CHỈ THỊ
VỀ
TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ HỆ THỐNG CÁC CÔNG TRÌNH HẠ TẦNG KỸ THUẬT ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN
TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
Thời gian qua, hệ thống các công trình hạ
tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được đầu tư xây dựng
bằng nhiều nguồn vốn khác nhau đã mang lại những hiệu quả thiết thực, góp phần
thúc đẩy mạnh mẽ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện môi trường
sống đô thị. Hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị đã cơ bản đáp ứng
tốt các yêu cầu dịch vụ thiết yếu cho sản xuất kinh doanh và đời sống sinh hoạt
của người dân, đồng thời góp phần quan trọng đối với việc chỉnh trang và mở
rộng không gian đô thị.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số tồn tại cần được
khắc phục, chấn chỉnh trong thời gian tới. Đó là việc đầu tư xây dựng chưa đồng
bộ, chắp vá, tự phát; chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà
nước, chủ đầu tư và các đơn vị quản lý, vận hành các công trình hạ tầng kỹ
thuật dẫn đến phải làm đi làm lại, đào lên lấp xuống nhiều lần. Hệ thống đường
dây, đường ống kỹ thuật tại các đô thị cũ chằng chịt không những ít được xử lý
mà còn ngày một gia tăng làm cho tình hình ngày càng phức tạp. Thực trạng trên
làm giảm chất lượng, hiệu quả khai thác công trình mất an toàn, ảnh hưởng tới
mỹ quan đô thị và gây nên sự lãng phí, tốn kém.
Nguyên nhân của những tồn tại nêu trên là
do quy định về trách nhiệm của các cơ quan trong việc quản lý công trình hạ tầng
kỹ thuật còn chồng chéo và thiếu sự thống nhất; sự phối hợp giữa các ngành, các
cấp, các chủ công trình chưa chặt chẽ, hiệu quả; việc xây dựng, quản lý và chia
sẻ thông tin, dữ liệu về hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị chưa tốt; nguồn vốn
cho đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo công trình hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế.
Để khắc phục những tồn tại trên, Ủy ban nhân
dân tỉnh yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước về hạ tầng kỹ thuật đô thị, Ủy
ban nhân dân các huyện, thành phố, các chủ đầu tư xây dựng công trình và các đơn
vị quản lý, vận hành hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị tổ chức
triển khai thực hiện nghiêm túc các vấn đề sau đây:
1. Về công tác quy hoạch hạ tầng kỹ thuật
đô thị:
a) Đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch xây dựng
đô thị và các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật (nếu có) làm cơ sở cho
việc phát triển đô thị và đầu tư xây dựng hệ thống các công trình hạ tầng kỹ
thuật đô thị;
b) Nâng cao chất lượng thiết kế, tăng cường
công tác thẩm định hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật trong các đồ án quy
hoạch. Khi thiết kế quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên các tuyến đường đô
thị yêu cầu phải có luận cứ xác đáng, tính toán khoa học, quy mô phù hợp, đồng
bộ, tổ chức không gian hợp lý, tổ hợp đường dây, đường ống kỹ thuật cho từng
tuyến đường theo đúng quy định hiện hành, làm cơ sở cho việc đầu tư xây dựng,
quản lý đồng bộ;
c) Khi lập đồ án quy hoạch xây dựng đô thị,
cơ quan tổ chức lập quy hoạch, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình phải
lấy ý kiến về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch của các đơn vị được Ủy ban nhân dân
tỉnh giao nhiệm vụ quản lý, vận hành công trình hạ tầng kỹ thuật;
d) Đối với các đô thị đã có quy hoạch phân
khu, quy hoạch chi tiết được phê duyệt nhưng chưa xác định vị trí, số lượng,
quy mô các công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung thì phải bổ sung ngay khi
điều chỉnh quy hoạch. Trường hợp công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung chưa
có trong quy hoạch đô thị, khi đầu tư xây dựng phải có ý kiến thỏa thuận của cơ
quan quản lý nhà nước về quy hoạch tại địa phương.
2. Về công tác đầu tư xây dựng hệ thống công
trình hạ tầng kỹ thuật đô thị:
a) Các dự án đầu tư xây dựng công trình hạ
tầng kỹ thuật đô thị phải được đầu tư tập trung, đồng bộ và chỉ được khởi công
xây dựng khi đã chuẩn bị đủ kế hoạch vốn đầu tư;
b) Khi đầu tư xây dựng mới, cải tạo, mở rộng
các tuyến đường giao thông trong đô thị theo quy hoạch, chủ đầu tư phải tổ chức
thiết kế đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật trên tuyến đường. Phải thiết kế
tuy nen hoặc hào kỹ thuật để lắp đặt đường dây, đường ống ngầm theo đúng quy
định của Luật Quy hoạch đô thị. Việc xây dựng tuy nen hoặc hào kỹ thuật phải
thực hiện đồng thời với xây dựng đường đô thị thuộc dự án;
c) Khi thẩm định dự án đầu tư xây dựng công
trình, cơ quan đầu mối thẩm định phải lấy ý kiến về thiết kế cơ sở của các đơn
vị được Ủy ban nhân dân tỉnh giao
nhiệm vụ quản lý, vận hành công trình hạ tầng kỹ thuật;
d) Cơ quan đầu mối thẩm định dự án đầu tư
xây dựng công trình, cơ quan thẩm tra thiết kế xây dựng công trình chỉ được thẩm
định, thẩm tra để các cơ quan thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế xây
dựng công trình khi hồ sơ thiết kế đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên;
đ) Chủ đầu tư xây dựng công trình phải thông
báo cho đơn vị quản lý, vận công trình hạ tầng kỹ thuật có trong dự án đầu tư
để các đơn vị này có trách nhiệm cử người tham gia với chủ đầu tư trong việc
quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
e) Các đơn vị quản lý, vận hành công trình
hạ tầng kỹ thuật có trong dự án đầu tư có trách nhiệm cử người có đủ chuyên
môn, nghiệp vụ tham gia cùng với chủ đầu tư trong việc tổ chức lập dự án, thiết
kế, theo dõi, quản lý, nghiệm thu và tiếp nhận đưa công trình vào khai thác sử
dụng;
g) Khi hoàn thành công trình đưa vào sử dụng,
chủ đầu tư phải bàn giao cho các cơ quan sau để quản lý, vận hành:
- Đường giao thông đô thị: Bàn giao cho Ủy
ban nhân dân huyện, thành phố nơi xây dựng công trình hoặc Sở Giao thông vận tải
theo phân cấp quản lý;
- Hào hoặc tuy nen kỹ thuật, hệ thống chiếu
sáng, cây xanh: Bàn giao cho Ủy ban nhân dân huyện, thành phố nơi xây dựng công
trình;
- Hệ thống cấp nước: Bàn giao cho đơn vị
cấp nước theo phân vùng cấp nước;
- Hệ thống thoát nước: Bàn giao cho Công
ty Thoát nước và Phát triển đô thị;
- Hệ thống cấp điện: Bàn giao cho Công ty
Điện lực Bà Rịa - Vũng Tàu;
h) Kết thúc dự án đầu tư đầu tư xây dựng
công trình, chủ đầu tư phải nộp 01 (một) bộ hồ sơ hoàn công cho Sở Xây dựng và 01
(một) bộ cho cơ quan quản lý chuyên ngành để lưu trữ, theo dõi, quản lý và sử
dụng hồ sơ phục vụ cho công tác quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị sau
này.
3. Về công tác chỉnh trang, phát triển hạ
tầng kỹ thuật tại các khu đô thị cũ:
Căn cứ hiện trạng thực tế các tuyến đường
trong các đô thị, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố phải xây dựng kế hoạch cụ
thể để từng bước ngầm hóa các công trình hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống
cáp thông tin, cáp điện lực. Trong đó, giải pháp xây dựng phải đồng bộ, phân kỳ
đầu tư cụ thể để đảm bảo tính khả thi.
4. Tổ chức thực hiện:
a) Sở Xây dựng:
- Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực
hiện quản lý nhà nước đối với hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị trên
địa bàn tỉnh; thống nhất quản lý nhà nước về chất lượng công trình hạ tầng kỹ
thuật; thẩm tra thiết kế các công trình hạ tầng kỹ thuật theo quy định hiện hành
và yêu cầu của Chỉ thị này, chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và Ủy
ban nhân dân các huyện, thành phố tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong công
tác phát triển hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị; tổ chức thanh tra,
kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ quy hoạch và các quy định về quản lý,
đầu tư xây dựng các công trình, hạ tầng kỹ thuật đô thị;
- Tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh,
Bộ Xây dựng về hiện trạng và tình hình phát triển hệ thống công trình hạ tầng
kỹ thuật đô thị trên địa bàn tỉnh hàng năm và khi được yêu cầu.
b) Sở Kế hoạch và Đầu tư:
Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thẩm định
các dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị do Ủy ban nhân dân
tỉnh quyết định đầu tư theo quy định hiện hành và yêu cầu của Chỉ thị này; rà
soát, phân bổ vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước để đảm bảo dự án đầu tư
xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiệu
quả cao.
c) Các sở quản lý xây dựng chuyên ngành:
- Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực
hiện quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị
chuyên ngành; thẩm tra thiết kế các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị chuyên
ngành theo quy định hiện hành và yêu cầu của Chỉ thị này; tổ chức thanh tra,
kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ quy hoạch và các quy định về quản lý
các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị chuyên ngành;
- Báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua
Sở Xây dựng để tổng hợp) về hiện trạng và tình hình phát triển hệ thống công
trình hạ tầng kỹ thuật đô thị thuộc ngành mình quản lý trên địa bàn tỉnh hàng
năm và khi được yêu cầu.
d) Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
- Tổ chức kiểm tra, giám sát việc tuân thủ
quy hoạch và các quy định về đầu tư xây dựng, đấu nối, sử dụng các công trình
hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn; tổ chức thẩm định các dự án đầu tư xây
dựng công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị do Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định
đầu tư theo quy định hiện hành và yêu cầu của Chỉ thị này; ngăn chặn và xử lý
kịp thời tình trạng xâm hại công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị;
- Báo cáo về hiện trạng và tình hình quản
lý, phát triển hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị thuộc địa bàn hàng
năm và khi được yêu cầu gửi Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân
tỉnh và Bộ Xây dựng.
đ) Các đơn vị quản lý, vận hành công trình
hạ tầng kỹ thuật đô thị:
- Ngay sau khi tiếp nhận bàn giao công trình
hạ tầng kỹ thuật từ các chủ đầu tư, đơn vị quản lý, vận hành công trình phải tổ
chức quản lý, vận hành công trình theo đúng các quy định hiện hành có trách
nhiệm thường xuyên kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng, bảo trì công trình để đảm bảo
công trình làm việc an toàn và hiệu quả trong suốt thời gian khai thác, sử dụng;
- Xây dựng, khai thác và quản lý cơ sở dữ
liệu về công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị được giao quản lý, vận hành. Báo cáo
anh hình thực hiện công tác quản lý, vận hành công trình hạ tầng kỹ thuật đô
thị hàng năm gửi Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố nơi có công trình để tổng
hợp báo cáo Sở Xây dựng.
5. Chỉ thị này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho Sở Xây dựng
chủ trì, phối hợp với các cơ quan đơn vị quản lý và Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này, báo cáo kết quả thực hiện
hàng năm về Ủy ban nhân dân tỉnh để kịp thời chỉ đạo, điều hành./.