HIỆP ĐỊNH
VỀ KHUYẾN KHÍCH VÀ BẢO HỘ ĐẦU TƯ GIỮA CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM VÀ CỘNG HOÀ UZBEKISTAN (1996)
Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ
nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hoà Uzbekistan,
Sau đây gọi là các Bên ký kết,
Với mong muốn thúc đẩy mở rộng hợp
tác kinh tế lâu dài cùng có lợi giữa hai quốc gia, nhận thấy cần khuyến khích
và bảo hộ đầu tư nước ngoài với mục đích xây dựng và duy trì những điều kiện
thuận lợi đối với đầu tư của các nhà đầu tư thuộc Bên ký kết này trên lãnh thổ
của Bên ký kết kia, cho rằng cơ sở đầu tư ổn định sẽ bảo đảm hiệu quả tối đa của
việc sử dụng các nguồn lực kinh tế và việc phát triển các lực lượng sản xuất,
Đã thoả thuận như sau:
Điều 1: Các
định nghĩa chung
Với mục đích của Hiệp định này:
1. Thuật ngữ "nhà đầu tư"
được áp dụng và bao gồm:
i. Các quốc gia của các Bên ký kết;
ii. Các pháp nhân mỗi quốc gia của
các bên ký kết;
iii. Các công dân, các nhóm công
dân của mỗi quốc gia của các Bên ký kết;
iv. Các công dân mỗi quốc gia của
các Bên ký kết cư trú ở nước ngoài.
1. Thuật ngữ "đầu tư"
có nghĩa là bất kỳ dạng tài sản có giá trị và các quyền đối với chúng, cũng như
các quyền đối với sở hữu trí tuệ, thương mại và công nghiệp, như là quyền tác
giả, bản quyền phát minh, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu
hàng hoá, tên hãng, bí mật sản xuất và thương mại, công nghệ, uy tín thương mại
và bí quyết kỹ thuật.
2. Những đầu tư trên lãnh thổ của
các bên ký kết được thực hiện bằng cách:
i. Thành lập các hiệp hội kinh
doanh, ngân hàng, các tổ chức bảo hiểm và các xí nghiệp khác mà toàn bộ hoặc một
phần thuộc các nhà đầu tư;
ii. Sở hữu các tài sản, cổ phiếu
và các tín phiếu khác;
iii. Có các quyền tài sản, kể cả
quyền thuê và sử dụng đất và các nguồn tài nguyên thiên nhiên;
iv. Các hoạt động khác thực hiện
đầu tư mà không trái với pháp luật hiện hành trên lãnh thổ của Bên ký kết nơi
tiến hành đầu tư;
Mọi sự thay đổi về hình thức của
đầu tư ban đầu cũng như tái đầu tư không ảnh hưởng tới việc phân loại chúng là
đầu tư.
1. Thuật ngữ "pháp nhân"
có nghĩa là các pháp nhân được công nhận theo pháp luật của mỗi Bên ký kết và
thực hiện đầu tư trên lãnh thổ của Bên ký kết kia.
2. Thuật ngữ "công dân"
có nghĩa là những người có quốc tịch và năng lực pháp lý theo pháp luật của mỗi
Bên ký kết, cư trú thường xuyên trên lãnh thổ Bên ký kết đó hoặc sống ở nước
ngoài và thực hiện đầu tư trên lãnh thổ của Bên ký kết kia.
3. Thuật ngữ "thu nhập"
có nghĩa là, nhưng không phải chỉ là, số tiền thu được từ kết quả đầu tư như đã
được xác định tại điều này, mục 2, 3 dưới dạng lợi nhuận, lãi, lợi tức cổ phần,
tiền bản quyền, tiền hoa hồng, thanh toán do trợ giúp, phục vụ kỹ thuật và các
hình thức khác của tiền thù lao.
4. Thuật ngữ "lãnh thổ"
có nghĩa là lãnh thổ của Bên ký kết (trong đó bao gồm cả các đảo, đáy biển và
lãnh hải), mà ở đó Bên ký kết thực hiện chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài
phán phù hợp với luật quốc tế và luật quốc gia.
Điều 2: Áp dụng
hiệp định
Hiệp định này được áp dụng đối với
những đầu tư của các nhà đầu tư của Bên ký kết trên lãnh thổ của Bên ký kết
kia, phù hợp với pháp luật đầu tư nước ngoài của Bên ký kết đó, được thực hiện
trước hoặc sau khi Hiệp định này có hiệu lực.
Điều 3: Khuyến
khích và bảo hộ đầu tư
1. Mỗi Bên ký kết theo pháp luật
của mình sẽ cho phép và khuyến khích các đầu tư của các nhà đầu tư của Bên ký kết
kia trên lãnh thổ của mình và bảo đảm đầy đủ về mặt pháp lý cho những đầu tư
đó.
2. Trong phạm vi pháp luật của
mình, mỗi Bên ký kết sẽ ủng hộ những hình thức đa dạng của đầu tư song phương và
hỗ trợ cho việc hợp tác kinh tế Bên ký kết bằng cách bảo hộ các đầu tư của các
nhà đầu tư của Bên ký kết kia trên lãnh thổ của mình.
3. Trong trường hợp cần thiết,
các Bên ký kết sẽ hỗ trợ các xí nghiệp có vốn đầu tư của các nhà đầu tư của các
Bên ký kết khi họ thực hiện các dự án đầu tư trực tiếp và các dự án kinh tế nhiều
bên trên lãnh thổ của các Bên ký kết.
4. Trong phạm vi Hiệp định này,
khi một Bên ký kết cho phép đầu tư trên lãnh thổ nước mình, thì Bên ký kết đó,
theo luật pháp của mình, sẽ cấp các giấy phép cần thiết cho những đầu tư của
các nhà đầu tư của Bên ký kết kia.
Điều 4: Chế
độ tối huệ quốc
1. Trên lãnh thổ của mình, mỗi
Bên ký kết sẽ dành cho các đầu tư và thu nhập của các nhà đầu tư Bên ký kết kia
một chế độ công bằng và bình đẳng, không kém thuận lợi hơn chế độ mà họ dành
cho đầu tư và thu nhập của các nhà đầu tư của bất kỳ nước thứ ba nào.
2. Đối với những đầu tư của các
nhà đầu tư của một Bên ký kết, Bên ký kết kia sẽ tuân thủ các nghĩ vụ xuất phát
từ luật pháp của mình và từ Hiệp định này.
3. Các quy định của Hiệp định
này về nguyên tắc đối xử tối huệ quốc không được giải thích như là bắt buộc một
Bên ký kết áp dụng chế độ ưu đãi đối với các nhà đầu tư của Bên ký kết kia khi
mà chế độ ưu đãi này phát sinh từ:
i. Đang tồn tại hoặc có thể có
trong tương lai các liên minh thuế quan, thanh toán và tiền tệ, khu vực mậu dịch
tự do và biểu thuế chung, thị trường chung hoặc bất kỳ hình thức nào của các Hiệp
định liên kết kinh tế khu vực mà một Bên ký kết là thành viên.
ii. Các Hiệp định tránh đánh thuế
hai lần hoặc các Hiệp định quốc tế khác về thuế.
Điều 5: Chuyển
tiền và tài sản
1. Sau khi các nhà đầu tư của một
Bên ký kết đã trả thuế và các khoản đóng góp phát sinh từ đầu tư trên lãnh thổ
của Bên ký kết kia thì Bên ký kết kia sẽ đảm bảo việc chuyển đổi một cách thuận
lợi các khoản thanh toán liên quan tới đầu tư, cụ thể là, nhưng không chỉ là:
i. Lãi, lợi tức cổ phần, lợi nhuận
và các khoản thu nhập hiện có như đã quy định ở điều 1 mục 7 Hiệp định này;
ii. Số tiền để thanh toán các koản
vay nợ mà các Bên ký kết đã xác định là vốn đầu tư;
iii. Số tiền chi phí đối với việc
quản lý đầu tư;
iv. Tiền bản quyền và các dạng
thanh toán khác phát sinh từ những quyền được quy định ở điều 1 mục 2 Hiệp định
này;
v. Vốn và vốn bổ sung cần thiết để
duy trì và phát triển cungtx như quản lý các đầu tư được tiến hành trên lãnh thổ
của Bên ký kết kia;
vi. Các khoản thu do chuyển nhượng,
thanh lý một phần hoặc toàn bộ đầu tư, trong đó kể cả sự gia tăng vốn;
vii. Lương của các công dân một
Bên ký kết nhận được từ các đầu tư tiến hành trên lãnh thổ của Bên ký kết kia;
viii. Các khoản bồi thường do
các điều khoản của Hiệp định này quy định và các khoản chi trả khác liên quan tới
bất kỳ tranh chấp đầu tư nào trong phạm vi Hiệp định này.
1. Việc chuyển tiền sẽ được thực
hiện không chậm trễ bằng ngoại tệ lúc đầu tư hoặc bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi
theo tỷ giá vào ngày chuyển tiền, phù hợp với luật pháp của Bên ký kết nơi tiến
hành đầu tư quy định.
2. Mặc dù có những quy định ở mục
2, 3 của điều này nhưng các Bên ký kết có thể cấm chuyển tiền với các điều kiện
công bằng và không phân biệt đối xử khi áp dụng luật pháp của mình trong các
trường hợp sau:
i. Phá sản, không có khả năng
thanh toán, hoặc bảo vệ quyền lợi của các chủ nợ;
ii. Phát hành, buôn bán hoặc
kinh doanh tín phiếu;
iii. Tội phạm hình sự và hành
chính;
iv. Vi phạm trật tự hoặc do các
quyết định của toà án.
1. Các thu nhập và các khoản tiền
khác bằng bất cứ ngoại tệ nào được quy định tại điều này và do các nhà đầu tư của
một Bên ký kết nhận được từ đầu tư trên lãnh thổ Bên ký kết kia, có thể được đầu
tư lại hoặc sử dụng với mục đích khác trên lãnh thổ nơi đầu tư, phù hợp với luật
pháp nơi đó.
2. Việc đưa vào và chuyển ra các
khoản tiền bằng bất cứ ngoại tệ nào, các chứng từ thanh toán, các tín phiếu được
điều chỉnh bởi các quy định pháp luật về tiền tệ của quốc gia Bên ký kết là nơi
thực hiện đầu tư.
Điều 6:
Trưng thu đầu tư và bồi thường thiệt hại
1. Các Bên ký kết sẽ không trực
tiếp hoặc gián tiếp áp dụng các biện pháp để trưng thu, quốc hữu hoá và các biện
pháp khác có tính chất và hậu quả tương tự đối với đầu tư của các nhà đầu tư
Bên ký kết kia nếu như chúng không liên quan tới:
i. Các biện pháp áp dụng vì lợi
ích công cộng được thực hiện trong khuôn khổ luật pháp;
ii. Các biện pháp mang tính chất
phân biệt được áp dụng đối xử tương ứng đối với các hành động mà Bên ký kết đã
áp dụng.
2. Bên ký kết tiến hành trưng
thu đầu tư trong những trường hợp được quy định tại mục 1-i, 1-ii điều này thì
sẽ đảm bảo cho các nhà đầu tư của Bên ký kết kia sự bồi thường công bằng và hiệu
quả. Sự bồi thường đó sẽ phù hợp với giá thị trường của các đầu tư bị trưng thu
được xác định theo trạng thái trước khi việc trưng thu được tiến hành hoặc trước
thời điểm khi mà quyết định về trưng thu được công bố (tuỳ thuộc việc nào xảy
ra sớm hơn), sẽ bao gồm cả lãi của đầu tư bị trưng thu tính theo lãi suất
"libor" kể từ ngày trưng thu và được tự do chuyển đổi. Số tiền bồi
thường được xác định bằng ngoại tệ mà các nhà đầu tư đã đầu tư vào hoặc bằng ngoại
tệ tự do chuyển đổi và được trả cho nhà đầu tư không chậm trễ, không phụ thuộc
vào nơi ở hoặc sinh sống của họ. Việc chuyển "không chậm trễ" được
coi là sự chuyển tiền được tiến hành trong thời gian thông thường cần thiết cho
các thủ tục của việc chuyển tiền. Thời hạn cho giai đoạn này được tính bắt đầu
từ ngày nộp đơn.
1. Những nhà đầu tư của một Bên
ký kết có đầu tư bị thiệt hại do chiến tranh, xung đột vũ trang, cách mạng, những
tình trạng đặc biệt, đảo chính, rối loạn trật tự công cộng hoặc những trường hợp
tương tự trên lãnh thổ của Bên ký kết kia sẽ được bồi thường, bồi hoàn thiệt hại
trong những điều kiện phù hợp với điều 4, mục 1, 2, 3 của hiệp định này.
2. Những nhà đầu tư của một Bên
ký kết có quyền được bồi thường thiệt hại đối với đầu tư của họ trên lãnh thổ của
Bên ký kết kia do những hành động của các cơ quan nhà nước, các quan chức của
Bên ký kết đó làm trái luật pháp do việc các cơ quan, quan chức đó không có biện
pháp kịp thời đối với các nhà đầu tư và các xí nghiệp của Bên ký kết liên quan
tới những đầu tư này.
Điều 7: Sự
thế quyền
1. Trong trường hợp một Bên ký kết
hoặc các cơ quan được uỷ quyền có một sự đảm bảo tài chính về rủi ro phi thương
mại đối với đầu tư của các nhà đầu tư nước mình thực hiện tại lãnh thổ Bên ký kết
kia và đã thực hiện sự thanh toántheo đảm bảo đó thì Bên ký kết kia treen cơ sở
nguyên tắc thế quyền sẽ công nhận sự chuyển toàn bộ quyền và yêu cầu các nhà đầu
tư nói trên cho Bên ký kết thứ nhất hoặc các cơ quan có thẩm quyền của họ, với
điều kiện các quỳen này của các nhà đầu tư gắn liền với các khoản đầu tư đã được
bảo hiểm.
2. Trường hợp thế quyền được quy
định tại mục 1 điều này, nhà đầu tư sẽ không có quyền đòi hỏi nếu như Bên ký kết
hoặc cơ quan được uỷ quyền không uỷ quyền cho nhà đầu tư làm việc đó.
3. Bên ký kết, là một Bên tranh
chấp với nhà đầu tư của Bên ký kết kia, trong quá trình giải quyết hoặc thực hiện
các quyết định giải quyết tranh chấp , với mục đích bảo vệ mình, không được dựa
vào quyền bất khả xâm phạm của mình hoặc dựa vào việc nhà đầu tư nhận được bồi
thường toàn bộ hoặc một phần các thiệt hại, mất mát theo các hợp đồng bảo hiểm
mà các hợp đồng này không quy định sự bảo đảm của Bên ký kết kia hoặc các cơ
quan có thẩm quyền của họ.
Ðiều 8: Tư vấn
Mối Bên ký kết có thể đề nghị
Bên ký kết kia tổ chức họp tư vấn về bất kỳ vấn đề gì liên quan tới việc giải
thích hoặc thực hiện Hiệp định này. Bên ký kết sẽ có thiện chí đối với những đề
nghị đó và tạo khả năng thích hợp cho các tư vân như vậy.
Điều 9: Giải
quyết tranh chấp giữa hai Bên ký kết
1. Các tranh chấp giữa các Bên
ký kết liên quan tới việc giải thích và áp dụng các điều khoản của Hiệp định
này sẽ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.
2. Nếu các Bên ký kết không đạt
được sự nhất trí trong vòng sáu tháng kể từ ngày phát sinh tranh chấp, thì theo
yêu cầu của bất kỳ Bên ký kết nào, việc tranh chấp sẽ được đưa ra Toà án trọng
tài bao gồm ba thành viên. Mỗi Bên ký kết sẽ chỉ định một trọng tài và những trọng
tài được chọn sẽ bầu Chủ tịch, là công dân nước thứ ba có quan hệ ngoại giao với
cả hai Bên ký kết.
3. Nếu một Bên ký kết không chỉ
định trọng tài của mình và không đồng ý với yêu cầu của Bên ký kết kia tiến
hành sự chỉ định đó trong vòng hai tháng, thì Bên ký kết kia có thể đề nghị Chủ
tịch Toà án Quốc tế thực hiện sự chỉ định cần thiết.
4. Nếu cả hai trọng tài không đạt
được sự nhất trí về việc bầu Chủ tịch trong vòng hai tháng sau khi họ được chỉ
định thì bất kỳ Bên ký kết nào có thể đề nghị Chủ tịch Toà án Quốc tế tiến hành
sự chỉ định cần thiết.
5. Nếu trong các trường hợp quy
định tại mục 3, 4 của điều này mà Chủ tịch Toà án Quốc tế không thể thực hiện
được chức năng trên hoặc ông ta là công dân của một Bên ký kết, thì việc chỉ định
do Phó chủ tịch tiến hành. Nếu Phó chủ tịch không thể thực hiện chức năng tương
ứng hoặc là công dân của một Bên ký kết thì việc bổ nhiệm sẽ được thực hiện bởi
các cấp tiếp theo của Toà án Quốc tế mà không phải là công dân của Bên ký kết
nào.
6. Toà án sẽ ra các quyết định
trên cơ sở tôn trọng pháp luật. Trong quá trình xét xử cho đến trước khi Toà án
ra quyết định, Toà án có thể đề nghị các Bên ký kết giải quyết tranh chấp bằng
biện pháp hoà giải. Các quy định trên không cản trở việc giải quyết tranh chấp
nếu như các Bên ký kết thoả thuận giải quyết như vậy.
7. Không vi phạm các thoả thuận
khác giữa các Bên ký kết, Toà án sẽ thiết lập các quy định thủ tục riêng của
mình. Toà án ra quyết định bằng đa số phiếu.
8. Mỗi Bên ký kết chịu các chi
phí cho trọng tài của mình ở Toà án cũng như phần chi phí của mình trong các thủ
tục trọng tài. Các chi phí do Chủ tịch Toà án trọng tài và các chi phí khác do
các Bên ký kết chịu theo phần bằng nhau. Tuy nhiên Toà án có thể quyết định mức
đóng góp cao hơn đối với một Bên ký kết và quyết định này là bắt buộc đối với
các Bên ký kết.
9. Các quyết định của Toà án là
cuối cùng và bắt buộc đối với các Bên ký kết.
Điều 10: Giải
quyết tranh chấp giữa một bên ký kết và nhà đầu tư của bên ký kết bên kia
1. Trường hợp phát sinh tranh chấp
giữa một Bên ký kết và nhà đầu tư của Bên ký kết bên kia về:
a. Nghĩa vụ của Bên ký kết này đối
với nhà đầu tư của Bên ký kết kia về vấn đề đầu tư của nhà đầu tư đó;
b. Sự vi phạm các quyền được quy
định trong Hiệp định này hoặc xuất phát từ Hiệp định này liên quan tới đầu tư của
nhà đầu tư đó;
Tranh chấp được giải quyết trong
chừng mực có thể, bằng trao đổi ý kiến và thương lượng.
2. Nếu trong vòng 6 tháng kể từ
khi đưa ra yêu cầu bằng văn bản hai bên tranh chấp vẫn không đạt được thoả thuận,
thì theo yêu cầu của một bên, vụ tranh chấp có thể đưa ra giải quyết tại:
a. Toà án của Bên ký kết, phù hợp
với thẩm quyền của họ, nơi mà đầu tư đó được thực hiện.
b. Trung tâm quốc tế về giải quyết
các tranh chấp đầu tư ( sau đây gọi là "trung Tâm"), theo các quy định
của công ước ký tại Washington ngày 18 tháng 3 năm 1965 về giải quyết tranh chấp
giữa các quốc gia và công dân của các quốc gia khác về đầu tư, nếu các quốc gia
hai Bên ký kết tham gia công ước;
c. Toà án trọng tài quốc tế
" ad hoc" phù hợp với điều lệ trọng tài hiện hành của Uỷ ban Liên hiệp
quốc về Luật thương mại quốc tế.
Điều 11: Áp
dụng các quy định khác và các nghĩa vụ đặc biệt
Nếu các quy định của luật pháp một
Bên ký kết hoặc các nghĩa vụ liên quan tới luật quốc tế đang hiện hành hoăc sẽ
được bổ sung đối với Hiệp định này, bao gồm các quy định có tính chất chung hay
đặc thù về việc cho các nhà đầu tư Bên ký kết kia chế độ thuận lợi hơn chế độ
do hiệp định này quy định thì các quy định nói trên sẽ có ưu thế hơn so với Hiệp
định này.
Điều 12: Luật
áp dụng
1. Nếu không có quy định gì khác
trong Hiệp định thì các đầu tư thực hiện theo Hiệp định này sẽ được điều chỉnh
bởi pháp luật của Bên ký kết mà ở đó các đầu tư được thực hiện.
2. Quy định tại mục 1 điều này
không hạn chế Bên ký kết áp dụng các biện pháp để bảo vệ các lợi ích an ninh sống
còn hoặc trong trường hợp khẩn cấp, phù hợp với pháp luật của Bên ký kết đó và
được thực hiện trên cơ sở không phân biệt đối xử.
Điều 13: Sửa
đổi và bổ sung
Hiệp định này cố thể sửa đổi và
bổ sung theo sự nhất trí bằng văn bản của các Bên ký kết.
Điều 14: Hiệu
lực, thời hạn và chấm dứt hiệu lực của hiệp định
1. Các Bên ký kết trao đổi văn bản
về việc hoàn tất các thủ tục pháp lý do luật pháp của các Bên ký kết quy định để
cho Hiệp định này có hiệu lực.
Hiệp định này có hiệu lực kể từ
ngày nhận được văn bản thứ 2.
2. Hiệp định này có hiệu lực
trong vòng 10 năm. Hiệu lực của Hiệp định sẽ tự động kéo dài thêm 5 năm tiếp
theo nếu không một Bên ký kết nào thông báo bằng văn bản cho phía Bên ký kết
kia 12 tháng trước khi Hiệp định hết hạn về ý định chấm dứt hiệu lực của Hiệp định
này.
3. Trong trường hợp huỷ bỏ Hiệp
định này thì các quy định của Hiệp định từ Điều 1 – 11 sẽ tiếp tục có hiệu lực
trong vòng 10 năm tiếp theo đối với các đầu tư đã được thực hiện trước khi Hiệp
định này hết hạn.
Làm thành hai bản chính thức
ngày 28 tháng 3 năm 1996 tại Hà Nội, mỗi bản bằng tiếng Việt, Uzbek, Nga và các
văn bản có giá trị ngang nhau.
Bản tiếng Nga sẽ được dùng để giải
thích Hiệp định này.
THAY
MẶT
CHÍNH PHỦ CHXHCN VIỆT NAM
|
THAY
MẶT
CHÍNH PHỦ UZBEKISTAN
|