ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH
TIỀN GIANG
******
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
02/2006/CT-UBND
|
Mỹ
Tho, ngày 09 tháng 01 năm 2006
|
CHỈ THỊ
VỀ TẬP TRUNG PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2006 - 2010
Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp Tiền
Giang đã có chuyển biến tích cực; nhiều dự án có qui mô khá, công nghệ và thiết
bị tương đối hiện đại đã được triển khai, đi vào hoạt động. Các sản phẩm công
nghiệp hàng năm đều tăng về số lượng, chất lượng nhiều mặt hàng đã được nâng
lên, thị trường trong và ngoài nước từng bước được mở rộng.
Năm 2005, ngành công nghiệp Tiền Giang tiếp tục
phát triển, đạt giá trị sản xuất hơn hai ngàn sáu trăm tỷ đồng (giá cố định
1994), tăng 21,57% so với năm 2004; bình quân giai đoạn 2001- 2005 tăng
17,28%/năm, nâng tỷ trọng khu vực II từ 15,3% năm 2000 lên 24,3% năm 2005 trong
cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh; giải quyết việc làm cho trên 42.000 lao
động thường xuyên và hàng chục ngàn lao động thời vụ, góp phần đáng kể vào việc
chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và
nâng cao đời sống của nhân dân.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp vẫn chưa thật sự
phát triển bền vững, thu hút đầu tư vẫn còn ở mức thấp, công nghiệp chế biến
chưa gắn chặt với phát triển vùng nguyên liệu đồng bộ, chặt chẽ, công nghệ hầu
hết ở mức trung bình hoặc lạc hậu, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu của
sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Trong điều kiện tỉnh ta gia nhập Vùng kinh tế trọng
điểm Phía Nam và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, kinh tế các nước
trong khu vực và trên thế giới phát triển với tốc độ cao; để tạo bước đột phá về
chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng tốc độ phát triển sản xuất công nghiệp theo
Nghị quyết Đại hội Tỉnh Đảng bộ lần thứ VIII đã đề ra, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ
thị tập trung thực hiện tốt những mục tiêu, nhiệm vụ phát triển công nghiệp
giai đoạn 2006 - 2010, như sau:
I. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ PHÁT
TRIỂN CÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2006 - 2010
1. Mục tiêu
Từ nay đến năm 2010 và những năm tiếp theo,
ngành công nghiệp phải phát triển với tốc độ cao và bền vững; phấn đấu đạt tốc
độ tăng trưởng bình quân về giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2006 - 2010
là trên 19%/năm, góp phần đưa khu vực II chiếm tỷ trọng 33% trở lên trong tổng
sản phẩm trên địa bàn tỉnh.
2. Nhiệm vụ
2.1. Về quản lý nhà nước
a) Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành
chính theo Chỉ thị 09/2005/CT-TTg ngày 05/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ; tiếp
tục nâng cao chất lượng trong việc tổ chức thực hiện cơ chế “một cửa”, tạo môi
trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn.
b) Tiếp tục bổ sung, xây dựng mới một số cơ chế
khuyến khích đầu tư vào địa bàn tỉnh, đảm bảo tính công khai, minh bạch nhằm
thúc đẩy phát triển công nghiệp; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp;
tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, kết cấu hạ tầng, dịch vụ… nhằm khuyến
khích, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp.
c) Triển khai thực hiện quy hoạch phát triển
công nghiệp giai đoạn 2006 - 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 theo quy hoạch tổng
thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phát triển công nghiệp theo hướng xuất
khẩu; tập trung đầu tư cho sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh đủ sức cạnh
tranh trên thị trường. Quy hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ cho công
nghiệp chế biến rau quả, thủy sản và lương thực, thực phẩm, gắn phát triển công
nghiệp với công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn.
d) Đẩy mạnh công tác khuyến công, công tác tư vấn
phát triển sản xuất, khởi sự doanh nghiệp, công tác dịch vụ tài chính, xúc tiến
thương mại; hướng dẫn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ,
tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nhất là các doanh nghiệp trong khu vực
kinh tế dân doanh.
e) Nâng cao chất lượng, số lượng đào tạo nguồn
nhân lực phục vụ tốt nhu cầu phát triển công nghiệp.
2.2. Về đầu tư phát triển công nghiệp
Để thực hiện mục tiêu phát triển công nghiệp
giai đoạn 2006 – 2010, từ nay đến năm 2010phải thu hút đầu tư cho ngành công
nghiệp ít nhất khoảng 17.000 tỷ đồng. Trong đó nguồn ngân sách tỉnh đảm bảo ít
nhất là 500 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu,
cùng với khu vực kinh tế có vốn của Nhà nước đáp ứng khoảng 10% vốn đầu tư cho
phát triển công nghiệp.
Đẩy mạnh sản xuất, chế biến các sản phẩm có khả
năng cạnh tranh như: gạo, thủy sản chế biến, rau quả chế biến, quần áo may sẵn,
hàng thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ, linh kiện điện tử; tăng tỷ trọng tinh chế các sản
phẩm xuất khẩu chiến lược chế biến từ thủy sản, rau quả, gạo.
Chú trọng phát triển công nghiệp sinh học, gắn sản
xuất công nghiệp với bảo vệ môi trường.
Khuyến khích các doanh nghiệp rà soát, giảm chi
phí trên đơn vị sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất, đổi mới công nghệ, hạ giá
thành sản phẩm, tăng giá trị gia tăng, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng
tiên tiến, nâng cao khả năng cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế;
nâng cao vai trò quản lý và tay nghề cho người lao động; mở rộng thị trường hiện
có và phát triển thị trường mới.
2.3. Về thu hút đầu tư phát triển công nghiệp
Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá,
quảng cáo, tiếp thị “thương hiệu tỉnh Tiền Giang", tạo điều kiện thuận lợi
nhất để các thành phần kinh tế (trong nước, nước ngoài) tham gia đầu tư phát
triển công nghiệp, đáp ứng khoảng 90% tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển công
nghiệp. Ưu tiên cho dự án đầu tư trong các lĩnh vực: cơ khí chế tạo, điện - điện
tử, hóa chất, công nghiệp hàng tiêu dùng và chế biến lương thực - thực phẩm…
II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành thường xuyên
rà soát, đánh giá lại môi trường thu hút đầu tư của tỉnh, kịp thời đề xuất Ủy
ban nhân dân tỉnh bổ sung, sửa đổi cơ chế, cung cách phục vụ để tạo môi trường
thuận lợi cho thu hút đầu tư. Phối hợp tổ chức các cuộc hội thảo về xúc tiến đầu
tư, để kêu gọi đầu tư vào địa bàn tỉnh và quảng bá “thương hiệu tỉnh Tiền
Giang”, trong đó, đặc biệt chú ý những địa phương có nhiều cơ hội như thành phố
Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ. Tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định
phân bổ nguồn vốn xây dựng cơ bản, ưu tiên các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng
phục vụ phát triển công nghiệp. Phối hợp với Sở Tài chính đảm bảo cân đối kịp
thời nguồn vốn đầu tư cho các khu công nghiệp và hỗ trợ tài chính cho các cụm
công nghiệp cấp huyện theo quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Sở Công nghiệp
Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân
dân cấp huyện đề xuất, triển khai xây dựng ít nhất 4 cụm công nghiệp theo quy
hoạch ở các huyện, thành, thị như: Cụm công nghiệp Vàm Láng, Cụm công nghiệp
Long Hưng, Cụm công nghiệp Tân Thuận Bình, Cụm công nghiệp - dịch vụ nghề cá
Tân Mỹ Chánh và một số cụm công nghiệp khác khi có đủ điều kiện.
Cùng với các ngành liên quan xác định và lập đề
án xây dựng, hỗ trợ các sản phẩm chủ lực của tỉnh, nhằm đảm bảo khả năng cạnh
tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Chủ trì, phối hợp các ngành liên quan rà soát
các nội dung của Chương trình khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu
thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh những nội dung
sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp và
đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh tăng cường, củng cố Ban chỉ đạo thực hiện Chương
trình khuyến công và phát triển làng nghề tỉnh Tiền Giang.
Sở Công nghiệp là cơ quan đầu mối, chủ động phối
hợp với các cơ quan có liên quan để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tập trung chỉ
đạo phát triển sản xuất công nghiệp từ nay đến năm 2010, kịp thời phát hiện, đề
xuất Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, tháo gỡ các vướng mắc để tạo điều kiện cho
công nghiệp phát triển đúng hướng. Giúp các doanh nghiệp tiếp cận, thực hiện
đúng các yêu cầu để được hưởng các ưu đãi đầu tư một cách đầy đủ nhất, đúng
theo quy định của Nhà nước.
3. Ban Quản lý các Khu công
nghiệp Tiền Giang
Tham mưu giúp Ban chỉ đạo xây dựng khu công nghiệp
Tân Hương có biện pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng để có thể tiếp nhận một số dự
án vào cuối năm 2006; chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở,
ngành có liên quan nghiên cứu, đề xuất lập thủ tục chuẩn bị đầu tư Khu công
nghiệp Tân Lập ở huyện Tân Phước.
4. Sở Tài chính
Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối nguồn
vốn ngân sách để hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng các cụm công nghiệp ở các
huyện, thành, thị và vốn xây dựng cơ bản phục vụ phát triển công nghiệp theo
quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh. Cân đối nguồn ngân sách tỉnh để bổ sung,
tăng nguồn Quỹ khuyến công qua từng năm nhằm tăng cường các hoạt động khuyến
công, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển sản xuất công nghiệp
của tỉnh.
5. Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn và Sở Thủy sản
Quy hoạch, triển khai xây dựng vùng nguyên liệu
phục vụ công nghiệp chế biến rau quả, lương thực, thủy sản; xây dựng qui trình
sản xuất an toàn, cung cấp cây, con giống nâng cao năng suất, chất lượng, hạ
giá thành sản phẩm phục vụ tốt công nghiệp chế biến. Phối hợp với Sở Công nghiệp
đầu tư, hỗ trợ phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn; gắn phát triển công
nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
6. Sở Khoa học và Công nghệ
Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu,
nhãn hiệu hàng hóa; áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng quốc tế, tham gia
Giải thưởng Chất lượng Việt Nam; ứng dụng công nghệ thông tin trong quan hệ mua
bán, quảng bá sản phẩm; hướng dẫn, hỗ trợ đối với một số dự án đổi mới công nghệ
trọng điểm theo lộ trình đổi mới công nghệ của tỉnh, hỗ trợ hợp lý hóa sản xuất
góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh trong quá trình hội
nhập kinh tế quốc tế. Hỗ trợ và ứng dụng các công nghệ mới để tạo ra vùng
nguyên liệu chế biến có chất lượng cao.
7. Sở Thương mại - Du lịch
Tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm,
tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển thị trường, tăng thị phần.
8. Các sở, ban, ngành khác
có liên quan
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện
công khai, rõ ràng trong thủ tục hành chính để tạo môi trường tốt cho thu hút đầu
tư. Tuyên truyền quán triệt trong công chức, viên chức, công nhân lao động về
vai trò, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển công nghiệp của tỉnh ta trong thời gian
tới.
9. Trường Đại học Tiền Giang
và Trường Dạy nghề Tiền Giang
Tổ chức điều tra nhu cầu đào tạo; lập đề án đào
tạo và nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, công nhân
kỹ thuật đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất công nghiệp theo hướng công nghiệp
hóa, hiện đại hóa ở địa phương, gắn với nhu cầu về trình độ, tay nghề cho từng
cơ sở, từng địa bàn. Liên hệ với các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nhu cầu tuyển
công nhân với số lượng lớn để hợp đồng thực hiện dịch vụ tuyển - đào tạo theo
yêu cầu - chuyển giao công nhân.
10. Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công
Chủ động tiếp xúc, kêu gọi doanh nghiệp trong và
ngoài tỉnh đến đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Phấn đấu
hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch về sản xuất công nghiệp do Ủy ban nhân
dân tỉnh giao trong từng năm. Cùng với các ngành tỉnh tháo gỡ các khó khăn, tạo
điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đến đầu tư.
Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các cụm
công nghiệp. Tích cực tìm kiếm đối tác, kêu gọi đầu tư để đảm bảo đủ điều kiện
triển khai xây dựng thành công ít nhất một cụm công nghiệp trên địa bàn cấp huyện.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở,
ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho và thị xã Gò Công
tổ chức quán triệt Chỉ thị này trong nội bộ và trong từng lĩnh vực, địa bàn phụ
trách, đồng thời, có kế hoạch, biện pháp cụ thể để thực hiện Chỉ thị này. Định
kỳ hàng tháng báo cáo kết quả thực hiện về Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở
Công nghiệp để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, chỉ đạo./.
Nơi nhận:
- VP Chính phủ;
- Bộ Công nghiệp;
- Ban Chỉ đạo TNB;
- TTTU, HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, TP, TX;
- LĐ VPUBND tỉnh, các PNC;
- Công báo tỉnh;
- Lưu: VT.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH
Nguyễn Hữu Chí
|