyên gia bắt đầu thực hiện dịch vụ tư vấn (thông thường không quá 30 ngày kể từ khi hợp đồng có hiệu lực).

Trách nhiệm của bên mời thầu:

Dự kiến khả năng cung cấp điều kiện làm việc, cán bộ đối tác và những tài liệu có liên quan đến nhiệm vụ của chuyên gia.

III. CÁC THÔNG TIN CƠ BẢN CÓ LIÊN QUAN TỚI DỰ ÁN

Tuỳ theo quy mô và tính chất của từng dự án, bên mời thầu cần nêu rõ những thông tin chủ yếu cũng như các tài liệu hiện có liên quan để cung cấp cho các nhà thầu nghiên cứu và chuẩn bị hồ sơ dự thầu.

IV. TIÊU CHUẨN ĐÁNH GIÁ CHỦ YẾU

Điểm

Công ty A

Công ty B

Công ty C

Tiêu chuẩn đánh giá

tối đa

Tỷ trọng

Điểm

Tỷ trọng

Điểm

Tỷ trọng

Điểm

I. Kinh nghiệm

(Từ 10% đến 20% tổng số điểm)

a) Đã thực hiện dự án tương tự

b) Đã thực hiện dự án có điều kiện địa lý tương tự

c) Các yếu tố khác

II. Giải pháp và phương pháp luận

(Từ 30% đến 40% tổng số điểm)

a) Hiểu rõ mục đích dự án

b) Phương pháp luận

c) Sáng kiến cải tiến

d) Chương trình công tác

e) Công lao động (tháng - người)

f) Đào tạo và chuyển giao công nghệ

g) Phương tiện làm việc

h) Cách trình bày

III. Nhân sự

(Từ 50% đến 60% tổng số điểm)

a) Cố vấn trưởng/Giám đốc dự án

b) Chuyên gia các lĩnh vực

Tổng cộng (100%)

V. CÁC PHỤ LỤC CHI TIẾT KÈM THEO

Mẫu V.1

CÔNG TRÌNH TƯƠNG TỰ ĐÃ THỰC HIỆN TRONG THỜI GIAN 5 ĐẾN 10 NĂM GẦN ĐÂY VÀ ĐANG THỰC HIỆN

- Tên dự án

- Phạm vi công việc tư vấn

- Địa điểm xây dựng

- Chủ đầu tư

- Chuyên gia thực hiện dự án (số chuyên gia, số tháng người)

- Thời gian thực hiện (từ ngày... đến ngày...) - Ước tính giá trị dịch vụ tư vấn đã thực hiện

- Tên đơn vị và số lượng chuyên gia tham gia liên danh (nếu có)

- Tên các chuyên gia chủ chốt thực hiện dự án cùng với nhiệm vụ được giao (Cố vấn trưởng/Giám đốc dự án/Điều phối viên)

- Mô tả chi tiết dự án

- Mô tả chi tiết các công việc dịch vụ tư vấn đã thực hiện

Mẫu V.2

BIỂU BỐ TRÍ NHÂN LỰC

Họ

Tháng

Tháng - Người

và tên

Chức vụ

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

Tại
Dự án

Tại Công ty

Cộng

Mẫu V.3

MẪU LÝ LỊCH CHUYÊN GIA

(1) Họ và tên

(2) Ngày sinh

(3) Quốc tịch

(4) Chức vụ dự kiến

(5) Học vấn (Ghi rõ năm được cấp bằng hoặc chứng chỉ)

(6) Đào tạo khác

(7) Trình độ ngoại ngữ

(8) Thành viên các tổ chức chuyên môn

(9) Kinh nghiệm công tác ở nước ngoài

(10) Quá trình công tác (Ghi rõ theo từng thời gian, tên cơ quan, chức vụ và nhiệm vụ công tác được giao)

(11) Cam đoan

Xác nhận Ngày... tháng... năm 19...

(Ký tên)

Mẫu V.4 (a)

DỰ KIẾN PHÂN BỔ THU NHẬP CỦA CHUYÊN GIA

Loại tiền sử dụng:

Dự án: Tên công ty:

Chuyên gia

Lương cơ bản

Chi phí xã hội

Chi phí quản lý

Cộng

Trích nộp công ty

Thu nhập tại C.ty

Phục cấp khác

Tổng thu nhập

Họ tên

Chức vụ

(% của 1)

(% của 1)

(1+2+3)

(% của 4)

(4+5)

(nếu có)

(6+7)

(A)

(B)

1

2

3

4

5

6

7

8

Xác nhận của kiểm toán (nếu có) Ngày... tháng... năm 19...

Xác nhận của công ty

(Ký tên)

Mẫu V.4 (b)

DỰ KIẾN PHÂN BỔ CHI PHÍ XÃ HỘI

Danh mục chi phí

Ký hiệu
(1)

Số lượng (loại tiền)

% lương cơ bản (2)

Ghi chú

- Nghỉ lễ

- Nghỉ phép

- Nghỉ ốm

- Bảo hiểm

.........

Ghi chú:

(1) Theo báo cáo thu nhập

(2) Do kiểm toán viên độc lập chứng nhận

Mẫu V.4 (c)

DỰ KIẾN PHÂN BỔ CHI PHÍ QUẢN LÝ

Danh mục chi phí

Ký hiệu
(1)

Số lượng (loại tiền)

% lương cơ bản (2)

Ghi chú

- Văn phòng

- Đi lại

..........

Ghi chú:

(1) Theo báo cáo thu nhập

(2) Do kiểm toán viên độc lập chứng nhận

Mẫu V.4 (d)

ƯỚC TÍNH CHI PHÍ NGOÀI NƯỚC

(Đơn vị tính....)

THU NHẬP CỦA CHUYÊN GIA

Tại công ty

Họ tên Số tháng-người Mức thu nhập Cộng

1.

2.

3.

4.

v.v...

Tổng cộng ==========

Tại dự án

Họ tên Số tháng-người Mức thu nhập Cộng

1.

2.

3.

4.

v.v...

Tổng cộng ==========

CHI PHÍ NGOÀI LƯƠNG

- Chi phí đi lại quốc tế

- Công tác phí

- Thông tin, liên lạc

- In ấn và gửi tài liệu, báo cáo...

- Thiết bị và các hạng mục khác

- v.v...

Tổng cộng ==========

Mẫu V.4 (e)

ƯỚC TÍNH CHI PHÍ TRONG NƯỚC

(Đơn vị tính.....)

Thu nhập của chuyên gia Việt Nam

Họ tên Số tháng-người Mức thu nhập Cộng

1.

2.

3.

4.

v.v...

Tổng cộng ==========

Chi phí khác

- Công tác phí

- Đi lại (trong và ngoài nước)

- Thông tin, liên lạc

- Chi khác...

Mẫu V.4 (f)

TỔNG HỢP ƯỚC TÍNH CHI PHÍ

(Đơn vị tính.....)

Ngoài nước Trong nước Cộng

Thu nhập

Chi phí khác

Dự phòng

Tổng cộng: =========== ============ =============

C. MẪU THOẢ THUẬN HỢP ĐỒNG

(Mẫu tham khảo)

Ngày... tháng... năm 19...

I. CĂN CỨ KÝ HỢP ĐỒNG:

- Căn cứ yêu cầu thực hiện dịch vụ tư vấn cho dự án của (tên bên mời thầu).

- Căn cứ thông báo trúng thầu ngày... tháng... năm 19...

II. GIẢI THÍCH THUẬT NGỮ:

III. ĐẠI DIỆN CÁC BÊN KÝ HỢP ĐỒNG:

1. Đại diện chủ đầu tư:

- Tên chủ đầu tư

- Tên, chức vụ người đại diện (hoặc của người được uỷ quyền)

- Địa chỉ

- Số tài khoản Tại ngân hàng

2. Đại diện tư vấn:

- Tên Công ty tư vấn

- Tên, chức vụ người đại diện (hoặc của người được uỷ quyền)

- Địa chỉ

- Số tài khoản Tại ngân hàng

IV. NỘI DUNG HỢP ĐỒNG:

1. Nhiệm vụ của tư vấn: (Ghi rõ những công việc phía tư vấn phải đảm nhiệm, địa điểm và thời gian thực hiện...)

2. Các tài liệu sau đây được coi là một phần của hợp đồng này:

a) Văn bản hợp đồng

b) Thông báo trúng thầu

c) Hồ sơ dự thầu

d) Các văn bản bổ sung...

3. Kết quả thực hiện hợp đồng

4. Yêu cầu về chất lượng

5. Giá trị hợp đồng (theo công việc, hạng mục, tổng giá trị của hợp đồng)

6. Thời gian nghiệm thu, bàn giao, thanh toán

7. Phương thức và điều kiện thanh toán

8. Thời gian thực hiện và hoàn thành (thời gian bắt đầu, kết thúc, nghiệm thu, bàn giao, thanh toán)

9. Trường hợp bất khả kháng

10. Bảo hiểm

11. Đền bù

12. Biện pháp đảm bảo việc ký kết hợp đồng

13. Phạt khi vi phạm hợp đồng (hoặc thưởng, nếu có)

14. Xử lý khi có tranh chấp hợp đồng

15. Những nội dung và điều kiện điều chỉnh hợp đồng (nếu có)

16. Bảo hành

17. Cam kết thanh toán

18. Bảo mật

19. Các phụ lục

20. Hiệu lực hợp đồng

Hợp đồng này được lập thành (số bản) bằng (ngôn ngữ) và có giá trị ngang nhau.

Ngày... tháng... năm 19...

Đại diện tư vấn Đại diện chủ đầu tư

(Ký tên, đóng dấu) (Ký tên, đóng dấu)

PHỤ LỤC 2:

MẪU HƯỚNG DẪN HỒ SƠ MỜI THẦU MUA SẮM VẬT TƯ THIẾT BỊ

I. MẪU THÔNG BÁO MỜI THẦU

Ngày... tháng... năm 19...

1. (Tên bên mời thầu) chuẩn bị mua sắm (tên vật tư thiết bị) để thực hiện dự án (hoặc công trình):............... tại:................

2. (Tên bên mời thầu) xin mời tất cả các nhà thầu có đủ điều kiện và năng lực tham gia đấu thầu cung cấp......... cho dự án........

3. Các nhà thầu có đủ điều kiện, năng lực và muốn tham dự đấu thầu có thể tìm hiểu thêm các thông tin và nhận hồ sơ mời thầu tại:

(Ghi rõ tên, địa chỉ, số điện thoại và fax của bên mời thầu)

4. Các nhà thầu đăng ký tham dự đấu thầu sẽ được mua bộ hồ sơ mời thầu hoàn chỉnh với một khoản lệ phí là (ghi rõ số lượng và loại tiền thanh toán).

5. Hồ sơ dự thầu phải được gửi kèm một bảo lãnh dự thầu trị giá (ghi rõ số lượng và loại tiền) và phải được chuyển đến (ghi rõ địa chỉ nộp hồ sơ) vào hoặc trước..... giờ, ngày... tháng... năm 19...

6. Hồ sơ dự thầu sẽ được mở vào..... giờ, ngày... tháng... năm 19... tại (ghi địa điểm mở thầu).

Đại diện bên mời thầu

(Ký tên và đóng dấu)

II. MẪU ĐƠN DỰ THẦU

Ngày... tháng... năm 19...

Kính gửi:....................

1. Sau khi nghiên cứu kỹ hồ sơ mời thầu cung cấp (ghi rõ tên gói thầu vật tư hoặc thiết bị), chúng tôi, người ký tên dưới đây đề nghị được cung ứng (ghi nội dung gói thầu vật tư thiết bị) và xin đảm bảo sửa chữa đền bù bất kỳ một sai sót nào theo đúng quy định của hồ sơ mời thầu và theo các điều kiện của hợp đồng, đặc tính kỹ thuật, các bản vẽ... và các phụ lục kèm theo với tổng giá trị bỏ thầu là:.................. (ghi rõ loại tiền, số tiền bằng số và bằng chữ).

2. Chúng tôi xác nhận rằng các bản phụ lục gửi kèm theo đây là một phần trong hồ sơ dự thầu của chúng tôi.

3. Nếu đơn dự thầu của chúng tôi được chấp thuận, chúng tôi xin cam kết sẽ thực hiện ngay việc cung ứng và sẽ hoàn thành, bàn giao toàn bộ công việc đã nêu trong hợp đồng theo đúng thời hạn.

4. Hồ sơ dự thầu của chúng tôi có hiệu lực kể từ ngày... tháng... năm 19... và có thể được chấp thuận vào bất kỳ thời điểm nào trước thời hạn đó.

5. Cho đến khi một hợp đồng chính thức được ký kết, thì đơn dự thầu này cùng với thông báo trúng thầu của (bên mời thầu) sẽ hình thành một hợp đồng ràng buộc giữa hai bên.

Đại diện nhà thầu

(Ký tên và đóng dấu)

III. CHỈ DẪN ĐỐI VỚI NHÀ THẦU

Mục đích chỉ dẫn là để cung cấp cho các nhà thầu những thông tin cần thiết về tính chất của vật tư thiết bị được đấu thầu cũng như về cách chuẩn bị và nộp hồ sơ dự thầu. Những thông tin chủ yếu trong quá trình đấu thầu sẽ bao gồm: yêu cầu về năng lực của các nhà thầu, mẫu đơn dự thầu và thời gian nộp hồ sơ dự thầu, thủ tục đánh giá hồ sơ dự thầu và điều kiện trao hợp đồng. Chỉ dẫn đối với các nhà thầu cũng phải bao gồm các thông tin liên quan khác về quá trình đấu thầu thực tế mà bên mời thầu xét thấy cần thiết.

Chỉ dẫn đối với nhà thầu gồm những nội dung chủ yếu sau:

1. Bản sao thư mời thầu

2. Phạm vi đấu thầu

3. Nguồn vốn dự án (nhất là đối với đấu thầu quốc tế)

4. Các điều kiện tài chính và thương mại, phương thức thanh toán

5. Các yêu cầu về tư cách và năng lực đối với các nhà thầu

6. Các yêu cầu về chất lượng của vật liệu, thiết bị và dịch vụ

7. Yêu cầu mỗi nhà thầu chỉ được có một đơn dự thầu

8. Chi phí tham gia đấu thầu (kể cả chi phí khảo sát hiện trường và chuẩn bị hồ sơ dự thầu) do nhà thầu tự thu xếp

9. Các yêu cầu về khảo sát hiện trường nếu có

10. Nội dung tài liệu đấu thầu và tài liệu cần chuẩn bị trong hồ sơ dự thầu

11. Thuyết minh tài liệu đấu thầu

12. Sửa đổi tài liệu đấu thầu, nếu có (kèm theo phụ lục)

13. Ngôn ngữ sử dụng trong hồ sơ dự thầu

14. Các điều kiện về giá thầu

15. Các điều kiện về loại đồng tiền bỏ thầu đối với đấu thầu quốc tế

16. Các điều kiện về thời hạn hiệu lực của hồ sơ dự thầu

17. Các điều kiện về việc cung cấp bảo lãnh dự thầu (giá trị và loại tiền)

18. Các điều kiện về việc nộp Hồ sơ dự thầu phụ, nếu có

19. Các điều kiện tổ chức họp tiền đấu thầu, nếu cần

20. Thủ tục chi tiết nộp hồ sơ dự thầu

21. Thời gian nộp hồ sơ dự thầu

22. Thủ tục giải quyết các hồ sơ dự thầu nộp muộn

23. Thủ tục sửa đổi hoặc rút hồ sơ dự thầu

24. Thủ tục mở hồ sơ dự thầu

25. Yêu cầu giữ bí mật việc xem xét và đánh giá hồ sơ dự thầu 26. Thủ tục giải thích hồ sơ dự thầu trong quá trình đánh giá

27. Các điều kiện quy định sự phù hợp của hồ sơ dự thầu

28. Thủ tục sửa chữa lỗi số học trong hồ sơ dự thầu

29. Thủ tục chuyển đổi các loại tiền bỏ thầu khác nhau sang một loại tiền thông dụng

30. Các điều kiện ưu đãi nhà thầu trong nước nếu áp dụng

31. Thủ tục đánh giá hồ sơ dự thầu

32. Các điều kiện về quyền của bên mời thầu chấp nhận hoặc loại bỏ hồ sơ dự thầu

33. Thủ tục trao hợp đồng (bao gồm việc công bố và ký kết chính thức)

34. Yêu cầu về việc nộp bảo lãnh thực hiện hợp đồng (giá trị và loại tiền)

35. Các điều kiện hoàn trả bảo lãnh dự thầu

36. Các yêu cầu hoặc điều kiện khác mà bên mời thầu cho là cần thiết trong quá trình đấu thầu

IV (A). MẪU BIỂU GIÁ

(Chỉ áp dụng đối với vật tư thiết bị sản xuất trong nước hoặc do nước ngoài
sản xuất tại Việt Nam)

S
TT

Diễn giải

Xuất xứ

Số lượng

Đơn giá (Giá xuất xưởng)

Chi phí gia tăng trong nước so giá xuất xưởng

Giá thành (4x5)

Giá cung ứng tại nơi tiêu thụ

Thuế doanh thu và các loại thuế khác nếu trúng thầu

1

2

3

4

5

6

7

8

9

Đại diện nhà thầu

(Ký tên và đóng dấu)

IV (B). MẪU BIỂU GIÁ

(Chỉ áp dụng đối với nhà thầu nước ngoài hoặc các đại lý tại Việt Nam)

S
TT

Diễn giải

Xuất xứ

Số lượng

Đơn giá (Giá FOB)

Đơn giá (Giá CIF)

Giá thành (Giá CIF) (4x6)

Giá cung ứng tại nơi tiêu thụ

1

2

3

4

5

6

7

8

Đại diện nhà thầu

(Ký tên và đóng dấu)

V. CÁC ĐIỀU KIỆN CHUNG VÀ ĐIỀU KIỆN CỤ THỂ CỦA HỢP ĐỒNG

Các điều kiện chung và điều kiện cụ thể của hợp đồng được áp dụng tuỳ theo tính chất của từng dự án trên cơ sở hướng dẫn của FIDIC (Hiệp hội quốc tế các kỹ sư tư vấn).

VI. MẪU BẢO LÃNH DỰ THẦU

Ngày... tháng... năm 19...

Kính gửi:.........................

Ngân hàng (ghi tên ngân hàng) có trụ sở tại (ghi địa chỉ của ngân hàng) chấp thuận gửi cho (ghi tên chủ đầu tư) một khoản tiền là............. (loại tiền, số lượng viết bằng số và chữ) để bảo lãnh cho nhà thầu.................... tham dự đấu thầu (ghi rõ tên gói thầu hoặc hợp đồng).

Ngân hàng chúng tôi xin cam kết trả cho (ghi tên chủ đầu tư) một khoản tiền nói trên ngay sau khi nhận được văn bản yêu cầu mà không cần chứng minh số tiền phải trả là do nhà thầu................ vi phạm một hoặc các điều kiện sau đây:

1. Nếu nhà thầu rút đơn trong thời hạn có hiệu lực của hồ sơ dự thầu đã quy định trong mẫu đơn dự thầu.

2. Nếu nhà thầu đã được chủ đầu tư thông báo trúng thầu trong thời hạn có hiệu lực của đơn dự thầu mà nhà thầu:

a) Từ chối thực hiện hợp đồng.

b) Không có khả năng nộp hoặc từ chối nộp bảo lãnh thực hiện hợp đồng.

Bảo lãnh này có giá trị trong............... ngày kể từ ngày hết hiệu lực của hồ sơ dự thầu. Bất cứ yếu cầu nào liên quan đến bảo lãnh này phải gửi tới ngân hàng trước thời hạn nói trên.

Tên ngân hàng bảo lãnh

(Ký tên, đóng dấu)

VII. MẪU THOẢ THUẬN HỢP ĐỒNG

(Mẫu tham khảo)

Ngày... tháng... năm 19...

I. Căn cứ ký hợp đồng:

- Căn cứ yêu cầu cung ứng........... của (chủ đầu tư)

- Căn cứ thông báo trúng thầu ngày... tháng... năm 19...

II. Giải thích thuật ngữ:

III. Đại diện chủ đầu tư và nhà thầu:

1. Đại diện chủ đầu tư:

- Tên chủ đầu tư...............

- Tên, chức vụ người đại diện (hoặc của người được uỷ quyền)

- Địa chỉ......................

- Số tài khoản................. Tại ngân hàng................

2. Đại diện nhà thầu:

- Tên nhà thầu.................

- Tên, chức vụ người đại diện (hoặc của người được uỷ quyền)

- Địa chỉ......................

- Số tài khoản................. Tại ngân hàng................

IV. Nội dung của hợp đồng:

1. Nội dung của hợp đồng bao gồm các từ và thuật ngữ được hiểu theo cùng nghĩa đã xác định trong bản điều kiện chung và điều kiện cụ thể của hợp đồng.

2. Các tài liệu sau đây được coi là một phần của hợp đồng này:

a) Văn bản hợp đồng

b) Thông báo trúng thầu

c) Đơn dự thầu và phụ lục kèm theo

d) Bản thuyết minh kỹ thuật

đ) Bản vẽ thiết kế

e) Biểu giá dự thầu

g) Các phụ lục bổ sung

m) Điều kiện chung của hợp đồng

h) Điều kiện cụ thể của hợp đồng

3. Đối tượng sản phẩm của hợp đồng là...........................

4. Yêu cầu về số lượng, chất lượng, chủng loại, quy cách, mỹ thuật.

5. Giá trị hợp đồng (theo công việc, công đoạn, tổng giá trị của hợp đồng).............................

6. Thời gian nghiệm thu, bàn giao, thanh toán....................

7. Phương thức và điều kiện thanh toán...........................

8. Thời gian thực hiện và hoàn thành (thời gian bắt đầu, kết thúc, nghiệm thu, bàn giao, thanh toán)...............................

9. Trường hợp bất khả kháng

10. Bảo hiểm

11. Đền bù

12. Biện pháp đảm bảo việc ký kết hợp đồng.......................

13. Phạt khi vi phạm hợp đồng (hoặc thưởng, nếu có)..............

14. Xử lý khi có tranh chấp hợp đồng.............................

15. Những nội dung và điều kiện điều chỉnh hợp đồng (nếu có)....................

16. Bảo hành

17. Cam kết thanh toán

18. Bảo mật

19. Các phụ lục

20. Hiệu lực hợp đồng

Hợp đồng này được lập thành (số bản) bằng (ngôn ngữ) và có giá trị ngang nhau.

Ngày... tháng... năm 19...

Đại diện nhà thầu Đại diện chủ đầu tư

(Ký tên, đóng dấu) (Ký tên, đóng dấu)

VIII. MẪU BẢO LÃNH THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG

Ngày... tháng... năm 19...

Kính gửi: (Tên chủ đầu tư)

Ngân hàng (tên ngân hàng) có trụ sở tại (ghi địa chỉ của ngân hàng)

Do (tên nhà thầu) đã cam kết theo hợp đồng số..., ngày... tháng... năm 19... cung cấp (tên gói thầu) và do yêu cầu của (tên chủ đầu tư) trong hợp đồng là nhà thầu phải nộp giấy bảo lãnh của ngân hàng với số tiền................ (loại tiền, số lượng bằng số và bằng chữ) là sự đảm bảo trách nhiệm của nhà thầu trong thời gian thực hiện hợp đồng đã ký kết.

Chúng tôi đồng ý cấp cho nhà thầu giấy bảo lãnh này và khẳng định rằng chúng tôi thay mặt cho nhà thầu chịu trách nhiệm trước (tên chủ đầu tư) với số tiền bảo đảm là (loại tiền, số tiền bằng số và bằng chữ).

Khi nhận được văn bản yêu cầu của (tên chủ đầu tư) và không cần bất kỳ sự giải thích nào, chúng tôi cam đoan sẽ trả cho (tên chủ đầu tư) với số tiền bảo đảm là (loại tiền, số tiền bằng số và bằng chữ).

Giấy bảo lãnh này có hiệu lực đến ngày... tháng... năm 19...

Tên ngân hàng bảo lãnh

(Ký tên, đóng dấu)

Phụ Lục 3:

MẪU HƯỚNG DẪN HỒ SƠ SƠ TUYỂN VÀ HỒ SƠ MỜI THẦU XÂY LẮP

A. SƠ TUYỂN NHÀ THẦU

I. THÔNG BÁO SƠ TUYỂN

Ngày... tháng... năm 19...

1. (Tên bên mời thầu) có nhu cầu xây dựng công trình............. tại địa điểm.................. bằng nguồn vốn (ghi rõ nguồn vốn trong nước hoặc ngoài nước)

2. (Tên bên mời thầu) tổ chức sơ tuyển các nhà thầu thực hiện xây lắp công trình (hoặc thực hiện xây lắp các "gói thầu" sau đây của công trình:

- Liệt kê các "gói thầu (hoặc toàn bộ công trình là một gói thầu)"

- Mô tả tóm tắt nội dung công việc của từng gói thầu

3. Các nhà thầu và liên danh các nhà thầu nếu có đủ tư cách (tuỳ theo yêu cầu cụ thể của từng công trình mà nêu rõ điều kiện "đủ tư cách" đối với nhà thầu trong nước hoặc ngoài nước) đều được đăng ký tham dự sơ tuyển.

4. Nhà thầu đủ tư cách nếu muốn tham dự có thể tìm hiểu thêm thông tin hoặc nghiên cứu cụ thể tài liệu về sơ tuyển bằng cách viết thư, gửi fax hoặc telex, hoặc đến trực tiếp theo địa chỉ sau: (ghi tên và địa chỉ, số fax, telex của cơ quan hoặc người trực tiếp cung cấp tài liệu về sơ tuyển).

5. Nhà thầu đủ tư cách nếu quan tâm sẽ được nhân một bộ hồ sơ sơ tuyển hoàn chỉnh bằng cách nộp đơn theo địa chỉ nói trên (ghi rõ tên công trình hoặc gói thầu muốn tham dự sơ tuyển) với một khoản lệ phí là (ghi rõ số tiền và loại tiền). Theo yêu cầu của nhà thầu, (tên bên mời thầu) sẽ gửi tài liệu theo đường bưu điện nhưng sẽ không chịu trách nhiệm trong trường hợp tài liệu gửi đi bị chậm hoặc bị thất lạc. 6. Các nhà thầu tham dự sơ tuyển phải hoàn thành tài liệu sơ tuyển đúng hạn và gửi đến (ghi địa chỉ bên mời thầu) trước giờ..... ngày... tháng... năm 19.... (Tên bên mời thầu) có quyền tiếp nhận hoặc từ chối những đơn xin dự sơ tuyển gửi tới sau thời hạn quy định nêu trên.

7. Các nhà thầu dự sơ tuyển sẽ được thông báo kết quả sơ tuyển. Chỉ những nhà thầu hoặc liên danh nhà thầu đáp ứng các tiêu chuẩn sơ tuyển theo thủ tục này mới được mời tham dự đấu thầu.

II. CHỈ DẪN SƠ TUYỂN

Ngày... tháng... năm 19...

- Tên dự án (công trình).........................................

- Tên bên mời thầu...............................................

1. Giới thiệu về phạm vi đấu thầu và các thông tin chung:

a) Giới thiệu về nguồn vốn của dự án, phạm vi đấu thầu của dự án (một gói thầu hoặc nhiều gói thầu).

b) Miêu tả nội dung và các phần việc chính của từng gói thầu.

c) Hình thức hợp đồng (hợp đồng có điều chỉnh giá, hợp đồng trọn gói, hợp đồng chía khoá trao tay).

d) Chuẩn bị một phụ lục riêng giới thiệu thông tin chung về khí hậu, thuỷ văn, địa hình, địa điểm xây dựng; các phương tiện vận tải, truyền thông; sơ đồ mặt bằng dự án; dự kiến thời hạn xây dựng; các phương tiện, dịch vụ được bảo đảm và các dữ liệu có liên quan khác (nếu có).

2. Nộp hồ sơ dự sơ tuyển:

a) Nhà thầu dự sơ tuyển phải nộp hồ sơ sơ tuyển đến (địa chỉ bên mời thầu) trước ngày... (ghi rõ thời hạn). Hồ sơ nộp sau thời hạn quy định, bên mời thầu có thể tiếp nhận hoặc từ chối.

b) Hồ sơ dự sơ tuyển do nhà thầu nộp bao gồm một bản gốc và (ghi rõ số lượng) các bản sao để trong một phong bì được niêm phong kín. Ngoài phong bì ghi: Hồ sơ dự sơ tuyển cho gói thầu (ghi rõ số và tên gói thầu); Tên và địa chỉ của nhà thầu dự sơ tuyển.

c) Đối với các nhà thầu nước ngoài, tất cả các thông tin được yêu cầu trả lời trong các bản câu hỏi sơ tuyển phải được viết bằng tiếng Anh và phải kèm theo bản dịch sang tiếng Việt để trong trường hợp giải thích thông tin thì bản tiếng Việt sẽ là căn cứ chính.

d) Nhà thầu phải trả lời tất cả các câu hỏi trong từng bản câu hỏi. Nếu cần có thể kèm theo các văn bản bổ sung.

đ) Hồ sơ dự sơ tuyển phải có chữ ký của đại diện có thẩm quyền của nhà thầu hoặc chữ ký của người được uỷ quyền và phải có giấy uỷ quyền kèm theo.

e) Tất cả các tài liệu dự sơ tuyển của các nhà thầu sẽ được xem xét kín và không trả lại.

g) Bên mời thầu sẽ thông báo kết quả sơ tuyển cho tất cả các nhà thầu dự sơ tuyển.

Bên mời thầu được quyền từ chối hoặc chấp nhận các hồ sơ dự sơ tuyển mà không phải chịu bất cứ trách nhiệm nào đối với nhà thầu xin dự sơ tuyển cũng như không có bất cứ nghĩa vụ gì để thông báo cho nhà thầu biết về lý do của hành động nói trên.

3. Bản câu hỏi sơ tuyển:

a) Có 9 mẫu câu hỏi sơ tuyển:

Mẫu 1: Đơn xin sơ tuyển

Mẫu 2: Thông tin chung

Mẫu 3: Số liệu về tài chính

Mẫu 4: Hồ sơ kinh nghiệm Mẫu

5: Thiết bị thi công

Mẫu 6: Bố trí nhân sự

Mẫu 7: Sơ đồ tổ chức hiện trường

Mẫu 8: Các nhà thầu phụ

Mẫu 9: Dữ liệu liên danh

(chỉ đối với nhà thầu liên danh)

b) Nhà thầu liên danh phải hoàn thành một bộ mẫu câu hỏi riêng (gồm 8 mẫu) cho mỗi bên liên danh đồng thời lập thêm mẫu số 9 về dữ liệu liên danh. Trường hợp cơ quan mời thầu không chấp nhận thoả thuận liên danh thì có thể yêu cầu liên danh sửa đổi thoả thuận cho thích hợp. Nếu không nộp thoả thuận liên danh đã được sửa đổi trong vòng 21 ngày kể từ ngày liên danh nhận được yêu cầu sửa đổi thì đơn xin tham dự sơ tuyển sẽ không được xem xét tiếp.

c) Các mẫu câu hỏi trên, nếu cần có thể kèm thêm các văn bản phụ vào các mẫu (cần đánh số thứ tự để tránh nhầm lẫn).

4. Tiêu chuẩn về trình độ, năng lực:

a) Việc sơ tuyển sẽ dựa trên cơ sở đáp ứng được toàn bộ những tiêu chuẩn tối thiểu về kinh nghiệm chung và riêng; năng lực của từng chức danh quản lý, năng lực trang thiết bị, tình trạng tài chính... như đã được thể hiện qua những câu trả lời trong các mẫu câu hỏi. Kinh nghiệm và các nguồn năng lực của các nhà thầu phụ sẽ không được tính đến khi đánh giá mức độ đáp ứng các tiêu chuẩn về trình độ năng lực của nhà thầu dự sơ tuyển.

b) Năng lực tài chính của nhà thầu dự sơ tuyển sẽ được đánh giá trên cơ sở giá trị ròng, vốn lưu động, và giá trị của các phần hợp đồng hiện hành chưa hoàn thành của nhà thầu đó. Nếu nhà thầu dự sơ tuyển cảm thấy năng lực tài chính của mình không đủ thì nhà thầu đó có thể đính kèm với đơn xin một giấy bảo lãnh do ngân hàng của Nhà nước phát hành để bổ sung cho tài liệu dự tuyển của mình. Giấy bảo lãnh này phải đảm bảo rằng trong trường hợp nhà thầu dự tuyển được trao hợp đồng thì sẽ được cấp tín dụng tuần hoàn với giá trị không nhỏ hơn 1/3 tổng giá trị hợp đồng. Tín dụng tuần hoàn này phải được duy trì tới khi công trình được xây dựng hoàn thành và bàn giao cho chủ đầu tư.

c) Nhà thầu tham dự sơ tuyển sẽ phải đáp ứng những tiêu chuẩn tối thiểu sau:

1- Doanh thu trung bình hàng năm trong 5 năm vừa qua........ (yếu tố này được xác định trên cơ sở phiếu giá công trình đã thực hiện và đã hoàn thành).

2- Kinh nghiệm đã thực hiện ít nhất là....... dự án (công trình) có tính chất tương tự như dự án (công trình) này, và dự án (công trình) có các điều kiện hiện trường tương tự trong vòng 5-10 năm qua. (Kể tên dự án và minh hoạ "tính tương tự" của các dự án đã thực hiện về loại dự án (công trình), quy mô, đặc điểm kỹ thuật, các điều kiện môi trường...).

3- Năng lực về nhà xưởng, thiết bị: Nhà thầu dự tuyển phải kê khai rõ nguồn thiết bị (thuộc sở hữu hay đi thuê? Thuê dài hạn hay ngắn hạn?) và thời gian đã sử dụng của thiết bị để xác định chất lượng thiết bị. Nhà thầu phải cam kết những thiết bị chủ yếu hoạt động tốt và phải sẵn có cho hợp đồng.

5. Lịch sử kiện tụng:

Nhà thầu dự tuyển phải cung cấp thông tin chính xác về mọi cuộc kiện tụng hoặc xét xử đối với những hợp đồng đã được hoàn thành, hoặc đang được thực hiện trong vòng 5 năm gần đây. Nếu nhà thầu hoặc bất kỳ đối tác nào của liên danh dự sơ tuyển có truyền thống bị kiện tụng hoặc xét xử có thể dẫn tới bị loại, tuỳ theo dự xem xét của bên mời thầu.

6. Cập nhật thông tin sơ tuyển:

Các nhà thầu trúng sơ tuyển sẽ phải cập nhật các thông tin về năng lực, trình độ được sử dụng cho việc sơ tuyển tại thời điểm nộp hồ sơ tham dự đấu thầu để khẳng định sự tiếp tục phù hợp với các tiêu chuẩn về năng lực, trình độ và xác minh những thông tin đã cung cấp. Hồ sơ dự thầu sẽ bị loại nếu như tiêu chuẩn về trình độ năng lực sơ tuyển không còn đáp ứng vào thời điểm đấu thầu.

Mẫu 1 :

ĐƠN XIN DỰ SƠ TUYỂN

Ngày... tháng... năm 19...

Kính gửi: (tên bên mời thầu)

1. Được sự uỷ quyền và đại diện cho......................... (ghi tên nhà thầu dự sơ tuyển), sau khi tìm hiểu đầy đủ các thông tin về sơ tuyển, chúng tôi, người ký tên dưới đây xin được tham dự sơ tuyển đấu thầu xây lắp công trình................ (ghi tên công trình hoặc gói thầu muốn tham dự).

2. Chúng tôi xin gửi kèm theo đơn này các bản tài liệu gốc xác định:

- Tư cách pháp lý và năng lực của nhà thầu tham dự sơ tuyển

- Trụ sở làm việc chính, địa chỉ giao dịch

3. Bên mời thầu hoặc đại diện có thẩm quyền của bên mời thầu được quyền tiến hành việc thăm dò hoặc điều tra để xác minh các tài liệu và thông tin do chúng tôi trình nộp có liên quan tới đơn xin tham dự sơ tuyển.

4. Bên mời thầu có thể liên lạc với các cá nhân dưới đây để được cung cấp thêm thông tin:

- Các vấn đề về quản lý Tên Điện thoại

- Các vấn đề về kỹ thuật Tên Điện thoại

- Các vấn đề về tài chính Tên Điện thoại

- Các vấn đề về nhân sự Tên Điện thoại

5. Đơn xin sơ tuyển này được viết trên tinh thần hiểu biết đầy đủ là bên mời thầu có quyền từ chối hoặc chấp nhận các đơn xin sơ tuyển, huỷ bỏ quá trình sơ tuyển, từ chối tất cả các đơn xin sơ tuyển và không chịu trách nhiệm về những việc làm nói trên cũng như không có trách nhiệm phải thông báo lý do của việc làm đó cho các nhà thầu biết.

6. Chúng tôi xin cam đoan mọi tài liệu và thông tin dự sơ tuyển trình nộp bên mời thầu là hoàn chỉnh, đầy đủ, chân thực và đúng đắn trong từng chi tiết.

Đại diện nhà thầu

(Ký tên, đóng dấu)

Mẫu 2:

THÔNG TIN CHUNG

Tên công ty

1. Địa chỉ trụ sở chính..........................................

Số Telex (fax)................................................

Số điện thoại.................................................

2. Địa chỉ văn phòng khu vực (nếu có)............................

Số Telex (fax)................................................

Số điện thoại.................................................

3. Địa chỉ văn phòng địa phương (nếu có).........................

Số Telex (fax)................................................

Số điện thoại.................................................

Nước và năm được thành lập (kèm theo bản sao giấy phép đăng ký và quyền sở hữu)...................................................... ......................................................................

Các ngành kinh doanh chính:

a)........................... từ.................................

b)........................... từ.................................

c)........................... từ.................................

v.v...

Mẫu 3:

SỐ LIỆU VỀ TÀI CHÍNH

A. Tóm tắt tài sản có và tài sản nợ trên cơ sở báo cáo tình hình tài chính đã được kiểm toán trong vòng 3 năm tài chính vừa qua (kèm bản sao các báo cáo tài chính đã được kiểm toán).

Năm 19...

Năm 19...

Năm 19...

1- Tổng tài sản có

2- Tài sản có lưu động

3- Tổng số tài sản nợ

4- Tài sản nợ lưu động

5- Giá trị ròng

6- Vốn luân chuyển

B. Tín dụng và hợp đồng:

1- Tên và địa chỉ ngân hàng thương mại cung cấp tín dụng

2- Tổng số tiền tín dụng

3- Danh mục các hợp đồng đang tiến hành:

Tên hợp đồng

Giá trị hợp đồng

Tên cơ quan ký hợp đồng

Giá trị công trình còn phải làm

Ngày hoàn thành theo kế hoạch

Tổng giá trị

Mẫu 4:

HỒ SƠ KINH NGHIỆM

1. Tổng số năm có kinh nghiệm trong công việc xây dựng dân dụng

2. Tổng số năm có kinh nghiệm trong công việc xây dựng chuyên dụng

Tính chất công việc

Số năm kinh nghiệm

1-

2-

3-

4-

5-

6-

v.v..

3. Danh sách các hợp đồng có giá trị từ 10 tỷ đồng trở lên được thực hiện trong vòng 10 năm qua:

Tính chất

Tổng

Giá trị nhà

Thời hạn hợp đồng

Tên cơ quan ký

Tên

công trình

giá trị

thầu thực hiện

Khởi công

Hoàn thành

hợp đồng

nước

1

2

3

4

5

6

7

- Cột 1: Liên quan chủ yếu tới quy mô, tính chất công trình

- Cột 2: Tỷ giá hối đoái tính tại ngày trao hợp đồng (nếu có).

- Cột 3: Kê khai trong trường hợp là một nhà thầu phụ hoặc một bên liên danh.

4. Danh sách các hợp đồng được thực hiện trong vòng 5-10 năm qua có tính chất tương tự như công trình (hoặc gói thầu) đang xin tham dự sơ tuyển:

Tính chất

Tổng

Giá trị nhà

Thời hạn hợp đồng

Tên cơ quan ký

Tên

công trình

giá trị

thầu thực hiện

Khởi công

Hoàn thành

hợp đồng

nước

1

2

3

4

5

6

7

- Cột 1: Liên quan chủ yếu tới quy mô, tính chất công trình

- Cột 2: Tỷ giá hối đoái tính tại ngày trao hợp đồng (nếu có).

- Cột 3: Kê khai trong trường hợp là một nhà thầu phụ hoặc một bên liên danh.

Mẫu 5:

THIẾT BỊ THI CÔNG

Mô tả thiết bị (loại, kiểu, nhãn hiệu)

Số lượng của từng loại

Năm sản xuất

Số thiết bị thuộc sở hữu

Từng loại đi thuê

Công suất hoạt động

Mẫu 6

BỐ TRÍ NHÂN LỰC

Tên

Tuổi

Năm công tác(*)

Học vấn

Nhiệm vụ dự kiến được giao

Kinh nghiệm có liên quan

1. Quản lý chung

- Tại trụ sở

- Tại hiện trường

2. Quản lý hành chính

- Tại trụ sở

- Tại hiện trường

3. Quản lý kỹ thuật

- Tại trụ sở

- Tại hiện trường

4. Giám sát hiện trường

- Tại trụ sở

- Tại hiện trường

5. Các công việc khác:

(*) Gửi kèm theo một bản tóm tắt thâm niên công tác của mỗi cán bộ chủ chốt

Mẫu 7:

SƠ ĐỒ TỔ CHỨC HIỆN TRƯỜNG

1. Sơ đồ tổ chức hiện trường

.................................................................

2. Thuyết minh sơ đồ tổ chức hiện trường

.................................................................

3. Mô tả mối quan hệ giữa trụ sở chính và việc quản lý ngoài hiện trường

.................................................................

4. Chỉ rõ trách nhiệm và thẩm quyền nào sẽ được giao phó cho quản lý hiện trường

.................................................................

Mẫu 8:

CÁC NHÀ THẦU PHỤ

(Liệt kê tên các nhà thầu phụ, mô tả năng lực, kinh nghiệm... của các nhà thầu phụ)

Mẫu 9:

DỮ LIỆU LIÊN DANH

1. Tên liên danh.................................................

2. Địa chỉ trụ sở chính..........................................

- Số Telex (fax)..............................................

- Số điện thoại...............................................

3. Địa chỉ khu vực (nơi tổ chức đấu thầu, nếu có):

- Số Telex (fax)..............................................

- Số điện thoại...............................................

4. Tên của các thành viên:

a)............................................................

b)............................................................

c)............................................................

d)............................................................

5. Tên thành viên đại diện liên danh

..............................................................

6. Thoả thuận liên danh dự kiến

a) Ngày ký thoả thuận.........................................

b) Nơi ký.....................................................

7. Dự kiến phân chia trách nhiệm giữa các thành viên

III. TIÊU CHUẨN ĐÁNH GIÁ

Các tiêu chuẩn để đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển gồm:

1. Các điều kiện về tài chính

2. Yêu cầu về kỹ thuật

3. Yêu cầu về kinh nghiệm

B. HỒ SƠ MỜI THẦU

I(A). THƯ MỜI THẦU

(Áp dụng đối với công trình đã thực hiện bước sơ tuyển)

Ngày... tháng... năm 19...

Kính gửi: (Tên công ty)

1. (Tên bên mời thầu) chuẩn bị tổ chức đấu thầu xây lắp công trình ............................ (ghi tóm tắt nội dung và địa điểm xây dựng công trình). (Tên bên mời thầu) xin mời (tên công ty) tới tham dự đấu thầu xây lắp công trình...................................

2. Nhà thầu đăng ký tham dự đấu thầu sẽ được mua một bộ hồ sơ mời thầu hoàn chỉnh tại (ghi địa chỉ bán hồ sơ) trong thời gian (ghi rõ thời gian bán hồ sơ) với một khoản lệ phí là........... (ghi loại tiền, số lượng bằng số và bằng chữ).

3. Tất cả các hồ sơ dự thầu đều phải kèm theo một bảo lãnh dự thầu là...................................... (ghi loại tiền, số lượng bằng số và bằng chữ) và phải được chuyển đến (ghi rõ địa chỉ) vào hoặc trước...... giờ, ngày..... tháng..... năm 19...

4. Hồ sơ dự thầu sẽ được mở vào........ giờ, ngày..... tháng..... năm 19... tại (địa điểm mở thầu).

Đại diện bên mời thầu

(Ký tên, đóng dấu)

I(B). THÔNG BÁO MỜI THẦU

(Áp dụng đối với công trình không tiến hành sơ tuyển)

1. (Tên bên mời thầu) chuẩn bị tổ chức đấu thầu xây lắp công trình........................... tại......................... (ghi địa điểm xây dựng công trình).

2. (Tên bên mời thầu) xin mời các nhà thầu có đủ điều kiện và năng lực tới tham dự đấu thầu xây lắp công trình......................

3. Các nhà thầu có đủ điều kiện, năng lực và muốn tham dự đấu thầu công trình, có thể tìm hiểu thêm các thông tin và mua hồ sơ mời thầu tại.................... (ghi rõ địa chỉ).

4. Các nhà thầu đăng ký tham dự đấu thầu sẽ được mua một bộ hồ sơ mời thầu hoàn chỉnh với một khoản lệ phí là................ (loại tiền, số lượng bằng số và bằng chữ).

5. Tất cả các hồ sơ dự thầu đều phải kèm theo một bảo lãnh dự thầu là.................... (loại tiền, số lượng bằng số và bằng chữ) và phải được chuyển đến (ghi rõ địa chỉ) vào hoặc trước.......... giờ, ngày...... tháng..... năm 19...

6. Hồ sơ dự thầu sẽ được mở vào..... giờ, ngày.... tháng..... năm 19.... tại (địa điểm mở thầu).

Đại diện bên mời thầu

(Ký tên, đóng dấu)

II. MẪU ĐƠN DỰ THẦU

Kính gửi:................... (tên bên mời thầu)

1. Sau khi xem xét kỹ các điều kiện của công trình, đặc điểm kỹ thuật, các bản vẽ, các bảng tiên lượng và các thông tin khác của hồ sơ mời thầu.

Chúng tôi, người ký tên dưới đây xin được thực hiện và hoàn thành các công việc đã nêu trên và bảo hành sửa chữa bất kỳ một sai sót nào theo đúng với điều kiện của hợp đồng, đặc điểm kỹ thuật, các bản vẽ, tiên lượng dự toán và các văn bản khác với tổng số tiền là:........... ............ (loại tiền, số lượng bằng số và bằng chữ).

2. Chúng tôi xác nhận rằng các bản phụ lục kèm theo đây là một phần trong hồ sơ dự thầu của chúng tôi.

3. Nếu hồ sơ dự thầu của chúng tôi được chấp thuận, chúng tôi xin cam kết sẽ tiến hành thực hiện ngay công việc khi nhận được lệnh khởi công và hoàn thành bàn giao toàn bộ công việc đã nêu trong hợp đồng theo đúng thời hạn.

4. Hồ sơ dự thầu của chúng tôi có hiệu lực đến ngày.... tháng.... năm 19... và có thể được chấp thuận vào bất kỳ lúc nào trước thời hạn đó.

5. Cho đến khi một thoả thuận được hình thành, thì hồ sơ dự thầu này cùng với thông báo trúng thầu của (bên mời thầu) sẽ là một cam kết ràng buộc giữa hai bên.

Ngày.... tháng... năm 19...

Đại diện nhà thầu

(Ký tên, đóng dấu)

III. CHỈ DẪN ĐỐI VỚI NHÀ THẦU

Mục đích chỉ dẫn là để cung cấp cho các nhà thầu những thông tin cần thiết về tính thất của công trình được đấu thầu cũng như về cách chuẩn bị và nộp hồ sơ dự thầu. Những thông tin chủ yếu trong quá trình đấu thầu sẽ bao gồm: yêu cầu về năng lực của các nhà thầu, mẫu đơn dự thầu và thời gian nộp hồ sơ dự thầu, thủ tục đánh giá hồ sơ dự thầu và điều kiện trao hợp đồng. Chỉ dẫn đối với các nhà thầu cũng phải bao gồm các thông tin liên quan khác về quá trình đấu thầu thực tế mà bên mời thầu xét thấy cần thiết.

Chỉ dẫn đối với nhà thầu gồm những nội dung chủ yếu sau:

1- Bản sao thư mời thầu

2- Phạm vi đấu thầu

3- Nguồn vốn cho dự án (nhất là đối với đấu thầu quốc tế)

4- Các điều kiện tài chính và thương mại, phương thức thanh toán

5- Các yêu cầu về tư cách và năng lực đối với các nhà thầu

6- Các yêu cầu về chất lượng của vật liệu, thiết bị và dịch vụ

7- Yêu cầu mỗi nhà thầu chỉ được có một đơn dự thầu

8- Chi phí tham gia đấu thầu (kể cả chi phí khảo sát hiện trường và chuẩn bị hồ sơ dự thầu) do nhà thầu tự thu xếp

9- Các yêu cầu về "khảo sát hiện trường" nếu có

10- Nội dung tài liệu đấu thầu và tài liệu cần chuẩn bị trong hồ sơ dự thầu

11- Thuyết minh tài liệu đấu thầu

12- Sửa đổi tài liệu đấu thầu, nếu có (kèm theo phụ lục)

13- Ngôn ngữ sử dụng trong hồ sơ dự thầu

14- Các điều kiện về giá thầu

15- Các điều kiện về loại đồng tiền bỏ thầu đối với đấu thầu quốc tế

16- Các điều kiện về thời hạn hiệu lực của hồ sơ dự thầu

17- Các điều kiện về việc cung cấp bảo lãnh dự thầu (giá trị và loại tiền)

18- Các điều kiện về việc nộp "Hồ sơ dự thầu phụ", nếu có

19- Các điều kiện tổ chức họp "tiền đấu thầu", nếu cần

20- Thủ tục chi tiết nộp hồ sơ dự thầu

21- Thời gian nộp hồ sơ dự thầu

22- Thủ tục giải quyết các hồ sơ dự thầu nộp muộn

23- Thủ tục sửa đổi hoặc rút hồ sơ dự thầu

24- Thủ tục mở hồ sơ dự thầu

25- Yêu cầu giữ bí mật việc xem xét và đánh giá hồ sơ dự thầu

26- Thủ tục giải thích hồ sơ dự thầu trong quá trình đánh giá

27- Các điều kiện quy định "sự phù hợp" của hồ sơ dự thầu

28- Thủ tục sửa chữa lỗi số học trong hồ sơ dự thầu

29- Thủ tục chuyển đổi các loại tiền bỏ thầu khác nhau sang một loại tiền thông dụng

30- Các điều kiện "ưu đãi nhà thầu trong nước" nếu áp dụng

31- Thủ tục đánh giá hồ sơ dự thầu

32- Các điều kiện về quyền của bên mời thầu chấp nhận hoặc loại bỏ hồ sơ dự thầu

33- Thủ tục trao hợp đồng (bao gồm việc công bố và ký kết chính thức)

34- Yêu cầu về việc nộp bảo lãnh thực hiện hợp đồng (giá trị và loại tiền)

35- Các điều kiện hoàn trả bảo lãnh dự thầu

36- Các yêu cầu hoặc điều kiện khác mà bên mời thầu cho là cần thiết trong quá trình đấu thầu

IV. CÁC ĐIỀU KIỆN CHUNG VÀ ĐIỀU KIỆN CỤ THỂ CỦA HỢP ĐỒNG

Các điều kiện chung và điều kiện cụ thể của hợp đồng được áp dụng tuỳ theo tính chất của từng dự án trên cơ sở hướng dẫn của FIDIC (Hiệp hội quốc tế các kỹ sư tư vấn).

V. MẪU BẢO LÃNH DỰ THẦU

Ngày...... tháng...... năm 19....

Kính gửi: (Tên chủ đầu tư)

Ngân hàng (ghi tên ngân hàng) có trụ sở tại (ghi địa chỉ của ngân hàng) chấp thuận gửi cho (ghi tên chủ đầu tư) một khoản tiền là (ghi loại tiền, số lượng bằng số và bằng chữ) để bảo lãnh cho nhà thầu..... .......... tham dự đấu thầu công trình................................ Ngân hàng chúng tôi xin cam kết trả cho (ghi tên chủ đầu tư) số tiền nói trên ngay sau khi nhận được văn bản yêu cầu mà không cần chứng minh số tiền phải trả là do nhà thầu.................... vi phạm một hoặc các điều kiện sau đây:

1. Nếu nhà thầu rút đơn dự thầu trong thời hạn có hiệu lực của hồ sơ dự thầu đã quy định trong đơn dự thầu.

2. Nếu nhà thầu đã được chủ đầu tư thông báo trúng thầu trong thời hạn có hiệu lực của đơn dự thầu mà nhà thầu:

a) Từ chối thực hiện hợp đồng.

b) Không có khả năng nộp hoặc từ chối nộp bảo lãnh thực hiện hợp đồng.

Bảo lãnh này có giá trị trong.......... ngày kể từ ngày hết hiệu lực của hồ sơ dự thầu. Bất cứ yêu cầu nào liên quan đến bảo lãnh này phải gửi tới ngân hàng trước thời hạn nói trên.

Tên ngân hàng bảo lãnh

(Ký tên, đóng dấu)

VI- MẪU THOẢ THUẬN HỢP ĐỒNG

(Mẫu tham khảo)

Ngày.... tháng.... năm 19....

I. Căn cứ ký hợp đồng:

- Căn cứ yêu cầu xây dựng và hoàn thành công trình............. của (chủ đầu tư).

- Căn cứ thông báo trúng thầu ngày..... tháng.... năm 19...

II. Giải thích các thuật ngữ:

III. Đại diện chủ đầu tư và nhà thầu:

1. Đại diện chủ đầu tư:

- Tên chủ đầu tư.................................................

- Tên, chức vụ người đại diện (hoặc của người được uỷ quyền)

- Địa chỉ........................................................

- Số tài khoản.................... Tại ngân hàng.................

2. Đại diện nhà thầu:

- Tên nhà thầu...................................................

- Tên, chức vụ người đại diện (hoặc của người được uỷ quyền)

- Địa chỉ........................................................

- Số tài khoản.................... Tại ngân hàng.................

IV. Nội dung của hợp đồng:

1- Nội dung của hợp đồng bao gồm các từ và thuật ngữ được hiểu theo cùng nghĩa đã xác định trong bản điều kiện chung và điều kiện cụ thể của hợp đồng.

2. Các tài liệu sau đây được coi là một phần của hợp đồng này:

a) Văn bản hợp đồng

b) Thông báo trúng thầu

c) Đơn dự thầu và phụ lục kèm theo

d) Bản thuyết minh kỹ thuật

e) Bản tiên lượng tính giá dự thầu

f) Bản vẽ thiết kế

g) Các phụ lục bổ sung

h) Điều kiện chung của hợp đồng

i) Điều kiện cụ thể của hợp đồng

3- Đối tượng sản phẩm của hợp đồng là............................

4- Yêu cầu về số lượng, chất lượng, chủng loại, quy cách, mỹ thuật.

5- Giá trị hợp đồng (theo công việc, công đoạn, hạng mục, tổng giá trị của hợp đồng).................................................

6- Thời gian nghiệm thu, bàn giao, thanh toán....................

7- Phương thức và điều kiện thanh toán...........................

8- Thời gian thực hiện và hoàn thành (thời gian bắt đầu, kết thúc, nghiệm thu, bàn giao, thanh toán)...............................

9- Trường hợp bất khả kháng

10- Bảo hiểm

11- Đền bù

12- Biện pháp đảm bảo việc ký kết hợp đồng.......................

13- Phạt khi vi phạm hợp đồng (hoặc thưởng, nếu có)..............

14- Xử lý khi có tranh chấp hợp đồng.............................

15- Những nội dung và điều kiện điều chỉnh hợp đồng (nếu có).....

16- Bảo hành

17- Cam kết thanh toán

18- Bảo mật

19- Các phụ lục

20- Hiệu lực hợp đồng

Hợp đồng này được lập thành (số bản) bằng (ngôn ngữ) và có giá trị ngang nhau.

Ngày.... tháng.... năm 19...

Đại diện nhà thầu Đại diện chủ đầu tư

(Ký tên, đóng dấu) (Ký tên, đóng dấu)

VII. MẪU BẢO LÃNH THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG

Ngày.... tháng.... năm 19...

Kính gửi: (Tên chủ đầu tư)

Ngân hàng (tên ngân hàng) có trụ sở tại (ghi địa chỉ của ngân hàng)

Do (tên nhà thầu) đã cam kết theo hợp đồng số......, ngày..... tháng.... năm 19.... thực hiện xây dựng công trình.................... và do yêu cầu của (tên chủ đầu tư) trong hợp đồng là nhà thầu phải nộp giấy bảo lãnh của ngân hàng với số tiền................ (loại tiền, số lượng bằng số và bằng chữ) là sự đảm bảo trách nhiệm của nhà thầu trong thời gian thực hiện hợp đồng đã ký.

Chúng tôi đồng ý cấp cho nhà thầu giấy bảo lãnh này và khẳng định rằng chúng tôi thay mặt cho nhà thầu chịu trách nhiệm trực tiếp (tên chủ đầu tư) với số tiền đảm bảo là................ (loại tiền, số lượng bằng số và bằng chữ).

Khi nhận được văn bản yêu cầu của (tên chủ đầu tư) và không cần bất kỳ sự giải thích nào, chúng tôi cam đoan sẽ trả cho (tên chủ đầu tư) (loại tiền, số lượng bằng số và bằng chữ).

Giấy bảo lãnh này có hiệu lực đến ngày.... tháng.... năm 19...

Tên ngân hàng bảo lãnh

(Ký tên, đóng dấu)

THE GOVERNMENT

------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence - Freedom - Happiness
------------

No. 43-CP

Hanoi ,July 16, 1996

 

DECREE

PROMULGATING THE REGULATION ON BIDDING

THE GOVERNMENT

Pursuant to the Law on Organization of the Government of September 30, 1992;
At the proposals of the Minister of Planning and Investment, the Minister of Construction and the Minister of Trade,

DECREES:

Article 1.- To promulgate together with this Decree the Regulation on Bidding.

Article 2.- This Decree takes effect from the date of its signing. The earlier stipulations which are contrary to this Decree are now annulled.

Article 3.- The Ministers, the Heads of the ministerial-level agencies, the Heads of the agencies attached to the Government, the Presidents of the People’s Committees of the provinces and cities directly under the Central Government and the project owners shall have to implement this Decree.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 

 

ON BEHALF OF THE GOVERNMENT
THE PRIME MINISTER




Vo Van Kiet

 

REGULATION ON BIDDING
(promulgated together with Decree No.43-CP of July 16, 1996 of the Government)

The Regulation on Bidding is promulgated with a view to achieving the uniform management of bidding activities throughout the country, ensuring the rightness, objectivity, fairness and competitiveness in bidding for investment projects or parts of investment projects regarding the selection of consultants, procurement of materials and equipment or construction and installation so as to carry out investment projects on the territory of the Socialist Republic of Vietnam.

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1.- Interpretation of terms

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. "Bidding" is a process of selecting bidders who meet the requirements of the tenderer on the basis of the competition among bidders.

2. "Evaluation of bids" is a process of analyzing and evaluating the bids so as to select winning bidders.

3. "Tenderer" is a project owner or the lawful representative of the project owner who has an investment project offered for bidding.

4. "Agency competent to decide the investment" is:

- The Managing Council or Managing Board, if the investment capital is owned by a company or cooperative; or

- A State organization or agency which is competent or authorized as such, as prescribed by law, if the investment capital is State capital.

5. "Bidder" is an eligible economic organization which has the legal person status for participating in a bid. A bidder may be an individual if bid is for the selection of consultant(s).

6. "Bidding package" is part of the investment project, determined according to the characteristics or order of execution of the project. It must have a reasonable size and must ensure the uniformity of the project in the selection of the bidder. A bidding package may also be the whole project.

7. "Investment and Construction consultancy" is the activities to meet the tenderers requirements on professional knowledge and experiences needed for its consideration, decision and examination of the preparation process and execution of the investment.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



9. "Materials and equipment" are the complete or incomplete sets of equipment, finished products or semi-finished products, raw materials and materials.

10. "Prequalification" is the preliminary selection of the eligible and capable bidders to participate in the bid.

11. "Bid submission" is the time-limit for receiving bid dossiers as prescribed in the tenderers invitaion.

12. "Bid opening" is the moment of the opening of bid dossiers, as prescribed in the tenderers invitation.

13. "Shortlist" is the limited list of bidders selected through the evaluation of bids.

Article 2.- Scope and objects of the Regulation on Bidding.

The Regulation on Bidding shall be applied to select bidders for investment projects and the bidding must be organized in Vietnam, including:

a/ Investment projects ratified by the agency competent to decide the investment in accordance with the Regulation on the Management of Investment and Construction.

b/ Joint venture investment projects (or business cooperation projects) between foreign parties and Vietnamese State enterprises whose capital contributions must account for at least 30% of the prescribed capital of such projects.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



d/ Other investment projects for which the project owners decide to organize the bidding.

e/ With regard to projects using capital from aid sources provided by international or foreign organizations, the agency authorized to negotiate and sign agreements, must submit, before the signing, the provisions which are contrary to this Regulation to the Prime Minister for consideration and decision.

Article 3.- Forms of selecting bidders and applicable modes.

1. Forms of selecting bidders:

a/ Unrestricted bidding.

Unrestricted bidding is a bidding in which the number of participating bidders is not limited. The tenderer must announce publicly the bidding on the mass media and clearly describe the conditions as well as deadline for the bid submission. For big bidding packages involving technological and technical complexities, the tenderer must conduct a prequalification to choose the eligible and capable bidders.

b/ Restricted bidding.

Restricted bidding is a bidding in which the tenderer shall invite only a number of bidders who are capable of meeting the terms of the tenderers.

c/ Appointed bidding.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Applicable modes:

a/ One-dossier bag bidding (one envelope).

Under this mode, the bidder shall have to submit one dossier bag that contains technical and financial solutions, the bidding price and other conditions.

b/ Two-dossier bag bidding (two envelopes).

Under this mode, the bidder shall have to simultanously submit two separate dossier bags which contain technical solutions and financial offers respectively. The dossier with technical solutions shall be considered first for evaluation and classification. The bidder who ranks first for technical solutions shall have his/her second dossier bag with financial offers considered. In case such bidder fails to meet the financial requirements and terms of the contract, the tenderer shall have to ask the agency competent to decide the investment for permission to invite the next bidder for consideration.

c/ Two-phase bidding.

This mode is applied to big projects involving technological and technical complexities or B.T. (Building and Transfer) projects. In the course of consideration, the project owner shall complete his/her technological, technical and financial requirements in the tenderer’s invitation.

First phase: The bidders submit their preliminary technical and financial solutions (without bidding prices) so that the tenderer may consider and discuss in details with each of the bidders to reach an agreement on the technical conditions and criteria, enabling them to prepare and submit their official technical solutions.

Second phase: The tenderer asks the bidders participating in the first phase to hand over their complete technical solutions on the same technical floor and complete their proposals on the financial terms, the tempo of construction, the terms of the contract and bidding prices for evaluation and classification.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



This mode is applied only to bidding packages for procurement of simple and small-scale materials and equipment. Each bidding package must have at least three price offers from three different bidders on the basis of the requirements of the tenderer. The bidder who meets the requirements and offers the lowest bidding price shall be considered for the award of the contract.

e/ Direct procurement.

This mode is applicable, with permission from the agency competent to decide the investment, to those materials and equipment urgently needed for the completion of the project, which were earlier offered for bidding and their purchase is already permitted by the agency competent to decide the investment.

f/ Direct bidding assignment.

This is a mode whereby a highly reliable bidder shall be directly chosen for consideration and negotiation about the contract. This mode is applied only to small-scale bidding packages of under 500 million VND and bidding packages with the bidders appointed and approved by the Prime Minister. In case the appointed bidder fails to meet the requirements of the tenderer, the project owner shall be entitled to propose replacement to negotiate the contract with the agency competent to decide the investment for consideration.

g/ Self-performance.

This mode is applicable only to projects allowed by Regulation on the Management of Investment and Construction.

Article 4.- Forms of contract and modes of their performance.

The signing of a contract between the tenderer and the winning bidder is compulsory. Such contract must be made on the following principles:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ The bidding price written in the contract is the price ratified by the agency competent to decide the investment and must not be changed in the process of the implementation of the contract.

c/ The legal provisions on contracts of the Socialist Republic of Vietnam must be strictly observed.

Depending on the characteristics of the bidding package, the form of the contract to be signed may be:

- A consultancy contract,

- A contract for the procurement of materials and equipment,

- A contract for construction and installation; or

- A project contract.

The mode of contract implementation shall be selected according to the time-limit and price conditions written in the contract, which may be either:

- A package contract (with package price);

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- A contract with re-adjustment of price.

1. Package contract: The package contract is a contract carried out with package price, applicable to bidding packages which are clearly defined in terms of quantity, quality and time-limit... The winning bidding price shall be the price for the payment of the contract.

2. Turn-key contract: is applicable only to projects approved by the agency competent to decide the investment to offer bidding for the whole project (designing, procurement of materials and equipment or construction and installation...). The project owner shall examine and take over the project when the contractor has fulfilled the contract in accordance with the contents and value written in the contract.

3. Contract with re-adjustment of price: is applicable to complicated contracts for which the quantity and volume cannot be determined exactly at the time of their signing or which have suffered from a big fluctuation of prices and have been executed for at least 12 months.

Written in a contract with re-adjustment of price must be lists of the adjusted prices, the conditions, formula and limit of price adjustment, ratified in writing by the agency competent to decide the investment, certifying causes of the price fluctuation (such as labor, raw materials and materials, equipment...).

Article 5.- Plan for project bidding.

A plan for project bidding drafted by the tenderer must be ratified by the agency competent to decide the investment. In the absence of the conditions for drafting a plan on the bidding for the whole project, the tenderer may elaborate a plan for bidding for the project part by part according to investment phases.

The content of a plan for project bidding shall include:

1. Division of the project into various bidding packages.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Form of bidder selection and applicable mode.

4. Time-table to organize bidding for each bidding package.

5. Mode of the contract performance.

6. Duration of the performance of the contract.

Article 6.- Conditions for tendering and bid participation.

1. Conditions for tendering:

The tenderer must prepare the following documents:

- The decision on the investment or investment license issued by the competent agency. In case of a bid for consultancy on feasibility, there must be a written approval from the agency competent to decide the investment.

- The ratified bidding plan.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Conditions for bid participation:

A bidding participant must meet the following conditions:

- Having a business permit or an operation license.

- Technically and financially capable of meeting the requirements defined in the tendering dossier.

- Having a regular bid and entitled to only one application for one bidding package, either as an individual or co-bidder.

Article 7.- Conditions for international bidding and privileges to domestic bidders.

1. The project owner shall be entitled to participate in international bidding only in the following cases:

a/ Bidding packages with no or only one domestic bidder capable of meeting the conditions of the project.

b/ The projects using capital from aid sources provided by international or foreign organizations, which must be opened for international biddings as stated in the agreement.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Domestic bidders who have participated in and won international biddings shall be entitled to privileges in accordance with particular provisions of the State.

4. A foreign bidder participating in an international bidding organized in Vietnam must join a Vietnamese bidder or to use sub-contractors in the construction and installation or in the procurement of suitable materials and equipment which can be produced or processed in Vietnam.

Article 8.- Clarification and amendment of the bidding documents.

The bidders are not allowed to change their bids after the deadline for bid submission. In the process of evaluating and comparing the bids, the tenderer may ask the bidder to clarify several issues, but not change the basic contents of the bid and bidding prices. All clarification requests by the tenderer and the replies by the bidder must be made in writing. Any explanation by the bidder that leads to a change of the proposed bidding prices shall not be considered. The tenderer shall keep all papers requesting the clarification and relevant explanations.

Article 9.- Deadline for bid submission and period of validity of bids.

The tenderer must clearly state the deadline for bid submission and period of validity of bids in the tendering dossier. A deadline for bid submission must be set, depending on the size and the complexity of the bidding package, but must not exceed 60 days for a consultancy bid or a materials and equipment procurement, and 90 days for a construction and installation bid, counting from the date of issuance of the tendering dossier. In specific cases where the tenderer needs to amend the tendering dossier and the bid submission is still valid, the deadline for bid submission may be extended. The proposed amendments must be made in writing and sent in writing by the tenderer to the participating bidders at least 10 days before the deadline for bid submission so that the bidders may complete their bids.

The period of validity of bids is counted from the bid submission deadline to the date when the winning bidder is announced. In case of an extension of the period of validity of bids, the tenderer must notify the bidders thereof. If the bidders refuse to accept the extension, the bid securities shall be returned to them.

Article10.- Bid opening, classification, selection and announcement of bidding result.

1. Bid opening: The bids submitted on time shall be accepted and monitored by the tenderer in accordance with the regulations on the keeping of confidential documents. The bid opening shall be conducted publicly in accordance with the date, time and place stated in the tendering dossier. The bid opening must be witnessed and certified by the representatives of the local State administrative agencies (province or city directly under the Central Government). The representatives of the tenderer and of the participating bidders (if any) must affix their signatures on the bid opening report.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Any application for bid which varies with the terms announced by the tendering dossier shall be excluded.

2. Classification of the bidders: The regular bids shall be considered, evaluated in details and compared for classification by the tenderer on the basis of the tendering dossier and the evaluation criteria approved by the agency competent to decide the investment before the bid opening.

3. Selection of bidders and annoucement of the bid result:

The bidding result must be submitted to the agency competent to decide the investment for ratification.

The tenderer shall announce the bid result only when the winning bidder is approved in writing.

Article 11.- Bid currency and language used in bidding documents.

Bid currency is the currency prescribed by the tenderer in the tendering dossier. The applicable exchange rates for Vietnam Dong and foreign currencies shall be the rates announced by the Vietnam State Bank at the time of the bid opening.

The language used in bidding documents shall be Vietnamese (for domestic biddings), and Vietnamese or English (for international biddings).

Article 12.- Confidentiality of dossiers, documents and information.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Not disclosing the contents of the tendering dossier to anyone before the date of its issuance by the project owner.

- Not bringing home or lending to other persons the bid dossiers, notebooks, records of meetings for bid consideration, opinions and comments of the specialists or consultants on each bidder and other related documents sealed or marked with "secret" or "top secret" stamps.

- Not disclosing the result of the bidder evaluation and classification to anyone before the project owner signs an official contract with the winning bidder.

In case of any sign of disclosure of secrets, immediate measures shall be taken in accordance with the stipulations in Article 45 of this Regulation.

Chapter II

BIDDING FOR CONSULTANCY

Article 13.- Contents of the investment and construction consultancy.

Investment and construction consultancy involves the following tasks:

- Investment preparation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Other consultancy services.

a/ Investment preparation consultancy:

- Making the feasibility study report.

- Evaluating the feasibility study report.

Consultants are not allowed to evaluate the feasibility study report made by themselves.

b/ Investment execution consultancy:

- Designing, making the total estimate and estimates.

- Evaluating the design and the total estimate.

- Establishing the tendering dossier.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Supervising the construction and installation of equipment.

Consultants are not allowed to evaluate the design, the total estimate and estimates made by themselves.

c/ Other consultancy services:

- Operation in the initial stage.

- Execution of training programs, programs on technology transfer and project management.

Article 14.- Capability and responsibility of the investment and construction consultants.

- An investment and construction consultant must have a certificate of his/her professional qualifications as required by the project.

- An investment and construction consultant shall take responsibility before the project owner and law for the correctness, accuracy and objectivity of his/her professional work and the completion of the work in accordance with provisions of the contract.

Article 15.- Forms of investment and construction consultancy.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Hiring consultancy organizations with legal person status (governmental or non-governmental companies, firms, units or complexes...) which operate in accordance with law.

- Hiring directly a consultant (such a consultant may operate independently or for an organization with legal person status).

Article 16.- Procedures for bidding to select investment and construction consultants.

The tenderering party shall conduct a bidding for the selection of investment and construction consultants according to the following proceedings:

1. Appointing a group of specialists to assist the bidding.

2. Elaborating a plan for consultant selection: Clearly defining the purposes, contents, scope of the work and execution plan, duties and responsibilites of the consultants. The above contents must be stated in the "Terms of reference" of the contract. The "Terms of reference" shall also define the responsibilities of the tenderer.

3. Announcement of the bidding

4. Invitation for consultancy biddings: A tendering dossier for consultancy shall be sent to the selected bidders and include the following:

- The tender.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Basic information related to the project.

- Main criteria for evaluation.

- Attached detailed appendice.

5. Acceptance and monitoring of the bids

6. Bid opening

7. Bid evaluation: The evaluation of bids shall be conducted in accordance with the criteria provided for in the tendering dossier. Where the mode of the two-dossier bag bidding is applied, the tenderer shall first open the dossier with technical solutions for consideration, evaluation and classification to be submitted to the competent agency which shall decide whether to include such a bidder in the list of bidders obtaining 65% of the total of points. The bidder ranking first for his/her technical solutions shall have his/her envelope with financial solutions opened for consideration by the tenderer and shall be invited to negotiate the contract.

In case the negotitation with the first ranking bidder in terms of technical solutions fails, the tenderer shall ask permission from the agency competent to decide the investment to conduct negotitation with the next bidder.

Announcement of the winning bidder and signing of the contract: Basing himself on the ratified bidding results, the project owner shall inform the bidders who have participated in the bid, including the winning bidder, of the bidding results and at the same time sign an official contract with the consultant of the winning bidder.

Article 17.- Consultancy cost.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Cost of hiring consultancy experts (basic wages, social fees, management fees, corporation interests and other allowances for experts)

Cost outside salary (air fares, travel allowances, fees on stationery, information, working and training facilities...)

Reserve fees.

The reserve fees shall be used only when there is approval by the agency competent to decide the investment and shall not exceed 10% of the value of the contract.

2. With regard to the cost of domestic consultancy, the current State regulations shall apply.

Article 18.- Appendix I

The bidding notice and tendering dossier shall be made in accordance with the guidances in Appendix I attached to this Regulation(1).

Chapter III

BIDDING FOR THE PROCUREMENT OF MATERIALS AND EQUIPMENT

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Appointing a group of specialists to assist the bidding.

2. Preparation of the tendering dossier.

- Announcement of the bidding.

- Instructions to bidders.

- Requirements on technology, materials, equipment and their technical properties.

- Price index.

- General conditions and specific conditions of the contract.

- Bid security.

- Agreed form of the contract.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



With regard to prequalification bid dossiers (applicable to equipment of complicated technologies), only the main conditions are required so that the eligible bidders may be quickly selected, who can continue participating in the bidding (as applicable to prequalification of bidders for construction and installation)

3. Bid announcement:

The bid shall be notified to the bidders in a way to be chosen by the tenderer and suited to the bidding form. The supply of the tendering dossier to the bidders (sold or supplied free of charge) shall be stipulated by the tenderer.

4. Bid submission: The bidders shall submit their bids at the place and time prescribed in the tendering dossier.

5. Bid opening, classification of bidders, selection and announcement of the winning bidders.

The tenderer shall organize the bid opening, classify the bidders, select and announce the winning bidders in accordance with the procedures stipulated in Articles 10 and 22 of this Regulation.

Article 20.- Instructions to bidders.

The tenderer shall have to explain its requirements and the procedures to be observed by the bidders, which include the following main contents:

- A brief description of the project.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Capability, experiences and legal status of the bidders; evidences and information related to the bidders in a 5-10 year period prior to the bidding.

- Arrangement for the bidders to visit the site (if any) and answering their questions.

Article 21.- Bid security (deposit for the bid).

The bidder must pay a bid guarantee together with the bid dossier. The bid security shall be equivalent to 1%-3% of the total estimated value of the bidding price. In a number of cases, the tenderer may set a unique bid security for all bidders in order to preserve the secrecy of the bidding prices.The tenderer shall stipulate form, conditions and a bank for the bidders to deposit their bid securities. The securities shall be returned to the losing bidders within 30 days after the announcement of the bidding result. The bidders shall not have their bid securities returned in the following cases:

- They refuse to execute the contract after having won the bidding.

- They withdraw the bids after the deadline for bid submission.

- They seriously violate the Regulation on Bidding.

After the payment of the performance security, the winning bidder shall have the bid security returned.

Article 22.- Evaluation, classification of the winning bidders and submission for ratification of the bidding result.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The tenderer shall examine the regularity of the bids in accordance with the regulations.

Summing up the data of the bid dossier: The tenderer shall examine and summarize main data to be included in a general evaluation report before considering and evaluating the bids.

Evaluation of the bids: The regular bids shall be considered, evaluated in details and compared with each other by the tenderer on the basis of the following criteria:

a/ Capability and experiences of the bidder:

Technical capability (main commercial products, the personnel and their professional qualifications...)

Financial and business capability (turnover and profit...)

Experiences in the execution of contracts of similar type in Vietnam and other countries in the region.

b/ Technical criteria:

The bidder must be capable of meeting the requirements on technology, quality of materials and equipment and their technical properties stated in the tendering dossier.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- The rationality and economic efficiency of the technical solutions and measures for the materials and equipment supplied.

- Capability for equipment installation and qualifications of the technicians.

- Geographical adaptability.

- Evaluation of the environmental impacts and solutions thereof.

c/ Financial capability and offered prices: The financial capability and the financial supply capability and conditions (if so required) and the bidding price of each bidder shall be considered.

d/ Ensuring of the time-limit for the contract performance as stated in the tendering dossier.

e/ Technology transfer.

f/ Training.

g/ Other necessary criteria.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Evaluation of bids.

The bids shall be considered, evaluated and classified in accordance with the criteria ratified by the agency competent to decide the investment before the bid opening.

In cases where all the applications for the bid are not eligible, the tenderer shall propose to the agency competent to decide the investment to reorganize the bidding or request all the bidders to offer other bidding prices or change other conditions if necessary.

3. Announcement of the winner and the signing of the contract

The tenderer shall announce the bidding results and negotiate to sign an official contract with the winning bidder only after a written approval thereof is issued by the agency competent to decide the investment.

Article 23.- Performance security (deposit for the contract performance).

Performance security is the bidders commitment to perform the contract. Depending on the form and size of the contract, the performance security money may represent 10%-15% of the contracts total value. In specific cases, the requested performance security may exceed 15% but it must be approved by the agency competent to decide the investment. The performance security shall be effective until the end of the guaranty period of the contract. The detailed content of the performance security document shall be as follows:

- The time-limit for performance security payment shall not exceed 30 days from the date on which the bidder receives the notice on his/her bid winning.

- Conditions for the performance security.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Currency for the performance security.

Article 24.- Appendix II.

A tendering dossier for the procurement of materials and equipment shall be made in accordance with the instructions in Appendix II attached to this Regulation(1).

Chapter IV

BIDDING FOR CONSTRUCTION AND INSTALLATION

Article 25.- Procedures for organization of bidding.

1. Appointing a group of specialists to assist the bid.

2. Prequalification of the bidders (if any).

3. Preparation of the tendering dossier.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5. Acceptance and management of the bids.

6. Bid opening.

7. Evaluation and classification of the bidders.

8. Submission of the bidding results for ratification.

9. Announcing the bidding results and signing the contract.

Article 26.- Prequalification of bidders:

The prequalification is applicable only to big contracts for the selection of bidders who have enough capabilities and experiences to carry out the projects.

The prequalification shall be conducted according to following order:

a/ Preparation of prequalification dossier:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Instructions for the prequalification.

- Criteria for the evaluation of the prequalification.

- Attached appendice.

b/ Announcement of invitation for the prequalification and acceptance of the bids for prequalification.

c/ Evaluation of the bids for prequalification.

d/ Announcement of the prequalification result.

Article 27.- Tendering dossier.

A tendering dossier includes:

- A letter of invitation for bidding (in case of a prequalification), or announcement of invitation for the bidding (in case of no prequalification).

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Instructions to bidders.

- A dossier of technical designs with a prognostic and technical instructions thereof.

- Bidding tempo.

- General and specific conditions of the contract.

- Bid security.

- Agreed form of contract.

- Performance security.

Article 28.- Announcement of tender.

An announcement of tender includes:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Brief description of the project, place and time for contruction...

- Instructions for the tendering dossier.

- Conditions for the bidders.

- Deadline and place for bid submission.

The tenderer shall choose the suitable form to inform the bidders of the bidding in the appropriate form already adopted.

Article 29.- Instructions to bidders.

The main contents shall include:

- Brief discription of the project and the scope of the bidding.

- The applicable technical norms.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Conditions for the bidders participating in the bidding (legal person status, experiences, technical and financial capabilities...)

- Arrangement of a visit to the site and answering the bidders queries.

Article 30.- Bidding dossier.

A bidding dossier for contruction and installation contains:

- Application for the bidding.

- A copy of the business license and professional certificate.

- Documents showing the bidders capability.

- Measures for overall construction and measures for construction of specific parts of the project.

- Organization of the construction and progress of the contract performance.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Bid security.

Article 31.- Bid security (deposit for the bid).

The bid security for construction and installation shall be the same as for bidding for the procurement of materials and equipment in Article 21 of this Regulation.

Article 32.- Performance security (deposit for the contract performance).

The performance security for construction and installation shall be the same as for the bidding for the procurement of materials and equipment in Article 23 of this Regulation.

Article 33.- Evaluation and classification of bidders.

The evaluation and classification of bidders shall be conducted in the following steps:

1. Consideration of the bids:

- Examination of the bids regularity.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- In case of any arithmetic mistake, the tenderer shall have to correct it and promptly inform the bidder thereof. If the bidder does not accept it, he/she shall be excluded from the bidding.

- Every update information on any bidder, which is contrary to the bid, shall be considered and examined.

2. Conversion of the bidding prices and technical norms on one price floor for evaluation and comparision.

3. Evaluation and comparision of bids: The bids shall be evaluated and compared by each set criterion then summed up for an overall evaluation.

Main contents to be considered when the criterion-by-criterion evaluation is made:

a/ Technical and quality criteria:

- The bidders capability to meet the requirements on techniques and quality of the materials and equipment described in the design dossier.

- The rationality and feasibility of the technical solutions and measures for the organization of construction.

- Guarantee of the environmental hygiene and other safety conditions like fire prevention and labor safety...

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ Criteria on the bidders experiences:

- Experiences in executing projects with similar technical, geographical and construction conditions.

- The number and qualifications of cadres and technicians, who shall directly involve in the execution of the project.

c/ Financial and price criteria:

- The bidders financial capability to meet the requirements of the project.

- The suitability of the bidding price with the approved total estimate or the estimates.

d/ Criteria on the progress of construction:

- The ability to ensure the overall construction tempo as stated in the tendering dossier.

- The rationality of the tempo of completion of related parts of the project.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 34.- Ratification of the bidding results.

Based on the result of the evaluation of the bids, the tenderer shall classify the bidders in accordance with the approved evaluation criteria. The result of the evaluation and classification of the bidders must be ratified by the agency competent to decide the investment.

In cases where all the bids fail to meet the set conditions, the tenderer shall propose the reorganization of the bidding to the agency competent to decide the investment. If the bids fail to meet the financial and price conditions, the tenderer shall propose to the agency competent to decide the investment to allow the bidders to offer new bidding prices or to reorganize the bidding.

Article 35.- Appendix III.

Prequalification bids and tendering dossier for construction and installation shall be made in accordance with the instructions in Appendix III attached to this Regulation(1).

Chapter V

BIDDING FOR PROJECT

Article 36.- Subjects of a project bidding.

- Projects which neednt be divided into bidding packages.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Projects which shall be carried out in the Building, Operating and Transferring (BOT).

Article 37.- Procedures for organizing a project bidding.

Procedures for organizing a project bidding shall follow stipulations in Article 25.

Article 38.- Tendering dossier and criteria for evaluation of bids.

A tendering dossier and the criteria for evaluation of bids must include the full contents of the bid for consultancy, or the bid for the procurement of materials and equipment , or the bid for construction and installation, or the bid for operation and transfer (if any).

Article 39.- Instructions for a project bidding.

A project bidding shall be conducted in accordance with the instructions provided for in a particular document, the compilation of which is presided over by the Ministry of Planning and Investment and submitted to the Prime Minister for promulgation.

Chapter VI

BIDDING MANAGEMENT

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The tenderer shall take responsibilities for the bidding organization in accordance with the ratified bidding plan:

1. Appointing a group of specialists or hiring consultants to perform the following tasks:

- Preparing legal documents and drafting tendering dossier.

- Accepting and monitoring the bids.

- Analyzing, evaluating, comparing and classifying the bids in accordance with the professional criteria and conditions set in the tendering dossier.

- Summing up the bids, preparing a report on the bidding results to be submitted to the project owner for consideration.

2. Submitting the bidding results to the agency competent to decide the investment for approval of the winning bidder.

3. Announcing the bidding results already approved.

4. Negotiating the contract with the winning bidder for the official signing.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- A group of specialists or consulting organization participating in a bidding shall have to perform the tasks stipulated at Point 1, Article 40 and have the right to express in writing their opinions honestly and objectively to the project owner in the process of analyzing, evaluating and classifying the bids.

- Experts invited by the agency competent to decide the investment to give consultancy on the selection of eligible bidders must make their written comments and take personal responsibility before law for the accuracy, honesty and objectivity of such comments.

Article 42.- Responsibilities and powers of the agency competent to decide the investment.

1. To ratify the tendering dossier, criteria for the evaluation of bids and the list of bidders invited to the bidding (shortlist).

2. To ratify the results of the selection of bidders.

3. To inspect and direct the tenderer in the strict observance of the Regulation on Bidding.

4. To inspect and direct the tenderer in signing the contract and organizing the performance of the contract with the winning bidder.

With regard to investment projects using State capital in group A (as provided for in the Regulation on the Management of Investment and Construction), the Prime Minister shall assign the Ministers, the Presidents of the Peoples Committees of the provinces and cities directly under the Central Government, and the heads of competent agencies to apply provisions at Points 1, 3 and 4 of this Article.

Article 43.- Ratification and authorized ratification of the bidding results.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The remaining biddings shall be assigned to the Ministers, the Presidents of the Peoples Committees of the provinces and cities directly under the Central Government and the Heads of the competent agencies for consideration and decision at the proposal of the project owner.

2. The agency competent to decide the investment in projects using State capital, which belong to group B (as provided for in the Regulation on the Management of Investment and Construction), shall employ his/her professional assisting apparatus and/may invite consultants when deciding the result of the selection of bidders for selecting bidding consultancy, with values ranging from 500 million to 10 billion VND; biddings for the procurement of materials and equipment or construction and installation with values ranging from 10 to 50 billion VND, based on the proposal of the project owner. Consultancy biddings worth 10 billion VND or more and biddings for the procurement of materials and equipment or construction and installation worth 50 billion VND or more must be submitted to the Prime Minister for approval before the ratification of the bidding results. The remaining bidding packages with values lower than the levels stipulated above shall be assigned to the immediate lower competent level for ratification.

3. Regarding projects of group C (as provided for in the Regulation on the Management of Investment and Construction), the agency competent to decide the investment and the Head of the authorized agency shall ratify the winners of all bidding packages of the project.

4. With regard to joint venture and business cooperation projects, the Managing Board of the related enterprise shall ratify the result of the selection of bidders, based on the agreement with the Ministry of Planning and Investment.

5. With regard to investment projects not using State capital and not guaranteed by the State Bank and the Ministry of Finance for their borrowed capitals, the project owner shall themselves decide and take responsibility for the selection of bidders.

Chapter VII

EXAMINATION, INSPECTION AND HANDLING OF VIOLATIONS

Article 44.- Examination and inspection of the organization of biddings.

The Ministries, ministerial-level agencies, agencies attached to the Government, Peoples Committees of the provinces and cities directly under the Central Government shall have to direct the specialized agencies in closely monitoring and examining the organizing of biddings for investment projects; and conduct investigation of acts with signs of violation of the Regulation on Bidding.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Any act of violation of the Regulation on Bidding, such as disclosing the confidentiality of dossiers, documents and information; of complicity, collusion or bribery... in the process of bidding shall be considered act that causes economic losses and shall be dealt with as follows:

Where the bidders commit violations, they shall be excluded from the bidding and shall not be entitled to get back their securities. If the bidders conspire to press for a bidding price, they shall be dealt with in accordance with law.

Where the tenderer commits violations, the bidding results shall be dismissed and the agency competent to decide the investment shall direct the reorganization of the bidding. The tenderer shall have to compensate for the damage caused to the bidders. Members of the professional organizations assisting the bidding, if committing violations, shall be excluded from the list of the organizations members and shall be dealt with under law, depending on the seriousness of their violations.

- Where the persons who are entitled or authorized to ratify the bidding results commit violations, they shall be dealt with under law, depending on the seriousness of their violations.

Chapter VIII

IMPLEMENTATION PROVISIONS

Article 46.- Organization of the implementation.

The Minister of Planning and Investment shall have to preside over the coordination with the Ministry of Construction, the Ministry of Trade and the other Ministries and branches concerned to provide detailed guidance for the implementation of this Regulation and consider proposals made by branches and localities in the process of implementation so as to propose to the Prime Minister the readjustment of, or supplement to the contents of the Regulation on Bidding, if necessary. They shall have to make annual reports on the results of the implementation of the Regulation on Bidding and submit them to the Prime Minister.

The Ministers, the Heads of the ministerial-level agencies, the Heads of the agencies attached to the Government, the Presidents of the Peoples Committees of the provinces and cities directly under the Central Government and the project owners shall have to implement this Regulation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



This Regulation takes effect from the date of its signing. The earlier stipulations which are contrary to this Regulation are now annulled.-

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị định 43-CP ngày 16/07/1996 ban hành quy chế đấu thầu

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


35.942

DMCA.com Protection Status
IP: 18.116.40.53
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!