BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 09/2020/TT-BKHĐT
|
Hà Nội, ngày 27 tháng
11 năm 2020
|
THÔNG
TƯ
QUY
ĐỊNH CHI TIẾT LẬP HỒ SƠ MỜI THẦU MUA SẮM HÀNG HOÁ ĐỐI VỚI GÓI THẦU THUỘC PHẠM
VI ĐIỀU CHỈNH CỦA HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC TOÀN DIỆN VÀ TIẾN BỘ XUYÊN THÁI BÌNH DƯƠNG
Căn cứ Luật Đấu thầu ngày 26 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Nghị quyết
số 72/2018/QH14 ngày 12 tháng 11 năm 2018 của
Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương
cùng các văn kiện liên quan;
Căn cứ Nghị định
số 95/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2020 của
Chính phủ hướng dẫn thực hiện về đấu thầu mua sắm theo Hiệp định Đối tác Toàn
diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương;
Căn cứ Nghị định
số 86/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 7 năm 2017 của
Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế
hoạch và Đầu tư;
Theo đề nghị của
Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu;
Bộ trưởng Bộ Kế
hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu mua sắm
hàng hóa đối với gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định Đối tác Toàn
diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.
Điều
1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này
quy định chi tiết về lập hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hoá đối với gói thầu thuộc
phạm vi điều chỉnh quy định tại Điều 1 của Nghị định số 95/2020/NĐ-CP
ngày 24 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện về đấu thầu mua sắm
theo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (sau đây gọi
là Nghị định số 95/2020/NĐ-CP).[1]
Điều
2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp
dụng đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động lựa chọn
nhà thầu gói thầu mua sắm hàng hoá thuộc phạm vi điều chỉnh quy định tại Điều 1 của Thông tư này.
Điều
3. Áp dụng Mẫu hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hoá
1. Áp dụng Mẫu
hồ sơ mời thầu:
a) Mẫu hồ sơ mời
thầu mua sắm hàng hoá số 01 (Mẫu số 01) áp dụng cho
gói thầu đấu thầu rộng rãi theo phương thức lựa chọn nhà thầu một giai đoạn một
túi hồ sơ;
b) Mẫu hồ sơ mời
thầu mua sắm hàng hoá số 02 (Mẫu số 02) áp dụng cho
gói thầu đấu thầu rộng rãi theo phương thức lựa chọn nhà thầu một giai đoạn hai
túi hồ sơ.
2. Khi lập, thẩm
định, phê duyệt hồ sơ mời thầu gói thầu mua sắm hàng hoá, tổ chức, cá nhân phải:
a) Căn cứ vào
quy mô, tính chất của từng gói thầu cụ thể để đưa ra các yêu cầu phù hợp trên
cơ sở bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế;
b) Căn cứ nhu cầu
sử dụng của hàng hoá để đưa ra các yêu cầu về kỹ thuật (đặc tính, thông số kỹ
thuật…) bảo đảm đáp ứng về công năng, phù hợp với nhu cầu sử dụng thực tế cũng
như điều kiện của thị trường;
c) Trường hợp đấu
thầu nội khối,
trong hồ sơ mời thầu ghi rõ chỉ cho phép nhà thầu nội khối chào hàng hóa có xuất
xứ từ các Nước thành viên tham dự thầu. Nước thành viên là nước thỏa
mãn các điều kiện sau:
- Ký kết Hiệp định Đối
tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (sau đây gọi là Hiệp định
CPTPP) ngày 08 tháng 3 năm 2018;
- Tại thời điểm
phê duyệt hồ sơ mời thầu của gói thầu, Hiệp định CPTPP có hiệu lực với nước đó;
d) Không được
đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế
cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng như nêu nhãn
hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hoá, kể cả việc nêu tên nước, nhóm nước, vùng
lãnh thổ gây ra sự phân biệt đối xử, trừ trường hợp đấu thầu nội khối theo quy
định tại Điều 4 và Điều 15 của Nghị định số 95/2020/NĐ-CP và điểm c khoản
này; không
đưa ra yêu cầu nhà thầu đã từng ký kết thực hiện một hoặc nhiều hợp đồng
với cơ quan mua sắm của một quốc gia, vùng lãnh thổ cụ thể hoặc nhà thầu
phải có kinh nghiệm cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ trong lãnh thổ của quốc gia,
vùng lãnh thổ
đó
như là tiêu chí để loại bỏ nhà thầu.
Trường hợp không thể mô
tả chi tiết hàng hóa theo đặc tính kỹ thuật, thiết kế công nghệ, tiêu chuẩn
công nghệ thì có thể nêu nhãn hiệu, catalô của một sản phẩm cụ
thể
để tham khảo, minh họa cho yêu cầu về kỹ thuật của hàng hóa nhưng phải ghi kèm
theo cụm từ “hoặc tương đương” sau nhãn hiệu, catalô đồng thời phải
quy định rõ nội
hàm tương
đương với
hàng hóa đó về đặc
tính kỹ thuật, tính năng sử dụng, tiêu chuẩn công nghệ và các nội dung khác (nếu
có) mà không được quy định tương đương về xuất xứ;
đ) Trường hợp
có chỉnh sửa các quy định nêu trong Mẫu hồ sơ mời thầu thì tổ chức, cá nhân thực
hiện việc lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu phải bảo đảm việc chỉnh sửa
đó là phù hợp, khoa học, chặt chẽ hơn so với quy định nêu trong Mẫu hồ sơ mời
thầu và không trái với quy định của Hiệp định CPTPP. Trong tờ trình đề nghị phê
duyệt hồ sơ mời thầu phải nêu rõ các nội dung chỉnh sửa so với quy định trong Mẫu
hồ sơ mời thầu và lý do chỉnh sửa để chủ đầu tư xem xét, quyết định.
3. Đối với
gói thầu mua sắm hàng hoá áp dụng hình thức chỉ định thầu, có thể tham khảo, chỉnh
sửa các Mẫu hồ sơ mời thầu để áp dụng cho phù hợp.
Điều
4. Giấy phép bán hàng của nhà sản xuất
1. Đối với hàng hóa thông thường, thông dụng, sẵn có trên thị trường, đã
được tiêu chuẩn hóa và được bảo hành theo quy định của nhà sản xuất thì không
yêu cầu nhà thầu phải nộp Giấy phép hoặc Giấy ủy quyền bán hàng của nhà sản xuất, đại lý phân phối hoặc
Giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương (sau
đây gọi chung là Giấy phép bán hàng).
2. Đối với hàng hóa đặc thù, phức tạp cần sự khẳng định của nhà sản xuất, nhà cung cấp để đảm bảo tính khả thi
trong việc cung cấp hàng hóa khi nhà thầu trúng thầu và cần gắn với trách nhiệm
của nhà sản xuất trong việc cung cấp các dịch vụ sau bán hàng như lắp đặt, bảo
trì, đào tạo và các dịch vụ liên quan khác, trong hồ sơ mời thầu có thể yêu cầu
nhà thầu tham dự thầu phải cung cấp Giấy phép bán hàng.
Trường hợp trong hồ sơ dự thầu, nhà thầu không đính kèm Giấy phép bán hàng theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu thì hồ
sơ dự thầu của nhà thầu vẫn được tiếp tục xem xét, đánh giá để được xét duyệt
trúng thầu. Việc nhà thầu không đính kèm Giấy
phép bán hàng theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu không phải là lý do loại bỏ
nhà thầu. Trường hợp nhà thầu trúng thầu, nhà thầu phải xuất trình được Giấy
phép bán hàng trước khi ký hợp đồng và chịu trách nhiệm về tính chính xác của
những tài liệu, thông tin do mình cung cấp. Trường hợp nhà thầu không xuất
trình được Giấy phép bán hàng để ký hợp đồng thì mời nhà thầu xếp hạng tiếp
theo vào thương thảo hợp đồng.
3. Trường hợp nội dung Giấy phép bán hàng chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu thì bên
mời thầu phải yêu cầu nhà thầu làm rõ về các nội dung này để có đầy đủ thông
tin phục vụ việc trao hợp đồng, bao gồm cho phép nhà thầu thay thế hoặc bổ sung
thông tin về Giấy phép bán hàng.
4. Trường hợp các nhà sản xuất, đại lý phân phối trong lãnh thổ Việt Nam cố
tình không cung cấp cho nhà thầu Giấy phép bán hàng mà không có lý do chính đáng, không tuân thủ các quy định của pháp luật về
thương mại và cạnh tranh, dẫn đến tạo lợi thế hoặc tạo sự độc quyền cho nhà thầu
khác thì nhà thầu phản ánh đến Bộ Công Thương để kịp thời xử lý.
Điều 5. Yêu cầu về cung cấp hàng mẫu
1. Đối với hàng hóa thông thường, thông dụng, sẵn có trên thị trường, đã
được tiêu chuẩn hóa thì không yêu cầu nhà thầu cung cấp hàng mẫu.
2. Trường hợp hàng hóa của gói thầu là đặc thù,
phức tạp, chủ đầu tư, bên mời thầu không thể xác định được cụ thể hình dáng, mẫu
mã của hàng hóa, cần chế tạo, sản xuất đơn lẻ, riêng biệt thì có thể yêu cầu
nhà thầu cung cấp hàng mẫu để chứng minh thông số kỹ thuật của hàng hóa. Trường
hợp yêu cầu nhà thầu cung cấp hàng mẫu, trong tờ trình đề nghị phê duyệt hồ sơ
mời thầu phải nêu rõ lý do để chủ đầu tư xem xét, quyết định. Chủ đầu tư, bên mời
thầu phải bảo đảm việc yêu cầu cung cấp hàng mẫu không dẫn đến làm tăng chi phí
của gói thầu, hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc
một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.
3. Trường hợp hồ sơ mời thầu có yêu cầu cung cấp hàng mẫu, nhà có thể nộp
bổ sung hàng mẫu sau thời điểm đóng thầu.
Điều 6. Yêu cầu về huy động nhân sự thực hiện gói thầu
1. Đối với phần công việc cung cấp hàng hóa, hồ sơ mời thầu không được đưa
ra yêu cầu về huy động nhân sự chủ chốt.
2. Đối với hàng hóa thông dụng, sẵn có trên thị trường, không đòi hỏi nhân
sự thực hiện dịch vụ liên quan phải có trình độ cao thì không yêu cầu về nhân sự
chủ chốt. Trường hợp các dịch vụ liên quan có yếu tố đặc thù, phức tạp cần thiết
phải do nhân sự có hiểu biết, nhiều kinh nghiệm đảm nhận thì có thể đưa ra yêu
cầu về huy động nhân sự chủ chốt để thực hiện các công việc đặc thù, phức tạp
này. Trường hợp yêu cầu huy động nhân sự chủ chốt, trong tờ trình phê duyệt hồ
sơ mời thầu phải nêu rõ lý do để chủ đầu tư xem xét, quyết định. Chủ đầu tư,
bên mời thầu phải bảo đảm việc yêu cầu huy động nhân sự chủ chốt không dẫn đến
làm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số
nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.
3. Trường hợp hồ sơ mời thầu có yêu cầu huy động nhân sự chủ chốt, trong hồ
sơ dự thầu, nhà thầu phải chứng minh khả năng sẵn sàng huy động các nhân sự chủ
chốt đã đề xuất để tham gia thực hiện gói thầu đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu.
Nhân sự chủ chốt có thể thuộc biên chế của nhà thầu hoặc do nhà thầu huy động.
Trường hợp nhân sự chủ chốt do nhà thầu đề xuất chưa đáp ứng yêu cầu của hồ sơ
mời thầu, tổ chuyên gia, bên mời thầu cần yêu cầu nhà thầu thay thế nhân sự
khác đáp ứng yêu cầu trong khoảng thời gian phù hợp để tiếp tục xem xét, đánh
giá mà không loại bỏ ngay hồ sơ dự thầu của nhà thầu. Trong mọi trường hợp, nhà
thầu phải bảo đảm thông tin kê khai về lý lịch, kinh nghiệm của nhân sự chủ chốt
là trung thực.
Điều
7. Hợp đồng
1. Loại hợp đồng
áp dụng chủ yếu cho gói thầu mua sắm hàng hóa là hợp đồng trọn gói. Trường hợp
hàng hóa có tính đặc thù, phức tạp, quy mô lớn và thời gian thực hiện hợp đồng
trên 18 tháng thì có thể áp dụng loại hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh. Khi áp
dụng loại hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh, hồ sơ mời thầu phải quy định rõ
công thức điều chỉnh giá; trong quá trình thực hiện hợp đồng, trường hợp có
thay đổi về đơn giá và cần phải điều chỉnh giá hợp đồng thì nhà thầu phải chứng
minh được các yếu tố dẫn đến sự thay đổi về đơn giá đó.
2. Hồ sơ mời thầu
phải bao gồm Mẫu hợp đồng và quy định chi tiết các điều, khoản của hợp đồng để
nhà thầu làm cơ sở chào thầu và để các bên làm cơ sở thương thảo, hoàn thiện,
ký kết hợp đồng.
3. Việc chấm dứt
hợp đồng tùy ý nêu tại Mục 29.3 Điều kiện chung của Hợp đồng trong Mẫu hồ sơ mời
thầu ban hành kèm theo Thông tư này chỉ được thực hiện khi được người có thẩm
quyền cho phép với lý do hợp lý.
4. Hợp đồng ký kết giữa chủ đầu tư với nhà thầu phải tuân thủ theo Mẫu hợp
đồng, các điều kiện hợp đồng quy định trong hồ sơ mời thầu và các hiệu chỉnh, bổ
sung do nhà thầu đề xuất được chủ đầu tư chấp thuận trong quá trình thương thảo,
hoàn thiện hợp đồng nhưng bảo đảm không trái với quy định của pháp luật về đấu
thầu, quy định của Hiệp định CPTPP và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Điều
8. Tổ chức thực hiện
1. Thông tư này
có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 01 năm 2021.
2. Đối với các
gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định CPTPP đã mở thầu trước ngày Thông
tư này có hiệu lực thi hành, việc đánh giá hồ sơ dự thầu và xét duyệt trúng thầu
thực hiện theo quy định nêu trong hồ sơ mời thầu nhưng phải bảo đảm không trái
với quy định của Hiệp định CPTPP.
3. Đối với các
gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định CPTPP đã phê duyệt, phát hành hồ
sơ mời thầu trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành nhưng có thời điểm
đóng thầu sau ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành và chưa đến thời điểm đóng
thầu, trường hợp có nội dung không phù hợp hoặc trái với hướng dẫn nêu tại các
Mẫu hồ sơ mời thầu ban hành kèm theo Thông tư này thì phải sửa đổi cho phù hợp.
Trường hợp sửa đổi hồ sơ mời thầu sau khi phát hành, chủ đầu tư, bên mời thầu
phải dành cho nhà thầu một khoảng thời gian hợp lý để đủ thời gian cho nhà thầu
chuẩn bị hồ sơ dự thầu.
4. Đối với các
gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định CPTPP đã phê duyệt hồ sơ mời thầu
trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành nhưng chưa phát hành hồ sơ mời thầu
thì phải sửa đổi theo các Mẫu hồ sơ mời thầu ban hành kèm theo Thông tư này.
5. Các tổ chức
được liệt kê tại phụ lục kèm theo Nghị định số 95/2020/NĐ-CP
và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị gửi ý kiến về Bộ Kế hoạch
và Đầu tư để kịp thời hướng dẫn./.
Nơi nhận:
-
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Cổng TTĐT Chính phủ;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Lãnh đạo Bộ, Các đơn vị thuộc Bộ, Cổng TTĐT Bộ Kế hoạch
và Đầu tư;
- Lưu: VT, Cục QLĐT ( ).
|
BỘ TRƯỞNG
Nguyễn Chí Dũng
|