THANH TRA CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1192/KL-TTCP
|
Hà Nội, ngày 27
tháng 05 năm 2013
|
KẾT LUẬN THANH TRA
VỀ VIỆC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG, CẢI TẠO, NÂNG CẤP BỆNH VIỆN ĐA
KHOA HUYỆN VÀ ĐA KHOA KHU VỰC LIÊN HUYỆN GIAI ĐOẠN 2008-2010 THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ
47/2008/QĐ-TTG NGÀY 02/4/2008 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TẠI BỘ Y TẾ VÀ UBND CÁC TỈNH:
ĐIỆN BIÊN, LẠNG SƠN, THANH HÓA, ĐẮK NÔNG, TIỀN GIANG, VĨNH LONG
Thực hiện chương trình, kế hoạch
thanh tra năm 2012 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngày 26/9/2012 Tổng
Thanh tra Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2456/QĐ-TTCP về thanh tra việc thực
hiện Đề án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng
cấp bệnh viện đa khoa huyện và đa khoa
khu vực liên huyện giai đoạn 2008-2010 theo Quyết định số 47/2008/QĐ-TTg ngày
02/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ tại Bộ Y tế và UBND các tỉnh: Điện Biên, Lạng
Sơn, Thanh Hóa, Đắk Nông, Tiền Giang, Vĩnh Long;
Xét báo cáo kết quả thanh tra ngày
20/01/2013 của Đoàn thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ đã dự thảo Kết luận thanh tra;
Sau khi có ý kiến của Phó Thủ tướng
Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý nội dung dự thảo Kết luận thanh tra (Văn bản số 844/VPCP-V.I ngày 06/5/2013 của
Văn phòng Chính phủ), Tổng Thanh tra Chính phủ kết
luận như sau:
I. KHÁI QUÁT CHUNG
VỀ ĐỀ ÁN
Đề án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng
cấp bệnh viện đa khoa huyện và đa khoa khu vực liên huyện giai đoạn 2008 - 2010
được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 47/2008/QĐ-TTg ngày
02/4/2008 (sau đây gọi tắt là Đề án 47) với mục tiêu: Đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp
về cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị và nâng cao năng lực chuyên môn cho đội
ngũ cán bộ y tế các bệnh viện đa khoa huyện và bệnh viện đa khoa khu vực liên
huyện nhằm đưa các dịch vụ kỹ thuật y tế về gần dân; tạo điều kiện thuận lợi
cho người nghèo, người dân vùng núi, vùng sâu, vùng xa được tiếp cận các dịch vụ
y tế có chất lượng ngày một tốt hơn, đồng
thời giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên. Tổng số bệnh viện được
đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị là 645 bệnh
viện đa khoa huyện và đa khoa khu vực liên huyện. Thời gian thực hiện đến năm
2010. Tổng số vốn đầu tư thực hiện Đề án khoảng 17.000 tỷ đồng, trong đó: Ngân
sách Trung ương huy động từ phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2008-2010
hỗ trợ các địa phương 14.000 tỷ đồng; Ngân sách hàng năm của các địa phương
2.200 tỷ đồng; Huy động từ các nguồn vốn hợp pháp 800 tỷ đồng; Kinh phí đào tạo,
bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế được sử dụng trong dự
toán chi thường xuyên hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách.
Tính đến 30/6/2012, Đề án đã được triển
khai trên 62 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với 591/645 bệnh viện tuyến
huyện theo danh mục được phê duyệt tại Quyết định số 47/2008/QĐ-TTg, trong đó
có 145 bệnh viện đã hoàn thành đưa vào sử dụng, số bệnh viện được đầu tư còn lại đang trong giai đoạn thi công (kể
cả nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới). Tổng
số vốn đã giải ngân cho Đề án từ nguồn vốn
trái phiếu Chính phủ (tính đến 30/6/2012) là
11.063,782 triệu đồng (phụ lục số 01).
II. KẾT QUẢ KIỂM
TRA, XÁC MINH
1. Kiểm tra tại
Bộ Y tế
1.1. Việc chủ trì, phối hợp với
các địa phương đề xuất các bệnh viện cần được đầu tư, nâng cấp thuộc phạm vi của
Đề án; xây dựng kế hoạch tổng thể và kế
hoạch hàng năm để thực hiện Đề án
a. Việc tổng hợp, đề xuất danh mục
các bệnh viện thuộc Đề án:
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính
phủ tại Thông báo số 220/TB-VPCP ngày 02/11/2007 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Y
tế đã có văn bản số 8565/BYT-KH-TC ngày 14/11/2007 gửi các tỉnh đề nghị rà soát
tình hình thực hiện các dự án đầu tư nâng cấp bệnh viện theo Quyết định
225/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, quy hoạch phát triển hệ thống y tế địa
phương, tình hình thực tế để đăng ký danh mục, nhu cầu vốn đầu tư nâng cấp các
bệnh viện tuyến huyện. Trên cơ sở báo cáo của các địa phương, Bộ Y tế đã phối hợp
với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát danh mục các dự án, quy mô theo
quy hoạch đến năm 2010, xây dựng Đề án trình Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số
1656/BYT-KH-TC ngày 13/3/2008 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết
định số 47/2008/QĐ-TTg ngày 02/4/2008.
Qua kiểm tra thấy, theo hướng dẫn tại
Công văn số 8565/BYT-KH-TC nêu trên, nhiều địa phương đã đăng ký theo dự án được duyệt khi thực hiện Đề án 225 mà chưa xét đến quy hoạch phát triển
hệ thống y tế địa phương, nên quy mô dự án không phù hợp với yêu cầu theo quy
hoạch đến năm 2010 và tầm nhìn đến 2020. Sau khi Đề án 47 được phê duyệt, nhiều
địa phương đã lập lại dự án đầu tư theo hướng tăng quy mô nhằm đáp ứng yêu cầu
của Đề án nhưng không đảm bảo quy mô đã
được duyệt theo danh mục của Đề án, kéo
theo nhu cầu vốn đầu tư tăng so với đăng ký ban đầu.
b. Việc phân bổ tổng mức vốn trái phiếu
Chính phủ của Đề án giai đoạn 2008-2010
cho từng địa phương:
Bộ Y tế đã căn cứ vào danh mục các dự
án được đầu tư, tổng hợp, rà soát báo cáo của các địa phương để xây dựng nguyên
tắc hỗ trợ vốn; chủ trì, lấy ý kiến tham gia của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu
tư xây dựng phương án phân bổ 14.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ theo tỷ lệ
hỗ trợ, mức phân bổ cho từng địa phương và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại
Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 07/5/2009; trong đó: Các tỉnh miền núi, Tây
Nguyên, tỉnh mới chia tách có khó khăn như Bình Phước, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc
Trăng: hỗ trợ 100%; các tỉnh có tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương trên
50% hỗ trợ 30% nhu cầu; các tỉnh có tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương dưới
50% hỗ trợ 60% nhu cầu; riêng thành phố Cần Thơ mới chia tách, tỷ lệ điều tiết
thấp (chỉ có 4%) nên đề nghị hỗ trợ 80% như các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long; tỉnh
Vĩnh Phúc có nguồn tăng thu ngân sách địa phương hàng năm lớn hỗ trợ 40% nhu cầu;
các tỉnh vùng đồng bằng Sông Hồng, miền Trung có tỷ lệ trợ cấp/chi cân đối ngân
sách địa phương từ 35% trở lên hỗ trợ 80% nhu cầu, các tỉnh còn lại hỗ trợ 75%
nhu cầu, riêng các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Thuận có nhiều huyện
miền núi và đồng bào dân tộc hỗ trợ 90% nhu cầu; các tỉnh đồng bằng Sông Cửu
Long: hỗ trợ 80% nhu cầu).
Kiểm tra thấy, phương án phân bổ được
lập trên nguyên tắc vùng, miền dựa trên tình hình phát triển kinh tế mỗi khu vực
để xác định tỷ lệ vốn hỗ trợ là phù hợp, đảm bảo tính khả thi của Đề án.
1.2. Việc xác định nhu cầu và
xây dựng phương án phân bổ vốn hàng năm hỗ trợ các địa phương; thông báo tổng mức vốn, số lượng theo danh mục dự án; tổng
hợp nhu cầu và lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho
cán bộ y tế
a. Xác định nhu cầu và xây dựng
phương án phân bổ vốn hàng năm hỗ trợ các địa phương; thông báo tổng mức vốn, số
lượng theo danh mục dự án:
Hàng năm, trên cơ sở kế hoạch vốn tổng thể cho Đề án là 14.000 tỷ đồng từ nguồn
trái phiếu Chính phủ (năm 2008 và 2009 là 10.000 tỷ đồng, năm 2010 là 4.000 tỷ
đồng) Bộ Y tế đã rà soát nhu cầu vốn của từng địa phương và phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ
đăng ký danh mục dự án và phương án phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ theo từng
địa phương; cụ thể:
Đơn vị tính: Triệu
đồng
STT
|
Năm
|
Phương án
đăng ký
|
Kế hoạch được giao
|
Tỷ lệ được
giao so với đăng ký (%)
|
Chênh lệch
giảm so với đăng ký
|
1
|
2008
|
5.000.000
|
3.750.000
|
73,0
|
1.250.000
|
2
|
2009
|
6.250.000
|
3.000.000
|
46,4
|
3.250.000
|
3
|
2010
|
7.250.000
|
2.400.000
|
33,1
|
4.850.000
|
4
|
2011
|
4.850.000
|
1.800.000
|
37,1
|
3.050.000
|
5
|
2012
|
3.050.000
|
1.598.038
|
52,4
|
1.451.962
|
|
Cộng:
|
|
12.548.038
|
|
|
Như vậy, việc giao kế hoạch và phân bổ
vốn trái phiếu Chính phủ cho Đề án 47 hàng năm đều thấp hơn phương án phân bổ
theo đăng ký của Bộ Y tế. Nếu tính đến
năm 2010 (theo thời gian thực hiện Đề án), số vốn phân bổ cho Đề án còn thiếu
4.850.000 triệu đồng, chiếm 34,6%. Tính đến 30/6/2012, số vốn được phân bổ cho
Đề án vẫn còn thiếu 1.451.962 triệu đồng. Theo tiến độ thực hiện Đề án, việc
phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ không đảm bảo kế
hoạch vốn của Đề án. Đây là một trong các nguyên nhân dẫn đến việc triển
khai thực hiện Đề án bị chậm so với tiến độ được duyệt, việc kéo dài thời gian
dẫn đến Đề án bị ảnh hưởng bởi biến động
giá cả thị trường và các thay đổi về chế độ chính sách làm nhu cầu vốn của Đề
án tăng.
Thực hiện Chỉ thị 1792/CT-TTg ngày
15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương đã tiến hành rà soát, phân
loại các dự án thuộc Đề án gửi Bộ Kế hoạch
và Đầu tư, Bộ Y tế, Bộ Tài chính. Trên cơ sở tổng hợp kết quả rà soát của các địa
phương thấy: Nhu cầu vốn của 645 bệnh viện theo các quyết định phê duyệt dự án
của UBND các tỉnh/thành phố là 37.703 tỷ
đồng, tăng so với tổng mức đầu tư đã đăng ký là 20.703 tỷ đồng; trong đó số
tăng do tăng quy mô là 1.510 tỷ đồng và tăng do thay đổi chế độ chính sách và
biến động giá vật liệu là 19.193 tỷ đồng. Như vậy, ngoài số vốn còn thiếu so với
kế hoạch vốn từ nguồn trái phiếu Chính phủ (1.451.962 triệu đồng), nhu cầu vốn
của các dự án thuộc Đề án 47 hiện nay còn
thiếu khoảng 20.703 tỷ đồng.
b. Tổng hợp nhu cầu và lập kế hoạch
đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế:
Để từng bước đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các bệnh viện tuyến huyện, Bộ Y
tế đã chỉ đạo các cơ sở đào tạo tăng chỉ tiêu tuyển sinh cử tuyển, đào tạo dài
hạn cho các địa phương theo nhu cầu. Đối với đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực
chuyên môn cho cán bộ y tế theo hình thức ngắn hạn được tiếp nối với việc đào tạo
theo Quyết định số 225/2005/QĐ-TTg từ năm 2005, việc đào tạo được tổ chức theo
các hình thức: Mời cán bộ tuyến tỉnh, huyện về các bệnh viện Trung ương, cơ sở
đào tạo để tập huấn; Tổ chức cho các cụm tỉnh ở những tỉnh có đủ điều kiện về
thiết bị để thực hành; giao cho các tỉnh chủ động bố trí ngân sách địa phương để
mở các lớp tập huấn đối với những chuyên khoa, kỹ thuật mà tỉnh có thể triển
khai giảng dạy được; chuyển giao theo các gói kỹ thuật đối với một số bệnh viện.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, các bệnh viện
trực thuộc Bộ, bệnh viện hạng I trực thuộc một số Sở Y tế đã tổ chức được 457 lớp
học cho 12.700 học viên. Số cán bộ sau khi tham gia các khóa đào tạo của Bộ Y tế
đã bước đầu góp phần vào việc nâng cao năng lực chuyên môn, chất lượng khám, chữa
bệnh và bước đầu cũng đã phát huy hiệu quả các trang thiết bị y tế được đầu tư từ Đề án.
Tuy nhiên, một số địa phương không cử được đủ cán bộ tham gia các khóa
đào tạo theo kế hoạch (do thiếu cán bộ chuyên môn, khi cử đi học sẽ ảnh hưởng đến
công tác chuyên môn của bệnh viện, do điều kiện địa lý…) nên các lớp học có thể
không mở được do thiếu học viên hoặc không đạt được số học viên theo kế hoạch;
một số đơn vị cử cán bộ tham gia khóa học không đúng đối tượng, không phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng, ảnh hưởng đến hiệu quả
của khóa học; trình độ học viên trong lớp học không đồng đều dẫn đến kết quả
đào tạo chưa cao; định mức chi quá thấp gây khó khăn cho quá trình tổ chức thực
hiện, chưa khuyến khích được cán bộ đi học.
1.3. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn,
kiểm tra, đánh giá tình hình triển khai thực hiện Đề
án
Theo báo cáo của Bộ Y tế và kết quả
thanh tra thấy: Từ năm 2008 đến năm 2011, Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo đã tổ chức được
một số cuộc kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện vốn trái phiếu Chính phủ của đề án (năm 2010, tổ chức các đoàn
kiểm tra tại các tỉnh: Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang, Nam Định; năm 2011, tổ
chức 02 đoàn kiểm tra chính thức tại các tỉnh Lai Châu, Điện Biên (Đoàn do Bộ
Tài chính chủ trì) và Bắc Giang, Long An (đoàn do Bộ Y tế chủ trì)). Ngoài ra,
còn có các cuộc kiểm tra, khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Y tế theo chức năng nhiệm vụ của
tùng Bộ. Qua kiểm tra, Ban Chỉ đạo cũng đã kịp thời giải quyết các vướng mắc
trong thực hiện Đề án tại địa phương, chấn chỉnh một số công tác chưa tốt, ghi
nhận những bất cập về cơ chế, chính sách để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ
chỉ đạo, quyết định.
Công tác hướng dẫn, giải quyết các
khó khăn, vướng mắc ở địa phương cũng được Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính tổ
chức tập huấn cho các địa phương để triển khai thực hiện. Tổ chức họp với UBND
các tỉnh theo vùng để nắm tình hình, đôn đốc, thống nhất nội dung triển khai thực
hiện Đề án. Đồng thời, Bộ Y tế cũng đã lồng ghép việc triển khai thực hiện Đề
án tại các hội nghị do Bộ Y tế tổ chức. Trong thời gian từ 2008 đến nay, trong
các cuộc làm việc giữa Lãnh đạo Bộ Y tế với Tỉnh ủy, UBND các địa phương về
công tác y tế đều có nội dung triển khai thực hiện Đề án 47 để nắm tình hình triển khai thực hiện, tháo gỡ những khó
khăn, vướng mắc cho các địa phương.
Hàng năm, trước tình trạng phải cắt
giảm vốn đầu tư cho Đề án, Bộ Y tế đã có các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các địa
phương có phương án điều chỉnh: Phân bổ vốn phải tập trung, ưu tiên vốn cho các
bệnh viện thực sự cần thiết, đặc biệt là các bệnh viện thuộc 62 huyện nghèo;
trong từng bệnh viện ưu tiên vốn cho các công trình, hạng mục công trình có khả
năng hoàn thành đưa vào sử dụng nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư... Ngoài ra, Bộ Y
tế đã ban hành Quyết định số 3333/BYT-QĐ ngày 08/9/2008 về việc ban hành danh mục
trang thiết bị thiết yếu phục vụ Đề án
47; Quyết định 431/QĐ-BYT ngày 10/02/2009 ban hành danh mục trang thiết bị y tế
của phòng khám đa khoa khu vực; đồng thời có văn bản hướng dẫn thực hiện.
2. Kiểm tra tại
UBND 06 tỉnh: Điện Biên, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Đắk Nông, Tiền Giang, Vĩnh Long
2.1. Hoạt động của Ban Chỉ đạo Đề án 47 của tỉnh
a. Công tác củng cố, tăng cường hoạt
động của Ban Chỉ đạo Đề án 225 để triển
khai thực hiện Đề án 47:
Theo Đề án 47, UBND các tỉnh, thành
phố củng cố, tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo Đề án 225 (Đề án nâng cấp bệnh
viện huyện và bệnh viện đa khoa khu vực theo Quyết định 225/2005/QĐ-TTg ngày
15/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ) để chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án 47 tại địa phương.
Kiểm tra tại 06 tỉnh thấy: Ban chỉ đạo
Đề án 225 của tỉnh được thành lập gồm: 01 Phó Chủ tịch UBND tỉnh là Trưởng ban,
Giám đốc Sở Y tế là Phó trưởng ban thường trực và thành viên gồm lãnh đạo các Sở,
ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài
chính, Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng UBND tỉnh. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ
giúp UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành có liên quan tổ chức triển khai thực hiện
Đề án theo đúng tiến độ và thời gian quy định.
Sau khi có Quyết định của Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt Đề án 47, UBND các tỉnh: Vĩnh Long, Đắk Nông, Thanh Hóa đã
giao Ban Chỉ đạo Đề án 225 tiếp tục triển khai thực hiện Đề án 47. UBND các tỉnh: Tiền Giang, Lạng Sơn,
Điện Biên đã thành lập Ban Chỉ đạo Đề án
47 với thành phần chủ yếu từ Ban Chỉ đạo Đề án 225. Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo của
03 tỉnh: Vĩnh Long, Đắk Nông, Thanh Hóa chưa xây dựng Quy chế hoạt động trong
quá trình triển khai Đề án; quá trình triển
khai từ khi thành lập đến thời điểm thanh tra, Trưởng Ban Chỉ đạo và một số
thành viên đã nghỉ công tác theo chế độ hoặc điều chuyển công tác khác, nhưng
Ban Chỉ đạo của tỉnh chưa được củng cố,
điều chỉnh kịp thời.
b. Việc chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện Đề án:
Theo danh mục được phê duyệt, 06 tỉnh
được đầu tư tổng cộng 89 bệnh viện, đến 30/6/2012 đã triển khai 87 dự án (còn
02 dự án chưa triển khai) đạt 97.75%. Tổng mức đầu
tư của các dự án là 4.144.247 triệu đồng. Chủ đầu tư đã tiếp nhận và sử
dụng cho các dự án từ nguồn ngân sách nhà nước (tính đến 30/6/2012) với số tiền
2.042.047 triệu đồng (Trái phiếu Chính phủ là
1.775.487 triệu đồng; ngân sách tỉnh là 266.561 triệu đồng).
Đến 30/6/2012, Đề án đã kéo dài quá 1,5 năm, nhưng mới có 36 dự
án hoàn thành đưa vào sử dụng (đạt 41,4%), còn 51 dự án đang trong giai đoạn
triển khai thực hiện (chiếm 58,6%) do việc triển khai thực hiện ở một số tỉnh
còn quá chậm (Đắk Nông), dẫn đến chưa đạt được mục tiêu của Đề án (mục tiêu đưa
các dịch vụ kỹ thuật y tế về gần dân; tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo; người dân vùng núi, vùng sâu, vùng
xa được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng, giảm tình trạng quá tải cho
các bệnh viện tuyến trên).
Kiểm tra thấy, UBND tỉnh Điện Biên đã sử dụng vốn trái phiếu
Chính phủ từ dự án thuộc lĩnh vực giao thông thủy lợi là 37.000 triệu đồng và từ
các dự án thuộc Đề án 930 cùng lĩnh vực y
tế là 9.000 triệu đồng phân bổ cho các dự
án thuộc Đề án 47; UBND tỉnh Vĩnh Long đã
điều chuyển 49.995 triệu đồng từ số vốn trái phiếu Chính phủ đầu tư cho Dự án đầu
tư xây dựng Bệnh viện Lao và bệnh phổi thuộc Đề án 930 sang cho các dự án thuộc
Đề án 47.
c. Công tác giao ban, sơ kết đánh giá
kết quả thực hiện, chế độ báo cáo:
Theo báo cáo của UBND các tỉnh, Ban Chỉ đạo Đề án thường xuyên tổ chức họp giao ban để nghe
các thành viên báo cáo và chỉ đạo các vấn đề nảy sinh trong quá trình triển
khai thực hiện, Sở Y tế các tỉnh với vai trò Phó Ban Chỉ đạo luôn duy trì giao
ban hàng tuần, đối với các tỉnh Sở Y tế được giao làm Chủ đầu tư các dự án (Tiền
Giang, Đắk Nông, Điện Biên, Lạng Sơn) đã trực tiếp tổ chức triển khai thực hiện
các dự án. Việc báo cáo về Bộ Y tế được UBND
tỉnh thực hiện tốt theo chế độ báo cáo quy định tại Quyết định số
47/2008/QĐ-TTg. Tuy nhiên, từ khi Trưởng Ban Chỉ đạo và một số thành viên Ban
Chỉ đạo nghỉ chế độ hưu trí hoặc điều động công tác khác, Ban Chỉ đạo Đề án
không còn duy trì họp, giao ban như trên. Từ khi triển khai Đề án đến nay (05
năm) chưa được UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Đề
án của tỉnh tổ chức sơ kết đánh giá kết quả thực hiện.
d. Công tác rà soát, tổng hợp danh mục
các dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ theo thứ tự ưu tiên gửi Bộ Y tế:
Theo báo cáo của Sở Y tế các tỉnh và
kết quả thanh tra thấy: Công tác rà soát tổng hợp danh mục các dự án cần đầu tư
của tỉnh còn chưa thực hiện tốt. Khi rà soát theo thứ tự ưu tiên gửi Bộ Y tế
(thời điểm năm 2007), Sở Y tế chỉ quan tâm đến các bệnh viện cần đầu tư theo thứ
tự ưu tiên của tỉnh để đưa vào danh mục, quy mô giường bệnh được sử dụng theo
các dự án được UBND tỉnh phê duyệt khi triển khai Đề án 225 trước đó. Dẫn đến
quy mô giường bệnh của một số bệnh viện theo danh mục được duyệt tại Quyết định
47/2008/QĐ-TTg khi triển khai không còn phù hợp với thực tiễn, chưa đáp ứng được
yêu cầu của Đề án 47 (quy hoạch đến năm
2010, tầm nhìn đến năm 2020). Sau khi Đề án 47 được phê duyệt, một số tỉnh (Lạng
Sơn, Điện Biên, Đắk Nông) đã có văn bản báo cáo Bộ Y tế về việc đề nghị tăng
quy mô dự án nhưng ngoài UBND tỉnh Đắk Nông được Bộ Y tế đồng ý, các tỉnh Lạng
Sơn, Điện Biên không được Bộ Y tế hướng dẫn kịp thời.
e. Công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch,
thẩm định và phê duyệt các dự án đầu tư;
bố trí và điều chỉnh mức vốn đã phân bổ giữa các dự án thuộc danh mục được
giao; bố trí ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác:
Công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch,
thẩm định và phê duyệt các dự án đầu tư
được các thành viên Ban Chỉ đạo Đề án các tỉnh thực hiện cơ bản đảm bảo theo
quy định. Các dự án được duyệt đều được thẩm định đảm bảo sự phát triển của mạng
lưới khám chữa bệnh phù hợp với quy hoạch
phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới
khám chữa bệnh đến năm 2010 (tầm nhìn đến năm 2020) phê duyệt tại Quyết định số
30/2008/QĐ-TTg ngày 22/02/2008 của Thủ tướng Chính phủ.
Công tác lập phương án đăng ký vốn đầu
tư hàng năm được các Sở: Y tế, Tài chính, Kế hoạch
và Đầu tư phối hợp thực hiện đảm bảo theo
Quyết định 582/QĐ-TTg ngày 07/5/2009 của
Thủ tướng Chính phủ về việc phân bổ vốn thực hiện Đề án 47, bám sát theo tiến độ
thực hiện của mỗi dự án. Trên cơ sở đăng ký vốn được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ
Tài chính chấp thuận, UBND các tỉnh đã
quyết định phân bổ vốn cho các dự án hàng năm. Căn cứ phân bổ vốn của tỉnh và
khối lượng hoàn thành công việc của mỗi dự án, Kho bạc Nhà nước tỉnh đã thực hiện
cấp phát theo đúng quy trình cấp phát vốn đầu tư. Tính đến 30/6/2012, UBND các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long đã bố trí
trên 30% vốn từ ngân sách tỉnh cho các dự án thuộc Đề án 47, vượt theo tỷ lệ %
phản ánh tại Quyết định 582/QĐ-TTg (ngân sách địa phương 20%) phản ánh sự quan
tâm của tỉnh đối với việc thực hiện Đề án
47 tại địa phương. Riêng tỉnh Thanh Hóa, tại thời điểm thanh tra chưa bố trí vốn
từ ngân sách địa phương theo tỷ lệ 10% cho các dự án thuộc Đề án 47 của tỉnh.
Việc Quyết toán công trình hoàn thành
và quyết toán vốn đầu tư hoàn thành đối với các dự án, công trình hoàn thành phần
lớn chưa được thực hiện kịp thời, còn chậm so với quy định tại Thông tư số
33/2007/TT-BTC ngày 09/4/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn
ngân sách nhà nước.
2.2. Kết quả thanh tra việc thực
hiện các dự án thuộc Đề án 47 của tỉnh
Thanh tra Chính phủ lựa chọn mỗi tỉnh
02 dự án với tổng số 12 dự án được tiến hành thanh tra. Tại thời điểm thanh
tra, có 06/12 dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng (đạt 50%) và 06/12 dự án đang
trong giai đoạn thi công các công trình xây lắp. Tổng số vốn các dự án đã tiếp
nhận và sử dụng tính đến 30/6/2012 là 621.760 triệu đồng; trong đó: Vốn trái
phiếu Chính phủ là 486.730 triệu đồng, vốn
ngân sách địa phương là 96.831 triệu đồng (phụ lục số 02). Kết quả thanh tra cụ
thể như sau:
a. Việc lập, thẩm định, phê duyệt dự
án đầu tư và khảo sát, thiết kế xây dựng
công trình:
Công tác lập, thẩm định, phê duyệt
các dự án đầu tư và khảo sát, thiết kế xây dựng công trình được Chủ đầu tư thực
hiện cơ bản đảm bảo theo các quy định hiện hành. Các dự án đã phân tích được sự
cần thiết phải đầu tư; việc lựa chọn các phương án đầu tư dựa trên các kết quả
tính toán, luận chứng kinh tế kỹ thuật. Giải pháp thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ
thuật thi công nhìn chung hợp lý, đảm bảo
tính kiến trúc, tính kinh tế và tiêu chuẩn kỹ thuật. Tuy nhiên, qua kiểm tra thấy:
- Việc lập và phê duyệt một số dự án
còn chậm, chưa sát thực tế dẫn đến phải điều chỉnh tổng mức đầu tư do phát
sinh, điều chỉnh hạng mục đầu tư (Thanh Hóa); thời gian thực hiện các dự án kéo
dài dẫn đến không chủ động được theo kế hoạch bố trí vốn trái phiếu Chính phủ
thuộc Đề án 47 (2008 - 2010).
- Quy mô giường bệnh các dự án được UBND tỉnh phê duyệt vượt so với quy mô được duyệt
của Đề án 47 là một trong những nguyên nhân làm tăng tổng mức đầu tư của các dự
án (Tiền Giang vượt 80 giường; Đắk Nông vượt
120 giường; Vĩnh Long vượt 70 giường...).
- Dự án đầu tư được duyệt không có nội
dung công tác rà phá bom mìn, quá trình thực hiện một số Dự án đầu tư xây dựng mới không thực hiện công tác rà
phá bom mìn (Tiền Giang).
- Hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công
không có Thuyết minh thiết kế kỹ thuật thi công (Tiền Giang, Vĩnh Long, Đắk
Nông). Trong các hợp đồng tư vấn thiết kế
lập dự toán không có nội dung lập quy trình bảo trì theo quy định tại Điều 33
Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng
công trình (Tiền Giang, Vĩnh Long, Đắk Nông). Thiết kế bản vẽ thi công chưa
tuân thủ thiết kế cơ sở đã được phê duyệt (Bệnh viện đa khoa huyện Bình Minh,
Vĩnh Long).
- Chủ đầu tư chưa lập, phê duyệt nhiệm
vụ thiết kế theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 14 Nghị định số
209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình
(Vĩnh Long);
- Công tác lập dự toán còn không đúng
quy định và chưa đảm bảo tính chính xác về khối lượng theo thiết kế kỹ thuật được
duyệt, việc bóc tách khối lượng công việc còn tính thừa dẫn đến giá trị dự toán
(là cơ sở xác định giá gói thầu) không chính xác, làm phát sinh trong quá trình
thi công, ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Giá trị tính thừa làm tăng giá trị công trình là 1,079,688 triệu
đồng (phụ lục số 03); trong đó:
+ Lập thừa phần chi phí khác đối với
Dự án Bệnh viện đa khoa huyện Mường Lay, Điện Biên với số tiền 169,439 triệu đồng;
trong đó; Chi phí bảo hiểm thiết kế (thuộc trách nhiệm của nhà thầu thiết kế được
quy định tại Mục g, Điểm 2, Điều 58 Luật Xây dựng) là 69,439 triệu đồng; chi
phí khởi công, khánh thành...(đã được quy định và tính trong chi phí Ban Quản lý dự án) là
100 triệu đồng;
+ Dự toán tính thừa khối lượng theo
thiết kế kỹ thuật được duyệt, áp dụng mã hiệu định mức không đúng... làm tăng
giá trị công trình (tính theo giá trúng thầu) là 910,249 triệu đồng (Vĩnh Long:
gói thầu số 01 - Bệnh viện đa khoa huyện Bình Minh 504,444 triệu đồng (đã được
giảm trừ khỏi giá trị đề nghị quyết toán), gói thầu số 01 - Bệnh viện đa khoa
huyện Tam Bình 405,805 triệu đồng (trong đó: Nhà thầu trúng thầu đã phát hiện,
giảm trừ là 352,814 triệu đồng. Thanh tra
Chính phủ phát hiện giảm trừ là 52,991
triệu đồng)). Ngoài ra, giá trị do tính thừa khối lượng thiết kế kỹ thuật được
duyệt, áp dụng mã hiệu định mức không đúng... nhưng vẫn được Tư vấn giám sát và
Chủ đầu tư nghiệm thu sẽ phản ánh tại phần thi công xây lắp.
- Đối với việc điều chỉnh Dự án Bệnh
viện Đa khoa huyện Văn Quan, Lạng Sơn:
+ UBND tỉnh Lạng Sơn căn cứ Thông tư
số 06/2007/TT-BXD ngày 25/7/2007 về việc hướng dẫn hợp đồng trong hoạt động xây dựng đã hết hiệu lực từ ngày 15/9/2010 để
ban hành Quyết định số 1347/QĐ-UBND ngày
26/8/2011 cho phép thay đổi hình thức thực hiện hợp
đồng gói thầu số 05 là không đúng quy định;
+ Ngày 10/8/2012, UBND tỉnh Lạng Sơn
ra Quyết định số 1089/QĐ-UBND về việc phê
duyệt điều chỉnh dự án có tổng mức đầu tư
từ 28.678 triệu đồng lên 39.689 triệu đồng (tăng 11.011 triệu đồng), trong đó
có nội dung điều chỉnh hình thức hợp đồng
gói thầu số 06 từ hình thức “Hợp đồng trọn
gói” thành “Hợp đồng theo đơn giá” và điều
chỉnh thời gian thực hiện hợp đồng để được
áp dụng cơ chế điều chỉnh giá, bổ sung khối lượng do nhà thầu tính thiếu khi
tham gia đấu thầu gói thầu số 05 và gói thầu số 06 là 2.888 triệu đồng (gói thầu
số 05 là 655 triệu đồng, tăng 43%; gói thầu số 06 là
2.233 triệu đồng, tăng 101% so với hợp đồng)
là không đúng nội dung quy định tại khoản
3, Điều 1, Nghị định số 83/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 về việc sửa đổi, bổ sung
một số điều Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về Quản lý
dự án đầu tư xây dựng công trình.
b. Việc lựa chọn hình thức quản lý dự
án:
Kiểm tra trên hồ sơ thấy, Chủ đầu tư
(đối với các dự án chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án) và các đơn vị tư vấn quản
lý dự án (đối với các dự án thuê tư vấn quản lý dự án) có đủ năng lực quản lý dự
án đầu tư xây dựng, ngoài việc đơn vị tư vấn quản lý dự án của Dự án Bệnh viện
đa khoa huyện Krông Nô (Đắk Nông) cử Giám đốc điều hành quản lý dự án chưa đủ
năng lực theo quy định, các thành viên Ban Quản lý dự án đều có chứng nhận nghiệp
vụ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình đảm bảo theo quy định tại Nghị định
số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005, Nghị định số 112/2006/NĐ-CP ngày 29/9/2006 sửa
đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP và Nghị định số
12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ quy định về Quản lý Dự án đầu tư
xây dựng công trình.
c. Việc lựa chọn nhà thầu xây dựng:
Qua kiểm tra, việc lựa chọn nhà thầu
của Chủ đầu tư cơ bản thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu và các Nghị định
của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu. Tuy nhiên, tỷ lệ giảm giá trúng
thầu trong đấu thầu quá thấp so với giá gói thầu, chưa thể hiện được tính cạnh
tranh và chưa mang lại hiệu quả cao trong đấu thầu (Đắk Nông); năng lực của đơn
vị tư vấn đấu thầu còn hạn chế nên công tác chấm thầu chưa tốt, còn để xảy ra
sai sót như chưa phát hiện được bảo lãnh dự thầu không hợp lệ, năng lực tài
chính của nhà thầu chưa đảm bảo yêu cầu của Hồ sơ mời thầu...(Đắk Nông). Kiểm
tra hồ sơ của Dự án Bệnh viện đa khoa huyện Tam Bình (Vĩnh Long) chưa thấy có
báo cáo thẩm định kế hoạch đấu thầu và hồ sơ mời thầu. Năng lực của đơn vị tư vấn quản lý dự án còn hạn chế nên đã
tham mưu cho Chủ đầu tư không đúng, dẫn đến công tác đấu thầu kéo dài làm ảnh
hưởng đến tiến độ thực hiện dự án (Vĩnh Long).
Đối với 03 gói thầu tư vấn có giá trị
lớn hơn 500 triệu đồng của Dự án Bệnh viện đa khoa huyện Bình Minh (Vĩnh Long),
văn bản Chủ đầu tư trình UBND tỉnh cho
phép chỉ định thầu không có giá gói thầu, chưa có kế hoạch đấu thầu được duyệt
và trước khi dự án được duyệt. Quá trình
thực hiện chỉ định thầu, Chủ đầu tư không thực hiện các điểm a, b, c, d (phát
hành hồ sơ yêu cầu; chuẩn bị hồ sơ đề xuất; đánh giá hồ sơ đề xuất; trình duyệt,
thẩm định và phê duyệt kết quả chỉ định thầu), chỉ thực hiện điểm đ (ký kết hợp
đồng) là vi phạm quy trình thực hiện chỉ định thầu quy định tại khoản 1 Điều 35
Nghị định số 111/2006/NĐ-CP ngày 29/9/2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật
Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu theo Luật Xây dựng, vi phạm khoản 2 Điều 20 Luật
Đấu thầu.
Đối với 03 dự án của tỉnh Lạng Sơn được
Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho chỉ định thầu (Bệnh viện đa khoa huyện Bình
Gia, Chi Lăng, Hữu Lũng - giai đoạn II) nhưng phải bố trí đủ vốn cho các dự án
hoàn thành trong năm 2010. Tuy nhiên, đến thời điểm thanh tra UBND tỉnh chưa bố trí đủ vốn để thanh toán cho
khối lượng hoàn thành của 03 dự án.
d. Việc thi công xây dựng công trình:
Thanh tra Chính phủ tiến hành kiểm
tra 18 gói thầu thi công xây lắp của 12 dự án với tổng giá trị theo giá trúng
thầu đã được ký hợp đồng thi công xây lắp
là 379.025 triệu đồng (phụ lục số 04), thấy:
- Chủ đầu tư và nhà thầu ký kết hợp đồng không thực hiện bước thương thảo, hoàn thiện hợp đồng theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều
47, Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ (Gói thầu số 05 -
Bệnh viện đa khoa huyện Văn Quan, Lạng Sơn);
- Phần lớn các dự án khi triển khai, tiến độ thi công các công
trình bị kéo dài, làm giảm hiệu quả đầu tư.
- Việc xác định giá trị các hạng mục
công trình hoàn thành còn chưa chính xác, số tiền sai phạm được phát hiện là
4.998,525 triệu đồng; trong đó Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện 701,597 triệu đồng;
Sở Tài chính thẩm định giảm trừ khỏi quyết toán 37,920 triệu đồng; Thanh tra Chính
phủ phát hiện 4.259,008 triệu đồng (đề nghị giảm trừ giá trị theo đề nghị thanh
toán của đơn vị thi công 4.124,118 triệu đồng, đề nghị thu hồi số tiền 134,890
triệu đồng); cụ thể theo phụ lục số 05.
đ. Việc thực hiện công tác tư vấn,
chi phí tư vấn, chi phí quản lý dự án:
Ngoài công tác tư vấn Thiết kế - Lập
dự toán, tư vấn đấu thầu đã nêu ở các phần trên, công tác tư vấn thẩm tra Thiết
kế - Lập dự toán, tư vấn giám sát thi công công trình, tư vấn quản lý dự án... được Chủ đầu
tư lựa chọn và ký hợp đồng tư vấn
đảm bảo đúng quy định. Các đơn vị tư vấn cơ bản thực hiện đúng theo chức năng;
nhiệm vụ và các điều khoản hợp đồng ký kết. Tuy nhiên, các đơn vị thẩm tra thiết
kế dự toán một số công trình còn thực hiện chưa tốt, hồ sơ báo cáo thẩm tra sơ
sài, nội dung thẩm tra chưa đầy đủ theo quy định
(sự tuân thủ các tiêu chuẩn xây dựng; sự phù hợp
giữa khối lượng Dự toán và khối lượng thiết kế; tính đúng đắn của việc áp dụng
đơn giá định mức...) chưa phát hiện các sai phạm của đơn vị tư vấn thiết kế lập dự toán đã nêu ở trên. Năng lực của
đơn vị tư vấn quản lý dự án đối với một số
Dự án còn hạn chế (Vĩnh Long, Đắk Nông), dẫn đến việc quản lý hồ sơ còn thiếu
khoa học, chưa đầy đủ, gây khó khăn trong công tác thanh tra, kiểm tra cũng như
công tác quản lý hồ sơ chất lượng công trình của Chủ đầu tư; chưa tham mưu giúp
Chủ đầu tư thực hiện đúng quy định trong việc lựa chọn nhà thầu thi công xây lắp;
chưa giúp chủ đầu tư quản lý tốt về khối lượng nghiệm thu, thanh toán.
Thanh tra Chính phủ phát hiện và đề
nghị giảm trừ chi phí tư vấn giám sát và chi phí tư vấn thiết kế tại Dự án Bệnh
viện đa khoa huyện Bình Gia (Lạng Sơn) do công tác lập dự toán tính sai so với
bản vẽ thiết kế với giá trị 1.902 triệu đồng, nên giá trị thực hiện của công
tác thiết kế phải giảm trừ tương ứng; cụ thể: Chi phí thiết kế 60,333 triệu đồng
(Gói thầu số 06: 23,968 triệu đồng; gói số 07: 36,365 triệu đồng); chi phí giám
sát thi công 45,775 triệu đồng (Gói thầu số 06: 21,567 triệu đồng; gói thầu số
07: 24,208 triệu đồng).
Đối với 10 dự án mua sắm thiết bị y tế
do Sở Y tế Điện Biên làm Chủ đầu tư, Chủ đầu tư phê duyệt dự toán chi phí quản
lý dự án với số tiền là 1.197 triệu đồng sau khi các dự án đã hoàn thành (năm
2012), trong khi chi phí quản lý dự án đã được Chủ đầu tư xác định theo Thông
tư số 63/2007/TT-BTC ngày 15/6/2007 và đã chi cho những phần công việc thực hiện
là 79 triệu đồng (mua sắm năm 2009, 2010). Như vậy, dự toán chi quản lý dự án
được duyệt năm 2012 trùng lắp và không phù hợp về thời gian cũng như mục đích
không phục vụ trực tiếp cho công tác triển khai 10 dự án nói trên.
Dự án Bệnh viện đa khoa huyện Bình
Minh (Vĩnh Long) được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán năm 2009, kiến nghị giảm
thanh toán đối với Công ty TNHH Tư vấn giám sát - QLDA xây dựng Vĩnh Long số tiền
285,084 triệu đồng (Hợp đồng Tư vấn đấu thầu, Tư vấn giám sát thi công số
28/2007/HĐGS ngày 03/7/2006) và Công ty cổ phần tư vấn xây dựng Vĩnh Long số tiền
192,343 triệu đồng (Hợp đồng tư vấn thiết
kế số 74/HĐTK-CPTV-DDCN tháng 7/2007). Thời điểm thanh tra, Chủ đầu tư đã thanh
toán hết giá trị của 02 Hợp đồng nêu trên (tổng cộng số tiền là 477,427 triệu đồng)
nhưng chưa thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.
e. Công tác đền bù giải phóng mặt bằng:
Kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng
của các Dự án được thực hiện cơ bản đúng theo các quy định của Nhà nước. Hội đồng
bồi thường, hỗ
trợ tái định cư huyện lập phương án đền bù được Hội đồng thẩm định
phương án đền bù tỉnh thẩm định và trình UBND
tỉnh phê duyệt theo quy định. Quá trình bồi thường,
giải phóng mặt bằng được các hộ dân đồng tình, không xảy ra tranh chấp, kịp thời
thu hồi đất bàn giao cho đơn vị thi công triển khai thực hiện.
Riêng đối với Dự án bệnh viện đa khoa
huyện Tam Bình (Vĩnh Long), công tác đền bù giải phóng mặt bằng kéo dài gần 03
năm, đây là nguyên nhân chính làm chậm tiến độ thực hiện dự án. UBND tỉnh Vĩnh Long còn thiếu sót trong việc soạn
thảo, ban hành Quyết định phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư dự
án (ban hành Quyết định có nội dung thay thế Quyết định trước đó nhưng không phản
ánh rõ) nên dễ dẫn đến người dân hiểu nhầm,
gây khiếu kiện. Trong quá trình thi công còn 01 hộ dân đã nhận tiền đền bù
nhưng cố tình chây ì, cản trở việc thi công của nhà thầu xây dựng gói thầu số
1, nhưng Chủ đầu tư chưa phối hợp tốt với các cơ quan liên quan của địa phương
để giải quyết. Đây là một trong các nguyên nhân thời gian thi công kéo dài.
Quá trình bồi thường, giải phóng mặt
bằng của Dự án Bệnh viện đa khoa huyện Krông Nô (Đắk Nông) bị kéo dài từ năm
2008 đến tháng 6/2010 do người dân chưa nắm
được chủ trương của Nhà nước, dẫn đến việc thu hồi đất bàn giao cho đơn vị thi
công chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.
f. Việc mua sắm trang thiết bị y tế:
Qua kiểm tra thấy, nhìn chung Chủ đầu
tư tuân thủ các quy định về trình tự, thủ tục đấu thầu mua sắm theo quy định của
pháp luật về đấu thầu, các thiết bị đều có nguồn gốc xuất xứ (CO), chứng nhận
kiểm định chất lượng (CQ) và được kiểm định của Vinacontrol, kiểm tra chất lượng
của Viện trang thiết bị, công trình y tế (đối với những loại thiết bị phải kiểm
tra theo quy định). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Chủ đầu tư còn một số
sai phạm:
- Sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ
mua sắm thiết bị y tế, phân bổ cho dự án nằm ngoài danh mục theo quy định tại
Quyết định số 3333/QĐ-BYT của Bộ Y tế (Bệnh viện đa khoa thị xã Sầm Sơn - Thanh
Hóa có 03/25 thiết bị được kiểm tra nằm ngoài danh mục với số tiền 2.384 triệu
đồng; tỉnh Điện Biên có nhiều thiết bị ngoài Danh mục, vượt số lượng với tổng
giá trị 13.330,16 triệu đồng, trong đó: Dự án Trung tâm Y tế huyện Tuần Giáo
12.099,16 triệu đồng, Dự án bệnh viện đa khoa huyện Mường Lay 1.231 triệu đồng).
- Việc Chủ đầu tư (Sở Y tế tỉnh Điện
Biên) ký hợp đồng Kiểm định, kiểm tra, và
chứng nhận phù hợp chất lượng công trình
được lập trong dự toán bao gồm cả phần thiết bị y tế, nhưng Chủ đầu tư đã tách
phần thiết bị y tế thành gói thầu khác, nên Nhà thầu chỉ thực hiện kiểm định phần
xây lắp, không thực hiện kiểm định phần thiết bị y tế. Sau khi kiểm tra Thanh
tra Chính phủ đã giảm trừ số tiền 38,632 triệu đồng trong hợp đồng Kiểm định.
- Việc xét thầu các gói thầu thiết bị
của tỉnh Lạng Sơn vi phạm khoản 12, Điều 4, Luật Đấu thầu và khoản 1, Điều 29,
Nghị định 58/2008/NĐ-CP (đơn dự thầu của nhà thầu không hợp lệ nhưng vẫn được
xét trúng thầu); Chủ đầu tư ký hợp đồng
mua sắm thiết bị y tế với nhà thầu trúng thầu không có chữ ký của đại diện hợp pháp của nhà thầu, vi phạm Khoản 2, Điều
46, Luật Đấu thầu.
- 02 thiết bị được trang bị cho Bệnh
viện đa khoa huyện Bình Gia - Lạng Sơn với tổng giá trị 339,3 triệu đồng nhưng
không đúng phân tuyến kỹ thuật, không có cán bộ đảm bảo năng lực vận hành, dẫn
đến thiết bị không được sử dụng, gây lãng phí.
III. NHẬN XÉT, KẾT
LUẬN
Đề án 47 đầu tư cho các bệnh viện đa
khoa huyện và đa khoa khu vực liên huyện đã được thực hiện trong phạm vi cả nước tại 62 tỉnh, thành phố. Các địa phương đã từng
bước quan tâm, bố trí ngân sách địa phương cùng với
nguồn trái phiếu Chính phủ do trung ương hỗ trợ để đầu tư, góp phần củng cố hệ
thống y tế cơ sở. Đến 30/6/2012, các địa phương đã đầu tư cho 591/645 bệnh viện
huyện và một số phòng khám đa khoa khu vực (đạt 91,6%). Hầu hết các địa phương
đều đánh giá chủ trương đầu tư cho các bệnh
viện tuyến huyện từ trái phiếu Chính phủ là một chủ trương hết sức đúng đắn.
Qua kiểm tra, đánh giá tại một số bệnh viện tuyến huyện cho thấy người bệnh đã
được sử dụng các buồng bệnh mới được đầu tư xây dựng hoặc sửa chữa khang trang,
sạch sẽ, các trang thiết bị đã đưa vào sử dụng có hiệu quả, làm tăng chất lượng
khám chữa bệnh, góp phần đưa dịch vụ y tế về gần dân, góp phần giảm tình trạng
quá tải cho tuyến trên.
Tuy nhiên, qua thanh tra nhận thấy
công tác triển khai thực hiện Đề án còn
nhiều thiếu sót, sai phạm:
1. Việc triển khai năm 2008 còn lúng
túng do tên dự án trong danh mục Đề án 47 và tên trong các quyết định phê duyệt
dự án, quyết định phân bổ vốn của tỉnh bị sai lệch. Đề án thực hiện trong giai
đoạn chính sách vĩ mô có nhiều biến động, nguồn vốn phải cắt giảm để kiềm chế lạm
phát dẫn đến thiếu vốn. Các bệnh viện vừa cải tạo, vừa thực hiện khám chữa bệnh
nên ảnh hưởng tiến độ thi công (đến 30/6/2012 mới có 145/591 bệnh viện được đầu
tư hoàn thành đưa vào sử dụng, đạt 24,5% là quá chậm).
2. Nhiều dự án phải điều chỉnh tổng mức
đầu tư so với tổng mức đầu tư đã đăng ký khi xây dựng Đề án:
Do nhiều dự án được UBND tỉnh/thành
phố phê duyệt từ những năm 2007 khi thực hiện Đề án 225. Khi có Quyết định
47/2008/QĐ-TTg, UBND các tỉnh, thành phố
đã tiến hành phê duyệt mới, phê duyệt lại tổng mức đầu tư của các dự án; mặt khác, do việc trượt giá nhân công,
nguyên vật liệu, vật tư, chế độ chính sách ... nên tổng nhu cầu đầu tư tăng nhiều.
Việc bố trí vốn đầu tư từ ngân sách địa phương còn hạn chế, nhiều địa phương
chưa bố trí hoặc bố trí chưa đủ vốn đầu tư từ ngân sách địa phương theo tỷ lệ
quy định, dẫn đến dự án thiếu vốn.
3. Có nhiều hình thức quản lý dự án ở
các địa phương (Sở Y tế làm chủ đầu tư; Giám đốc bệnh viện làm chủ đầu tư; UBND huyện làm chủ đầu tư...) nên việc tổng hợp báo cáo cũng như vai trò tham mưu của
Sở Y tế các tỉnh gặp khó khăn.
4. Công tác đào tạo còn gặp khó khăn
như thiếu học viên trong việc tổ chức các khóa học, định mức chi hỗ trợ cho cán
bộ tham gia các khóa đào tạo quá thấp nên chưa khuyến khích được cán bộ đi học.
5. Công tác hướng dẫn, kiểm tra của Bộ
Y tế (cơ quan quản lý, thường trực Đề án) đối với các địa phương còn chưa thường
xuyên, chưa kịp thời phát hiện các thiếu sót, sai phạm để chấn chỉnh.
6. Việc chấp hành các quy định về quản
lý đầu tư xây dựng công trình, chế độ tài chính, kế toán tại 06 tỉnh được thanh
tra còn nhiều thiếu sót, sai phạm:
- Công tác lập, thẩm định, phê duyệt
một số dự án còn chậm, thời gian thực hiện các dự án đầu tư xây dựng kéo dài: quy mô giường bệnh các dự án được UBND tỉnh phê duyệt vượt so với quy mô phê duyệt
tại Đề án. Đây là một trong những nguyên
nhân làm tăng tổng mức đầu tư của các dự
án; Tư vấn lập dự án chưa sát thực tế, nên khi triển khai phải điều chỉnh tổng
mức đầu tư do phát sinh, điều chỉnh hạng mục đầu tư; Dự án đầu tư được duyệt không có nội dung công tác rà phá bom
mìn trong phần diện tích mở rộng của Dự án hoặc đối với dự án xây dựng mới (Tiền Giang); điều chỉnh dự án không đúng
nội dung quy định tại khoản 3, Điều 1,
Nghị định số 83/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều
Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về Quản lý dự án đầu
tư xây dựng công trình (Lạng Sơn).
- Công tác lập, thẩm định, phê duyệt
thiết kế dự toán công trình còn thiếu sót, sai phạm: Thiết kế kỹ thuật một số
chi tiết của công trình chưa hợp lý dẫn đến thay đổi, bổ sung trong quá trình
thi công; công tác lập dự toán chưa đảm bảo tính chính xác về khối lượng theo
thiết kế kỹ thuật được duyệt, tính thừa, thiếu khối lượng một số hạng mục công
việc và áp dụng mã định mức cho một số công việc chưa đúng dẫn đến giá trị dự
toán không chính xác, làm phát sinh tăng, giảm trong quá trình thi công, ảnh hưởng
đến tiến độ thi công. Giá trị tính thừa làm tăng giá trị công trình là
1.079,688 triệu đồng (trong đó: Chủ đầu tư đã phát hiện giảm trừ khỏi giá trị đề
nghị quyết toán là 504,444 triệu đồng; Nhà thầu trúng thầu đã phát hiện, giảm
trừ khối lượng là 352,814 triệu đồng;
Thanh tra Chính phủ phát hiện giảm trừ là 222,430 triệu đồng) (Phụ lục số 03).
- Chủ đầu
tư thực hiện nhiệm vụ quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình chưa đảm
bảo theo quy định tại Điều 45 Luật Xây dựng và Nghị định 12/2009/NĐ-CP ngày
10/02/2009 của Chính phủ quy định chi tiết về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
- Công tác đấu thầu còn triển khai chậm
so với kế hoạch đấu thầu, năng lực một số đơn vị tư vấn đấu thầu yếu kém nên việc
chấm thầu còn sai sót.
- Công tác nghiệm thu khối lượng của
một số công việc theo dự toán trúng thầu, chưa căn cứ vào khối lượng thi công
thực tế, dẫn đến nghiệm thu, thanh toán vượt so với thực tế thi công... Tổng
giá trị sai phạm phát hiện và loại ra khỏi giá trị quyết toán công trình là
8.508,692 triệu đồng; trong đó: Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện và đề nghị giảm
thanh toán 1.179,024 triệu đồng (đã loại khỏi giá trị quyết toán 701,597 triệu
đồng, thời điểm thanh tra đã thanh toán cần thu hồi là 477,427 triệu đồng), Sở
Tài chính thẩm tra quyết toán phát hiện 37,92 triệu đồng, Thanh tra Chính phủ
phát hiện 7.291,748 triệu đồng (nghiệm thu vượt
khối lượng cần giảm trừ 4.124,118 triệu đồng; nghiệm thu vượt khối lượng cần
thu hồi 134,890 triệu đồng; giảm trừ chi phí thiết kế 60,333 triệu đồng; giảm
trừ chi phí giám sát 45,775 triệu đồng; giảm trừ chi phí kiểm định 38,632 triệu
đồng; bổ sung khối lượng do nhà thầu tính thiếu khi tham gia đấu thầu không
đúng quy định 2.888 triệu đồng).
- Sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ từ
dự án thuộc lĩnh vực giao thông thủy lợi và từ các dự án thuộc Đề án 930 điều
chuyển sang cho các dự án thuộc Đề án 47 với số tiền là 95.995 triệu đồng (Điện
Biên 46.000 triệu đồng, trong đó từ dự án thuộc lĩnh vực giao thông thủy lợi
37.000 triệu đồng và từ các dự án thuộc Đề án
930 là 9.000 triệu đồng; Vĩnh Long 49.995 triệu đồng từ Dự án đầu tư xây dựng Bệnh
viện Lao và bệnh phải thuộc Đề án 930).
- Trang bị 02 thiết bị (máy đo điện
giải Na, K, Cl; máy phân tích khí máu) với giá trị 339,3 triệu đồng (Bệnh viện
đa khoa huyện Bình Gia - Lạng Sơn) không đúng phân tuyến kỹ thuật, không có cán
bộ đảm bảo năng lực vận hành, dẫn đến thiết bị không được sử dụng, gây lãng
phí.
- Sử dụng 15.714,16 triệu đồng vốn
trái phiếu Chính phủ mua sắm thiết bị y tế cho dự án nằm ngoài danh mục quy định
tại Quyết định số 3333/QĐ-BYT của Bộ Y tế (Thanh Hóa 2.384 triệu đồng; Điện
Biên 13.330,16 triệu đồng).
- Việc quyết toán, thu hồi vốn ứng
còn chậm so với các quy định, việc lập báo cáo quyết toán vốn đầu tư hoàn thành
chậm so với thời gian quy định tại Thông tư số 33/2007/TT-BTC ngày 9/4/2007 của
Bộ Tài chính hướng dẫn quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn ngân sách
nhà nước.
- Một số công trình đã hoàn thành đưa
vào sử dụng, nhưng chưa được kiểm tra và chứng nhận sự phù hợp chất lượng công
trình, chưa được lập quy trình bảo trì (Vĩnh Long, Tiền Giang).
- Công tác quản lý đất đai của địa
phương còn thực hiện chưa tốt, dẫn đến việc giải phóng mặt bằng kéo dài, thiếu
cương quyết, còn để một số hộ dân đã nhận tiền bồi thường nhưng vẫn chây ì
nhưng chưa được xử lý kịp thời.
Trách nhiệm trước những thiếu sót,
sai phạm nêu trên thuộc Chủ tịch UBND tỉnh,
Trưởng Ban và các thành viên Ban Chỉ đạo Đề án của tỉnh (nhất là Giám đốc Sở Y
tế), Chủ đầu tư các dự án và các tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ cụ thể hoặc
tham gia trong quá trình thực hiện Đề án.
Bộ Y tế có trách nhiệm với vai trò cơ
quan quản lý, thường trực Đề án còn chưa hướng dẫn, kiểm tra kịp thời các địa
phương, chưa tham mưu kịp thời cho Ban Chỉ đạo Đề án trung ương có hướng xử lý,
khắc phục các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Đề án trong việc để
các địa phương đầu tư dàn trải trong điều kiện thiếu vốn, gây lãng phí trong đầu
tư.
IV. KIẾN NGHỊ BIỆN
PHÁP XỬ LÝ
Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ
tướng Chính phủ chỉ đạo:
1. Chấn chỉnh về công tác quản lý
1.1. Bộ Y tế
- Phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ
Tài chính nghiên cứu, xem xét trình Chính phủ phương án tiếp tục phân bổ vốn đầu
tư hàng năm cho Đề án để trình Quốc hội thông qua nhằm đẩy nhanh tiến độ để các
dự án phát huy được hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí trong đầu tư;
- Tăng cường công tác quản lý, phối hợp
với các Bộ, ngành liên quan thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển
khai thực hiện Đề án đảm bảo đúng quy định pháp luật.
- Chỉ đạo các địa phương tiến hành sơ
kết, rà soát, đánh giá và báo cáo kịp thời kết quả thực hiện Đề án từ khi triển khai đến nay để có cơ sở
tham mưu giúp Chính phủ phương án xử lý phù hợp.
1.2. UBND các tỉnh: Điện Biên,
Lạng Sơn, Thanh Hóa, Đắk Nông, Tiền Giang, Vĩnh Long
- Chỉ đạo Sở Y tế:
+ Tham mưu cho Ban Chỉ đạo Đề án của
tỉnh tiến hành sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề
án từ khi triển khai đến nay;
+ Rà soát các dự án đang thi công dở
dang, xác định rõ các công trình, dự án thực sự cần thiết phải đầu tư, xây dựng
phương án bố trí vốn để hoàn thành trước, tránh lãng phí trong đầu tư.
- Chỉ đạo Chủ đầu tư các dự án tổ chức
rà soát lại hồ sơ các gói thầu, căn cứ kết quả thanh tra cụ thể đối với từng gói thầu, xác định lại giá
trị công trình trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết toán.
- UBND tỉnh Lạng Sơn:
+ Thu hồi Quyết định số 1347/QĐ-UBND ngày 26/8/2011 cho phép thay đổi hình thức
thực hiện hợp đồng từ “hợp đồng trọn gói” sang “hợp
đồng theo đơn giá” không đúng quy định;
+ Chỉ đạo Sở Y tế điều chuyển số thiết
bị đã đầu tư (giá trị 339,3 triệu đồng) về đúng tuyến kỹ thuật, có cán bộ đủ
năng lực vận hành, sử dụng phục vụ khám chữa bệnh, tránh lãng phí.
- UBND tỉnh Điện Biên: Chỉ đạo Sở Y tế thu hồi Quyết định phê duyệt dự toán
chi phí quản lý dự án của 10 dự án thiết bị y tế với số tiền 1.197 triệu đồng
không đúng quy định.
2. Xử lý về kinh tế
Yêu cầu UBND
các tỉnh xử lý số tiền sai phạm về kinh tế là 119.700,865 triệu đồng
(Chi tiết theo từng tỉnh, từng dự án và gói thầu kèm theo phụ lục số 06), trong
đó:
- Bố trí ngân sách địa phương hoặc
nguồn vốn hợp pháp khác hoàn trả lại vốn
trái phiếu Chính phủ đã đầu tư cho các dự
án của Đề án 47 chi trả cho giá trị các thiết bị y tế đã mua nằm ngoài danh mục
hoặc vượt số lượng quy định tại Quyết định số 3333/QĐ-BYT của Bộ Y tế với số tiền
là 15.714,16 triệu đồng;
- Hoàn trả cho các dự án (thuộc lĩnh
vực giao thông, thủy lợi và thuộc Đề án
930) số vốn từ nguồn trái phiếu Chính phủ đã điều chuyển cho các dự án của Đề
án 47 là 95.995 triệu đồng;
- Chỉ đạo Chủ đầu tư các dự án thuộc
Đề án 47 của tỉnh loại ra khỏi giá trị công trình, dự án khi lập quyết toán
trình cấp có thẩm quyền phê duyệt với số
tiền 7.379,388 triệu đồng;
- Thu hồi từ các Nhà thầu (do đã thanh
toán) về nguồn vốn Đề án 47 của tỉnh (nguồn
vốn trái phiếu Chính phủ) để tiếp tục đầu tư cho các dự án số tiền 612,317 triệu
đồng (Bệnh viện đa khoa thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa 134,890 triệu đồng; Bệnh viện
đa khoa huyện Bình Minh, Vĩnh Long 477,427 triệu đồng).
3. Xử lý về hành chính
- Bộ Y tế rút kinh nghiệm về việc chậm
có văn bản trả lời các tỉnh trong việc điều chỉnh quy mô các dự án đầu tư thuộc
Đề án 47 và chậm tham mưu cho Ban Chỉ đạo Đề án trung ương tiến hành sơ kết
đánh giá tình hình triển khai thực hiện Đề
án; chưa chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương kịp thời có giải pháp điều chỉnh phù
hợp trong điều kiện phải cắt giảm vốn đầu tư cho Đề
án.
- UBND các tỉnh Điện Biên, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Đắk Nông, Tiền Giang, Vĩnh
Long: Chỉ đạo, tổ chức rút kinh nghiệm, kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể,
cá nhân liên quan đến thiếu sót, sai phạm nêu trong kết luận thanh tra.
Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (để báo
cáo);
- Văn phòng Chính phủ;
- Tổng Thanh tra Chính phủ;
- Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh;
- Các Bộ: Y tế, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư;
- Các tỉnh: Điện Biên, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Đắk Nông, Tiền Giang, Vĩnh Long;
- Lưu: VT , Vụ III, Đoàn thanh tra.
|
KT. TỔNG THANH
TRA
PHÓ TỔNG THANH TRA
Ngô Văn Khánh
|